Rừng xà nu là truyện của một đời và được kể trong một đêm

a. Người anh hùng mà cuộc đời được kể trong cái đêm dài ấy là Tnú

Anh là chiến sĩ giải phóng quân, được cấp trên cho phép về thăm nhà trong một đêm và trong cái đêm đáng ghi nhớ ấy, ngoài trời mưa lâm thâm, rì rào như gió nhẹ, bên bếp lửa nhà sàn bập bùng ngọn lửa xà nu cháy đượm, bằng tiếng nói rất trầm, cụ Mết đã kể cho dân làng nghe về cuộc đời của Tnú - một cuộc đời bình thường như bao cuộc đời khác của dân làng Xô Man nhưng đó là cuộc đời anh hùng bất khuất của người con của núi rừng Tây Nguyên đã đứng lên đánh thắng giặc Mĩ xâm lược và bọn tay sai, để bảo vệ buôn làng và góp phần bảo vệ đất nước.

Cuộc đời của Tnú được cụ Mết bắt đầu kể cho dân làng nghe như một huyền thoại của quê hương: "Nó dấy? Nó là người Strá mình. Cha mẹ nó chết sớm, làng Xô Man này nuôi nó. Đời nó khổ nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta. Đêm nay tau kể chuyện nó cho cả làng nghe, để mừng nó về thăm làng. Người Strá ai có cái tai, ai có cái bụng thương núi, thương nước, hãy lắng mà nghe, mà nhớ. Sau này tau chết rồi, chúng mày phải kể lại cho con cháu nghe...''. Tnú hiện lên như một huyền thoại của quê hương, qua cuộc đời ấy, ta thấy rõ những phẩm chất đẹp đẽ và đáng quý của người anh hùng:

- Tnú, trước hết cũng là một con người, như bao con người khác, rất thương yêu vợ con: Chứng kiến cảnh Mai và đứa con nhỏ bị giặc bắt, bị đánh đập dã man, "hai con mắt anh đã thành hai cục lửa lớn"; cụ Mết đã không ngăn nổi anh, anh lao vào giữa bọn giặc đề bảo vệ vợ con "một tiếng hét dữ dội, Tnú đã nhảy xổ vào giữa bọn lính", "hai cánh tay rộng lớn như hai cánh lim chắc của anh ôm chặt lấy mẹ con Mai".

- Anh căm thù bọn giặc đến tàn sát buôn làng, giết hại người dân làng Xô Man cũng như đã đánh đập vã giết chết vợ con anh một cách vô cùng tàn bạo, dã man.

- Nhưng phẩm chất cơ bản nhất và đáng quý nhát của Tnú là lòng yêu nước, yêu buôn làng và trung thành với cách mạng, tin tưởng vào Đảng, vào cán bộ. Tnú đã nhắc lại lời cụ Mết một cách đinh ninh, tin tưởng: "Cán bộ là Đảng. Đảng còn, núi nước này còn". Và khi mười ngón tay đã cháy thành mười ngọn đuốc, nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng, Tnú vẫn nghe lời anh Quyết, không kêu, không thèm kêu van.

- Cuộc đời Tnú đầy đau khổ do tội ác của ke thù gây nên. Vợ con anh bị giặc giết hại, bản thân anh bị giặc đốt mười ngón tay, mỗi ngón chỉ còn hai đốt. Nhưng "bàn tay hận thù" ấy đã thành "bàn tay trả thù" và trong một trận chiến đấu anh đã bóp chết tên chỉ huy đồn bằng đôi bàn tay tàn tật khi nó cố thủ trong hầm.

