Chap 379+380
Chương 379
Uyển Nhi không thích Tiểu Mai đến ở nhà tôi trong mùa hè này. Tôi lờ mờ nhận ra điều đó thông qua Tuấn rách, sáng hôm nay hai thằng vừa đối luyện xong thì ngồi nghỉ ngơi tán dóc trên sân thượng.
- Ủa mà sao bữa giờ mày không đi chơi với nhỏ mắt xanh nữa? - Nó mở miệng sau khi nốc cạn chai trà đào mát lạnh.
- Uyển Nhi? – Tôi quệt mồ hôi hỏi ngược lại.
- Chứ ai nữa, cái thằng này! – Tuấn rách nhìn tôi như thể tự hỏi tại sao nó lại quen một thằng tay chơi khốn nạn đến thế, quen gái xong là bỏ quên kí ức.
Tôi thì trợn mắt ngược lại nhìn nó như thằng đầu óc trì độn, rồi bằng một chuỗi các động tác liên hoàn từ việc bưng mặt than thở không thành tiếng, đến chỉ tay vô chai trà đào đang uống dở, rồi lại gõ gõ xuống nền nhà, rồi lại chỉ vào chính tôi.
Chuỗi động tác trên ý bảo bố mày đang ở cùng Tiểu Mai đấy, mà Tiểu Mai là bạn gái tao, cũng là bạn học cùng lớp của mày, lí nào mày lại không biết hả Tuấn rách, cái chai trà đào ngon lành mày vừa uống sạch là của Tiểu Mai pha cho đó.
Nhưng ý tứ này không thoát ra khỏi miệng tôi để thành lời mà chỉ dừng lại rồi lửng lơ giữa không trung.
Vì tôi chợt nhận ra thằng bạn mình hỏi cũng có lí. Đúng thật là từ ngày Tiểu Mai chuyển sang ở tạm nhà tôi thì tôi đã không còn liên lạc gì với Uyển Nhi nữa chứ đừng nói gì là gặp gỡ đi chơi.
Thực ra Uyển Nhi cũng có mấy lần gọi điện, nhắn tin rủ rê đi chơi điện tử, đi ăn sáng uống nước, nhưng tôi đều lờ đi không trả lời. Vì tôi tự cho rằng nếu cứ chơi trò im lặng thì Trình tiểu thư với sự nhạy bén của mình phải biết được là tôi đang toàn tâm toàn ý với Tiểu Mai mà thôi, mời cô em né ra cho hai vợ chồng nhà người ta đi bát phố. Hơn nữa tôi đã hứa tới Tiểu Mai là sẽ giải quyết hết các sự vụ đang dính líu tới Uyển Nhi và Dạ Minh Châu khi nàng trở về, vậy nên tôi chỉ là nam nhi đại trượng phu nhất ngôn cửu đỉnh, tứ mã nan truy mà thôi.
Thấy tôi câm như hến, Tuấn rách tỏ ra bùi ngùi, chép miệng nói tiếp:
- Anh em thằng nào chả biết là mày đang phởn đời với Trúc Mai, nên tụi nó đâu có rủ mày đi đá banh với chơi net nữa. Chỉ có bữa đi coi bói là mày nổi điên hay sao nên mới đồng ý đi chung á chớ!
Đúng luôn, đám hội bạn tròn Khang mập sau mấy lần rủ đi đá banh mà tôi toàn lờ đi không tham gia thì tụi nó cũng đâm chán, chả buồn rủ rê gì nữa.
- Rồi tụi tao cũng rủ con nhỏ đó nữa, mà nó hỏi có mày không, tụi tao nói không thì nó cũng bảo không, cái xong tụi tao chả biết làm quái gì, nên toàn tự xử. Ê mà kì bây, không có mày, tụi tao đá banh vẫn ăn mấy thằng khác là sao mậy?
Câu hỏi khích đểu không rõ thật giả của Tuấn rách không lọt nổi vào tai tôi, mà trước mắt tôi lúc này chỉ là ánh mắt đượm buồn của Uyển Nhi tại quán café hôm đó, khi tôi đứng dậy bảo về trước rồi nhỏ này nói là ở lại đợi bạn. Kì thực ngoài đám tụi tôi ra, Uyển Nhi ở cái phố biển nhỏ xíu này có quen đứa bạn nào nữa đâu.
- Ừm… ! – Tôi ừ hử để tỏ ra là mình không bị lung lay gì cho lắm, dù là trong lòng đã bắt đầu thấy có một điều gì đó bứt rứt dần nhen nhóm lên.
Thấy tôi có vẻ trơ ra thản nhiên, Tuấn rách tặc lưỡi đập cái chai không vô bắp chân cho có chuyện:
- Sau đó tình cờ mấy bữa thằng Khang đi net mới thấy nhỏ đó hay ở trong quán mình chơi trên Tuyên Quang. Không biết nó có mê game tới mức dọn nhà vô trong đó ở luôn hông ta?
Uyển Nhi mê game thì có mê thật, nhưng làm gì đến nỗi dọn nhà ở luôn trong quán net. Thằng này hỏi bâng quơ cho vui hay ý nó đang chỉ tôi “nhà tạm” của Uyển Nhi, mày liệu hồn mà tìm tới an ủi tiểu thư mắt xanh dùm tụi tao vậy nhỉ?
Nhưng tôi không hỏi nó câu này mà thay bằng một thắc mắc khác:
- Mày đang tính nói Uyển Nhi buồn vì không có tao đi chơi chung à?
