Yên Hầu quân - 37
A Sử Na và Lý Thụy lang thang chơi ở Tô Châu để giết thời gian... Bà mẹ vợ cực kỳ đặc biệt của gã gọi đây là "tuần trăng mật", nhất quyết bắt hai người phải đi đâu đấy chơi một thời gian, đồng thời thẳng thừng cự tuyệt đề nghị cả nhà cùng đi chơi với nhau mà đuổi cổ hai đứa mới cưới ra khỏi nhà.
Cảnh sắc Giang Nam đương nhiên rất đẹp, nhưng hai kẻ cả đời làm huấn luyện viên, ngoài đánh trận chỉ biết dạy dỗ học sinh đánh trận ra làm sao nên đương nhiên không có mấy cảm hứng du ngoạn ngắm cảnh hưởng trăng mật. Thế nên ngoài việc hàng đêm hưởng thụ trăng mật thì ban ngày nói chuyện ba câu thì hết bốn câu về nghề cũ quen thuộc.
"Người Giang Nam chây ỳ quá thể, ai nấy đều ủ rũ chậm rì rì... Thế này sức binh sĩ làm sao mà khỏe được..." A Sử Na quan sát vài ngày rồi lắc đầu nhận xét. "Có trưng binh thì cũng sẽ toàn là con nhà lính tính nhà quan, gặp Bắc Man một trận là toi cơm hết cả."
"Thước có sở đoản, tấc có sở trường." Lý Thụy phân tích. "Giang Nam ít khi chịu tai họa chiến tranh, dân chúng tương đối giàu có cơm no áo ấm đã quen nên đương nhiên thiếu đi chút nhuệ khí nhưng lại nhiều tính xảo trá hơn so với người phương Bắc thật... Nhưng Giang Nam lại nhiều sông ngòi ao rạch, nên người giỏi việc sông nước cũng nhiều. Nếu muốn gây dựng đội thủy quân thì nguồn trưng dụng binh lính ở Giang Nam lại thích hợp hơn Yên Vân chỗ chúng ta."
(Thước dài hơn tấc, nhưng thước cũng có điểm yếu/sở đoản, tấc cũng có điểm mạnh riêng/sở trường. Ý nói mỗi cá nhân đều có điểm mạnh điểm yếu riêng tùy theo góc nhìn, không nên đánh đồng mọi thứ.)
A Sử Na khịt mũi không coi là đúng. Lý Thụy cười khẽ rồi dắt gã lên thuyền đi chơi một vòng. Gã hắc si gốc Đột Quyết nổi tiếng anh hùng dũng cảm nào đó, vừa lên thuyền được một lúc là đã ôm bụng nôn thốc nôn tháo, mặt tái mét rất đáng thương.
Không thể không nói, Lý Thụy cũng xấu bụng ra trò, nhất là thích chơi trò dùng thí nghiệm để chứng minh lý thuyết, nhưng lúc nào thí nghiệm thì không bao giờ báo trước. Có điều lý thuyết đã được chứng minh xong xuôi thì cô cũng không ngại gì mà bảo người lái thuyền cập bờ. Ấy thế nhưng A Sử Na vừa nôn mật xanh mật vàng mặt tái mét lại ngẩng lên không chịu.
"Sao nàng không bị nôn?" Tinh thần học hỏi nghiên cứu cái mới của A Sử Na rất nghiêm túc.
"Hồi nhỏ ta đã từng ngồi thuyền." Lý Thụy nói thật. "Ngồi thuyền về Uyển thành, đường đi rất lâu rất lâu. Ban đầu ta cũng nôn ói phát sợ lên được, nhưng lâu ngày quen dần thì không sao nữa... Chàng đừng nhìn xuống mặt nước sẽ khiến đầu óc càng choáng hơn, mà phải buông mắt nhìn ra xa hơn. Ờ, thí dụ như ngọn núi đằng trước kia chẳng hạn. Đừng nghĩ đến chuyện buồn nôn... Ồ trên núi kia hình như có một rừng hoa đào... Mà đúng thế thật! Chàng thử nhìn kỹ mà xem, đẹp chưa kìa..."
