Chương 2: Tại sao hở anh?

Tôi đọc thông viết thạo chữ Quốc ngữ nên ba bắt đầu dạy tôi tiếng Pháp. Phải nói là nó khó thật, khó hơn chữ Quốc ngữ nhiều. Tôi hỏi ba tại sao nó khó, ba bảo: "Vì Doãn Kì của ba đi chơi với Quốc, nói tiếng ta nhiều, lâu ngày nó quen."

Tôi đi chơi với Quốc nhiều thật. Tôi trông em được cho chú Điền với thím Hai, cả hai người đều bận chuyện đồng áng, cũng muốn thím dành nhiều thời gian học chữ hơn, "sau này đỡ khổ".

Lúc tôi học chữ Pháp là lúc Chính Quốc lên bốn. Ở cái tuổi trẻ con như thế, cái gì nó cũng hỏi. Nó hỏi sao dòng sông kia lại dài thế, nó hỏi sao anh lại biết đọc chữ. Tôi cũng trả lời một cách đơn giản cho nó. Nhưng một hôm nó hỏi tôi:

- Sao ba chỉ có ba ngón tay hở anh?

Hồi trước, ba tôi kể chú Điền đi đánh giặc mà mất đi hai ngón tay, lúc ấy tôi ngồi thu lu trong góc vì sợ. Tôi không muốn Quốc nghe những điều đáng sợ như thế, tôi không muốn nó khóc. Thế nhưng tôi cũng không biết phải nói thế nào nên đưa nó đến chỗ ba tôi.

- Ba của Quốc ấy à, ngày trước hay đi đánh nhau, nên bị bà tiên phạt mất hai ngón tay. Quốc phải ngoan không được đánh nhau nghe chưa?
- Thế ba Quốc bị vậy rồi có cầm bút được không?
- Ba con còn biết vẽ cơ, ba con vẽ đẹp lắm.

- Anh Kì ơi?
- Sao?
- Tại sao anh lại thích đi chơi với em hở anh?

Tôi muốn nói vì em rất kì lạ, em hút lấy được cái tâm trí vốn đã trống rỗng của tôi bằng một cách rất đặc biệt.

Hay hơn thế nữa, đôi mắt em đủ sâu để làm tôi lạc lối trong đó.

Đôi mắt em biết nói, biết hát, biết vui buồn. Và khi em lớn lên, có lẽ nó sẽ còn biết tâm sự.

- Anh ơi, tại sao hở anh?

Tiếng hỏi của em kéo tôi lại với thực tại, cộng với cái lắc tay đã kéo tôi ra khỏi đôi mắt hút hồn ấy.

- Vì Quốc rất ngoan. Những đứa bé hư, anh không chơi cùng.

Tôi học tiếng Pháp lâu hơn chữ Quốc ngữ. Đến năm mười tuổi, tôi được ba dạy cho thêm tiếng Nga. Ba khen tôi học tiếng tốt, sau này đi nhiều, học nhiều cho mở mang tầm mắt. Cũng vì vậy mà ba vừa dạy tiếng Pháp, vừa dạy tiếng Nga cho tôi. Tôi cũng thích học ngoại ngữ, cảm giác như nghe thấy tiếng từng nước là có thể thấy một bầu trời rộng hơn, lớn hơn trước mắt.

Nhưng không vì thế mà tôi quên mất rằng vẫn có những bầu trời nhỏ bé bên tôi, cùng tôi lớn lên.

Em có biết chăng, em chính là một trong số đó. Điền Chính Quốc, mắt em còn có cả một bầu trời.

Tôi học tiếng Nga, còn Chính Quốc bấy giờ mới được mặc sơ mi nhỏ đi học, giống như tôi vài năm trước. Chỉ khác là chẳng có đứa bé nào mắt ầng ậc nước không cho nó đi học nữa.

Lớp ba tôi mở chỉ để học chữ Quốc ngữ. Tôi học xong chữ rồi thì ở nhà ba dạy tiếng nước ngoài, dạy các môn khác, rồi thì giúp nội chăm nhà, quét tước, dọn dẹp.

Ba tôi quy định trẻ con học ban sáng, chiều tối người lớn ai muốn học thì đến học, hoặc chiều tối bận quá thì ban sáng đến nghe, cùng đám trẻ. Giữa hai cái giờ đấy, thỉnh thoảng tôi cũng ôm sách đến chỗ ba học.

Chính Quốc đi học thấy nhiều người mà chẳng thấy tôi đâu, đi về nó chạy thẳng vào nhà tôi mà hỏi:

- Sao anh Kì không đi học nữa hở anh? Có cả người lớn đi học cơ mà? Anh Kì đã lớn như thế đâu?
- Anh Kì học xong chữ rồi. Anh Kì học chăm nên biết chữ nhanh.

Em vẫn cứ hay hỏi. Em vẫn cứ quấn quýt bên tôi.

Quốc học chữ lâu hơn tôi. Và cũng nghịch hơn tôi. Ba tôi kể Quốc chẳng bao giờ chịu ngồi yên, chỉ thích chạy lung tung. Bữa đó tôi đang đi trên đường đến lớp của ba thì nghe một tiếng hét chói tai phía bờ sông.

Là giọng của Chính Quốc!

Không biết làm sao mà tôi thấy em chới với giữa dòng sông. Khi người lớn chạy ra thì tôi đã kịp vứt sách ra nhảy ùm xuống rồi. Thằng bé lả đi rồi hay sao ấy, tôi quờ được tay em nhưng em chỉ kịp vồ lấy tôi một lần. Ba tôi kể người sắp chết đuối mà thấy ai đến cứu là vồ lấy để cố ngoi lên, cố hít được không khí, có thể dìm người đến cứu xuống, làm cho người cứu nguy hiểm.

Nhưng tôi nào có nghĩ đến. Tôi chỉ lo cho em.

Tôi kéo được em lên thì ba tôi và chú Điền cũng đến. Mặt em tái nhợt đi. Ba tôi không để ai bế xốc em lên mà dốc ngược cho nước chảy ra như người ta thường làm. Ba "sơ cấp cứu" cho em. Rồi em tỉnh lại trong cơn mê. Người ta đưa em về nhà tôi cho ba tiện để ý. Thời ấy người làng mình còn lạc hậu. Ba cũng muốn dạy những thứ ba thấy được, ba học được ở xứ Tây, nhưng nào có được. Chữ viết họ còn chưa sõi được kia. Cũng vì miếng ăn cả.

Em chỉ hai ngày là khoẻ lại. Nhưng tôi thì khác, tôi ốm mất hơn một tuần. Nội nói tôi bị cảm lạnh, người ướt chèm nhẹp từ dưới sông lên mà không về thay đồ ngay. Nước ngấm vào người, lúc ấy chưa thấy gì, nhưng về đến nhà người tôi lả đi.

Tôi mở mắt ra thì thấy sắc mặt em đã hồng hào trở lại. Hình như đôi mắt em vẫn cứ long lanh, vẫn cứ hồn nhiên tươi sáng.

- Tại sao anh Kì lại cứu em hở anh?

Vì em là một phần trong cuộc sống của đứa trẻ mười tuổi tôi rồi. Tôi có cảm giác, thiếu em tôi không sống nổi.

Em có hiểu tiếng lòng tôi không?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top