Chapter 349 + Chapter 350

Chapter 349:

Chọn một quán nước mía bên đường nằm ở góc khuất lối vào nhà Dạ Minh Châu, tôi dừng xe rồi cùng cô nàng hãy còn đang thút thít bước vào trong ngồi, mèo đần Leo như lệ vội nhảy phốc xuống lẽo đẽo chạy theo chân tôi.

- Ngồi đi, uống… gì?

Tôi hỏi rồi chợt ngớ người nhận ra vào quán nước mía thì dĩ nhiên là phải uống nước mía rồi, bèn quay sang gọi luôn.

- Cho hai ly nước mía bác ơi, một ly pha thêm tắc với chanh muối!

Nhìn Minh Châu lúc này đã bớt khóc, chỉ có mắt là còn đỏ hoe và đang cố nhìn lơ đễnh sang một hướng khác, tôi bất thần đâm ra bối rối nhất thời không hiểu tại sao tôi lại “cả gan” lôi kéo Minh Châu không về nhà mà đi uống nước. Mà cũng lạ lùng là thế quái nào Minh Châu lại đồng ý đi cùng tôi mới sợ, chỉ biết hồi nãy tôi thấy ba cô nàng la dữ quá, sợ ở lại nghe ngóng thì thể nào cô nàng cũng khóc ré lên, thế cho nên tôi đành kéo Minh Châu tạm thời đi khỏi nhà một chút.

Đợi tình hình chiến sự dịu lại rồi mới trở về nhà phục mệnh, đó là cách tôi hay làm nhất mỗi khi bị ba mẹ la mắng và giờ tôi nghiễm nhiên áp đặt luôn chước ba mươi sáu của binh pháp Tôn Tử vào Minh Châu luôn.

- Thôi… đừng buồn nữa…! – Tôi thở dài nói giọng an ủi.

- …..! – Minh Châu có hơi nấc lên, cô nàng vẫn nhìn sang hướng khác.

Chính tôi cũng tự biết là câu an ủi này hoàn toàn là sáo rỗng, tình huống như vậy thì ai mà không buồn sao được. À không, đúng hơn là gặp trường hợp này thì con gái sẽ buồn, còn con trai bọn tôi sẽ thập phần rúng động, trong lòng ngay ngáy lo toan không biết có ăn đòn hay không.

Hai đứa cứ thế im lặng ngồi đối diện nhau, và bác chủ quán nước cùng vài người khách kế bên thì đang nhìn tôi như thể một thằng không đàng hoàng vừa làm cô bạn gái xinh đẹp thế này phải khóc vậy. Chưa kể vài ông mãnh nhoi nhoi ở đằng sau cứ nhấp nhổm ra vẻ nếu là ta đây, ta có bạn gái như này thì đời nào bạn gái ta phải khóc vậy.

Lâm vào tình trạng khó xử, tôi buộc phải tìm cách gì đó để phá tan đi bầu không khí im lặng và đầy khó chịu này. Nhưng thực tình thì tôi chẳng biết phải làm gì cả, cũng không biết phải nói gì cả. Minh Châu với tôi tuy là học cùng trường và lớp học thì sát cạnh nhau nhưng tôi rất ít khi gặp cô nàng kể từ sau cái vụ “kẻ phản bội”. Thêm cả tôi lúc nào cũng đi cạnh Tiểu Mai thì hơi đâu mà để ý đến hoa khôi trường này. Lúc nãy tôi dẫn Minh Châu ra quán nước là cũng chỉ vì tôi… có hơi lo cho bản thân tôi, chứ còn gì nữa, nếu mà để ai đó đi đường bắt gặp tôi đang ôm một cô gái đang khóc sì sụt giữa đường giữa sá thì có mà chết nhục.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, tuy là bây giờ tôi không biết phải nói gì với Minh Châu nhưng kì thực thì trên đoạn đường từ nãy giờ đến quán nước tôi đã suy nghĩ rất nhiều, phải gọi là não bộ hoạt động hết công suất.

Tại sao? Vì tình huống được đặt ra là như vầy, giờ đang là mùa hè, học sinh đang nghỉ, nhưng Minh Châu vừa bị ba mắng vì điểm thi kém, tức là điểm thi học kỳ II. Nếu như chỉ có vậy thì tôi cũng chẳng thèm quan tâm, cô nàng có… khóc tôi cũng mặc kệ, bất quá thì tới hỏi han tí đỉnh rồi thuận đà buông lời ngọt ngào ong bướm.... Á không, tôi nhầm, bất quá thì tôi cũng an ủi vài câu cho gọi là xã giao phép tắc thôi.

Thế nhưng đằng này lí do trực tiếp mà ba Minh Châu nêu ra lại chính là do Minh Châu hồi hai năm trước không chịu thi vào trường Chuyên, thế cho nên theo ông thì đó chính là nguyên nhân khiến con gái mình học kém Toán, dẫn đến điểm thi thấp lè tè không qua nổi trung bình.

Tôi thì không có cái quyền gì để phán xét xem phụ thân cô nàng mít ướt trước mặt mình đây là đúng hay sai, và tôi cũng không bận tâm lắm đến lí lẽ của các vị phụ huynh. Cái tôi quan tâm duy nhất, và cũng là áy náy nhất chính là… thế đếch nào mà tôi lại dính ngay cái sự thể oái ăm này, dính ngay cái lúc ba của Minh Châu đổ thừa rằng cô nàng học hành dở ẹc là tại vì không thi vào trường Chuyên.

Nhưng bác ơi, con gái bác đẹp thế này cơ mà, bác phải tự hào mới đúng chứ? Có mấy khi một hot girl, một người mẫu nào lại học giỏi đâu, mà lại giỏi toán nữa, nếu có thì cũng thuộc dạng cực hiếm. ( Và Tiểu Mai là một trong những trường hợp hiếm hoi đó, chứ Khả Vy với Trân thì học hành cũng làng nhàng, ba trời ba đất chứ chẳng có ăn thua gì được đến trình độ của hai “vợ chồng” tụi tôi)

À xin lỗi các bạn vì tôi lạc đề, trở lại với vấn đề tôi quan tâm đó là thế quái nào mà ông trời lại run rủi ngay hôm nay cho tôi thèm phá lấu, rồi dẫn đường cho tôi đến để Minh Châu gục vào mà khóc, rồi kéo tai tôi lên mà nghe ngay cái khúc tại-vì-không-nghe-lời-ba-thi-vào-trường-Chuyên-nên-giờ-học-dở tai hại đó.