Quả không hổ danh hai chữ hắc si, không hổ danh trinh thám xuất sắc bậc nhất trong quân đội Bắc Man, thậm chí A Sử Na còn giỏi hơn rất nhiều hắc si khác nữa. Ngay cả chuyện say sóng này gã cũng khắc phục được rất nhanh, theo lời gã thì là "nôn tới nôn lui một hồi cũng quen cả".Mặc dù gã kiên trì chịu đựng và vượt qua được cơn say sóng, nhưng gã cũng không thể không thừa nhận Lý Thụy nói đúng. Đào tạo thủy quân thì vẫn nên dùng người Giang Nam là hơn, nguồn mộ binh không có chuyện nguồn tốt nguồn không tốt, mà chủ yếu là xem cách trưng dụng ở địa phương nào để có tác dụng tốt nhất.
Về sau, họ còn dắt nhau đi xem triều dâng trên sông Tiền Đường, lần đầu tiên hai kẻ tay mơ này nhìn thấy biển, quả thực là hưng phấn như trẻ thơ. Sau nữa, họ lại hỏi thăm được ở Tô Châu có một hải cảng, lại đúng lúc nước Uy gửi sứ giả tới Đại Yên làm khách, nên hai người họ lại dắt nhau chạy tới xem có gì hay ho. Đều là xuất thân từ quân ngũ, nên hai kẻ nọ nhanh chóng chui vào được doanh trại thủy quân của sư đoàn Tô Châu làm quen. Hỏi chuyện qua một hồi, ôi chao hóa ra chính là vị Yên hầu nổi tiếng khắp vùng biên cảnh... Gì cơ, lại còn là con gái yêu của Lý tri phủ Lý Dung Tranh sao?! Oa, thất kính thất kính...
Kết quả là cả hai được mời lên thuyền ra biển chơi một vòng. Lần này ngay cả Lý Thụy cũng phun ra vài lần mới có thể bình tĩnh nổi, A Sử Na thì càng không cần nói...
Mặc dù chỉ là một lần thao luyện của thủy quân, làm một vòng nho nhỏ bên ngoài hải cảng, nhưng hai thanh niên kia kịp nhanh chóng hòa mình vào đám binh tướng thủy quân. Tuy chiến trường khác nhau một bên là biển một bên là đất liền nhưng đều có điểm chung là chiến tranh đổ máu, họ tò mò thủy quân hoạt động ra sao, binh sĩ thủy quân cũng hâm mộ cuộc sống rong ruổi lưng ngựa vai đeo cung tên ngoài biên ải. Hai bên đều sung sướng trao đổi vui vẻ nói chuyện với nhau.
Sau lại, hai vợ chồng đưa ra cảm nghĩ về kỳ nghỉ trăng mật này: Tuy thủy quân thú vị mới lạ thật, nhưng mà họ vẫn thích hợp với việc giục ngựa bắn cung vung đao giết giặc hơn. Giang Nam tuy đẹp, trăm hoa khoe sắc, nhưng hai người đều bắt đầu thấy nhớ sáu ấp Đồng Hoa giản dị và khoáng đạt của mình.
Còn Mộ Dung Xán sau khi nghe được những cảm tưởng này thì chỉ biết ôm trán lắc đầu, bà uể oải lầu bầu, không biết treo ngược hai đứa này lên chưng một hồi thì có chiết xuất ra được tí xíu lãng mạn nào hay không nhỉ.
A Sử Na tuy không hiểu mẹ vợ nói gì, nhưng nhờ có Lý Thụy đã cặn kẽ báo trước, gã biết điều mà ngậm miệng không hỏi lại. Những lúc này chỉ cần mỉm cười nghe là được rồi.
Dù sao thì ở nhà họ Lý, cho dù là tri phủ Tô Châu đứng đầu một phương giàu có, hay là Phụng chiếu lang cận thần của thiên tử, cho tới Kinh lịch lang đầu não số hai của bộ Binh... Thậm chí ngay cả Yên Hầu quân oai phong một cõi, đứng trước mặt Lý phu nhân họ Mộ Dung nọ cũng không dám thẳng lưng khinh cuồng. Bào bà ấy như một "Phượng Đế" nói một không hai của cả gia đình họ Lý cũng hoàn toàn không quá đáng chút nào.
(Phụng chiếu lang, Kinh lịch lang là hai chức quan của hai anh trai Lý Thụy.)
Ngay cả A Sử Na xưa nay kiêu ngạo nhìn đời nửa con mắt cũng bị khí chất tiềm ẩn của vị nhạc mẫu thoạt nhìn rất dịu dàng hiền thục khiêm tốn này trấn áp không khoan nhượng.