Nào ngờ thằng này cười phớt nói tỉnh bơ:
- Đâu có, mày tưởng mày là Đan Trường với Lý Hải hay sao mà nghĩ con gái bu theo mày hết vậy?
- Chứ mày hỏi tao nãy giờ làm chi? – Tôi đần mặt ra ngơ ngác.
- Tao hỏi cho có vậy thôi chứ chuyện của hai đứa bây tao quan tâm đếch đâu!
- …!
Hiệp hai đối luyện, tôi dần Tuấn rách lên bờ xuống ruộng, đánh nó nhừ tử như cái bịch bông vì tội ăn no rửng mỡ lôi chuyện người khác ra phơi nắng, nói cho sướng miệng dù bản thân chẳng để tâm tí ti ông cụ nào.
Nhưng hậu hoạn Tuấn rách để lại thật khó chịu, nó chỉ bâng quơ cho có còn tôi lại chẳng thể dửng dưng như không. Một cảm giác bứt rứt vô cớ dần len lỏi tâm trí rồi từ từ định hình mỗi lúc một rõ nét. Cứ như khi tôi đang bên này với Tiểu Mai thì việc bên kia Uyển Nhi buồn chán chẳng muốn đi đâu trong kì nghỉ hè là lỗi của tôi vậy.
Có lẽ điều này khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh ngày trước, khi bản thân đang vui vẻ cùng Khả Vy mà chẳng hề đếm xỉa chút gì đến cảm xúc của Tiểu Mai vậy.
Nhưng lần này khác với lần trước, rõ ràng là khác hoàn toàn.
Đó là tôi nghĩ Uyển Nhi chỉ muốn làm bạn với tôi như một đối thủ CS trong game, hay một cầu thủ đồng đội bất đắc dĩ ngoài sân bóng.
Và trên tất cả, tôi chưa hề cũng như chưa từng có ý định vượt qua ranh giới tình bạn đối với Uyển Nhi.
oOo
Buổi chiều, không rõ là do lúc trưa ăn ít (thật ra tôi tọng nhiều khủng khiếp món Tonkatsu của Tiểu Mai, ních đầy một bụng) hay do nhìn bầu trời đầy mây xám xịt mà tôi tự dưng lại thấy… buồn bã, đâm ra đói bụng. Mùi đất ẩm bốc lên từ mặt đường đến nỗi đứng trong nhà ngó ra cũng có thể nghe thấy càng khiến tôi nhớ lại mùi… nem nướng.
Nghĩ là làm, tôi phi vô nhà dắt xe lao ra mở cửa.
- Sắp mưa rồi đó, anh còn đi đâu vậy? – Tiểu Mai ngạc nhiên khi thấy tôi dắt xe ngang qua, nàng đóng tờ báo lại, nhìn ra ngoài rồi hỏi.
- Anh đi mua chả cuốn nem nướng, đang thèm, em đợi chút đi! – Tôi liếm mép, hồ hởi đáp.
Rồi tôi phóng thẳng ra đường với tốc lực cao nhất, kịp nghe sau lưng tiếng gọi í ới của ông Phúc rằng nhớ mua thêm cho cả phần tao.
Chả cuốn nem nướng là một món ăn đặc sản của Phan Thiết, độ ngon của nó có thể sánh ngang với bánh xèo, bánh căn, mì quảng giò heo và bánh canh chả cá. Thành phần chả cuốn cũng không có gì đặc biệt, chỉ gồm nem nướng lửa than, trứng luộc, chả ram giòn, da heo thái sợi, cùng với một ít hành hẹ rau thơm và xoài chua rồi cuốn lại với bánh tráng mỏng.
Nhưng chính kết cấu đều đặn của các thành phần cộng với hương vị nước chấm đậu phộng khiến món chả cuốn nem nướng trở thành một món ăn ngon mà mỗi khách du lịch đến Phan Thiết đều phải tận hưởng qua. Nếu không xem như là chưa đến thành phố biển này, những cư dân ở đây luôn nói như vậy.
Và tôi cũng tin vào điều đó, thế cho nên lúc này mặc kệ ông trời có đang hô phong hoán vũ trên đầu, kéo từng mảng mây dày xám xịt phủ kín tầng không thì tôi vẫn trực chỉ phi xe hướng cầu Dục Thanh với một sự hăm hở đầy phấn khích.
Gần đến chân cầu, tôi rẽ trái vào con đường gần khu di tích Bác rồi thắng xe cái kít. Kia rồi, quán chả cuốn nem nướng ngon nhất đây rồi. Một bà thím ngồi trước nhà với cái tủ kính nho nhỏ hai ngăn chứa các nguyên liệu, xung quanh là những thúng bánh tráng, lò nem nướng than cùng rổ rau, nước chấm các thứ. Tôi dõng dạc hét lớn:
- Thím bảy, cho con tám cuốn đem về!
- Có ngay, có ngay! – Bà chủ quán đã quá quen mặt tôi, đon đả tiếp khách, đôi tay thoăn thoắt cắt chả cuộn trứng.
Tôi tính nhẩm tám cuốn là thế, tôi ba cuốn, ông Phúc ba cuốn, Tiểu Mai ăn ít thì để nàng hai cuốn. Nhưng cuốn chả ở đây người bình thường ăn xong là cũng đã thấy lưng lửng bụng, còn thòm thèm thì quất thêm cuốn nữa nhưng sau đó đảm bảo no cành hông, chỉ có nước lăn đi chứ không thể bước nổi. Thây kệ, đang thèm mà, có dư thì để tối ăn tiếp.
Quán quen có khác, nhìn trời nhìn đất đợi chưa đầy ba phút tôi đã có ngay thành phẩm là một hai bọc nylon đựng chả cuốn, một bọc nước chấm và ớt xay nhuyễn.