Mà cái thằng hồi hai năm về trước xúi dại Minh Châu đừng thi vào trường Chuyên là ai? Chính là tôi, thằng hiện thời đang ngồi trước mặt cô nàng đây. Thiệt đúng là oan gia ngõ hẹp mà!

- Cạch…! – Hai ly nước mía được đặt xuống bàn một cách lạnh lùng.

Đưa tay đẩy ly bình thường về phía Minh Châu ý bảo uống đi, còn tôi thì lấy cho mình ly “đặc biệt” còn lại. Chứ sao, uống nước mía mà pha thêm chanh muối vô thì ngon phải biết.

Tôi còn chưa kịp đưa mồm ngậm cái ống hút để thưởng thức món nước ngon lành cành đào này thì con mèo đần đã chồm cái đầu tròn lẳng của nó lên mà đưa mũi khụt khịt vào ly nước.

- Ơ… tránh ra, mầy! – Tôi vỗ nhẹ đầu con Leo cái chóc vì tội phạm thượng khi quân.

Mèo đần giật thót người vội rụt đầu xuống nhưng mắt thì hãy còn đảo tròn láo liên nhìn quanh quất lên bàn.

- Hi! – Nào ngờ đâu cái đầu tròn ngộ nghĩnh của con mèo đần này lại khiến Minh Châu bật cười, cô nàng trong một chốc bỗng thoáng vui lên.

Bắt gặp ánh mắt ngạc nhiên của tôi, Minh Châu không giấu được vẻ bối rối vội trở về lại trạng thái “người đẹp trầm lặng” hệt như nãy giờ, tuy là nhìn sang chỗ khác nhưng vẫn không ngăn được ánh mắt tò mò về phía mèo đần đang cố với chân chạm vào ly nước mía.

- “Ồ… con mèo đần này cũng có chỗ được việc ta…!” – Ngay lúc đó trong tôi bừng nắng hạ, mặt trời chân lí chói qua tim.

Nhấc hẫng con mèo đần qua bên Minh Châu, tôi cười:

- Nè, giỡn với nó vui lắm!

- Ưm…! – Cô nàng khẽ ngập ngừng rồi cũng đưa tay đỡ lấy con Leo.

- Méo…! – Mèo đần ngơ ngác nhìn quanh quất tưởng rằng bị tôi đem bán.

Thoạt đầu thì mèo đần có vẻ lạ lẫm với “người mới”, nó cứ chực chờ tìm cách phốc ra khỏi tay Minh Châu. Nhưng dường như cô nàng kia cũng rất biết cách giỡn với mèo, dùng những ngón tay của mình thu hút sự chú ý của Leo rồi bất thần xòe bàn tay ra, và khi mèo đần tò mò đặt chân vào thì Minh Châu đột nhiên nắm lại khiến Leo giật mình nhưng lại tỏ ra cực thích, cứ nhây mãi với trò này.

Thế là coi như trong cái rủi cũng có cái may, ít nhất thì đến hôm nay tôi cũng thấy con mèo trắng béo ú này có chỗ dùng được chứ không phải chỉ có mỗi hai việc là há miệng táp thức ăn rồi cuộn tròn ngủ khò.

Tạm để Minh Châu giỡn với mèo đần, tôi lại tiếp tục với những suy nghĩ của riêng mình.

“ Sao giờ? Câu trả lời thì gần như là có rồi đấy, dù gì thì ít nhiều mình cũng có trách nhiệm liên đới, mình đã là thanh niên rồi, phải nghiêm túc lên.

Dù gì thì Toán cũng là sở trường của mình.

Và dù gì thì mình cũng đang rảnh...

Nhưng có nên nói cho Tiểu Mai biết chuyện này không? Nếu nàng biết thì chưa chắc sẽ từ chối vì nàng cũng biết mình còn nợ Minh Châu một lời hứa, và dịp này là không thể tốt hơn.

Không được, Tiểu Mai sẽ lo mất, và nàng lại còn ở Nhật đến hơn hai tháng nữa mới về, không lẽ mình cứ để nàng trải qua gần chín mươi ngày nghỉ hè mà luôn trong tâm trạng bồn chồn, bất an vì ngại mình sẽ… lăng nhăng?

Mà nếu không nói ra thì sao? Đến lúc Tiểu Mai biết được thì nàng lại giận như lần trước nữa là mệt. Nhưng… mình không nói thì sao nàng biết? Ở cách nhau cả hàng ngàn cây số cơ mà…

Phải rồi, chỉ là dạy học thôi, ừ thì là dạy kèm, nhưng tuyệt nhiên không có chuyện gì xảy ra đâu.

Ừ, sẽ không có gì xảy ra đâu, hè này cũng trôi qua bình thường mà thôi! “

Vậy là câu trả lời đã được quyết định, tôi đã có sự lựa chọn của riêng mình, mặc dù tôi cũng không lấy làm gì chắc chắn lắm rằng lựa chọn này có thể giúp tôi hay là đày đọa tôi xuống tuyệt luân địa ngục đây.

Đợi cho Minh Châu đủng đỉnh giỡn với mèo đần thêm một chút nữa, tôi tranh thủ uống hết ly nước của mình rồi đưa tay nhìn đồng hồ, đã gần bảy giờ tối.

- Này, định không về nhà luôn à?

Bị tôi bất ngờ hỏi, Minh Châu hơi bối rối rồi đưa mắt nhìn ra bên ngoài và có phần thảng thốt khi biết được trời đã sụp tối, cô nàng vội gật đầu ngay:

- Ừm… về thôi!

Trả tiền nước xong xuôi, tôi cùng Minh Châu bước ra khỏi quán và để lại đằng sau là ánh mắt ngạc nhiên của bác chủ khi mà hôm nay tự dưng có hai đứa ngồi uống nước mà chẳng ai nói với ai câu nào, xong đùng một phát đứng dậy đi về.

