Phần 6TÂM SỰ VỀ KEO KIỆT
Phần 6
TÂM SỰ VỀ KEO KIỆT
Bạn "Doimatbietnoi" tâm sự về cuộc sống giản dị của bản thân:
"Trong mắt nhiều người chắc mình cũng thuộc loại keo rồi.
Trong mọi trường hợp đều cố gắng đi xe đạp, và rất ghét đi xe máy. Bản thân mình thích vậy thì thấy đi xe đạp bảo vệ môi trường, hơn nữa lại tập thể dục nữa. Nên đến giờ mình vẫn chưa mua xe máy, quanh quẩn chỉ có xe đạp, buýt với cả taxi là nhiều. Khi nào cần lắm mới mượn xe của bố đi thôi (ế nên ở chung với bố mẹ), bố mẹ cũng nói suốt về cái vụ này, ngang ngạnh quyết không mua xe máy.
Bữa trưa đem cơm ở nhà đi mà cũng ăn toàn rau cỏ thôi (mình không thích ăn thịt), mỗi lần ai nhìn vào suất cơm của mình cũng đều than, ôi sao mà ăn uống tiết kiệm thế em, hơn nữa thực ra mình chỉ mang thức ăn thôi, ít khi mang cơm lắm vài ngày chắc được một bát cơm. Bản thân mình thì nghĩ là mình nấu ở nhà vừa an toàn mà lại hợp khẩu vị, chưa nói đến việc hồi nhỏ lúc nào cũng ao ước được làm cơm hộp đem đi làm ăn. Nhưng lúc nào cũng thấy ánh mắt lạ lùng của một vài chị nhìn vào.
Quần áo cũng không sắm sửa mấy (ngày còn teen thì mua sắm suốt ngày), khi nào cũ thì mới không mặc nữa thôi.
Di động thì có một cái máy dùng cả sáu bảy năm rồi, từ hồi còn đi học cấp ba. Mà thấy nó vẫn tốt, mà chắc tại ở gần nó lâu ngày nên giờ mà nhỡ may nó có bị hỏng chắc mình buồn lắm.
Thêm nữa là càng lớn mình càng có bệnh xa lánh đồ hiện đại và đặc biệt là các đồ hại điện.
Giờ mình cũng không có nhiều tiền, nhưng chẳng túng thiếu gì, chỉ là mình cảm thấy thực sự thích sống như vậy thôi. Nhưng đôi khi để ý nhiều người nhìn vào và nói thầm sau lưng, kêu mình ki bo đủ kiểu cũng thấy bực mình lắm. Chắc cả đời sống với cái tiếng ki bo thôi.
Được cái là mình rất sòng phẳng, đi ăn chơi với ai thì bao giờ cũng chia đều, ít khi để cho các bạn trai trả tiền lắm." "Doimatbietnoi"
Bạn "Menamyeugau" tâm sự khi vẫn quyết định chọn anh chàng keo làm chồng:
"Để mình kể cho cả nhà nghe chuyện này: Cũng là lần đầu tiên hai vợ chồng mình đi chơi. Đi lòng vòng hai thằng hai xe, đạp lòng vòng mãi chán, thôi thì vào Bách Thảo (trời 4 giờ chiều nhé). Tự nhiên lão chồng nghĩ ra thế, rồi rủ vào luôn, ừ mình cũng gật đầu. Ai dè vào thì người ta hỏi vé vào cửa. Lão già móc túi trái, túi phải, túi ngoài, túi trong lung tung cả, hoá ra có hai nghìn đồng. Thế là quay ra cười xoè với mình một cái, mình cũng móc móc một hồi gom một đống tiền lẻ ra đủ để có hai vé vào cửa và gửi xe. Đoán chắc lão phải ngượng lắm, hoặc sẽ xin lỗi mình (hoặc làm biểu hiện gì đó kiểu xin lỗi) nhưng hoá ra mình nhầm. Lão bình thản đi vào, tản bộ và chuyện trò như không có chuyện gì xảy ra.
Hồi đó lúc về mình cũng suy nghĩ mãi, không hiểu anh này thế này có phải là keo kiệt không? Thế này có phải đo lọ nước mắm không? Nhưng cũng chẳng nói gì với ai. Rồi còn vài lần nữa đi chơi lung tung gì đó mình cũng phải trả tiền cơ.Nhưng cũng có rất nhiều lần uống nước hay ăn uống lão già trả tiền, nên mình chẳng quan tâm chuyện này lắm. Bây giờ lấy lão rồi, ngẫm lại mới thấy nhiều lúc lão cũng khá là keo kiệt (tiết kiệm chi tiêu) nhưng không bao giờ tiếc vợ con cái gì. Làm gì cũng muốn tốt nhất cho vợ cho con và gia đình (chỉ tiết kiệm của bản thân thôi). Về đời sống vật chất và tình cảm, nói là không ai bằng thì không phải, nhưng mình hoàn toàn mãn nguyện. Chắc chắn nếu có cho chọn lại mình vẫn chọn lão già keo kiệt này." "Menamyeugau"
Bạn "Su béo" chia sẻ về tính cách keo kiệt :
"Các bạn gái muốn biết anh chàng đang cưa mình có keo kiệt hay không thì phải nhìn cả hành động anh ấy đối với gia đình và bạn bè anh ấy mới chính xác. Chứ chỉ với mình chưa hẳn đã đúng đâu.
Ví dụ với anh nào với người yêu phóng khoáng, rất galant nhưng với anh chị, bố mẹ của anh ấy không quan tâm, với bạn bè thì không hào hiệp thì sau này lấy mình rồi thì hiện nguyên hình là người thiếu quan tâm và không thoải mái tiền nong đâu .
Còn nếu anh nào mà với gia đình, người thân, họ thoáng tính, quan tâm và không keo kiệt thì kiểu gì vợ họ cũng được sướng lây.
