Yên Hầu quân - 4
Lý Thụy vài lần định mở miệng nói gì đó, nhưng nhìn đôi mắt hoe hoe đỏ của Đại ca, cô đành ngoan ngoãn ngậm miệng nghe anh lải nhải tiếp.
Từ hồi cô nhập ngũ, lúc nào cũng luôn bận rộn bộn bề vô số công chuyện. Rồi các anh trai cũng bận học hành thi cử công danh, ai nấy đều lần lượt xa nhà. Cả gia đình từ đó mỗi người một nơi, số thời gian ở chung càng ngày càng ít, số ngày xa nhau càng lúc càng nhiều. Đại ca của cô thoạt nhìn rất thuần hậu ấm áp nhưng thật ra trong lòng ẩn giấu rất nhiều suy tư. Người duy nhất có thể khiến anh ấy thật sự mở lòng thật sự chân thành đối đãi, cũng chỉ có một mình cô mà thôi.
Chỉ tiếc là tính tình cô y hệt như mẹ ruột, rất tỉnh táo rất lý trí, nói thẳng ra là không biết cách biểu đạt tình cảm của mình, nên chỉ có thể im lặng ngồi nghe.
Nhưng cô không biết, điều khiến hai người anh trai cô đau lòng xót ruột nhất chính là hình ảnh cô em gái mà họ hết mực cưng chiều yêu thương từ bé, giờ lại ngồi nghiêm túc bình thản lắng nghe họ càu nhàu lải nhải trách móc, không hề tỏ ra khó chịu bực bội một chút xíu nào.
"... Tên kia lần này cũng về kinh để báo cáo công tác đấy." Lý Ngọc nói với giọng rất mất tự nhiên, nhưng rồi lại đế ngay thêm một câu. "Yên tâm đi! Anh đảm bảo sẽ tiếp tục nhét nó về Lĩnh Nam gặm vải tiếp!"
Lý Thụy giật mình cười gượng. "... Cũng năm năm rồi, thôi anh ạ. Đừng lấy việc công báo thù riêng... Có đáng gì đâu?"
Lý Ngọc hầm hừ lạnh lùng. "Như thế là anh đã nương tay lắm rồi đấy. A Ly còn định ném nó ra Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam) chăn ngựa bắt cá kia kìa." Vẻ mặt đẹp trai sáng sủa giờ bỗng nhăn lại đầy hung dữ. "Cái thứ bẩn thỉu tởm lợm, dám coi khinh Lý gia chúng ta không ai làm gì được ư. Cầu hôn cũng là nó, bỏ vợ cũng mặc nó làm gì thì làm hay sao?!..." Thế rồi tỉnh lược ngàn tám trăm chữ để anh phát tiết cơn giận chưa nguôi.
Lý Thụy bóp đầu ảo não. "Thôi anh ạ, em đã không thèm nhớ đến hắn, đã có thể hoàn toàn buông tay sống tốt. Cứ tiếp tục như vậy người ta lại tưởng là em vẫn còn lưu luyến không cam tâm. Thôi đừng nên dây mơ rễ má gì với hạng người đó, mắc công bẩn tay mình, hạ thấp bản thân."
Hiếm hoi lắm mới thấy cô nhẹ giọng dịu dàng khuyên lơn trái lo phải nghĩ, gắng lắm mới khuyên được ông anh trai ngừng tay trả thù.
Thế nhưng tận đáy lòng Lý Ngọc, nỗi đau xót đắng cay không thể tính là vơi bớt. Cứ nghĩ đến những gì khổ sở mà em gái mình từng phải nếm trải là khiến anh đau đứt ruột gan buốt vào tận xương tủy. Anh ôm em gái, gục lên vai cô, nước mắt thiếu điều nhỏ lên áo cô. Trong lòng anh, trong mắt anh, A Thụy vĩnh viễn là cô nhóc mũm mĩm luôn bám theo anh, bắt anh bế, cõng, bắt anh hái hoa hái mận cho nó, dính lấy anh không rời.
Haizzz, anh không thấy ôm áo giáp cộm lắm à. Lý Thụy thầm thở dài, chỉ biết ôm lấy Đại ca, vỗ nhẹ lưng anh.
"Nhà của anh vĩnh viễn là nhà của em." Lý Ngọc nói khẽ, giọng đanh lại. "Nếu sớm biết chị dâu em không thích em như thế, anh đã không cưới cô ta."
Cuối cùng vẫn nói ra miệng ư. Lý Thụy thở dài, đập nhẹ lên vai Lý Ngọc đầy trách cứ. "Anh nói lăng nhăng vớ vẩn làm người khác buồn lòng như thế làm gì, còn thế lần sau em không dám đến đây nữa đâu."
Xét cho cùng, nguyên nhân sâu xa chính là vì đại ca của cô quá yêu thương em gái, nhiễm bệnh "muội khống" hết thuốc chữa thế này nên cô mới không dám lui tới nhiều lần.
