Yên Hầu quân - 38

Lời tác giả: Chương này hơi nhạt... thật ra có thể bỏ qua, nhưng nếu không viết thì tôi lại ngứa tay. Thế quái nào mà tôi lại muốn viết chương này kia chứ, rõ ràng là đã quá số chữ cần thiết rồi mà... (lảm nhảm ing).

***

Cuối mùa xuân năm Trường Khánh thứ tám, Lý Thụy bí mật kết hôn lần hai, sau đó giữa mùa hạ lên đường về ấp Hiền Lương, trên đường tiện thể ghé qua kinh thành thăm hai người anh trai vài hôm rồi lập tức khởi hành về U Châu.

Nhưng về đến U Châu chưa được bao lâu, đầu mùa thu năm ấy cô nhận được một tin tức đáng sợ.

Anh cả Lý Ngọc, bị thuyên chuyển xuống làm chủ sự cho Quân khí tư ở bộ Binh, giáng từ tam phẩm xuống lục phẩm. Anh hai Lý Thụy cũng bị giáng chức, từ phụng chiếu lang, cận thần của Thiên tử xuống thành trưởng sử phủ công chúa mới thành lập của Thất công chúa.

Nói cách khác, hai anh trai của cô vốn đang ở trung tâm quyền lực của triều đình chỉ thoáng chốc bị gạt ra ngoài rìa. Nhưng chưa hiểu ra sao thì hai anh ấy đã gửi thư báo tin bình an một cách qua quýt, hơn nữa ngăn cấm cô tuyệt đối không được xen vào chuyện người khác.

Lý Thụy biết chuyện này nhất định có liên quan đến cô, nhưng đồng thời hoàn toàn không hiểu rốt cuộc là liên quan ở chỗ nào.

Chờ đến khi gửi trinh sát cải trang vào kinh thành tìm hiểu thông tin, họ mới biết đầu đuôi câu chuyện. Đơn giản là tai bay vạ gió, trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết. Trong lúc Lý Thụy chạy xuống Giang Nam kết hôn kiêm hưởng tuần trăng mật, triều đình đã xảy ra một chuyện cực kỳ nghiêm trọng.

Tộc họ Mộc đời đời trấn thủ Vân Nam, trong tay nắm giữ mấy vạn đại quân ,đã bắt giữ và giết hại vài nhóm kiểm thuế thu thuế do triều đình cử đến. Trong kinh thành có vị Mộc đại nhân làm quan cao chức trọng thuộc dạng nòng cốt ở Hộ bộ, khéo thay lại nắm giữ quản lý tài chính toàn bộ dải Vân Nam Quý Châu. Mặc dù ông ta cũng viết thư về nhà khiển trách con cháu, nhưng đồng thời cũng ra sức hối lộ trên dưới trong kinh thành để nghĩ cách ém hết mấy vụ án mạng này xuống không trình lên trên.

Tới khi Dực Đế biết được chuyện này qua đường thông tin không chính thức, bà vô cùng giận dữ, lập tức sai bắt giam Mộc đại nhân ném vào bộ Hình, nghiêm khắc điều tra trừng phạt. Ai dè Mộ đại nhân vừa vào tù, cả tộc họ Mộc vùng lên làm phản, vẫy cờ chiếm đất xưng vương.

Thế là đương nhiên như đổ thêm dầu vào lửa, hoàn toàn không có tí tác dụng nào lại còn gây nên hậu quả nghiêm trọng hơn. Dực Đế ban đầu còn muốn giơ cao đánh khẽ xử trí nhẹ tay giờ khác nào rồng bị sờ vào vảy ngược. Mộc đại nhân ban đầu định cuối thu mới mang ra xử chém, giờ chính miệng Dực Đế hạ lệnh lập tức mang ra chém đầu, bêu đầu vòng quanh để cảnh cáo. Đặc biệt nữa là thánh chỉ hoàng đế dùng thư khẩn tám trăm dặm gửi tới Sở vương vốn đang bận tối mặt đánh nhau với quân Hồi Hột, ra lệnh cho ông ta lập tức xuất binh tiêu diệt quân phản loạn.

Sở vương tiếp chỉ xong cũng không phái nhiều người, chỉ cắt cử năm ngàn kỵ binh thiết giáp. Tuy bảo Mộc thị không khác gì vua không ngai ở Vân Nam, trong tay nắm chục vạn đại quân, nhưng thực tế ra sao thì chả cần nói ai cũng hiểu... Ừ thì thực tế cũng chắc được tầm ba bốn vạn quân đấy, thêm địa hình Vân Nam phức tạp không có lợi cho kỵ binh đánh trận nên cả tộc họ Mộc còn đang nhảy nhót hớn hở, rằng thì "Kiếm của thiên tử" tới đây cũng chẳng làm gì được đâu...

