Đêm nhớ ngày mong

Sau hôm đấy, cậu cả Thuân không còn thấy cậu út Khuê lấy cớ nghỉ chân dọc đường để gặp mình nữa, hay nói đúng hơn là ráo riết năm ngày nay đã chẳng còn thấy bóng dáng cậu út, ở trong kinh thành cũng vậy. Cậu cả đoán chừng sắp có chuyện không hay, sáng ngày ra đã nhận được tin từ biên cương báo về rằng có một đạo quân mấy vạn lính đang lăm le phía Bắc bờ cõi. Cậu cả lập tức nhận ra, mấy hôm trước cậu út hồi cung không phải để nghỉ ngơi mà là để nhận chiếu chỉ và tiếp tục hành quân ra biên ải.

Bao nhiêu ngày cậu út ở ngoài biên ải là bấy nhiêu ngày cậu cả thấy lòng mình sôi như lửa đốt, tin tức báo về không có tí khởi sắc nào, đại loại vẫn là đạo quân của Đề đốc và Đại tướng quân vẫn đang ngày đêm canh giữ tuyến đầu, chưa hề để giặc gặt đi một cành cây cọng cỏ nào của nước Nam. Nhưng một cuộc chiến chỉ nên có kết thúc, càng kéo dài một cách vô nghĩa chỉ tổ hao tốn sức người và quân lương.

Giặc chưa kịp qua, cơn lũ lớn lại đến. Biên ải rơi vào thế ngàn cân treo sợi tóc, ngày qua ngày tin tức báo về chỉ có tệ và tệ hơn: quân lính rệu rã, lương thực bị lũ cuốn đi, dân đen bị lũ cuốn mất nhà chịu khổ, sơ tán được rồi nhưng vẫn cầm cự củ khoai củ ráy sống qua ngày mà không có ai chỉ dẫn đường đi nước bước tiếp theo. Đến lúc này cậu cả Thuân thật sự chịu không nổi nữa, sáng hôm đấy vừa dâng tấu vua xin cho mình đi cùng đoàn tiếp tế ra biên cương chống lũ, ngay tối hôm đó đã xuất phát. Vó ngựa nhẫn nại đi một đường không biết mỏi mệt liền mấy hôm, cuối cùng cậu cả cũng đã đến. Binh lính đón đoàn tiếp tế ở phủ quan Tri huyện, ai nấy cũng đều ngớ người, trong tin báo về từ kinh thành, đâu có nói quan Tổng đốc sẽ đi cùng?

Tin tức theo đường gió thoảng rất nhanh đã đến tai Đề đốc Thôi ở tuyến đầu. Quan Tổng đốc nói là nghỉ lại tại phủ Tri huyện nhưng thật ra đa số thời gian đều cùng binh lính xông pha đi cứu người, phân phát lương thực, dẫn đầu một toán quân dựng nhà tạm cho dân trú qua cơn bão. Đề đốc Thôi Phạm Khuê biết chuyện thì đập bàn quát ầm lên, ở biên cương này vừa lũ quét vừa giặc dữ, quân dân ta đang trong thế gọng kiềm, triều đình có cử người tiếp sức thì chí ít cũng phải là võ quan, quan Tổng đốc Thôi Nhiên Thuân lại là văn giai, từ lúc làm quan chỉ quen chuyện văn thư bàn sách, sao có thể chịu nổi thế trận ngặt nghèo sống nay chết mai này?

Nhưng quan Tổng đốc Thôi không những có thể chịu nổi thế trận căng thẳng này mà còn cáng đáng được mấy trăm mạng dân trong vùng lũ dữ. Quan vừa đặt chân đến đây không lâu đã cứu được hầu hết dân chúng đến vùng đất cao hơn, chỉ định quân lính dựng nhà tạm, lo bữa no cho dân, sau đó đi thị sát quanh vùng rồi trở về phủ Tri huyện viết tấu sớ gửi về kinh thành, chỉ mất có bốn ngày.