Ông chồng mình ngày xưa hồi mới cưa mình có một lần đi đá bóng về alo hỏi mình ở đâu? Lúc đó mình đang ngồi ăn với năm cô bạn thân, kêu ông ấy chạy qua chỗ đó. Nhưng không nói với ông ấy là có mấy đứa bạn gái thân. Ông chạy đến thì thấy bọn mình đang ngồi ăn uống ở đó rồi. Lịch sự cũng ngồi cùng. Đến màn trả tiền thì mình thấy cứ ngồi ì ra chẳng thấy động chân động tay đứng lên thanh toán gì cả. Lúc đó mấy đứa bạn gái của mình rất nhanh ý đã đứng lên tính tiền và
kéo nhau đi chơi tiếp. Hôm đó về mình buồn gần chết với mấy đứa bạn vì muốn cho chúng nó xem mặt chàng đang cưa mình thế nào mà ra mắt lần đầu đã mất điểm quá. Về chúng nó cũng chê bai anh chàng mình quá (ăn mặc xấu này, không ga lăng này).
Nhưng mình không thấy anh ta keo kiệt. Tại thấy với bạn bè ai khó khăn thì đều giúp đỡ tiền nong, với gia đình thì quan tâm lắm. Nên mình cố gắng tìm hiểu và không lấy buổi gặp trên để đánh giá hoàn toàn về bản chất con người.
Sau này yêu nhau rồi thì mới biết là đồng chí ấy hôm đó đi đá bóng thì không mang theo ví sợ mất, chỉ mang ít tiền thôi để dắt đi đường. Thấy 6 cô gái ngồi ăn ở quán hoành tráng quá không dám đứng lên trả tiền vì trong người có tiền đâu mà đòi trả. Hồi đấy cưa mình chưa đổ nên đâu dám nói với mình là cho anh mượn tiền.
Lúc yêu nhau thì chàng đi xe best đỏ, ở trong cái căn hộ mười mét vuông trong ngõ bé tí, xung quanh toàn là dân nghiện hút (tụi bạn mình hình thức lắm, kêu quá trời vì mình yêu một đồng chí nhìn quê, nghèo). Nhưng mình vẫn tin là sau này lấy người này mình sẽ sướng. Mà đúng thật. Lấy được bốn năm rồi. Đã có một cu con trai, lương hàng tháng chồng nộp hết cho vợ, vợ tiêu gì cũng được hết, chẳng bao giờ bình luận. Đã sắm một con xe bốn bánh để đưa con và vợ đi làm, đi học hàng ngày. Nhà thì đã tích cóp mua một căn chung cư, lại có thêm một mảnh đất biệt thự cắm dùi sau này.
Mấy đứa bạn của mình giờ lại bảo chồng mình là số một. Rõ ràng là chọn người yêu, chọn chồng thì phải nhìn tứ phía chứ không thể nhìn vào một hay hai hành động được nhỉ." "Su béo"
Bạn "Bông súng trắng" chia sẻ bài viết về "Đôi dép" rất hay và ý nghĩa:
"Hồi xưa học ở trường làng, chúng tôi đi bộ đến trường. Con đường đá đỏ lởm chởm, bụi bặm dài ngoằn nghoèo cứ làm cho những đôi dép bé nhỏ mau chóng mòn. Mỗi lần thấy đôi dép vừa biểu hiện vết đứt là vừa đi tôi vừa cà dép xuống đường cho đứt luôn. Về đến nhà, tôi đưa "sản phẩm còn lại" cho mẹ xem. Mẹ lắc đầu như hiểu được sự nghịch ngợm của tôi, mẹ nhìn đôi dép xinh xinh hàng ngày giờ chỉ còn thân và gót, còn mũi dép thì đã ở lại một góc đường nào đó, nhìn nó thật tội nghiệp. Thế là mẹ phải mua đôi dép mới cho tôi.
Có một việc tôi luôn thắc mắc là chẳng khi nào thấy cha sắm dép mới cho mình cả. Trông nó cũ kỹ, nằm ở một xó tủ, buồn hiu. Lâu lâu đi dự tiệc tùng, cưới hỏi thì mới thấy cha lấy ra mang. Đó là đôi dép Lào hai quai, giản dị nhưng rất bền. Là nông dân nên cả ngày cha và mẹ hết ở ngoài đồng lại đi ra vườn, tất nhiên, đi ra đồng ruộng có ai mang dép bao giờ đâu!
Có lần, tôi đến bên chỉ vào đôi dép của cha và hỏi:
- Sao cha không bỏ nó đi mà mua đôi dép mới, đẹp như dép của con nè?
Đôi mắt hiền từ ánh lên sự thương yêu, lòng khoan dung, cha xoa đầu con gái:
- Mình phải biết tiết kiệm con à. Vả lại vật gì mình còn sử dụng được mà vứt nó đi là lãng phí. Người ta có đẹp hay không là ở tấm lòng chứ không phải ở đôi dép, con hiểu không?
Thấy tôi lắc lư cái đầu tỏ ý chưa hiểu, cha giải thích thêm:
- Là con ngoan, trò giỏi thôi vẫn chưa đủ, con còn phải rèn cho mình một phẩm chất đạo đức tốt nữa con à. Xung quanh ta vẫn còn nhiều người thiếu thốn, còn khổ hơn chúng ta nhiều, vì vậy mình không được lãng phí, con nhớ chưa?
Tôi bỗng nhớ nhỏ Mận học chung, nhà ở xóm trên. Ngày nào đi học, nó cũng đi chân không trên con đường đá đỏ lởm chởm. Đôi dép bằng cao su nó giấu kỹ trong cặp da, đợi tới trường nó mới lấy ra mang vào. Tụi bạn cứ hay trêu nó là đứa keo kiệt, bủn xỉn, có dép mà hổng dám mang. Nó như bỏ ngoài tai những câu đùa quá trớn ấy, nó lủi thủi đi một mình và cứ đi chân đất như thế mỗi ngày.
Tôi thầm nghĩ, ngày mai và những ngày sau nữa, nó sẽ không còn đi một mình buồn hiu đến lớp. Và tôi sẽ có thêm một người bạn thân mới, tụi bạn của tôi sẽ không chọc nó như mọi ngày, chúng tôi sẽ rất thân nhau.
