Tâm trạng Chí Phèo khi bị Thị Nở cự tuyệt và giết Bá Kiến
Balzac nói: "Nhà văn là người thi kí trung thành của thời đại". Tác phẩm sẽ không thể sống nếu nó xa rời thực tại và mãi chạy đi kiếm tìm những điều viển vông ở đâu đâu. Nếu nói về "người thư kí trung thành của thời đại" mẫu mực thì không thể nào bỏ qua nhà văn Nam Cao với những tác phẩm đi sâu khai thác hiện thực. Ông luôn quan niệm không thể "chỉ tả được cái bề ngoài của xã hội", người sáng tác cần chạm đến những cảnh đời ẩn giấu sau những áp bức, bóc lột, hành hạ; đồng thời vạch trần những xấu xa, ác độc trong xã hội từ đó cải thiện cuộc sống theo hướng tốt đẹp hơn. Tác phẩm Chí Phèo có thể nói là tác phẩm dại diện cho trường phái văn học hiện thực mà Nam Cao theo đuổi. Trong đó, diễn biến tâm trạng của Chí Phèo sau khi bị Thị Nở từ chối đến lúc Chí kết thúc đời mình đã đẩy mạch truyện lên cao trào và để cho người đọc những rung động, ngậm ngùi kể cả sau khi trang sách cuối cùng được gấp lại.
Ngòi bút hiện thực của ông sắc sảo nhưng không kém phần trữ tình và khái quát được những triết lý sâu xa. Nam Cao khai thác hai đề tài chính là người nông dân và người trí thức nghèo trước Cách mạng. Ông có xu hướng viết về cái nghèo, cái đói, vấn nạn "áo cơm ghì sát đất" nặng nề của những con người khổ cực đương thời. Nhà văn cũng có sở trường trong việc miêu tả tâm lí, do vậy, dù khai thác các đề tài đã cũ nhưng Nam Cao vẫn làm nên được chất riêng của mình giữa một khu vườn văn học đã nhiều hoa đủ quả. Tác phẩm "Chí Phèo", sáng tác năm 1941, có thể coi là một trong những vầng sáng chói lọi nhất trong sự nghiệp văn học của Nam Cao. Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của "con quỷ dữ làng Vũ Đại" – Chí Phèo, khắc họa hoàn cảnh tối tăm của người nông dân trước Cách mạng. Chí từ một con người lương thiện nhưng bị bá Kiến gian ác đẩy vào tù rồi biến hắn trở thành tay sai đi rạch mặt ăn vạ. Kể từ lúc ra tù, Chí dường như chưa bao giờ tỉnh ngộ, chỉ khi gặp được Thị Nở, với bát cháo hành "còn nóng nguyên" Chí mới thức tỉnh trở về với bản nguyên lương thiện của mình. Tuy nhiên, niềm hạnh phúc kéo dài không lâu, Chí Phèo lại rơi vào bi kịch bị Thị Nở từ chối; hắn đến nhà Bá Kiến đòi lương thiện rồi chết trong vũng máu tươi, kết thúc cuộc đời bi kịch của mình. Những con người lương thiện như Chí bị ép vào đường cùng, không thể nào phản kháng trước thế lực thực dân – phong kiến. Họ rơi vào thế "một cổ hai tròng", bị tha hóa đến mất cả nhân hình lẫn nhân tính, rơi vào những bi kịch kinh hoàng nhất của một con người. Nhưng dẫu rơi vào tình cảnh bế tắc, trong họ vẫn còn sót lại tính người, vẫn luôn hiện diện khao khát làm người lương thiện.
Từ khi sinh ra, Chí Phèo đã không hạnh phúc: không biết mặt cha mẹ, không biết rốt cục mình sinh ra trên đời này có ý nghĩa gì,... Trước đây hắn cũng từng là người lương thiện nhưng chính nhà tù thực dân đã biến hắn trở thành một con quỷ dữ, khiến hắn trở thành một kẻ say không bao giờ thấy tỉnh. Cứ ngỡ hắn sẽ luẩn quẩn trong hơi men, với con đường rạch mặt ăn vạ rồi bỏ mạng trong bụi rậm nào đó sau những trận "đâm thuê chém mướn" hoặc sau những trận say bí tỉ. Nhưng có một người đã đến cứu rỗi cuộc đời hắn, cho hắn thức tỉnh, cho hắn niềm tin quay về con đường lương thiện. Đó là Thị Nở, thị xuất hiện như một cầu nối cho Chí và thế giới, trở thành nhịp cầu đưa con quỷ dữ sống lay lắt trở về anh canh điền lúc xưa.
