02;

Thôi gia có một người con trai nối dõi, đó là thiếu gia Thôi Nhiên Thuân. Hắn là con cầu con khẩn Thôi gia đã phải dâng hương lễ Phật cầu xin khắp nơi mới có, cho nên bất luận là kẻ trên người dưới, chỉ cần nhìn thấy hắn người ta đã chào từ xa chào lại, cung kính từ lúc giáp mặt đến khi khuất dạng rời đi.

Thôi Nhiên Thuân đọc sách từ nhỏ, điệu bộ phong thái đều từ tốn chậm rãi, tuy vậy, hắn không phải là người tốt tính, nhưng mỗi khi muốn làm chuyện xấu, hắn sẽ không bao giờ vấy bẩn tay mình.

Năm Thôi Nhiên Thuân lên mười, vào một ngày mưa dầm mưa dề, có đứa trẻ con được Thôi gia nhận làm con nuôi, cũng kể từ đó, cuộc sống ở cái làng nhỏ ngay lập tức đã có sự biến chuyển đến không ngờ.

Trước hết, là về cái nghề dệt lụa ở đây.

Phải nói, thuở xưa, lụa Yên Hà vốn chỉ có chút tiếng tăm, so với những vân Vạn Phúc, những lãnh Tân Châu thì quả thật không đáng nhắc đến, nhưng rồi sau này, nhờ vào đền thờ được dựng lên ở cuối làng, nhờ vào những đêm trăng non tháng Giêng, trăng tròn tháng Bảy, người ta nhìn thấy đứa trẻ con nuôi của Thôi gia đứng ở giữa đền thờ, khăn đỏ phủ diện truyền lời từ bề trên xuống nơi làng nhỏ này.

Bề trên xưng thần, cai quản thiên địa từ đầm Xác Cáo, chỉ cần hiến dâng lễ vật, thần sẽ ban phúc, hưng thịnh đời đời, lưu truyền mai sau.

Có kẻ tin tưởng ắt cũng sẽ có người ngờ vực, Thôi Nhiên Thuân đứng ở trong góc mân mê chiếc quạt trong tay, hắn mỉm cười, nụ cười không giống như những đứa trẻ con cùng trang lứa. Cảnh tượng trước mắt in hằn trong tâm trí hắn, ánh mắt hắn liếc qua mu bàn tay trắng ởn của người đương đứng trước hương án, trong lòng không kiềm được dâng lên niềm khoan khoái khó tả.

Sau ngày hôm đó, người dân trong làng mới biết lễ vật tế thần thực chất là gì.

Như đã nói, kẻ tin thì bất chấp tin tưởng, người không tin thì ngàn vạn lần tránh né, lễ vật dù sao cũng đã được chuẩn bị từ trước, không biết Thôi gia đã tìm được những thứ ấy từ đâu, nhưng quả thật thần linh đã hài lòng.

Ngày tháng sau này, lụa Yên Hà đều được ngâm trong thứ nước có màu đỏ tươi mà Thôi gia phân phát, thứ nước nhuộm ấy như bám dính vào từng thớ lụa, thoảng hương ngọt lịm, lụa dệt ra sờ vào mát lạnh, đặt dưới ánh mặt trời tựa như phát sáng như dát vàng, người làng Yên Hà đều lóa mắt vì thứ ánh sáng ấy, cả thiên hạ đều lóa mắt vì thứ ánh sáng ấy.

Đối với kẻ có tiền của, họ thích nhất là những món đồ lạ lẫm, xa xỉ như thế, những mệnh phụ, những giai nhân đua nhau may quần may áo bằng thứ lụa đỏ ấy. Kể ra cũng thật kì lạ, người ta thường không thích thứ đồ mình sở hữu lại giống với quá nhiều người, nhưng dù cho có từ cùng một cây lụa Yên Hà làm ra thì không bộ quần áo nào giống bộ quần áo nào, không một dáng vẻ nào giống một dáng vẻ nào, cho nên mới nói, chỉ có thứ lụa Yên Hà độc nhất mới may ra được những bộ quần áo độc nhất trên thế gian này.

Vì thế mà thời gian trôi đi, người trong làng càng thêm tin tưởng vị thần linh này, dù cho ban đầu có nghi kỵ hay sợ hãi như thế nào thì giờ đây đều đã bị vàng bạc che mờ con mắt. Họ không ngừng tìm kiếm lễ vật dâng lên thần, cứ đều đặn, đều đặn như thế, từ đó đã trở thành hủ tục mà cho dù không muốn, con cháu của họ vẫn phải theo đó mà làm.

