Hồi I: Gánh ước.
một.
Ngoan Bình rót trà. Hương sen hẵng còn đượm, theo hơi trà phảng phất khắp phòng.
Thị nhìn mình trong cái chén tráng men xanh bé bằng ngón tay ấy, rũ mi mắt khẽ buông một tiếng thở dài, đoạn ngửng đầu lên hướng về bóng người đương tựa cửa trông trăng.
Bóng ấy là Trần Duyên.
- Bẩm cô, cô đã đi nghỉ chưa hay cô hãy còn muốn vịnh thơ để con mài mực?
Đêm nay trăng tròn và sáng lắm. Giàn thiên lý ngoài kia rủ thác đòi phen theo gió vút, hứng cơn mưa bạc dệt nên từ màu trăng thao thức trên cao. Và chính trong những đêm thế này, cô Trần Duyên lại có lòng chờ đến khi thật khuya, để họa trăng hay vịnh trăng. Ngoan Bình có lẽ chỉ hỏi cho có lệ, bởi chẳng biết tự khi nào đã sửa soạn mài mực vào nghiên rồi.
Ấy thế nhưng Trần Duyên vẫn tựa cửa ngóng lên trời như thế.
Ngoan Bình thoáng ngỡ ngàng, khẽ hỏi chủ lần nữa.
- Bẩm cô?
Trần Duyên bấy giờ mới ngoái đầu lại nhìn con hầu đương lửng lơ thanh mực, trong đôi mắt chẳng rõ vì sao lại ánh lên những buồn rầu.
- Thôi, em ạ. Giờ này ta không thấy giọt thơ nào chảy trong ta. Em lấy đàn bầu ra đi.
Ngoan Bình thấy lạ. Giờ đã sắp sửa sang canh ba, thường cô chỉ bảo thị đàn lúc người ta chưa vào giấc, đêm nay vì gì lại muốn nghe đàn khi này?
Nhưng thị nào dám nhiều miệng, chủ bảo một nào dám làm thành hai, đến sau cuối vẫn vâng lời lấy đàn ra cẩn thận đặt lên bàn.
Thế là đêm ấy lúc gà gáy canh ba, tiếng sáo của Trần Duyên hòa vào tiếng đàn của Ngoan Bình.
Đêm mờ câm. Trăng thức. Gió vẫn động những giàn hoa.
Ngoan Bình không đàn nổi những khúc vui. Có đàn khúc vui thì tay gảy của thị cũng khiến người ta đâm sầu. Tiếng sáo của Duyên thổn thức nhưng nghe như không có hồn, mà trước giờ nào ai biết thị có một lần đặt hồn mình vào đó không. Một cung sầu, một cung trống rỗng, đặt cạnh nhau thế mà nao lòng người đến lạ.
Mãi đến khi miệng đã mỏi, tay đã rã rời, trời cũng vừa thả xuống giọt nắng đầu tiên; khi chăng còn tiếng nào cất lên nữa, bốn bề vắng lặng như thể đêm vẫn còn, Trần Duyên mới buông vào hư không một câu trăng gió.
- Vậy là một tuần trăng nữa là ta về nhà chồng. Ngoan Bình có tiếc ta không?
hai.
Đấy mà Ngoan Bình không biết cô của thị sắp bước lên thềm hoa nhà người. Mà quả thế thật: Trước giờ thị ở rịt lấy trong phòng, con hầu thằng bếp chẳng đứa nào rảnh tay như thị, cũng chẳng đứa nào còn hơi mà kể chuyện họ Nguyễn Hoài làng Hoa Đang định rước Trần Duyên về làm mợ cả. Mà kể ra chúng nó có rảnh thì cũng chẳng đứa nào thèm nói chuyện với thị, thèm rủ thị đi chợ huyện đi phố tỉnh - chúng tôi tớ trong nhà vẫn hằng tháng được song thân của Duyên cho phép đi đây đó như thế.
Kể ra thì ai bảo Ngoan Bình ở cạnh cô Trần Duyên nhiều nhất, được cô quan tâm nhiều nhất. Ai bảo thị ít việc để làm lụng nhất. Ai bảo cô Trần Duyên nâng niu tay thị như nâng niu báu vật. Ai bảo thị biết đàn và giọng của thị ăn đứt các cô đầu, các ả đào có tiếng. Đến khó tính như cậu cả Lễ còn đương khen thị nữa là.
Thế là chúng nó gán cho Ngoan Bình mấy chữ "xướng ca vô loài", lời ra tiếng vào, kể không bao giờ cho hết. Biết sao được, làm con hầu mà được chiều còn hơn tiên, dẫu nết na thế nào thì không ai mà không ganh tức.
Ngoan Bình không quan tâm đến những điều ấy. Thị chỉ quan tâm khi Trần Duyên ngọt giọng hỏi han thị:
- Còn có ai đặt điều về em không?
Đấy là thị biết chủ thị đủ yêu thương thị.
Thị đã theo Trần Duyên ròng ba năm. Duyên mang thị ra khỏi chốn thanh lâu, mang thị ra khỏi chốn bướm lả ong lơi sớm nắng chiều sầu ấy. Duyên cho thị một nơi để tựa, để thị đừng như trước kia, một mình một ngựa đối chọi lại những cặp mắt láo liên của bạn nghề - ấy là ganh ghét tức tưởi vì không bằng nửa móng chân của thị.
Năm ấy thị trăng tròn, còn Duyên đôi tám. Tuổi ấy của Duyên đáng ra phải ở trong nhà, vấn tóc giữ mình cho kín kẽ, nửa bồi đúc cầm kì thi họa nửa thuộc đạo làm nữ, ấy thế mà lại giả trai trốn nhà lên kinh một mình, lúc về còn dắt theo của nợ là thị. Cách Trần Duyên trả lời những quở mắng của song thân, chỉ là:
- Thầy mẹ cản không nổi con. Mà con cũng không làm cho thầy mẹ buồn lòng quá. Việc lớn trong nhà có có anh cả lo, phận con chỉ vun vén xó bếp góc vườn, tóc con vẫn vấn chặt đấy và con vẫn biết giữ lấy con. Há thầy mẹ lại cứ nỡ nhốt con mãi trong lồng son ư?
Buổi tối ấy khi cô hỏi tên thị, thị có lẽ vì hoảng quá mà lắp bắp, có khi còn không tròn vành rõ chữ rằng tú bà gọi tên thị là Phương Loan. Khi ấy thị ngồi trên chiếc bàn này - chiếc bàn mà trà đã nguội, hương sen cũng biến tăm - bỡ ngỡ và thảng thốt. Thị cứ cứng đờ ra như thế khi Duyên chải lại tóc cho thị, mặt thị được lau và tai thị rõ mồn một câu cuối cùng Trần Duyên nói mà giờ đã in hằn thành vệt lên trí nhớ của thị:
- Tên Phương Loan xấu lắm. Bỏ tên ấy đi. Giờ em là Ngoan Bình, ngoan ngoãn và bình dị như ấn tượng của ta về em, nhé.
Và từ khi ấy, chưa lần nào thị vào giấc mà không có tiếng của Trần Duyên bên cạnh, mơn man.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top