- Vẫn còn kịp chán! – Tôi nhìn trời rồi treo bọc chả lên xe, nhấn mạnh bàn dạp dông thẳng nhà theo hướng ngược lại.
Thế nhưng cái định luật “khi điều không may có xu hướng xảy ra thì nó sẽ xảy ra” lại… xảy ra. Mạ tộ, tôi còn chưa kịp chạy đến ngã rẽ đầu đường thì gió đã bất ngờ thổi mạnh mấy cơn ngang sườn khiến tôi mấy phen loạng choạng suýt ngã ra đường. Đành phải giảm tốc độ, tôi oằn mình chạy nép vào lề, mím môi cầu khấn ông trời đừng có oái ăm bày trò giễu cợt ngay lúc này.
Ghét của nào trời trao của đấy, vừa lầm rầm khấn xong là gió thổi mạnh hơn nữa làm cát bụi trên đường bay mù mịt từng cơn, những chiếc lá khô xoắn tít trên không theo dáng hình của gió. Từng đám mây đen xám xịt trên cao giờ như chững lại không trôi, nặng trình trịch chỉ chực rơi xuống đất.
Và những giọt mưa đầu tiên rơi xuống, vừa to vừa lạnh, hạt chắc như bắp mĩ mà lại lạnh ngắt như đá bi uống café. Những hạt châu bằng nước lạnh thi nhau rơi xuống, gõ lên đầu lên cổ tôi đồm độp rồi vỡ nát. Tôi hoảng vía tính cắm đầu chạy luôn một mạch về nhà nhưng nhìn màn mưa dày đặc trắng xóa trước mắt thì đâm nản, chịu đấm ăn xôi kiểu này tôi ướt đã đành, nhưng bọc chả treo trên xe lúc này mà ướt nữa thì coi như vừa mất ăn vừa tốn tiền.
Nghĩ được vài giây, tôi quyết định chạy sát vô lề đường hơn nữa, đưa tay vuốt nước trên mặt rồi căng mắt nhìn ra được có một mái hiên gần đó, bèn tấp xe vào đụt mưa.
Dưới mái hiên đã có người đến trước tôi, cũng đứng sát vào cánh cửa sắt đang đóng, phía trước là chiếc xe đạp. Tôi cũng chả có thời gian nhìn cho rõ xem là nam hay nữ, chỉ hối hả gạt chân chống xe rồi nhảy vô trong đứng, không quên ôm theo bịch chả cuốn giờ đã lấm lem nước mưa.
Vừa lầm bầm chửi thầm trong bụng, vừa tranh thủ giũ được ít nước nào trên người thì giũ, tôi như con chuột lột ướt nhẹp vẫn nhảy loi choi đầy sức sống mặc cho ngoài kia trời đất có đang mưa gió cỡ nào.
Thế rồi cạnh bên, người kia bụm miệng cười khúc khích. Tôi nghe tiếng cười mà giật mình, chết mệ, là giọng con gái, hơn nữa lại rất quen.
Chưa kịp quay sang xác nhận xem đó là ai thì người ta đã lên tiếng trước:
- Chào Nam, hì hì!
Hóa ra đó là Dạ Minh Châu, cô nàng học trò mà tôi vừa cho tốt nghiệp được hơn một tuần trước. Nhận ra người quen, tôi mới có tâm thế nhìn lại cho rõ ràng hơn, đúng là Minh Châu thật. Cô nàng đang ôm mấy bó hoa đủ màu sắc mà tôi không biết gọi là gì, và cũng không bị ướt mem như tôi, trông vẫn yêu kiều xinh xắn như mọi khi.
Chắc là đang đi giao hàng thì trời nổi gió, kịp tấp vô hiên nhà đây mà. Cũng đúng, quán chả cuốn mà tôi mới mua khi nãy khá gần nhà Minh Châu, cùng ở gần khu di tích Bác, và chỗ trú mưa này cũng gần nốt. Lúc nãy mắt nhắm mắt mở vì nước mưa chảy ròng ròng từ tóc xuống mặt nên tôi lơ luôn, thở còn chẳng kịp nói gì đến nhìn ngó người lạ.
- À, ừ… chào! – Tôi lúng búng đáp, hơi xấu hổ vì bộ dạng loi choi như giòi của mình vừa nãy, đành phải cố tỏ ra tự nhiên mà hỏi han ngược lại. – Cũng… mắc mưa à?
- Thì mắc mưa nên mình mới đứng ở đây chứ, Nam cũng vậy mà! – Cô nàng phì cười, có vẻ cảm thấy khôi hài trước câu hỏi cho có của tôi.
Nhận ra mình bị hớ, tôi quay ra rủa bản thân, hận mình sao cứ gặp con gái là lại trở nên ngu si vậy không biết nữa. Nhưng may phước là tôi rất nhanh kịp trấn tĩnh trở lại, con nhỏ kế bên dù gì chăng nữa thì cũng từng là học trò của mình, thế cho nên luận thứ bậc, tôi nằm kèo trên.
Vì vậy, tôi chuyển chủ đề ngay, không dại gì lấn sâu vô câu chuyện mà nếu cứ tiếp tục sa lầy.
- Dạo này… học toán sao rồi nhỉ?
- Cũng tốt, mình vẫn đang ôn lại mấy đề mà Nam cho hồi hè! – Minh Châu đáp, rồi chừng như cảm thấy chưa đủ vội nói thêm. – Mình cũng làm bài trong sách luyện thi nữa!
