Giữa những hư hao


Tháng ba vừa tới, cây hạnh lâu năm trước nhà đột nhiên nở hoa. Dưới tàng hoa thưa thớt bóng lá non, hàng xóm mới chuyển đến phía đối diện nhà bà Lâm. Từ ô cửa kính dọc ngang vết xước nhìn ra, bà thấy hai cậu trai trẻ, có lẽ là hai anh em, cậu trai thấp hơn di chuyển hình như không tiện lắm. Cửa xe mở ra, cậu khẽ xoa nhẹ bên chân phải rồi ngần ngừ nhìn xuống. Nhưng tay còn chưa kịp với lấy chiếc nạng ở phía sau thì người anh đã nhanh chân nhảy xuống, đi vòng qua xe tới bên cạnh cậu.

Hai anh em họ cõng nhau đi vào nhà, tài xế giúp chuyển đồ, chung quy chỉ vài ba vali lớn và một chiếc túi nhỏ. Ngôi nhà đối diện đã mấy tháng không người, cửa vừa mở ra đã thấy hơi ẩm mốc do không khí ẩm ướt đầu xuân, người anh trai thoáng khựng lại một chút, đặt cậu em ngồi xuống chiếc xích đu gỗ trong vườn rồi mới bước vào trong.

Chờ khi cậu ta lau dọn tạm ổn đã là nửa tiếng sau, khi bà Lâm lại đi qua cửa sổ lần nữa mới thấy cậu anh đỡ em mình lên đưa vào nhà. Vậy là từ nay ở đây chắc sẽ đỡ buồn hơn rồi, bà nghĩ vậy, khi khuấy nhẹ tách trà đường trong tay và nhìn sang gốc táo đối diện cũng đang nhú đầy lộc xuân.

.

Tiếng gõ cửa khách sáo vang lên khi bà Lâm đang bận rộn gỡ cuộn len rối. Chưa chờ bà kịp đáp, ông Lâm trong bếp đã tất tả đi ra, trên tay còn cầm muỗng vương đầy nước sốt. Cửa vừa hé mở, lộ ra khuôn mặt một cậu thanh niên tuấn tú. Dáng người rất cao, chỉ đứng dưới bậc thềm cũng đã bằng ông Lâm rồi, ngũ quan đẹp đẽ, nổi bật lên một đôi mắt đào hoa đa tình. Bà Lâm thầm tấm tắc trong lòng, giá như năm ngoái đừng vội gả Tiểu Mỹ đi xa như vậy, có phải bây giờ chưa biết chừng lại có được cậu con rể xinh trai thế này không. Nghĩ rồi lại cười, đỡ lấy giỏ hoa quả từ ông Lâm đang luống cuống suýt rơi muỗng, niềm nở mời cậu vào nhà.

Giỏ hoa quả không nhiều nhưng bày trí vô cùng tinh tế, nhìn cũng đủ biết chủ nhân là người tỉ mỉ cẩn thận thế nào. Xem chừng đây hẳn là người có học, nghĩ đến cậu em trai hôm nọ, bà đoán có lẽ họ muốn dưỡng bệnh nên mới chuyển đến nơi hẻo lánh này chăng.

Rồi như xác thực lời bà, Yuta – cậu trai kia bảo họ gọi mình như vậy, cúi đầu lễ phép nói, thi thoảng cháu có chút việc phải vào nội thành, em trai ở nhà di chuyển không tiện, xin nhờ chú dì giúp cháu để tâm. Ông Lâm bên cạnh xởi lởi cười đáp, không có gì không có gì, đừng khách khí, hàng xóm quan tâm nhau là chuyện hiển nhiên, nói rồi vung cái muỗng muốn văng cả sốt vào mặt người ta. Cậu thanh niên đối diện chỉ cười, đuôi mắt cong cong thành cây cầu nhỏ.

Từ đó, khung cửa sổ như cái camera nhỏ của bà Lâm. Ngày thường ở nhà cũng nhàm chán muốn chết, hai già ở vậy chăm nhau thực ra cũng chẳng có gì, ông Lâm sáng sáng đi chạy bộ cùng mấy lão đồng niên, cuối tuần thi thoảng hai ông bà lại bắt xe bus vào nội thành nhìn qua ngó lại, nhàn nhàn tản tản chung quy cũng quanh quẩn bốn bức tường, ô cửa nhiều nắng và một cây hạnh mãi mới chịu đơm bông.

