Chương I: Có con oanh vàng bên hiên.
Lần này về Bạc Liêu, cốt yếu cả đoàn mong sẽ ăn nên làm ra ở mảnh đất tấp nập này, từ đầu hai tháng trước, lương của nhân công đoàn đã ngừng phát. Ông bầu Sang rầu rĩ, cứ tầm này, giải tán đoàn chỉ là chuyện sớm muộn. Tháng bảy ông trời đâu xót người, nắng vẫn nắng bén cháy đỉnh đầu, tan tầm lại rào rào tuôn mưa. Mấy bận đã dọn sân khấu, ghế sắp đều khoảng sân ủy ban thì giã ào xuống đám mưa như xối dai dẳng đến tờ mờ sáng hôm sau, cả đoàn lại lúi húi dầm dề dọn đồ dưới mưa. Những ngày như thế, đoàn hát gặm khoai mì thay cơm.
Ngồi trong xe xốc nảy suốt mấy tiếng, vừa đến địa phận Bạc Liêu, ông bầu đã í ới gọi thằng phu xe tìm chỗ dừng, ra ngoài rít điếu thuốc cho thoáng. Qua làn khói thuốc bàng bạc, ông ngó vào xe qua lớp cửa kính, cậu thanh niên bình thản ngồi lẩm nhẩm lời ca, đưa mắt miên man về phía rặng lúa xanh mơn ngút ngàn, thoáng gợn sóng theo gió. Ông lo nhất là thằng bé này, nó mảnh mai lại trắng như đàn bà thị thành, điềm đạm lại cố chấp, mấy lần khuyên nó rời đoàn xin vào nhà hát lớn đi, tài hoa như nó chắc chắn được nhận, nhỡ một ngày tan đoàn, tướng tá nó thế, các xưởng nhân công chắc gì nhận, những lần ông khuyên, nó đều lẳng lặng lắc đầu. Ngày vợ ông còn tại thế, bà thương nó nhất đoàn, đến lúc lìa trần bà vẫn dặn ông coi sóc nó, bà bảo, bà thương thằng nhỏ như con ruột.
Nhớ dạo khi mới vào đoàn, nó chỉ là thằng cu tí loắt choắt tầm bảy, tám tuổi, e dè nép sau má ruột nó, nhà túng thiếu lắm rồi, tía nó lại bệnh liệt nằm nhà, không tiền chạy chữa, má nó cắn răng bán thằng con một làm chạy vặt cho đoàn. Má về, bỏ thằng nhỏ lại, nó không khóc, khập khiễng bước vào ngôi nhà lúc đó đoàn đang thuê. Từ dạo đó, ai sai gì làm nấy, thằng nhỏ chẳng nề hà than vãn gì.
Một ngày nó xin ông cho nó làm kép hát phụ, ông cười nó làm gì biết hát, biết diễn. Mím môi nó mở miệng hát đoạn Bích Vân công chúa trong vở "Bên cầu dệt lụa", ông ngỡ ngàng, nó hát hay quá, giọng nó cao lại nghẹn đắng thê lương của kẻ bẽ bàng trong ái tình, nó dùng giọng giả thanh, y như cái giọng ngọt lịm, mùi mẫn của các cô đào đương thời.
Mười hai năm theo đoàn đi tứ xứ, đào kép có cũ có mới, nó là kép theo đoàn lâu nhất, từ thằng nhóc sai vặt thành kép chính của đoàn, cái tài hát giọng nữ mang danh nó đi xa. Kép chính của đoàn hát lưu động Quỳnh Hoa, Trịnh Hiệu Tích.
Mải mê đuổi theo những hồi ức mênh mang cho đến khi phu xe gọi ông, ông bảo vào nội thành tìm chỗ trọ đi. Cả đoàn ai cũng mệt lử rồi. Trời trưa nắng gắt, hun đỏ mặt mày người qua kẻ lại, mồ hôi nhếch nhác cả người. Oi ả ngày hạ làm con người ta gắt gỏng, cáu bẩn, ông bầu Sang cầm khăn lạnh thấm mồ hôi, cất giọng khàn khàn của tuổi năm mươi hai đứng bóng, bảo mọi người đi dán áp phích, phát tờ rơi, hy vọng chiều nay suôn sẻ. Ông đứng lên thắp hương van vái Tổ nghiệp trong hòm thờ trên nóc tủ, miệng lầm rầm cầu khấn cho Tổ độ chiều nay đông người xem, tiền vé cũng đỡ đần phần nào chuyện cơm nước của đoàn.