Tôi nghe mà chưng hửng:
- Hả? Chưa vô học lớp mười hai nữa mà, biết gì mà làm đề luyện thi đại học?
Minh Châu sững người có tới mấy giây rồi mới hiểu ra được vấn đề ở câu nói vừa rồi của mình, vội líu ríu giải thích:
- Á, không, ý mình là trong sách luyện thi… học sinh giỏi lớp mười một…! – Cô nàng nói mà càng về sau giọng càng nhỏ dần, mười phần ngượng nghịu.
- HẢ? Cái gì? Luyện… luyện thi học sinh giỏi? – Tôi há hốc mồm, cảm giác như vừa nghe chuyện con cá mọc cánh bay lên trời.
Trông dáng bộ tôi ngạc nhiên quá sức tưởng tượng, Minh Châu lại càng bối rối hơn nữa, ôm chặt hơn bó hoa vào lòng như một tấm khiên bảo vệ, thu mình lại, nói nho nhỏ:
- Ừ… mình có làm thử…!
- Rồi… rồi làm được không? Làm đúng không? – Tôi hỏi mà không nhận ra chính mình cũng đang hồi hộp gần chết, giọng lạc hẳn đi.
Cô nàng im lặng một hồi rồi mới cười lỏn lẻn, chầm chậm gật đầu thật khẽ:
- Ừa… được, đúng nữa…!
Nhưng cơn mưa ngoài trời mỗi lúc một to đang rơi đồm độp trên mái hiên lợp tôn khiến cho chỗ đứng hai đứa lúc này như có ai vác tới một cái trống bự gõ từng chập vào tai nghe to tổ nái.
Tôi cố hết sức lắm mới nghe được hai chữ “được” với “đúng”. Nhưng chỉ cần vậy là đủ, tôi vui sướng hết cỡ, toét miệng cười:
- Giỏi, không ngờ đó nha!
Thấy chưa, phải thế chứ. Võ Trí Nam tôi đây quả đúng là thầy giáo đại tài mà, từ một người yếu toán như Minh Châu mà tôi còn kèm cặp cô nàng được tới mức học sinh khá. Nay lại còn giải cả đề thi học sinh giỏi nữa thì ôi thôi tôi thật tình là có năng khiếu sư phạm đột biến gen rồi. Thêm bé Trân là một minh chứng hùng hồn nữa chứ, tôi phục tôi quá tôi ơi…!
Rồi hào phóng tặng thêm cái búng tay ra hiệu “number one” khiến cô nàng đỏ bừng cả mặt, và hồi hộp chờ Minh Châu nói ra câu mà tôi muốn nghe nhất.
- Cũng là nhờ công Nam dạy kèm đó, chứ không thì mình… không làm được đâu!
Chứ còn sao nữa, học hành làng nhàng cỡ như gái thì thiếu tui sao được chớ!
Nghĩ vậy nhưng tôi lại nói khác, phải tỏ ra mình là một thầy giáo rộng lượng đầy khiêm tốn:
- Có gì đâu, giải đề nhiều là được, với lại cũng là do siêng năng luyện tập, ôn đi ôn lại thôi ấy mà!
Nói đi cũng phải nói lại, tôi hoàn toàn đồng ý với chuyện thiên tài chỉ có 1% là bẩm sinh, còn lại 99% là nhờ nỗ lực. Thế cho nên ắt hẳn Minh Châu cũng phải trày vi tróc vảy, thức đêm thức hôm luyện đề giải đề nhiều lắm mới có thể đại công cáo thành, tôi cũng chỉ là thuận nước đẩy thuyền mà thôi.
Minh Châu đâu biết tôi đang phởn ghê lắm, có phần còn muốn giành hết công lao về mình. Cô nàng chỉ biết trước mắt lúc này là ông thầy vừa dạy giỏi lại vừa khiêm tốn, không nhận phần khen mà chỉ dành những lời có cánh để động viên đệ tử. Thế cho nên không biết Minh Châu vì xúc động quá hay sao mà hơi cúi đầu xuống, chân thành nói:
- Cảm ơn Nam nha, cảm ơn nhiều lắm…!
Tôi đang toét miệng cười tận mang tai nhưng trông thấy thế này thì có hơi quá thật, vội ngậm mồm giả lả, nâng tay có ý đỡ cô nàng đứng thẳng dậy:
- Thôi thôi đừng có vậy, tổn thọ đó trời!
Dạ Minh Châu mười phần cảm khái, lại nhìn tôi cười ngượng ngập rồi mới không biết nói gì thêm, đưa mắt nhìn ra màn mưa phía trước. Tôi cũng thế, cảm thấy không nên đào sâu vô cái chuyện dạy kèm này, thành công thì có nhưng nếu cứ hỏi han một hồi lỡ lại bị người ta tôn mình lên hàng cha chú là chuyện vạn lần không nên.
Mưa mỗi lúc một to hơn, tạo thành khung cảnh trắng xóa đầy những tia nước thi nhau lao xuống mặt đường, nếu nhìn chăm chú có khi lại có cảm giác mưa từ dưới đất bay ngược lại lên trời. Âm thanh đồm độp như hàng trăm ngàn viên bi dội trên mái hiên, rồi thành nước chảy xuống thành từng dòng trước mắt trong xen kẽ đều đặn. Hàng hoa sứ ngoài lề nảy lên từng chập, phất phơ theo gió.
