Yên Hầu quân - 41

Lời của người chuyển ngữ: Cảnh báo quý độc giả đừng đọc chỗ đông người, đừng đọc khi ăn, khi đang stress hay trầm cảm. Khi đọc nhớ để sẵn gói khăn giấy trong tầm tay, kèm theo cốc nước nếu cần bổ sung nước sau khi khóc. Bởi vì ngay cả người chuyển ngữ lần nào đọc đến đây cũng rơm rớm nước mắt.

***

Rầu rĩ nhìn theo đám bụi tung mù mịt theo bóng đoàn quân đi dần xa, Lý Thụy im lặng lâu thật lâu mới nói giọng nhẹ bẫng. "Nếu ta là khả hãn của Bắc Man, chắc chắn ta sẽ không kéo hết toàn bộ binh lực cùng nhau. Lệnh Cần vương vừa ban xuống, Yên Vân không còn quân canh giữ... Chỉ cần một đạo quân yểm trợ đến sau..." Rồi cô cười khổ.

"Đạo quân yểm trợ này chắc hẳn sẽ còn phụ trách tiếp viện lương thảo cho đại quân đi trước, thế nên chắc chắn sẽ chọn các châu quận giàu có mà đánh cướp." A Sử Na bình tĩnh trả lời. "Cướp xong sẽ ôm theo một đống lương thảo của người Yên chạy đến dưới chân kinh thành nước Yên để hợp nhất với đại quân, thế là trên cán cân thắng lợi chúng sẽ được bổ sung một phần khổng lồ..."

"Nếu lại vừa khéo bọc hậu phía sau các đạo quân Cần vương... mọi sự đều có thể tùy cơ ứng biến linh hoạt, tiến lên có thể tấn công lui về có thể phòng thủ. Dù sao thì thất bại cũng chắc chắn là bên phía Đại Yên..."

Hai người nhìn nhau, A Sử Na choàng tay ôm vai cô rồi chậm rãi sánh bước quay về doanh trại.

Không còn cách nào khác, họ đều không ở trung tâm triều đình, trời cao hoàng đế ở xa, sức người có hạn tiếng nói không có phân lượng gì. Tuy họ có thể nhìn thấy rõ thế cục trong tương lai, nhưng không thể làm gì hơn trong tầm tay.

Quân đội của Lý Thụy vốn không có cái gọi là quân tốt thí, từng con người từng thớt ngựa đều tuyệt đối là tinh nhuệ. Mấy năm nay cô chưa hề mở rộng quân số, nên mặc dù nói toàn bộ thanh niên khỏe mạnh trong ấp đều có thể ra trận, nhưng nếu tính quân số thực tế đầy đủ trang bị vũ lực thì chỉ có một đội quân hơn năm ngàn người. Đó là đã tính cả Ai quân cùng các đội hộ vệ thương nhân. Dĩ nhiên, còn có cả gần chục ngàn thanh niên khỏe mạnh khắp sáu ấp Đồng Hoa.

Đó là toàn bộ những gì cô có trong tầm tay.

Đến khi trường hợp xấu nhất cô dự đoán trở thành hiện thực, cô ngược lại càng thêm bình tĩnh. A Sử Na cũng không tỏ ra hoảng hốt, vẫn bình thản huấn luyện binh mã, kiểm tra điểm số vũ khí trang bị lẫn ngựa tốt. Các thuộc hạ của cô cũng vẫn thản nhiên như thường lệ, sơ tán dân chúng, thiết lập các vị trí phòng thủ. Tất cả mọi người mọi việc đều được tiến hành trong sự bình tĩnh, an nhiên.

Cô thành thân với A Sử Na đã sắp năm năm. Chưa từng sinh con đẻ cái cho gã, chưa từng nâng khăn sửa áo ân cần hỏi han làm đúng trách nhiệm một người vợ theo truyền thống. Nhưng cho tới nay chưa bao giờ gã than phiền một câu nào.

Một con người kiêu ngạo là thế, nhưng lại cam nguyện mang tiếng trai lơ, ẩn mình sau lưng cô như chiếc bóng.

Từ các cán bộ công chức các trưởng ấp đi theo cô từ ngày cô tiếp nhận ấp Hiền Lương từ tay mẹ, rồi đến Ai quân về sau cô thành lập, ai nấy đều vẫn luôn tin tưởng cô, cho dù là cô đang dẫn họ đi chết... các bà các cô các chị ấy vẫn cười lớn cầm tay nhau theo cô đi chết, một cách hân hoan, một cách vinh dự.