Thời gian ấy Đề đốc ngày đêm giữ đất ở tuyến đầu, hoàn toàn không có thời gian buông lỏng để đi gặp quan Tổng đốc đàm đạo chuyện thế sự, chỉ kịp sai người viết vội lá thư đem tâu quan, rằng biên ải xa xôi muôn trùng hiểm trở, người ở đây chỉ có đi chứ không dám hẹn ngày về, quan Tổng đốc thân là nguyên khí quốc gia, không được để thương tổn, phải mau hồi cung khi cơn lũ còn chưa quá đỉnh đầu.

Đáp lại Đề đốc, quan Tổng đốc viết: Nguyên khí quốc gia sớm muộn cũng phải hiến cho quốc gia, nếu không là lúc này thì ngài Đề đốc nói xem là lúc nào?Giặc chưa lui, lũ chưa tan, người ở tuyến đầu chưa bình an thì ta không về.

Lúc nhận thư hồi đáp từ quan Tổng đốc, tùy tùng của Đề đốc còn được quan dặn rằng phải cố gắng hầu Đề đốc ăn uống đủ, có vậy mới có sức chống chọi với thế trận nghịch thiên bão táp. Lời nói của quan rất vững chãi, cứng rắn đến mức không một ai dám trái lời.

Nhiều ngày sau cơn lũ xoáy mới dần dịu đi, bầu trời trở nên thoáng đãng. Tướng và binh không có giây nghỉ, vừa chống lũ xong đã lập tức vào thế sẵn sàng vì lính phía Bắc có thể giương gươm tuyên chiến bất kì lúc nào. Đề đốc Thôi tính đi tính lại, vạch ra bao nhiêu tình huống và phương án, rốt cuộc vẫn không tính đến được rằng bọn quân giặc sẽ dùng kế bẩn, chúng ập vào nơi dân trú bão nhiều hôm trước, bắt người làm con tin.

Lúc Đề đốc Thôi dẫn quân đến thì nơi ấy đã trống trơn, chỉ có một bé gái may mắn thoát được vội quỳ gối tâu quan, vừa khóc vừa nói lúc bọn giặc ập vào, quan Tổng đốc đã đem thân mình ra làm tin nhằm đổi lại sự an toàn cho con dân. Nhưng trên đời này, thứ không đáng tin nhất là cái gật đầu của kẻ địch. Chúng vừa bắt quan xong thì lập tức gông cổ luôn dân chúng đem đi, kết quả là tất cả đều đang nằm trong miệng cọp.

Đề đốc Thôi nghe đến đó thì nổi trận lôi đình, không chờ một giây nào lập tức leo lên yên ngựa một vó chạy thẳng về phương Bắc tít mù khơi. Tùy tùng phải nối nhau đuổi theo, khuyên can Đề đốc trở về phủ rồi từ từ vạch ra đường đi nước bước, xông vào hang địch khi chưa nắm rõ ngọn nguồn tương đương với tự sát, Ngài cũng hiểu điều đó mà?

Trở về phủ, Phạm Khuê không một giây nào lơ là, toán lính nào đi thăm dò về cũng được gặng hỏi cặn kẽ. Ròng rã mấy hôm thì có tin khởi sắc, đã tìm được hang ổ trú của quân địch, nằm ở phía Đông hướng dãy núi Tam, ngựa chạy không ngừng nghỉ thì buổi trưa ngày thứ hai sẽ tới.

Cùng lúc đó có thư gửi từ hướng Đông đến chỗ đóng quân, quân giặc thương thảo yêu cầu nước Nam cắt một phần đất ở dải đất phía Đông Bắc cho chúng, đạt được ý nguyện, chúng sẽ thả con tin.

Đề đốc Thôi viết thư hồi đáp, khẳng định chắc nịch rằng dù chỉ là một cục đá cọng cỏ cũng sẽ không cắt xén cho chúng. Lá thư không dài, nhưng đanh thép. Cuối thư, Ngài còn tái bút vô cùng cứng rắn, đọc vào sẽ thấy ngay tâm trạng rất nghiêm trọng:

Nếu vị quan mà các ngươi bắt làm tin mất dù chỉ một sợi tóc, đầu của các ngươi sẽ được đem về phương Bắc, treo ở nơi phong thủy đẹp nhất của kinh thành.