Chính tôi cũng cảm thấy lạ cơ mà, khi không đang thèm phá lấu lại chuyển sang uống nước mía và đóng kịch câm cả buổi. Rồi còn lạ hơn nữa khi lúc này đây, tôi không có đạp xe nữa mà dẫn bộ, Minh Châu thì vẫn bế con mèo đần trên tay như thích ghê lắm, cứ vuốt ve bộ lông trắng muốt của nó mãi. Vô hình chung chiếc xe đạp đã trở thành vách ngăn duy nhất giữa tôi và Minh Châu, hệt như một vệt sơn màu đen được vẽ trên đường thành một dải phân cách, tách riêng cái bóng của hai đứa lúc này đang in lên nền tối của con đường công viên, lững thững bước đi như đang dạo bộ.

Tôi thì không biết Minh Châu có đang tự hỏi rằng tại sao tôi lại rủ cô nàng đi uống nước để rồi im ru cả buổi, xong đi về một cách lãng nhách như vầy chưa. Nhưng tôi có thể chắc chắn một điều rằng cô nàng đã bớt buồn, và rõ ràng là đã không còn khóc nữa, gương mặt xinh xắn giờ đã tươi tỉnh hẳn ra.

- Mèo… nhà Nam nuôi à?

- Hả? À… ừ, mèo nuôi!

Tôi hơi giật mình vì bị hỏi bất thần nên trả lời như cái máy, không kịp nói đây là mèo hoang vô chủ đã dám leo vào nhà người ta, may phước là được giữ lại mà nuôi.

- Trúc Mai… hôm nay không đi cùng à?

- À… về nhà nghỉ hè rồi!

- Về nhà?

- Ừm, tức là về Nhật Bản ấy!

- Ồ… hèn gì…!

Không biết có phải là do tôi quá nhạy cảm hay là đã vô tình quá… chú ý đến Minh Châu hay không mà tôi cảm giác dường như cô nàng vừa cười một nét cười nhẹ nhõm. Dẫu sao thì tôi cũng đang cười, vì cuối cùng đã có cơ hội bắt chuyện.

- Giờ… về nhà à? – Tôi hỏi một câu hết sức bâng quơ và cũng rất mực đần độn, thì rõ là đang đi về nhà chứ sao.

- Ừa… chứ còn đi đâu nữa? – Minh Châu ngạc nhiên nhìn tôi.

- À không… ý là… ngày mai Châu có rảnh không ấy mà! – Tôi vội nói trớ đi.

- ……!

Minh Châu thoáng im lặng, cô nàng có vẻ nghĩ ngợi trong giây lát.

- “Ôi dào, muốn tốt cho bà thôi chứ có bắt cóc đem bán qua biên giới đâu mà nghĩ với chả ngợi!”- Tôi nóng ruột nghĩ thầm mà cũng không nhận ra là chính mình vì sao lại nóng vội như thế.

- Ưm... mình rảnh, gì vậy? – Minh Châu ngập ngừng nói.

- Tốt, giờ có muốn giỏi Toán lên không? – Tôi mở màn ngay.

Dĩ nhiên là cô nàng sẽ nói có rồi, giỏi lên thì ai chả muốn, hơn nữa đây lại là giỏi Toán để cho ba mình không còn la nữa kia mà.

- Không….! – Minh Châu thở hắt ra, lắc đầu đáp.

- Hả… sao…? – Tôi chưng hửng vì câu trả lời vượt ngoài quy định mong đợi.

- Học Toán đau đầu lắm, với lại mình có học mấy cũng không giỏi được đâu! – Cô nàng buồn bã nói.

- Tại sao? – Tôi thắc mắc.

- Chắc mình không hợp với Toán, học mãi không vô!

- Toán dễ ẹc mà, có gì mà khó!

- Nam giỏi thì dĩ nhiên là thấy Toán dễ rồi, mình thì khác….!

- Ờ… vậy chứ giỏi môn gì?

- Chắc là… tiếng Anh! – Minh Châu ngại ngùng nói.

- Tiếng Anh mấy phẩy mà giỏi? – Tôi hỏi ngay.

- Chín phẩy ba…! – Cô nàng trả lời.

- Ờ… cũng tạm đó, còn phải cố gắng nhiều! – Tôi dạy đời mà không biết nhục.

Nghe đến cái môn ngoại ngữ này là tôi đã thấy mệt, và nghe có người giỏi hơn mình thì tôi lại càng thấy nhột hơn nữa.

- Chứ giờ không học Toán thì để ba của Châu là hoài à? Ngày nào cũng nghe thì điếc cả lỗ tai! – Tôi trề môi chán chường nói.

- ……..! – Minh Châu im lặng không đáp, vẻ như cô nàng cũng không biết phải làm như thế nào.

- Thôi, để Nam dạy kèm toán cho mà học, tuần ba bữa thôi, không học nhiều đâu! – Tôi tằng hắng nói, ra vẻ ta đây.

Liền ngay sau đó thì Minh Châu nhìn tôi như thể không tin vào được sự thật bản thân vừa nghe thấy, vậy mà sự thật đó lại phát ra từ ngay bên cạnh mới ghê chứ.

- Gì…? Học không, kèm cho! – Tôi lúng búng nói, thầm cảm ơn trời tối đã giúp che đi vẻ bối rối trong mắt mình.

- Nhưng… sao lại vậy? – Minh Châu vẫn chưa hết ngạc nhiên.

Có cho vàng thì tôi cũng chẳng thể nào bắt mồm mình nói ra là tôi muốn bù đắp lại cái vụ tại tôi mà Minh Châu không thi vào trường Chuyên, và trên hết là tôi còn nợ cô nàng một lời hứa của một thời xa xôi.

- Thì… thấy vậy nên muốn giúp! – Tôi khó nhọc chữa lời, cố đánh trống lảng.

Đến đây thì Minh Châu không nói gì nữa, chỉ lững thững sóng bước cạnh tôi và lặng im, để lại trong tôi muôn vàn câu hỏi không lời hồi đáp.

Và khi cả hai đã gần đến ngôi nhà có cửa hiệu hoa tươi to đùng kia thì tôi đã gần như đinh ninh là lời đề nghị khi nãy của mình có hơi sỗ sàng nên đã bị từ chối mất rồi.

Tốt thôi, cũng chả sao, không ảnh hưởng gì đến tôi cả, đỡ mất ba bữa đi chơi!