Đội Ai quân oai hùng nổi danh khắp vùng biên ải, trên thực tế xuất phát điểm từ chính Lý phu nhân... Võ công của Lý Thụy tuy non nửa học từ Sở vương, nhưng già nửa còn lại hóa ra lại học từ vị nhạc mẫu thần kỳ ấy... bao gồm của thuật bắn cung cực kỳ chuẩn xác.
Trước mặt vị nhạc mẫu nhanh nhẹn giỏi giang này, gã cực kì biết điều mà thu hồi toàn bộ vẻ kiêu căng ngạo mạn của bản thân, cực kỳ chân thành tha thiết đổi giọng gọi một tiếng "Mẹ". Bởi vì mẹ vợ vui vẻ hài lòng rồi thì sẽ hớn hở dạy cho hai đứa không ít phương pháp luyện binh thoạt nhìn kỳ cục cổ quái nhưng hóa ra vô cùng thực dụng, bảo là tặng quà ra mắt. Nên họa chăng bị ngu đầu thì mới dám hỗn với bà ấy.
Cơ mà, tuy ngạc nhiên có, mừng rỡ có, nhưng khó hiểu cũng có, gã khó hiểu ấy là, vị nhạc mẫu nghe đồn sinh ra lớn lên nơi khuê phòng trướng rủ rèm buông, sao lại có thể biết cách cầm quân huấn luyện quân đội. Rốt cuộc lai lịch bà ấy ra sao kia chứ...
Cũng bởi gã cực kỳ tôn kính mẹ vợ, nên lúc đi ngang qua kinh thành ghé thăm hai vị anh vợ, gã cũng cẩn thận thu hồi tính kiêu ngạo của mình lại.
Hai vị anh vợ cũng nhận được thư mẹ ruột gửi, ngoài vẻ lo âu vốn có thì lại tỏ ra cực kì bình tĩnh. Bởi gã không biết một điều, hai người anh trai cưng em gái tới mức coi là muội khống này, nỗi hối tiếc lớn nhất cả đời là không thể tự mình cưới em gái để chăm sóc nó cả đời, chỉ có thể trông chờ em rể chăm sóc em gái thay mình... Nên niềm hi vọng em gái gả chồng của họ lớn hơn rất nhiều chính chủ đi lấy chồng.
Thậm chí yêu cầu của họ đã hạ thấp rất thấp, chỉ cần Lý Thụy đồng ý cưới, đối phương là nam giới, sinh động một chút, chịu chăm sóc em gái họ cả đời, còn lại những thứ khác đều chấp nhận được.
Gặp em rể, hai ông anh nói khéo đuổi Lý Thụy ra ngoài chơi một mình, rồi thì anh hai làm kẻ xấu, anh cả làm người tốt, hỏi han tỉ mỉ không thua gì thẩm vấn phạm nhân, từ tổ tông mười tám đời đến hiện tại.
Tóm gọn lại như sau, hai ông anh vợ cũng tính là vừa lòng rồi, bởi so với yêu cầu của họ thì đã tốt hơn rất nhiều. Này nhé, đều là giáo viên học viện? Cũng được, sớm chiều bên nhau thì mới chăm sóc được em gái. Từng là hoàng tộc Đột Quyết ư? Quá tốt, dù gì em gái họ cũng phong Hầu tước, phải thế mới xứng đáng, hơn nữa như vậy cũng sẽ không tính chuyện ăn bám sống nhờ chức tước của vợ phải không. Đã từng làm nô lệ ư? Không thành vấn đề, đàn ông đàn ang biết nhẫn nại nỗi nhục nhất thời để thành công về sau là tốt, hơn nữa em gái họ đã viết giấy thả nô lệ rồi thấy không?
Còn thì là người nước ngoài ư... Trải qua chuyện cũ với tên Lương Hằng mất dạy kia, hai anh em họ đã thấm nhuần được ưu điểm của việc không cha không mẹ không gia đình. Dầu gì cũng là con trai của Mộ Dung Xán, rộng lượng nghĩ thoáng chỉ là yêu cầu cơ bản mà thôi.
Chẳng qua là người anh cả đóng vai người tốt kia đến cuối lôi ra một tờ giấy hòa ly yêu cầu gã ký tên, khiến A Sử Na rất bất ngờ.