Ai mà ngờ chứ, quân Thục những tưởng xa xôi mà tới, hành quân mệt mỏi, trên thực tế lại chính là đội quân như sói như hổ, so với họ thì Mộc gia quân chả khác gì một đàn cừu non hiền lành ngoan ngoãn. Đối với đội quân hổ lang ấy, phiền toái lớn nhất do mấy vạn đầu cừu non gây ra chính là... nhiều quá chém mỏi hết cả tay. Hơn nữa con cừu đầu đàn lại còn ngu không chịu được, thử chơi trò vây quanh quân địch rồi lấy thân làm mồi dẫn rắn rời hang, kết quả là bị hổ báo sài lang nhào lên gặm một phát chém bay đầu. Vân Nam vương xưng vương chưa được mấy ngày vui vẻ đã mất đầu, Mộc gia quân lập tức lẩy bẩy tước vũ khí đầu hàng. Vụ việc giết quan triều đình rồi dấy binh làm phản này mở đầu một cách oanh liệt rền vang, cuối cùng lại kết thúc theo kiểu đầu voi đuôi chuột một cách nhanh chóng chỉ sau vài tháng.

Thật ra thì cơn giận lôi đình của Dực Đế lần này nhằm vào tình tiết nghiêm trọng tồi tệ mở đầu đợt phản loạn, bởi nó thằng thừng tát một phát rất đau vào những nỗ lực suốt bao nhiêu năm để cải tổ hành chính thuế má của bà.

Thành tựu lớn nhất của Dực Đế chính là các chính sách đối nội cực kỳ thông minh. Phải biết rằng mãi tới Ung Chính nhà Thanh về sau mới đưa ra chính sách "đo đất tính thuế, quan lại thân sĩ cũng đều phải nộp", nhưng với sự tài hoa mẫn tiệp của mình, bà đã đưa chính sách này ra sớm hơn cả ngàn năm, tự mình trình bày thuyết phục đế mẫu là Phượng Đế còn tại vị.

Có thể nói, so với đế mẫu "hoàng đế xuất sắc ngàn đời" cùng với hoàng huynh "kiếm của thiên tử", sở trường đặc biệt độc đáo của bà là "coi trọng việc sử dụng chức lại bên cạnh chức quan, cải cách hợp lý các loại thuế phú", khiến bà cũng đủ tư cách được xếp vào hàng ngũ các vị vua hiền trong lịch sử.

Nước Đại Yên truyền đến nay đã hơn ba trăm năm, đến thời kì già nua bệnh tật tận xương. Phong Đế cùng Phượng Đế chung tay mạnh mẽ cải tổ hai đời mới miễn cưỡng kéo lại toàn bộ đế quốc đã vào giai đoạn gần đất xa trời và tạo ra được khí thế hồi phục phần nào. Khi còn là hoàng thái nữ, Dực Đế đã cực kỳ sốt ruột: thuế má hàng năm đều giảm thu, dân số hàng năm lại tăng mạnh, việc lấn chiếm đất đai trốn thuế cực kỳ nghiêm trọng, đặc biệt là đều do đám quan lại nhà giàu địa phương cấu kết gây ra, dối trên lừa dưới, giả danh triều đình thu thêm thuế khống. Nông dân nghèo khổ vất vả lại còn bị chiếm dụng đất đai, chỉ cần dính phải thiên tai là suy sụp, lối thoát duy nhất là bí quá hóa liều vào rừng lên núi làm cướp, trở thành thổ phỉ hoặc giương cờ làm phản.

Kết quả là triều đình lại phải bỏ tiền quốc khố ra để tiêu diệt phản quân, nhưng chỉ trị được phần ngọn, còn gốc rễ vẫn tiếp tục thối rữa khi mà phần lớn đất đai phì nhiêu đều nằm trong tay đám địa chủ cường hào cấu kết cùng tham quan điêu lại nhằm trốn thuế. Kết quả nữa là quốc khố triều đình ngày càng eo hẹp, cái vòng luẩn quẩn này vĩnh viễn không có cách nào thoát ra.

