Yên Hầu quân - 33

Tội nghiệp đôi trẻ, phải tội say rượu làm bừa nên tỉnh rượu xong đương nhiên đứa nào đứa nấy không dám nhìn mặt kẻ còn lại. Thái độ đối mặt vấn đề cũng giống nhau y đúc: tránh được thì tránh, né được là né.

A Sử Na thì một mình một ngựa chạy thẳng một mạch ra biên cảnh tuần tra. Lý Thụy thì một mình một xẻng chạy thẳng tới mục trường nuôi ngựa xúc tuyết suốt hai ngày.

Lý Thụy vừa xúc tuyết vừa tự hỏi lương tâm, xem liệu có thật chỉ là một phút nóng đầu làm bừa, hay là chuyện nước chảy thành sông mặc dù vượt ngoài lễ giáo... Xúc hoài xúc mãi suốt hai ngày trời, cả người rét cóng thiếu điều đóng băng, nhưng vẫn là câu hỏi lớn không tìm thấy lời giải đáp... Điều duy nhất cô có thể khẳng định với bản thân ấy là, thật ra bản thân cô thấy thở phào nhẹ nhõm vì đối tượng "làm bừa" chính là A Sử Na, mặc dù không nhớ ra quá nhiều chi tiết trong suốt "quá trình làm bừa", nhưng tổng thể mà nói ấn tượng lớn nhất chính là "thật sự rất tuyệt vời".

Đổi làm người khác ấy à... lại một lần nữa cô không thể không thừa nhận sức quan sát và tầm nhìn xa trông rộng của A Sử Na. Khắp mười sáu châu Yên Vân này, kẻ duy nhất có thể vừa mắt cô lại chỉ có duy nhất một gã xuất thân Đột Quyết này mà thôi.

Nhưng mà đấy không phải lý do cho phép cô say rượu xong đè luôn người ta ra "làm bừa" nha!

Càng nghĩ càng rối, càng nghĩ càng buồn bực, cộng thêm việc học viện sắp bị dỡ bỏ tới nơi, cô vừa buồn vừa tức vừa xót xa, càng ngày càng thấy bứt rứt nóng ruột. Lật giở xem mấy năm qua mình còn bao nhiêu ngày nghỉ tích tụ lại chưa lấy, ồ cũng nhiều ra trò, cô dứt khoát chạy đến phủ đệ của Tri quân U Châu nộp đơn xin nghỉ phép. Cơ mà phủ tri quân U Châu không đủ thẩm quyền phê duyệt cho cô (đừng quên, sáu ấp Hiền Lương được tính là ngang hàng với phủ tri quân), cô lại gửi đơn xin nghỉ lên cấp cao hơn là bộ Binh trong triều... Kết quả là Dực Đế xưa nay vốn bận tối mắt tối mũi tự nhiên lại có rảnh rỗi hỏi đến đơn xin của cô, rồi thì vung tay một cái phê chuẩn cho cô nghỉ hẳn nửa năm, rồi đơn từ trả lời còn được chuyển tới ấp Hiền Lương qua đường thư khẩn tám trăm dặm.

Lần này, Lý Thụy thật sự thất vọng.

Thì ra, hoàng đế chỉ mong có thể đá cô ra khỏi U Châu một thời gian để rảnh tay thừa cơ dỡ bỏ học viện mà không sợ bị ngăn trở.

Đây là lần đầu tiên Lý Thụy thực sự cảm thấy thất vọng hoàn toàn với Dực Đế, cũng là lần đầu tiên cô thật sự cảm thấy không còn ý chí tiếp tục. Cộng thêm việc sau vụ "say rượu làm bừa" kia A Sử Na chẳng nói chẳng rằng chạy mất hút, đúng là họa vô đơn chí. Nhìn ngoài mặt, cô vẫn rất bình tĩnh bàn giao mọi việc, từ việc chăm lo quân đội đến chính vụ dân vụ trong ấp, miệng bảo nhớ người nhà muốn đi Giang Nam một chuyến thăm người thân, nhưng rồi cô không mang theo ai hết, một mình một ngựa rời đi.

