Đến khi bạc đầu

Cậu út Khuê về nhà tuy là cục vàng bé bỏng của cậu cả Thuân nhưng bước ra đời lại là Tướng quân của một nước, là võ quan anh minh ai nấy đều kính nể, thổ phỉ nghe danh sợ mất mật, giặc giã nghe cậu gầm một tiếng rúng động rừng xanh thì đều e sợ một phép. Nói tóm lại trong mắt thế gian và người đời, Tướng quân Thôi chính là bậc anh hùng lừng lẫy quả cảm, không giặc ác nào là không trị được.

Ấy vậy mà có vẻ như trong mắt cậu cả Thuân thì cậu út Khuê vẫn còn nhỏ xíu. Vì nhỏ xíu nên làm cậu cả muốn cưng chiều, vì nhỏ xíu nên làm cậu muốn dốc lòng bảo vệ. Thế nên mới thấy những khi cậu cả sang phủ Tướng quân hay cậu út sang phủ quan Tổng đốc, lúc nào cậu út Khuê cũng được chăm kĩ tận răng. Sáng ngủ dậy có người vấn tóc và mặc y phục cho dù mắt cậu út còn chẳng mở nổi, những khi ấy cậu út thường có thói quen đổ hẳn cả người vào cậu cả, mè nheo xin cậu cả cho mình ngủ thêm năm phút thôi. Cậu cả tuy thẳng miệng bảo Không nhưng lần nào cũng dung túng cho con người ấy, tay thì quàng qua vỗ lưng nhè nhẹ.

Cậu út Khuê dù có lớn đến đâu thì dường như trong mắt cậu cả Thuân vẫn là một cái bánh hấp bé xíu, vậy nên ở với cậu cả, lúc nào cậu út cũng được nhường. Ví dụ như khi ăn gà luộc thì chỉ cần ngồi im cũng có cậu cả xé cho, tới mùa quýt chín thì chưa cần mè nheo đã thấy cậu cả tự thân trèo lên cây hái xuống, đã hái xuống thì còn tách thử xem quả nào ngọt thì mới đưa cậu út ăn.

Cậu út không phải kén ăn, là do cậu cả nuông chiều. Ví dụ như mơ chát vừa hái từ cây xuống nhưng cậu út vẫn nhai ngon lành thì dăm ba quả quýt chua đến cỡ nào mà cậu không ăn nổi? Là do cậu cả lo cậu út ăn quá chua sẽ đau bao tử nên mới tự mình tách ra rồi chọn múi ngọt cho cậu út. Hoặc tỉ như việc cậu út Khuê từng sống trong cảnh thiếu thốn quân lương nhiều ngày, tự mình băng rừng lội thác đi săn gà rừng đem về nuôi sống cả đại đội thì gà luộc là gì mà cậu xé không được? Tất cả chỉ là do cậu cả cưng chiều, ở với cậu cả, cậu út dường như chẳng phải động tay việc gì.

Có lần một quan Tam phẩm hỏi cậu cả Thuân rằng biết là hai người rất thân rồi, nhưng quan việc gì phải chăm bẵm Tướng quân như vậy, Tướng quân ra sa trường suýt chết bao phen vẫn sống nhăn răng ra đấy thôi, hang sâu giếng cạn, đồi núi sông suối, thả ở đâu Tướng quân chẳng sống được, có phải tiểu thư đâu mà lại chăm kĩ tới từng cái móng tay như thế?

Cậu cả nghe đến đó thì chỉ cười khẽ, đáp rằng đấy là thói quen có từ mười mấy năm rồi, bỏ không được.