Thư gửi đi xong thì Đề đốc nhanh chóng cho chuẩn bị quân lương, trong lòng Ngài nóng như lửa đốt nên không chờ được đến rạng sáng mà đã đánh ngựa đi ngay trong đêm. Đoàn binh vó ngựa nối đuôi nhau san sát mà chạy, Chỉ huy đi đầu càng không biết mỏi. Con đường đến hang ổ địch vốn phải đi ròng rã hai ngày, nhưng Đề đốc Thôi với sự lo lắng tột độ cho an nguy của quan Tổng đốc, chỉ trong một ngày một đêm đã đặt chân được đến nơi giặc đóng quân.

Đột ngột xông vào không phải là chiến lược khôn ngoan, Đề đốc biết vậy nên âm thầm đi xung quanh thăm dò động tĩnh, cuối cùng quyết định sẽ đánh vào kho lương của giặc, một toán lính đánh lạc hướng chúng để một toán lính khác ập vào cứu người, cố gắng giảm thiểu thương vong xuống mức thấp nhất.

Rạng sáng, kho lương của giặc bị đốt, lửa to mù trời, bọn chúng tháo nhau mà chạy, đồng thời cũng nhận ra có người tập kích, thế nhưng quân lính đã dàn xung quanh doanh trại, bất kì ai nhào ra cửa chính cũng đều bị Đề đốc Thôi túm đầu tra hỏi, chúng không khai ra thì bị Ngài đánh mà khai rồi cũng bị Ngài đánh. Đoạn Đề đốc xông thẳng vào trong bất chấp ngọn lửa lan ngày càng rộng, chạy thẳng xuống hầm, lập tức nhìn thấy quan Tổng đốc cùng người dân bị bắt cóc.

Điều đáng nói ở đây là, quan Tổng đốc không những không bị trói, ngược lại còn đang túm cổ đánh ngất, bắt trói mấy tên lính giặc thành một tụ. Đề đốc và quan Tổng đốc gặp nhau thì mắt tròn mắt dẹt, không biết ai mới là con tin cần giải cứu.

Đề đốc nhìn một lượt trên dưới, áo the của quan Tổng đốc đã bị bẩn tà, quần lụa cũng không lành lặn đôi ba chỗ, trên mặt có vài vết trầy xước còn đang rỉ máu, nhìn đến đó, Đề đốc quay sang trừng mắt, nghiến răng nghiến lợi nhìn đám lính giặc bị trói một cách vô cùng hung tợn.

Quan Tổng đốc Thôi cuối cùng cũng về đến phủ Tri huyện để nghỉ ngơi. Lúc quan đang ở tẩm phòng chuẩn bị tắm, Đề đốc Thôi đột ngột bước vào một cách có chủ ý. Quan bảo rằng nếu Đề đốc muốn tắm trước thì để quan ra ngoài, nhưng Đề đốc lại mon men nắm lấy cổ tay quan, nhẹ giọng thủ thỉ rằng mấy hôm nay quan cực khổ rồi, giờ để Đề đốc tắm cho quan, xem như đáp lễ quan không ngại đường xa mà đến đây.

Thế là quan đưa tay ra, nắm lấy bàn tay của Đề đốc. Có lẽ do hơi nước ẩm bốc lên nên quan không thấy, rằng đôi mắt ngài Đề đốc thoáng ánh lên ý cười.
_

Cậu hai Thuân nói rằng cậu út Khuê cái gì cũng không sợ. Một mình đi học từng ấy năm, cũng một mình lên đường tòng quân, vượt muôn trùng núi non, đao gươm giáo mác cỡ nào cũng từng thử qua rồi, mường tượng như trên đời này dù có là thuồng luồng cọp beo đáng sợ nhất cũng không thể làm cậu út Khuê run vai xanh mặt được.

Tùy tùng của cậu út Khuê thì không dám đảm bảo vậy, cái hôm cậu cả Thuân bị giặc bắt, cậu út từ lúc biết tin đến lúc xông vào doanh trại giặc cứ như có ai cầm lửa đốt sau lưng, hành động vô cùng gấp rút, tính đi tính lại cũng cố gắng tìm ra phương án nhanh nhất, cứ như chỉ sợ mình chậm chân thêm một giây thì cái đầu cậu cả sẽ không còn. Trong đám tùy tùng truyền tai nhau, chưa khi nào bọn nó thấy ngài Đề đốc uy danh lại mất bình tĩnh đến vậy.

