Bài văn HSG quốc gia 2014
Văn học chân chính ngay cả khi nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ nhằm nói lên khát vọng về cái thiện, cái đẹp.
Người ta thường nói, văn học, nghệ thuật là địa hạt của cái đẹp. Biê-lin-xki cho rằng: "Cái đẹp là điều kiện không thể thiếu được của nghệ thuật. Nếu thiếu cái đẹp thì không có, không thể có nghệ thuật". Vậy nhưng, trong lịch sử, ta thấy vẫn có những tác phẩm văn chương viết về cái xấu, cái ác mà vượt qua thời gian và mọi sự sàng lọc để trường tồn. Sức sống của chúng minh chứng rằng văn chương bao giờ cũng là địa hạt của cái đẹp, đẹp ngay cả khi đề cập đến cái tàn ác, xấu xa. Đúng như ý kiến: "Văn học chân chính ngay cả khi nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện".
Văn chương là nghệ thuật sử dụng chất liệu ngôn từ để xây dựng hình tượng nghệ thuật. Và "văn học chân chính" phải là những tác phẩm nghệ thuật thể hiện đời sống con người cũng như cái nhìn sâu sắc, mới lạ của nhà văn về thực tại ấy. "Văn học chân chính" là chuyện đời, chuyện người, chính xác hơn, là tình đời, tình người. "Cái ác, cái xấu",... là những phương diện tiêu cực, có tác hại xấu đến đời sống. "Cái đẹp, cái thiện" là những giá trị, những hiện tượng có tính thẩm mĩ cao nhất, làm đẹp, làm "tốt" hơn cho con người cũng như xã hội. Nhận xét trên đã khẳng định một quy luật của văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung: Luôn luôn hướng tới cái đẹp. Ngay cả khi viết về cái xấu, cái ác cũng phải là tạo "cớ" để thể hiện khát vọng vươn tới cái cao cả và đẹp đẽ, để bồi dưỡng năng lực thẩm mĩ của con người.
Phải thừa nhận rằng, trong lịch sử văn chương có những tác phẩm viết về cái đen tối, cái tiêu cực nhưng vẫn có sức sống cao.
Trước hết, văn học phản ánh cuộc sống của con người. Các Mác quan niệm: "sự tồn tại của mọi người chính là quá trình sống thực tế của họ". Trong quá trình sống thực tế của xã hội có tồn tại cái ác, cái xấu. Văn học, với tư cách là một hình thái ý thức, không bỏ qua sự "phản chiếu", ghi lại cuộc sống ở cả mặt bóng tối.
Mặt khác, theo nhà văn Nga M. Go-rơ-ki thì "văn học là nhân học". Trong bản chất "nhân học" ấy, văn chương chú ý tới thể nghiệm, khám phá con người tự nhiên, con người với những mong muốn, khát vọng nhân bản cũng như những đặc trưng tâm lí bản năng. Không phải ngẫu nhiên mà các sáng tác bị cho là "dâm" và "tục" của Hồ Xuân Hương có sức sống lâu bền đến vậy. Trong con người ở góc độ "tự nhiên", trong tính cách thiên nhiên của nhân loại cũng ẩn tàng mầm mống của cái ác, cái xấu, của lòng đố kị, tính ích kỉ.
Vậy cái xấu, cái ác tồn tại trong văn chương là điều không thể phủ nhận. Nhưng không phải không có một "chuẩn" nào cho những tác phẩm có giá trị thực sự.
Khi phản ánh những "góc khuất", những phương diện tiêu cực của đời sống con người, để có được những sản phẩm nghệ thuật chân chính, nhà văn phải đứng ở đỉnh cao của lí tưởng thẩm mĩ để soi chiếu. Nhà văn lấy tâm hồn cao đẹp của mình để nhìn vào bóng tối, vạch trần nó, phán xét nó. Bằng cái nhìn của lí tưởng thẩm mĩ, người cầm bút mới có được khả năng khai thác sâu sắc cái xấu, cái ác. Hơn thế nữa, càng là những nhân cách cao cả, những tâm hồn cao đẹp, con người ta càng nhạy cảm với cái đen tối, cái xấu xa. Vũ Trọng Phụng được giáo dục trong một môi trường gia giáo mà người mẹ của ông đặt ra, bằng những tư tưởng Nho gia chặt chẽ. Do đó, không ai phát hiện, nhìn thấu cái dâm, cái đểu, cái bịp bằng ông (cố nhiên cũng là cái "tạng" riêng của nhà văn). Nhiều người khi đọc Nguyễn Huy Thiệp chế văn ông "ghê ghê" nhưng nhà văn này lại có điểm tựa thẩm mĩ của mình, đó là thiên tính nữ (các nhân vật nữ của Thiệp hầu hết đều vô cùng đẹp), là mối quan hoài, nỗi lòng xót xa trước cuộc đời.