_

Lâu nay quan lại trong triều chỉ biết quan Tổng đốc và Tướng quân Thôi là đồng hương, ai rõ hơn thì biết cả hai là bằng hữu tốt, mối quan hệ rất khắng khít. Bên cạnh những lời ca tụng hai người bằng vai bằng vế, tài đức vẹn toàn thì còn có tin đồn không hay rằng quan Tổng đốc ở tiền triều làm mọi cách để nâng đỡ Tướng quân Thôi, trước mặt Hoàng thượng lúc nào cũng nói Tướng quân rất tốt, thành ra chỉ trong vòng chưa đầy bao nhiêu năm mà Tướng quân Thôi từ một tùy tùng nhỏ nhoi đã vươn mình lên cái ghế Tướng quân, đều là do quan Tổng đốc đứng sau sắp xếp.

Quan Tổng đốc nghe quan Tuần phủ Khương Thái Hiện thuật lại mà bật cười nắc nẻ. Thì lời thiên hạ nói cũng đúng, nhưng chỉ đúng một nửa sự thật. Cái ghế Tướng quân ngày nay của cậu út Khuê đúng là có một tay cậu cả Thuân nhúng vào, nhưng là nhúng vào để bảo toàn thanh danh cho cậu út. Bao lâu nay những tin đồn vô căn cứ xoay quanh cậu út Khuê trong triều đều do một tay cậu cả Thuân dẹp êm hết, có tin đồn thậm chí còn chưa nổ ra đã bị dập cho không còn mồi lửa, những kẻ muốn hãm hại cậu út Khuê đều bị cậu cả Thuân dạy dỗ cho biết thế nào là trời cao đất dày.

Còn chuyện nói tốt cho Tướng quân Thôi trước mặt Hoàng thượng thì họ nói cũng đúng, vì Tướng quân Thôi tốt thật, là người tài cao trí rộng, tuổi trẻ mộng lớn, sẵn sàng hiến mạng mình để bảo vệ bá tánh muôn dân khỏi lầm than. Những gì Tướng quân làm, quan Tổng đốc không cần nói tốt thì Hoàng thượng cũng đã nhìn thấy rất rõ rồi.

Tướng quân tài giỏi, vì giỏi nên được triều đình trọng dụng. Nếu thật sự bất tài chỉ chờ người khác đưa mình lên như trong lời đồn của thiên hạ, quan Tổng đốc dẫu có là công thần của triều đình thì cũng không thể nâng cậu út lên cái ghế quan Tứ phẩm chứ đừng nói đến là cái chức Tướng quân danh giá như vậy.

Công trạng rõ ràng, chiếu chỉ ân thưởng đã ban, lòng vua đã tin cậy, cậu út Khuê làm Tướng cũng đã làm rồi, không phục nữa thì thôi.

Phe cánh trong triều đình thì không lúc nào là không có, quan trọng là có thấy được bằng mắt hay không. Có những chuyện rõ như ban ngày, cũng có những chuyện chỉ diễn ra âm thầm trong bóng tối, chẳng hạn như khi cậu cả Thuân đỗ Trạng làm quan và hai năm sau đấy nhậm chức quan Tổng đốc, hay khi một tùy tướng nhỏ nhoi như cậu út Khuê thăng quan tiến chức nhanh như gió trong vòng có mấy năm, trong triều nổi lên không biết bao nhiêu là nghi vấn về năng lực của cả hai. Đối với những người phải đèn sách hàng chục năm mới ngồi vào được cái ghế quan, sự xuất hiện của đôi rồng phụng ấy là một tồn tại hoang đường.

Nhưng còn nhớ năm ấy bão to lại thêm giặc giã lăm le bờ cõi, Đề đốc Thôi và quan Tổng đốc Thôi cùng nhau sống chết ở biên thùy, vừa diệt giặc vừa cứu được bá tánh muôn dân khỏi cơn đói rồi cùng nhau khải hoàn trở về, từ đó chẳng còn thấy ai nói ra nói vào thêm gì nữa.

Hiền tài đúng là hiếm thấy, nhưng không phải là không tồn tại.

