Yên hầu quân - 39

Mặc dù đã hiểu nguyên tắc "Làm bề tôi khó lắm", Lý Thụy vẫn phải dọn dẹp xử lý mớ hẩu lốn nhảm nhí giúp Dực Đế, vị hoàng đế khó nghe lọt lời can gián.

Ban đầu cô và A Sử Na đã cẩn thận suy nghĩ cân nhắc từ đầu tới đuôi, cũng đã lường được ít nhiều ý đồ bảo vệ bề tôi của Dực Đế ẩn sau vẻ ngoài giận dữ trách phạt kia, mấy anh em cũng biết nghe lời mà giấu tài náu mình một thời gian... Đấy, người có học thức cao rõ là phiền toái, có ý tưởng gì cũng chẳng bao giờ nói thẳng ra mà cứ loanh quanh lòng vòng, chú trọng cái gọi là "ẩn ý", là "hiểu ngầm". Mỗi lần giao tiếp với bọn họ thế nào cô cũng phải gặm vài lọ thuốc Thiên vương bổ tâm đan mới hồi phục nổi.

"Trưởng sử cho Thất công chúa..." Lý Thụy nhăn mày. "Lý do này không ổn lắm."

A Sử Na cũng đã tìm hiểu rõ ràng các hoàng tử hoàng nữ có mặt hiện thời... Không thể không thừa nhận gã thực sự là một hắc si ưu tú, tới mức hoàn toàn đủ khả năng ẩn mình vào triều đình làm gian tế... Lý Thụy chỉ nói vu vơ một câu như thế, gã chỉ cần nghĩ thoáng chốc là hiểu ý cô. "Hở? Chẳng lẽ hoàng đế không hài lòng lắm với hoàng thái nữ hiện giờ?"

Thảo luận thêm vài chi tiết, cái gọi là chân lí càng bàn càng rõ ràng, cộng thêm việc mẹ cô cũng từng đề cập tới việc hai anh trai cô được hoàng đế đào tạo để trở thành Tể tướng trong tương lai.(Thật ra cha cô cũng suýt nữa được hưởng vinh dự được Phượng Đế đào tạo làm Tể tướng dự bị... Đáng tiếc đồng chí này ngây ngốc bẩm sinh, không có thuốc chữa nên mới bị đá đi U Châu. Ít ra như vậy còn đỡ hơn là bị tống đi Lĩnh Nam ăn vải hoặc xuống Quỳnh Châu trải nghiệm cuộc sống săn bắn hái lượm đúng không?)

Anh cả nhận lệnh thuyên chuyển cũng dễ hiểu thôi, công nghiệp kỹ thuật quân sự muốn phát triển thì phải tăng mạnh vũ khí và dụng cụ. Trước khi đối ngoại thì phải an ổn đối nội. Tuy Dực Đế không am hiểu quân sự nhưng vẫn hiểu đạo lý cơ bản này. Chỉ là trước mắt đang phải đối mặt với một cuộc phẫu thuật lớn về chính trị trong nước nên chưa rảnh tay đối ngoại... Nhưng chưa rảnh tay không có nghĩa là hoàn toàn bỏ qua, ngược lại đại ca nhà cô được chuyển về đây để quản lý lĩnh vực này. Biên quân bị cắt giảm nhưng cũng đồng thời bổ sung cấm quân ở trung ương, đồng thời giao cho Lục công chúa tức công chúa Triêu Dương dẫn quân... Đây chính là một bước mai phục chuẩn bị tương lai cầm quân trấn giữ biên ải.

Nhưng lệnh bổ nhiệm anh hai lại khiến người ta khó hiểu. Ban đầu, người vốn có nhiều khả năng trở thành Hoàng thái nữ nhất là công chúa Luật Vũ văn võ song toàn, từng chấp chưởng Hình bộ, có công lớn giúp Dực Đế trong việc xử lý triều đình. Tiếc thay nàng ấy ngã ngựa gãy chân thiếu điều tàn phế, hoàn toàn lỡ mất danh phận Hoàng thái nữ, trở thành Phức thân vương Mộ Dung Phức. (nhân vật chính trong Quyện tầm phương, một truyện mình siêu siêu thích)