Ở một góc độ khác, cần phải nhớ rằng, một trong bốn biểu hiện quen thuộc nhất của chủ nghĩa nhân đạo (humanisme) là lên án, tố cáo những thế lực đen tối chà đạp lên quyền sống, lên thân phận con người. Một trong những nội dung của chủ nghĩa này là phê phán cái xấu, cái ác. Những tác phẩm văn chương chân chính thường không thể thiếu được sự kết tinh của chủ nghĩa nhân đạo. Do vậy, nếu viết về cái xấu, cái ác cũng là để công kích nó. Quan trọng hơn, là thể hiện khát vọng vệ cái thiện, cái đẹp.
Trong đời sống nói chung, cái đẹp và cái xấu, "ánh sáng" và "bóng tối" không phải bao giờ cũng phân biệt rạch ròi. Chẳng những thế, con người có một đặc tính mà như Lép Tôn-xtôi gọi là tính "lưu luyến" (fluidité). Khi thông minh, khi lại ngu dốt, khi mạnh mẽ, khi lại yếu đuối, khi ác, khi thiện... Chính con người cần đến văn chương để bồi đắp lí tưởng thẩm mĩ, dùng cái nhìn của văn học để nhận thức, phân biệt thiện – ác, tốt – xấu. Quan trọng hơn, văn nghệ, văn học giúp người ta ghét cái ác, yêu cái thiện, ghê cái xấu, mến cái tốt. Hoặc bằng thái độ phê phán hoặc châm biếm, có khi cả hai, văn chương giúp con người ta tránh xa cái xấu, vươn tới cái đẹp, cái thiện.
Có thể nói, văn chương chân chính từ xưa đến nay, ngay cả khi nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện. Trong văn học Việt Nam, từ truyện cổ tích, từ ca dao đến thơ ca ngày nay đều mang đặc tính ấy. Truyện Tấm Cám xây dựng hai tuyến nhân vật đối lập thuộc hai thái cực hoàn toàn trái ngược nhau. Mẹ con Cám là các nhân vật phản diện, là hiện thân của cái ác. Ở đây, tác giả dân gian khai thác, thể hiện sự tăng tiến của cái ác. Từ việc đối xử không công bằng với Tấm đến những âm mưu và hành động hãm hại Tấm, thậm chí lấy mạng cô Tấm. Chính sự gia tăng tội ác này mới là đáng sợ. Qua quá trình gia tăng ấy, tác giả dân gian muốn hình thành ở người đọc sự căm ghét và phản đối ngày một quyết liệt hơn. Quan trọng hơn, khát vọng về cái đẹp, cái thiện được đề cao. Cụ thể qua hai tình tiết. Thứ nhất, mặc dù mẹ con Cám hết lần này đến lần khác hãm hại Tấm, thậm chí ngày một tàn độc hơn, cô Tấm vẫn bền bỉ, vẫn tiếp tục hoá thân để chuẩn bị cho sự trở lại. Nhân dân thể hiện niềm tin vào cái đẹp, cái thiện, công lí. Rằng chúng là bất diệt, cái ác không bao giờ chiến thắng được hoàn toàn cái thiện. Thứ hai, với sự "lên ngôi" của cô Tấm và việc mẹ con Cám bị trừng phạt, tác giả dân gian thể hiện khát vọng về chiến thắng cuối cùng của cái đẹp, cái thiện cũng như sự diệt vong của cái ác, cái xấu! Mặc dù trong phần lớn câu chuyện, cái ác, cái xấu liên tục thắng thế, chèn ép cái thiện, cái đẹp. Nhưng khi truyện kết thúc, độc giả vẫn hài lòng với sự bất diệt tất yếu của cái đẹp.
Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có hai tuyến nhân vật. Một bên là Thuý Kiều, Kim Trọng, Từ Hải, bên kia là Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Ung, Khuyển,... Cuộc đời Kiều long đong, lận đận, tủi nhục, đau khổ vô cùng cũng là do sự vô nhân tính, độc ác của một loạt những kẻ xấu. Mối tình với Kim Trọng tan vỡ, Từ Hải bị hại, Kiều phải hứng chịu "biết bao gió dập sóng dồi". Bằng bản Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Du lên án xã hội phong kiến và những thối nát, xấu xa của nó, bày tỏ lòng đồng cảm, xót thương với con người tài hoa, bạc mệnh. Bất cứ ai cũng không khỏi day dứt trước sự thiếu công bằng mà xã hội phong kiến dành cho người phụ nữ mà nhất là người phụ nữ tài hoa. Khát vọng về cái thiện, cái đẹp đã góp phần giúp cho đại thi hào Nguyễn Du có được một cái nhìn vô cùng nhân văn. Cái nhìn ấy thể hiện qua câu nói của Kim Trọng:
Hoa tàn mà lại thêm tươiTrăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.