Cũng không biết là do Tướng quân Thôi vô tư hay do quan Tổng đốc đã một tay che trời mà có vẻ Tướng quân chẳng hề hay biết gì về những lời ác ý ấy, có lúc còn vui vẻ nói cười với những kẻ đã từng buông lời gièm pha mình. Có lần quan Tuần phủ Khương có việc phải vào kinh thành tìm quan Tổng đốc, vừa hay lại gặp Tướng quân Thôi cũng đang trên đường đến Hàn lâm viện. Tướng quân hai tay ôm bình rượu nếp, sải bước rất thong dong, biết Tuần phủ Khương cũng đến Hàn lâm viện tìm cậu cả Thuân thì vui vẻ bắt chuyện, miệng nói không kịp hồi chiêu suốt cả đoạn đường, nhìn thấy ai cũng có thể vui vẻ tươi cười, thậm chí còn cười với người từng buông lời ác ý với mình.

Quan Tổng đốc Thôi đang bận tay soạn văn thư, Tướng quân thấy vậy nên bảo quan Tuần phủ đứng nép vào sau tán hoa cau mà nhìn cùng mình đi, để xem khi nào Tổng đốc sẽ phát giác. Ấy mà chưa đến hai phút, quan Tổng đốc rất nhanh đã nhận ra sự hiện diện của hai người họ, quan ngước đầu lên, lập tức nhìn thấy Tướng quân.

- Thuân ơi! Em đến tìm Thuân này.

Tuần phủ Khương nghe vậy thì lẩm nhẩm thôi bỏ mẹ rồi, biết hai người họ rất thân nhưng dẫu sao đây là kinh thành chứ không phải phủ tư mật, xưng hô phải đúng phép tắc triều đình. Tướng quân tính tình vô tư nhưng vô tư đến mức gọi thẳng húy danh của quan lớn như thế thì cũng là không phải phép, huống hồ chi cái vị quan Nhị phẩm kia nổi tiếng là khó tính nhất cái kinh thành này. Lần này Tướng quân chắc chắn bị mắng cho một trận to đầu.

Nhưng bị mắng đâu không thấy, chỉ thấy Tổng đốc Thôi đặt bút xuống, bước ra ngoài và xắn tay áo lên đỡ lấy bình rượu nếp từ tay Tướng quân, câu đầu tiên hỏi Tướng quân chờ mình lâu chưa thì câu thứ hai đã hỏi Tướng quân ăn gì rồi? Tướng quân Thôi bình thường oai vệ bao nhiêu thì lúc này lại hệt như đứa con nít lên năm, vui vẻ kể rằng ban nãy đi săn với các chiến hữu có bắt được con gà rừng to lắm, bằng này này, nhưng vì nó to mà tất cả đều thống nhất không thịt mà đem về nuôi. Vừa nói vừa dang tay ra miêu tả, giọng điệu rất háo hức.

Lúc này Tuần phủ Khương hình như đã hiểu vì sao Tướng quân Thôi lại có thể vô tư với những kẻ từng mắng nhiếc sau lưng mình, thiên hạ nói đúng, tất cả là do quan Tổng đốc, do quan Tổng đốc âm thầm dung túng và chở che, lời ác ý tanh có len lỏi đi đâu cũng đừng hòng lọt vào tai Tướng quân Thôi nửa lời.

Mà lúc này Tuần phủ Khương cũng đã nhận ra có vẻ người cứng nhắc không thể lay chuyển như quan Tổng đốc cũng có một mặt rất dịu dàng.

_

Trong một lần gối đầu lên đùi của cậu cả Thuân, xem cậu cả Thuân đọc tấu chương, cậu út Khuê bỗng buộc miệng bảo rằng cảm thấy thời gian qua thật phí hoài, rõ ràng là thích cậu cả từ hồi còn chưa biết mặt chữ là gì, ấy vậy mà qua năm dài tháng rộng, bên nhau từ khi tay chân ngắn cũn đến lúc ai nấy đều sức dài vai rộng, cậu út mới có thể thổ lộ tấm lòng son của mình.

Cậu cả nghe vậy thì bật cười, bèn đưa tay vuốt mái tóc màu hạt sồi của cậu út, bảo rằng cậu cả cũng mất từng ấy năm, thậm chí là hơn mới tìm được thời điểm để cho cậu út biết tấm chân tình của mình đấy thôi.

