Yên Hầu quân - 29
Mùa xuân năm Trường Khánh thứ bảy, giặc Bắc Man ý đồ tấn công biên ải xâm lược phía Nam, tới giữa mùa hạ thì bị đánh lui.
Chiến dịch này cũng hoàn toàn bộc lộ tất cả khuyết điểm của mỗi vị trí tướng lĩnh cầm quân ở biên cương. Lý Thụy dẫn quân đi cứu viện mới phát hiện các tướng lĩnh người chết trận kẻ bị bắt, các đội quân nhốn nháo như rắn mất đầu. Các tướng lĩnh quân đội bạn ở vùng kế cận thì ai cũng nơm nớp không dám tự tiện xuất quân khi chưa có chiếu chỉ nên mới dẫn đến tổn thất nghiêm trọng đến thế.
Thấy thế, cô nghẹn họng không biết nói gì, rồi gồng mình gắng gượng giơ lông gà coi như quân lệnh... Cô là hiệu trưởng học viện trinh sát đúng không? Nên toàn quyền điều động học viên của mình đi 'thực tập'. Còn thì học viên gom đám lính bại trận tàn quân lại hành quân theo lệnh của cô, cũng chỉ làm một phần nội dung chương trình 'thực tập' mà thôi.
(Giơ lông gà coi như quân lệnh: Lông gà là thứ bỏ đi, lệnh tiễn lại là thứ cực kỳ quan trọng, có thể là cờ, có thể là một thứ có hình dáng dài khác để tượng trưng cho quân lệnh tối cao để hiệu triệu toàn quân. Dùng ở nơi khác thì câu nói này mang tính tiêu cực, mỉa mai ai đó lấy không làm có, dựa hơi người khác mà ra lệnh cho kẻ yếu hơn trong khi bản thân không có chức quyền. Nhưng trong tình huống của Lý Thụy, cô không có chức quyền sai phái quân đội chính quy, nhưng để cứu viện cô bắt buộc phải dùng danh nghĩa huấn luyện viên mà ra lệnh, giả vờ như đây là đợt thực tập dã ngoại của học viên mà ra lệnh...)
Ấy thế là dưới sự ỡm ờ mập mờ chưa từng có tiền lệ này của tất cả các bên tham gia, Lý Thụy chỉ huy binh lính của nguyên một châu quận, cùng với A Sử Na giải quyết vấn đề kinh tế của đối phương, cuối cùng giặc Bắc Man cũng nhanh chóng bị thu phục, thậm chí còn có thể dốc sức đánh tan bọn chúng.
Cô cũng đã chuẩn bị tinh thần sẽ bị quan trong triều hạch tội chết thôi, ai ngờ Ngự sử như bị bệnh câm tập thể, còn Dực Đế vốn đa nghi lại không quan tâm đến mấy bản tấu chương cảnh báo thời tiết biến động của cô, càng không để bụng vấn đề binh quyền ở biên cương rắc rối phức tạp khó lòng thống nhất điều khiển. Đã thế, bà ấy ra lệnh gọi cô về kinh thành chờ phong tước.
Lúc ấy cô mới trả lại binh quyền, về U Châu nghỉ ngơi một thời gian. Mới hồi sức chưa được vài ngày đã lại bị gọi đến kinh thành, khiến cho toàn bộ đám cấp dưới phụ tá tái mặt sợ hãi, ai nấy rối rít khuyên cô không nên đi, chỉ sợ một đi không về được, Dực Đế đa nghi sẽ tóm cô giữ lại kinh thành làm cảnh.
Chỉ có A Sử Na thản nhiên nói. "Đi đi, sợ gì mà không đi? Nhận tước vị hay không lại là chuyện khác mà. Chứ cô mà không đi, hoàng đế có thể lôi ra tỷ loại lý do để buộc tội trừng phạt cô. Dù sao thì nhìn cô cũng chả thấy được tí khí chất lãnh đạo tướng quân gì cả đâu, yên tâm là hoàng đế nhìn thấy cô chỉ có an lòng hơn thôi."
Tuy độc mồm cũng cũng có lý thật. Dù sao cô cũng thực sự phải đi về kinh thành, lý do này vừa khéo giúp cô chặn lại mọi nghi ngờ của đám cấp dưới.