Không khí trong làng lúc nào cũng ảm đạm, thứ mùi dễ ngửi thấy nhất ngay từ khi đặt chân vào đây không phải mùi thuốc nhuộm, mà là mùi máu tanh lẫn khuất trong cái ngai ngái bốc lên từ mặt đất, hòa cùng tiếng chim Lợn vọng về từ những ngọn cây cao. Người nào muốn mua lụa đều cử vài ba người làm trong nhà, hoặc thương lái từ xa đến đều chỉ đến trước cổng làng mà trao đổi mua bán, tuyệt nhiên không một người ngoài nào muốn đặt chân vào trong mảnh đất quỷ dị này.

Người ngoài muốn vào thì dễ, muốn trở ra thì khó vô ngần.

Hoài Tâm đứng lặng nhìn xác gà la liệt trên mặt đất, trên chân chúng đều được cột sợi chỉ trắng, thế là đã rõ, lần này đến lượt gia đình của bà Loan hầu thần.

Mấy người trong làng lùa gà vào chuồng, họ nhìn bà Loan rồi chỉ thở dài lắc đầu, ý muốn nói, thời gian từ giờ cho đến giờ Tuất, gia đình bà nên mau chóng tìm lễ vật cho kịp lễ cúng đi thôi.

Gia đình bà Loan cũng thuộc dạng khá giả có của ăn của để, người con trai độ ngoài ba mươi quay sang bà, cả người anh ta cũng run rẩy dù miệng cố trấn an cả nhà, bọn họ ai nấy mặt mày tái mét ôm chầm lấy nhau, sau đó chầm chậm hướng đến phủ Thôi gia.

Chưa đầy hai tuần hương sau, người con trai mang theo đồ đạc, anh ta dặn dò người nhà mấy câu rồi vội vã cùng mấy gia nhân rời đi.

"Em đừng nhìn nữa."

Chị Linh nắm tay Tâm kéo đi, giờ này người trong Thôi phủ đã tất bật chuẩn bị lễ đồ cúng bái, dù cho đang là buổi sáng nhưng ngoài đền thờ, những ngọn nến đỏ đặt dọc hai bên lối dẫn vào gian chính vẫn còn đang cháy. Đằng sau mỗi ngọn nến là một người giữ lửa để nến không bị tắt, nến phải được giữ cho cháy mãi, cháy mãi, đến tận khi qua mùng bốn mới thôi.

Hoài Tâm bưng chậu nước băng qua con đường nhỏ có bờ tường phủ đầy dây leo, nó nhìn thấy mấy người gia nhân đang quỳ trước cửa phòng đóng kín, bước đến sau lưng người đàn bà vận áo tấc đỏ, ánh mắt nó không kiềm được nhìn lướt qua những ngọn nến hai bên. Người hầu nào cũng run rẩy đưa tay che ngọn lửa trước những cơn gió ồ ạt thổi qua, họ thà để tay bị phỏng tróc còn hơn là nến tắt, đoạn, người đàn bà mới khẽ đưa tay gõ lên trên cánh cửa gỗ, giọng nói đầy cung kính.

"Thưa cậu, đã mang nước đến rồi ạ."

Không có tiếng động, những tưởng bên trong không hề có người, Hoài Tâm cúi đầu, như đã làm hàng trăm lần trước đây, nó nhìn ảnh phản chiếu của mình trong chậu nước, chờ đợi cánh cửa ấy mở ra.

Một lúc sau, tiếng gõ 'cộc, cộc' vang lên, người đàn bà hiểu ý, bà ta đẩy cửa, Hoài Tâm đằng sau bước đi theo, trong khi người đàn bà đốt đèn, nó quay người đóng cửa, nó cũng đã sớm quen với cái mùi nồng đậm từ những thứ thuốc được đốt trong cái lò đặt ở góc phòng, nó cúi đầu quỳ bên cạnh giường, nơi có hai người đang ngồi trên đó.

"Chúng con xin phép được hầu cậu rửa mặt."

Người đàn bà cúi người, Thôi Nhiên Thuân nhìn sang bên cạnh, Hoài Tâm không dám ngước lên, nó chỉ len lén nghiêng đầu nhìn.

Người ngồi cạnh hắn dáng vẻ thật nhỏ nhắn, dù cho sắc mặt tái nhợt nhưng từng đường nét trên đó đều vô cùng mềm mại, vô cùng xinh đẹp, mái tóc dài chạm đến vai, lẫn giữa làn tóc đen còn lấp ló mấy sợi ngả màu bạc trắng. Đôi mắt nâu như màu trà nhìn chằm chằm về phía trước, vô hồn, nó thở cũng không dám thở mạnh, sợ chỉ cần làm ra chuyện gì kinh động đến người kia, mạng của nó cũng sẽ chẳng thể giữ lại được nữa.

