2
Yeonjun mơ thấy một giấc mơ khi anh trở về tuổi hai mươi ba, Beomgyu hai mươi mốt. Khi mà anh đang là sinh viên năm cuối còn Beomgyu chỉ là đứa nhóc năm hai còn chưa trải hết sự đời. Là khi anh gặp em lần đầu trong buổi giao lưu của trường. Và cũng là khởi đầu của chuỗi thương nhớ cả một đời về sau.
Beomgyu trong ấn tượng đầu tiên của Yeonjun là đứa nhóc với mái đầu tròn ủm màu hạt dẻ. Đứa nhóc ấy ban đầu còn vụng về, nói chuyện với người khác rất hoạt ngôn nhưng gặp anh là cứ lắp ba lắp bắp. Đứa nhóc ấy cũng rất dễ thương, khi ngại ngùng thì mặt sẽ đỏ ửng, và khi cười sẽ khiến người ta thấy yên ổn trong lòng.
Đứa nhóc ấy cũng rất dễ gần, dễ làm thân nhưng sẽ không dễ để ai bước vào cuộc đời mình. Và đứa nhóc ấy khi thích ai rồi cũng sẽ thích bằng tất cả tâm trí lẫn tấm lòng. Và cái đứa nhóc nhạt nhòa ấy, không biết từ khi nào đã bước vào thế giới của Yeonjun, dùng sự ấm áp chữa lành thương tổn từ gia đình, khiến anh si mê và muốn dùng toàn bộ may mắn của mình để che chở cả đời này.
- Anh Yeonjun có đang thích ai không?
- Có. Anh thích lavender, nhưng lavender lại không biết.
Tiếc là, gặp được nhau, đã bên nhau rồi, chỉ còn lời hứa ở cạnh nhau suốt đời là mãi mãi không thực hiện được.
Seungdal's POV
Trong những ngày chờ ba lớn tỉnh dậy trong vô vọng. Tôi có nghe bác Soobin kể rằng hồi xưa vào cái hôm sinh tôi, ba nhỏ dường như ngất đi. Khi y tá ẵm tôi cho ông bà nội nhỏ xem mặt, cả hai người và họ hàng đều thích thú cưng nựng đứa bé nhỏ xíu mới chào đời. Duy nhất chỉ có ba lớn chạy ùa vào phòng sinh ôm ba nhỏ mà khóc nức nở, mếu máo hỏi ba nhỏ đau lắm không, vừa khóc vừa xin lỗi ba nhỏ vì không cách nào san sẻ nỗi đau được. Bàn tay ba lớn cứ hết xoa lấy khuôn mặt nhợt nhạt mồ hôi rồi lại nhẹ nắm lấy bàn tay đã chẳng còn chút sức lực nào của ba nhỏ, cứ hết thủ thỉ cảm ơn rồi lại xin lỗi như đứa trẻ. Có lẽ đến cả tôi khi đó cũng không khóc to bằng ba lớn.
Ba nhỏ vươn tay lau đi nước mắt trên mặt ba lớn, mỉm cười trêu ba lớn mít ướt quá đi, làm ba rồi mà còn định khóc đua với con nhỏ hay sao. Vậy mà ba lớn vẫn mếu máo đến lạc cả giọng. Vì khi ấy ba bất lực, biết người thương chịu đau nhưng chỉ có thể ngồi nhìn chứ chẳng chịu thay được chút nào.
Bác Soobin bảo sau khi có con, người sinh ra đứa nhỏ sẽ cực khổ nhất. Nhưng từ khi rời khỏi bệnh viện đến năm tôi bắt đầu tập đi, ba nhỏ chưa từng phải thức đêm dỗ tôi hay động tay vào việc nhà lần nào. Lúc tôi mọc răng quấy khóc dữ dội, hại ba nhỏ đau đầu mấy hôm liền. Nhưng ba lớn xin tan làm sớm, về nhà trông tôi thay ba nhỏ. Ngay cả những việc nhỏ nhặt như rửa bát hay gấp đồ cũng do một tay ba lớn làm cả.