Ở cạnh bên, Minh Châu vẻ như là đang ngắm mưa trong thích thú, có đôi lúc lại mỉm cười rạng rỡ. Tôi vì vậy mà không dám nhìn lâu, vội đưa mắt lảng sang chỗ khác vì sợ bị hớp hồn lãng xẹt. Hai đứa không nói thêm một lời nào nữa, chỉ lặng yên đứng nép dưới mái hiên mà nghe mưa và có chăng là theo đuổi những suy nghĩ của riêng mình.
Nghĩ lại thì, ngoài Tiểu Mai ra, Dạ Minh Châu là người con gái thứ hai mà tôi từng trú mưa cùng thì phải…?
Hết chương 379
oOo
Chương 380
Mưa cứ thế không dứt trong suốt hơn mười lăm phút tiếp theo, thi thoảng mật độ có nhỏ lại đột ngột nhưng đợt sau to hơn đợt trước, như có ai đó trên chín tầng mây đang cầm mấy cái vòi sen siêu bự xả nước xuống mặt đất. Gió thốc từng cơn, thi thoảng tạt vào một ít nước mưa khiến tôi với Minh Châu hoảng hồn nép qua nép lại, gió chiều nào té theo chiều đó. Cứ đà này thì chẳng mấy chốc nữa hai đứa sẽ ướt nhẹp, đến lúc đó chuyện trú mưa tự nãy đến giờ sẽ hoàn toàn là phí công vô ích. Chẳng bằng lúc ban đầu chịu ướt một lần mà chạy thẳng về nhà luôn cho rồi.
Nhưng đó chưa phải là tình hình xấu nhất, nắng mưa là chuyện của trời, có trách thì sự cũng đã rồi. Điều khiến tôi đáng lo nhất hiện nay đó chính là… tôi lạnh một mà đói đến mười, mấy lần tính khui luôn bọc chả cuốn đã nguội ngắt từ khi nào ra mà nhai mà nuốt. Nếu thế thì… tôi lại phải mời Minh Châu ăn cùng, không lẽ tôi đứng ăn để mặc cho cô nàng đứng nhìn.
Nhưng quanh đây chẳng có chén tô gì để đổ nước chấm ra, mà chả cuốn nem nướng ăn không thì cũng chẳng khác nào bánh mì lại thiếu pa tê, đàn ông lại thiếu máu… hê hê trong người. Tóm lại là ăn thì sẽ dở ẹc, mà... đứng chôn chân một chỗ mãi thế này để mặc cho cái bụng réo gào vì đói lại càng dở ẹc hơn nữa.
Tính sao bây giờ đây? Tôi nghĩ mãi mà không ra cách nào tối ưu nhất, tay chân cứ lóng ngóng vung vẩy cái bọc nylon đầy chả.
- “Bây giờ mình ăn một, nhỏ này ăn một. Mua tám cuốn, là còn sáu cuốn. Đem về nhà thì ông anh xử hết ba cuốn, còn lại ba cuốn. Không lẽ Tiểu Mai ăn hai, mình chỉ ăn một? Nếu thế thì đói chết!”
Tôi vừa lẩm nhẩm tính toán vừa đánh trống bụng theo nhịp, phần vì lạnh run, phần vì đói quá.
- “OK giả sử Tiểu Mai thương tình ăn ít, chỉ ăn một. Thế là mình có hai cuốn để dành, nhưng mà không ổn với lương tâm sáng ngời đạo đức của mình. Đời nào để nàng đói được chứ, đã đợi mình từ nãy tới giờ rồi cơ mà?”
Đau khổ quá đi, đau đầu quá đi, đau… bụng quá đi mà. Nước chảy từ đầu tóc xuống dưới mặt mày, không rõ là nước mưa hay nước mắt trong lòng tôi vỡ òa vì… tiếc của.
- “Sao bây giờ, mời hay không mời đây trời?”
Đúng vào lúc sinh tử quan đầu, khi tôi đã gần quyết định sẽ khui bọc chả cuốn đem ra mời ăn đỡ đói thì Minh Châu bất chợt lên tiếng:
- À, ba mẹ mình tuần sau sẽ mời gia sư đến dạy kèm đó Nam!
Ôi may quá, có chuyện để nói rồi.
- Hửm? Dạy môn gì? – Tôi nửa mừng, nửa thắc mắc.
- Ưm… môn Toán! – Minh Châu đáp có phần bối rối.
Tôi nghe mà như đất trời đảo lộn, cười khổ nhăn nhở hỏi:
- Là sao thím hai? Mới nãy còn nói giải đề học sinh giỏi gì nữa mà!
Nghe tôi ca thán có chút mà cô nàng thoắt giật mình, hơi rúm người lại như sắp sửa nhè ra tới nơi, ngập ngà ngập ngừng cả buổi chẳng trả lời ra hồn. Tôi đâm bực, xẵng giọng hỏi dồn:
- Nói gì thì nói đi trời, là sao?
Minh Châu ấp úng, cố lắm mới thốt ra được mấy từ:
- Ba mẹ… không tin, ừm… nên mới vậy… ừm, xin lỗi… Nam!
Hóa ra là như thế, ba mẹ Minh Châu không tin là con gái mình đã học khá môn Toán trở lại sau khi được tôi kèm cặp. Thế cho nên để chuẩn bị vào năm học mới, cũng là để không xấu mặt với hai đứa anh em họ hàng đang học chuyên Toán bên trường chuyên Trần Hưng Đạo thêm nữa, ba mẹ cô nàng quyết định thuê gia sư về dạy kèm.
- Tưởng gì, có vậy mà nãy giờ nói không ra! – Tôi hừ mũi.
- Vậy giờ… giờ sao vậy Nam? – Minh Châu lúng búng.
Tôi chưng hửng:
- Ể, thì học thôi chứ sao, hỏi cái gì nữa?
