Chương 4: Tạm biệt em

Ngày tôi đi, hầu hết những người dân làng đáng mến đều đến. Chỉ có Chính Quốc là chưa thấy đâu. Tôi đã chuẩn bị xong lời tạm biệt rồi, chỉ chờ để nói với em thôi. Nhưng em đã không đến.

- Chú Điền, Chính Quốc đâu rồi chú?
- Nó chạy đi từ sáng sớm rồi, chẳng biết đi đâu. Thím Hai đang đi tìm nó đây. Con sắp phải đi mà nó cứ chạy đi những đâu đâu vậy hà...

Đúng, chỉ còn vài chục phút nữa là tôi đi rồi. Quốc của tôi có về kịp được không?

Hay là em không về?

Tôi thấy cả đứa nhỏ hôm bữa cười cợt trêu chọc Quốc. Lũ trẻ hôm nay được nghỉ, vì ba phải đưa tôi đi. Tôi gọi nó lại. Nó cũng ngập ngừng tiến tới, hình như nó còn sợ tôi.

- Hôm trước cho anh xin lỗi, anh có hơi nóng tính. Anh đi rồi, có gì giúp đỡ Chính Quốc giùm anh.

Thằng bé gật đầu. Mặt đượm chút buồn, nó ôm lấy tôi, thật nhanh, rồi quay ngoắt mặt chạy đi, bỏ lại tôi tiếp chuyện với các bác, các chú.

Tiếng chim hót hôm nay sao vang thế? Như đang cố gửi lời tâm sự.

Tôi đứng dậy, không dứt khoát. Dường như vẫn còn lưu luyến. Cái căn nhà tôi sống chục năm nay, góc vườn nhỏ tôi mới trồng chút hoa dại, bao nhiêu những thứ kỉ niệm len lỏi khắp nơi. Chúng lẩn trốn trong từng góc nhà, lang thang vảng vất trên những con đường đất đỏ làng quê, bay bổng trên những cánh đồng thơm nhẹ mùi lúa, róc rách chạy theo những dòng suối, dòng sông.  Chúng còn trú ngụ trong những căn lều sụp, những mái nhà tranh, trong cả những đứa trẻ tóc cháy nắng, chân không giày. Những kỉ niệm ấy vẫn cứ ở đó, còn tôi, như một kẻ bội bạc, sắp phải bỏ chúng mà đi.

Tôi sải bước trên đường làng. Ba dẫn tôi ra bến ghe. Từng bước chân tôi khi ấy nặng trĩu, dù hành lý tôi mang không nhiều. Tôi vứt bỏ mọi thứ lại, liệu có đúng hay chăng? Nhưng đây là cơ hội, chỉ có một lần trong đời tôi. Như những cánh hoa dại ấy, cuộc sống nay đây mai đó, tôi phải mạnh mẽ lên, phóng khoáng lên, nhưng cũng phải uyển chuyển, khôn ngoan.

Tiếng khua nước của bác chủ ghe vang lên, như thúc giục ba con tôi.

- Cảm ơn các chú bác, các dì, các thím, các anh chị, và cả mấy đứa nữa, tất nhiên. Con phải đi rồi.

Đúng. Tôi phải đi rồi. Và Chính Quốc thì vẫn chẳng thấy đâu.

Ba con tôi lướt đi trong im lặng. Ngồi trên chiếc ghe, xuôi theo chiều dòng nước, theo tiếng chèo ghe vang lên đều đều, lòng tôi chùng hẳn xuống. Cuối cùng tôi còn không thể tạm biệt được em. Có lỗi lắm, day dứt lắm, nhưng có thế nào đi nữa thì tôi vẫn cứ phải đi thôi. Tôi đã tự hứa với lòng mình rồi. Ngước nhìn bầu trời xanh ngắt, tôi lại nghĩ đến đôi mắt em. Cũng trong vắt, cũng sáng ngời, cũng xa xăm, sâu hun hút và cũng làm tôi đăm chiêu.

- Anh Kì!!!!!!!

Là Chính Quốc. Tôi vội ngoái đầu lại, nhưng nó chỉ là những âm thanh vô hình. Chúng vang lên trong không trung, trong bầu trời, đánh tan tĩnh lặng ban trưa. Không thấy em. Rốt cuộc em đã đi đâu vậy Quốc ơi?

- Anh Kì!!!!!

Tiếng em lại vang lên, như muốn xé tan ruột gan tôi. Lần này em hét to hơn, có cả những tiếng nấc, tiếng khóc lớn. Tại sao tôi lại không nói cho em biết trước? Để em có thể thấy tôi trước khi đi? Để tôi có thể tạm biệt em? Tôi không thể dừng bước, lại càng không thể quay đầu. Em ở khá gần tôi, tôi chưa đi xa đâu, tôi biết, nhưng tôi không được quay lại. Đã quá muộn rồi.

Nếu tôi đã nói cho em rằng tôi phải đi, liệu em có phải khổ sở vậy không? Hay liệu tôi có phải khổ sở vậy không?

Nếu tôi đã nói, liệu tôi có thể tạm biệt em?

Nếu như...

Nếu...

.

.

.
Lời tạm biệt này, em đã chẳng thể nghe.

Trớ trêu, lời tôi nên nói với em lại chẳng phải lời tạm biệt.

Tôi đi, không biết khi nào mới được trở về.
.

.

.

Lặng lẽ nhìn từng tán lá xanh mướt bên bờ sông, như muốn gửi gắm lời thương. Tôi đã rời quê như vậy đấy.

Tôi rời quê trong sự lưu luyến.

Tôi rời làng xóm láng giềng trong sự gửi gắm, trong hy vọng.

Tôi rời gia đình trong tình phụ tử, tình bà cháu.

Còn tôi rời em, trong sự bất lực.

Lại ngắm nhìn bầu trời hôm ấy. Nhởn nhơ như chẳng có chuyện gì xảy ra. Như ngày thường. Xa tít. Mà cũng trong veo. Tôi lại nghĩ đến đôi mắt kì diệu ấy. Có lẽ nào, sau này tôi sẽ phải quên nó đi? Không, không được, tôi quên nó, tức là quên đi chính tôi.

.

.

.

.

.

Tôi lên tàu, sau khi chia tay ba, theo cách chững chạc hơn là khóc lóc như những cô gái tiễn người đi xa ở bến tàu. Vậy là hết. Được đi thì hạnh phúc thật đấy, nhưng màn chào tạm biệt làm tôi khổ quá.

Vừa lướt đi trong tiếng hụ inh ỏi có thể khiến bất cứ ai choáng váng, ù tai trước khi đón nhận cơn say kinh khủng sắp ập tới của chiếc tàu lớn, tôi vừa ngẫm nghĩ. Chúng ta chào tạm biệt quá nhiều lần. Có thể chào như vậy, hôm sau lại gặp nhau. Cũng có thể là ngày kia, là tuần sau, tháng sau, hay lâu hơn là cả năm sau. Mà tệ hơn, là lời tạm biệt chỉ đang trốn tránh số phận, chạy ra khỏi miệng thay cho lời vĩnh viễn chia xa. Có lẽ khi tôi quay về sẽ thiếu đi mất một vài người hôm nay tôi gặp. Người dân quê tôi đang sống trong cái nhịp sống hăng say mà bình dị. Họ vẫn cấy, vẫn cày. Nhưng ở phía Nam dưới kia vẫn còn tiếng súng, tiếng bom mìn. Chẳng ai có thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra. Kể cả tôi cũng thế. Ai mà biết được điều gì sẽ xảy đến với tôi?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top