Yên Hầu quân - 28
Năm Trường Khánh thứ sáu, tiết trung thu.
Toàn bộ sáu ấp đều tấp nập hớn hở với vụ thu hoạch được mùa năm nay. Ngay cả Lý Thụy đường đường là trưởng quan của cả sáu ấp cũng không ngại ngần tay cầm liềm tay vẫy gọi, dẫn đầu toàn bộ Ai quân cùng với dân quân tự vệ các ấp xuống đồng nhanh nhẹn gặt lúa hỗ trợ bà con. Dáng vẻ của họ rõ ràng là quen tay hay làm từ nhiều năm nay.
Một nhóm các cô gái trẻ nối đuôi nhau vác túi thóc lúa mạch trĩu nặng chất lên các xe bò, miệng không quên vui vẻ hát hò đối đáp cùng nhau.
Hò rằng "Nàng rằng gà đã gáy vang, Ta rằng đêm mới sắp tàn đó thôi..." Đáp rằng "Mau mau thức dậy người ơi, Sao Mai đã mọc chân trời đằng xa..."
(Nguyên văn là bốn câu thơ đầu của bài Nữ viết kê minh, thuộc tập Trịnh phong của Kinh Thi. Bản dịch thơ của bạn Mèo, bản đầy đủ có thể đọc ở blog cá nhân meogiablog.wordpress.com.
Nữ viết kê minh
Sĩ viết muội đán
Tử hưng thị dạ
Minh tinh hữu lạn
Bài thơ này cũng có câu thơ cực kỳ quen thuộc được dùng trong các mối tình thắm thiết: Nghi ngôn ẩm tửu, dữ tử giai lão, Mèo tạm dịch thơ là "Rượu nồng đôi chén cùng nâng, Hẹn thề đôi lứa sẽ cùng già đi")
Ban đầu, lớp học hát thơ chỉ có ở ấp Hiền Lương. Nhưng chỉ sau vài năm, từ khu phố chợ tới năm ấp còn lại đều lần lượt lưu hành phong trào ấy. Phong trào học hát, rồi nhìn sách thuộc mặt chữ bài thơ đã hát thuộc lòng này dần dần lan truyền giữa các thôn xóm trong các ấp. Trong ngõ ngoài đường tóm đại một đứa trẻ con tới hỏi, đứa nào cũng biết ít nhất một trăm chữ. Bởi vì nhà nào cũng có vợ, có mẹ, có chị gái em gái tới làm công ở ấp Hiền Lương. Công nhân mới nghe người cũ hát, lâu ngày quen tai cũng thuộc lòng, sau đó lại được phát sách vở in từng bài thơ để đối chiếu và học chữ nên nhớ mặt chữ rất nhanh. Dù sao đi nữa, làm công ở ấp Hiền Lương mà không biết chữ thì khó lòng thăng tiến.
Kết quả là cuốn Kinh Thi vốn phải được kính ngưỡng trên thần đàn cao vời vợi, giờ đã nhẹ nhàng bước xuống khỏi tháp ngà văn chương mà trở thành một thứ dân ca hò vè gần gũi của dân chúng khắp sáu ấp.
Thế nên một người hò, trăm người đáp. Trong sóng lúa rập rờn vàng rực mùa thu hoạch, tiếng hát đối đáp véo von cũng góp phần tạo nên một khung cảnh mang phong cách ý nhị cổ xưa rất đặc thù.
Cả Lý Thụy cũng tham gia hát đối, nhưng cô là quân nhân nên vẫn thích hát những bài hát về quân ngũ hơn. Năm ấy trong chiến dịch Ký Châu, cổ họng cô đã bị tổn thương do gào thét quá nhiều nên giờ đây giọng cô trở nên trầm khàn lắm lắm. Nhưng khi cô đã ngẩng đầu lên hát câu mở đầu. "Người nếu thiếu quần áo..." thì cho dù là Ai quân hay là dân quân đồn trú tự vệ cũng đều đồng thanh ứng đáp cực kỳ rầm rộ "Ta khoác chung chiến bào!..."