Hoàng thái nữ hiện giờ là hoàng trưởng nữ, con cả. Nói thẳng cho nó vuông, nàng ta không có khuyết điểm gì hết, nhưng cũng không có tí xíu gì gọi là ưu điểm vượt trội, tương lai tính là một vị quân vương đủ tốt để giữ gìn cái đã có. Hoàng thái nữ tuy không nhiều tài năng, nhưng lại nổi tiếng trọng dụng người có tài. Kiểu tài tử cực phẩm như nhị ca Lý Ly của cô đương nhiên không thể nào bị bỏ qua, hoàng thái nữ còn đã từng là bạn đồng học của Lý Ly, anh chàng từng làm thị giảng cho hoàng thái nữ kia mà. (thị giảng: một dạng thư đồng của hoàng tử công chúa).

Nhưng giờ Dực Đế không ném Lý Ly đến Đông cung mà ngược lại lại ném tới chỗ con gái út của bà ta làm trưởng sử... Cái này rất có vấn đề nha.

A Sử Na nghiêng đầu nghĩ ngợi hồi lâu. "Ta nhớ từng giở xem một cuốn sách của nàng viết về chuyện thời nhà Hán, có một vị hoàng đế tuổi còn nhỏ đã tuyên bố muốn Kim ốc tàng kiều, nàng có nhớ không?"

"Hán Vũ Đế ư?"

"Hình như thế... kẻ mà vốn có một cái tên rất quái đản, nàng từng bảo nghĩa là lợn rừng ấy... Không sao, dù sao về sau ông ta cũng đổi tên thành Lưu Triệt."

Ngừng lại một chút, mặt A Sử Na trở nên nghiêm túc. "Ban đầu cha ông ta không phải chỉ có mình ông ta là con trai duy nhất, càng không nghĩ đến chuyện sẽ lập ông ta làm thái tử... Rồi thì có bà Thái hậu nào đó rất lợi hại nữa này, rồi thì Lưu Triệt mấy lần cũng suýt nữa bị phế bỏ cuối cùng vẫn lên ngôi hoàng đế đúng không?"


(Hán Vũ Đế Lưu Triệt, dã sử nói ban đầu tên là Lưu Trệ, con út của Hán Cảnh Đế, mẹ vốn chỉ là Vương mỹ nhân, nhờ một loạt tranh đấu giữa những người phụ nữ trong cung, bao gồm cả việc cưới con gái của công chúa Quán Đào nên được gia đình Đậu thái hậu trợ giúp, mà cuối cùng chiến thắng và trở thành Thái tử năm 7 tuổi. Vợ đầu của ông là Trần A Kiều, rất nổi tiếng với sự tích Kim ốc tàng Kiều. Thông tin chi tiết xin liên hệ google nhé!)

"... Chàng đọc sách gì thế hả?" Lý Thụy dở khóc dở cười, cái này đa số là dã sử kể lại chứ có phải chính sử đâu.

"Nàng cũng đọc kia mà." A Sử Na thản nhiên. "Ta nghĩ, Lưu Triệt có thể trở thành Hán Vũ Đế, thậm chí tới giờ người nước khác đều gọi người Trung Nguyên là người Hán... lý do chính là vì khi ông ta còn chưa ổn định địa vị bản thân đã có thể bình tĩnh giấu tài nhẫn nhịn, không khiến mình bị quá hiển lộ ra trước người ngoài."

Lý Thụy cứng họng. Thất công chúa, công chúa Văn Đào là con út, hẳn là sẽ cách xa ngôi vị hoàng đế nhất, nhưng lại được đế mẫu ném cho một vị Tể tướng dự bị làm trưởng sử. Rốt cuộc ý của Dực Đế là cách xa nhất cũng sẽ an toàn cho Lý Ly nhất, hay là còn vì không quá hài lòng với hoàng thái nữ nên ngầm chuẩn bị một lối thoát khác?

"Tranh đoạt trữ vị..." Cô thoáng lo lắng. "Liệu có nên khuyên Nhị ca từ quan không nhỉ?"