Vì sau khi sinh tôi, có một thời gian ba nhỏ căng thẳng đến mức gần như trầm cảm. Có khi ông ngủ cả ngày hoặc có khi liên tiếp hai ba hôm luôn trằn trọc không ngon giấc. Có lúc sẽ cáu kỉnh vì vài điều nhỏ nhặt, cũng có lúc nhốt mình trong phòng mà khóc rấm rức. Nhưng khi ấy, ba lớn không quát cũng không động tay động chân gì cả, chỉ nhẹ nhàng dỗ dành ba nhỏ bằng đủ mọi cách.
Ví dụ như, ba nhỏ muốn đi Jeju chơi, ba lớn xin nghỉ hẳn một tuần đưa đi. Ba nhỏ muốn chơi lại guitar, ba lớn dùng hẳn hai tháng lương mua loại guitar tốt nhất tặng ba nhỏ. Ông bảo, nếu ba nhỏ cáu gắt thì lỗi là do ông không cẩn thận, nếu ba nhỏ buồn bã thì lỗi là do ông chưa đủ tốt. Nói tóm lại, tất cả những gì thiệt thòi ba nhỏ chịu đựng, ông đều gom về là lỗi của ông cả.
- Hồi đó khi Seungdal mọc răng ấy, hôm nào cũng khóc quấy inh ỏi, chả chịu ăn uống gì cả, lại thêm sốt cao làm Beomgyu hoảng một phen. Nhưng dù cả ngày đi làm mệt, anh Yeonjun vẫn thức cả đêm dỗ con để Beomgyu ngủ được ngon giấc. Nhưng ngon thế nào được, tiếng khóc cứ léo nhéo bên tai. Thế là anh Yeonjun ẵm con ra phòng khách. Đến sáng Beomgyu dậy đã thấy hai cha con nằm tựa trên ghế sofa ngủ từ đời nào rồi.
Bác Soobin cầm cuốn album ảnh lật giở từng trang, mỗi bức ảnh lại là một câu chuyện. Nào là buổi hẹn hò đầu tiên của ba lớn ba nhỏ, nào là ngày đám cưới với nụ hôn đính ước và lời chúc phúc hoan ca nơi lễ đường. Rồi lần lượt là tuần trăng mật, ngày tôi ra đời, những bức ảnh chụp gia đình ba người bên nhau. Vì ba nhỏ thích chụp ảnh nên quyển album đa số là ảnh của ba lớn và tôi. Còn ảnh của ba nhỏ, nếu có thì cũng là chụp từ điện thoại của ba lớn mà ra.
Một lát sau cô y tá thông báo với tôi rằng ba lớn tỉnh rồi. Bác Soobin bảo tôi vào trước xem ba lớn thế nào còn bác thì đi mua đồ ăn, dù gì cả tuần nay ba cũng chẳng có gì vào bụng. Tôi nhẹ mở cửa, chỉ thấy ba lớn đang ngồi thẫn thờ, ánh mắt lặng im đến xa xăm nhìn ra cửa sổ. Hoàn toàn chẳng giống một người điên.
Mà ba có điên không cũng chẳng quan trọng. Chỉ là từ ngày ba nhỏ đi, hồn ông đã tàn một nửa rồi. Tôi nghĩ thế, có lẽ chỉ một nửa thôi.
- Ba. Trong người ba thế nào?
- Ba mơ thấy Beomgyu.
Tôi ngẩn người ra, rồi ngồi xuống bên cạnh ông.
- Ba mơ thấy Beomgyu trở về, ôm lấy ba và bảo em ấy nhớ ba nhiều lắm. Ba muốn đi theo nhưng Beomgyu không chịu, em ấy nói còn con.
