Chương II: Năm thuở mười thì.
Có những chiều như thế.
Mây xanh rũ sắc, buông mành trời thăm thẳm đong đưa.
Có gió len qua kẽ tóc tơ bay bay mượt mà, gió đìu hiu, lòng người bình lặng.
Khói bếp ven sông đã tan, hương cơm chiều đượm vị gạo mới vẫn vương chóp mũi.
Người người váy áo lụa là, cười cười nói nói, đẩy đưa hầu chuyện nhau về cậu kép hát giọng ngọt như mía lùi. Kẻ trích dăm ba cắc bạc lẻ mua bịch cóc, bịch ổi mắm đường nhai rôm rốp đỡ buồn miệng. Lũ trẻ ranh đầu ba giá hò hét đuổi bắt nhau ầm ỹ. Khoảng sân đình chiều nay rôm rả hơn ngày thường.
Nửa tiếng hơn là kéo màn mở đầu tuồng diễn. Sau phông màn chàm, lập lòe ánh đèn măng - sông, các đào kép hối hả điểm trang lại chút ít, mong chăng lát nữa lên diễn, có ông lớn quyền thế nào đó để mắt tới sẽ thoát khỏi cái cảnh rong ruổi mua vui này. Hiệu Tích quệt cọ vào hũ than tán nhuyễn, chuốt lên nét mày thanh thanh, miệng lầm rầm khấn vái ông cậu Cóc không đi náo trời đòi mưa. Cậu quay sang nhìn chị đào phụ, đoạn:
-Em đẹp không?
-Đẹp chứ, em đẹp mà, hỏi linh ta linh tinh gì đấy.-Chị nhướn mi chuốt một lớp dầu dừa bóng nhẫy lên.
-Đẹp hơn đào chánh chứ?
-Thằng nhỏ này, sao cứ gần diễn là hỏi ba cái tào lao bất giác thế, bình thường im lìm lắm mà, bị ám quẻ à? Hôm nào nói ông bầu mời thầy về cúng cho em.-Chị cau mày bứt rứt ra mặt.
-Nhưng em là con trai, sao lại đẹp?-Cậu lay lay chị.
-Ơ hay, em là kép chuyên sắm vai đào mà không khen em đẹp thì chị phải khen sao đây, tất nhiên là bình thường em cũng đẹp trai lắm. Thôi dẹp, không lảm nhảm với em nữa, sắp diễn rồi, duyệt lại đi.
Hiệu Tích rũ mắt, thở một hơi dài rồi đứng dậy đội tóc giả vào. Hôm nay diễn vở "Tô Ánh Nguyệt", cậu đảm đương vai chánh. Cha sanh mẹ đẻ là một thằng con trai, đứng trên sân khấu lại diễn nữ, diễn quá đạt, cũng không tránh khỏi dị nghị, nhưng ai bận lòng? Vì đoàn hát, vì ông bầu và người vợ quá cố của ông, vì cái tâm với nghề và trên tất cả, vì tiền. Tiền là tiên, là phật, có tiền, có danh, người ta muốn cũng không làm được gì mình.
Nói ra thì Hiệu Tích cũng chẳng phải là "mắt liễu mày cong" hay "đáy thắt lưng ong" gì cho cam, gương mặt cũng chỉ có nét duyên vừa mắt, dáng dấp gầy gò, cao lêu khêu đúng kiểu thanh niên những năm sau giải phóng, được cái trắng mởn do ít đi nắng, ăn nói điềm đạm, nhỏ nhẹ, giọng giả nữ ngọt nên diễn nữ không khó, thêm ít bột than, phấn hoa son thẫm tôn nét duyên thì không kém là bao các nàng đào nổi danh đương thời.
Ngoài sân đình, người đã kéo tới ngồi đủ hết ghế, các nhân công đoàn người thì loay hoay dựng phông bạt, xếp đạo cụ, kẻ chạy đôn chạy đáo hầu trà các ông to bà lớn kiếm chác chút đỉnh, tiếng nhao nhao rộn cả sân. Ông bầu Sang cười hớn hở, cứ liên tục gật gật vừa lòng.