A Sử Na cười khẩy chế nhạo. "Hỏi rõ ngu! Tài làm quan của anh trai nàng so với chính nàng là một trời một vực. Yên tâm đi, hai ông anh vợ kia của ta láu cá trơn tuột như cá chạch, các anh ấy đã dám bình thản nhận lệnh chuyển chức thì đảm bảo chắc chắn mười mấy phần mới làm... Chưa kể đến nàng còn nghĩ ra được mấy thứ đó, hai anh ấy e là đã nghĩ ra và lên kế hoạch ứng phó từ đời tám hoánh nào rồi, còn cần chờ nàng tới khuyên bảo nữa ư?"

Mặc dù bị cười nhạo nhưng Lý Thụy cũng không để bụng. "Ai thích làm quan thì làm, dù sao thì ta cũng không muốn làm..." Nhà họ Lý có quan hệ thông gia với hoàng thất, nên cô cũng chẳng lạ gì các hoàng tử hoàng nữ trong cung. Cô khẽ thở dài.

"Thật ra thì người làm hoàng đế thích hợp nhất chính là Phức thân vương. Yêu cầu thành viên hoàng tộc mà lại biết dùng binh thì quá là khó khăn... ấy nhưng Phức thân vương lại có thể buông phú quý, tuần tra biên ải, có mắt dùng người, lại chịu khó chịu khổ, hòa mình cùng dân cùng quân, tầm mắt phóng khoáng rộng rãi... Quan trọng nhất chính là trong số các hoàng từ hoàng nữ, nàng ấy chính là người hiểu rõ nhất và tâm huyết nhất để bảo vệ chế độ này... nàng ấy thậm chí có những sự kiên trì rất giống với mẹ ta."

"Thất công chúa có tài hoa văn chương thật, nhưng lại yêu thích tiền bạc vô cùng, tính tình cũng xảo quyệt. Để cho nàng ấy trị quốc..." Lý Thụy bật cười. "Nước Đại Yên hẳn là sẽ biến thành 'hãng buôn họ Mộ Dung', kinh thành là trụ sở chính, các châu các phủ là chi nhánh... Như vậy là tốt hay không tốt, thật sự ta cũng không rõ nữa."

A Sử Na tưởng tượng thử, rồi cũng phì cười.

Nếu học viện trinh sát bị dỡ bỏ, trên lý thuyết Lý Thụy phải nhàn rỗi mới đúng... ít nhất mùa đông phải thanh nhàn. Nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại.

Cũng không phải là do học viện bị tái hiện trong cấm quân... Phải, Dực Đế hạ lệnh dỡ bỏ học viện Hiền Lương, nhưng lại thành lập Quốc Võ Giám trong cấm quân ở kinh thành, không những thuổng hết giáo viên từ chỗ cô sang, ngay cả chương trình học cũng gần như hoàn toàn bị sao chép lại... Ấy nhưng hoàn toàn không giao việc cho Lý Thụy, càng không cho phép cô có cơ hội nhúng tay vào Quốc Võ Giám chút nào.

Nhưng việc Lý Thụy vẫn bận rộn tới mức chân không chạm đất, lý do lại có quan hệ gián tiếp với việc Dực Đế lo lắng sứt đầu mẻ trán.

Bởi lẽ nếu bỏ qua lập trường hai bên khác nhau cùng với mâu thuẫn tính cách hai bên không hợp, thật ra cả hai người này đều có chung một mối lo, lo chung một việc lớn.

Chế độ "đo đất tính thuế, quan với dân đều phải nộp" của Dực Đế có nguyên nhân cơ bản là vì việc chiếm dụng đất đai trốn thuế đã quá mức, nên cần phải để cho đám quan lại địa chủ cân nhắc số lượng tiền thóc thuế phải nộp để ngừng việc chiếm dụng đất đai. Nhưng chế độ ấy cũng chỉ là bước khởi đầu, tiếp theo đó khi đã thu lại đất hoang bị chiếm thì lại cần tổ chức khai hoang, mở rộng địa giới, vỗ về dân chúng được phép mua đất chuộc đất trả đất, vân vân và vân vân... thì vẫn chưa có cách nào rảnh tay thực hiện.

Cái gọi là trên có chính sách dưới có đối sách, đám tham quan ác bá cường hào lâu nay đã quen làm mưa làm gió, giờ bị cấp trên bắt phải nhả họng buông ra lợi nhuận kếch xù với chế độ đo đất tính thuế. Có sẵn ví dụ nhỡn tiền là đám Mộc thị, vừa có tham quan lẫn hoàng đế không ngai dám chống đối hoàng đế thật, đám còn lại đương nhiên tuy cụp đuôi lại nhưng lại vẫn tính đường chui chỗ trống bằng cách tăng tiền thuê đất sang đám tá điền.