Chúng ta đâu có đến muộn, chúng ta vốn đã ở bên nhau từ ban đầu.

Còn nhớ những ngày ấy khi hai nhà họ Thôi sát vách nhau, hai ông cụ thân sinh là bằng hữu tốt, thậm chí đã tính đến chuyện hôn sự khi đứa út nhà Chánh Thôi còn chưa thành hình. Cậu cả Thuân lên hai tuổi, bập bẹ biết nói những từ đầu tiên, nào có biết gì về chuyện sinh nở. Chỉ là thường có thói quen ngồi trong lòng bu mình, hướng ánh mắt về phía ánh trăng cao vời vợi, mà trăng ấy lần nào cũng khuyết, chỉ có nửa vòng tròn như cái hình cung.

Mưa thuận gió hòa, xuôi chèo mát mái, vào một ngày đầu xuân năm Tỵ, nhà hàng xóm nô nức đón con trai út ra đời. Cậu cả Thuân khi ấy còn đang được ẵm, bằng một bằng hai đòi bu thầy ẵm sang nhà bên, chỉ thấy một cục đỏ hỏn, hai mắt nhắm nghiền, chỉ có vậy thôi mà cậu cả lại nhìn rất lâu.

Sau này khi nói chuyện, cậu cả Thuân vẫn thường trêu cậu út Khuê lúc mới sinh ra trông xấu òm, hôi sữa, lại còn la ó khóc lóc suốt ngày, bảo rằng cậu út Khuê ồn ào từ ngày còn bé, đến lớn vẫn không đổi.

Nói thì nói vậy, chứ cái đoạn cậu cả hồi bé mỗi lần thấy cậu út còn đang ẵm ngửa thì mắt đều sáng rực lên, cậu cả không có nói.

Cậu út Khuê lên năm tuổi, miệng cứ líu lo suốt ngày, cậu cả Thuân tuy nói không thích nhưng thiếu cái tiếng ồn ấy là lại nhớ, tìm cách dỗ người ta. Lần nào cậu út hỏi đến cậu cả cũng chỉ bật cười, bảo là vì cơ địa đã quen tiếng ồn rồi.

Cậu út giơ tay ra đếm, nhận ra từ hồi biết nhận thức thì đã ở cạnh cậu cả Thuân, qua bao nhiêu năm sông dời núi đổi, từ lúc chỉ là một võ sinh vô danh đến lúc là Tướng quân oai phong lẫy lừng, người ở bên cạnh mình vẫn là cậu cả Thuân. Có vẻ như trên đời này thật ra có thứ vững chãi như núi non, sự âm thầm chở che của cậu cả Thuân chính là lời tỏ bày đáng tin nhất.

Nhớ có lần nọ khi quan Tổng đốc vừa tan họp trong triều, đang tán gẫu thưởng trà cùng đồng liêu thì có người nhắc đến cậu út Khuê. Lúc ấy cậu út vẫn còn là Đề đốc chứ không phải Tướng quân. Người ấy khen cậu út đẹp, đẹp cái kiểu vừa nam tính lại vừa mềm mại, nói chung là đem đến cảm giác rất riêng, rất gây nhớ nhung. Lại còn huých tay cậu cả Thuân bảo rằng cậu cả thân với cậu út như thế, nếu cậu út không phải nam nhân thì hẳn hai người là cặp thanh mai trúc mã đẹp nhất rồi, sau đấy còn châm thêm rằng nếu cậu út là nữ nhân thật thì bây giờ cậu cả đâu có sống cảnh giường đơn gối chiếc như vậy, tiếc ghê.

Mấy lời đó cậu cả nghe không lọt tai nên không đáp gì thêm. Cậu út Khuê dẫu có là nam nhân thì cậu cả vẫn thương cậu út mà, thậm chí còn thương suốt ngần ấy năm đằng đẵng không mong cầu hồi đáp.