Thời gian trôi qua, bài học về đôi dép ngày xưa luôn đi theo tôi cho đến bây giờ. Cứ mỗi lần về lại thăm nhà, nhìn đôi dép Lào của cha, lòng tôi thấy thương cha vô hạn. Đối với tôi, đôi bàn chân đen đủi, thô kệch với đôi dép đơn sơ, mòn cũ của người cha sao mà đẹp lạ!." "Bông súng trắng"
Bạn "Hater9x3" tâm sự nhờ anh em trên diễn đàn tư vấn xem bạn ấy có phải người keo kiệt bần tiện hay không, đọc bài thím ấy kể mà cười không nhặt được miệng quá.
"Như tít các thím ạ, em năm nay mới lớp 12 thôi mà cái tính của em thì tiết kiệm lắm, xin kể vài ví dụ cho các thím đánh giá.
Vừa đá bóng ở trường xong, khát nước. Tiền có trong túi, bạn rủ ra ngoài uống nước không ra chạy lên lớp uống nước lọc đỡ tốn tiền.
Lâu lâu mới về quê chơi, bao thằng em có năm ngày đánh điện tử mà thấy xót như ai cắt ruột. Lúc trả tiền mặt mình nhăn như đít khỉ.
Thường xuyên nhịn ăn sáng để dành tiền ngồi net, có thằng bạn đến tận tiết ba nó mới ăn sáng, em bảo nó tiết năm là về nhà ăn cơm rồi mà giờ này còn mua xôi nữa mày phí phạm quá. Nó chửi em cứt sắt luôn, mấy lần em tư vấn mà lần nào cũng ăn chửi.
Em có tiền trong túi rất ngại cho bạn bè vay dù chỉ là mười nghìn, nếu vay mà trả luôn trong ngày thì được chứ để qua ngày em bứt rứt chắc chết luôn, trước cho thằng bạn vay năm mươi nghìn thôi mà cả tháng sau đòi lên đòi xuống đến giờ mới giả ba mươi nghìn, em cũng rất ngại vay tiền bạn bè, không có tiền thì ở nhà chứ em không thích vay mượn.
Trong túi có năm lít, điện thoại vừa hết tiền mà nhà em bán thẻ điện thoại. Xin mẹ thẻ năm mươi nghìn, bả bảo đưa tiền đây mẹ bán cho, em tiếc, thôi cho con cái hai mươi nghìn cũng được. Bả phán ngay, mày chắc lớn lên kẹt lắm đấy nhỉ. Em thấy cũng đúng vì em kẹt lắm.
Ngay kể cả tết có gần hai triệu trong túi nhưng mà em cũng để dành chứ không thể nào tiêu thả phanh được, tiêu cái gì cũng tính toán trước sau như người phụ nữ của gia đình vậy.
Thằng bạn ngồi cạnh em nó hiểu tính em nên cũng phán trên dưới trăm lần, bảo em là thằng bần tiện.
Còn nhiều lắm mà em không nhớ hết, các thím tư vấn hộ em xem bây giờ làm sao để em phóng khoáng trong chi tiêu cho giống một người đàn ông với mà em cũng chưa có gấu, thiết nghĩ tính thế này mai sau chắc dẫn gấu ngồi trà đá cắn hướng dương mất.
P/s: Mấy thím nhà giàu tiêu xài phung phí chửi em rồi đòi thiết lập quan hệ ghê quá, nhưng nghe mấy thím nhà nghèo tư vấn chân tình em thấy mình tiết kiệm là đúng đắn quá rồi.
Thứ nhất em đang ăn bám, tiêu tiền không phải là theo ý mình thích tiêu gì thì tiêu, tiền ít mà phóng khoáng như mấy anh nhà giàu tư vấn thì cạp đất.
Tiền ăn sáng mười lăm nghìn cho bạn vay mười nghìn tức là phải gặm cái bánh mì năm nghìn suốt buổi sáng.
Lương em không thể tháng chục củ như các thím để bao bạn bè ăn rồi hôm sau nó bao lại hay là "chơi đẹp" với bạn bè được, em kẹt chi li trong tính toán nhưng cũng chẳng thích vay mượn gì của ai bao giờ cả, cả lũ ngồi net mọi khi đến 11 giờ là về cùng nhau thì hôm đó 10 giờ em hết tiền, em biết bọn nó cũng chả có mà có thì em cũng không vay nên lẳng lặng đứng lên nói đùa vài câu rồi về. Thi thoảng về quê cô chú cho vài trăm nên chúng nó thiếu tiền net em vẫn cho vay, nhưng để mà em có vài trăm trong túi là rất hiếm vì bố mẹ em thắt chặt chi tiêu từng đồng, ăn sáng mười lăm nghìn, một tuần tiêu vặt mười nghìn như thế thì không kẹt sao được. Các cụ dạy cấm sai, nghèo đi đôi với hèn. Nếu một ngày em được năm mươi nghìn ăn sáng và vài trăm tiêu vặt một tuần như mấy thằng trong lớp thì em là một người khác ngay, các thím hiểu chứ.
Mai sau đi làm có lương em sẽ cố gắng thoải mái với bạn bè và mọi người xung quanh hơn còn bản thân thì sao cũng được vì quen hà tiện rồi. Cảm ơn các thím tư vấn chân tình, em thấy mình éo đàn bà nữa rồi." "Hater9x3"
Bạn "Wasabi9293" chia sẻ :
"Nhà chú thím mình hồi trước làm ăn lớn nên chi tiêu cũng ác, nghe bảo một bữa ăn hơn triệu tiền tôm hùm gì đó ăn không hết phải cho hàng xóm. Nhà mình thì lao động bình dân nên chi tiêu tiết kiệm.
