Chương 1: Chào em từ ngưỡng cửa

Mùa xuân năm 1996, gia đình tôi quyết định chuyển sang London sinh sống. Năm ấy tôi mới 6 tuổi, còn quá non nớt để lưu giữ vào trong ký ức của mình những kỉ niệm đáng nhớ nơi quê nhà. Nhưng có một việc thú vị trong khoảng thời gian ấy khiến tôi không thể quên.

Đó là một chiều mưa tháng tám, trong lúc chờ bố mẹ đi làm một vài thủ tục gì đó, bố gửi tôi ở nhờ nhà một người bạn thân của họ là cô Tâm. Cô Tâm rất quý tôi và hay khen tôi mặt mày sáng sủa. Chồng cô, chú Quân cũng thế. Chú còn dạy tôi đá bóng và hay nói tôi có tiềm năng để trở thành một chân sút chuyên nghiệp trong tương lai. Nhưng sau này tôi không theo đuổi con đường quần đùi áo số như chú vẫn mong muốn.

Hôm ấy chú Quân đi công tác xa nên ở nhà chỉ có tôi và cô Tâm. Cô lại đang có mang, cần nghỉ ngơi, thành ra tôi phải ngồi chơi đống robot một mình. Đang mải mê lắp ráp thì tôi bỗng giật mình bởi tiếng la lớn phát ra từ phòng ngủ. Tôi bèn chạy ngay vào thì thấy cô Tâm đang nằm sõng soài trên sàn nhà, miệng không ngớt bảo tôi : "Gọi cấp cứu, gọi cấp cứu...". Tôi hoang mang nhìn quanh phòng, chộp ngay lấy cái điện thoại trên bàn nhưng chợt sựng lại vì không biết phải làm gì tiếp theo.

- Cô ơi, gọi số nào giờ vậy cô?

Việc không thấy cô trả lời làm tôi thêm hoảng. Tôi quay người lại. Cô vẫn đó, còn tỉnh, nằm co người, mặt nhăn nhúm, mắt nhắm lại, bặm chặt môi, hai tay ôm lấy bụng. Cho đến bây giờ, tôi vẫn tự thấy mình thông minh khi trong cái khoảnh khắc "căng não" ấy, tôi còn biết mở khóa điện thoại và gọi cho 113! Đừng tưởng việc này là dễ nhé, lúc 6 tuổi tôi mới chỉ được nhìn bố mẹ sử dụng điện thoại mà chưa đụng đến một lần nào. Và 113 là số điện thoại duy nhất mà tôi biết, thông qua một lần nghe radio. Phát thanh viên của đài đã nói, hãy gọi cho số này nếu bạn gặp tình huống nguy cấp.

Tầm chục phút sau, còi xe đã réo inh ỏi ngoài cổng nhà. Có tiếng mở cổng, rồi tiếng bước chân của rất nhiều người chạy thình thịch vào trong. Trong lúc tôi vẫn chưa kịp nhìn rõ xem họ là ai thì cô Tâm đã được họ bế lên một cái cáng và mang ra xe. Không hiểu sao tôi bỗng khóc toáng lên, trông chẳng khác gì đang ăn vạ. Thấy vậy, một chú mặc áo xanh nhảy khỏi xe, chạy đến và bế thốc tôi lên, ôm ra xe cùng với cô. Trên đường đi, nghe cô Tâm rên rỉ vì đau đớn, tôi không thể thôi thút thít. Chú áo xanh bế tôi lên xe lúc nãy thấy vậy liền xoa đầu tôi an ủi:

- Không sao đâu nhóc con. Bọn chú đang đưa mẹ cháu đến bệnh viện rồi. Mẹ và em cháu sẽ đều ổn cả thôi!

- Vâng! Nhưng không phải mẹ.

- Thế à? Ưm, nhưng lần sau cháu nên gọi cho 115 nếu gặp trường hợp cháu hay người thân phải cấp cứu gấp nhé.

Tôi suy nghĩ một hồi, hình như vẫn chưa ngẫm ra, bèn hỏi:

- 113 thì không được ạ? 113 cũng là số để gọi trong trường hợp khẩn cấp mà? Vả lại, lúc cháu gọi, các chú cũng đến giúp đấy thôi.