Gánh nặng tiền thuê trả thuế đất này đè nặng lên vai tá điền khiến họ gần như không sống nổi nữa, kết quả là một tình huống quái dị xuất hiện: Trung Nguyên giàu có sung túc thì trăm họ không ở lại, ai nấy chạy nạn hết về phía biên giới vì đất ở biên giới cho thuê rẻ hơn rất nhiều...Mà U Châu thì qua vô vàn lời đồn đãi truyền tai nhau, trở thành châu huyện thu hút nhiều dân chạy nạn nhất... bởi vì nơi này có một vị Yên Hầu quân yêu dân như con!

Mặt trái của tiếng tăm, mặt trái của tiếng tăm là đây... Lý Thụy quả thực khóc không ra nước mắt. Còn thảm hơn nữa là không phải chỉ có Đại Yên đang trải qua cuộc phẫu thuật cực lớn để cải tổ trong nước, Bắc Man cũng đang tìm mọi cách để lột xác từ chế độ bộ lạc du mục tiến hóa thành chế độ phong kiến quân chủ... nhưng quá trình không thuận lợi cho lắm. Vì mấy năm nay thời tiết càng lúc càng khắc nghiệt, thức ăn trở nên hiếm hoi, mà tầng lớp bị "ưu tiên" chết đói trước đương nhiên chính là nô lệ...

Nô lệ Bắc Man có thành phần vô cùng hỗn tạp. Chiếm đa số chính là dân thường Đại Yên bị quân địch bắt cướp sang ngày trước, tiếp theo đó là đám tù binh thua trận thuộc các bộ lạc Bắc Man nhỏ hơn bị thu phục sau vô vàn đấu tranh nội bộ, thứ tới nữa mới là nô lệ từ các quốc gia Tây Vực khác bị gót sắt Bắc Man giày xéo chinh phục.

A Sử Na tuy cũng từng là nô lệ, nhưng trên thực tế tính là con tin của hoàng thất Đột Quyết nhiều hơn, ít nhất gã chưa từng bị bỏ đói... Gã trở thành hắc si là nhờ thiên phú bẩm sinh cùng vô vàn nỗ lực mà thành.

Còn nô lệ thật sự hoàn toàn khác. Nô lệ chính là tầng lớp hạ đẳng nhất ở Bắc Man, làm những công việc thô lậu bẩn thỉu ghê tởm nặng nề nhất, bị làm nhục, bị đánh đập, đồng thời không ngừng oằn oại bên bờ vực chết đói... bất kể chủng tộc ban đầu là ai.

Hoàn cảnh sống kinh khủng như thế sẽ tạo thành hai lối thoát duy nhất: Một là khôn sống mống chết bắt nạt kẻ yếu, bằng mọi giá đạp lên nhau để sinh tồn. Hai là giúp đỡ lẫn nhau, nương tựa nhau cùng sống sót.

Con đường thứ nhất khỏi cần nói. Con đường thứ hai lại khiến cho giữa các nô lệ cũng nảy ra vô số tình đồng bạn tương thân tương ái vượt qua mọi rào cản quốc gia chủng tộc. Khi U Châu mở cửa thu nhận nô lệ bỏ trốn, tin tức lan ra theo từng đội ngũ thương nhân đi buôn bán, như gió đông bắc quét ngang đồng cỏ thảo nguyên. Vô số nô lệ xuất thân nước Yên lũ lượt trốn về phương Nam, dẫn theo vô vàn bạn bè thuộc nhiều chủng tộc khác nữa, người người dìu già dắt trẻ, lam lũ nặng nhọc lê bước về phương Nam, về phía U Châu...

Kết quả là U Châu vốn đã có dân số sắp chạm ngưỡng chịu đựng, đặc biệt khu vực sáu ấp Đồng Hoa đồng loạt gánh thêm hai kiếp nạn song song: nô lệ phương Bắc chạy về phương Nam, và nạn dân Trung Nguyên chạy ngược lên phía Bắc.