Chính vì quá sốt ruột, nên từ khi còn là hoàng thái nữ, bà đã đẩy con gái ruột Mộ Dung Phức tới Hình bộ làm việc, mạnh tay lật đổ vô số quan đại thần tham ô thối nát trong triều đình. Chính vì quá sốt ruột, nên bà mới không tuân theo di chúc của Phượng Đế "thong thả tiến hành", mà vừa mới lên ngôi đã thuyên chuyển hoàng huynh Sở Vương sang đất Thục, cắt giảm quân đội mạnh mẽ, ngoài nguyên do nho nhỏ là tính cách đa nghi của mình, còn bởi vì căn cơ của bà trong triều quá yếu ớt khiến bà vô cùng lo sợ.

Bởi vậy nên bà mới thuyết phục Phượng Đế nâng đỡ khích lệ các sĩ tử nhà nghèo, thậm chí trọng dụng cả phụ nữ làm chức lại, tăng mạnh hệ thống khảo hạch cùng với chức vị cho chức lại, chính là để lót đường chuẩn bị cho chính pháp mới... Tuyệt đối không thể để Đại Yên tiếp tục bị thối nát từ gốc rễ hạ tầng cơ sở như trước!

Nhưng việc đo đạc đất đai cả nước, ép đám tham quan ác bá nôn tiền ra không phải chuyện dễ dàng. Đế quốc này quá to rộng, tin tức truyền lại quá chậm chạp, bà cũng muốn giết gà dọa khỉ lắm, nhưng bầy khỉ lại quá đông quá nhiều khiến bà phải dùng quá nửa tâm trí đối phó...

Mộc thị ở Vân Nam dám mơ tưởng một tay che trời, ngang nhiên khiêu chiến quyền lực của triều đình! Mấy đời làm ông vua không ngai ở địa phương, chiếm dụng gần nửa đất đai Vân Nam làm của riêng. Giờ bà mới yêu cầu đo lại đất đai tính lại thuế, hắn không những không chịu nhả ra xu nào lại còn dám giết thuế lại mà bà cử đến!

Nếu không phải vương phu của bà khuyên can tới khô cổ, Dực Đế đã hạ lệnh chém đủ chín tộc nhà hắn... Thậm chí là chém đầu hết toàn bộ họ Mộc trong thiên hạ!

Cơ mà vì Dực Đế rất tức giận, thậm chí là phẫn nộ điên cuồng như cơn lôi đình sấm sét, nên cũng giận cá chém thớt đến trăm quan khắp triều đình, nhất là nhà nào có người làm quan cả văn cả võ đều bị bà ấy hung hăng mắng chửi cảnh cáo... Văn võ cấu kết với nhau, tai họa ngầm càng lớn! Tính nhỏ nhen hẹp hòi của bà ấy hoàn toàn bị kích hoạt, nhìn ai trong triều dù văn hay võ đều có vẻ như đang muốn đối đầu làm trái ý mình.

Thiên tử giận dữ, máu chảy thành sông!

Còn may, vị hoàng đế đang tại vị này là một vị nữ đế, giận thì giận cực kỳ đấy, nhưng tính ra không chém đầu quá nhiều, trừ cả tộc họ Mộc ôm đầu Mộc đại nhân kéo nhau đi đày ở Quỳnh Châu (đảo Hải Nam) ra. Nhưng trong suốt một thời gian dài, trăm quan ai nấy cun cút kẹp đuôi im lặng không dám chạm vào cơn giận của hoàng để... Chỉ sợ nhỡ may vương phu không khuyên nổi nữa, nữ đế lại nổi điên lên một lần, đến lúc đó muốn ai chết, muốn bao nhiêu người chết... không ai biết, cũng không ai dám nghĩ.

Mấy chuyện này đáng ra chả có liên quan cái mịa gì đến Lý Thụy, cơn giận dữ như sấm sét này của Dực Đế đánh xuống khắp nơi, nhưng chưa từng rơi xuống nhà họ Lý. Bởi ở góc độ công sự mà nói, Dực Đế vẫn còn lý trí.

Bởi thật ra bà có một xíu ghen tị với Lý Thụy: đám ngôn quan nói nhiều nói lắm suốt ngày khuyên này can nọ nhức cả đầu, nhưng hở ra là lôi các thành tích của sáu ấp ra so sánh kích thích bà, rồi thì mấy người như một đều khen ngợi Yên Hầu hết lời. Nhưng với hai cậu thanh niên làm quan có tài còn lại của nhà họ Lý thì bà lại rất hài lòng, nếu không phải chúng nó còn trẻ quá, bà đã điều cả hai đứa vào bộ máy đầu não trung tâm quyền lực từ lâu... Biết làm sao được, năm Trường Khánh thứ tám này Lý Ngọc mới tròn ba mươi, còn Lý Ly cũng mới hai mươi chín tuổi.