Chú áo xanh nghe vậy liền bật cười:

- Ừ, nhưng nếu cháu gọi cho 115 thì sẽ tốt hơn. Bên họ có nhiều thiết bị y tế có thể sơ cứu bệnh nhân ngay trên đường đưa tới bệnh viện. Chuyên môn họ cũng tốt hơn nữa. Ưm, - chú nhìn khuôn mặt ngơ ngác của tôi, ngừng một lát rồi nói tiếp,- bọn chú là cảnh sát, chuyên môn của bọn chú chỉ là bắt trộm, bắt tội phạm thôi. Nói chung, 113 là gọi cảnh sát, tức bọn chú đây, 114 là cứu hỏa, rất hữu ích nếu nhà cháu có cháy nổ gì đấy, 115 là cấp cứu. Nhớ nhé, nói lại xem nào!

- 113, cảnh sát. 114, cứu hỏa. 115, cấp cứu.

- Giỏi. Con nhà ai mà thông minh thế!

Lời khen của chú áo xanh khiến tôi vui quá mà thôi khóc. 113, cảnh sát. 114, cứu hỏa. 115, cấp cứu. Tôi nhớ rồi.

Hơn chục phút sau nữa, chiếc xe đỗ lại trước cổng bệnh viện đa khoa thành phố. Tôi đã được bố mẹ đưa đến đây tiêm phòng viêm gan B mới tháng sáu vừa rồi. Vừa xuống khỏi xe, từ trong cổng bệnh viện đã có 3 người mặc áo trắng, một nam, hai nữ chạy ra cùng với một chiếc giường bệnh di động, đợi đặt cô Tâm lên rồi đẩy thẳng vào trong. Tôi định chạy theo thì nhanh chóng bị chú áo xanh giữ lại.

- Cho cháu vào! Cho cháu vào!

Nghe tôi thét, chú đành buông tay. Ngay lúc ấy, tôi nghe phía sau tiếng chuông điện thoại chú rung lên. Chú bắt máy nghe, khuôn mặt căng thẳng, tai đỏ bừng lên, môi mím chặt, mắt nheo lại, không nói câu gì, tắt cuộc gọi rồi nhảy ngay lên xe. Trước khi đi khỏi chú còn kịp vẫy tay kêu tôi đi đứng cẩn thận. Cho đến mãi về sau này, tôi vẫn nhớ cái dáng vẻ oai vệ của chú khi nhảy phóc lên xe, ra lệnh dõng dạc: "Đến đường... phố...". Đó cũng là lý do sau này tôi quyết tâm thi đỗ vào Học viện Cảnh sát. Nhưng đừng nghĩ bây giờ tôi đang là một cảnh sát oai phong như chú. Tôi thi trượt đợt đấy mà!

Đường đi trong bệnh viện rắc rối quá khiến tôi bị lạc. Có lúc, xung quanh tôi còn là những người bệnh với thương tích trải khắp mình, trông chả khác gì quái vật bước ra từ "Người đẹp và mãnh thú''. Tôi thực sự muốn khóc ngay lúc ấy, nhưng không sao mở miệng cho được. Nhiều khi muốn khóc mà cũng chẳng khóc được, thế mới khổ cơ chứ.

Đang đi loanh quanh mà chẳng biết sẽ tới đâu, tôi bắt gặp ai đó dáng người mảnh khảnh, cao cao giống bố đang ngồi thu mình lại trên hàng ghế xếp, hai tay ôm đầu cúi xuống tỏ vẻ đau khổ lắm.

- Ơ kìa Dương! Con trai, lại đây! Lại đây con! Con đang làm gì ở đây vậy con?

Bố đợi tôi chạy lại rồi ôm ghì tôi vào lòng. Cái ôm quá chặt khiến tôi khó thở.

- Bố ơi, mẹ đâu?

- Mẹ con ư? - Bố mím chặt môi, quay mặt đi, đôi mắt nhíu lại muốn chảy nước mắt, - mẹ con đang ở trong phòng này.

- Để làm gì hả bố? Chữ gì ghi trên kia thế bố?

Tôi ngước nhìn lên bảng chữ ghi tên "Phòng cấp cứu" mà thắc mắc. Đáp lại tôi chỉ là sự im lặng. Bố lại ôm tôi vào lòng, xoa đầu và bảo:

- Ngoan, con! Lát nữa mẹ sẽ ra thôi con!