Chính lúc đó thì Minh Châu chợt lên tiếng:

- Ba mình thật ra trước giờ cũng đã biết mình yếu Toán nên đã cho mình học thêm ở ngoài khá nhiều nơi. Bình thường ba không bao giờ la mình chuyện học hành cả, chỉ là có ông bác kia là bạn của ba thường hay qua nhà chơi, và khoe về hai con trai của ổng điểm Toán lúc nào cũng cao, nên… khi nãy ba mình mới vậy!

- Ừm…! – Tôi gật đầu, cảm thấy trong lòng mình dấy lên một nỗi bực dọc vô cớ về ông bạn của ba Minh Châu dù rằng trắng ra mà nói, tôi chả có liên quan gì ráo.

- Ổng thường hay khoe rằng bên trường Chuyên dạy hay hơn, nên con của ổng giỏi lắm, lại còn thi cả học sinh giỏi Toán! – Cô nàng kể tiếp mà tâm tư nặng trĩu.

Tôi tức khí xung thiên, đập hai tay vào nhau:

- Trường Chuyên hay quái gì, còn học sinh giỏi Toán thì ai thi chả được, có gì là ghê gớm. Hừ! Cũng chỉ là khoe con khoe cái mà thôi!

Minh Châu nhìn tôi và chợt cười, ánh mắt hấp háy vẻ biết ơn:

- Nên mình không mong rằng mình sẽ giỏi Toán, chỉ là khá hơn bây giờ là đã tốt lắm rồi, nên… nhờ Nam nhé!

- Không lo, tui mà đã kèm thì chỉ có giỏi hơn chứ không có khá hơn. Mà hả… lại còn giỏi hơn hai thằng bên trường Chuyên kia cho xem, cứ yên tâm! – Tôi mạnh mồm nói cứng.

- Không… không cần phải vậy đâu! – Cô nàng hơi bối rối.

- Cứ để đó, Nam lo, giờ… về nhà đi, tối rồi! – Tôi khoát tay một cách rất chi là hào sảng.

- Vậy… khi nào thì học?

- Ớ… quên mất, tuần ba bữa nhé!

- Nhưng ở đâu, và khi nào?

- À… sáng hai tư sáu đi, học đến mấy giờ cũng được!

- Rồi học ở đâu? Mình đem theo những gì nhỉ?

- Chà… cái này thì phải coi chỗ nào cho tiện đã, nhà Nam thì chắc là không được rồi! – Nghĩ đến nhà mình thì tôi vội xóa ngay phương án đó vì sợ bé Trân đến nhà bất tử thì Tiểu Mai sẽ chắc chắn biết chuyện ngay tắp lự.

- Nhà mình được không? – Minh Châu dè dặt đề nghị.

- Không, tuyệt đối không! – Tôi lắc đầu từ chối thẳng.

- Sao vậy? – Cô nàng tròn mắt ngạc nhiên.

- Phải giữ bí mật, đột ngột sau một thời gian tự dưng học giỏi lên, vậy mới oách chứ! – Tôi khịt mũi đáp.

Thật ra là lí do chính là tôi ngại khi phải đóng vai thầy giáo đến nhà Minh Châu mà thôi. Và cũng chưa chắc là ba của cô nàng sẽ đồng ý để tôi dạy kèm, dĩ nhiên tâm lí các vị phụ huynh là như thế rồi, đám trẻ mà tụm lại thì chỉ có ăn chơi hú hí chứ học hành cái nỗi gì!

- Vậy… chứ ở đâu? – Hơi nghi hoặc về lí do ba trời của tôi đưa ra, Minh Châu cắn môi lo ngại.

- Đưa số điện thoại đây, lúc nào nghĩ ra thì gọi báo cho! – Tôi sáng mắt lên vì ý tưởng của mình.

- Cũng được… nhưng gọi đến lỡ gặp ba mẹ mình thì cứ bảo là bạn học cùng lớp nha! – Minh Châu cẩn thận dặn.

Nhưng tôi thì lại ngẩn tò te:

- Đưa số di động ấy, số điện thoại bàn làm chi?

- Mình… chưa có điện thoại di động! – Đến lượt Minh Châu chưng hửng.

Thật sự là vậy, ở vào thời của tôi thì điện thoại di động hầu như chưa phổ biến, và trong lớp tôi thì tuyệt nhiên chỉ duy nhất Tiểu Mai mới có. Phải đến khi tôi vào đại học thì các hệ thống điện thoại di động mới mọc lên như nấm, dẫn đến nhà nhà đều mua, người người đều xài.

Điều tôi tiếc duy nhất là lớp trẻ bây giờ tiếp cận với điện thoại di động quá sớm nên những năm cấp III của các hậu bối bây giờ đã không còn được ngây thơ đến mức ngây ngô mà lứa tuổi mới lớn này đáng ra phải có nữa. Không còn những bức thư chuyền tay một cách lén lút pha lẫn thích thú, không còn sự hồi hộp đợi chờ câu trả lời mà phải mất đến cả vài ngày hay cả tuần nữa. Mà thay vào đó là những tin nhắn huỵch toẹt ra hết mọi thứ, những gì cần nói là phải nói ngay, mất đi điều thú vị nhất trong những sự rung động đầu đời gọi là… chờ đợi, mất đi điểm tuyệt vời nhất của giai đoạn quen nhau là sự thích thú và tò mò về nửa kia của mình.

Quay trở lại thì lúc bấy giờ tôi ngớ người ra, chợt biết mình có di động là nhờ Tiểu Mai nên tôi đành gãi đầu ấp úng:

- À quên, thế đưa số điện thoại nhà cũng được!

- Ừm, không có giấy bút sao ghi lại? – Minh Châu thắc mắc.

- Nhớ được mà, vô tư! – Tôi nói.

Trao đổi xong số điện thoại bàn lẫn nhau thì tôi dừng lại ở khúc cua gần công viên chứ không tò tò theo Minh Châu vô nhà, để lại lời hẹn rằng tôi sẽ gọi điện khi nào ấn định được địa điểm và thời gian chính xác nhất về khóa “học kèm” này.