- Ý là… Nam không giận à? – Cô nàng thắc mắc.
- Giận quái gì chứ! – Tôi ôm mặt thầm kêu khổ, sao con nhỏ này hiền quá vậy trời.
Đến đây thì Minh Châu như cất được tảng đá đè nặng trong lòng nãy giờ, đặt tay lên ngực cười nhẹ nhõm:
- Thì mình sợ Nam giận, uổng công dạy kèm rồi còn bị… người khác giành làm thầy!
Tôi như ngớ người ra, liếc nhìn cô nàng qua khóe mắt rồi nói như tự vấn:
- Ờ há, ối chà chà… thế này trong game thì có khác gì đệ tử chưa thành tài đã vội trùng phản sư môn, nhảy qua đầu quân phái khác. Ái da da, không được, không được…!
- Không… không được? Vậy giờ mình làm sao giờ? – Minh Châu lại cười, nhưng nửa phần là đang mếu.
Trông bộ dạng hiền khô đến mức không thể làm người khác giận được của cô nàng, tôi tự hỏi con nhỏ hoa khôi A2 mà chỉ mới học kì trước đã từng mạt sát tôi không thương tiếc ở quán nước mía trước cổng trường, ngay trước mặt cả Tiểu Mai giờ đang ở đâu rồi ta.
Vờ ngẫm nghĩ một chút, tôi mới nói:
- Bây giờ vầy, cứ đi học đi, gia sư dạy kèm nào thì buổi đầu tiên cũng phải cho đề thử trình độ học viên cả. Nếu giải thích cách mấy mà ba má cũng không tin thì chi bằng mình dùng hành động để chứng minh. Hôm đó cứ giải sạch toàn bộ đề thầy giáo đưa ra đi, nếu dễ quá thì yêu cầu đề khó hơn nữa, hiểu không?
- Ừa… ừa, mình hiểu rồi! – Minh Châu gật đầu liên tục đến mấy cái, trông ngoan ngoãn dễ bảo vô cùng.
Rồi như sực nhớ ra, tôi vội hỏi tiếp:
- Mà cái vụ giải đề có tính giờ đã ok chưa đó? Coi chừng lại như hồi trước đó nha! – Tôi vẫn còn lo cái vụ Minh Châu làm bài không giới hạn thời gian thì ngon, còn có tính giờ là tạch như mít rụng về cội.
- Ổn mà, hôm giờ mình toàn đặt đồng hồ tính giờ cả! – Cô nàng quả quyết.
Nghe vậy thì tôi mới tạm an tâm, chứ còn sao nữa, danh sư xuất cao đồ. Dù gì Minh Châu cũng là học trò một tháng của tôi, tốn bao nhiêu tâm huyết mới được như ngày hôm nay, thì kiểu gì cũng phải công thành danh toại, phận làm thầy như tôi mới được thơm lây.
Tôi đưa tay ra vỗ vỗ lên cái yên xe, nói trong thống khoái hào sảng với bộ dạng sư phụ đang bảo ban đệ tử:
- Như vầy, cố mà giải đề trong bữa học đầu tiên, phải làm sao cho ông thầy bà cô hết hồn hết vía, bảo là trình độ này khỏi cần dạy kèm, phải đi thi giải toán học thế giới mới đúng, thì ba má mới tin. Có hiểu hay chưa?
- Dạ em… à hiểu, mình hiểu!
Minh Châu quíu đến nỗi gật đầu dạ ran, xưng hô lẫn lộn khiến cả hai thoáng ngớ người rồi cùng bật cười một chập.
Giây lát sau, tôi húng hắng ho:
- E hèm, thầy trò mình phải chứng minh cho thiên hạ một phen hiểu rõ, là thầy giỏi thì trò cũng giỏi. Được không?
Rồi tôi đưa ngón út ra làm dấu hiệu ngoéo tay, nhất ngôn vi định. Minh Châu bất chợt đỏ bừng mặt, rồi cũng chầm chậm ngoéo tay với tôi, mỉm cười đồng ý.
Lúc đó, thú thật là tôi chẳng nghĩ gì thêm cả, chỉ hoàn toàn thật tâm xem như đây là cam kết học tập. Nhưng Minh Châu có hữu ý vô tình mà xem đó là lời hẹn ước trăm năm hay không, thì tôi hoàn toàn không biết, cũng chẳng có nhu cầu muốn biết.
Vừa hay lúc hai đứa “kí kết hợp đồng” xong thì trời ngớt mưa rồi tạnh hẳn, cũng nhanh như lúc mới bắt đầu. Tôi reo thầm trong bụng rồi gật đầu chia tay với Minh Châu, phóng vội xe về nhà, trong lòng lo lắng liệu Tiểu Mai đợi nãy giờ chẳng thấy tôi về, nàng có chạy ra đường tìm tôi không nữa. Chắc là không đâu nhỉ, cùng lắm là tôi một phen bị nạt vì cái tội ham ăn không đem theo áo mưa mà thôi.
À, Dạ Minh Châu lúc mỉm cười thì phải khen là dễ thương duyên dáng thiệt, hoa khôi có khác nghen. Mấy thằng bên A2 chẳng rõ bị mù hay bất lực làm sao để học hành chung lớp với cô nàng cả hai năm mà chẳng tán tỉnh nổi thế nhỉ.