Hồi bà thím mình nói chuyện với mẹ mình, bảo chị phải tiêu nhiều thì mới kiếm được nhiều tiền. Mẹ mình không nói gì. Một dạo lâu lâu sau đó nhà chú thím mình phá sản vay nợ tùm lum đến mức mất căn nhà, cả nhà phải đi thuê trọ ở. Ấy thế nhưng mà máu chi tiêu nó vẫn ngấm vào người, tiêu phóng tay quen rồi tiết kiệm không chịu được, đợt cả nhà ghé chơi xem tình hình sao, hôm đấy trời mưa mát rượi nhưng thím mình vẫn phải bật điều hoà, hỏi sao không tắt đi cho tiết kiệm thì bảo nằm điều hoà quen rồi trời mát cũng phải bật."
Giờ thì 2 chú thím cùng 2 đứa nhỏ mất tăm mất tích rồi, không ai biết ở đâu. Đợt tết vừa rồi về thăm ông bà nội cũng phải về sáng sớm ngồi 15 phút rồi đi, không bọn chủ nợ nó bắt được thì chết.
Kể từ đó trở đi, nhà mình anti câu nói dân gian của thím mình: "Phải tiêu nhiều thì mới kiếm được nhiều các bác ạ". "Wasabi9293"
Bạn có nick "11031996" chia sẻ về cuộc sống phải tiết kiệm để lo cho gia đình, đặc biệt là bố mẹ đang bệnh tật.
"Đôi khi ranh giới giữa keo kiệt và tiết kiệm nó mong manh lắm. Đang chán nói linh tinh tẹo.
Lấy chính bản thân mình ra: Tiền thì không có, nhà thì bố bệnh nặng, mẹ bệnh nhiều không đếm nổi nhưng may là không nặng như bố, chính bản thân mình cũng bệnh nhưng giấu gia đình, may còn có bảo hiểm đỡ phần nào, tiền nong cả nhà đổ hết mua thuốc cho bố. Lương hưu bố mẹ cộng lại chưa đủ tiền thuốc, trong khi đó bạn rủ đi uống nước toàn chỗ sang chảnh, một hai lần còn cố lịch sự từ chối, sau nói thẳng là không có tiền, có khối cách để gặp mặt nhau, sao cứ phải ra mấy quán uống một hớp nước bằng một bát phở. Và đương nhiên về lâu về dài sẽ bị khinh hơn cờ hó, bị nói keo kiệt bủn xỉn có cốc nước cũng tính toán, nói mình không quan tâm bạn bè.
Đúng, tôi tính toán chứ, vì tiền tôi dồn hết cho bố tôi, điều mà tôi nghĩ quan trọng hơn mấy buổi gặp mặt không nhất thiết phải tốn kém như vậy. Bạn đó cũng khỏi cần luôn, bạn biết mình đang trong hoàn cảnh thế nào mà cứ hẹn mấy quán giá trên trời, thì tôi cũng không cần. Nhà bạn thoải mái, bố mẹ khỏe mạnh còn kiếm ra tiền, bạn thừa thời gian nên bạn thích đi chơi mình không trách, nhưng mình thì không được như bạn, mình đi cày hộc bơ từ sáng đến tối để đỡ gánh nặng cho gia đình, không có nhiều thời gian cho người khác. Thôi thì, như bạn đã nói đấy, dù sao gặp nhau cũng chẳng vui vẻ gì, thì đừng gặp nhau nữa. Yêu đương gì cũng dẹp đi, thời gian cho nhau chẳng có, mình cũng chẳng đẹp đẽ giàu sang gì cho cam, đang cày hộc bơ ra, yêu với chẳng đương, hẹn với chẳng hò, mắc mệt..." "11031996"
Phần 6 còn nữa.................
Phần 7
DẤU HIỆU KEO KIỆT
Sau khi đọc hết sáu phần của cuốn sách, có lẽ bất kỳ ai cũng không muốn mình là nạn nhân của những anh chàng keo kiệt trên.
Liệu bạn có đang băn khoăn, không biết anh chàng của mình có phải là "Mr. Keo Kiệt" hay không, mình xin đưa ra những đặc điểm, dấu hiệu để nhận dạng một anh chàng keo kiệt chính hiệu. Chị em nếu gặp những dấu hiệu này nhớ cảnh giác nhé :
- Sinh nhật không tặng quà người yêu, hoặc chỉ có một bông hồng. Không bao giờ tặng quà cáp trong ngày lễ lạt, kỉ niệm, lấy lý do lí trấu là sinh nhật, ngày lễ là phù phiếm.
- Chàng thích tặng bạn gái những quà có ý nghĩa kỷ niệm như hoa, kẹp tóc, bưu thiếp chứ không phải những quà có giá trị.
- Chàng không đưa bạn vào các quán ăn đắt tiền. Chàng luôn bảo rằng biết những chỗ rẻ hơn mà ngon hơn nhiều.
- Đi ăn tiệm, anh ấy luôn nhấp nhổm, hoặc ngăn bạn gọi những món đắt tiền. Trong bữa ăn anh ta luôn chê nó đắt mà ăn không ra gì.
- Khi đi ăn, chàng xem xét thực đơn rất kỹ, luôn chọn những món rẻ nhất, gọi đến đâu ăn đến đấy. Lúc tính tiền xem hóa đơn rất kỹ lưỡng, không để sót món nào, rồi cẩn thận cầm điện thoại cộng lại xem tính tiền có đúng không.
- Thái độ lúc trả tiền (có thể quan sát thấy), có thoải mái không hay mặt nhăn như đít khỉ, rút ví có dứt khoát không hay lại chiêu rút ví hững hờ, rút ví dọa người.
- Không bao giờ tips nhân viên, sẵn sàng ngồi chờ để lấy cho bằng được tiền lẻ.
- Đi ăn uống với người yêu rất ít khi trả tiền, luôn muốn bạn gái cùng chia, cũng sợ đi cùng bạn bè người yêu (vì ngại trả tiền).
- Về trang phục: Chàng có thể mặc một bộ quần áo trong ba ngày và giữ gìn rất sạch. Mục đích: Đỡ tốn xà phòng.