Ba lớn thở dài một hơi:
- Vì ngày xưa ông bà nội không có mặt trong ngày cưới của ba, em ấy không muốn con cũng như vậy.
Bàn tay thô ráp của ba bấu vào lớp chăn, đôi mắt rưng rưng như sắp khóc thêm lần nữa. Nhưng lần này ông khẽ lau đi nước mắt rồi kể tôi nghe chuyện ngày xưa, chuyện về những tháng ngày còn ba nhỏ bên cạnh.
Ba kể, ba nhỏ rất thích hoa lavender. Thế nên sau khi cưới nhau được một năm, ông đã trồng một vườn hoa lavender trước sân nhà vì muốn ba nhỏ vui vẻ. Khi đi làm, ông cũng luôn mang bên mình một nhành hoa lavender khô được ép vào quyển sổ tay nhỏ mà ông hay dùng. Những ngày rảnh rỗi, ông sẽ cùng ba nhỏ chăm sóc vườn hoa, cùng uống trà và kể cho nhau nghe dăm ba câu chuyện nhỏ. Khi có tôi rồi thì lại bận bịu hơn, nhưng ông bảo có lẽ tôi cũng rất thích lavender, mỗi khi ngửi được mùi hương ấy, tôi sẽ dần không khóc nữa mà ngủ thiếp đi. Và có những ngày tôi rúc trong lòng ba nhỏ, ba nhỏ tựa vào ba lớn, gia đình ba người cứ vậy mà sống êm đềm bên ngôi nhà có vườn lavender vây quanh, giản đơn mà hạnh phúc.
- Beomgyu rất kén ăn, em ấy ghét cà chua, không thích hải sản và mintchoco. Nhưng khi mang thai lại càng kén nhiều hơn. Có lần nửa đêm rồi mà em ấy còn thức, hỏi ra mới biết em ấy thèm mì tương đen, nhưng khi đó khuya rồi thì ai mà bán nữa, nên ba lục tủ tìm mì tìm tương làm cho em ấy. Em ấy ăn xong thì ngủ ngon lắm, ba cũng thấy vui.
Omega khi mang thai đã khó chịu. Alpha mang thai lại càng mệt mỏi hơn. Có nhiều lần ba nhỏ cáu gắt vì chuyện nhỏ nhặt rồi chỉ biết tự buồn tự khóc chứ chẳng muốn quát nạt ba lớn. Hay chẳng hạn nhiều lúc trở mình đói bụng lúc đêm muộn và khi ngủ phải có ba lớn bên cạnh còn nếu không sẽ ngủ không ngon giấc.
Bác Soobin kể có lần ba nhỏ Beomgyu không ăn uống liên tục nhiều ngày, tâm trạng buồn bã khó chịu vì đau âm ỉ. Lúc đó ông muốn lấy cái ly trên tủ nhưng cao quá, đành nhón chân lên mà quơ tay, xui xẻo thế nào mà cái ly rớt xuống, bể tan tành. Nhưng ông không bị thương gì cả, vì ngay lúc đó ba lớn đã kịp lao đến đỡ cho ông. Miếng vỡ văng tung tóe găm vào tay ba lớn làm ông tứa máu, vậy mà ba nhỏ bật khóc nức nở. Ba lớn chỉ biết cuống quýt mà rối cả lên:
- Đừng khóc. Beomgyu đừng khóc. Lỗi của anh.
Rồi ba nhỏ quàng tay qua cổ ôm lấy ba lớn mà nấc lên từng cơn, nhỏ dần rồi chỉ còn lại tiếng thút thít. Ba lớn Yeonjun bao lâu nay tán tỉnh trăng hoa không biết bao nhiêu người, vậy mà đối diện với nước mắt của ba nhỏ lại chỉ biết liên tục xin lỗi dù không cần biết đó có phải lỗi của ông hay không.