Như vậy có phải là thương hải di châu, để sót ngọc quý giữa lòng biển khơi hay không? Đáng tiếc quá mà!
oOo
Đối với tôi, mỗi mùa hè từng trôi qua trong đời đều có mỗi cách kết thúc khác nhau. Như mùa hè lớp chín, tôi lần đầu tiên gặp Tiểu Mai sau khi bị nàng ném banh vào mặt, ôm mối tương tư ngày đêm trăn trở. Hè lớp mười, tôi chết lặng chứng kiến Khả Vy ngồi sau lưng bạn trai mới, vật vã đau khổ trách đời hận người. Và mùa hè lớp mười một năm nay, là khi trong cùng một ngày mà tôi tham dự đến ba cuộc chia tay.
Nhưng tựu trung thì kết thúc của mọi mùa hè đều bắt đầu bằng tín hiệu nhà trường thông báo trên ti vi rằng các học sinh hãy chuẩn bị cho tuần học giáo dục quốc phòng, mà thường gọi là đợt học quân sự trước ngày khai giảng một tuần.
Bản tin được phát chỉ vỏn vẹn tầm ba phút trong bữa cơm tối nay, cũng là lúc ba tôi quay sang nhìn mấy đứa nhỏ trong bàn ăn:
- Chuẩn bị đi là vừa, mấy con!
Mẹ tôi đồng ý bằng cách quay sang hỏi thằng út:
- Cây tre đâu rồi nhỉ?
- Hả? Con làm gì mà mẹ đánh con? – Tôi giật thót người, không lẽ cái tội ăn chả cuốn nem nướng bỏ cơm hôm qua mà bây giờ mới bị lôi ra xử trảm.
- Thằng này, mẹ hỏi là cây tre lúc đi học quân sự nhà trường kêu mua để giả làm súng ống chi đó, đâu rồi hở con? – Mẹ tôi phì cười.
À ra thế, ý của mẹ tôi là thắc mắc cây tre giả làm súng đâu, mà cây tre đó thì tôi lỡ… đem tặng Tiểu Mai vào đợt học quân sự đầu năm lớp mười một rồi. Cũng tức là, bây giờ vô năm mười hai cuối cấp, phải mua một cây mới. Mà tre thì rẻ òm, nên tôi cười xòa giả lả, nhìn sang Tiểu Mai:
- Năm trước con tặng cho Trúc Mai rồi, để mai ra mua cây khác!
Tiểu Mai thoáng ngạc nhiên, đưa mắt khó hiểu nhìn tôi. Rồi rất nhanh sau đó, nàng như vỡ lẽ ra, gật đầu xác nhận:
- Dạ đúng rồi, hay mai con về nhà gửi lại cây tre cho Nam, mình đỡ mất công mua mới!
Và nàng nói tiếp với tôi:
- Ở sau vườn ấy, mai lấy ha!
Mẹ tôi thắc mắc:
- Ủa nếu vậy thì con lấy gì để học quân sự?
- Dạ, lúc ba với con làm thủ tục nhập học ở đây thì lúc đầu cũng không hiểu sao trường mình không gọi con đi học quân sự. Nên con đoán chắc là học sinh nước ngoài nên được miễn! – Tiểu Mai lễ phép thưa, dù đã ở chung nhà tôi được hơn một tuần nhưng nàng vẫn lễ độ phải phép khiến ba mẹ tôi mười phần hài lòng.
Và nàng giải thích thêm:
- Thật ra nếu không được miễn thì con cũng tính xin nghỉ môn này!
- Sao vậy, con? – Mẹ tôi thắc mắc, cũng dịu dàng hỏi, cảm giác như nói chuyện với Tiểu Mai là sẽ bị cuốn theo tiết tấu nhã nhặn của nàng.
- Dạ… thật ra sức khỏe con không được tốt! – Nàng mỉm cười đáp.
Tôi nghe đến đây thì à lên một tiếng, chen ngang nói:
- Hèn gì đầu năm lớp mười không thấy lăn lê bò trườn cùng tụi này, té ra là vậy!
Nhưng sau đó tôi lại đâm ra thắc mắc:
- Ủa, nói như vậy thì đầu năm mười một là sao? Có đi học mà ta?
Đúng vậy, kì học quân sự năm rồi, tôi nhớ Tiểu Mai có tham dự. Có nàng thì tôi mới tặng cây tre cho chứ, lại còn băng tay băng chân tình tứ thế kia mà.
- Chắc là em dâu cảm thấy khỏe lại, muốn tham gia để hòa đồng hơn với tụi mày, hỏi ngu như bò! – Ông anh tôi nói rồi đặt đũa xuống bàn, đứng dậy đi thẳng.
Mẹ tôi ở đằng sau gọi với theo: - Chuẩn bị đồ đạc nghe chưa, sáng mai còn ra bến xe đó!
- Dạ, con biết rồi! - Ổng nói vọng lại rồi đi sầm sập lên lầu, có vẻ muốn trốn rửa chén nữa đây.
Tới đây thì ba tôi chấm dứt luôn bữa tối bằng việc dặn dò mẹ tôi gói thêm trái cây cho ông anh tôi mang vô Sài Gòn, rằng trong kí túc xá thì không có nhiều đồ ăn thức uống đâu. Rồi lại dặn thêm rằng gói luôn vài món bánh trái, kèm một chai rượu tây nói là gửi tặng ba của Tiểu Mai.
Lúc ban đầu, Tiểu Mai định từ chối khách sáo nhưng ý ba tôi đã nói ra là quyết luôn, nàng đành cảm ơn và nhận lấy, hứa rằng có dịp sẽ mời gia đình tôi đến nhà nàng ăn tối với hai bố con một bữa. Tất nhiên là khi ấy nhạc phụ đại nhân của tôi cũng phải ghé về thăm con gái rượu.