Giờ diễn đã tới, tấm màn che sân khấu được kéo lên, mở hồi đầu vở diễn, các đào kép hát đến mùi mẫn, phía dưới đã có người ném phong bì lên, ý thưởng cho người hát, nhất là Hiệu Tích, mỗi khi đến đoạn của cậu, phía dưới hoàn toàn lặng đi, đăm đăm nhìn dáng hình trên sân khấu kia cùng câu ca não nùng, vài người không nhịn được khẽ sụt sùi lau nước mắt, phần vì cảm thông cho phận đời nàng Nguyệt, phần vì ứa nước mắt trước giọng hát nghẹn ngào, thê lương trên sân khấu.
Hiệu Tích đang diễn đến xuất thần, lúc đảo mắt xuống, thì thấy phía phải gần sân khấu một cậu trai nhìn quen quen, vận com-plê phẳng phiu, ngẩn người ngồi nhìn Hiệu Tích, Cậu cũng lơ đi, diễn cho đến hạ màn. Khán giả lần lượt ra về, tấm tắc khen, đoàn hát về Bạc Liêu thì có nhiều, nhưng đoàn Quỳnh Hoa là đoàn làm cho nhiều người thấy hay, thấy đồng cảm với nhân vật trong tuồng nhất.
Đào kép chánh phụ đồng loạt thở phù một hơi dài, rốt cuộc cũng suôn sẻ, ai nấy mừng thầm tối nay khỏi phải gặm khoai mì đi ngủ nữa. Riêng Hiệu Tích thì ngó nghiêng ngó dọc tìm cậu trai trẻ ban nãy. Diễn xong mới ngớ người nhớ ra là cậu nhà giàu ban trưa, mình chỉ nói đùa mà người ta đến thật, cũng nên đi cảm ơn cho phải phép. Ngó một hồi mới thấy người ta đang đứng dậy chuẩn bị về, cậu lật đật bước tới trước mặt người kia, nhẹ giọng:
-Cảm ơn cậu đây đã đến nghe tôi hát mua vui.
Người kia nhìn có vẻ ngài ngại, lúng túng lên tiếng:
-Chuyện khi trưa cảm ơn cậu, à, ừ, cậu hát hay lắm.
Hiệu Tích cười cười, đáp gọn:
-Cảm ơn, hay thì lần sau lại đến, cậu về đi, trời xẩm tối rồi.
Nói xong cũng gật nhẹ đầu với người ta rồi xoay người đi về phía đám người trong đoàn.
-Anh đi tẽn tò với ai? Anh Tích?-Có giọng của cậu thanh niên tuấn tú, trong giọng mang tí hằn học dỗi hờn.
-Gì đấy, tự dưng sao lừ mắt lườm anh, Điền Chính Quốc, anh đi cảm ơn khán giả.
-Gọi em là Quốc, không có Điền Chính Quốc gì hết trơn á, rườm rà muốn chết.
Thầy đờn cò của đoàn lại giở giọng giận lẫy với cậu kép chính, Điền Chính Quốc là thầy đờn trẻ măng, trẻ nhất đoàn, theo đoàn hơn bảy năm.
_______________________________________________
(*)Tô Ánh Nguyệt:
Tô Ánh Nguyệt là tác phẩm nổi tiếng của soạn giả Trần Hữu Trang soạn khoảng năm 1935-1936 . Tác phẩm gắn liền với tên tuổi của nhiều nghệ sĩ cải lương với vai chính là Tô Ánh Nguyệt .
(*) Đèn măng-sông:Đèn măng-sông hay măng-xông (phiên âm từ Manchon) là loại đèn được thắp bằng hay , ngọn đèn có chụp măng sông, rất sáng, đèn có lõi là một ống được tết bằng sợi có thấm một thứ , úp lên ngọn để làm tăng sức sáng, từ măng-sông vì phát âm theo tiếng Pháp "manchon". Manchon là cái lưới bằng chỉ cô-ton có tẩm loại hoá chất đặc biệt, khi cháy phát ra ánh sáng trắng tự nhiên (full spectrum). Đèn có quay treo để máng lên xà nhà hay để trên bàn. Đây được coi là phát minh quan trọng nhất trong lịch sử của hải đăng.
Nguồn: Wikipeidia
Tớ viết cái đống này trong một đêm với cảm hứng từ một bức ảnh duy nhất, tớ thật kỳ diệu.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top