- Từ nhỏ đến lớn Beomgyu luôn sống như đứa trẻ, vô tư vô lo. Sẽ dễ vui vì chuyện nhỏ nhặt và dễ buồn vì dăm ba thứ không đâu. Em ấy cũng dễ bệnh, chỉ cần đi mưa một hôm là sẽ sốt li bì. Vậy mà từ khi sinh thì tâm tình lại thay đổi hẳn, chẳng còn líu lo trêu ghẹo ba như hồi trước nữa. Trời lạnh một tí là xương khớp bắt đầu đau mỏi. Mà dù sao thì ba vẫn muốn Beomgyu cười nhiều hơn.
Rồi ba nhìn tôi, ánh mắt chân thành thoáng nét đượm buồn.
- Seungdal con là niềm tự hào của Beomgyu, cũng là sự hãnh diện của ba. Vào cái ngày con được sinh ra, Beomgyu là người đầu tiên khóc vì hạnh phúc.
Tôi nắm lấy bàn tay thô ráp ấy. Chưa bao giờ tôi thấy ba lớn nói nhiều, kể nhiều như hôm nay. Chắc là vì liên quan tới ba nhỏ nên ông mới không ngại tỏ lòng như thế. Nhưng tôi mừng, mừng vì ông không còn giữ u uất trong lòng nữa.
Thật ra mười hai năm trước ba lớn là bác sĩ, ba nhỏ làm nhiếp ảnh. Cuộc sống của hai người đơn giản, sáng đưa nhau đi làm, trưa hẹn ăn cơm cùng nhau, tối lại đón nhau về nhà và ôm nhau ngủ khi trời dần khuya. Tất cả hành động đều có sự hiện diện của đối phương. Cả đồng nghiệp của ba nhỏ và ba lớn đều bảo cả hai rất hay nhắc về người kia với vẻ tự hào vô đáy. Thế nên ngày qua ngày, cả hai đã vô thức dựa vào nhau lúc nào chẳng hay.
Bi kịch gõ cửa vào năm tôi lên năm tuổi, khi mà ba nhỏ đứng bên vệ đường còn ba lớn rước tôi đi học về. Lúc ba nhỏ đang nghe điện thoại của bà nội, nghe tiếng ba lớn gọi tên nên quay lại chạy về phía ba lớn, xui xẻo thế nào lại có chiếc oto chạy ngang đâm sầm vào ba nhỏ. Mọi thứ xảy ra quá nhanh, đến khi tôi kịp định hình thì ba lớn đã chạy đến ôm lấy ba nhỏ rồi.
Ba nhỏ được đưa vào cấp cứu khẩn cấp vì phần trăm sống là rất ít. Khi ấy, từng giây từng phút trôi qua đều khiến ba lớn thấy tim mình như bị bóp nghẹn. Nhưng rồi phép màu đã không xảy ra, ba nhỏ không qua khỏi vì phần não và hệ thần kinh bị tổn thương nghiêm trọng. Chẳng có sự kì diệu nào cả, thiên sứ cũng đã bỏ rơi cha con tôi.
Bên gây tai nạn bồi thường cho gia đình tôi một số tiền lớn, đủ để làm đám tang và chu cấp cho tôi trong năm năm. Nhưng tính mạng của ba nhỏ, dù có là cả gia tài của họ thì cũng chẳng thể khâu được vết cắt trong lòng ba lớn.
Sau khi ba nhỏ mất, ba lớn đã tự mình về Daegu, quỳ trước cửa nhà mà dập đầu tạ tội với ông bà nội, nức nở xin lỗi ông bà đến khàn cả giọng. Gương mặt ông khi ấy có đau đớn, có dằn vặt và có cả nỗi bi thương thấu tận tâm can. Mọi người nhìn ba đầy đau thương, bao nhiêu tiếng khóc là bấy nhiêu nỗi đau xé lòng.
