Mối duyên tình con con

Thương nhau tạc một chữ tình
Trăm năm thề quyết bạn mình có nhau.

_

Ở làng Nguyệt có ông quan văn và ông quan võ, cả hai mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười. Nhà sát vách nhau cách mỗi cái khóm hoa cúc, lại còn cùng họ nên hai ông kết nghĩa anh em từ lâu, hẹn rằng mai sau sẽ nên duyên cho con cái hai bên. Mùa hồng chín năm ấy, vợ quan văn sinh được đứa con trai kháu khỉnh, đặt là Nhiên Thuân. Hai năm sau vào mùa hoa gạo, tiết trời mát mẻ, nhà quan võ đón đứa con trai út chào đời, đặt là Phạm Khuê.

Vốn đã định sẽ kết nghĩa sui gia, vậy mà vợ quan văn chỉ sinh có một đứa con trai độc nhất, từ đó về sau không có thêm cậu út hay cô út nào nữa. Còn nhà quan võ thì có hai con, nhưng đều là con trai.

Con trai độc nhất nhà quan văn tên là Nhiên Thuân, tuổi Mão, tính cách đỏng đảnh y hệt một con mèo. Con trai út nhà quan võ lại có cái tên mĩ miều là Phạm Khuê, tuổi Tỵ, dù có cái tên xinh đẹp nhưng từ nhỏ cậu út đã nổi tiếng là nghịch ngợm nhất nhà.

Ngày còn bé, cậu út Khuê rất hay trèo tường sang nhà cậu cả Thuân chơi, ngày nào cũng đứng trước sân í ới gọi. Cậu cả Thuân bị mất giấc ngủ nên chê cậu út Khuê ồn ào, lần nào cũng đóng cửa cái sập không thèm trả lời. Vậy mà chẳng hiểu sao cậu út thì cứ mãi quấn quít như cái đuôi nhỏ sau lưng cậu cả.

Cậu út Khuê bảo cậu cả Thuân dễ thương, tròn vo ú nu, lại thêm cái tính đỏng đảnh hay dỗi nên cậu út thích cậu cả lắm. Cậu cả từ nhỏ đến giờ lúc nào cũng mặc định mình đẹp trai, phong độ như thầy mình nên nghe vậy thì dỗi cậu út một tuần trời, giãy đành đạch đòi thầy mình xây cái tường cao lên không cho cậu út trèo qua nữa.

Nhiều ngày sau đó không thấy cậu út thật, cũng không nghe tiếng gọi í ới vọng qua từ nhà bên kia. Cậu cả Thuân ngồi không tự dưng đâm ra thấy thiếu thiếu cái gì đó, bèn đi ra cửa giả bộ hóng gió, chân đá đá mấy viên sỏi, tai thì dỏng lên nghe ngóng. Vừa hay gặp được cậu cả nhà bên kia, cái thằng bé hơn cậu Thuân một tuổi, tên Tú Bân. Cậu cả Thuân ít khi thấy cậu cả Bân lắm, nghe đâu là vì cậu ấy nhát, quanh năm suốt tháng chỉ ở nhà bám mẹ chứ không thích ra ngoài đường, đến tuổi đi học cũng là mời thầy về dạy chứ không chịu đến lớp.

Cậu cả Bân thấy cậu cả Thuân thì bỏ cái que củi đang nghịch xuống, đứng lên định đi vào nhà thì đã bị tiếng cậu Thuân gọi giật lại, vậy nhưng sau đó là một khoảng lặng ấp úng, cậu Thuân đỏ mặt tía tai, dảnh mỏ lên một hồi rồi lại thôi, lặp lại hai ba lần như thế, đến khi cậu Bân khó chịu nên đi vào nhà thật thì cậu Thuân mới nói được một câu tròn vành:

- Cậu...Cậu út có nhà không?

Tú Bân nghe vậy thì chống nạnh hai tay, đáp:

- Hỏi gì kì vậy? Tất nhiên là có, cái nhà này là của thầy tui, sau này sẽ cho hai anh em tui. Nên thằng Khuê dĩ nhiên là có nhà rồi!

- Không phải!

Tú Bân ngán ngẩm khoanh tay, chép miệng như người lớn nhìn cái cậu con một trước mặt. Nhiên Thuân càng nói càng run, vậy nên Tú Bân hết kiên nhẫn, đóng cửa đi vào cái đùng.

