Yên Hầu quân - 9
Tất thảy những gì Lý Thụy có được, cũng như tất thảy những thứ mà ấp Hiền Lương làm được, đều là do bị dồn đến đường cùng mà ra.
Sau trận chiến tuy thắng nhưng hi sinh vô cùng nặng nề đó, Lý Thụy quả thật càng nghĩ càng sợ. Tuy rằng cô cũng trải qua những gian truân tương tự các thành viên trong ấp Hiền Lương, nhưng suy nghĩ, cách sống của họ không hề giống nhau. Cô hoàn toàn, tuyệt đối không muốn dùng tính mạng của con dân dưới quyền mình để đánh đổi lấy một thứ danh vọng hư vô không có giá trị thực tế. Cho dù tất cả các chị các cô các bác gái trong ấp đều nguyện ý.
Hơn nữa, trách nhiệm của cô không chỉ dừng lại ở ấp Hiền Lương.
Khi ấy, quân coi ấp ngoài việc phòng thủ cho đồn lũy của chính ấp đó, còn phải bảo vệ cho ruộng vườn chòm xóm phía ngoài ấp nữa. Bởi dù sao thì chu vi diện tích thực tế của mỗi một truân đều trải rộng bên ngoài, nên không thể nào thực hiện việc thay phiên nửa ngày làm việc đồng áng nửa ngày chạy về khoác giáp cưỡi ngựa bảo vệ ấp được. Trước đây đám giặc Bắc man mỗi lần lùa quân xuống đều là vài ba bộ tộc hợp nhất thành đại quân, rầm rộ mênh mông kéo tới cướp sạch kho lương thảo lẫn các ấp vệ tinh vì đây mới là nơi tập trung lương thực chính. Triều Đại Yên thì bắt đầu có hiện tượng già nua ì ạch, nên không hề quan tâm tu sửa thôn trang đồn lũy, quân bảo vệ kho lương thảo quân đội cũng lác đác phân tán, nơi nào cũng yếu ớt chạm vào một phát là tan tành, hoàn toàn không có ý chí chiến đấu.
Nhưng kể từ khi Sở vương bắt đầu chấn chỉnh quân đội biên ải, cuối cùng quân giặc cũng đá phải ván sắt. Lại thêm nhiều tướng tài binh mạnh được cử đến biên cương và tổ chức tốt, đóng quân hợp lý, các ấp vệ tinh và kho lương thảo quân đội được bảo vệ như tường đồng vách sắt. Phượng đế càng là thay đổi không khí Đại Yên đương thời vốn trọng văn khinh võ, nên đám giặc Bắc man muốn nhào xuống ồ ạt 'cắt cỏ thu hoạch' càng lúc càng khó.
Thế là Bắc man đổi lại sách lược, không tập hợp nhiều bộ tộc đông đúc thành đại quân đồ sộ nữa mà mặc cho mỗi bộ lạc tự theo ý mình chia thành các tốp nhỏ chơi trò thổ phỉ cướp bóc, để có thể đánh nhiều đồn ấp cùng một lúc, thí dụ như năm ấp bảo vệ châu thành, thậm chí là đánh cướp các thôn xóm ruộng vườn nằm bên ngoài các ấp vệ tinh.
Ấp Hiền Lương tuy không trồng hoa màu ngũ cốc lương thực nhưng cũng có sáu thôn xóm xung quanh trồng đay trồng bông làm nguyên liệu dệt vải. Đấy cũng là một dạng hợp tác kinh tế theo quy ước hẳn hoi, hoàn toàn vượt xa thời đại này. Phần đất đai ấy vốn thuộc về quân đội, được phân chia cho quân coi ấp. Mộ Dung Xán lại thuê lại của quân đội rồi giao lại cho các hộ gia đình quân nhân của sáu thôn nhỏ đó trồng cây đay và cây bông, bảo đảm sẽ thu mua theo số lượng cố định, nguyên liệu còn dư thì hoặc là bán cho phường dệt vải hoặc là bán cho nhà buôn nơi khác, tiện đâu thì bán đó. Mãi tới khi ấp Hiền Lương chính thức ra đời, khoảng đất đó cũng chính thức sang tên cho ấp Hiền Lương trở thành đất nuôi trồng dành riêng cho ấp, thay vì cho thuê như trước.
Các ấp khác thường là kệ các thôn xóm xung quanh sống chết mặc bay, nhưng từ khi Mộ Dung Xán quản lý, sáu thôn nhỏ này đã được bà bỏ tiền riêng ra hỗ trợ xây dựng rào gỗ chắc chắn, ít nhất có khả năng tự vệ bước đầu.
Lý Thụy vẫn luôn thấy kinh ngạc không ngớt trước tầm nhìn xa trông rộng của mẹ mình, nhưng lần này không những kinh ngạc mà còn bội phục. Ban đầu khi mới chỉ là phường dệt vải, trong phường đã chia ra các cấp quản lý rõ ràng cùng với khả năng tự quản tương đối. Thế là chỉ cần thay biển đổi tên là có thể hóa thân thành ấp nuôi quân hoặc là thôn trấn nhỏ. Ngay cả các thôn xóm phía ngoài ấp cũng có đủ khả năng tự vệ vừa phải... Mà thậm chí mẹ cô còn không bỏ công bỏ sức hoàn toàn vào việc này!
"Con không hiểu đâu." Mộ Dung Xán tự mình dẫn hơn trăm hộ vệ nhà mình đến giúp Lý Thụy bảo vệ ấp, nghe vậy thở dài bất đắc dĩ. "Chiêu trò này của đám Bắc man mới quả là thâm độc. Mã tặc dẫn đường cho giặc đi cướp bóc, các thôn xóm bị đốt cướp giết hại như vậy thì còn biết làm thế nào để qua mùa đông? Quan phủ có thể cứu trợ một năm, hai năm, không lẽ phải cứu cả đời?
"Chỉ cần một lần không cứu kịp, già trẻ yếu ớt chết sạch, còn trai tráng thì lại bí quá hóa liều lên núi làm mã tặc. Thế là càng thêm nhiều kẻ giúp đỡ hỗ trợ Bắc man, trong khi đó quan phủ lẫn quân đội đều ăn quả đắng, tài chính kinh tế thiệt hại nặng, biên cương ngày càng thưa thớt người, rồi sẽ trở nên rỗng tuếch.
"Cho dù tướng sĩ giỏi đánh giặc tới đâu, sau lưng rỗng tuếch, thậm chí có cả đám mã tặc rình rập cấu kết Bắc man xoa tay thọc gậy bánh xe... Đấy là một thứ chiến lược xâm chiếm đất đai cực kỳ ác độc, hơn nữa Bắc man còn không tốn một xu tiền nào, thậm chí còn thu hoạch đầy nhóc lương thực cướp được của chúng ta.
"Cách duy nhất để giải quyết tận gốc vòng tuần hoàn ác tính đó, chính là phải giúp cho tất cả các thôn xóm vệ tinh xung quanh đều có khả năng tự bảo vệ, ít nhất phải chống cự được tới khi quân lính tới cứu viện..."
Nhưng Mộ Dung Xán quả thực có lòng nhưng không có cách. Bởi ý tưởng đó tuy được Lý Dung Tranh lẫn Sở vương ủng hộ, nhưng đội quân coi ấp thuộc về quân chính mà không thuộc về phạm vi quản lý của Sở vương, nên tuy ngài ra dụ lệnh nhưng các ấp ai nấy đều bĩu môi không làm theo, hiệu quả không đi tới đâu hết. Nên bà chỉ có thể lo lắng cho phạm vi mình có thể nhúng tay quản lý mà thôi.
Lý Thụy nghĩ mãi, nghĩ mãi, cuối cùng cô dẫn theo mười ba kỵ binh còn lại, gánh lên vai trách nhiệm nặng nề là điều tra tình hình cụ thể.
Cô đi qua sáu thôn xóm vệ tinh, chư vị bô lão đều khóc khàn tiếng bi ai. Cho dù họ có tường rào gỗ để tự bảo vệ nhưng Bắc man lao tới nhanh như gió bão, nông dân thôn nữ còn đang làm ruộng đâu kịp chạy trốn. Ngày xưa giặc Bắc man còn lùa những người dân thường đó chạy về phía thôn trại để lừa mở cửa trại. Về sau chiêu này không có tác dụng, chúng bèn bắt sống thôn dân, rồi chặt đầu từng người một trước cửa trại để đe dọa trong trại phải mở cửa.
Nếu như... giả sử nếu có thể phát hiện tung tích Bắc man sớm hơn, như vậy các thôn dân đang làm ruộng cũng có thể nhanh chân chạy về trại sớm hơn đúng không? Mà ấp Hiền Lương rõ ràng yếu thế hơn cũng sẽ có thể chủ động chuẩn bị phòng thủ sớm hơn. Và nhất là... sẽ ít người phải chết hơn, đúng không?
Chỉ với ý tưởng ban đầu giản dị tới không ngờ như thế, tiểu đội trinh thám hoàn hảo nhất triều Đại Yên đã bước đầu xuất hiện.
Thuở ban đầu, khó khăn chồng chất khó khăn. Bởi vì kể cả cô trở xuống, chưa từng có một ai trải qua huấn luyện trinh thám. Tất thảy đều là từ từ đúc kết kinh nghiệm tìm ra... thậm chí có thể nói, là bị bức đến cùng đường mà tìm ra.
Tới khi mùa thu năm đó kết thúc, trận tuyết đầu tiên mùa đông rơi xuống, giặc Bắc man cuối cùng cũng rút về nghỉ đông. Thế nhưng, mười ba kỵ binh dưới tay cô, giờ chỉ còn năm người.Có thể nói, chương mở đầu của tiểu đội trinh thám này được viết nên bằng máu tươi, bằng mạng sống vậy.
Trước tiên nói về nhược điểm, chỉ cần so sánh khoản cưỡi ngựa bắn cung, Lý Thụy và đội trinh thám của cô có quất ngựa mấy cũng không đuổi kịp quân địch, nên cô nhanh chóng từ bỏ phần huấn luyện cưỡi ngựa bắn cung. Rồi nếu so sánh đối mặt trực diện chiến đấu, nữ giới trời sinh có thể lực yếu hơn, cộng thêm huấn luyện không lâu bằng, nên đương nhiên càng không cần nhắc tới.
Thế nhưng, đội ngũ các cô vẫn có ưu thế.
Bởi so với đám đàn ông Bắc man lực lưỡng nặng ký, đội trinh thám ai nấy đều nhỏ nhắn nhẹ nhàng, khi truy đuổi chặng đường dài có thể khiến ngựa bền sức hơn một chút. Ấy thế nhưng đừng coi thường một chút sức bền chênh lệch đó, bởi đôi khi chỉ một chút như vậy đã là lằn ranh sống chết. Hơn nữa các cô đều linh hoạt nhanh nhẹ, nên càng dễ làm các động tác nhào lộn cúi người hoặc xoay hẳn người trên lưng ngựa... Đó là kinh nghiệm xương máu mà Lý Thụy đã rút ra sau một lần bị địch chém đứt bàn đạp ngựa khiến cô hụt chân suýt ngã lộn nhào, nhưng lại kịp thời kéo lại dây cương lộn người ôm bụng ngựa và may mắn tránh được một đao trí mạng.
Để càng tăng thêm ưu thế của bên ta, khi chọn người và lên kế hoạch huấn luyện, Lý Thụy càng thiên về thuật cỡi ngựa nhào lộn thông thường mà trong mắt người ngoài chỉ là để phô trương vô ích nhìn đẹp nhưng vô dụng, thậm chí nghiêm khắc yêu cầu tất cả mọi người trong tiểu đội đều phải tập được tư thế lộn nhào trốn dưới bụng ngựa rồi lại có thể linh hoạt quay lại ngồi trên yên. Để tập được điều này, không ai trong số các cô là không bị ngã ngựa dúi dụi gần chết, thậm chí đã ngã còn phải tập cách tránh vó ngựa để không bị đạp chết.
Và cũng vì cần tập các động tác lộn nhào vòng lên vòng xuống trên lưng dưới bụng ngựa nên toàn bộ yên ngựa cũng phải đặc biệt sửa lại.
Nếu các cô đã tin tưởng giao phó hầu như toàn bộ tính mạng cho chiến mã của mình, thì lại càng không thể để ngựa phải mặc bộ chiến giáp cồng kềnh nặng nề ảnh hưởng đến tốc độ. Cư dân toàn bộ ấp Hiền Lương được triệu tập, bị thúc đẩy đưa ra ý kiến để cải tiến đồng bộ, và rồi dựa vào kinh nghiệm khâu vá dệt vải của cả ấp, cuối cùng họ cũng miễn cưỡng chế tạo ra một thứ vải nỉ nhẹ nhưng có khả năng ngăn cản mũi tên để làm áo ngoài cho ngựa.
Vừa xác nhận rằng bộ áo nỉ cho ngựa đó quả thật có thể ngăn cản mũi tên cực kỳ hiệu quả, Lý Thụy lập tức trọng thưởng tiền bạc cho người đưa ra ý tưởng cùng với người chế tạo thành công, và nhất là ban thưởng chiến công hạng nhất.
Người phụ nữ luống tuổi, mái tóc pha sương, chân tay yếu ớt không cách nào ra trận giết địch ấy từ chối nhận vàng bạc ban thưởng, nhưng gào khóc khàn giọng vì biết ơn. Chiến công hạng nhất... cũng đồng nghĩa rằng mai này cho dù bà không tự tay giết chết quân thù, cũng có thể được đưa vào thờ tự trong đền Liệt Nữ.
Đồng thời, phần thưởng chiến công hạng nhất ấy cũng xốc dậy tinh thần của toàn bộ dân chúng trong ấp. Những thiếu phụ còn trẻ còn khỏe còn hăm hở xông xáo ra trận giết giặc dẫu sao cũng không phải đa số trong ấp. Nhưng giờ quan coi ấp lại đưa ra ban thưởng như thế, có nghĩa là những kẻ ở hậu phương, chấp nhận đứng sau phục vụ hậu cần giờ cũng đã có cơ hội tích lũy chiến công, chờ đến ngày được vào đền Liệt Nữ.
Kết quả là, tiểu đội trinh thám đầu tiên, vừa thiếu kinh nghiệm vừa không hề được huấn luyện, vụt một cái tăng lên thành bốn mươi người. Rồi thì nhờ có đầu óc nhanh nhẹn nhạy bén của dân chúng trong ấp cùng với vị huấn luyện viên Mộ Dung phu nhân chưa bao giờ tự ra chiến trường kia, cùng với đội trường Lý Thụy bền bỉ kiên nhẫn nhưng cũng tùy cơ ứng biến theo sát tình hình, họ dần dần đi lên một con đường mới hoàn toàn khác, càng ngày càng xa so với quân đội và trinh thám truyền thống của triều Đại Yến, trở thành một đội quân yểm trợ cực kỳ khác lạ.
Mùa thu năm tiếp theo, đám Bắc man như thường lệ kéo đàn kéo lũ xuống giày xéo toàn bộ U Châu. Nhưng khi chạm đến sáu thôn ấp ngoài châu thành, lần đầu tiên chúng vấp phải một tấm chắn cứng rắn vững vàng.
***
Báo trước từ chương sau sẽ mở màn vô số chiến dịch, vô số máu, nước mắt, mồ hôi và cả bi ai. Nên bạn Mèo kính cẩn thông báo mọi người xin đừng đọc mà không chuẩn bị khăn giấy, đừng đọc khi đang đi đám cưới cần vui vẻ, đừng đọc khi thất tình... À mà thôi cứ đọc khi thất tình cũng được, để thấy đời còn nhiều tăm tối hơn mình nữa, thất tình đơn giản chỉ là chưa gặp đúng người đúng thời điểm mà thôi, hãy nhìn gương Yên Hầu quân mà phấn đấu!
Trích đoạn chương sau:
"Thật ra, ban đầu những người đàn bà ấy đều chỉ ôm một mơ ước cực kỳ nhỏ nhoi, đơn giản, thậm chí là hèn mọn. Ấy là có thể mặc áo cưới đỏ tươi, gả cho một người đàn ông nào đó, rồi chăm lo việc nhà, nuôi dạy con cái. Lo cho con cái xong rồi lại lo tới đời cháu, đời chắt.
Thật ra, cuộc đời của họ đáng ra chính là đơn giản như thế mà thôi.
Mà không phải như bây giờ, buộc khăn trắng ngang trán, mặc áo trắng làm giáp, như thể đeo tang mà giết địch.
"Chư quân, hẹn gặp ở đền Liệt Nữ!"
Đúng vậy, chúng ta rồi sẽ đều tái ngộ ở đền Liệt Nữ kia mà.
Màu máu loang đầy ánh mắt. Chị em hỡi nhìn mà xem, xem tôi có giống như đang mặc áo cưới đỏ tươi hay không? Áo cưới... đỏ tươi...
"Chư quân! Hẹn gặp lại ở đền Liệt Nữ!"
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top