- Về giao tiếp: Chàng ít khi hưởng ứng một cuộc vui nếu phải đóng tiền, luôn hỏi giá món ăn khi vào nhà hàng và ít nhận lời mời đi ăn để khỏi mời ngược lại.
- Về chi tiêu: Anh ta luôn theo dõi giá các mặt hàng cần thiết. Chàng sẵn sàng đi xa ba km để mua một món rẻ hơn nơi bán gần nhà một nghìn đồng.
- Về ăn uống: Chàng sẵn sàng ăn một món ăn cũ hâm đi hâm lại trong suốt tuần, hoặc chỉ nấu món mới khi đã hết sạch thức ăn.
- Đi chơi chung với bạn bè, chàng hiếm khi chi trả. Nếu phải mua quà tặng bạn hoặc gia đình bạn, chắc chắn chàng sẽ chọn các món đơn giản, rẻ tiền.
- Chàng hay nhìn, hay phát biểu về mọi vật dưới góc độ kinh tế. Ví dụ như đứng trước một món đồ, trong khi nàng xem nó đẹp hay xấu thì chàng quan tâm nó đắt hay rẻ, có nồi đồng cối đá không.
- Chàng thích sửa chữa, không thích mua mới. Trong nhà chàng có nhiều món đồ cổ vẫn còn sử dụng.
- Luôn cho rằng cuộc sống còn khó khăn. Luôn bảo phải nghĩ đến một tương lai bất ổn nên cần phải tiết kiệm, để dành.
- Nắm giữ mọi khoản chi tiêu, khi đưa tiền cho bạn gái mua gì đều biết giá trước.
- Ghi chép lại tất cả các món tiền đã chi tiêu vào sổ sách, từ cốc trà đá, vé gửi xe, gói xôi đến gói tăm cũng không quên.
- Chàng sống rất ít bạn, hay xỉa xói thói quen chi tiêu của người khác, lên án những bạn tụ tập rượu chè, căm ghét những bọn cờ bạc, đặc biệt là bọn phung phí.
- Thích đưa bạn gái tới những nơi ngắm cảnh là chính, ăn uống là phụ.
- Hay gói thức ăn mang về.
- Không dùng điện thoại đời mới. Nếu chẳng may điện thoại bị hỏng hoặc rơi vỡ, chàng sẽ buồn mất mấy ngày.
- Có thói quen gấp tiền lẻ phẳng phiu, (giống hệt ông Trùm nhà mình), ví mang rất ít tiền để khỏi phải tiêu nhiều.
- Ít khi gọi điện thoại cho bạn gái, nếu có gọi thì rất nhanh, gắn gọn, xúc tích, không dài dòng, bên kia đủ hiểu là được.
- Không cho người khác vay tiền, nếu có cho vay thì nhớ rất dai, đòi như kẹo kéo, không ai biết chàng có bao nhiêu tiền, cất ở đâu.
Còn thiếu gì thì mọi người bổ sung thêm nhé.
Phần 7 còn nữa.................
Phần 8
Chuyện Cười Về Keo Kiệt
............................................................................................................
Đây là Ebook bản quyền đã xin phép tác giả, ebook này mới đăng 50%, nếu muốn đọc tiếp mọi người mua sách giấy ủng hộ tác giả nhé.
Link đặt mua sách:
Tiki : Đang chờ Tiki duyệt mới có link.
Shoppe:
(Chú ý: do Shoppe chưa duyệt bán sách, họ bảo phải đợi 1 tháng nữa, nên link mình gửi có tên là bán : "Túi bong bóng khí bọc sách YCKK", YCKK là viết tắt sách Yêu chàng keo kiệt, mọi người cứ đặt mua sản phẩm bình thường, mình bọc sách trong túi bóng khí luôn, hơi loằng ngoằng tý, mọi người thông cảm.
Lazada :
Hoặc liên hệ trực tiếp để đặt sách :
Zalo : 0969.560.691
Email : [email protected]
Facebook : facebook.com/yeuchangkeokiet
Fanpage : Facebook.com/Keokiet.com.vn
Phần 9
NGOẠI TRUYỆN
(Phần này không có trong sách)
Tâm sự của bạn Hải Yến về sách thật, sách giả :
"Ngày còn là sinh viên, tôi thích đọc sách lắm, tháng nào cũng dành tiền để mua các cuốn sách mà tôi yêu thích và ngồi cả buổi tối say sưa đọc. Thời đó tôi không quan tâm nó là sách thật hay giả, tôi chỉ quan tâm nó rẻ là được, càng rẻ càng tốt, càng mua được nhiều. Kệ sách của tôi ngày càng đầy lên, là niềm kiêu hãnh tự hào mỗi khi có bạn bè đến thăm, hớn hở khoe hết cuốn này đến cuốn khác.
Rồi một ngày ngồi quán cafe, bạn của tôi có giới thiệu một người bạn nữa, mọi người nói chuyện vui vẻ hợp cạ với nhau, tôi rất thích bạn đó vì có chung sở thích đọc sách. Sau đó tôi có rủ mọi người qua nhà tôi chơi vì tiện đường về, lúc vào nhà tôi lại khoe tủ sách sưu tầm của mình, hãnh diện kể mất bao công sức và tiền của để có được nó. Người bạn đó trầm trồ hết lời khen ngợi, nói rằng tủ sách của bạn ý chỉ bằng 1 góc của tôi thôi, tôi nghe vậy đắc ý lắm, làm sao sánh với tôi được chứ...