Nhiều ngày sau đó vẫn không thấy cậu út Khuê, cậu cả Thuân ngồi không lại càng thấy trong lòng nhộn nhạo sao đó. Nghĩ tới mấy lần mình đóng cửa thả chó đuổi cậu út, nghĩ tới mấy lần cậu út kêu í ới mà mình không đáp, cả những lần mặt nặng mày nhẹ với cậu út nữa, tự dưng thấy trong lòng kì kì.

Ông Bá Thôi thấy con trai mấy bữa rày cứ xị mặt nên mon men hỏi han, chẳng biết hai cha con nói với nhau cái gì, chỉ biết sáng hôm sau vợ ông đích thân đi chợ, lúc về có xách cho cậu quý tử một xâu bánh ú.

Cậu quý tử cầm xâu bánh ú đứng trước khóm hoa cúc mãi, muỗi đốt sưng vù cũng không chịu đi vào. Nhiên Thuân cứ vậy được hai ngày thì gặp Tú Bân, nhờ Tú Bân đưa cho cậu út Khuê, bảo là do hồi trước cậu út hay cho mình quà bánh, bây giờ muốn trả lễ.

Hôm sau cậu Bân lon ton xách xâu bánh ú sang trả cậu Thuân, nói là cậu út Khuê không thích bánh ú nhân thịt.

Nghịch ngợm tưng tửng coi vậy mà kén ăn, cậu cả Thuân ngao ngán xách chùm bánh ú nhân thịt vào nhà rồi ũ rũ cả ngày, tới mức hai cái má sữa cũng trông ỉu xìu. Bu thấy vậy bèn đi lại dỗ dành, cậu cả làm cái điệu bộ như người lớn, ngồi khoanh tay xếp bằng thủ thỉ với bu.

Thế rồi hôm sau, cậu cả Thuân xách một xâu bánh ú nhân đậu đi ra cửa đứng. Đứng cả một ngày vẫn không thấy cậu cả Bân, cũng không thấy út Khuê, bèn nhìn vào cái vách nhà, có một cái ngạch be bé vừa đủ một người chui.

Thế là cái cậu quý tử ấy đánh liều chui qua, điều đầu tiên nhìn thấy không phải là cậu út Khuê, cũng không phải cậu cả Bân, mà là cây chổi chà của cậu cả Bân suýt nữa chà lên đầu mình.

- Thấy ghê quá à! Hết đường đi rồi hả!?

Cậu Bân giật mình la oai oái, đoạn đợi cậu Thuân giải thích đầu đuôi xong thì cầm xâu bánh ú đi vô nhà, mặc kệ cái con người kia nằm dính ở đấy. Nhiên Thuân khó khăn lắm mới rụt về được, xong thì lấy tay xoa xoa hai bên mặt, hỏng hết cái mặt đẹp trai của cậu rồi.

Mấy ngày sau đó cậu cả Thuân mới biết, hóa ra nhiều ngày không thấy cậu út Khuê là do cậu ấy bị cảm.

_

Cậu cả Thuân từ bé đã thông minh, năm tuổi được cha mời thầy đồ về dạy chữ Nho, tám tuổi đã biết đọc sách thánh hiền, mười tuổi đã đọc hiểu Tứ Thư, Ngũ Kinh, thuộc làu Đường thi và Tống thi, ngày ngày rảnh rỗi lại viết văn làm thơ. Không như cậu cả Thuân, cậu út Khuê có vẻ không hợp với chuyện chữ nghĩa kinh thư đấy, cậu đọc một hồi lại lăn ra ngủ. Từ nhỏ bản tính vốn đã hiếu động lanh lợi, ông Chánh Thôi ngó chừng có vẻ không thể hy vọng cậu út sẽ tỏa sáng trên con đường học vấn, vậy nên cậu út lên sáu tuổi thì ông Chánh đã ném cậu sang võ đường của cụ Bá, mục đích là muốn cậu út đi học quyền cho tính tình đằm lại, con trai năng động không ai nói làm gì, nhưng cậu út hiếu động quá.

Ấy vậy mà cậu út đi học được mấy buổi, về múa vài đường quyền làm bể cả bình rượu nếp của ông.

Bữa ấy cậu út Khuê chạy tót đi đâu cả ngày trời, ông Chánh Thôi đi tìm đỏ mắt, về mới biết con trai mình quấn chăn bông nhà họ Thôi sát vách ngủ mất tiêu rồi.