Trong sự lo lắng bàng hoàng của toàn thể quân dân sáu ấp Lục Đồng, tiếng hát hò đối đáp mùa thu hoạch năm ấy cũng trở nên lác đác. Đợt ấy, bài hát được họ lôi ra nhiều nhất lại là "Bờ lau xanh biếc, Sương trắng la đà, Người ta thương nhớ, Ở vùng nước xa..."
(Nguyên văn là bốn câu đầu bài thơ Kiêm gia 1 trong tập Tần phong của Kinh Thi. Bạn Mèo chỉnh thơ.Kiêm gia thương thươngBạch lộ vi sươngSở vị y nhânTại thủy nhất phươngBốn câu tiếp theo lại nói về nỗi khó khăn trắc trở để tìm gặp lại người xưa ấy, đi ngược dòng thì khó khăn trắc trở dài lâu, đi xuôi dòng thì chỉ thấy một vùng nước trắng mênh mông bát ngát mà không cách nào tới gần được. Ý nói lo lắng Lý Thụy vào kinh thành, xa xôi cách trở nguy hiểm trùng trùng sẽ không cách nào gặp lại nhau.)
Khi về tới nơi, trên đường Lý Thụy nghe tiếng hát thì chỉ biết câm nín bi thương nhìn trời xanh. Cô chỉ ra ngoài Bắc gặp hoàng đế thôi mà? Sao lại phải thế chứ, có phải là ra chiến trường máu thịt tung bay da ngựa bọc thây đâu?
Các thuộc hạ đi sau lưng cô gượng cười ha ha, không dám nói gì. Đó là lần đầu tiên các cô cãi lệnh của Lý Thụy, ngày nào cũng có một nhóm phân công lẻn vào kinh thành thám thính tin tức. Giả sử huấn luyện viên bị phong cho cái chức quan gì đó rồi giữ lại kinh thành giam lỏng thì còn dễ tính. Còn lỡ như hoàng đế lên cơn nông nổi động kinh, lôi Lý Thụy ra chém giữa chợ... các cô ấy cũng đã chuẩn bị sẵn tinh thần sẽ xông ra pháp trường cướp tù làm phản...
Làm quá lên ư? Không hề nha, các trưởng ấp cũng chuẩn bị sẵn hết quan tài lẫn áo tang cả rồi, phỉ phui lỡ mà huấn luyện viên Lý Thụy hy sinh ở kinh thành, sáu ấp Lục Đồng đã chuẩn bị sẵn kế hoạch giương cờ làm phản làm một trận cá chết lưới rách đồng quy vu tận với triều đình.
Nên là so với ở nhà, các cô đi theo đến kinh thành vẫn còn nhẹ nhàng chán.
Dù sao thì, các cô tự nguyện thần phục là thánh quân Phượng Đế cùng với huấn luyện viên Lý Thụy chứ đâu có phải Dực Đế đa nghi nhỏ mọn kia. Nhất là Dực Đế từng có ý đồ dỡ bỏ đền Liệt Nữ... bởi không biết ở đâu xuất hiện một tên đạo sĩ chó má ăn nói quàng xiên là phong thủy đền Liệt Nữ rất mạnh, có thể nảy sinh một vị Đế quân mới.
Đương nhiên đền thờ không bị dỡ bỏ, nhưng mà quân dân sáu ấp ai nấy đều gom một bụng ác cảm với Dực Đế, đừng hòng xóa bỏ.
Chưa về đến địa phận sáu ấp, Lý Thụy đã nhận được một sự "bất ngờ" và giật mình hoảng hốt một phen.
Quân dân sáu ấp tập trung ngoài xa cách nhà ba mươi dặm chào đón, đứng chật hai bên đường miệng hô vang. "Yên Hầu quân! Yên Hầu quân!" Lại có một nhóm trẻ nhỏ cùng nhau bưng một khay hoa đồng bằng lụa, quỳ xuống dâng lên, khiến cho Lý Thụy không thể không xuống ngựa nhận lấy hoa.
"... Mấy người đang làm cái gì thế hả?" Cô nghiến răng thấp giọng hỏi Lan Ương. "Rảnh hơi không có việc làm hay gì?"
Lan Ương rụt cổ. "Không liên quan đến thuộc hạ nha... Ấp trưởng nhận được tin báo hôm nay trưởng quan sẽ về... Bà con bô lão tự động tự phát gọi nhau muốn đón tiếp..."