Trên đường đạp xe về nhà, tôi cứ tự hỏi mãi rằng vừa rồi mình có hơi sốt sắng quá không nhỉ, liệu vụ dạy kèm này có gì… nguy hiểm không ta? Và tối hôm đó khi đặt lưng xuống giường chuẩn bị ngủ thì tôi mới chợt điếng hồn nghĩ lại rằng hôm nay mình đã vừa tuyên bố một câu nói quá sức là hùng hồn, mà đến chính bản thân còn chưa nghĩ là mình sẽ làm chuyện đó, chứ đừng có nói là làm được hay là không.

Chapter 350:

Đúng vậy, tôi đã mạnh miệng dám tuyên bố với Minh Châu rằng tôi sẽ “luyện thi” cho nàng ta còn giỏi hơn cả hai thằng con trai Chuyên toán kia nữa. Khi đó tôi quả thật là có nói “trường Chuyên quái gì” thì đúng là ý kiến chủ quan của tôi, bởi trước giờ đi học thêm Toán thỉnh thoảng tôi có học chung vài thằng bên trường Chuyên thì tôi tự thấy là một nửa trong số đó là những thằng học hành dở ẹc, do con ông cháu cha nên mới được xin vô. Phần còn lại là cũng giỏi, xét riêng về môn Toán thì cũng có đứa ngang ngửa với tôi, nhưng nói về giỏi hơn thì tôi chưa thấy, hoặc cũng có thể là tôi chưa có cơ hội gặp.

Chính vì vậy nếu bảo tôi ra chiến đấu với dân chuyên Toán bên đó thì tôi có thể hoàn toàn tự tin là không thua ai, bất quá thì kém vài ba nhân tài cá biệt. Thế nhưng đó là trường hợp của riêng tôi, có thiên phú và căn cơ từ nhỏ. Chứ còn bảo giờ giúp cho một học sinh có điểm thi Toán dưới trung bình mà giỏi hơn hai thằng chuyên Toán bên kia thì quả là chuyện… không tưởng.

Nhưng lúc đó vì quá sĩ diện, với cả tôi xưa giờ luôn ức chế cái cảnh các vị phụ huynh luôn đem nhân vật truyền kỳ “con nhà người ta” ra mà uy hiếp. Chẳng cần biết con nhà người ta là cái đứa nào, cứ hễ ti vi hôm nào chiếu ngay đúng chương trình nhà nghèo hiếu học hay học sinh vượt khó là y như rằng ba mẹ tôi và cơ số các bậc phụ huynh khác đều nói:

- Đó, mày thấy con-nhà-người-ta chưa? Cơm ăn áo mặc thiếu thốn mà học giỏi chưa, còn con-nhà-này thì ăn uống có sẵn, chỉ mỗi việc học mà nó còn làm biếng!

Vâng, ở bất cứ một cuộc đấu nào thì “con nhà này” luôn bị “con nhà người ta” giành chiến thắng áp đảo, đấm phát chết luôn.

Bực không thể tả được!

Nhưng thôi kệ, có tính toán hay hối hận gì cũng muộn rồi, tôi đã lỡ nói chắc như đinh đóng cột với Minh Châu rằng thời khóa biểu học kèm sẽ là tuần ba buổi hai tư sáu tại thư viện thành phố, nơi duy nhất rộng rãi ít bị ai làm phiền mà lại còn cho phép người ta có thể ngồi liền tù tì từ sáng đến hết giờ chiều. Và chương trình học sẽ bắt đầu vào tuần sau với lí do tôi cần thời gian để… soạn giáo án, đồng thời Minh Châu cũng cần thời gian để thuyết phục gia đình rằng cô nàng sẽ đến thư viện để tự học một vài ngày trong tuần.

******

- Vậy là… tháng sau anh mới đi học thêm?

- Ừ, tháng này ăn chơi cái đã, vừa nghỉ hè mà!

Tôi áp sát điện thoại vào tai mình và thích thú nằm trên ghế salon êm ái mà tán chuyện với Tiểu Mai, tất nhiên là con mèo đần Leo vẫn cuộn tròn nằm ngay cạnh tay tôi.

- Qua năm là thi đại học rồi đó, cứ lo chơi miết! – Tiểu Mai nói giọng như chế giễu.

- Trời, sao em lo xa quá vậy, mới hè lớp 11 thôi mà! – Tôi thiểu não đáp lại đầy chán nản.

- Ơ, em lo cho anh mà thái độ gì đó? – Nàng bất ngờ đanh giọng lại.

- Thì… ý là còn nghỉ hè mà, khoan nhắc đến chuyện học hành đi! – Tôi nhăn nhó gãi đầu, chắc mẩm nếu Tiểu Mai đang ngồi đối diện mình lúc này thì hẳn là tôi sẽ ngậm miệng câm như hến vì bị hàn khí áp đảo cùng cực.

- Ừ thì thôi không nói chuyện học, nói chuyện chơi nhé! – Tiểu Mai nói mà tôi nghe như có sự chẳng lành.

- Cũng được… nói chuyện chơi! – Tôi chột dạ.

- Nghe đến đi chơi là mừng lắm, thế hôm nay anh không đi đá bóng với hội à? – Nàng hỏi, ngụ ý hội ở đây là hội bàn tròn với tụi thằng Luân thằng Khang.

- À chiều nay mưa, nghỉ ở nhà một bữa! – Tôi đáp, đưa mắt nhìn ra màn mưa ngoài cửa sổ mà nghe lòng… quặn thắt cơn đau.

- Ưm, trời mưa ra ngoài nguy hiểm lắm, đá bóng lỡ trượt chân có gì thì khổ!

- Hay ta, trời mưa ra ngoài nguy hiểm á? Chứ ai mấy lần trời mưa cũng lang thang ngoài đó!

- Em không có, tự anh chạy đi tìm chứ bộ!

- Hơ… em không chạy ra ngoài mưa thì anh mắc gì phải đi tìm cho cực!

- Xạo, anh bị em quyến rũ lâu rồi, thể nào mà không chạy theo cơ chứ!

- Hê hê, lúc đó anh còn cặp với Vy mà, sao em biết chắc là anh chạy theo em được? – Tôi cười hí hửng bắt chẹt Tiểu Mai.

- Em biết anh với Vy có chuyện không ổn từ lâu rồi nhé! – Tiểu Mai vẫn rất bình tĩnh.

- Anh không nói, sao em biết?

- Ai nhìn vào cũng biết, không chỉ mình em!