Hiệu Tích cũng đi phát tờ rơi với mọi người, nụ cười mỉm duyên góp phần làm vơi bớt xấp tờ rơi trên tay cậu trai trẻ. Thơ thẩn khắp đường này nẻo nọ, cậu tấp vào hàng nước bên hè, ngồi nhâm nhi ly đen đá. Lòng đường ồn ã hơn hẳn ban nãy, tiếng anh chủ hàng bún lớn đối diện cậu sang sảng:
_Này cậu Kỳ, con nhà thế gia mà có mỗi năm đồng cũng không đủ là cớ làm sao, cậu tính ăn quỵt hở cậu?
À, ra là có người ăn không trả tiền, cậu Kỳ, con nhà lắm của à? Nghĩ thế, Hiệu Tích lia mắt nhìn người đứng trước mặt anh chủ hàng bún xem dáng dấp ra làm sao. Là một người trẻ, chắc tầm tuổi cậu, bộ com-plê xám phẳng phiu nhìn là biết chẳng rẻ rúng gì, khuôn mặt ưa nhìn, gọi là đẹp đi, mắt nhỏ môi cũng nhỏ nốt, mũi thẳng, cả khuôn mặt có nét duyên thu hút. Cậu bật cười, đương không lại đánh giá mặt mũi người dưng, nhưng cái người đang bối rối, tay lục túi áo trái rồi phải làm cậu thấy tội tội, chưa nghĩ đã bước sang đường vào hàng bún, cất tiếng nói với anh chủ:
_Ơi anh, hay để tôi trả giúp cậu đây, thiếu bao nhiêu thế ạ?
Và thế cậu trả giúp cậu nhà trông có vẻ giàu nọ số tiền ăn bún. Sao lạ thế nhỉ? bình thường cậu đâu tốt tính thế, thậm chí là kẻ kiệt sỉ, giờ giúp người chẳng quen chẳng biết trả tiền, cậu điên à? Nghĩ lại nghĩ, thôi thì coi như bản thân làm việc thiện tích đức đi. quay lại nhìn người mình giúp, cậu cười cười, định bụng đi về, chiều muộn còn diễn nữa, chợt người nọ e dè lên tiếng:
_Này cậu gì ơi, cảm ơn, khi nãy tôi mua nhiều thứ quá, lúc ăn bún mới phát hiện không đủ tiền trả, cậu giúp tôi rồi, hay cậu đợi đây, tôi gọi người về lấy tiền trả cậu?
Người đâu lịch thiệp, tốt tính thế nhở, Hiệu Tích cười, giọng dìu dịu:
_Không cần đâu anh ơi, cũng chỉ là tô bún riêu, chẳng nhiều nhặng gì.
Người ta lại nhất quyết đòi trả cho cậu, buột miệng:
_Anh muốn cảm ơn tôi ấy à? Vậy chiều nay đến xem tôi diễn đi, đoàn hát Quỳnh Hoa về đây đấy.
Cũng là buột miệng thôi, Hiệu Tích cũng chẳng để tâm, vội vàng quay bước về giúp việc lặt vặt cho đoàn trước giờ diễn.
______________________________________
*Bên cầu dệt lụa: là một tuồng kinh điển của , được công diễn lần đầu vào năm , do soạn giả sáng tác kịch bản. Vở diễn đã nói lên lòng chung thủy của tiểu thư Quỳnh Nga và Trần Minh. Bên cầu dệt lụa có nội dung thật đơn sơ, mộc mạc như , đề cao nhân nghĩa ở đời, , tình bằng hữu, nghĩa thủy chung.
Nguyên tác vở cải lương dựa trên tích "Trần Minh khố chuối" trong truyện cổ dân gian Việt Nam. Trước năm , khoảng thập niên 1960, soạn giả Thanh Cao dựa vào cốt truyện này, đã soạn thành một vở tuồng hát trên sân khấu Tiếng Chuông. 2 soạn giả - cũng dùng cốt truyện này soạn thành vở tuồng đề tựa là "Quán gấm đầu làng", hát trên sân khấu Bích Sơn - Ngọc An. Tuy nhiên, phiên bản nổi tiếng nhất là do soạn giả Thế Châu sáng tác và được trình diễn năm 1976, bởi đoàn cải lương Thanh Minh
_Wikipedia_
Tớ sẽ dùng khá nhiều từ địa phương nên không đúng chính tả là chuyện thường, và đây là những năm sau giải phóng, vật giá không đắt đỏ như bây giờ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top