Cậu cả Thuân vốn không có thích ai động vào đồ đạc của mình, tính tình đanh đá hệt con mèo, vậy mà cái chăn bông cậu út Khuê ôm ngủ cả ngày, cậu cả lại không cho ai đem đi đổi cái mới. Ai hỏi cậu cũng chỉ nói vì đó là cái mền ghiền, cậu dùng từ bé đến lớn nên quen hơi rồi.

Từ dạo đấy, cậu út Khuê trước khi đi tập võ thường ghé sang nhà cậu cả Thuân, không để làm gì cả, chỉ là làm riết thành quen. Bước ra khỏi nhà cứ phải ngó sang nhìn, nếu thấy cậu cả thì nhe răng cười tí tớn, không thấy thì tiu nghỉu quay đi.

Mà lần nào thấy cậu cả, cậu út cũng đi đến võ đường với một xâu bánh ú nhân đậu trên tay.

Ông Chánh Thôi - cha của cậu út từng là công thần của triều đình, là Tướng quân uy nghi từng dẫn quân đi chinh chiến khắp sa trường trận địa, không trận nào là không hiển vinh trở về, công trạng dài như sớ, ân thưởng vua ban nhiều không kể xiết. Cậu út noi theo tấm gương của cha, bản thân cậu lại còn có sức có tài, năm mười ba tuổi, cậu út xin cha cho mình đi học trường trên xã, bộc bạch với cha rằng năm mười bảy tuổi nhất định sẽ lên đường tòng quân.

Ai nghe cũng không mấy bất ngờ, mọi người đều ủng hộ quyết định của cậu út. Chỉ có cậu cả Thuân nghe xong thì tối về ôm gối khóc rưng rức.

Sáng hôm sau khi gà gáy tiếng đầu tiên, cậu út Khuê đã lon ton ôm dép đến võ đường, bước ra cửa không quên ngó sang nhà sát vách, nhìn thấy cậu cả Thuân đứng thu lu một cục thì giật mình oai oái.

Cậu cả Thuân lớn hơn cậu út Khuê hai tuổi, trời sinh vốn cao lớn hơn người, thế nên cậu út Khuê tuy là con nhà võ nên thân thể cao to, đứng cạnh cậu hai Thuân thì nhìn vẫn bé hơn một chút. Cậu cả tóc tai rũ rượi, hai mắt có quầng thâm, đoán chừng chắc không phải là do thức khuya đọc sách, cậu út Khuê còn chưa kịp thắc mắc thêm thì cậu cả đã lừ lừ tiến tới, dúi vào tay cậu út Khuê một xâu bánh ú quen thuộc, tay cậu còn hơi run run.

- Cậu út...đi đường cẩn thận.

Cảnh tượng này sao mà giống vợ tiễn chồng ra biên thùy không hẹn ngày gặp lại, cậu cả sướt mướt làm cậu út Khuê cũng hoảng theo, cầm tay cậu Thuân chặt cứng rồi xoa xoa. Thành thật mà nói, lâu nay cậu cả Thuân đỏng đảnh cao ngạo, bữa nay lại mềm mỏng như thế làm cậu út xúc động lắm.

Nhưng thời điểm hiện tại thì cậu út chưa có lên đường tòng chinh, có đi thì cũng đi tập võ ở võ đường gần đây thôi.

_

Việc hay tin cậu út Khuê sẽ đi lên xã học khiến cậu cả Thuân rầu hết biết. Dạo này cứ hay đi ra đi vào, khoanh tay thở dài như ông cụ non làm bu cậu ấy nhìn mà hoang mang theo. Bà kéo cậu quý tử lại gần hỏi han, vậy mà cậu ấy cả buổi chẳng nói năng gì, cứ trầm ngâm, cuối cùng mới thở ra một câu thườn thượt:

- Người ta phải có công danh sự nghiệp, phải xây nghiệp lớn giúp đỡ non sông. Con hông thể ích kỉ được, phải không bu?

Cậu cả Nhiên Thuân - mười bốn tuổi, lần đầu biết tới mùi phiền muộn là như thế nào.

Những ngày xuân đi qua trong thoáng chốc, con én còn đưa thoi, mấy quả quýt trên mâm ngũ quả vẫn còn tươi, người ta thấy cậu cả Nhiên Thuân nhảy chân sáo trước sân nhà hớn hở.

Bà Bá Thôi bảo ra giêng cậu út Khuê đi lên xã học, cậu cả Thuân cũng đi học cùng đi, chẳng phải dù gì cậu cũng muốn nối nghiệp cha mình làm quan trong triều đình hay sao. Không làm đến chức to như cha thì cũng nằm trong bậc Ngũ phẩm, đến năm ngũ tuần thì treo ấn từ quan, về quê dưỡng già, cuộc đời vậy là hạnh phúc.