Rồi bạn ý lật xem một lượt các quyển trên kệ sách, xong phán một câu xanh rờn khiến tôi giật nẩy mình "Sách giả bạn ạ, bạn mua ở đâu vậy". Tôi cãi lại, sao giả được, mình mua ở hiệu sách hẳn hoi đấy (thực ra tôi mua sách ở rất nhiều nơi, trong đó có cả vỉa hè, hội sách, trên mạng, sách cũ...). Thấy tôi không tin, bạn đó lật sách ra rồi chỉ từng chỗ để chứng minh, nào là bìa sách, gáy sách, giấy in, màu mực, lỗi chính tả... và so sánh sách ở nhà bạn ấy không bị những lỗi như vậy, lúc đó tôi gần như cứng họng không nói được gì, vì từ trước tới giờ tôi có quan tâm sách là giả hay thật bao giờ đâu, chỉ cần nó rẻ hoặc thuận tiện thì mua. Rồi bạn đó phán tiếp làm tôi rất không hài lòng : "Kệ sách của bạn toàn sách giả... bạn đừng mua sách giả nữa.... hãy mua sách thật để ủng hộ tác giả... đừng tiếp tay cho bọn bán sách giả.... ". Nhưng điều khiến mình khó chịu nhất là câu bạn ý nói, đại ý là : "sách là nguồn tri thức, người đọc sách là người tri thức, sách giả thì tri thức giả, mua và đọc sách giả thì chỉ là kẻ "trí thức giả" mà thôi, có đọc nhiều sách đi nữa cũng không bao giờ vươn tới cái tầm của tri thức được..." Lúc đó tôi rất bực mình, muốn tống khứ người bạn đó ra khỏi nhà cho đỡ tức mắt, chưa có người khách nào làm tôi khó chịu như vậy.
Suốt buổi tối, tôi suy nghĩ rất nhiều về chuyện người bạn đấy. Tôi không hài lòng về một số quan điểm của bạn đó, thứ nhất, bạn ấy chỉ xem qua hơn chục cuốn sách mà lại phán rằng cả kệ sách của tôi toàn là sách giả, điều đó không thể chấp nhận được. Thứ hai là việc mua phải sách giả không phải do tôi cố ý, tôi cũng là người bị hại, lỗi tại người bán chứ người mua sao phân biệt được thật giả mà bảo là tiếp tay cho sách giả. Thứ 3, cho dù là sách giả, nhưng sách vẫn đem lại giá trị tri thức giống như sách thật, đọc sách giả mà thành "trí thức giả" cái khỉ gì chứ, thật là vớ vẩn. Chốt lại là tôi vẫn bảo toàn quan điểm của mình cho đến khi....
Khoảng 2 tháng sau, tôi có thân quen một chị trên mạng, là một nhà văn viết sách cũng có tiếng tăm. Tôi rất thích sách của chị, quen được chị tôi rất vui, rồi cũng rủ được chị đi cà phê trò chuyện tán gẫu. Nói chuyện với chị tôi mới biết để cho ra đời một cuốn sách vất vả thế nào, thế nhưng nhuận bút thu được chả đáng là bao, bao công sức bỏ ra mà tiền công lại bèo bọt đến vậy, tôi nghe mà ấm ức thay cho chị. Tôi cũng hiểu thêm về quy trình xuất bản sách, chi phí để làm ra một cuốn sách, tỷ lệ chiết khấu cho các đại lý bán sách... Sau buổi nói chuyện với chị tôi học hỏi được rất nhiều điều bổ ích mà trước đây tôi không hề biết.
Về nhà, tôi tự nhủ từ nay phải mua sách thật để ủng hộ tác giả, để người viết sách không chịu thiệt thòi. Lúc ngắm nhìn kệ sách khiến tôi chợt giật mình khi nhớ lại câu nói của người bạn cũ: "Kệ sách của bạn toàn sách giả". Lúc này tôi mới tỉnh táo suy nghĩ lại tất cả, kệ sách của tôi có phải tất cả là giả hay không. Chiết khấu giá sách của nhà xuất bản giành cho các đại lý lớn cao nhất 40% – 50% giá bìa, vậy người bán sách nhỏ lẻ để có lãi phải bán cao hơn mức giá nhập về rất nhiều, kể cả bán hòa vốn cũng phải cao hơn giá nhập vì còn nhiều chi phí khác... Vậy mà những cuốn sách tôi mua ở hiệu sách, vỉa hè, trên mạng..., nó chỉ bằng 50% giá bìa, thậm chí còn thấp hơn nhiều, đã rẻ còn mua 3, 4 cuốn tặng 1 cuốn, bán đồng giá hoặc sốc hơn nữa bán theo kg cho nhanh. Tôi như bừng tỉnh, làm gì có sách nào mà rẻ đến vậy, chỉ có sách giả mới có cái giá rẻ mạt đến thế, vậy mà trước đây tôi không hề nghĩ đến. Có lẽ mọi người sẽ hỏi sao sách giả lại rẻ đến thế, hay tại nhà xuất bản ăn dày quá nên mới vậy. Thực ra xuất bản 1 cuốn sách chịu rất nhiều chi phí : phí mua bản quyền tác giả, đăng ký xuất bản, thiết kế, vẽ bìa, biên tập, biên dịch, thuế... nhưng sách giả thì họ không phải trả 1 đồng nào, rồi chất lượng giấy, mực in kém chất lượng ... thế nên sách giả mới có giá rẻ đến vậy.
Tôi ngước nhìn kệ sách mà lòng buồn biết mấy, niềm tự hào kiêu hãnh suốt bao năm qua mà bây giờ sụp đổ một cách chóng vánh. Giờ đây tôi nào còn dám khoe với bạn bè nữa, bọn nó mà biết toàn là sách giả thì họ cười tôi thối mũi, cười tôi là cái loại "trí thức giả" khoe mẽ mà cái đầu rỗng tuếch, có đọc bao nhiêu sách đi nữa thì mãi vẫn chỉ là kẻ "trí thức giả" mà thôi... Người bạn đó đã dạy cho tôi một bài học cay đắng, chỉ cần xem một lượt mà đoán ngay kệ sách của tôi toàn là giả, quả là một người sành sỏi hiểu biết mà lúc đó tôi lại coi thường, tỏ vẻ khó chịu.