Cứ ngỡ từ dạo gặp thị, Chí sẽ an ổn mà sống, an ổn trở thành một con người lương thiện, hai người sẽ sống cuộc sống "chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải" như hắn từng mơ ước. Thế nhưng, hạnh phúc chưa bao lâu thì Chí lại rơi vào bế tắc khi Thị Nở từ chối hắn theo lời bà cô của thị. Những niềm vui, những cảm xúc vỡ òa trước kia của Chí bị lời từ chối của thị dập tắt một cách không thương tiếc. Chí thất vọng, đau đớn ê chề, "nghĩ ngợi tí rồi hình như hiểu", "hắn bỗng nhiên ngẩn người", "thoảng một cái hồn hắn như hít lấy hơi cháo hành" rồi "ngẩng mặt không nói gì". Hắn ngẩn ngơ, mọi việc xảy ra nhanh quá! Hắn tưởng mình có thể lấy lại được lương thiện một lần nữa; nhưng hình như không được rồi. Bà cô của thị – đại diện cho người dân làng Vũ Đại và những định kiến làng xã lúc bấy giờ không thể chấp nhận cho thị cưới một kẻ đã phá tan hạnh phúc của gia đình người khác; đồng thời không cho Chí cơ hội làm lại cuộc đời. Chí níu kéo thị, Chí "đuổi theo và nắm tay thị" như một lời van xin cuối cùng; vậy mà, tất cả đều vô vọng. "Thị gạt tay hắn ra, lại giúi thêm cho một cái. Hắn lăn khèo xuống sân". Thôi mất hết, mất thật rồi! Sự dứt khoát của thị đánh dấu cho cái tình yêu, cái hi vọng của Chí tan thành mây khói. Cánh của vừa được mở ra lại sập xuống, tối đen, đóng im lìm, đau đớn. Trước tình cảnh bi đát của mình, Chí đau đớn, tuyệt vọng, trong hắn bây giờ ngoài nỗi phẫn uất ra không biết còn lại điều gì. Hắn về nhà uống rượu, "phải uống thêm chai nữa", "phải uống thật say" như để chạy trốn chính mình, chạy trốn hiện thực đau đớn và tàn khốc. Nhưng quái lại, hắn "càng uống càng tỉnh ra", "Tỉnh ra, chao ôi, buồn". Khi nhân tính trở về, hắn đâu thể chìm đắm trong hơi men như trước kia được nữa. Người ta nói: "Rút dao chém nước, nước càng chảy/ Nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm". Con người tìm rượu với mong muốn quên đi đau đớn, nhưng oái oăm thay, càng uống lại càng tỉnh, càng thấm thía nỗi đau, càng phải đối diện trực tiếp với bi kịch của mình. "Hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành. Hắn ôm mặt khóc rưng rức". Hơi cháo hành hiện về, ám ảnh quấn lấy hắn, khiến cho hắn không thể nào không rơi nước mắt. Giọt nước mắt – "tấm kính biến hình vũ trụ", lần đầu trong tác phẩm, hắn khóc một cách rõ ràng. Giọt nước mắt – biểu hiện của nhân tính đang trỗi dậy trong con người Chí Phèo, khẳng định bản chất tốt đẹp của anh canh điền năm xưa vốn không hề bị mất đi. Nhưng đau đớn quá, con người vừa tìm lại bản chất của mình lại bị đẩy vào hầm tối, vào bi kịch cự tuyệt quyền được làm một con người.