Lương Hằng cũng về kinh, cô biết từ lâu, còn nghiêm giọng răn đe đám thuộc hạ không được làm bừa. Cô tới thăm đại ca cũng là để tìm cơ hội nói rõ ràng với anh ấy, để anh ấy thôi đừng nhúng tay vào nữa làm gì.
Từ ngày cô nhập ngũ năm mười bốn tuổi tới nay, thật ra cũng đã gả chồng một lần.
Năm ấy Bắc Man đến xâm phạm biên giới, Ký Châu gửi thư khẩn cầu cứu. Cô mới mười bảy tuổi, được tạm điều quân đi ứng cứu.
Lý Thụy của năm ấy, dẫn dắt Ai quân dần dần trở nên nổi danh. Ba tháng đánh trận, nhiều lần sóng vai tác chiến, ứng cứu lẫn nhau. Lương Hằng khi ấy còn là một tướng quân trẻ tuổi tuấn tú, đem lòng ái mộ Lý Thụy. Chàng ta tự mình đến nhà cầu hôn, chính miệng mở lời hứa hẹn với mẹ cô, đời này quyết không nạp vợ lẽ.
Lương Hằng vốn là con nhà tướng, cuộc chiến này kết quả thắng lợi xuất sắc, trong triều lại có người đỡ lời, được trao chiến công rạng rỡ. Lẽ dĩ nhiên, thiếu niên tướng quân hớn hở ra roi thúc ngựa về kinh chờ bổ nhiệm lên chức, không quên mang theo vợ mới cưới hưởng thụ tân hôn ngọt ngào.
Có điều khi còn trên chiến trường, sống chết có nhau, che chở lẫn nhau, tác chiến cùng nhau, ứng cứu lẫn nhau, đương nhiên Lý Thụy là một người đồng chí, đồng đội kiêm người yêu đáng giá khiến người khác xiêu lòng. Nhưng dù sao bản chất của cô vẫn là một tướng quân, giờ yêu cầu cô tuân thủ nghiêm cẩn lễ nghi thế tục làm một phu nhân nhà quan theo thói đời yêu cầu, e là hơi khó. Khi cô khoác bộ giáp bạc, khí khái hào hùng ngời ngời rực rỡ. Nhưng khi cô khoác lên người bộ triều phục của mệnh phụ, chỉ là một thiếu phụ dung nhan tầm thường.
Lương phủ mấy đời nhà tướng, quy củ lề thói chất chồng không hề ít, nên rất không ưng ý đứa con dâu xuất thân quân ngũ như cô, chê bai cô thô tục, chê bai cô vô lễ.
Nhưng điều quan trọng nhất ấy là, cha cô chỉ là một Tri phủ nhỏ nhoi ở U Châu xa xôi, khác gì bị biếm chức đày đi xa. Hai người anh trai, một kẻ chỉ là quan nhỏ bát phẩm, làm việc giấy tờ ở Bộ Binh, kẻ kia mới chỉ là một tên quan nghèo hèn trong Hàn lâm viện. Làm sao có thể mang lại lợi ích gì cho đường làm quan của Lương Hằng, con ngựa thiên lý mã tài hoa của Lương gia kia chứ?
Kết hôn được nửa năm, Lương Hằng dần dần trở nên lạnh nhạt. Lương lão tướng quân lại vô tình nghe nói năm mười ba tuổi Lý Thụy từng bị bọn Bắc Man cướp đi, ông ta nổi giận đùng đùng lớn giọng mắng chửi Lương Hằng tại sao dám cả gan cưới con đàn bà thất trinh này về làm nhục nhã gia môn, ầm ĩ tưng bừng một thời gian.
Cuối cùng mở từ đường, toàn gia tộc thương nghị, quyết định giáng Lý Thụy xuống làm vợ hai, rồi lại tưng bừng sính lễ cưới cháu gái đích tôn nhà Trịnh thái úy làm vợ cả.
Lý Thụy đứng đó lạnh lùng chứng kiến mọi thứ, không tỏ ý kiến gì. Chờ hội nghị gia tộc quyết định xong xuôi, cô mới đề nghị hòa ly, Lương gia lập tức gật đầu đồng ý. Cùng hôm đó, cô tự tay thích chữ lên mặt, một người một ngựa chạy về U Châu, báo cáo hết kỳ nghỉ, xin phục hồi chức cũ.
Hôm ấy còn kém ba ngày là tròn một năm cô thành thân.
Không thể không thừa nhận, công tác tình báo hỏi thăm của Lương gia không đạt chỉ tiêu chút nào.
Đúng thế, cha cô Lý Dung Tranh không khác nào bị biếm chức xuống làm Tri phủ U Châu, nhưng vị huynh trưởng kết nghĩa của ông ấy chính là Sở vương, đại tướng bảo vệ biên cương, có danh hiệu "Kiếm của Thiên tử". Đại ca Lý Ngọc khi đó quả thực chỉ là một quan phó bát phẩm chuyên việc văn thư ở Binh Bộ, nhưng nhờ có mối quan hệ với Sở vương vừa nêu, tuy mới chỉ nhậm chức hai năm nhưng có thể nói anh ấy như cá gặp nước, quan hệ cấp trên cấp dưới vô cùng hòa thuận, càng tài hơn nữa là quan hệ với đồng nghiệp xung quanh cũng rất vui vẻ, chu đáo.