Có thằng nhóc trong đoàn tùy tùng của cậu út Khuê kể rằng, Tướng quân Thôi chưa nơi nào là chưa đi, chưa loại người nào là chưa gặp, mỹ nhân trong thiên hạ đều đã thấy gần hết. Cũng có những lần dừng chân, không ít người đẹp ngỏ ý muốn mời Tướng quân ở lại dùng rượu, cố ý mặc y phục lả lơi, nhưng không biết Tướng quân cố tình hay ngố thật, nhìn mỹ nhân ỡm ờ trước mặt như vậy, rốt cuộc cũng chỉ xoa đầu người ta, bảo người ta trời độ này rất lạnh, nên mặc ấm vào thì hơn.

Thằng nhóc ấy còn kể, Tướng quân Thôi dẫn quân đi chinh phạt bốn phương, cọp beo hùm gấu gì cũng đều đã đối mặt, đứng trước con hổ to gấp rưỡi cũng chẳng mảy may e sợ. Thế mà năm ấy khi bão to lại thêm giằng co với sức giặc, Tướng quân ở tuyến đầu nghe tin quan Tổng đốc vượt đường xa ra nơi biên thùy này cứu dân thì mặt mũi bỗng trở nên xanh ngắt, thậm chí khi giặc hung hăng phá vỡ thế trận cũng chưa làm Tướng quân hoảng sợ đến vậy. Hầu hạ Tướng quân bằng ấy năm, nhìn sắc mặt ngài mà sống, thằng nhóc ấy đủ nhạy để nhận ra vị quan Tổng đốc kia ảnh hưởng đến Tướng quân Thôi nhiều như thế nào.

Nhưng nó biết vậy chứ đầu óc khù khờ nên chưa gọi tên được cảm xúc ấy. Chỉ biết hai người họ cho nó cảm giác như khi thầy bu của nó ở bên nhau vậy.

Sau khi đã tỏ tường tình chàng ý em, quan Tổng đốc lui tới phủ Tướng quân nhiều hơn ngày trước. Lần nào đến cũng lỉnh kỉnh bánh trái, khi thì xâu bánh ú khi thì một tay nải đào chín, những hôm không sang được cũng sai gia nô nấu đồ tẩm bổ cho Tướng quân, miễn là Tướng quân khỏe mạnh thì thảo dược quý hiếm cỡ nào Tổng đốc cũng không tiếc tay tìm mua.

Có lần quan Tổng đốc sang chơi, con bé gia nô mới mười ba tuổi chưa hiểu chuyện, nhỡ mồm bảo quan Tổng đốc và Tướng quân chỉ là bằng hữu mà quan chăm Tướng quân kĩ như vậy, giả dụ nó có lấy chồng, chồng nó thương nó bằng một nửa vậy thôi nó cũng vui lòng. Mấy lời đó theo đường gió thoảng mà lọt vào tai quan Tổng đốc, con bé liền bị quan lườm một cái rõ bén, ớn lạnh chạy dọc sống lưng.

Mỗi lần rỗi rãi gặp nhau, cậu út Khuê thích nhất là gối đầu lên đùi cậu cả Thuân để cậu cả Thuân vuốt tóc mình. Trong những cuộc trò chuyện riêng tư ấy, cậu út rất thích nghe những câu chuyện về những năm đầu khi cậu cả vừa mới đỗ Trạng làm quan. Cứ sơ hở là sẽ vòi vĩnh cậu cả kể mình nghe, vì những năm đó cả hai dường như chẳng biết nhau sống thế nào.

Cậu cả thì chỉ kể hòm hòm, rằng những năm đấy vì là vừa nhậm chức, lại thêm tuổi đời non trẻ nên cũng ngơ ngác nhiều, sau này va vấp rồi thì mọi việc mới suôn sẻ hơn. Cậu út bĩu môi một cái rõ dài, tính nết con người này thì có bao giờ chịu nói cho bằng hết, có mười phần thì chỉ kể có một phần thôi.