Cậu cả Thuân nghe chuyện thì chỉ cười phì, bảo cậu út Khuê lo bò trắng răng. Cậu cả là Tổng đốc đấy, dù suốt ngày chỉ ngồi bàn giấy nhưng cũng từng đi học lớp võ, không giỏi như cậu út, nhưng ít ra cũng có thể tự bảo vệ mình.

Một tuần sau đó trời đã quang mây, cậu cả Thuân sắp xếp lại cuộc sống cho dân chúng, ban phát lương thực đủ đầy rồi mới an tâm cùng cậu út Khuê lên ngựa hồi cung. Biên cương này cách kinh thành ngàn dặm trùng dương, đoàn binh hành quân ba ngày ba đêm mới về đến.

Đề đốc Thôi Phạm Khuê lần này lập công lớn, vừa trị được lũ dữ vừa phá tan đoàn binh giặc lăm le bờ cõi, đã vậy còn một mình cầm quân đi giải cứu quan Tổng đốc và mấy trăm mạng dân đen con đỏ từ hang ổ giặc mà không tổn thất quá nhiều quân binh. Công trạng dài như sớ, ân thưởng vua ban có tạ ơn nhiều thế nào cũng không hết.

Tin tức Đề đốc Thôi hiển vinh trở về từ biên ải nhanh chóng đến tai tất cả quan lại triều thần. Có người xuýt xoa Hoàng thượng đã tìm thấy hiền tài, có người đặt câu hỏi về tính thực hư của công trạng, rằng thật sự là do một tay Đề đốc hết đấy ư? Một thằng nhóc còn chưa qua hai mươi tuổi?

Trong triều có ông quan Tứ phẩm từ lâu đã nhìn Đề đốc Thôi Phạm Khuê không thuận mắt. Lão luôn nghĩ rằng dẫu Đề đốc có tài thao lược cỡ nào, bản chất vẫn chỉ là một đứa nít ranh vắt mũi chưa sạch. Vậy nên lão đã viết một bản tấu chương nói dọc nói nghiêng, đại ý rằng nước Nam đúng là trọng người tài, nhưng người tài còn trẻ quá, liệu vua có thể thật sự tin tưởng không? Tuổi đời người tài non trẻ như vậy, ai mà biết được lòng dạ thật sự thế nào? Bản tấu chương không đề thẳng tên Đề đốc Thôi, nhưng từng câu từng chữ đều hàm ý nhắc đến Đề đốc Thôi.

Thái sư bên cạnh Vua cũng biết về bản tấu ấy, thế là trong một đêm đàm đạo Nho thư với quan Tổng đốc, ngài Thái sư đã kể với quan rằng dạo này thật lắm kẻ lộng ngôn, chuyện như vậy mà cũng dám nói trước mặt vua? Còn dám thẳng thắn chất vấn hiền tài vừa lập công với đất nước như vậy, lại còn nghi ngờ mắt nhìn người của bậc đế vương, đúng là không biết trời cao đất dày. Quan Tổng đốc nghe xong thì im lặng nghĩ ngợi một lúc, đoạn lấy nghiêng mực đặt lên bàn viết một bản tấu chương, nhờ ngài Thái sư đem tâu vua.

Từ đó về sau không còn ai thấy ông quan Tứ phẩm đấy nữa. Nội dung trong bản tấu ấy rất ngắn, vì ngắn nên vua đọc một lần đã nhớ, trong đấy quan Tổng đốc Thôi liệt kê ra số ngân lượng mà ông quan Tứ phẩm đấy nhận hối lộ, lại thêm tội đàn áp dân đen, cướp ruộng cướp lúa trắng trợn. Tất cả đều có ngày giờ rõ ràng, nếu vua không tin có thể gọi nhân chứng đến đối chiếu, thông tin của nhân chứng, quan Tổng đốc ghi rõ trong đấy cả.