"Giang Nam đẹp
Cảnh cũ đã từng quen
Nắng rọi bờ sông hoa đỏ lửa
Xuân về màu nước biếc như chàm
Sao có thể không nhớ Giang Nam"

(Bài thơ Ức Giang Nam của Bạch Cư Dị thời Đường, nguyên văn có thể tìm trên mạng, bản chỉnh thơ của bạn Mèo)

Mặc dù ở nhánh rẽ ngang của lịch sử này, triều Đại Yên không còn có Bạch Cư Dị, nhưng điều đó không ngăn cản được luồng cảm xúc tương tự trong lòng Lý Thụy. Tiếc thay, cảnh Giang Nam tuy đẹp nhưng tâm trạng cô hoàn toàn không vui, quả là lãng phí sắc xuân tươi đẹp.

Cuối tháng Giêng cô khởi hành, tới Tô Châu đã vào tiết xuân, cảnh vật bừng bừng rực rỡ. Tới cổng sau của nha môn Tri phủ gõ cửa, người trông cửa không biết cô nên rất lịch sự kèm khách sáo mời cô đứng chờ họ sai người vào bẩm báo. Cô cũng thật thà ngơ ngác đứng sững ở cổng sau ngắm hoa nghênh xuân nở rộ bên thềm nhà.

Ai dè bà mẹ cô hoàn toàn không tuân thủ quy củ gì hết, không những không sai người ra nghênh đón cô vào nhà mà còn tự mình chạy thẳng tới cổng sau. Nhác thấy những nếp nhăn mới quanh khóe mắt bà, vị Yên Hầu quân xưa nay nổi tiếng bình tĩnh dũng cảm kiên nghị chín chắn trước mọi tình huống giờ bỗng lệ tuôn ướt má như chuỗi ngọc. Bao nhiêu sầu não tủi thân bức bối bị dồn nén bấy lâu giờ cùng nhau xông ra một lúc, cô òa khóc như một đứa trẻ thơ.

"... Xa mẹ thì già dặn chín chắn là thế, làm sao mà vừa mới về với mẹ đã hóa thân thành con nít chưa trưởng thành thế này?" Mộ Dung Xán, mẹ cô, luống cuống chân tay không biết làm sao, chỉ đành kéo cô lại gần âu yếm lấy khăn tay chậm nhẹ nhàng để lau nước mắt cho con gái.

Mãi mới có thể nín khóc, Lý Thụy lí nhí đầy tủi thân. "Hoàng đế muốn dỡ bỏ học viện. Con xin nghỉ, bà ấy gửi thư khẩn tám trăm dặm phê chuẩn những nửa năm... Rõ ràng bà ấy chỉ mong con biến quách đi không nhúng tay vào nữa."

"Hử, thậm chí còn không chịu gọi là Hoàng thượng nữa à?" Mộ Dung Xán tức tối lườm cô một cái. "Cái đồ cố chấp nhà cô..."

"Mẹ, ấp Hiền Lương là chốn nương thân cuối cùng của con." Cô nghẹn ngào. "Học viện là tâm huyết cả đời của con... Mất bao nhiêu công sức mới gây dựng thành hệ thống giảng dạy quy củ tử tế như bây giờ, thế mà chỉ cần hoàng đế nói một câu..."

"Con nít ranh mới mấy tuổi đầu mà đòi hỏi tâm huyết cả đời gì chứ?" Mộ Dung Xán tát yêu một cái lên đầu cô rồi mới thở dài. "Biết làm thế nào được, đây là thời đại mà quyền lực hoàng đế là tối thượng... Hay là con xuất ngũ đi thôi?"

"Không thèm." Lý Thụy cãi bướng. "Mình con thì chẳng sao, nhưng nếu sáu ấp Hiền Lương rơi vào tay hoàng đế thì sau này còn làm ăn được gì. Chưa kể, đó là nơi mẹ đã gây dựng, là chốn nương thân của vô số chị em phụ nữ bất hạnh. Hoàng đế làm gì được con chứ... chiến công của con vẫn còn đó, chưa kể bà ta cũng phải nể mặt bác Kình..."