Còn dân chúng trong ấp, từ già trẻ gái trai khắp sáu ấp Đồng Hoa, ai nấy đều tôn trọng cô, kính yêu cô. Trước mắt cho dù là đội quân yểm trợ của Bắc Man, gót sắt đã đạp nát bấy mấy châu phía trước... dù gọi tên là quân yểm trợ nhưng quân số cũng phải đến năm chục ngàn... Nhưng không hề có sự tháo chạy sợ hãi, thậm chí người người tranh nhau chạy về sáu ấp lẫn thành U Châu xung phong ghi danh phòng thủ, ai nấy thề sẽ sống chết cùng nhau, cùng cô.

Thân ta đến với thế gian này, nhận được tình cảm gắn bó như thế này, dẫu có chết vạn lần cũng chẳng hề uổng phí, có phải không nào?

Một vị Hầu quân nhỏ bé, lấy tên nước làm tước hiệu... bảo vệ thành U Châu lẫn sáu ấp Đồng Hoa... Trong không khí nghiêm trang hùng tráng sẵn sàng chuẩn bị chiến đấu, người ấy lại mang một dáng vẻ ung dung thong thả không hề luống cuống.

Lý Thụy ngồi trên tường thành bảo vệ ấp Hiền Lương, vừa lau chùi mài giũa vũ khí của mình cho thêm sắc bén, vừa nhìn đoàn người mênh mông tấp nập cả quân lẫn dân, cùng với A Sử Na đang tiếp tục huấn luyện quân binh.

Tiếng hát của cô khe khẽ vang lên, bài hát trước kia mẹ từng dạy cô nhưng không bao giờ cho phép cô hát cho người khác nghe thấy. Khúc hát "Mãn giang hồng".

"Bừng lửa giận, tóc bay phấp phới
Tựa lan can chấp chới mưa phùn
Dõi mắt thấy mưa đã ngừng
Ngửng đầu hét lớn, khí bừng trời xanh
Ba mươi tuổi công danh cát bụi
Tám ngàn dặm dầu dãi gió sương
Dặn mình chớ sống tầm thường
Thiếu niên đầu bạc, ai nhường khóc rên
Nhục Tĩnh Khang, mấy niên chưa rửa
Hận làm thần, mấy thuở mới tan
Đạp nát cung khuyết Hạ Lan
Hung Nô uống máu, ăn gan giặc Hồ
Giang sơn cũ thu về một mối
Cung khuyết xưa còn đợi chờ ta..."

(Mãn giang hồng, là bài từ của danh tướng Nhạc Phi thời Tống, vô cùng nổi tiếng với nỗi niềm u uất cùng chí khí diệt giặc Kim đến cùng. Bài này được viết năm Nhạc Phi  ba mươi tuổi, chín năm sau bị Tần Cối hãm hại và chết năm 39 tuổi.  Khi đó ông đã chiến đấu dành lại hơn tám ngàn dặm lãnh thổ nhà Tống bị nhà Kim chiếm giữ, cho đến khi bị vua Tống triệu hồi. Tĩnh Khang là niên hiệu của vua Tống Khâm Tông, ông vua này cùng với cha mình tức thái thượng hoàng Tống Huy Tông và con trai tức thái tử, với vô số hậu phi, con cháu hoàng tộc lẫn dân chúng hơn ba ngàn người bị quân Kim bắt về Liêu Đông làm tù binh. Đây được coi là mối nhục rất lớn của nhà Tống. Hạ Lan, hay núi Hạ Lan, là nơi có cung điện của vua nhà Kim. Hung Nô và giặc Hồ đều là từ chỉ nhà Kim.

Thời của Lý Thụy thì đã rẽ nhánh sang thời không khác nên vốn không có nhà Tống, không có nhà Kim lẫn Nhạc Phi nên mẹ của cô mới không cho cô hát bài này cho người khác. Bản chỉnh thơ của bạn Mèo làm riêng cho truyện này.)


Thật ra thì cô không biết "nhục Tĩnh Khang" là nhục thế nào, cũng không biết "cung Hạ Lan" là ở đâu. "Ăn gan giặc Hồ" với lại "uống máu Hung Nô", phỏng chừng là ăn gan uống máu giặc Bắc Man đúng không? Nhưng mà ăn thịt người dã man quá cô không làm được, mặc dù giặc Bắc Man phỏng chừng cũng dã man không kém...