Lý Thụy giận dữ trừng cô ta một lúc rồi mới banh mặt cứng đờ, lại lên lưng ngựa chắp tay cảm tạ bà con, rồi thì máy móc giục ngựa đờ đẫn đi theo đoàn người trống chiêng kèn sáo vang trời, chậm rãi đi về sáu ấp.
A Sử Na không đi cùng mà đứng một mình trên một mỏm núi nhìn ra xa đồng thời canh gác xung quanh, vừa nhìn vừa thấy khá bất an.
Vị thày giáo người Hán ngày xưa của gã từng kể, rằng thời xưa có người hiền tài, sống dưới chân núi bằng nghề làm ruộng, dân cư xung quanh mến mộ tài cao đức trọng của người ấy mà dần dần chủ động kéo về thần phục. Xung quanh khu vực đó nhanh chóng trở thành một xóm, một thôn, dần dần thành làng, thành trấn, ngày thì cày cuốc để lại bờ mương, đêm thì không cần đóng cửa.
Gã vẫn luôn khịt mũi coi thường, rằng đó chỉ là mấy trò vớ vẩn mị dân của người Hán, thậm chí còn không đáng tin bằng truyền thuyết "đất nước lý tưởng" của Vương quốc Hồi giáo Abbas.
Kết quả là giờ gã được tận mắt chứng kiến cảnh tượng ấy trong đời thực.
Giả như cô ả nhờ đó mà đắc ý huênh hoang rồi trở nên kiêu căng vênh váo, có khi gã sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn vì như thế mới là kiểu người gã quen nhìn nhất.
Nhưng không, con mẹ nó chứ cô ả này nhất quyết không làm thế mà mặt ủ mày chau vẻ đưa đám như sắp bị lôi ra chợ chém đầu đến nơi, cưỡi ngựa còn gồng cả người lên như sắp ngã.
Mẹ nó chứ, đây là "người hiền tài" ấy hả?
Trong bầu không khí hân hoan náo nhiệt như ăn Tết ấy, A Sử Na cau có khó chịu dẫn theo đội trinh sát canh gác xung quanh. Bản thân gã thì cưỡi ngựa đi một vòng rất xa để tuần tra, tới khuya mới trở về.
Về đến nơi mới thấy, cái vị Yên Hầu quân vừa nhận chức nóng hổi kia đang ngồi ngẩn người buồn xo rũ rượi trước hiên nhà, áo khoác không mặc. Phải biết giờ U Châu đã vào cuối thu, thời tiết đã đủ hanh khô lạnh lẽo nứt da.
"Lý Thụy, cô làm quái gì ở đây? Muốn chết thì đầy cách chết, mắc gì chọn cách chết rét hả?" Gã giật phắt áo choàng của mình ném vào mặt cô ta.
Cơ mà Lý Thụy lại thở phào nhẹ nhõm. Cả ngày hôm nay người cô cứ bứt rứt khó chịu vô cùng. Cũng chỉ là một thứ tước hiệu hão thôi mà, đến một xu tiền lương cũng không chịu tăng. Thế nhưng đám thuộc hạ lẫn quân dân sáu ấp lại hớn hở ăn mừng cứ như là cô được phong tước kèm đất đai lãnh địa ấy.
Cô đón lấy áo choàng rồi khoác lên người rất tự nhiên. "Núi Tây Sơn có tuyết chưa?"
A Sử Na lắc đầu. "Mấy hôm trước tôi tự mình lượn một vòng chừng nửa tháng ở quan ngoại, không đến nỗi nào. Xem ra chúng ta chưa xui xẻo đến thế."
Lý Thụy mỉm cười nhẹ nhàng. "Đúng là tin tức tốt nhất từ đầu năm đến giời."
Xem ra trận bão tuyết thiên tai năm ngoái chỉ là riêng lẻ, không cần quá lo.
A Sử Na định nói gì đó, nhưng rồi lại thôi. Gã đã dò hỏi rất tỉ mỉ, truyền thuyết rằng trăm năm trước cũng đã từng có tai họa do bão tuyết kéo dài hơn chục năm, mới khiến cho Bắc Man di cư từ phía tây bắc mở rộng địa bàn xuống phía nam. Trận thiên tai nhân họa ấy tuy bảo kéo dài chục năm, nhưng thực ra là ngắt quãng, không phải năm nào cũng thế.