Cũng bởi họ còn trẻ quá, nên bà vốn giữ họ lại để làm Tể tướng dự bị cho hoàng thái nữ con mình. Thậm chí bà còn tính để họ làm quan trong kinh thêm vài năm cho lý lịch đẹp đẽ rồi thả ra ngoài trấn thủ một vùng thêm vài nhiệm kỳ rồi quay lại, khi ấy cũng vừa đủ thời gian để bắt đầu phụ tá hoàng thái nữ học cách trị quốc.

Cơ mà tâm kế tính toán của bậc đế vương, không phải bề tôi nào cũng tính ra được. Binh Bộ thượng thư cảm giác được nguy cơ trùng trùng... Kẻ này tính tình nhỏ nhen cay nghiệt, quan hệ đồng liêu cực kỳ kém cỏi, lại hoàn toàn không hiểu gì về quân sự, lên làm thượng thư nhờ việc sống lâu lên lão làng thuần túy mà thôi... Được ba mươi năm cứ tuần tự tiệm tiến như thế, ông ta cũng đã tròn sáu mươi tuổi rồi. So với Lý Ngọc, người cũng như tên, quân tử khiêm tốn dịu dàng như ngọc quý, có tài có đức, lại cực hiểu quân sự, quan hệ đồng liêu cực kỳ tâm đắc, làm sao có thể không đố kị, không thù hận kia chứ?

Lý Ly càng khiến cho mấy vị Tể tướng có tuổi đương triều cảm thấy vị trí của mình bị uy hiếp trầm trọng. Phong lưu hào phóng, dáng vẻ ngời ngời, cao quý như tiên, đã thế thi từ ca phú cái gì cũng tinh thông, nghị chương bàn luận việc nước cần gì có nấy, hoàn toàn xứng đáng danh xưng tài tử cực phẩm, tài mạo song toàn. Dực Đế vốn từng ám chỉ muốn điều gã vào Nội các để rèn luyện ngay, đám Tể tướng già kia thiếu điều lấy mệnh mà khuyên ngăn, nếu không Đại Yên suýt nữa đã có một vị phó tể tướng thậm chí là Tể tướng chưa đầy ba mươi tuổi.

Ấy thế nhưng hai anh em trai cùng nhau giữ vị trí quan trọng trong triều đình này lại hoàn toàn không có chút khuyết điểm nào, ngay cả tính xúc động nóng nảy hay gặp ở thiếu niên cũng không, lại còn khéo léo đối nhân xử thế, không cách nào tóm được đuôi cáo, cực kỳ phù hợp làm quan nhất phẩm... Ngay cả đám ngôn quan cũng nhìn nhau vò đầu bứt tai không biết lấy cái gì ra mà hạch tội hai người.

Nhưng ngay vào thời điểm ai nấy sợ bóng sợ gió này, Lý Thụy lại dám công khai xuất hiện ở kinh thành đến thăm hai anh trai... Điều này khiến cho đám quyền cao chức trọng đang hằm hè tìm sơ hở để tấn công đồng loạt sáng mắt.

Kết quả là trận đối đầu giữa đám quan nắm quyền già cỗi và hai vị quan có tài trẻ tuổi bùng nổ. Đám quyền thần xoa tay xoa chân hợp tác, ai nấy vỗ bàn viết một loạt tấu chương vạch tội, rơi lộp độp như mưa đá trên long án của Dực Đế...

Tướng ở biên cảnh, kiêu ngạo phách lối, kết đảng với người thân làm quan văn trong kinh thành! Coi khinh quyền lực hoàng đế, đã vào kinh thành mà không đệ đơn vào bái kiến, rõ ràng có mưu đồ làm loạn!

Dực Đế đương nhiên là nổi giận, quả thật là nổi giận tới mức sấm chớp đùng đoàng! Nhưng không phải giận nhà họ Lý, mà là giận đám quan to trong triều lại đi dùng thủ đoạn ngu xuẩn như vậy để loại trừ đối thủ! Một lũ vô dụng, sau này đừng hòng khoe khoang làm việc lớn cùng trẫm...

Nhưng bà nghĩ kỹ một hồi, lưng lại toát mồ hôi lạnh. Làm vua thật khó nha! Hai đứa nhóc kia sao trẻ quá không lớn thêm tám tuổi mười tuổi kia chứ... Bà cũng phải kiểm điểm bản thân có phải xưa nay tỏ ra ân sủng quá nhiều với hai nòng cốt tương lai của nước nhà khiến họ bị người đố kị hay không.