Lời nhờ gửi của Yuta dạo nọ vẫn chưa có dịp thực hiện, bởi đó giờ cũng gần một tháng trôi qua, Yuta vẫn luôn ở nhà tận tâm chăm sóc cậu em mình. Cây nạng đặt kề cánh cửa như sắp mọc cả rêu, Mark đi một bước cũng đều là trên lưng anh mình, khiến ông Lâm lắm khi còn tấm tắc, chà chà, giá như Tiểu Mỹ với Ái Ái nhà chúng ta thuận hòa như thế, cùng lấy rể trong vùng thì cũng không phải gả đi xa như vậy. Thế là nhận ngay cái cốc đầu của bà Lâm, Tiểu Mỹ với Ái Ái có gì không tốt, không phải chỉ là hay khắc khẩu thôi sao. Ông Lâm xoa xoa đầu ấm ức lẩm bẩm, đúng đúng, ba ngày một chuyện nhỏ năm ngày một chuyện to, không phải chỉ là khắc khẩu thôi sao, khắc đến bố chúng nó là tôi đây cũng phải ngậm mồm. Bà Lâm bật cười, tiện tay cho ông Lâm thêm một bạt.

.

Phải đến tận khi hoa hạnh kết thành quả, bà Lâm háo hức ra vườn ngóng xem mới vừa hay gặp Mark nhà đối diện đang chống nạng cà nhắc mở cửa ra. Chà, bà thầm tấm tắc trong lòng, nhà này đúng là có gen tốt, anh em họ ai cũng đều đẹp trai như vậy, giá kể Ái Ái không vì khắc khẩu với Tiểu Mỹ, nhẽ thường ở lại nhà thêm hai năm thì bây giờ biết đâu lại hốt ngay được chàng rể quý.

Cậu trai phía bên kia vừa thấy bà liền gật đầu chào hỏi, đôi mắt long lanh cong lên thành một đường, xinh xẻo như một cánh sen đọng đầy nắng hạ. Bà Lâm bước sang, không chờ Mark nhảy qua bậc cửa đã vội cản lại, hai tay đỡ người cậu dìu đến bên xích đu. Cậu thanh niên ngồi xuống xong nhẹ cười, dì Lâm, cảm ơn dì, con coi vậy chứ vẫn đi được tốt lắm, chẳng qua do anh ấy cẩn thận quá thôi.

Phải phải, bà Lâm gật đầu, chính vì Yuta chu đáo để tâm như vậy, dì nhận ủy thác cũng không thể qua loa nha. Nói rồi vội chạy về nhà, lát sau mở cửa, chạy sang mang theo một hũ ô mai ngâm từ năm ngoái. Đôi mắt cậu trai trẻ sáng lên nhìn cái hũ nhỏ trong tay bà, cười đến sáng lạng, cảm ơn dì, loại này con thích nhất, rồi hệt như trẻ nít được kẹo, chẳng ngại ngần nhón lấy một viên, cái mũi chun lại vì vị chua gắt mà miệng vẫn cười toe.

Mùa xuân năm nay chẳng nhiều nắng, rào hồng dại bên nhà bà kém tươi, ấy thế mà vườn bên đối diện chẳng cây chẳng cỏ, dưới gốc táo già lại bắt đầu đơm bông.

Xem ra năm nay cây hạnh nở hoa thật chẳng phải ngẫu nhiên, là do đối thủ mạnh quá đây mà, bà Lâm cười thầm, rồi đưa tay vẫy ông Lâm đang ngó nghiêng nơi góc cửa nhìn ra. Mùa xuân này hoa trổ lộc đơm, sinh hoạt nơi trấn nhỏ này cũng đỡ buồn chán hơn nhiều rồi.

.