Tôi suy nghĩ, liệu mình có phải là người tiếp tay cho sách giả hay không, bởi vì tôi đâu chủ ý mua sách giả, nếu người bán nói đó là sách giả, thì tôi đã không mua nó rồi. Cái lỗi của tôi có lẽ vì ham rẻ, chỉ cần rẻ là tôi mua liền mà không quan tâm thật giả, và sự thiếu hiểu biết mà tiếp tay cho những kẻ làm sách giả. Tôi chợt nghĩ, nếu lúc vào cửa hàng mua sách, hỏi họ đây là sách giả hay sách thật, dĩ nhiên là họ bảo đó là sách thật em ạ, chị nhập nhiều lên được chiết khấu cao..., lúc khách mua xong ra khỏi quán, bà chủ cười nhếch mép, bán rẻ bằng nửa giá bìa còn đòi sách thật, đúng là cái lũ "trí thức giả", có đọc nhiều sách cũng chỉ đến vậy thôi...
Sách giả bày bán công khai trong các hiệu sách, phố sách, trên mạng..., vậy ai là người bán sách thật, ai bán sách giả, người bán sách thật thì lãi thấp hoặc không có lãi, thậm chí lỗ, còn người bán sách giả thì tiền thu về đề huề. Người bán sách thật họ chán nản, rồi cũng chuyển sang bán sách giả nốt, nhẹ hơn thì trộn sách giả với sách thật để qua mặt pháp luật. Chỉ còn lại các nhà xuất bản + vài công ty bán sách lớn và uy tín còn đủ sức lực để bán sách thật. Vậy thực trạng sách giả tồi tệ như thế nào, đọc thông tin này mà khiến tôi giật mình. Năm 2019, công ty First News - Trí Việt đã đặt 128 đơn hàng mua sách ngẫu nhiên từ tất cả các sàn thương mại điện tử bán sách online, kết quả thật phũ phàng, tất cả 128 đơn hàng đó đều là sách giả, một con số không thể tin được. Trước đó tôi vẫn nghĩ bán 10 cuốn sách, thì cũng ít nhất có 1 cuốn sách là thật, nhưng qua bài trên, con số đã đạt 100% sách giả, thực sự quá buồn cho nền xuất bản Việt Nam. Nhiều khi lên Facebook, một số bạn có chụp ảnh lên hỏi mọi người đây là sách giả hay thật, tôi đọc mà không muốn trả lời, mua sách không phải chỗ uy tín thì gần như 100% là sách giả mà thôi, hỏi để làm gì nữa, biết được chắc họ buồn lắm. Sách tôi mua cũng vậy, hiệu sách, vỉa hè, trên mạng đủ cả, và dĩ nhiên kết quả cũng chả khác gì họ, toàn là sách giả. Tôi tự nhủ, nếu tất cả chúng ta cứ ham rẻ, thiếu hiểu biết, thì chính chúng ta lại là người thiệt thòi nhất, đồng thời tiếp tay cho bọn bán sách giả hoành hành mãi, gây thiệt hại cho xã hội, cho người đọc, cho nhà xuất bản, và đặc biệt là tác giả viết sách.
Đọc sách giả thì sao, về cơ bản thì nội dung nó không khác biệt nhiều so với sách thật, nó vẫn đem lại giá trị tri thức vốn có của sách. Thế nhưng mua và đọc sách giả là tiếp tay cho bọn ăn cắp trí tuệ, chất xám và công sức của người khác. Người Irac có câu : "Người đọc sách thì không ăn cắp, và kẻ trộm thì không đọc sách". Vậy chúng ta, những người đang mua và đọc sách giả có khác nào đang ăn cắp mồ hôi, chất xám và thành quả của người khác, liệu điều đó có làm ta vui, ta là người đọc sách cơ mà, đâu phải kẻ trộm cắp. Đọc sách để làm gì? để nâng cao tri thức cho mình, nhưng nếu ta cứ mua và đọc sách giả thì ta có khác nào kẻ "trí thức giả" đâu, đọc nhiều sách để làm gì khi mà chân lý đó mãi không hiểu ra. Khi ta nghèo, ta còn là học sinh, sinh viên, không có tiền mới phải mua sách giả, nhưng khi đã có tiền, đã đi làm rồi mà ta vẫn còn duy trì thói quen cũ chỉ vì tiếc mấy nghìn lẻ, tiếc một bát phở mà mua sách giả, thì ta còn đọc sách làm gì, ta tự hào đọc nhiều sách để làm gì nữa, để lòe với thiên hạ sao. Nếu không đủ tiền mua sách, bạn có thể lên mạng tải và đọc ebook, dĩ nhiên ebook cũng là lậu cả, tôi không khuyến khích đọc ebook lậu, với người không có tiền thì đọc ebook cũng là tốt rồi. Còn khi bạn đã bỏ tiền mua sách giấy, thì nên mua sách thật để ủng hộ tác giả, nhà xuất bản, hãy cố gắng tìm nơi bán sách uy tín để mua nhé, thời đại bây giờ, bán 10 cuốn sách, thì chỉ có 1 cuốn là thật thôi.
Vậy mua sách ở đâu để không bị mua phải sách giả, cái này tôi không thể nói cụ thể được vì nó liên quan đến nồi cơm của những người bán sách, thật giả lẫn lộn mà lại, bạn chỉ còn cách tự tìm hiểu để đưa ra kết quả tốt nhất, mình là người đọc sách mà, chả lẽ cái đó cũng không làm được sao. Tôi chỉ khuyên bạn nên chọn những công ty bán sách lớn, có uy tín toàn quốc, vì chỉ có họ mới đủ lực và kinh phí duy trì bán sách thật mà thôi. Còn kệ sách của tôi, sau khi biết nó đa phần là giả, tôi đã đem tặng cho thư viện của trường cấp 3 cũ, và một số bạn bè thân quen, chỉ giữ lại một số quyển vì tôi mua ở nơi khá uy tín. Từ đó, tôi bắt đầu sưu tập lại những cuốn sách mà mình yêu thích, chọn lựa sách thật kỹ càng, đọc review thật kỹ rồi mới quyết định mua sách, vì không phải cứ đọc nhiều sách, cứ có kệ sách to là tốt, là oai... mà cái cần thiết là ta học được gì từ những cuốn sách ấy, đó mới là chân lý cho những người yêu sách cần hướng đến.