Lúc Lý Thụy trả phép về đến nơi, cô chỉ biết đờ đẫn nhìn một hàng các trưởng thôn trưởng ấp nhao nhao như ong vỡ tổ trước mặt, trong lòng rối như tơ vò.

Thuộc hạ giỏi giang quá cũng có điểm không ổn nha. Cô nghỉ có nửa năm thôi mà về đến nơi chỉ biết tròn mắt cứng họng ngơ ngác. Sáu ấp Đồng Hoa không còn một mẩu đất hoang nào hết, ngay cả mục trường nuôi ngựa cũng được mở rộng khai hoang hết cả... Đám bảo bối của cô (đàn ngựa và đàn gia súc) đều đã dời chỗ tới vùng biên giới rìa ngoài địa giới U Châu, ý là vùng xám giáp ranh Bắc Man không ai quản lý.

"... U Châu rộng lắm cơ mà... không lẽ hết đất..."

"Hết sạch đất đai rồi." Tổng trưởng ấp cau mặt căng thẳng. "Nạn dân thu xếp đợt này chưa xong đợt khác đã xuất hiện, như cỏ dại được mưa xuân, lửa đốt không chết gió xuân thổi lại tràn lan! Tri phủ U Châu mới nhậm chức buông tay mặc kệ bảo chúng ta tự xử đi... Ông ta mới là quan phụ mẫu của dân nha! Được rồi, tự xử thì tự xử... Nhưng mà nạn dân không khác gì nạn châu chấu, ngay cả đất hoang cũng tranh cướp nhau... U Châu quả thật không còn miếng đất hoang nào, trâu ngựa cũng đâu thể thả vào rừng tự sinh tồn kia chứ!"

"Thế thì phân công đi khai thác mỏ khai thác đá..."

"Cũng đủ người hết cả rồi... Đá cũng đủ mang ra trải đường tới khắp thành U Châu rồi."

"Xưởng dệt đâu, lò rèn đâu?"

"Tất cả đầy ụ hết chỗ cả rồi, nhiều tới mức thừa mứa chứa chan ra rồi!" Tổng trưởng ấp ôm đầu đau đớn. "Tri phủ đại nhân cũng giúp chúng ta một việc duy nhất, ấy là cho phép chúng ta mở thêm xưởng dệt trong châu thành. Ba chỗ. To uỳnh!"

Không thể không thừa nhận là thuộc hạ của Lý Thụy cũng rất giỏi giang, bao nhiêu nạn dân từ Trung Nguyên lên lẫn nô lệ từ phương Bắc trốn về đều cũng được an bài đúng chỗ. Toàn bộ đất hoang khắp U Châu được trưng dụng, khai khẩn cày bừa, khai thác mỏ, làm đường xá, dệt vải, may áo... Có bao nhiêu cách trưng dụng được sức lao động là lôi ra cả, ngay cả nông trại trồng cỏ linh lăng chuyên nuôi ngựa suốt mấy năm nay cũng được lôi ra sử dụng.

Ấy thế nhưng vẫn còn vô số nhân khẩu vẫn rảnh rỗi chưa có công ăn việc làm thì biết làm sao? Số dân quân của mỗi nơi là có giới hạn, cũng không thể để tất cả ngồi yên chờ ăn cứu tế được. Bởi tiền lẫn thực phẩm cứu tế là cách an ủi tai nạn bết bát nhất, ai nấy đều đồng ý thi hành chính sách làm công thay chẩn mà Lý Thụy đề xuất, nhưng vấn đề là không tìm ra được công việc nữa nha!!

Thế nên mới có mục trường xuất hiện ở vùng xám giáp ranh Bắc Man để lưu dân quản lý, lại còn phải thay phiên nhau đóng giữ... Thậm chí các cô các chị ấy còn trình bày một bản kế hoạch cực kỳ tỉ mỉ chu đáo làm thế nào để tận dụng nguồn nhân lực còn thừa trong lưu dân.