Sau khi ba nhỏ mất, ba lớn cũng không làm bác sĩ nữa. Ông nghỉ việc và nộp đơn ở một công ty tư nhân gần nhà. Rồi cũng từ ngày đó, ba lớn dần trở nên u uất. Trong cơn say, ông vẫn thường vừa khóc vừa lẩm nhẩm rằng ông nợ ba nhỏ một mạng, thân là bác sĩ, ông cứu được biết bao nhiêu người nhưng lại không cứu nổi người ông thương.
Sau khi ba nhỏ mất, tôi vẫn thường thấy ba lớn ngồi thẫn thờ trước bàn thờ ba nhỏ cả ngày. Chẳng làm gì cả, chỉ đơn giản là ngồi im đấy và ngắm nhìn người ông thương. Lũ trẻ nhà bên bảo ba bị điên, điên vì cứ nhìn vào một bức ảnh mà khóc, điên vì có lúc cứ ngồi thẫn thờ ngoài xích đu trong vườn lavender cả ngày. Thỉnh thoảng tôi còn tự hỏi liệu ba có thật sự còn sống không, hay từ ngày ba nhỏ mất, ba cũng chết rồi?
Đám tang ba nhỏ đều là một tay bác Soobin lo liệu. Suốt trong thời gian tang lễ, ba lớn chỉ đến một lần. Ông suy sụp đến mức đứng không vững, quỳ xuống ôm lấy linh cữu ba nhỏ mà khóc đến lạc giọng và rồi ngất xỉu sau đó. Đồng nghiệp của bác Soobin đưa ba về. Rồi từ hôm ấy, ông chỉ nhốt mình ở nhà và khóc đến sưng cả mắt, giọng trở nên khàn đặc. Nhiều ngày liền ba lớn không ăn gì, chỉ lấy nước mắt rửa mặt và ngủ thiếp đi khi đã thấm mệt. Khi đó tôi chỉ mới lên năm, và tuy không hiểu nhiều, nhưng đủ để biết từ nay về sau, tôi sẽ không được đôi tay mềm mại của ba nhỏ xoa lên má và vuốt ve mái tóc mềm thêm một lần nào nữa.
Sau khi chôn cất ba nhỏ, bác Soobin mới có thời gian ghé qua nhà tôi. Trong thời gian làm tang lễ, tôi ở cùng bác Soobin nên cũng chẳng biết ba lớn ra sao cả. Tôi chỉ nghe bác Soobin cáu gắt hét lên với ba:
- Anh định sống thế này đến bao giờ!? Đã một tuần rồi, anh định cứ khóc mãi đến khi kiệt sức mà chết hay sao?
Gương mặt ba lớn hốc hác và tiều tụy thấy rõ. Ánh mắt bơ phờ, bần thần như kẻ dại. Một tuần rồi, một tuần qua không có ba nhỏ, ông hoàn toàn phát điên.
Ba nhỏ ra đi quá bất ngờ và mọi chuyện xảy ra quá nhanh. Đến mức hầu như chẳng để lại lời nhắn gì cho cha con tôi. Những thứ ông để lại chỉ là vật dụng cá nhân, quần áo, ảnh chụp và nỗi thương nhớ vô vàn.
- Beomgyu rất thích mùa xuân. Đến nỗi mỗi khi xuân về, em ấy sẽ nằng nặc đòi ba dẫn đến rừng hoa.
Nhưng ba nhỏ đi rồi, mang cả mùa xuân của ba lớn bay về nơi xa tít tắp chân trời.
Một tháng sau đám tang ba nhỏ, ba lớn vẫn cứ loanh quanh trong nhà, gương mặt thẫn thờ đến bần thần. Mỗi khi tôi đói, ông sẽ xắn tay áo xuống bếp làm nóng đồ ăn đóng hộp cho tôi. Nhưng bác Soobin đã nhắc ông nhớ Beomgyu từng bảo không thích cha con tôi ăn đồ có chất bảo quản, nên từ sau dạo ấy, ông cũng bắt đầu đi chợ mua đồ tươi.