Cậu cả Thuân bảo rằng cậu giỏi mà, bu phải tin cậu làm được hơn thế. Thế rồi nhớ đến vế đầu trong lời của bu, cậu khoanh tay, xẵng giọng bảo rằng tại sao phải đi theo học cùng cậu út, muốn thì cậu cả tự đi, đi cùng rồi phải chăm bẵm cậu út, cậu cả không có rảnh.

Vậy mà cái hôm cả hai cậu lên đường đi xã, người ta thấy trên vai cậu cả có hai chiếc tay nải còn vai cậu út thì khỏe re.

_

Lớp của cậu Thuân mở từ sáng sớm, cậu út Khuê lại vào học lúc gà đã gáy rất lâu. Thế nên sáng nào trước khi đi, cậu cả cũng phần cơm cho cậu út, để khi nào cậu út dậy thì ăn rồi đi học sau. Hôm thì nắm xôi nếp, hôm thì dĩa thịt gà cậu cả xé sẵn. Hai người theo cái lối sinh hoạt đó được đâu đấy mười ngày, đến ngày thứ mười một, khi cậu cả Thuân thức dậy để chuẩn bị đến trường, cậu út Khuê kế bên cũng lọ mọ ngồi dậy, mắt nhắm mắt mở nắm tay áo cậu cả mà ngáp dài.

Cậu út Khuê nói, hồi trước giờ đi học toàn là nhìn thấy mặt cậu cả rồi mới đi, đã quen nếp vậy rồi. Bữa giờ đi học toàn là đi một mình, không nhìn thấy cái mặt nhăn nhó của cậu cả nữa, cậu út không có quen.

Vậy là từ dạo đó cứ gà gáy là cậu út lại mắt nhắm mắt mở ngồi dậy, ráng mở mắt ăn cùng cậu cả để cậu cả kịp giờ đến trường, bản thân mình thì nằm dài trên cái phản trước sân trường cậu cả, đợi đến giờ thì chạy qua trường võ của mình. Cậu cả Thuân ngồi ở phía ngoài, nhìn vào rất dễ thấy. Cậu út Khuê chống cằm mà nhìn dáng vẻ tập trung của cậu cả, nhìn đến nỗi quên mất trời đất, nhìn đến nỗi bản thân té lăn quay cũng không thấy đau.

Tối về cậu cả Thuân vừa bôi thuốc vừa luôn miệng càu nhàu cậu út bất cẩn, cậu út cũng chỉ trơ răng cười hì hì.

Cậu út cố gắng dậy sớm để đi cùng giờ với cậu cả, nhưng cơ địa cậu út lại không giống cậu cả, hồi đó giờ cậu cả đã quen nếp ngủ như vậy, cậu út thì không, thế nên thành thật mà nói thì cái việc dậy sớm này có vẻ khá khó khăn với cậu út. Có những hôm cậu đi tập đến tối muộn, sáng ra dậy không nổi, gối đầu lên tay cậu cả mà cứ xin thêm năm phút thôi, năm phút nữa, hẹn lần hẹn lượt.

Thế mà cái cậu cả nọ cũng không rụt tay về. Tay còn lại còn vươn đến, vỗ vào vai cậu út đang say giấc một cách nhè nhẹ.

Vậy mà cứ hễ bạn cùng trường trêu cậu cả dung túng cho cái đuôi nhỏ này là cậu ấy giãy đành đạch lên chối.

Phạm Khuê mười ba tuổi, tóc đã chớm dài chạm gáy. Đi tập võ thì vướng víu, vậy nên đành cột tạm lên sau đầu thành một chùm bé xinh vung vẩy. Bọn cùng lớp trêu cậu út cột tóc nhìn xinh như con gái, cậu út khó chịu bảo đừng nói vậy, cậu út không có thích đâu, cậu út là đàn ông sức dài vai rộng mà. Tối về cậu út nằm gối đầu lên đùi kể cho cậu cả nghe, cậu cả vân vê mấy lọn tóc một lúc rồi cầm con dao bé lên cắt tỉa gì đó, lát sau cậu út đã thấy gáy mình thoáng đãng, mát mẻ hẳn ra. Sáng hôm sau cậu út đi tập đã chẳng còn ai khen xinh như con gái nữa, chỉ khen là xinh thôi.