A Sử Na và cô cùng nhau tìm hiểu Dực Đế mất vài hôm, rồi lại bàn luận rất lâu với các nhóm trưởng ấp. Cuối cùng cô cố gắng mài mực, nỗ lực trình bày thành một bản báo cáo "Chiến lược làm biên cương trù phú dồi dào" dâng lên Dực Đế. Quả nhiên bao nhiêu công sức không hề phí hoài, Dực Đế rất hoan hỉ chấp thuận đề nghị của cô... Thậm chí bà ta chỉ mong Lý Thụy cứ chuyên tâm vào mấy việc cỏn con này thôi đừng bận lòng chuyện học viện quân sự rồi thì mở rộng quân đội này kia.

Thế là, suốt từ năm Trường Khánh thứ tám tới năm Trường Khánh thứ mười một, sáu ấp Đồng Hoa cùng với hai châu U Ký thành nhóm bạn cùng tiến, chung tay nỗ lực phát triển kinh tế tột bực, đạt được những thành quả rực rỡ tuyệt vời nhất.

Quãng thời gian này, người Bắc Man cũng co cụm lại, tập trung di dời các bộ tộc một cách ồ ạt về phía Tây Vực để chinh phục vùng đất khác, hòng thong thả thu hoạch lương thực dự trữ qua mùa đông. Dù sao Đại Yên cũng khó xơi quá mà. Thế nên triều đình Đại Yên có thể tập trung sức lực đấu trí đấu dũng cùng các loại quan lại kèm nhà giàu ở các địa phương để cải tổ hành chính, không ai còn hơi đâu mà ngó ngàng đến vùng Yên Vân...

Dực Đế hay tin rằng Lý Thụy lúc thì đang tìm cách phổ biến trồng đay trồng gai dệt vải, khi thì chạy ngược chạy xuôi ở Ký Châu để thiết lập công xưởng dệt mới, lúc khác nữa thì ào ào gây dựng mấy đội ngũ lái buôn mở đường buôn bán khắp nơi... khắp nơi bao gồm cả Tây Vực! Thậm chí ngay cả việc mà với bà mới chỉ là ý tưởng mà chưa có thời gian rảnh lẫn sức lực mà thực hiện, là đưa lưu dân tới sát biên giới để cắm đất biên cương, cô cũng đã làm mẫu để cho các châu Yên Vân còn lại rối rít bắt chước làm theo...

Trong số đó phải kể đến hai châu U châu Ký thực hiện giữ quân giữ ấp, ấy nhưng số lượng thuế ruộng thuế buôn lại chỉ xếp sau mỗi Giang Nam... Phải biết rằng nơi này đất đai cằn cỗi chứ không phải phì nhiêu màu mỡ gì cả!

Nên Dực Đế cứ gọi là yên tâm hớn hở... Lý gia quả nhiên không có ai là đồ bỏ đi hết (trừ ông cha của cô ra không tính... không hẳn...), cho dù là một quân nhân thẳng tính như Lý Thụy cũng có thể hiểu được ý của bậc quân vương mà tự mình giấu tài, tốt hơn nữa là còn có thể biết đường tự giác giải quyết vấn đề cho quân vương! Đây quả thực có thể giữ làm tướng tài gìn giữ biên ải cho đời hoàng đế tiếp theo nha...

Lại nói, tuy Dực Đế có lẽ rất nghiêm khắc rất đa nghi đối với các hoàng tử hoàng nữ, nhưng đối với đám thần tử lại rất tử tế... chỉ cần đám bề tôi không chạm vào vẩy ngược đa nghi của bà ấy thôi.

Còn thì về phía vị tướng tài trông coi biên giới tương lai là Lý Thụy, chỉ đơn giản là làm theo lời mẹ dạy "bằng mặt không bằng lòng" mà thôi, chẳng có gì khó chịu cả.

Lưu dân muốn phát triển ra phía sát biên giới, trước hết đương nhiên phải cấp hộ tịch đầy đủ, toàn bộ đều vào hộ tịch quân nhân hoặc ấp nuôi quân. Ấp nuôi quân thì mở ấp mở tới sát tấm bia đánh dấu biên giới hai nước, nên cũng phải chuẩn bị đầy đủ khả năng tự vệ bảo vệ ấp đúng không? Thế nên ngày nông nhàn, dân chúng cùng tập luyện để tăng cường sức khỏe cùng với quân đội cũng là chuyện đương nhiên phải không? Còn thì ngày nào là ngày nông nhàn, ai có thể coi là nông nhàn... đương nhiên hoàng đế sẽ không hỏi kỹ, mà cũng đương nhiên là do Lý Thụy quyết định.