Đến đây thì tôi lại chợt nhớ lại cũng vào những ngày hè năm trước, tôi đã từng có một thắc mắc không lời giải đáp mà tôi chưa từng hỏi.

- Này, anh hỏi em chuyện này nhé!

- Ưm, hỏi đi!

- Cái hôm mà học quân sự ấy, lúc đó anh tình cờ đi gần bên thì nghe em… nói qua điện thoại, à anh không có ý nghe lén đâu, thật đấy!

- Anh… đã nghe được những gì?

- Thì… anh nghe em nói là đại loại hai người đó có vẻ ra sao ấy, không ngoài dự đoán. Là… em kể chuyện giữa anh và Vy với ai, đúng không?

- Hi hi!

- Gì?

Tiểu Mai bật cười khúc khích, nàng thổi thật mạnh vào điện thoại cho tôi ù tai đi rồi mới nói:

- Em hơi đâu mà kể chuyện của anh với người khác, lúc đó em… nói chuyện riêng với bạn em thôi!

- Là chuyện gì? Sao giống thế?

- Anh tự kỷ ám thị, sầu đời đến mức chuyện của người ta cũng giống chuyện của anh mà!

- Phải không đó…?

Đáp lại vẻ nghi hoặc của tôi là Tiểu Mai lần đầu tiên chủ động đổi sang chủ đề khác của cuộc nói chuyện điện thoại từ xa:

- Lọ nước hoa của mẹ tặng anh sao rồi? Thích không?

- Quá đã, thơm phức, mà… anh không biết cách xài!

- Sao không biết? Chỉ là xịt lên người thôi mà!

- Nhưng… xịt chỗ nào cũng được hả? Bữa anh xịt thử, bữa mà em về Nhật đó, con bé Trân nó kêu là… nồng quá chừng!

- Anh… xịt như thế nào?

- Thì cứ chĩa vô người rồi… xịt!

- Ôi, làm như xịt phòng xịt muỗi vậy ông… phải để lọ nước hoa cách khoảng 15 đến 20 centimét rồi mới xịt chứ, vào cổ tay nè, rồi một ít sau gáy, trên ngực là được mà!

- Ừm, mà để xa vậy thì có thơm không?

- Có chứ, nước hoa nào cũng có ba dây hương hết, dây hương đầu tiên là lúc vừa xịt anh sẽ nghe thấy, dây hương giữa là mười phút sau đó, và dây hương cuối là mùi hương sẽ theo anh suốt cả ngày!

Chà, đến giờ tôi mới biết là nước hoa cũng quá phức tạp đến như vậy cơ đấy, dễ cũng phải có một bộ môn tên là… Nước Hoa Học mất.

- Thế… em cũng xịt y chang vậy à?

- Không, cách khác! – Tiểu Mai đáp.

- Cách gì? Bày với! – Tôi tò mò hỏi.

- Em xịt nước hoa vào khoảng không trước mặt rồi mới bước vào khoảng đó để hương thơm phủ đều khắp người, vừa thơm lại vừa không quá nồng!

- Được đó, anh cũng thử xem!

- Thôi… như em thì tốn nước hoa lắm, với cả… đó là cách của em, không cho anh bắt chước!

- Keo thế!

- Ừa, hi hi!

Tiếp tục tán chuyện thêm một hồi nữa, mãi đến khi ngoài trời bất thần có tiếng sấm nổ đùng một phát cực bự khiến cho mèo đần hoảng hốt ré lên:

- Miaó……!

Thì cả tôi và Tiểu Mai mới giật mình nhận ra hai đứa đã “nấu cháo” điện thoại hơn bốn mươi lăm phút đồng hồ.

- Mưa to ghê há, mèo cưng của em giờ chắc đang sợ lắm! – Tiểu Mai cảm khái.

- Sợ gì, nó ăn như hạm ấy! – Tôi làu bàu nhìn con Leo đang rúc sát vào người tôi.

- Ráng đi, em về thì anh khỏi mệt nữa, hì hì, có khi lúc đó lại nhớ nó ấy chứ! – Nàng buông lời dụ dỗ hòng xoa dịu tôi.

- Thế… nghỉ hè mà em không đi chơi đâu à? – Tôi hỏi.

- Có chứ, tuần sau cả nhà em đi Hokkaido, cuối tháng chắc sẽ đến Hà Lan thăm bác em!

- Sướng ta, được du lịch tùm lum!

- Ộ ôi… có người gần trọn một năm đi chơi từa lưa bỏ người ta ở nhà một mình, giờ đến khi hơi thua kém rồi thì lại ghen tị kìa!

- Không thèm, vớ vẩn!

- Ha ha, rõ là có mà bảo là không!

- Mơ đi, cưng!

Tán chuyện thêm vài phút nữa thì Tiểu Mai bảo rằng nàng phải gác máy để phụ bà ngoại làm bánh, thế là tôi đành “tiếc nuối” sắp sửa chấm dứt cuộc điện thoại kéo dài gần một giờ này.

- À quên, anh hỏi chuyện này nữa!

- Gì thế?

- Hôm bữa em về Nhật ấy, lúc vừa lên xe của chú Ba thôi thì có gọi điện vào máy di động em đưa anh không?

- Không… lúc đó em đâu còn điện thoại nào mà gọi!

Một thoáng rùng mình chợt hiện lên, tôi quýnh quíu:

- Trời đất, rõ ràng anh nghe giọng em mà, nhưng em lại nói tiếng Nhật hay tiếng Anh thì đó nên anh không hiểu, rồi sau đó cúp máy liền!

- Chắc… do bạn em không biết nên gọi hỏi thăm đó thôi, anh đừng nghĩ nhiều!

- Kì lạ nhỉ, anh nhớ đó là giọng nói của em!

- Có thể do anh chưa quen nghe tiếng Nhật nên một cô bạn nào đó của em nói khiến anh tưởng lầm là em thôi, với cả giọng nói qua điện thoại thì có thay đổi mà!

- Sao em biết là người gọi cho anh nói tiếng Nhật?

- Em đoán vậy, anh hỏi nhiều ghê. Thôi bye ha, giờ em phải cúp máy đây, ngoại em đang đợi!

- Ừm… bye em…!