Tình yêu cứu rỗi con người, nhưng dường như nó không đủ sức mạnh để bảo vệ con người khỏi những định kiến đã bám rễ, ăn sâu trong tâm trí dân làng Vũ Đại. Không ai chấp nhận cho Chí có được lương thiện, không ai đồng ý, không ai tin con quỷ dữ sẽ hóa thành một người dân bình thường. Bát cháo hành trước kia là phép màu đưa Chí khỏi con đường tội lỗi nhưng cũng chính là điểm khơi mào cho những bi kịch về sau này. Hơi cháo hành khiến mắt hắn "ươn ướt" trước kia bây giờ cũng làm hắn "rưng rức" đau khổ. Từ bi kịch của thân phận, Chí bị đẩy đến bi kịch về tinh thần. Chính vì vậy, Chí muốn tìm Thị Nở tính sổ, muốn "đâm chết cả nhà nó, đâm chết cái con khọm già nhà nó", nhưng với "con dao ở thắt lưng", Chí không đến nhà thị mà lao đến nhà Bá Kiến – ngọn ngành của những bi kịch xảy ra trong đời hắn. Lần thứ ba trong tác phẩm, Chí đến nhà Bá Kiến, đây cũng chính là cao trào của mạch truyện và giải quyết xung đột đến đỉnh điểm. Người ta nói Chí say, nhưng kì thực giờ phút hắn đến nhà Bá Kiến có lẽ là thời khắc hắn tỉnh tảo nhất. Lời thoại của Chí Phèo đã chứng minh điều đó, chúng cho thấy sự thức tỉnh rõ ràng và khát khao được làm người lương thiện của hắn. "Tao muốn làm người lương thiện" – khẳng định khát vọng mạnh mẽ được trở lại sống như một con người bình thường. "Ai cho toa lương thiện?" – một lời chất vấn, chất vấn bản thân, chất vấn cả những kẻ vô tâm, vô cảm nơi làng Vũ Đại. Bên cạnh đó, đây còn là là lời buộc tội kẻ cường hào ác bá là Bá Kiến. Chính cái xã hội khiến người nông dân vào thế "một cổ hai tròng", xã hội nửa thực dân – nửa phong kiến này làm con người ta sao mà đau khổ và hứng chịu nhiều bất công như thế. "Làm sao để mất những mảnh chai trên gương mặt này. Tao không thể làm người lương thiện được nữa" – Tiếng thét xé lòng, hắn không thể nào xóa đi những tội lỗi mình đã gây ra, hắn phải trả giá. Hắn đau đớn, tuyệt vọng, quằn quại đến tột độ trong tình cảnh bế tắc. Nói xong, Chí đâm chết Bá Kiến rồi tự sát, một cái chết dữ dội: "giày đành đạch giữa bao nhiêu là máu tươi". Hắn sinh ra tong cát bụi rồi lại trở về với cát bụi, chết trong đau đớn trước ngưỡng cửa của sự sống. Trước kia hắn bán linh hồn cho quỷ dữ để bám lấy sự sống; còn nay khi hắn ý thức được nhân phẩm rồi hắn lại kết thúc sự sống của mình trong bi kịch chồng chất.
Bao năm trôi qua, người ta hay trăn trở một câu hỏi rằng có thể nào có một kết cục khác cho cuộc đời Chí Phèo hay không? Xin trả lời rằng, đây là kết cục duy nhất mà Chí có được, tuy rất đau đớn và dằn vặt, rất tuyệt vọng và bế tắc nhưng không thể thay thế bằng phương án nào khác. Chí kết liễu đời mình để bảo vệ nhân tính, phẩm chất thanh cao của một con người. Nhân tính phải được ở trong hình hài con người chứ không nên ở sau hình hài con quỷ dữ, nên được sống đàng hoàng chứ không nên bị người khác cự tuyệt. Chỉ có kết thúc đời mình và thủ tiêu kẻ gian ác, Chí mới kết thúc được tấn bi kịch của đời hắn. Cái thiện không thể tồn tại, chung sống bên cạnh cái ác; khát vọng chân chính không thể tồn tại cùng thực tại tàn bạo. Bên cạnh đó, Chí cũng cần phải chết để đền đáp lại những gia đình đã bị hắn phá tan hạnh phúc, Chí không có lựa chọn khác. Nói cho công bằng, Chí Phèo là kẻ say nhất nhưng kì thực lại là kẻ tỉnh nhất làng Vũ Đại. Không ngẫu nhiên mà Chí lại đến đúng được nhà Bá Kiến sau cả năm lần bảy lượt, từ lúc mới ra tù cho đến lúc muốn đi giết Thị Nở. Có thể, Chí thực sự biết nguồn cơn của mọi bi kịch trong đời mình đều do Bá Kiến gây ra. Từ đó, ta thấy rằng nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nam Cao rất tài tình, các nhân vật trong sáng tác của ông, không riêng Chí Phèo, đều có hai mặt tốt xấu, có sự vận động đa dạng khiến người đọc không thể nào dứt khỏi trang sách. Bút pháp miêu tả tâm lí nhân vật của Nam Cao cũng rất tinh vi; ông luôn đào sâu, khai thác nội tâm ở mức tối đa, khắc họa được nhân vật điển hình và hoàn cảnh điển hình. Giọng văn thay đổi linh hoạt, mở ra các góc nhìn đa chiều, soi chiếu trên nhiều phương diện khác nhau, mang đến cho bạn đọc cảm nhận tinh tế và sâu sắc.
Dẫu trang sách cuối cùng đã đóng lại, nhưng chúng ta cứ nghe văng vảng bên tai những tiếng thét tuyệt vọng của Chí Phèo. Phải chăng, những tiếng vọng ấy là lời cảnh tỉnh con người phải biết xây dựng cuộc sống không còn ai phải khổ đau vì bi kịch bị cự tuyệt, phải tuyệt vọng sống trong tình trạng không đúng với khát khao chính đáng của con người?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top