Xưa nay sáu ấp Đồng Hoa sản xuất quân phục cung cấp trong các châu Yên Vân, các trưởng ấp đều càu nhàu đưa tới đâu cũng bị bòn rút sạch sẽ không chừa một cắc, quan lại khắp nơi vừa tham lam ăn bớt vừa chảnh chọe, trên đường càng không an toàn, nên lúc nào cũng phải kèm theo quân đội hộ tống dọc đường, phí tổn vận chuyển cứ gọi là cao chót vót khiến giá cả cũng tăng theo.

Nếu giờ dân chúng kéo tới cậy nhờ che chở nhiều đến thế... trong đó lại rất nhiều trai tráng khỏe mạnh, nhà mình thì sẵn đội quân trinh thám để đó... Được rồi, lập đội kết phường đi buôn đi. Chúng ta không cần loanh quanh trong biên giới mà mở rộng đường phát tài sang bên kia biên giới cũng được. Sợ trên đường gặp cướp ư, khà khà, mỗi đội thương nhân tới cả ngàn người, bên cạnh còn có Ai quân đeo cung tên vác mạch đao đi theo bảo vệ, ra đường gặp cướp chưa biết là ai cướp của ai nha...

Nếu đã lập đội đi buôn, trên đường dù sao cũng phải có bảo tiêu để bảo vệ đúng không? Bảo tiêu cũng phải huấn luyện đúng không? Chỉ có hoàng đế ở nơi xa xôi là không biết, đội "bảo tiêu" của các đoàn thương nhân thuộc sáu ấp, lúc đỉnh điểm số lượng đạt tới ba ngàn người, thậm chí tên là bảo tiêu nhưng còn có khả năng chủ động xuất kích tiêu diệt vài nhóm mã tặc "nho nhỏ" gần biên giới, tiện thể đánh tan vài bộ lạc Bắc Man "nho nhỏ" tính chạy xuống phía Nam mà "cắt cỏ thu hoạch"... Cái gọi là đoàn lái buôn có bảo tiêu đi theo hộ vệ, toàn bộ chức năng được phát huy tới mức kịch trần.

Nhờ thái độ tôn trọng tin tức lưu thông, rồi thì nêu ý tưởng tốt sẽ được ghi công phong thưởng, nên tinh thần tốt đẹp này từ ấp Hiền Lương được phát triển rộng rãi, dần dần lan ra khắp địa bàn hai châu U Ký, cho dù là việc nhà nông hay là kỹ thuật dệt vải may áo giáp đều đạt được những thành tựu vượt bậc.

Nông nghiệp thì dùng biện pháp cải tạo đất và lai tạo chọn giống có ưu điểm nhằm tăng năng suất cây trồng, khiến cho nông nghiệp thâm canh ngày càng phát triển, không những đủ cung cấp cho hai châu sử dụng mà còn dư thừa để bán ra ngoài.

Ngành dệt lại càng tuyệt vời hơn thế, có thể gọi là trăm hoa đua nở, thậm chí phát minh ra lối dệt dày và chặt tay, lối dệt này được đặt tên là "cách dệt Phúc Ý" mà đời sau gọi là vải buồm vậy, Phúc Ý là tên người phát minh ra cách dệt đó. Hơn nữa càng nhờ việc nghiên cứu cải tiến máy dệt có khả năng dệt ra thứ vải Phúc Ý này, mà máy dệt dựa vào sức nước đáng ra không nên xuất hiện ở thời điểm này cũng có thể đường hoàng mà ra đời...

Ngành dệt phát triển cùng với nghề nông được coi trọng, khiến cho nhân lực dôi ra được nhét vào ngành thương mại để phát triển, cùng với các đội thương nhân (kèm bảo tiêu) thúc đẩy bảo vệ thành quả. Thông tin kiến thức được gìn giữ lưu truyền càng khiến cho những người nữ công nhân xuất thân từ thợ dệt có thêm thời gian và động lực để bước lên con đường nghiên cứu khoa học cải tiến dụng cụ sản xuất. Khởi điểm bén rễ từ những công việc đã trở nên quá quen thuộc thường ngày, được ươm cây tỏa bóng lá, cuối cùng trổ hoa kết thành vô vàn trái ngọt trí tuệ rực rỡ.