Gác máy điện thoại rồi mà tôi vẫn còn hơi thẫn thờ với một vài thắc mắc cứ lợn gợn trong đầu, thật sự thì những gì tôi thắc mắc là do tôi tự làm khó mình mà thôi. Nhưng sao cứ như có một cảm giác gì đó rất khó tả, nó như bảo cho tôi biết rằng tôi đã tiến đến rất gần đầu mối của vấn đề bằng một cách tình cờ rồi, cứ tiếp tục đi. Để rồi giờ đây tôi lại hoang mang không biết gọi nỗi thắc mắc không tên của mình là gì, chỉ đọng lại mỗi cảm giác rằng… Tiểu Mai đối với tôi vẫn còn rất nhiều bí ẩn.

Đang định với tay lấy cốc nước thì chợt trước cửa nhà, tôi trông thấy một người đàn ông mặc áo mưa có vẻ khá chật vật để dựng xe xuống và lại bước về phía nhà mình.

- À em ơi, cho anh hỏi phải nhà của Trí Nam không?

Nghe đến tên mình thì tôi vội bước ra dù rằng trong lòng khá nghi hoặc làm sao người đàn ông này lại biết tên mình, không biết là có chuyện gì đây.

- Dạ đúng rồi anh, em là Nam! – Tôi mở cửa nhà, hơi nhíu mày vì phân vân chưa biết có nên mời người này vào nhà không.

- Anh gửi hàng chuyển phát, em kí vào giấy này là xác nhận đã nhận hàng nhé! – Người này vuốt nước mưa trên mặt rồi chìa ra một hộp to được quấn băng keo rất kĩ cùng một biên bản đã lấm tấm nước.

- Ơ… em có đặt mua hàng gì đâu anh? – Tôi ngạc nhiên quá đỗi.

- Ủa? Đúng địa chỉ nhà này rồi mà, em là Võ Trí Nam đúng không? – Người đàn ông nhăn mặt.

- Dạ… thì đúng, nhưng em có mua hàng gì đâu! – Tôi ngẩn tò te.

- Vậy chắc là có người đặt mua khô bò ở chỗ anh rồi gửi đến tặng em mà không báo trước đấy!

- Hả? Khô bò?

- Ừ, người ta đặt mua 5kg khô bò ở Tùng Loan tiệm anh nè, đúng địa chỉ rồi, em nhận hàng rồi kí vào giúp anh, mưa to quá. Rồi hỏi lại người trong nhà hay bạn bè xem ai gửi là biết liền chứ gì!

Bị hối thúc, và hơn nữa thì mưa cũng to nên tôi đành kí nhận vào biên bản giao hàng rồi chào cảm ơn người đàn ông khi đã cầm trên tay cái hộp to đùng. Khi bóng dáng người đàn ông đã khuất sau màn mưa dày đặc của buổi chiều xám xịt mưa gió này rồi thì tôi mới khẳng định rằng đây không phải một trò đùa nào cả, và người giao hàng đó đúng là nhân viên của cửa hàng thực phẩm Tùng Loan mà tôi vẫn thường hay chạy ngang qua, có để tâm vào chiếc xe in đầy logo của cửa hiệu này. Và người giao hàng ban nãy đúng là chạy chiếc xe y chang như vậy.

Nhưng mà thế thì… ai mà chơi sộp đến mức tặng tôi những 5kg khô bò cơ chứ? Lại là của Tùng Loan, đây là cửa hàng mà tôi chả mấy khi ghé tới bởi giá bán đắt hơn nhiều so với trong chợ. Khô bò thì xưa giờ tôi toàn mua mấy gói đóng bọc nhỏ nhỏ ngoài chợ, có chơi sang thì cũng chỉ dám ra Lý Chấn Kí mua nửa kg về là thấy bay sạch tiền tiêu vặt cả tháng rồi.

Xưa giờ thì chỉ có Uyển Nhi là bất ngờ tặng cho tôi hẳn một hộp khô bò to, đúng loại mà tôi hay mua ở Lý Chấn Kí, và cũng đã được Uyển Nhi xác nhận kèm theo thư. Không lẽ… nhỏ này hôm nay lại nổi hứng tặng tôi tiếp hay sao? Mà sao nhỏ Nhi lại biết Tùng Loan mà đặt hàng, tôi có nói đến chỗ này bao giờ đâu?

Mà 5kg khô bò này ăn thì chỉ có lòi bảng họng chứ chả thể đỡ đằng nào được, tôi cầm còn thấy nặng trĩu trên tay.

- “Nếu là Uyển Nhi thì sẽ có thư đính kèm, cứ mở ra xem sao!” – Nghĩ bụng làm liền, tôi vội xé lớp băng keo bọc ngoài hộp rồi cẩn thận dùng dao rọc giấy miết từng đường quanh hộp.

Nắp hộp bật mở, và tôi… đồng thời cũng gần như bật ngửa vì quy mô đồ sộ của số khô bò lần này. Chúng nhiều quá mức quy định, vả lại còn là loại thượng hạng mà tôi chỉ dám nằm mơ chứ không dám ăn, nhìn xuyên qua lớp hộp nhựa trong suốt thì miếng bò nào miếng nấy to bản mà lại dày cộm, có cả những thớ gân bò phủ đầy gia vị trông cực kỳ hấp dẫn.

- Ực…! – Tôi nuốt nước bọt, thầm nghĩ cái bọc khô bò của Uyển Nhi trong tủ lạnh giờ chỉ còn vài miếng chắc tôi sẽ không thèm đụng vào nữa quá.

Cố kìm nén cơn thèm thuồng vì ham ăn, tôi cũng để chiếc hộp ra xa tầm với của con mèo đần đang cứ nhấp nhổm nhìn vào đầy háo hức mà đưa tay mình lục tìm trong hộp xem có bức thư với chữ viết của Uyển Nhi hay không. Vì tôi vẫn đinh ninh là Uyển Nhi bằng cách nào đó đã có thể đặt hàng được ở cửa hàng này, hoặc cũng có thể là… nhỏ này đã về Việt Nam nghỉ hè như lời đã nói hồi tháng trước rồi.

- Đây, biết ngay mà! – Tôi gần như reo lên khi bắt gặp một mẩu giấy thiệp cứng được chèn bên hông chiếc hộp.

- Để xem viết gì nào, Uyển Nhi chứ còn ai nữa! – Tôi háo hức mở thiệp ra.