Vậy mà đến lượt tóc cậu cả dài nhờ cậu út cắt, ngồi gần cả canh giờ rồi nhìn thành quả, cậu cả cứ nghĩ nhân lúc mình nhắm mắt, cậu út đã úp cái bát lên cắt cho tiện.

Sau đấy cậu cả dỗi cả tuần trời, ngày nào cậu út cũng mua mứt gừng ngồi kế bên dỗ dành, vậy mà ngày qua ngày cậu cả vẫn cứ nhăn nhó như con mèo cam làm cậu út ỉu xìu.

Nhưng cậu út khờ nên không biết, nếu cậu cả thật sự giận, đến cái mặt cậu cả tròn méo ra sao cậu út cũng sẽ không thấy.

Hai cậu thỉnh thoảng sẽ khăn gói quả mướp cùng về thăm nhà, lần này lại một mùa Tết đến, hai cậu về sớm hơn dự định, ba mươi giao thừa thì hăm ba đã về đến rồi. Cậu cả phụ cha má cúng ông Táo xong thì rảo bước ra sân, vừa hay gặp cậu út theo mẹ đi chợ Tết về, cậu út tay cầm một cành đào con con, vui vẻ dúi vào tay cậu cả rồi cười hì hì.

Cành đào ấy cậu cả đem trưng trong nhà riêng một bình, trưng từ khi chưa Tết, trưng qua giao thừa, trưng từ khi đào nở đến lúc ra giêng đào héo tàn, cậu vẫn không cho ai đem bỏ.

Ăn Tết xong thì hai cậu lại khăn gói đi xã học, mấy ngày Tết coi vậy mà nhanh, như cát trượt qua kẽ tay. Năm trước cậu út mới mười ba nít nôi, năm nay đã mười bốn xuân xanh, lớn thêm một tuổi, biết suy nghĩ hơn rồi.

Vậy mà vẫn không nhìn ra được tấm lòng của cậu cả.

Chuyện cậu út Khuê thường đến trường cùng cậu cả sớm và nằm dài chờ đến giờ của trường mình đã quá quen rồi. Chỉ là gần đây cậu cả Thuân để ý xung quanh cậu út Khuê hình như có nhiều ánh mắt dõi theo lắm, sau nhiều ngày quan sát, cậu cả nhận ra người để ý cậu út, nam nữ đều có cả.

Mỗi ngày cậu cả Thuân đều gói cơm trưa cho cậu út Khuê đem đi, nhưng dạo này tối về, hôm nào cậu út cũng xách theo lỉnh kỉnh nào là đồ ăn nào là quà bánh. Hỏi ra mới biết là do mọi người cứ dúi vào tay, cậu út còn chưa kịp từ chối hay cảm ơn thì đã bị dúi thêm rồi, thành thử ra hôm nào hai tay cũng bận rộn.

Món cậu út được tặng nhiều nhất là bánh ú nhân thịt. Cậu út thì chỉ thích bánh ú nhân đậu, vậy nên người ăn hết lúc nào cũng là cậu cả Thuân, đâm ra dạo này mặt cậu cả Thuân sắp bằng cái mâm rồi.

Dĩ nhiên chỉ là nói quá thôi, nhưng mặt cậu cả Thuân đầy đặn hơn, má sữa đã xuất hiện là thật. Dù gì cậu cũng đang tuổi ăn tuổi lớn, có da có thịt một tí thì có làm sao.

Cậu cả Thuân mười sáu tuổi đương độ xuân thì, trổ mã trổ giò cao lớn phong độ. Con gái rất thích kiểu người như cậu cả Thuân, là thư sinh lễ giáo, tính tình điềm đạm chững chạc, nói năng biết giữ lễ nghĩa, tài đức song toàn, nhìn dáng vẻ cũng biết là người tiền đồ xán lạn.

Nhưng cậu cả Thuân chỉ quan tâm đường tình duyên của cậu út Khuê, hoàn toàn không chú ý ai khác, tiểu thư nhà cao sang vọng tộc tỏ bày cũng không được cậu để vào mắt. Có mấy lần nhìn thấy có người lân la tán tỉnh cậu út Khuê, mặt cậu cả Thuân tắt liền nét cười. Chứng kiến nhiều lần như vậy, bạn học của cậu cả Thuân đùa nhây trêu ghẹo, bảo rằng nếu không phải do ganh tỵ thì là vì ghen đúng không?

Cậu cả Thuân chỉ đáp lại ba chữ:

- Tôi bình thường.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top