4.

Gần tới tết giữa năm, ngày nhà họ Kim tổ chức tiệc họp họ cũng sắp tới. Một hai năm đầu vì là con trai mới nhận lại tổ tiên nên Tích chỉ cần có mặt lạ được, nhưng mấy năm gần đây thì cậu cũng phải đứng ra tổ chức chung với hai anh mình.

Hai Kỳ bận công lên chuyện xuống vậy đó, nhưng cứ nhất định là nghỉ năm ngày đặng đi chung với cậu Hai nhỏ về Bạc Liêu. Dượng Trân cũng muốn đưa cô Ngọc với ba đứa nhỏ về chung, nhưng mà cô nói dượng muốn để mình cô đi là được rồi, nếu mà năm nay anh Hai của dượng vẫn ở trên Sài Gòn không về thì dượng còn phải đứng ra tiếp đãi khách khứa, con cái đề huề coi sao đặng. Dượng biết cô còn ý khác là muốn dượng tự do mấy hôm, thương cô lung lắm.

Tiệc họp họ thì cứ nhằm tết đoan ngọ mỗi năm mà làm. Nhà họ Kim cũng thưa người, chủ yếu là khách khứa làm ăn đến thêm đặng góp vui. Năm nay, nghe nói con gái ông bá Kiểng là tiểu thơ Lê Thị Quỳnh Giao cũng vừa từ Sài Gòn về, được đi cùng cha tới dự tiệc.

Ông Kiểng là đại phú hào một vùng, tài sản chỉ có ngang chứ không thua ông bá Kim, mà nói vậy thì tức là cũng không hơn. Từ lúc ông bá Kim mất, hai con trai của ông là cậu Hai Kim Minh Tông và cậu ba Kim Thạc Trân tự mở mối làm ăn, nhờ vậy mới biết tới ông. Hai Tông đã gần bốn mươi, tính ra thì biết ông bá Kiểng đã hơn chục năm. Cậu Ba Trân thì không giống anh hai xíu nào, chỉ thích phát triển truyền thống cha để lại là buôn muối, mấy lần ông Kiểng khuyên nên đầu tư đất đai trên Sài Gòn như anh mình thì cậu không nghe.

"Con yêu xứ Lục tỉnh này rồi chú. Ở đây có cha má con, có em con, có vợ con của con nữa, không đời nào con bỏ được."

Hai Kỳ cũng có biết ông Kiểng, ngày xưa ông từng là bạn qua lại làm ăn với ông Hội đồng, từ sau khi ông Hội đồng mất cũng ít qua lại.

Tạm gác chuyện làm ăn. Nhìn chung thì nhà ông bá Kim không ai mà không ưa Tích, ban đầu người ta có ngại, nhưng mà cuối cùng thì thấy cậu cũng như người bình thường mình, cũng chịu khó làm ăn, lễ phép gia giáo, đâm ra ghét không được. Huống hồ, cái người mà cưới Tích cũng coi như môn đăng hộ đối với nhà họ Kim.

Hai Kỳ luôn nắm tay Tích không buông, như ngầm khẳng định điều chi đó với tất cả mọi người đương có mặt. Tích đã sớm quên đi chuyện đêm nọ, lúc này chỉ biết được bàn tay đang đan vô tay mình ấm thế nào, vững chãi ra sao. Còn cái mùi kia, chắc cậu ngửi nhầm.

"Kìa ông Kiểng, vậy cô đây là?"

Trong đám đông đang nâng ly có người cất tiếng hỏi. Ông Kiểng cười, tự hào trả lời:

"Con gái tôi, nó tên là Quỳnh Giao, vừa học từ Sài Gòn về nên có hơi lạ nước lạ cái."

Quỳnh Giao lễ độ đứng dậy, cúi người. "Con không biết ăn nói, các bác các chú rộng lòng bỏ qua ạ."

Quỳnh Giao bận trên người bộ đầm màu hồng nhạt dài đến mắt cá chân, kín cổ dài tay. Nhìn qua giống mấy cô nữ sinh bên trời Tây, vừa sang trọng vừa lễ độ. Cô ngẩng đầu lên định ngồi xuống, tình cờ chạm mắt với Hai Kỳ.

Như một phép lịch sự, Hai Kỳ gật đầu.

Quỳnh Giao khẽ cười, hai mắt cô cong cong, lộ ra cặp lúm đồng tiền duyên dáng.

Trong đám tiệc lại có người lên tiếng:

"Con gái đẹp như vầy, nhiều mối muốn làm mai lắm đa."

"Thưa, con chưa ạ."

Cô bẽn lẽn cười, đôi má đỏ hồng như gấc chín.

"Đẹp như vầy thì phải làm chánh thất mới đặng nghen."

"Chánh hay thiếp sao quan trọng bằng mình thương ai chớ bác."

Tư tưởng con gái Sài Thành có khác đa. Người ta ưa nói đờn bà lòng dạ hẹp hòi, không chịu được kiếp chồng chung. Nhưng mà Quỳnh Giao khác lắm, chứ thử hỏi mấy bà vợ chung chồng khác coi, bà nào dám mở miệng nói một câu tui không ghen, tui không buồn đâu nà. Ai mà không muốn mình làm bà cả, nhưng cô gái đi học từ chốn đô thị như Quỳnh Giao mà nói được câu đó thì đáng quý lung lắm.

"Cha chả, ai có phước lắm mới lấy được con gái ông Kiểng đó đa."

Ông Kiểng cười hà hà, uống cạn một ly rượu.

Hai Kỳ với Tích nãy giờ tiếp rượu thay anh Trân mệt nghỉ, tại ảnh xỉn quá gục từ nãy, phải để cô Ngọc lôi vô buồng chăm sóc. Hai Kỳ uống được lắm, mấy chú ưng quá trời. Thỉnh thoảng Tích nhìn quanh coi sóc bữa tiệc, thấy cô Giao lâu lâu lại liếc nhìn Hai Kỳ, mà không chỉ một lần.



Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top