- “Tuyệt diệu nhé Nam khờ, ăn sạch số bò khô này cho đỏ mắt ra đi, đỏ như ác quỷ Hell Boy vậy đó, he he!”

Là sao? Cái quái gì vậy?

Toàn bộ mẩu thiệp chỉ có vỏn vẹn một dòng chữ như thế, và lại không hề đề tên người gửi. Vậy là không phải Uyển Nhi rồi, nếu là nhỏ này thì sẽ có đề tên bên dưới, hơn nữa đây không phải là nét chữ của Uyển Nhi mà tôi biết.

Vội phóng lên lầu tìm lại mảnh thư của Uyển Nhi kỳ trước đã gửi rồi chạy xuống dưới nhà lọ mọ so sánh một hồi, tôi lại càng thêm khẳng định rằng đây là nét chữ của hai người khác nhau. Cùng là nét chữ con gái nhưng chữ của Uyển Nhi trông không đẹp bằng nét chữ của người này.

Không phải Uyển Nhi gửi, vậy thì càng không phải là bé Trân vì con bé này chỉ lăm lăm cướp lấy số khô bò quý giá của tôi. Lại càng không phải Tiểu Mai, nàng đời nào cho tôi ăn đến đỏ mắt như vậy.

Thế này là thế nào? Rốt cuộc là ai gửi cho tôi vậy? Ai mà… sộp quá vậy? Tí nữa mẹ tôi hỏi, tôi biết phải ăn nói thế nào đây?

Nhưng quan trọng nhất, ai là người đã gửi chiếc hộp này, và tại sao lại gửi cho tôi?

******

Sáng hôm sau, tôi lồm cồm bò ra khỏi giường, vươn vai ngáp một hơi dài sảng khoái và nheo mắt lại khi nhận ra sau một đêm mưa dài tầm tã, bầu trời hôm nay rốt cuộc đã có chút nắng hiếm hoi quen thuộc. Bước xuống nhà dưới rửa mặt, tôi vội lảng đi thật nhanh khi thấy mẹ vẫn còn đang ở nhà. Vì tôi không muốn lại phải bị chất vấn thêm nữa về số khô bò đồ sộ kia như hồi tối hôm qua. Cuối cùng tôi đã có thể tạm thuyết phục mẹ tin rằng đây là của bạn cũ cấp II của tôi, sau đó nó vào Sài Gòn học và đợt này về chơi tự dưng nó… dư tiền mua tặng tôi ăn chơi cho đỡ buồn miệng.

- Cả đống này mà ăn đỡ buồn miệng? Mỗi ngày mầy ăn no cành hông thì một tuần cũng chưa hết đó con! – Mẹ tôi quạu đeo khi tôi chống chế.

Rửa mặt xong xuôi, tôi húp tạm tô cháo cá nấu mẹ đưa làm bữa sáng rồi lò dò bước lên nhà trên, lôi tờ báo Thanh Niên ra đọc. Đến gần 9 giờ hơn, tôi cảm thấy mình nên nhìn sơ qua một lượt sách Toán 11 vừa rồi để hệ thống lại các kiến thức cần phải dạy cho Minh Châu, chuẩn bị cho buổi dạy kèm ngày mai thì đúng ngay khi tôi vừa giở trang bìa ra là một chiếc taxi Mai Linh đỗ cái xịch ngay trước cửa.

Cho rằng đó là khách nhà kế bên, tôi cũng không chú tâm mà quay trở lại nhìn vào quyển sách, đến khi giật thót người khi nghe tiếng gọi tên mình bằng một giọng nói lém lỉnh hết sức quen thuộc:

- Ê… Nam, ông Nam, xùy xùy!

Quay ra nhìn theo phản xạ thì tôi phải gọi là há hốc mồm khi vừa nhắc đã thấy, chỉ mới hôm qua tôi còn nghĩ đến ấy vậy mà sáng nay đã có mặt, cuộc đời đôi khi có sự trùng hợp ngẫu nhiên đến như thế sao ?!

Trước mắt tôi lúc này là Diệp Hoàng Uyển Nhi, con nhỏ mang màu mắt xanh đại dương rất đỗi thông minh xinh xắn, hết sức duyên dáng đưa tay ngoắc tôi như thượng khách ngoắc hầu bàn chạy tới.

- Hi, nhanh lên! – Con nhỏ vẫn gọi.

- …..! – Tôi quá thể ngạc nhiên đến mức không thể nói được câu nào, chỉ biết bước nháo nhào mà đi tới mở cửa, đứng ra ngoài thềm tam cấp.

Uyển Nhi cười thật tươi, con nhỏ nghiêng mái đầu nhìn tôi hết một lượt:

- Sao đơ luôn rồi? Tui biết tui đẹp, ông không cần phải thể hiện lòng ngưỡng mộ thái quá như vậy đâu!

- …….! – Tôi vẫn đờ mặt ra.

- Hê, sao thế? Nói gì đi chứ? Tui về chơi mà ông bị câm thì chán lắm! – Con nhỏ quơ tay qua lại trước mắt tôi như kiểm tra thị lực.

Và sau bao nhiêu khó khăn để có thể mở mồm, sau ngần ấy thời gian để có thể gặp lại, tôi không hề hỏi thăm Uyển Nhi một cách xã giao, cũng không thắc mắc về hộp khô bò to tổ nái hôm qua mà tôi chỉ có thể hỏi đúng một câu duy nhất, một câu hỏi mà tôi đã canh cánh trong lòng suốt hơn một tháng dài ròng rã:

- Bà… sao lại mang họ Diệp Hoàng vậy? Diệp Hoàng… Uyển Nhi.. ?

Khi ấy, có một sự ngạc nhiên đi kèm chút đỉnh thất vọng trên gương mặt của Uyển Nhi, và con nhỏ lại rất nhanh đã cười trở lại, đưa đôi mắt xanh đại dương tuyệt đẹp nhìn thẳng vào tôi, nhẹ vuốt tóc và đủng đỉnh nói:

- Vì bạn gái ông, Diệp Hoàng Trúc Mai gọi tui là em gái, trả lời như vậy thì được rồi chứ?

Từ duy nhất tôi có thể nói ra lúc này, cũng hệt như khi tôi đọc thư của Uyển Nhi, đó là…

.................... HẢ? 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #nhầm