Nhưng điều khiến Lý Thụy dở cười dở mếu lại là, sở dĩ họ có thể phát triển tinh hoa thế mạnh nội tại của sáu ấp Đồng Hoa ra khắp địa bàn hai châu U Ký, ấy là vì hai châu phủ ấy vừa khéo đổi Tri phủ mới, hơn nữa cả hai vị Tri phủ đều vừa khéo thuộc dạng văn sĩ lãng mạn, sở trường chính là ngâm thơ tụng phú làm câu đối, cùng với buông tay tuân theo học thuyết Hoàng Lão... nói đơn giản, chính là vô vi mà trị, tức là, vui vẻ không cần làm không cần quản lý gì hết. Lý Thụy tới gặp họ để trình bày thương lượng đường lối phát triển này nọ, ai nấy một mực hớn hở gật đầu được được, cô cứ làm gì thì làm, miễn sao lúc chia lợi nhuận đừng quên họ là được.

Thẳng thắn mà nói, ngay cả Lý Thụy cũng ngày càng lạc quan. Một quốc gia có trở nên hùng mạnh hay không, không thể tránh khỏi liên quan đến mọi việc diễn ra ở biên giới. Nếu có thể khiến vùng biên giới cũng trở nên giàu mạnh, các khu vực tranh chấp đều dần dần được khuếch trương trở thành đất nhà mình, cách làm đó mới chính là bức bình phong che chở quốc gia kiên cố nhất. Còn nếu biên giới quân dân èo uột, mốc địa giới chỉ là cho có, đất đai từng bước bị đối thủ gặm chiếm ăn mòn, chỉ sau vài trận đánh sẽ không tránh khỏi mất đất mất chủ quyền và có nhục quốc thể.

Nhìn quanh mà xem, hiện giờ mọi người đều làm được không tệ lắm.

Nếu không có gì bất ngờ xảy ra, chỉ cần cho Dực Đế thêm dăm ba năm để củng cố tình hình nội chính Đại Yên sau cuộc phẫu thuật lớn ấy, biên giới cũng được củng cố mạnh mẽ thành công, lương thảo, vũ khí đều được trang bị đầy đủ thì cho dù là Bắc Man kéo đàn kéo lũ xuống gây sự hay là Đại Yên chủ động xuất kích diệt trừ mối họa lớn này, cũng có thể thoải mái mà làm.Nếu có thể thực sự như vậy, Dực Đế cũng hoàn toàn có thể kế thừa Phượng Đế, khởi đầu một thời kỳ hưng thịnh bền lâu...

Thế nhưng, sự đời luôn có những lối ngoặt trêu ngươi.

Mùa đông năm Trường Khánh thứ mười, tình hình rét đậm rét hại vốn chỉ là cục bộ, cuối cùng cũng hóa thành một trận thiên tai bão tuyết khổng lồ rơi ụp xuống toàn bộ khu vực phía Bắc, chứng thực toàn bộ nỗi lo âu mấy năm nay của Lý Thụy cùng với A Sử Na. Mức độ khủng khiếp của trận thiên tai lần này, cơ hồ sánh ngang cùng đợt tai nạn khổng lồ kéo dài liên miên suốt vài năm cách đây hơn năm mươi năm trước.

Lý Thụy viết bản tấu chương khẩn cấp, trình bày về tình hình thiên tai tuyết lở ảnh hưởng đến Bắc Man cùng với khả năng bọn chúng sẽ chạy nạn kéo xuống phía nam tấn công biên giới. Thế nhưng, bản tấu chương ấy vĩnh viễn nằm trong ngăn kéo bàn của Thượng thư bộ Binh, chưa từng tới tay của Dực Đế.

***

Chương này là chương quá độ sang đoạn kết thúc nên rất dài, siêu dài, kèm một loạt các khái niệm tra từ ná thở, kèm theo đợt nghỉ Noel nghỉ Tết tây rồi thì bận rộn kết toán này kia, nên bây giờ bạn Mèo mới làm xong, mong cả nhà thông cảm ha.

PS: chuẩn bị khăn giấy cho các chương về sau nhé, còn 4 chương nữa thôi :))

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top