_

Thời gian đưa như con thoi, mùa xuân rồi lập đông không biết bao nhiêu lần. Chớp mắt một cái đã thấy cậu út Khuê chạm ngưỡng hai mươi mốt, ngó lên mới nhận ra cậu cả Thuân sắp bước sang tam tuần.

Một năm cậu út Khuê cầm binh đi bình loạn thiên hạ không biết bao nhiêu lần, lần nào cũng vẻ vang trở về. Hiền tài đánh đâu thắng đó, vua rất trọng nên bây giờ đã thăng cậu út đến hàm Tướng quân.

Mà cậu út, lần nào đi bình loạn cũng đem về cho cậu cả Thuân biết bao nhiêu là của ngon vật lạ, có lần nghỉ chân ở phía Tây, nhìn thấy một chiếc quạt châm thêu đôi uyên ương màu đỏ rất đẹp, bèn mua lấy, giắt vào tay nải trân trọng đem về cho cậu cả. Cậu cả đem cất trong tủ gỗ, thế là bị cậu út dỗi hờn rằng chắc do cậu cả không thích.

Cậu cả dỗ dành không được, cuối cùng đành thừa nhận là do cậu sợ dùng mỗi ngày thì quạt sẽ bị cũ, không còn đẹp nữa, vì cậu cả quý nên mới đem cất, quý nên mới không dám dùng.

Cậu út Khuê thì đúng vẫn là trẻ con, chỉ nghe có vậy mà vui vẻ hẳn mấy ngày liền.

Tướng quân Thôi đã qua tuổi cập kê từ lâu, đến giờ vẫn phòng đơn gối chiếc. Bao năm qua lại có công với đất nước, vua cho gọi vào triều thưởng trà, đoạn dò hỏi không biết Tướng quân đã có người trong lòng chưa, nếu chưa, vua ngỏ ý muốn gả Quận chúa đương độ xuân thì, đến tuổi dựng vợ gả chồng cho Tướng quân, phẩm hàm của Tướng quân đang là mơ ước của bao nhiêu người, nếu lại còn có Quận vương hậu thuẫn thì tiền đồ sẽ một bước lên mây, như hổ mọc thêm cánh.

Nhưng Tướng quân Thôi đã từ chối ân điển này của vua, tâu rằng mình vẫn còn ham đi đó đi đây, chưa sẵn sàng thành gia lập thất, chỉ sợ cưới rồi không làm tròn đạo làm chồng thì sẽ làm phật lòng Quận chúa cao quý. Vua nghe xong cười vui vẻ gật đầu, nam tử hán đại trượng phu, thẳng thắn như vậy là tốt.

Tướng quân Thôi đáp xong thì mỉm cười khe khẽ, nghĩ về người ở hậu phương còn đang phải lo việc nước, người ấy chưa sẵn sàng cho chuyện thành thân, chưa tỏ bày được.

Quan Tổng đốc Thôi chỉ lớn hơn Tướng quân Thôi hai tuổi, đến giờ cũng chưa thấy có hỉ sự, trong khi các quan lại triều thần đồng niên khác đều đã yên bề gia thất, phủ Tổng đốc đến giờ vẫn chưa có phu nhân bước vào. Có lần quan Tuần phủ Khương Thái Hiện hỏi han rằng định khi nào thì rước mợ cả Thôi? Quan Tổng đốc chỉ cười khẽ rồi đáp, đang đợi người ta vui chơi đó đây cho thỏa, đợi khi nào người ta sẵn sàng thành gia lập thất rồi mới bắt đầu tính chuyện trăm năm.

Trong câu chuyện của quan Tổng đốc Thôi rất hay nhắc đến người ta, thời gian đầu quan Tuần phủ Khương còn thắc mắc người ta là ai, là tiểu thư của nhà nào hay do người ta là lá ngọc cành vàng của một vương tôn quý tộc nào đó nên quan Tổng đốc không tiện nhắc tên. Nhưng sau thời gian quan sát và để ý vị Tướng quân rất hay lui tới phủ Tổng đốc, quan Tuần phủ trộm có vài suy đoán rất sâu xa.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top