Nhưng không hiểu cũng không sao cả, đó là thứ mẹ cô đã dạy. Nhìn về phía Nam, nơi đó có mẹ, có cha cô, hai anh trai của cô cũng phía Nam đó.

Mẹ, con không đi theo lệnh Cần vương. Bởi vì người đi Cần vương đã quá nhiều không cần có con cũng đã đủ náo nhiệt, nên kinh thành sẽ không sao cả. Nhưng con sẽ ở lại đây, con sẽ gồng mình giữ chặt bước chân của đội quân Bắc Man yểm trợ này, tuyệt đối không cho kẻ nào lọt lưới chạy xuống phía Nam gây họa cho mọi người, gieo họa cho dân chúng, thậm chí là gieo họa cho các đạo quân Cần vương từ phía sau...

Không cho phép, tuyệt đối không cho phép!

Con là Yên Hầu quân của nước Đại Yên, là huấn luyện viên Lý Thụy của Ai quân. Con sẽ da ngựa bọc thây, sẽ chiến đấu đến khi giọt máu cuối cùng khô cạn.

Mẹ, con là quân nhân. Là quân nhân chân chính trong lời mẹ hay kể, có phải không?

Thế nên mẹ à, mẹ đừng quá đau thương. Bởi vì sau lưng con có nhiều người như vậy làm điểm tựa, nên con mới có thể mỉm cười lao vào chỗ chết... Mẹ, nhất định đừng quá đau thương!

Các anh trai của em, tạm biệt nhé!

Cô tiếp tục hát khẽ điệu "Mãn giang hồng", khóe môi mỉm cười hạnh phúc.

(Mãn giang hồng còn có nghĩa đen là đầy sông màu đỏ, ý nói nước sông ngầu đỏ máu. Làm tui nhớ đến bài thơ Bên kia sông Hồng hồi chiến tranh biên giới với Trung Quốc ghê huhu.)

***

Dọc đường tung hoành như vào chỗ không người khiến cho các châu phủ biên cảnh bị giày xéo nát nhừ như nồi cháo loãng, đội quân yểm trợ của Bắc Man sục sôi chí khí hăm hở tiến quân thần tốc, vừa đánh vừa cướp bóc số lượng lương thực khổng lồ cùng với vô số tù binh nô lệ, hung hăng lao thẳng về phía U Châu.

Đây vốn là châu thành khiến Bắc Man sợ nhất, nơi có đám đàn bà điên như phù thủy cuồng dại tự xưng là Ai quân. Nhưng Đại khả hãn anh minh thần võ, không gì không biết tính toán như thần của bọn chúng đã nói rằng, đám bà điên này quân số rất ít, tới nay chưa bao giờ đánh trận nào nhiều tới chục ngàn người, hơn nữa đã sai quốc sư vĩ đại làm lễ chúc phúc cho bọn chúng.

Hai mươi lăm ngàn thiết kỵ kia mà, riêng số vó ngựa bịt sắt cũng đủ để đạp nát xương sống của cả U Châu chứ huống chi một đám đàn bà bé mọn? Hãy xông lên, nghiền nát bọn đàn bà ngu dại ấy!

Đội quân yểm trợ của Bắc Man vốn mang theo lòng tin vô hạn, không coi ai ra gì xông thẳng đến U Châu mênh mông, va chạm đầu tiên với sáu ấp Đồng Hoa bảo vệ thành U Châu... và lần đầu tiên nếm mùi thất bại vỡ đầu chảy máu.

Ai bảo bọn chúng không may, chia binh ra tấn công sáu ấp, từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn, chỉ có thể để lại vô số thi thể dưới tường thành. Về sau vận may lại càng kém hơn, chúng tập trung binh lực để nhằm đánh một chỗ, lại nhằm đánh ấp Hiền Lương thoạt nhìn nhỏ bé yếu ớt nhất đám... Lần này, ngay cả chủ soái cầm cờ đi trước tấn công cũng bị chém ngang eo, ném xuống tường thành.