Còn Nhị ca Lý Ly, thoạt nhìn bề ngoài là một gã hàn lâm nghèo rớt mùng tơi, nhưng thực tế lại là một hoàng thương có tên có tuổi chốn kinh thành, còn được phong làm Thái tử Thị giảng, hầu cận Thái tử đọc sách. Hoàng thái nữ dăm hôm bảy bữa lại gọi anh ấy vào Đông cung, đàm luận thơ từ ca phú, rất quý cậu em họ xa lắc xa lơ có tính tình phóng khoáng không câu chấp cổ hủ này.
Nói cách khác, lần này Lương gia đã hoàn thành một mũi tên trúng ba con chim, phải tội với hoàng thân quốc thích, Bộ Binh lẫn Hàn lâm viện ba nơi cùng một lúc. Bao nhiêu nguyện vọng đều được thỏa mãn tột cùng.
Đầu tiên gây sự là Lý Ly. Vị thiếu niên tài tử phong lưu, dung mạo nguyệt thẹn hoa nhường, tài hoa tột đỉnh này chấp bút biên soạn vở "Ai Mộc Lan", kể tiếp chuyện Hoa Mộc Lan tòng quân xong giải ngũ lập gia đình về sau như thế nào. Trong vở tạp kịch này, Hoa Mộc Lan gả cho một vị tướng quân đồng đội cũ, ấy thế nhưng vị tướng quân đại nhân này lại ham giàu sang bỏ nghĩa tào khang, giáng vợ cả xuống làm thiếp để cưới con gái quan Khu mật sử làm vợ cả.
Mộc Lan phẫn nộ mắng chồng cũ, ném vỡ ngọc bội vật đính ước năm xưa để cắt tình đoạn nghĩa, rồi một lần nữa buộc tóc cài yên cương, lao tới biên ải tiếp tục giết giặc, cuối cùng lấy thân đền nợ nước.
"Ơn nghĩa vợ chồng đành vứt bỏ, lệ ướt khăn trùm đầu. Chẳng thà xả thân báo ơn vua, quốc gia chẳng phụ ta..." Những câu hát xuất xứ từ vở kịch "Ai Mộc Lan" này chẳng mấy chốc nổi tiếng khắp kinh thành, từ già đến trẻ, phố lớn ngõ nhỏ đều ngân nga.
Thời đại này giải trí chẳng có mấy, nên chuyện nhà họ Lương làm vậy đã đồn đãi khắp nơi, cộng thêm vở kịch "Ai Mộc Lan" càng như được gió thổi khắp chốn, nên cứ gọi là sôi sùng sục.
Lý Ngọc thấy cũng hòm hòm rồi, bèn thết tiệc mời đồng nghiệp ở Bộ Binh uống rượu xem hát, trong các vở kịch lại 'tình cờ' có cả "Ai Mộc Lan". Xem hát được quá nửa, Lý Ngọc mượn rượu khóc lớn thảm thiết. "Đau đớn thay! Xót xa thay! Người người khóc Mộc Lan, lại có ai khóc thương đứa em gái cân quắc nhà tôi...!" Người nghe chuyện không thể không thương cảm rơi lệ.
(cân quắc: khăn trùm đầu phụ nữ thời xưa, về sau cũng để chỉ những người con gái tài năng, giỏi giang, bậc cân quắc, bậc anh thư)
Kết quả là, Lương Hằng vốn thiếu niên đắc ý xuất thân nhà tướng, mọi sự thuận lợi, giờ bị Dực Đế ném đi Lĩnh Nam hái vải.
(Lĩnh Nam thời đó, ngoài quả vải với chướng khí ra thì chả có gì khác..."
Còn Lý Thụy, cô phục chức phải đến nửa năm sau mới biết các anh mình đã làm gì.
Các anh trai vẫn luôn coi cô như đồ lưu ly mong manh dễ vỡ. Cô gãi đầu nghĩ bụng. Thật ra thì cũng chẳng có gì nghiêm trọng, chỉ đơn giản là cô không thích hợp cưới gả lập gia đình mà thôi. Chuyện qua rồi coi như xong, việc gì các anh cô phải làm lớn chuyện lên thế...
Nhưng cô cũng biết nếu không để hai người họ trút giận một chút, e là về sau sẽ còn lớn chuyện hơn nữa... Nên tạm thời... cứ kệ đi.
Ai dè đã năm năm trôi qua rồi mà cơn giận của các anh cô vẫn còn chưa nguôi.
Thôi bỏ đi, tha được cho người ta thì cũng nên tha. Ăn vải liên tục năm năm, e là dễ bị nóng trong người lắm.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top