Chia sẻ bài viết của bạn Fususu : Cùng ủng hộ Ebook bản quyền!
Ngày xưa khi được giới thiệu sách hay, tôi chẳng dại gì mua ngay mà lên google tìm ebook, rồi thưởng thức FREE! Thậm chí còn mày mò hack được bản gốc từ các trang nổi tiếng như Scribd, Kindle... Tương tự, tôi cũng làm thế với các Audio, Videos của các tác giả & diễn giả nổi tiếng. Mãi sau này, tôi mới nhận ra thói quen đó không tốt như thế nào. Rồi khi chính cuốn sách đầu tay của tôi được xuất bản và phát hành eBook – dù chưa nổi tiếng tới mức "được hack bản thảo" – nhưng tôi cũng đã hiểu được phần nào nỗi lòng của các tác giả khi bao công sức của họ đổ sông đổ bể.
Có một sự thật: nếu bạn hack để được dùng FREE, thì cái phí bạn phải trả tuy không phải là tiền nhưng sẽ là thời gian của bạn (và nhiều thứ khác nữa). Thời sinh viên, tôi đã mày mò download 100gb gần như tất cả các ebooks, audios, videos học tiếng Anh và phát triển bản thân hay nhất thời đó. Tôi còn nhớ có những hôm cắm máy để download, rồi có những thứ người ta bảo mật nên phải thức thâu đêm, mày mò cách hack. Khi thành công, có thấy sướng chút. Nhưng thực tế 90% ebooks đã download về tôi chưa động vào, đừng nói tới việc áp dụng. Rồi có những clip tôi chỉ xem một lần, và không bao giờ xem lại. Tôi nhận ra mình đã dành vài tuần để download cả kho ebooks đồ sộ, nhưng lại chẳng dành nổi vài tiếng để đọc trọn vẹn một cuốn và áp dụng. Một sự lãng phí thời gian không hề nhẹ, do thỏa mãn "ham muốn sở hữu" tạm thời!
Đồ có PHÍ sẽ FREE nhiều thứ!
Lần đầu tiên tôi mua online là bộ DVD dạy thuyết trình, gồm ebook và những bài diễn thuyết vô địch thế giới. Giá gần 200USD nhưng tôi thấy rất xứng đáng. Lương tâm thoải mái, mà còn được nhiều lợi lộc hơn tôi nghĩ. Khi chiếu những clip đó ở những buổi chia sẻ, tôi tự hào nói đây là đồ bản quyền, ai nấy cũng hào hứng và chăm chú theo dõi. Bên cạnh đó, do bỏ tiền nên tôi buộc phải cân nhắc kĩ trước khi mua nên chỉ chọn các sản phẩm được đánh giá cao. Và khi nhận hàng thì nâng niu, sử dụng nó với công suất 200%! Đặc biệt, khi bạn mua chính từ tác giả và liên hệ họ để giúp đỡ, hoàn toàn khác với khi bạn gửi một email, "Xin chào, tôi vừa mới đọc sách (lậu) của ngài. Ngài giúp tôi điều này được không?" Tôi nhận ra mình bỏ 5 phút để chuyển tiền online, nhưng lại mua được những ebooks mà tôi dành cả năm trời để đọc và áp dụng, hay những clip mà tôi xem đi xem lại cả ngàn lần, và được FREE rất nhiều thứ sau đó! (chương trình ưu đãi từ tác giả, những lời khuyên, quà tặng v.v...)
Bạn thường chỉ thấy phần nổi của tảng băng. Một cuốn ebook giá 23.000, chưa bằng một bát phở. Nhưng nhiều người nói, "Sao đắt thế?" – Liệu có thật sự đắt? Một bát phở có thể khiến bạn no vài giờ, và có thể thêm một ít bệnh tật nếu không đảm bảo vệ sinh. Nhưng một ebook hay, có thể khiến bạn tràn đầy cảm hứng cả tuần, và thêm những gia vị tuyệt vời cho cuộc sống của bạn! Đến khi bạn trở thành một tác giả, bạn sẽ hiểu việc xuất bản, in ấn và phát hành một cuốn sách không hề đơn giản. Tôi đã từng mất toi 4 triệu để sửa một lỗi chính tả nhỏ trên hai trang sách trong khâu in ấn. Đó là sách giấy, còn eBook – giả sử bạn chấp nhận rủi ro bị phát tán, thì giá cũng thấp hơn sách giấy nhiều. Và tất nhiên, một người đã có eBook thì trừ khi họ muốn tặng ai đó thì mới mua sách giấy (chứ ít ai tặng eBook nhỉ?). Khi nhìn ra phần chìm của tảng băng ấy, tôi sẵn sàng trả giá eBook ngang với giá sách giấy nếu nó thực sự hay. Cho nên tôi thường đọc rất kỹ phần cảm nhận và đánh giá của các độc giả khác trước khi đưa ra quyết định.
Nguồn :
Link gốc :
Bạn Matt chia sẻ : Bài viết của bạn Fususu thực sự truyền cảm hứng rất lớn với mình. Mình thấy chính mình trong bài viết, đúng đến từng chút một. Xài app android thì full bản quyền, ebook thì đăng kí tháng sau đó tải hết về máy, thậm chí mình còn mày mò bẻ khóa drm trong ebook đã mua của amazon (sau khi đăng kí dùng thử gói Kindle Unlimited). Và nhiều lúc mình tự hào về cái "kho" đó. Cứ nghĩ cách này cách kia để đem lại lợi cho mình nhiều nhất. Đến giờ, tự hứa sẽ ko phải làm mấy cái thủ thuật đó, mất hàng giờ để tạo thành của riêng mình. Nhiều ebook trong Kindle của mình là bản quyền, do bẻ khóa rồi cóp vào máy, đọc lúc nào cũng được. Nhưng sẽ tốt hơn nếu cứ thẳng băng xài đồ đã mua, hết hạn thì mua tiếp. Không phải mình không có tiền, mà làm vậy khác nào cái tâm mình không đáng giá trị bằng chừng đó. Cảm ơn bạn rất nhiều!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top