Nguyễn Du khẳng định, sau bao nhiêu tủi cực, khổ nhục, Kiều vẫn đẹp, đẹp viên mãn. Thậm chí, Kiều còn đẹp hơn xưa, cái đẹp của Kiều "hơn mười rằm xưa".Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu ra đời năm 1983, trong thời kì văn học Việt Nam đang bắt đầu chuyển mình. Từ quỹ đạo chiến tranh, đời sống trở về nhịp độ hoà bình. Truyện viết về đời sống của những người lao động nghèo thời kì đất nước mới ra khỏi lửa đạn. Trong giai đoạn ấy, bóng đen thực dân, đế quốc đã không còn, nhưng lại có những bóng đen khác đang đè nén con người.
Nhà nhiếp ảnh Phùng tận mắt chứng kiến cảnh một người chồng đánh vợ mình bằng chiếc thắt lưng một cách tàn bạo. Lão chồng quật liên tiếp vào lưng vợ, vừa đánh vừa nghiến răng ken két, vừa đánh vừa nguyền rủa: "Mày chết đi cho ông nhờ! Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!". Nhưng không phải chỉ một lần, người đàn bà còn bị đánh "ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng".
Điểm sâu sắc của Nguyễn Minh Châu là cắt nghĩa, lí giải cái ác này. Cụ thể, tác phẩm, nhà văn đưa ra ba lí do. Thứ nhất là cái khổ. Có những "vụ bắc", cả gia đình "toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối". Chính người vợ nói rằng cứ khi nào cảm thấy khổ quá là lão lôi chị ra đánh. Thứ hai là sự bế tắc. Vì không biết giải quyết cái khổ thế nào nên lão đàn ông phải tìm cách giải toả. Đánh vợ như một sự giải toả đối với anh ta. Như những người khác thì uống rượu. Nhưng uống rượu cũng chỉ là sự bế tắc. Quan trọng nhất là lí do thứ ba này: sự u mê về ý thức làm người. Trong hoàn cảnh gian khổ khó khăn, đáng ra cả gia đình phải biết yêu thương, đùm bọc – lẫn nhau. Đằng này họ lại hành hạ nhau. Bởi gã đàn ông đó cả đời lênh đênh trên biển, xa cách khỏi xã hội, hắn không hiểu thế nào là sống cho ra người. Từ sự cắt nghĩa, lí giải đó, Nguyễn Minh Châu đề nghị một cái nhìn thẳng thắn vào tình trạng xã hội. Qua đó, thể hiện mong muốn cải tạo đời sống con người, trước hết là làm cho no ấm đời sống vật chất. Sau đó là hướng đời sống tinh thần đến cái thiện, cái đẹp.
Có thể nói văn học viết về cái xấu, cái ác còn là trên góc độ những nạn nhân của chúng. Tức là khai thác mâu thuẫn giữa cái đen tối và cái tốt đẹp cũng như với thân phận con người. Từ việc chỉ ra cái xấu, cái ác và sự xâm hại của nó đến cái đẹp, đến những giá trị cao cả, văn học đem đến cho con người cảm nhận về cái bị (tragic). Cái bị cũng hướng tâm hồn con người đến cái đẹp, cái thiện. Và cũng như Arít-xtốt nói, có khả năng "thanh lọc" (catharsis) tâm hồn con người. Ông viết trong Thi học: "...với những tình tiết làm thức tỉnh tình thương và sự sợ hãi, và qua đó, thực hiện sự thanh lọc đối với những cảm xúc ấy".
Từ góc độ mĩ học, có thể nhìn nhận cái xấu, cái ác như những phạm trù thẩm mĩ cục bộ – với cái đẹp – mang ý nghĩa khái quát, là hạt nhân của mĩ học, cái mà để chính xác nên gọi là cái thẩm mĩ (aesthetic). Có thể nói, cái xấu, cái ác cũng là một phần tạo nên cái thẩm mĩ, là một biện chứng của cái đẹp (cục bộ). Do đó hoàn toàn có thể xuất hiện trong nghệ thuật.
Cố nhiên, nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện, Nếu viết về cái tiêu cực mà không có điểm tựa lí tưởng thẩm mĩ và nhất là định hướng thẩm mĩ, tác phẩm sẽ rơi vào chủ nghĩa tự nhiên hoặc chủ nghĩa dung tục. Chức năng thẩm mĩ là chức năng quan trọng nhất của văn chương, nó làm cho nghệ thuật trở thành hoạt động tinh thần không thể thay thế được.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top