Thôi Nhiên Thuân vẫn không buông bàn tay đang giữ lấy tay của người kia ra, hắn để cho người đàn bà hầu mình rửa mặt, xong chuyện, hắn lại quay sang bên cạnh, nụ cười trở nên thật dịu dàng.

"Bà Thanh, mau, mau thay nước, để ta rửa mặt cho em."

Hoài Tâm ngước lên nhìn người đàn bà tên Thanh, bà gật đầu, nó vội đứng dậy rồi nhanh chóng lui ra ngoài chạy thật nhanh vào gian phụ bên cạnh, đặt chậu nước trên tay xuống rồi nhận lấy một chậu khác từ tay chị Linh. Hai chị em không nói với nhau một câu, ai cũng biết chuyện này không thể chậm trễ, đó là chuyện quan trọng nhất diễn ra vào mỗi buổi sáng ở Thôi gia này.

"Ta đã dặn nhà bếp làm chè Lam mà Khuê thích nhất, rửa mặt xong chúng ta cùng nếm thử nhé."

"Hôm qua em về vui lắm nhỉ? Ta rất nhớ em, chờ đến tối, để cho ta nhìn thấy em, có được không?"

Người ngồi trên giường vẫn bất động để mặc cho Thôi Nhiên Thuân cười nói bên cạnh, động tác của hắn rất nhẹ nhàng, chiếc khăn vải được hắn thấm ít nước, chầm chậm lau qua từng nơi trên khuôn mặt em, rồi lại đến cần cổ, đến đôi vai gầy guộc, em chỉ khoác trên mình một tấm lụa đỏ mỏng manh, ẩn hiện sau lớp lụa ấy, những dấu vết đầy ý vị rải rác đầy trên làn da gần như là trong suốt.

Nếu không nhìn thấy lồng ngực thoáng phập phồng ấy, người ta hẳn sẽ nhầm lẫn đây chỉ là một con búp bê vô tri vô giác không hơn không kém.

Đối với hắn, em lúc nào cũng được nâng niu trong lòng bàn tay như thế, hơn hết, trong thiên hạ này em là quý giá nhất, em là thần, thần của Yên Hà, thần của Thôi gia, thần của hắn.

Hắn thả chiếc khăn vào chậu nước, bà Thanh đã mang đồ đứng sẵn bên cạnh, Hoài Tâm đặt chậu nước xuống đất rồi đón lấy quần áo trên tay bà, bà ta bắt đầu giúp Thôi Nhiên Thuân thay y phục, sau đó lại cẩn trọng hạ người với người trên giường.

"Cậu Khuê, con xin phép hầu cậu thay y phục."

Thôi Nhiên Thuân cười ra chiều hài lòng lắm, hắn ngắm nhìn em vận hà y, sắc đỏ như màu ráng chiều ấy khiến em trông thật xinh đẹp, đẹp đến mức làm cho hắn nhớ lại lần đầu tiên hắn gặp em.

Cả thân hình nhỏ nhắn ướt nhẹp vì cơn mưa tầm tã, gia nhân lấy khăn lau người cho em, hắn ngồi trên ghế thờ ơ không quan tâm, nhưng khoảnh khắc lướt qua đôi mắt hoa đào sau mớ tóc xuề xòa ấy năm mười tuổi, hắn đã ngẩn ngơ như thể ôm mộng cả đời người.

"Đẹp, đẹp lắm."

Bà Thanh phủ một chiếc khăn đỏ lên đầu em, vậy là đã thay y phục xong xuôi. Bà đỡ em đứng dậy, đặt tay em vào trong tay hắn, từng bước, từng bước, hắn chậm rãi đưa em đến bậc cửa rồi cúi người nhấc chân em lên, dắt em rời khỏi phòng.

Mới qua giờ Thìn mà sắc trời đã âm u, Hoài Tâm bê chậu nước về phía gian nhà phụ, chị Linh nhìn nó rồi lại nhìn ra phía xa, nén tiếng thở dài.

Còn Hoài Tâm chỉ thắc mắc, không biết anh Thành con bà Loan có kịp mang lễ vật về trước giờ làm lễ hay không.

Mong là có, bởi nếu không, cả gia đình anh sẽ không thể qua được đêm hôm nay.






Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top