Ba lớn có vẻ không được khéo trong chuyện bếp núc nên rất hay đứt tay. Nhưng ngày trước khi ông vô thức la lên thì ba nhỏ sẽ chạy đến với miếng băng keo cá nhân và băng lại cho ông ngay, rồi sau đó cả hai lại cười xòa trêu nhau. Nhưng lần này khi ba lớn la lên và đáp lại ông chỉ là khoảng không im lặng, ánh mắt ông thẫn thờ mà ngơ ngác như đứa trẻ lạc mẹ, tôi thấy ông lục đục tìm băng keo, tự gỡ và tự dán cho mình.
Ba lớn đã mất rất lâu để cố gắng vượt qua cú sốc và chấp nhận ba nhỏ không còn nữa. Đấy là những hôm buổi sáng trông ông rất bình thản, nhưng đến tối thì lại ôm bức ảnh của ba nhỏ mà khóc nức nở, khóc tức tưởi như muốn xé nát cái sự thật kinh hoàng phơi ra trước mắt.
Cuộc sống tôi cũng có chút thay đổi. Những năm đầu, tôi vẫn chưa quen với việc mình chỉ còn một người ba. Mỗi khi trường có buổi họp mặt mời phụ huynh học sinh, tôi luôn nhìn gia đình các bạn mình mà có chút tủi thân trong lòng. Nhưng nhìn lại ba lớn, công việc của ông cũng bận rộn chẳng kém công việc bác sĩ là bao, nhưng buổi họp nào ông cũng có mặt. Cô giáo thủ thỉ với tôi rằng tôi phải thương ba nhiều hơn đấy nhé, tôi hiểu.
Vì cho dù bản thân ba lớn vẫn chưa vượt qua cú sốc, ông cũng không muốn để tôi chịu thiệt thòi với bạn bè.
_____________________________________
Yeonjun xuất viện sau nhiều ngày nằm ở cái nơi toàn mùi thuốc khử trùng ấy. Lúc bước vào cổng, thứ anh để ý đầu tiên là vườn lavender. Suốt thời gian nằm viện, Yeonjun liên tục nhắc Seungdal phải chăm vườn hoa thật kĩ.
Vì vườn hoa ấy là nơi Beomgyu rất thích.
Beomgyu từng bảo không cần trồng cả một vườn hoa như thế cho em, em chỉ cần vài chậu hoa đặt trên bệ cửa sổ là đủ rồi. Nhưng Yeonjun lại nhất quyết trồng cho em cả một vườn hoa lavender tím ngát như món quà ngày kỉ niệm một năm cưới nhau. Thông thường khi rảnh rỗi, em sẽ mang máy ảnh ra ngồi đu đưa trên xích đu, chìm mình trong cơn mộng mơ của chính bản thân. Rồi anh sẽ đem cho em bánh quy và trà hoa cúc, sau đó khẽ hôn lên mái tóc mềm màu cranberry mà anh luôn thương nhớ đêm ngày.
Beomgyu là hoa, là thương nhớ, là tất cả nỗi niềm, là vùng bình yên anh luôn tìm về.
Từ đó suy ra, Beomgyu đối với Yeonjun không phải đơn giản là một mối tình mà chữ yêu có thể tả hết được, đấy là mối tình mang đầy chất chứa và hy vọng, sâu đậm đến mức nếu một người rời đi, người còn lại sẽ tìm mọi cách đuổi theo cho bằng được. Nếu không, người còn lại sẽ buộc phải ôm tình yêu ấy mà gồng mình sống tiếp dù trái tim hằn sâu vết cắt ứa lòng.
Đớn đau thay cho đoạn tình chưa nở rộ được bao lâu đã sớm lụi tàn, chua xót thay cho hai con người với niềm tin bền chặt lại chia ngả đôi đường, người chết trẻ kẻ bạc đầu, nguyện thề bên nhau nhưng âm dương ly biệt.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top