Đạo quân yểm trợ ban đầu tính toán đánh nhanh thắng nhanh đặng còn tiến quân xuống phía nam hội hợp cùng chủ quân, cứ thế bị Ai quân gắt gao dùng gọng kìm sắt níu giữ. Đánh không đánh nổi, bỏ qua không được. Tấn công suốt mười ngày chưa chiếm nổi ấp nào, quân yểm trợ Bắc Man dần mất kiên nhẫn tính vòng qua sáu ấp tấn công thẳng vào thành U Châu. Ai dè sáu ấp đồng loạt tấn công hai sườn và phía sau, như bầy sói điên nhào lên cắn đứt một tảng thịt lớn, chờ tiền quân quay đầu định đối phó sáu ấp, ai nấy đã gõ chiêng lui binh, rút về trong ấp cố thủ.

Chủ soái đoàn quân yểm trợ không biết làm sao, thấy sắp đến ngày hẹn để hội hợp cùng chủ quân bèn quyết định dứt khoát vòng một vòng lớn tránh khỏi sáu ấp lẫn thành U Châu xuống phía nam. Ấy thế nhưng sáu ấp lại cùng nhau chủ động chạy ra khiêu chiến, cứng rắn nuốt trọn toàn bộ đội quân tiên phong của quân yểm trợ... Không thể không nói, mấy năm nay đội Diều hâu sắt chăm chỉ luyện mạch đao hoàn toàn có đất dụng võ.

Kết quả là, đội quân yểm trợ vốn nên là một đội quân tiếp viện cực kỳ thần kỳ, hỗ trợ chủ quân Bắc Man công chiếm kinh thành, ấy thế nhưng lại bị Ai quân và U Châu nhao lên lôi xuống bãi bùn lầy khó lòng thoát nổi. Mấy châu lân cận tuy đã từng bị quân yểm trợ Bắc Man đánh suy sụp, nhưng cả quân chính quy lẫn dân quân tự vệ đều vẫn giữ mạng lưới liên lạc thám báo xưa nay, giờ cũng gượng dậy gom lại đánh du kích gây phiền toái cho đội quân yểm trợ Bắc Man không cho chúng yên thân.

Khi toàn bộ Đại Yên đang dồn ánh mắt tập trung về chiến sự căng thẳng ở kinh thành, không một ai chú ý tới góc nho nhỏ trên bản đồ có một đội quân tự lấy tên là Ai, ai trong bi ai, ai oán, cùng với vô số quân đội bạn lác đác xung quanh không ai nghe danh, lại có thể triệt để tóm lấy gót sắt của đội quân yểm trợ Bắc Man vốn hoàn toàn có thể khiến chủ quân Bắc Man chuyển bại thành thắng.

Mãi tới khi các đạo quân Cần vương hội tụ gấp rút tiếp viện, đại tướng Phiền Hòa giữ chức tổng thống soái chỉnh hợp tất cả, rồi chung tay đánh bại chủ quân Bắc Man. Nghe tin chủ quân bị truy đuổi đã co vòi cụp đuôi ráo riết chạy về phương bắc, đội quân yểm trợ đã bị thương vong quá nửa này mới rầm rộ tổ chức rút quân, nguy cơ của U Châu mới bị tạm giải quyết.

Nhưng chiến dịch này cũng khiến toàn bộ Ai quân và U Châu đồng lòng dốc toàn bộ sức lực chống địch, khiến cho sáu ấp Đồng Hoa thương vong thảm thiết. Quân số Ai quân giảm mạnh chẳng còn bao nhiêu, ấp Hiền Lương mấy lần bị công phá nhưng lập tức được chiếm lại, dân số trong ấp chỉ còn chưa đến một phần ba. Năm ấp còn lại tình trạng cũng chẳng khá hơn là bao.

Thế nhưng, tổn thất lớn nhất, khủng khiếp nhất lại chính ở giai đoạn cuối cuộc chiến. Khi quân yểm trợ Bắc Man cố gắng tấn công lần cuối để vượt qua cửa ải hòng tiến xuống phía nam hội tụ với chủ quân, Yên Hầu quân đích thân dẫn quân tấn công chính diện quân địch... Tuy trận chiến này họ đã thắng, nhưng Lý Thụy trúng mười mấy mũi tên cũng kiệt sức ngã xuống khỏi lưng ngựa. A Sử Na và các chị em Ai quân hoảng sợ cố gắng kéo cô ra từ dưới thi thể con ngựa, phát hiện cánh tay cô đã bị vó ngựa đạp gãy xương, ngực bị ngựa dẫm lên một cú lại bị toàn bộ trọng lượng của con ngựa bị chết đè lên, lúc kéo ra chỉ còn hơi thở mong manh...