Tình hình này có nghĩa là, sáng ngày mai, ông anh bá đạo của tôi sẽ vào lại Sài Gòn để học tiếp. Và Tiểu Mai, nàng cũng sẽ về lại nhà mình ở đường Tuyên Quang. Đêm hôm đó, cả ba anh em cùng lên sân thượng ngắm trời đêm, nói chuyện vui vẻ một hồi lâu rồi mới chịu ngủ. May phước là trời không mưa, chứ không là hỏng hết buổi chia tay đầy cảm động.
Buổi sáng, cuộc chia tay ông anh tôi diễn ra nhanh gọn chóng vánh, đầu tiên ổng chào từ biệt mẹ tôi như một người con trai cả cứng cỏi trưởng thành, hứa hẹn tới tết lại về, mẹ đừng có trưng bộ mặt buồn buồn ra nữa. Rồi tới mấy đứa nhỏ:
- Đi nhé em dâu, quan sát để ý thằng đệ anh dùm, nó ngu lắm! - Ổng cười hòa nhã với Tiểu Mai.
- Thằng nhãi, bố đi, ở nhà coi học hành đàng hoàng! - Ổng quay sang cú đầu tôi một cái rõ đau rồi mới cười ha hả, phi lên xe của ba.
Tôi tức khí tính tặng lại một cước thì bị Tiểu Mai kéo tay nên đành thôi, hậm hực vẫy tay tiễn ông Phúc mà như đuổi tà phong long.
Và tới lúc kết thúc bữa cơm trưa, sau khi Tiểu Mai chào từ biệt gia đình tôi thì nàng cũng xin phép về lại nhà mình để chuẩn bị cho năm học mới. Mẹ tôi thì quyến luyến nàng lắm, cứ luôn miệng bác mà có đứa con gái như con thì không cho đi đâu hết ráo, ở nhà với mẹ.
Khiến Tiểu Mai cảm kích lắm, phải hứa liên tục rằng nếu hai bác không ngại và cho phép thì sau này nàng mỗi tuần cũng sẽ đến nhà tôi ăn cơm tối. Lẽ tất nhiên là ba mẹ tôi đều vui vẻ đồng ý, nên tôi có góp thêm một phiếu thuận cũng bằng thừa, biết thân biết phận ngậm mồm lại vì rốt cuộc mình cũng chỉ là thằng xe ôm đưa rước mà thôi.
Chở Tiểu Mai về lại căn nhà quen thuộc, khi nàng khép lại cánh cổng màu đen thì trông thấy vẻ mặt rầu rĩ của tôi, bèn bật cười:
- Gì vậy? Hai nhà gần nhau mà anh!
- Thì đang ở chung, tự nhiên giờ mạnh ai nhà nấy, cũng phải… nhớ nhớ chứ! – Tôi ngậm ngùi thú nhận.
Nghe vậy nên nàng không nỡ vào nhà vội, tủm tỉm lắc đầu rồi bước ra ghé tai tôi nói nhỏ:
- Thôi mà, tuần sau em sẽ học quân sự cùng anh, được chưa?
- Được, được quá đi chứ! – Tôi mắt sáng rỡ, mặt mày tươi tỉnh hẳn lên.
- Thế thì, em vào nha ha, anh về cẩn thận! – Nàng vẫn khúc khích trêu thêm. – Con trai gì mà yếu đuối quá đi, hì!
Tôi nghe vậy nhưng cũng mặc kệ, ở cạnh bên Tiểu Mai, bảo tôi nhảy vô núi đao biển lửa tôi cũng làm, chút tỏ ra yếu đuối này có là gì đâu chứ. Nghĩ vậy nên tôi nhún vai thống khoái đạp xe về, tâm tư thoải mái bèn huýt sáo vài giai điệu yêu đời rõ rệt.
Nhưng đến tối, bỗng dưng tôi lại cảm thấy buồn buồn, cứ trống vắng thế quái nào ấy. Mấy ngày trước còn đang vui vẻ rộn rã, thế mà bữa cơm tối nay chỉ còn mỗi ba mẹ và tôi. Thành thử ra tôi lại làm bản mặt dàu dàu, chẳng nói chẳng rằng cứ và cơm vô miệng.
Mẹ tôi thì im lặng không nói gì, có vẻ bà cũng đang buồn vì chỉ trong một ngày mà con trai lớn, “con dâu tương lai” đều đi mất. Còn mỗi thằng út tà lơ phất phơ chưa biết sau này có nên trò trống gì không thì lại đang đờ đẫn như gà rù.
Ba tôi biết thế chỉ thở dài rồi hừ nhạt với tôi:
- Thôi mày dọn nhà qua bển luôn đi, thằng nhỏ!
Ý ba tôi là bảo mày tốt nhất đừng có giơ cái bản mặt như thằng chết trôi đó ra nữa, kẻo tao tống cổ ra khỏi nhà bây giờ. Nhưng tôi đang thẩn thờ xúc cảm khiến đầu óc trì độn, nghe ba nói mà được lời như cởi tấm lòng, đứng phắt dậy:
- Thiệt hả ba? Cho con đi thiệt hả?
- …!
Hậu quả sau đó thật không dám nghĩ bàn, viết ra đây thì nhục nhã chết mất nên tôi mời bạn đọc tự tưởng tượng nhé. Chứ tôi là thật tình không dám nhắc lại, đến giờ vẫn còn sợ run đây này hừ hừ!
Vậy là đã xong hai trong ba lần chia tay để kết thúc mùa hè, ông Phúc là một, Tiểu Mai là hai.
Còn một lần nữa, với một người nữa…
Hết chương 380
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top