Đáng ra gã phải giận điên người nổi cơn lôi đình xé nát tờ giấy nọ, nhưng nghĩ đến mẹ vợ đáng kính trọng của mình, gã vẫn kìm nén tính nóng nảy của mình mà bình tĩnh nói với anh cả. "... Em sẽ không bao giờ bỏ vợ."
"Không phải bảo chú bỏ vợ." Anh cả vẫn thong thả hòa ái nói. "Muốn hòa ly thì cả em gái tôi cũng phải ký tên đúng không? Anh em chúng tôi ấy à, nói thật cũng không dám mong chờ chú thề nguyền tuyệt đối không nạp vợ lẽ này kia, nhưng phụ nữ nhà này tôi biết, cực kỳ ghét chuyện tranh giành tình cảm chốn nội trạch. Nói thẳng ra thì tôi với em trai tôi cũng tuyệt đối không để xảy ra chuyện đó."
Rồi anh cả nở một nụ cười buồn bã bi thương. "Chỉ là, nhỡ đâu, tôi chỉ muốn nói là nhỡ ra một ngày chú có người mới, cô em gái kiêu ngạo của tôi sẽ tuyệt đối không tìm cách giữ chú lại, càng không tìm cách ở lại với chú. Nên tờ thư hòa ly này cho con bé, coi như để nó yên lòng, cũng để cho kẻ làm anh như chúng tôi yên lòng..."
"Chú không muốn ký cũng được, đã thế..." Tới lượt anh hai với vẻ ngoài ăn đứt cả các mỹ nữ nổi danh, giờ xụ mặt xuống chưa nói hết lời dọa nạt, A Sử Na đã ngắt lời.
"Em ký." Rôi gã cúi xuống, xiêu xiêu vẹo vẹo ký tên mình lên thư hòa ly. Hai ông anh vợ nghệt ra tròn mắt nhìn, A Sử Na thản nhiên cười. "Lửa thử vàng gian nan thử sức, Lý Thụy cả đời này đảm bảo sẽ không phải dùng đến thư hòa ly."
Câu nói này của gã khiến cho cả hai ông anh vợ đều đỏ hoe đôi mắt. Khó khăn lắm cô em gái của họ cũng tìm được một gã đàn ông vừa mắt bản thân và không hề lòng lang dạ sói sau từng đó năm cô đơn. Chưa biết tương lai ra sao, nhưng riêng khí phách này cũng đủ để hai anh em họ an lòng một nửa.
Mẹ vẫn hay nói đó thôi, khởi đầu thuận lợi thì đã là một nửa thành công. Bây giờ có thể coi là thành công một nửa rồi.
Về sau, Lý Thụy thấy tờ thư hòa ly nọ, lại nghe hai ông anh trai thương cảm kéo tay em gái lải nhải kể lể kèm khóc lóc hồi lâu, phản ứng của cô lúc ấy không phải là cảm động mà là hoàn toàn không thể hiểu nổi.
Sau nữa, cô lén hỏi A Sử Na, bởi vì thật sự không ngờ một hắc si Đột Quyết vốn kiêu ngạo lại chịu thuận theo như thế... Cô tưởng A Sử Na sẽ giận đùng đùng xé tan tờ giấy thành trăm tám chục mảnh rồi túm tay cô tông cửa bỏ đi cơ.
"Một tờ giấy nhảm nhí nhưng có thể để hai vị anh vợ yên tâm, chả đáng gì." A Sử Na thản nhiên trả lời, thậm chí không thèm nhíu mày gì hết. "Mấy người nước Yên như nàng đúng là thích nói chuyện lòng vòng giấu đao giấu kiếm. Nói thẳng với ta là không thích ta cưới vợ lẽ là được, lại còn phải cầm một tờ giấy lộn ra dọa nạt này kia... Nếu đã muốn phản bội lời thề, ký tên ngàn lần trên giấy lộn cũng vô ích."
"Chàng sẽ không làm thế." Lý Thụy cực kỳ khẳng định. Ngay cả làm nô lệ còn không chịu phản bội chủ mà chạy trốn, đừng nói đến hôn ước quan trọng nhường này.
"... Ừ." A Sử Na cười. "Chỉ nàng mới hiểu ta vậy."
***
Sắp hết truyện rồi òa òa òa, tầm... tháng 3 là hết :D Sau truyện này mọi người muốn mình làm Ngộ tê ngô đồng (Tình cờ đậu trên cây ngô đồng) hay là Hạ đường hậu (Sau khi tự bỏ chồng)?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top