Tóm lại, từ trong đau thương, mất mát. Tnú đã đứng dậy và trưởng thành trong ngọn lửa yêu nước và cách mạng của cuộc kháng chiến chống Mĩ. Từ một em liên lạc chưa biết chữ, thành một du kích gan dạ, dũng cảm của buôn làng và cuối cùng, Tnú đã xin gia nhập bộ đội để thành một chiến sĩ giải phóng quân có ý thức đầy đủ về vai trò và nhiệm vụ của mình, có đủ sức mạnh để chiến thắng kẻ thù. Người anh hùng ở đây luôn gắn bó với cội nguồn, với mọi người, mang vẻ đẹp gần gũi, thân quen, chính vì thế mà càng đáng quý.

b. Trong câu chuyện bi tráng về cuộc đời Tnú, bốn lần cụ Mết nhắc tới ý Tnú đã không cứu sống được vợ con là để nhấn mạnh một điều:

Chúng ta chưa chuẩn bị được lực lượng, chưa có đủ vũ khí để đánh giặc và thắng giặc. Ngùn ngụt căm thù như lửa cháy, nhưng Tnú "chỉ có hai bàn tay trắng" thì làm sao cứu được vợ con; không những thế, chính Tnú cũng bị giặc trói lại và tra tấn dã man như ta đã biết. Nhấn mạnh điều này là cụ Mết muốn nhắc nhở con cháu một điều hệ trọng nhất, cốt tử nhất - nó là điều sống còn cho dân làng Xô Man: "Nghe rõ chưa, các con, rõ chưa. Nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tau chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu: chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!...". Nghe như lời di huấn thiêng liêng của già làng đối với con cháu trong buôn. Bởi đây chính là sự lựa chọn con đường đi đúng đắn nhất của buôn làng, của Tây Nguyên, của cả dân tộc lúc này: Để cho sự sống của đất nước và nhân dân mãi mãi trường tồn, không có cách nào khác hơn là phải đứng lên, cầm vũ khí chống lại và tiêu diệt kẻ thù tàn ác. Qua lời nhắc nhở của cụ Mết với dân làng Xô Man, tác giả đã đặt ra một vấn đề có ý nghĩa lớn lao của dân tộc và thời đại. Đây cũng là chủ đề tư tưởng sâu sắc của thiên truyện ngắn chống Mĩ này.

c. Câu chuyện của Tnú cũng như của dân làng Xô Man nói lên chân lí lớn của dân tộc ta trong thời đại chống Mĩ lúc bấy giờ:

Phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng, vũ trang chiến đấu là con đường tất yếu để tự giải phóng của nhân dân. Làng Xô Man ở Tây Nguyên đã chiến thắng kẻ thù bằng con đường này, cũng như toàn miền Nam, cả nước ta cũng đã chiến thắng giặc Mĩ bằng con đường ấy để làm sáng ngời lên chân lí ấy của dân tộc và của thời đại. Và cũng chính vì thế mà câu chuyện bi tráng của cuộc đời Tnú mang ý nghĩa điển hình cho số phận và con đường của cộng đồng làng Xô Man. Đó cũng là lí do cụ Mết muốn chân lí ấy phải được nhớ, được ghi để truyền cho con cháu.

d. Các hình tượng cụ Mết, Mai, Dít, bé Heng có vai trò gì trong việc khắc hoạ nhân vật chính và làm nổi bật tư tưởng cơ bản của tác phẩm?

- Cự Mết là người quan tâm đến Tnú, là người đã kể lại chuyện cuộc đời Tnú cho dân làng nghe, cũng chính là người đã nói lên cái chân lí lớn lao của dân tộc và thời đại: "Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!...".

- Mai là vợ của Tnú, qua việc Mai dạy chữ cho Tnú và việc Mai và con bị giặc tra tấn, giết chết một cách dã man đã nổi bật lên tính cách, hành động và phẩm chất của Tnú.

- Dít là em Mai, "nhưng tôi muốn Dít sẽ là mối tình sau của Tnú, một mối tình sẽ lờ mờ mà chắc chắn hiện lên ở cuối truyện" (Nguyên Ngọc); Dít lại là Bí thư Chi bộ làng Xô Man. Nhân vật này sẽ góp phần làm rõ tính cách của Tnú và bộc lộ tư tưởng cơ bản của tác phẩm.

- Bé Heng là thế hệ tiếp theo của Tnú, là những cây xà nu con trong Rừng xà nu bạt ngàn của tác phẩm, chắc chắn bé Heng cũng sẽ là một Tnú trong tương lai để đi tiếp bước đường của anh, thực hiện ước mơ và lí tưởng của anh.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #hyin#vanhoc