Nhưng cô ấy còn sống. Chỉ cần Yên Hầu quân còn sống, U Châu mới có thể cầm cự sống sót, mặc cho nơi nơi chốn chốn tan hoang tiêu điều.

Sau khi quân yểm trợ Bắc Man tháo chạy, Ai quân lập tức báo tin chiến thắng về kinh thành, không phải để tranh giành công lao mà là vì Lý Thụy chịu thương rất nặng, vết thương khắp người, hôn mê bất tỉnh, rất cần ngự y đến cứu chữa.

Thế nhưng tin chiến thắng mới gửi đi chưa được bao lâu, kinh thành đã gửi sứ giả đến. Sứ giả là vị Ngự sử già đã từng đi tuần đến U Châu. Ông ấy kinh hãi nghe vị tổng trưởng ấp khóc lóc kể chuyện chiến đấu, nói không ra lời.

Cuộn thánh chỉ trong tay ông hiện giờ trở nên nóng bỏng đến đau đớn.

Nhưng cho dù ông có muốn hay không, triều đình có biết đến nỗi bi tráng hào hùng lẫn hi sinh mất mát của U Châu hay không, thân là Ngự sử, trách nhiệm của ông vẫn là truyền thánh chỉ.

Kết quả là, vị Ngự sử già đứng trước giường Lý Thụy đang hấp hối, lắp bắp chật vật đọc thánh chỉ.

Nghe xong ý chỉ của Dực Đế, chư quân bộ tướng đang khóc rền rĩ xung quanh đột ngột im bặt như cùng bị mất thanh âm. Trong thoáng chốc, căn phong yên lặng như tờ, chỉ còn lại tiếng hít thở nặng nề của Lý Thụy.

Bởi ý chỉ đó có thể tóm gọn ý chính như sau. Lý Thụy lười nhác sợ chiến, cự tuyệt Cần vương, tước đoạt quan chức, thu lại đất phong (tức sáu ấp), đồng thời... giải tán ấp Hiền Lương.

Đọc thánh chỉ xong, ông Ngự sử già thấy nhức nhối trong lòng, bởi vì người cần nhận chỉ tạ ơn giờ hơi thở mong manh như sợi tóc, băng bó kín mít toàn thân, ngoài lớp băng bó còn đang đỏ sậm màu máu. Những người còn lại ngơ ngác nhìn ông, không thốt nên lời.

Nhưng quả thực ông không cách nào trách họ. Thở dài trong lòng, ông thầm nghĩ lúc về sẽ phải nói chuyện tử tế với Hoàng thượng một lần... sao có thể nghe và tin lời nói một bên như thế chứ? Tri quân U Châu mới xúi bẩy vài câu, chưa thèm tra xét rõ ràng đã nhanh chóng như sấm vang chớp giật mà hạ một tờ thánh chỉ khiến lòng người vỡ nát như thế...

Nhưng ông vừa ra khỏi ấp Hiền Lương, sau lưng đã vang lên tiếng khóc rung trời, tiếng khóc ngày càng lan rộng như truyền khắp toàn bộ thôn xóm quanh ấp.

Tổng trưởng ấp đuổi kịp ông, khóc nghẹn ngào run rẩy cơ hồ muốn ngất xỉu, vừa khóc vừa nói không thành câu. Rằng là nghe xong thánh chỉ, Yên Hầu quân... tạ thế.

Vị Ngự sử già lão chỉ thấy trong đầu ầm vang một tiếng, sống mũi vừa cay vừa đau đớn, hai hàng nước mắt cũng từ từ lăn xuống trên đôi gò má nhăn nheo.

***

Mình làm xong chương này đã lâu nhưng nghĩ còn đang Tết nên chưa muốn đăng lên vì nó khá buồn. Nên để mọi người chờ hơi lâu, mong mọi người thông cảm.

Còn 2 chương nữa thôi, cố lên! Xong xuôi thì... vẫn chưa quyết nên làm tiếp truyện gì? Ngộ tê ngô đồng hay là Hạ đường hậu hả mọi người?

Mọi người kể chuyện ăn Tết như thế nào đi? Năm nay bạn Mèo ăn Tết với hội bà con anh chị em xa xứ ở Paris, cả đám mặc áo dài thắt khăn lụa đeo kính đen chụp ảnh ngầu lòi căng đét nhìn ngộ lắm luôn hahaha!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top