"... Trước nay tôi chưa từng nghĩ tới việc thời tiết khí hậu cũng có thể ảnh hưởng tới việc quân. Thật ra đâu chỉ có khí hậu, còn liên quan đến hàng loạt vấn đề từ các nước láng giềng, từ chính trị đến kinh tế vân vân và vân vân..." Lý Thụy lơ đãng nói, đầu óc vẫn đang suy nghĩ rất lung.
"Không được!" A Sử Na cắt lời cô, từ chối dứt khoát. "Đó không phải việc của cô. Cô muốn bị hoàng đế nhà cô lôi ra chém thì mặc xác cô, nhưng nếu chủ nhân của tôi ngu ngốc làm mấy trò con bò rồi tự chìa cổ lau chùi sạch sẽ chờ người tới chém, tôi biết giấu mặt vào đâu cho đỡ nhục. Tuyệt đối không được."
Lý Thụy không nói gì.
"Lần này giả danh lén lút mua bán với dân Bắc Man đã là nín thở giắt đầu vào thắt lưng mà làm. Chỉ có một lần này là đủ lắm rồi, cô đừng hòng trông đợi tôi làm giúp cô lần sau. Lần này hoàng đế không biết, nhưng nếu lỡ may bà ta biết thì sao? Cô muốn chết thì nằm đó tôi tự tay làm thịt cô, đảm bảo ít đau đớn lại sẽ không liên lụy tới người khác!"
Lý Thụy ngửa người nằm phịch xuống đất, nặng nề thở dài một hơi đầy phiền não.
Cô cảm thấy mình quá đỗi bị động. Không thể làm gì khác, chỉ có thể trơ mắt cầm tính mạng của binh lính và học sinh của mình để giật gấu vá vai cứu vãn tình thế. Không thể không cảm thấy bất lực, ý chí giảm sút. Chằng thà cô có thể dứt khoát mặc kệ mọi việc ra sao thì ra, đằng nào cũng đâu có quan hệ gì đến cô.
Thế nhưng những đôi mắt trừng trừng đầy không cam lòng của quân sĩ hi sinh trên chiến trường khiến cô không cách nào quên được.
Đáng ra họ có thể không cần hi sinh... ít nhất không cần hi sinh nhiều người đến thế. Trong số đó, có biết bao nhiêu người vốn được ai đó tựa cửa ngóng trông, là cha mẹ già yếu mỏi mòn hay là chốn khuê phòng mộng đẹp...
Cô mệt mỏi đưa tay lên bưng kín mặt.
"... Tôi thấy đội trinh sát dạo này có vẻ lơi lỏng. Mẹ nó, suốt ngày ở nhà no cơm ấm cật..." A Sử Na lạnh lùng nói. "Mặc dù chúng ta chỉ là trinh sát không phải gián điệp nhưng đôi khi vẫn nên học thêm vài thủ đoạn nhỡ cần. Tôi nghĩ hay là điều một đội nhỏ lẫn vào đoàn thương nhân sang bên kia, tiện thể ghi chép lại địa hình khí hậu dân cư tình hình ra sao... Cô thấy được không?"
Lý Thụy từ từ mở mắt. Luôn miệng bảo mặc xác cô, nhưng cuối cùng thì A Sử Na vẫn chịu giúp cô thôi.
"Nếu vậy thì nhờ anh vậy nhé, huấn luyện viên A Sử Na." Lý Thụy nói với vẻ dịu dàng cực kỳ hiếm thấy, mặc dù giọng nói vẫn trầm khàn như xưa.
A Sử Na lạnh lùng ừ hử một tiếng, nhưng bản thân gã lại không nhận ra, khóe môi đuôi mắt của mình lại đang cong lên thành một nét cười.
***
Miệng thì độc, xỉa xói con gái nhà người ta nhưng người thì vẫn rất thành thật, giúp đỡ tận tình. À quên hiện giờ A Sử Na vẫn chưa coi Lý Thụy là con gái ahihi.
Truyện này càng đọc càng thấy sự khủng khiếp của chiến tranh dù là thời xưa hay thời nay, dù là giả tưởng trong sách hay ngoài đời thật. Một tướng công thành, vạn bộ xương khô. Bạn Mèo rất thích đọc các cuốn như thế, mặc dù đọc xong đều day dứt buồn bã khó nguôi...
Nhân tiện, báo trước chương sau: hãy xem bạn A Sử Na độc mồm xỉa xói con gái nhà người ta như nào nhé :D
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top