Những tưởng sẽ mãi mãi không được nghe về một Trạng nguyên lẫy lừng năm xưa thì bỗng hôm đó khi Tướng quân Thôi đang ngồi thưởng trà cùng Thái sư, Thái sư dường như đã kể hết cuộc đời của quan Tổng đốc. Rằng là những năm đầu ấy là những năm vất vả nhất của quan Tổng đốc Thôi, có thực lực và được trọng dụng nhưng vì không chủ động theo phe cánh nào trong triều đình nên bị kẻ xấu tìm cách hãm hại, vậy nhưng cái người ấy, cái người thiếu niên đương độ mười tám ấy vẫn một mình chống chọi tất cả, tâm ý vững vàng như núi, quyết không để bè cánh nào khiến mình lung lay. Vị quan Tổng đốc ấy đã một mình hô mưa gọi gió chốn quan trường, cho bè lũ tham quan biết thân biết phận.

Thái sư còn nói, lần đầu gặp Tổng đốc Thôi đã biết đây là người có tham vọng lớn, thực lực cũng không kém cạnh ai, với mưu trí tài đức đó, mấy năm nữa có lên được ghế quan Nhất phẩm hay xa hơn là thân cận của Hoàng thượng cũng không có gì khó hiểu. Thiếu niên ấy chỉ mất có hai năm để trở thành quan Nhị phẩm, vậy cái ghế Thượng Thư chỉ cần là thiếu niên ấy có muốn hay không.

Cậu út Khuê hòm hòm nhớ lại ngày xưa, vào cái lúc còn đang cùng nhau đi học trường xã, cậu cả Thuân đã bảo rằng mình không mưu cầu chức vị cao sang, nếu thuận lợi đỗ Tiến sĩ và làm quan thì tốt, cậu sẽ mở lớp dạy chữ cho bọn trẻ trong làng, ngày ngày phụng dưỡng thầy bu, trò chuyện cùng cậu út Khuê, chỉ cần vậy thôi, vậy là thỏa đời. Cậu cả còn bảo từ nhỏ vốn được cưng chiều nên không muốn sau này vất vả, chỉ mưu cầu cuộc sống êm đềm, không đấu đá với người đời, không tham sân si, muốn sống một kiếp êm ả vậy thôi.

Nhưng kể từ ngày nghe cậu út Khuê có mộng lớn là cầm binh bảo vệ non sông, cậu cả có vẻ cũng không đơn thuần chỉ mong cầu một đời êm ả nữa.

Thái sư còn kể, từ ngày quan Tổng đốc vào kinh thành đã lọt vào mắt xanh của không ít tiểu thư con nhà vương tôn quý tộc, nhưng ai hỏi đến cậu cũng nhẹ nhàng từ chối. Cậu chỉ bảo rằng vì mộng mình còn lớn, chưa bảo vệ được thì chưa muốn tính chuyện thành thân. Cứ vậy mà thời gian trôi đi, người ta có đoán già đoán non cũng không đoán được giấc mộng quý giá trong lời nói của quan Tổng đốc là gì.

Cho đến một ngày Đề đốc Thôi hiển vinh trở về từ cơn lũ dữ, người ta đã hòm hòm đoán ra được rồi.

Mà quan Tổng đốc Thôi, cái người ghét vất vả ấy vốn chỉ định gây sóng gió ở chốn quan trường đến năm ngũ tuần, sau đấy thì nếu quốc gia thái bình, ngài sẽ treo ấn từ quan, trở về quê nhà mở lớp dạy chữ. Nhưng giấc mộng của quan lại ôm một giấc mộng to lớn hơn là non sông gấm vóc, vậy nên ý định này có lẽ phải gác lại rồi.

Mà cũng không quan trọng, cậu cả Thuân vốn đã chờ mấy mươi năm để trở thành gia đình của cậu út Khuê, cuối cùng cũng chờ được rồi, vậy nên đến năm ngũ tuần, làm quan thêm mấy năm nữa cũng có làm sao.













Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top