- Bố ơi! Bố ở đây có thấy cô Tâm đâu không? Con đi tìm cô từ nãy đến giờ mà không thấy! Cô sắp sinh em bé thì phải.

- Vậy à?

- Vâng.

*******

Sau hơn một tiếng chờ đợi, cuối cùng cửa phòng cũng mở. Một bác áo trắng khác bước ra, vẻ mặt căng thẳng nói:

- Anh là người nhà bệnh nhân đúng không?

Bố tôi liền ngồi bật dậy, sốt sắng:

- Tôi đây! Tôi đây! Vợ tôi sao rồi? Sao rồi hả?

- Đã không còn nguy hiểm nhưng vẫn cần nghỉ ngơi nhiều. Anh cần để cho cô ấy ngủ đủ giấc, ăn đủ chất, uống thuốc đều đặn và phải đến khám lại sau ba tháng nữa. Đơn thuốc thì giờ đi theo tôi, tôi sẽ kê cho.

Nói rồi bố liền đi theo bác áo trắng, không quên nhắc tôi ở yên đây, không chạy nhảy lung tung để lạc, cũng đừng làm phiền để mẹ nghỉ ngơi. Tôi gật đầu và ngồi ngay ngắn trên hàng ghế xếp trước cửa phòng có mẹ. Bỗng tôi thấy có hai cô y tá đi ngang qua, một cô lẩm bẩm:

- Nghe nói có một bà mẹ đẻ khó nên bây giờ phải mổ gấp.

- Tên Tâm phải không? Mà người nhà cô ấy đâu lại không đến nhỉ?

Tôi dỏng tai nghe. Liệu có phải họ đang nói về cô Tâm không? Tôi tò mò, liền chạy theo họ và hỏi:

- Cô ơi, cô ơi! Cô đang nói đến cô Hà Tâm đúng không ạ?

- Phải rồi! Cháu có quan hệ gì với cô ấy sao?

- Cô ấy là bạn của bố mẹ cháu. Cô cho cháu đi gặp cô ấy được không?

- Ừm, được. Nhưng cháu phải đợi ở ngoài thôi.

"Lại đợi, thêm bao nhiêu nữa?" Nghĩ vậy nhưng tôi vẫn đồng ý.

- Vâng!

Phòng của cô Tâm cách phòng mẹ tôi xa lắm, khác dãy nhà nữa. Tôi ngồi ở ngoài, chờ đợi thêm một, rồi hai, ba tiếng thì cánh cửa phòng mới mở. Nhưng bước ra ngoài không phải cô Tâm, mà là cô y tá lúc nãy, trên tay còn bồng một đứa bé nhỏ nhắn đang khóc một cách yếu ớt, tưởng như nếu em không khóc, mọi người sẽ nghĩ em đã không còn tồn tại.

- Này nhóc, đi cùng cô không? Đi đến nơi sẽ giúp cô bé này có thêm sức lực để ở lại với chúng ta.

Tôi gật đầu và đi theo cô. Chúng tôi bước lên tầng hai, đi vào một căn phòng rộng rãi với những chùm sáng dịu nhẹ. Ở đó có rất nhiều em bé sơ sinh mà mỗi bé được đặt trong một cái lồng kính khác nhau. Cô bé cũng được đặt vào trong một cái lồng kính có một vài lỗ con để không khí lọt vào trong. Bên ngoài lồng kính được dán một mẩu giấy gì đó. Cô y tá quay sang tôi mỉm cười:

- Giờ thì cô bé an toàn rồi!

Tôi cũng không để ý lắm đến điều cô ấy nói bởi lúc đó tôi còn đang bận áp sát mặt vào lồng kính mà nhìn ngắm bé con của cô Tâm. Cô bé thật nhỏ nhắn, dễ thương. Vẻ mặt dịu dàng của bé khiến tôi có một cảm giác đặc biệt mà lúc ấy tôi không thể diễn tả được với vốn từ của một đứa nhóc 6 tuổi. Bây giờ thì tôi nghĩ cảm giác đó là BÌNH YÊN.

Chào em, cô bé của mùa thu!




Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: