Yên Hầu quân - 42
Một cuộn thánh chỉ của Dực Đế, bức tử Yên Hầu quân đang trọng thương hấp hối.
Mặc dù sau đó Dực Đế hối hận vô cùng định che giấu tin tức này, nhưng giấy không gói được lửa, tin tức nhanh chóng lan ra theo bước chân vị Ngự sử già về kinh thành.
Lý Ngọc xưa nay thong dong khiêm nhường ấm áp như xuân, lúc nghe tin thì đang làm việc ở bộ Binh, giật mình hộc một tiếng máu phun ra ướt nửa cái bàn.
Lý Ly, vị tài tử phong lưu rất hợp tính hợp nết với công chúa Văn Đào, bàn luận cách vơ vét tiền bạc cực kỳ hớn hở, nhưng vừa nghe tin em gái bị bức tử, mắt trợn ngược lăn ra chết ngất.
Hai anh em cùng lúc đâm đơn xin nghỉ. Bởi đúng là không cách nào khác, ai nấy đều ốm liệt giường. Dực Đế phái ngự y tới xem bệnh, ngự y nào cũng rầu rĩ trả lời, rằng triệu chứng đều không quá sai biệt: lửa giận trong tim, giữ độc trong gan. Nguyên do là căn bệnh khó chữa nhất: tâm bệnh.
Dực Đế hối hận tới mức cũng suýt nữa hộc máu.
Lúc chiến trận vừa kết thúc, trong lúc rối loạn, bà bắt đầu luận công ban thưởng, trong lúc xử lý đứa con gái độc đoán thích làm trái ý bà là Mộ Dung Phức thì cũng tiện thể triệu kiến chủ soái các đạo quân Cần vương. Nhưng trong đám chủ soái, ai cũng có mặt chỉ thiếu mỗi Lý Thụy, vị tướng tài bà đã định sẵn sẽ canh giữ biên cương về sau.
Bà cũng chỉ thuận miệng hỏi một câu, nhưng câu trả lời của Tri quân U Châu lại khiến bà nổi giận đùng đùng. Trận thiên tai nhân họa này vốn đã khiến bà gom góp một đống bực bội trong lòng, không ngờ rằng người bà tin tưởng nể trọng nhất lại càng làm chuyện như vả vào mặt bà... cho dù là Lý Thụy cũng không thể ngoại lệ!
Với trạng thái tinh thần bất ổn định như thế, đương nhiên bà đã hạ thánh chỉ một cách lỗ mãng... Nhưng sứ giả mới rời đi bảy hôm, tin chiến thắng từ U Châu đã gửi tới. Cho dù hối hận đến đâu đi nữa, cho dù sai người nhanh chóng ra roi giục ngựa đến mấy cũng không cách nào rút lại thánh chỉ kịp.
Bà vẫn còn ôm hi vọng nhỏ nhoi, tuy rằng vua không nói đùa, nhưng chỉ cần nó còn chưa chết bà sẽ tìm được cách bù đắp cho nó... Chẳng phải có câu lấy công chuộc tội đó sao? Sau này chờ mọi chuyện dịu xuống bà sẽ phong lại cho nó là được...
Nhưng kiểu gì bà cũng không ngờ tới, lão Ngự sử sẽ nghiêm trang trình tấu một cách thật thà tình cảnh lúc đó, đồng thời dâng sớ xin truy phong tên thụy cho Lý Thụy bằng hai chữ "Vũ Mục".
(Vũ Mục là tên thụy của khá nhiều danh tướng trong lịch sử cả Trung Quốc lẫn Việt Nam. Trong số đó, ở TQ nổi tiếng nhất có Nhạc Phi, danh tướng thời Tống, tác giả bài Mãn giang hồng chương trước. Còn ở Việt Nam nổi tiếng nhất là Vũ Mục công Lê Khôi, cháu của vua Lê Lợi, một trong những công thần khai quốc nhà Lê.)
Đến khi biết Lý Thụy mất trong hoàn cảnh nào, trong lòng Dực Đế một nửa lạnh toát một nửa nóng bừng bừng, khuôn mặt cũng nóng rát như vừa bị vả một cái rõ đau.
Đời sau sẽ nhận xét về ta như thế nào? Thậm chí không cần đời sau... hiện tại bá quan văn võ sẽ đánh giá ta như thế nào?
Cuối cùng Dực Đế cũng có thể tỉnh táo lại khỏi cơn giận dữ khiến đầu óc mù mịt, thậm chí bà cảm thấy nản lòng, cùng với rất nhiều hối hận. Thậm chí bà còn lo lắng, hai anh em nhà họ Lý đang ốm liệt giường kia nhỡ đâu... Ngày xưa Lương Hằng làm bậy rồi gặp quả báo khiến người khác rất kinh hãi, hiện giờ nhỡ lại xuất hiện thêm một màn nối tiếp Ai Mộc Lan lần trước, bà biết làm sao...
Thế nhưng hai anh em này bệnh vừa mới đỡ chút xíu đã đứng lên ôm bệnh công tác. Mỗi lần lên triều hội, vẻ mặt cả hai đều tiều tụy rầu rĩ, nhưng vẫn làm tròn trách nhiệm, không hề thốt ra câu oán hận nào. Chỉ có điều bầu không khí quân thần tương đắc ngày trước đã hoàn toàn biến mất không còn.
Ngay cả đám ngự sử ngôn quan xưa nay lúc nào cũng mồm năm miệng mười nhảy nhót như khỉ hết tố cáo người này đến khuyên nhủ việc kia, giờ cũng hoàn toàn im tiếng, không một ai mở miệng châm biếm hay móc mỉa câu nào. Trên triều đình, bầu không khí vô cùng nặng nề, cực kỳ tệ hại. Ngay cả sau khi bà đã vung tay xử trí Thượng thư bộ Binh cùng đám quan văn mở miệng đòi nghị hòa một cách mạnh mẽ, cũng không cách nào cải thiện bầu không khí đó.
Đó là một loại kháng cự vô hình, vô thanh, vô tức, khiến người ta nghẹt thở.
Chỉnh đốn triều chính, trấn an dân chúng, khôi phục sinh hoạt kinh tế... bao nhiêu việc còn bộn bề trước mắt, nhưng mọi thứ cũng đang từ từ hồi phục. Có điều sau khi Dực Đế tỉnh táo lại cẩn thận suy nghĩ, bà không tránh được việc thừa nhận, cho dù trách phạt xử trí ai trong triều cũng chỉ là xử lý phần ngọn. Còn thực ra vô số sai lầm, tin sai người nghe sai người, thậm chí suýt nữa chấm dứt cơ nghiệp hơn ba trăm năm của Đại Yên, lại chính là kẻ luôn cố gắng giữ tiếng thơm cho đời sau là bà.
Bà cảm thấy hoàn toàn chán chường nản chí.
Trước khi kinh thành nguy khốn, Hoàng thái nữ bỏ thành chạy trốn, bà phạt nó giáng xuống làm Hoài vương, phong đến Vân Nam thật xa. Phước thân vương dâng sớ xin về đất Thục. Thế nghĩa là bà đã đuổi đi hai đứa con gái ruột. Một đứa con gái khác chết trận ở Cấp Huyện. Còn mấy đứa con trai toàn kẻ vô dụng bất tài. Cũng may bà còn giữ lại một lối thoát, còn đứa con gái út làm dự bị được bà giữ lại bên người... Chỉ có điều con bé yêu tiền bạc nhiều hơn yêu mẹ ruột mà thôi.
Tể tướng dự bị, quan văn quan võ dự bị mà bà đào tạo, giờ đều giữ khoảng cách với bà, không còn thân cận. Vị chiến tướng dũng cảm bà dự bị để canh giữ biên ải, giờ cũng bị chính tay bà bức tử.
Cô độc một mình, giờ bà hoàn toàn, triệt để, là người cô độc.
Chờ mọi việc lắng lại, bà bình tĩnh hạ "Tội kỷ chiếu", nhận hết trách nhiệm lẫn sai lầm khiến Bắc Man tấn công xuống phía nam vây khốn kinh thành về bản thân. Đồng thời, một chiếu thư khác lập công chúa Văn Đào làm Hoàng thái nữ.
Sau đó, tự tay bà viết một dòng chữ, treo chính giữa ngự thư phòng để chỉ cần ngẩng đầu lên là nhìn thấy.
"Nghi người thì không dùng người, dùng người không được nghi ngờ người."
Cả đời này, vết nhơ lớn nhất của bà chính là nằm ở chữ "nghi" đó. Bà hối hận, tiếc nuối. Nhưng làm hoàng đế bà không có quyền hối tiếc cùng với mệt mỏi, chỉ có thể cắn răng gồng mình lên chống đỡ mọi việc.
Nhưng cũng quả thật nhờ đó mà không khí trong triều trở nên tốt hơn một chút, các ngôn quan cũng lại trở nên lắm điều. Cho tới nay lần đầu tiên bà cảm thấy, ngay cả khi đám ngôn quan lắm mồm cãi vã cũng có thể trở nên gần gũi đáng yêu đến thế.
Về sau, Lý Dung Tranh nghe được tin dữ về con gái yêu của mình, gào khóc thảm thiết đệ đơn xin khất hài cốt từ quan. Dực Đế không những không đồng ý, mà còn chờ ông ta hết nhiệm kỳ ở Giang Nam lập tức kéo về kinh thành đảm nhiệm chức Xu mật sứ. Còn Lý Ngọc, bà không muốn nhẫn nại chờ đợi nữa nên thẳng thừng thăng chức cho chàng làm Thượng thư bộ Binh. Lý Ly thì thăng lên làm phó tướng kiêm thị giảng của Hoàng thái nữ.
Bà không hiểu quân sự, nên cần người hiểu quân sự ở đúng vị trí cần điều đó. Tuy Lý Dung Tranh không hiểu quân sự, nhưng có vợ ông ta hiểu, nên không có gì khác biệt. Còn cái gì mà truyền thống gia môn, lý lịch chưa đủ, phắn hết cả đám! Cuối cùng bà chịu thừa nhận khuyết điểm thiếu sót của bản thân, thế nên bà càng thêm cần bề tôi có khả năng hỗ trợ, càng thêm cần tin tưởng trăm quan trong triều... Nhưng tuyệt đối không thể thiên vị tin lời một bên.
Toàn bộ ân sủng chăm sóc của Dực Đế dành cho Lý gia, trừ việc cả nhà họ đều là bề tôi có khả năng, nhưng cũng là để bồi thường việc bà đối xử bất công với Lý Thụy. Thậm chí bà tặng một biệt trang ở ngoài thành cho nhà họ Lý. Chỉ có điều khi nghe nói toàn bộ cây cối hoa cổ, trang trí sắp đặt bên trong biệt trang đều dựa theo sở thích của Lý Thụy, thậm chí còn có một tiểu lâu nho nhỏ dành cho Lý Thụy... bà cảm thấy vô cùng đau xót.
Bà cầm tờ tấu chương của quan coi ấp nhậm chức đến sáu ấp Đồng Hoa, trên đó viết họa loạn chiến tranh quá nghiêm trọng khiến cho sáu ấp bị giày xéo hoàn toàn đổ nát, dân số cũng tản mát khắp nơi. Ấp Hiền Lương càng là trống rỗng không còn một ai. Tri phủ U Châu cũng dâng lên một bản tấu chương dày cộp, miêu tả cực kỳ sinh động sắc nét từng trận chiến từng chiến dịch hòng níu chân quân yểm trợ xuống bùn lầy vừa trải qua. Tình huống đã có những lúc vô cùng nguy cấp, quân dân sáu ấp đồng loạt rút về cố thủ trong thành U Châu. Cửa Bắc cũng có một lần bị phá, toàn bộ Ai quân dồn lên phía trước quên sống chết dùng thân mình chặn giữ, máu chảy thành sông thây chất thành núi mới có thể đẩy lùi quân địch, giữ được thành U Châu. Sau lại họ mới có thể cố gắng mưu đồ phản công.
Nói thật lòng, bà biết tại sao toàn bộ dân chúng sáu ấp đều biến mất, chỉ là bà không muốn truy cứu tiếp. Lý Thụy vừa qua đời, ấp Hiền Lương vang lên tiếng khóc chấn động trời cao, tiếng kêu giận dữ vang khắp mây xanh: "Quốc gia phụ lòng ta!". Họ đóng xe do ngựa trắng kéo, nâng thi thể Lý Thụy đặt lên, rồi ai nấy đi theo đỡ linh vị lũ lượt đi về phương bắc, để lại lời thề Yên Hầu quân quyết không chôn xác trên đất Yên. Người của sáu ấp đi theo giữ mộ cơ hồ là toàn bộ dân số, thế nên quan coi ấp mới đến và thấy vườn không nhà trống chẳng còn một ai.
Thôi, kệ cho bọn họ đi. Quốc gia nợ bọn họ, bà không còn mặt mũi nào mà ép họ ở lại.
Nhưng bà thật sự hối tiếc. Nỗi hối hận sâu nặng đó cũng khiến cho sử sách đời sau đánh giá bà không đến nỗi tệ hại như bà tự xét. Bà được đánh giá là một trong ba đời vua hiền đã khôi phục lại sự hưng thịnh cho triều Yến: Phong Đế, Phượng Đế, Dực Đế.
Sách sử nhận xét: tuy tính khí hơi nhỏ mọn, nhưng chút vết nhơ không che khuất được điểm mạnh của bà. So với vô số vị quân vương về già bắt đầu lú lẫn làm bừa gây họa lớn, bà về già vẫn còn có thể biết sai mà sửa, nghe lời can gián mà làm theo, cẩn trọng từng ly từng tí đến tận khi tạ thế, đủ để nhận lời khen là "minh chủ".
Nhưng toàn bộ thành tựu bà đạt được, chung quy lại đều bắt đầu từ sự "hối hận" cùng với "không được nghi người".
***
Còn nốt một chương cuối là hết truyện rồi, sẽ cố làm xong hết trong tuần này, là lá la :D
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top