(Bác Kình : Sở vương Mộ Dung Kình)

Cô con gái cứng đầu cố chấp của bà bắt đầu có lòng oán hận đế vương mất rồi. Không tốt, không tốt chút nào. Mộ Dung Xán thầm nghĩ.

"Thật ra thì cũng phải thông cảm bà ấy một chút." Mộ Dung Xán khuyên nhủ con gái. "Bà ấy có một người mẹ tài hoa được xưng danh nữ hoàng đế kiệt xuất nghìn đời, một người anh trai tài hoa được xưng là kiếm của thiên tử. Con không tưởng tượng được cái thời điểm tranh giành ngôi vua thuở ấy nó thảm thiết tới mức nào đâu... Lúc Phượng Đế còn là hoàng hậu đã có liên tục ba vị Thái tử qua đời. Mãi tới khi Phượng Đế lên ngôi, bà ấy phải dùng lý do Đông cung có dớp khiến nhiều Thái tử yểu mệnh, để cho Dực Đế lúc đó còn là công chúa ở tạm trong Đông cung. Sau đó từ khi được tôn làm Hoàng thái nữ, Dực Đế cũng chưa từng có nổi một ngày yên thân, hai mươi mấy năm làm hoàng thái nữ đâu phải chuyện dễ dàng nha..."

"Văn võ trên triều đình ngày nào cũng dâng tấu can gián đòi giáng bà ấy xuống khỏi vị trí Hoàng thái nữ. A Kình mang trong mình nửa dòng máu người Hồ mà đám quan lại cứng đầu kia cũng không chê, mấy lần kiên trì thuyết phục Phượng Đế đổi sang huynh ấy làm Thái tử. Không đếm nổi bao nhiêu người chạy tới rù quến A Kình, nhẹ là nói xấu kể tội, nặng là khích bác ly gián, không thể kể hết... Còn may là bà cô Phượng Đế của cô đủ tự tin đủ thánh minh, và bác Kình của con trung thành kiên định bất khuất mới có thể chống vững mái chèo trong cơn gió bão... Nhưng còn Dực Đế, Dực Đế dẫu sao cũng không phải là Phượng Đế vốn đã nắm quyền lớn lâu năm, mà là một nữ đế vất vả bị chúng thần chèn ép, đấu sức đấu trí với họ suốt hai mươi mấy năm ròng rã, bị ám sát bị tố cáo không biết bao nhiêu lần, vất vả lắm mới có thể lên ngôi..."

Gục đầu rầu rĩ hồi lâu Lý Thụy mới lầm bầm. "... Con thông cảm bà ấy, nhưng bà ấy có chịu thông cảm cho con đâu?"

Mộ Dung Xán lại tát bốp một cái lên đầu con gái. "Đầu gỗ! Thật ra muốn đối phó bà ấy đâu có gì khó, con chỉ cần nhớ rõ mấy chữ "lá mặt lá trái" là thừa sức dỗ bà ấy kia mà. Bà ấy muốn hủy bỏ học viện thì mặc cho bà ấy bỏ học viện, nhưng chả lẽ bà ấy còn tự tay sai phái kiểm tra người ta đến tháo dỡ kiến trúc nhà cửa hay sao? Đương nhiên là không. Ký túc xá cho giáo viên của học viện bỏ không cũng được, nhưng còn binh lính quân dân các ấp thì sao, đã gọi là gia binh thì ai dám cấm con huấn luyện quân sĩ? Đám giáo viên của con kia nữa, nuôi dưỡng cả năm nhưng chỉ gọi tới giảng dạy vào mùa đông thôi có phải phí thời gian của nả hay không? Ba mùa còn lại ai dám cấm họ đi thăm "bạn cũ" kia chứ? Còn thì ai đi thăm viếng ai, trong lúc tới thăm vui miệng trò chuyện giảng dạy binh pháp giữa thày cũ trò xưa với ai, ai cấm, mà cũng chẳng liên quan gì đến con đúng không nào?..."

Lý Thụy càng nghe càng trợn mắt kinh hãi nhìn bà mẹ ruột nét mặt vẫn còn tươi trẻ dáng người vẫn còn yểu điệu thướt tha của mình. Lại thêm một lần nữa cô không nhịn được nghi ngờ lai lịch xuất thân của mẹ cô...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top