Tháng năm đến trên mái tóc màu hạt dẻ của Mark nhà bên. Một sáng bà Lâm mở cửa, thấy trên xích đu cậu trai nhỏ nằm ngủ gà gật, bên cạnh người cơ man những gấu bông vịt bông to nhỏ. Ngày nào Yuta cũng kiên trì dìu em trai mình tập đi, ban đầu chỉ một chút vào buổi sáng, dần dần thêm một lần vào buổi tối. Rời khỏi chiếc nạng, cuối cùng Mark cũng có thể miễn cưỡng đi được nửa vòng quanh vườn, chân phải run rẩy một hồi cũng đứng vững được. Ban đầu còn phải có anh ở phía trước vươn tay, vừa đi ngược vừa kiên nhẫn cổ vũ em, giờ mỗi sáng Mark còn dậy sớm hơn cả Yuta, hăng hái cà nhắc cà nhắc đi đi lại lại, có bữa khiến Yuta không chịu nổi phải kêu lên, tập luyện quá sức còn khiến tình hình tệ hơn đó biết không? Lúc đó cậu em bướng bỉnh mới chịu thôi.

Nếu nói tháng năm có gì đặc biệt ngoài chuyện hơi ẩm ướt cùng những cơn mưa phùn của mùa xuân cũng đã lui đi, thì chính là kỉ niệm ngày cưới của ông bà Lâm. Bốn mươi năm trước bà cãi cha cãi mẹ, nhất định phải theo về nhà họ Lâm. Khi đó hai ông bà tay trắng ra đi, đến ba năm sau khi đã sinh Ái Ái rồi mới bồng con quay về nhà ngoại, cha mẹ lúc đó tóc đã bạc đầu, vừa khóc vừa cười. Nói cho cùng thì cũng chẳng ai nỡ từ mặt đứa con mình đứt ruột đẻ ra.

Bây giờ cha mẹ mất cả rồi, hai đứa con cũng lấy chồng xa, kỉ niệm ngày cưới hàng năm giờ cũng chỉ có ông bà ra ra vào vào, mặc quần áo mới cho nhau xem rồi lại vào vào ra ra.

Năm nay nhà đối diện có hai cậu thanh niên thích náo nhiệt, hẳn sẽ vui hơn nhiều. Mấy hôm trước ông Lâm ngồi nói chuyện với Yuta, cậu nghe vậy liền hăng hái hẳn lên, sáng sớm nay đã cùng ông Lâm vào nội thành. Cậu nói ông bà đã qua cả đám cưới bạc, sắp thành đám cưới vàng rồi, năm nay nhất định phải mở tiệc lớn. Nói rồi suốt hai ngày vừa qua cứ ríu ra ríu rít chuẩn bị. Mark còn tự tay bày vẽ thêm mấy món đồ trang trí làm ông Lâm cứ cười mãi không thôi. Ái Ái với Tiểu Mỹ một năm cũng chỉ về thăm được mấy lần, giờ chú dì ở đây cũng chỉ có hai già chăm nhau, chi bằng coi hai đứa như con, cứ vậy "gia hòa vạn sự thành" nhé. Hai đứa trẻ nghe xong nhìn nhau cười, rồi cũng nhìn ông bà cùng gật đầu đáp lại.

.

Nói ra thì, từ ngày hàng xóm mới chuyển về đây, tuy ngày ngày đều qua lại thăm nhau, chuyện trò không ít, nhưng ông bà Lâm cũng chưa bao giờ hỏi về gia cảnh hai đứa trẻ, vì sao lại xa gia đình, sao lại lưu lạc về tận đây. Ông Lâm hồi trai trẻ bôn ba khắp đại giang nam bắc, mấy hôm đầu vừa gặp cũng đã nói với bà, hai anh em cùng nhau lưu lạc về đây thì hẳn là có biến cố gì lớn lắm, nếu họ không nói thì cũng đừng có hỏi.

Bà Lâm trước nay cũng không phải dạng thích hóng hớt, hàng xóm xung quanh ra vào cũng chỉ chào hỏi đôi câu, chỉ là, có đôi khi từ cửa sổ nhìn sang, thấy ánh mắt Mark nhà bên u uẩn lắm, khác hẳn với đôi mắt long lanh rộ lên khi cười. Những lúc Yuta không có nhà, bà thường nấu thêm một phần đồ ăn mang sang cho cậu, để ý thấy cậu ăn không nhiều, khác hẳn với mọi khi, thần thái cũng không còn thoải mái như lúc có Yuta, dường như nặng nề tâm tư lắm.