Nghĩ hoài nghĩ mãi cả đêm, còn chưa biết xử trí ra sao, hai anh em họ Lý đã đồng loạt dâng thư tự thỉnh tội.

Đọc qua, hẳn là ý tưởng của Lý Ly, rồi Lý Ngọc thêm thắt bổ sung. Tấu chương hoa mỹ văn vẻ, văn chương lai láng cảm tình, tóm tắt lại là, Lý Thụy xin nghỉ về nhà thăm người thân, mẹ ruột thương nhớ hai con trai trong kinh thành nên mới nhờ em gái mang theo quần áo giày dép tự tay mẹ làm mang vào cho anh. Chỉ trách là anh em họ băn khoăn kiêng dè không dám tiết lộ chuyện triều chính nên mới khiến Lý Thụy ngây thơ chẳng hay biết gì, tranh thủ vẫn còn ngày phép chạy vào kinh thành tặng áo quần khiến cho sóng gió nổi lên. Vua không hài lòng là nỗi nhục của thần tử, nên cho dù bị phán tội gì anh em họ cũng đều xin chấp nhận.

Dực Đế chao ôi là cảm động. Hầy dà sao anh em nhà mi trẻ tuổi quá làm chi... Nhìn thấy chưa trình độ như thế này mà vẫn phải ráng chờ thêm mười mấy hai mươi năm làm quan nữa, rồi phải chờ tới hoàng thái nữ lên ngôi mới được trọng dụng.

Từ lúc Dực Đế bắt đầu giận dữ, nguyên do là tức giận việc văn võ cấu kết, thế là đám quan văn thật sự không lui tới với võ tướng nữa... cho dù là người nhà. Điều này nói lên điều gì? Nói lên rằng đám ngu xuẩn mất nết đấy "tiết lộ chuyện triều chính". Anh em nhà họ Lý thì lại cẩn trọng quá mức thậm chí không dám kể với người nhà chuyện này.

Đó mới là người xứng đáng làm việc với trẫm nha. Không những bâng quơ một câu trả thù đối thủ, lại còn nghiêm chỉnh dâng lý do cho hoàng đế xuống nước... đấy chính là khác biệt một trời một vực về đạo làm bề tôi nha.

Kết quả là Dực Đế ném xuống hai đạo thánh chỉ, nổi cơn lôi đình sấm vang chớp giật đùng đoàng mắng té tát hai anh em họ Lý, nặng lời tới độ tưởng như chuẩn bị lôi hai đứa ra chém đầu ngay và luôn... Cơ mà sau đó lại ngoéo một cái giọng văn biến chuyển nhẹ nhàng, niệm tình ngày xưa cần cù làm việc nên phạt giáng chức quan nhé. Lý Ngọc đâu, trước kia cậu thích nghiên cứu vũ khí, giờ tiếp tục đi nghiên cứu cho trẫm. Lý Ly đâu, nếu ở Hàn Lâm viện quen tay rồi, Thất công chúa lại đang có ý định biên soạn lại lịch sử các triều đại xưa nay, vậy cậu sang làm trưởng sử giúp công chúa đi thôi.

Giơ thật cao, thả rất nhẹ, khiến cả đám đại thần trong triều nghệt như ngỗng ẻ.

Hai anh em dắt tay nhau tới tạ ơn, cực kỳ chân thành kiêm uyển chuyển cám ơn Hoàng thượng đã giữ gìn bảo vệ họ để hai anh em có thể náu thân giấu tài để trau giồi kiến thức cho tương lai cần dùng. Dực Đế cũng cảm thấy vui vẻ yên tâm trăm phần, vua tôi tương đắc, tâm ý tương thông, thuận hòa sung sướng. Đọc hết báo cáo của các trinh sát tốn bao nhiêu công viết gửi về, Lý Thụy cũng nghệt ra hồi lâu thật lâu rồi mới đưa A Sử Na đọc. A Sử Na vừa đọc vừa cười. "Hoàng đế với quan lại trong triều Đại Yên các nàng có phải ai nấy đều no cơm ấm cật rảnh rỗi không biết làm gì nên chơi mấy trò đấu trí để tiêu cơm đúng không?"

"Mẹ ta từng nói, làm vua đã khó, làm bề tôi cũng chẳng dễ." Lý Thụy thở than. "Quả nhiên là không dễ, như ta là ta chịu không làm được."

***

Sozi có vài đoạn hơi chém, nhất là đoạn cuối lúc các thành viên tham gia battle mặt nghệt như ngỗng ẻ với chiếu chỉ của Dực Đế.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top