Nghĩ vậy, rồi bà lại chắt lưỡi, thôi thì tuổi trẻ, có đôi khi bị dòng đời xô đẩy lăn lộn, rốt cuộc thì cay đắng nào cũng phải nếm qua, rồi in hằn thành nếp nhăn trên khóe mắt, thành đồi mồi trên da, thành bạc phơ mái đầu. Cuối cùng rồi cũng hết, nhắm mắt lại là hết. Giờ sống được thì cứ sống thôi. Có lẽ hai đứa trẻ kia cũng nghĩ vậy, anh em họ ở bên nhau dù chỉ quanh ra quẩn vào đôi ba chuyện lặt vặt, cũng chẳng bao giờ thấy ngớt tiếng cười. 

Khóc cũng qua ngày mà cười cũng qua ngày, còn có nhau là được, Yuta có đôi lần nói vậy.

.

Nhà hàng xóm chẳng có khách phương xa. Đến như ông bà Lâm đây song thân mất cả, con cái xa nhà, nhưng thi thoảng vẫn có họ hàng nọ kia tới thăm nom trò chuyện. Chung quy thì do đều lớn tuổi rồi, quanh quẩn ở nhà làm phiền con cái chẳng bằng cứ thế túc tắc tới thăm nhau, dông dài vài ba câu chuyện cũ, lật giở cuốn ảnh nói những chuyện ngày xưa.

Quả hạnh mùa hè đã có thể hái xuống làm thuốc, gốc táo vườn bên mới bắt đầu lác đác trổ hoa. Bà Lâm bảo tháng chín năm nào cây này cũng trĩu quả, năm ngoái chủ cũ ở đây ăn không hết cũng mang đi biếu khắp xóm giềng. Có lẽ vì đất vườn màu mỡ không phải tranh giành với ai nên cây táo này đơm hoa kết quả cũng hùng dũng lắm. Mark nghe xong lặng lẽ đưa mắt nhìn bụi to luống nhỏ mà Yuta cuốc cuốc trồng trồng, lại nhìn lên cây táo hoa trắng lưa thưa, ánh mắt tội nghiệp như trẻ con mong quà. Ấy thế mà chỉ đôi câu chuyện phiếm của bà Lâm, hôm sau rau nhỏ hoa to đều bị Yuta nhà bên xới sạch, bảo rằng để màu cho táo, ông Lâm dở khóc dở cười, lời bà già lẩm cẩm này nói mà tụi bây cũng tin sao?

Thế cơ mà tháng sáu vừa sang, gốc táo nhà bên đã đơm hoa hùng dũng, trắng như những rặng mây. Mark lại càng năng dậy sớm, đi đi lại lại đến khi Yuta phải gào lên mới chịu tha gấu lớn vịt nhỏ ra xích đu ngồi nghỉ.

Một ngày nọ nắng vừa vào tháng bảy, mưa ngâu đã lâm thâm trên những cánh hoa, Mark ngủ quên trong vườn, mái tóc giăng đầy hạt nước. Còn chưa chờ ông Lâm cầm ô sang, từ đằng xa đã thấy một bóng người cao cao chạy lại. Yuta hớt hải về đến, vội vàng trách mắng vài câu rồi đỡ em trai vào nhà, trên mặt viết đầy bất đắc dĩ. Mark cũng chẳng có vẻ gì là biết lỗi, chỉ tiếp tục cọ mặt vào vai anh rồi ngủ nốt giấc dở dang. Ông Lâm cầm ô chưng hửng trước cửa được thể lại tiếp tục bài ca, bà xem, nếu Ái Ái và Tiểu Mỹ nhà ta... Rồi lại ăn hai cái ký vào đầu.

Bà Lâm nhìn một hồi rồi bảo, trên đời dẫu là ruột thịt, cũng có mấy người thương nhau được như chính sinh mệnh của mình.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top