(Hai câu này nguyên văn là "Khởi viết vô y, Dữ tử đồng bào" mở đầu bài thơ Vô y trong tập Tần phong của Kinh Thi, nói về tình đồng chí đồng bào trong chiến đấu, chung một mối thù, chung một chính nghĩa để bảo vệ đất nước. Bạn Mèo tạm dịch thơ, toàn văn có thể tìm trong blog cá nhân của bạn Mèo trên wordpress. Bài này cũng từng được đưa vào truyện Quan lại bao che cho nhau - Quan quan tương hộ - mà bạn Mèo từng chuyển ngữ.)
Chẳng những toàn bộ quân lính có mặt hòa chung giọng hát, ngay cả bà con trăm họ cũng vui vẻ hát theo. Bởi vì trăm người như một, dân chúng sáu ấp đều một lòng kính yêu vị trưởng quan của mình.
Lý do đơn giản lắm. Các vị quan quân khác đến nhậm chức ngày xưa, mồm mép ba hoa trên trời dưới biển, nói tới nói lui, giày vò đủ kiểu, tất cả chỉ để vòi tiền tăng thuế. Nhưng huấn luyện viên Lý Thụy thì khác, mặt luôn nghiêm túc lại còn ít lời, nhưng mở miệng là quan tâm vấn đề ăn no mặc ấm của bà con, không thì quan tâm năm nay hoa màu ra sao thủy lợi thế nào. Mùa xuân cày bừa, cô ấy cùng mục dân kéo ngựa kéo bò từ nông trường nuôi ngựa quân đội tới cày xới đất thay sức dân. Mùa thu lại gọi toàn bộ quân lính của mình xuống đồng, buông gươm giáo mà cầm liềm gặt lúa thu hoạch giúp mọi người.
Từ ngày cô tới ấp Hiền Lương nhập ngũ, mùa đông càng ngày càng ít người chết rét chết đói, đám mã tặc cũng hoàn toàn biến mất, ngay cả giặc Bắc Man cũng không dám tới.
Tình cảm lẫn lòng tin của dân chúng giản dị lắm, mà cũng nhạy bén lắm. Ai có thể giúp họ ăn no mặc ấm, ai có thể cho họ cuộc sống bình yên không còn lo giặc cướp tới nhà, ấy chính là quan tốt. Đơn giản thế mà thôi.
Nên là huấn luyện viên Lý Thụy đương nhiên là vị quan cực kỳ cực kỳ cực kỳ tốt. Các cô nữ binh của ấp Hiền Lương cũng đương nhiên là người cực kỳ cực kỳ tốt. Ai dám nói xấu dân quân của ấp Hiền Lương thì hãy coi chừng cơn giận dữ của bà con.
Mười bốn tuổi nhậm chức mở ấp ở đây, tính đến giờ Lý Thụy đã nhập ngũ hơn mười năm ròng. Cho dù cô ủy quyền hoàn toàn cho cấp dưới trông coi quản lý, đúng kiểu "buông tay hưởng thái bình", nhưng quan niệm sống và làm việc vì 'lương tâm giày vò' của cô vẫn có sức ảnh hưởng rất lớn tới toàn bộ quân dân sáu ấp.
Hoặc nói cách khác, ấp Hiền Lương có sức ảnh hưởng cực lớn tới toàn bộ dân chúng sáu ấp dưới sự quản lý của cô.
Trên danh nghĩa giấy tờ, dân số phụ nữ gặp nạn đăng kí hộ tịch ở ấp Hiền Lương càng ngày càng giảm, mấy nghìn người đã đi nơi khác gả chồng sinh con. Nhưng thực tế là những người đàn bà đã trải qua vô vàn đắng cay trắc trở vẫn bền lòng vững chí xả thân vì đất nước ấy được trui rèn qua bao nhiêu chiến hỏa lẫn sự đời. Vậy nên họ trở lại cuộc sống bình thường nhưng không những không hề mất đi khí phách sắc sảo quả cảm ban đầu mà ngược lại, mang theo thái độ lạc quan kiên cường ấy tới gia đình nhỏ của mình cùng với chòm xóm xung quanh.
Tuy họ đều đã gả ra ngoài, nhưng ngày thường vẫn về ấp Hiền Lương làm công. Thời thế bấy giờ nhiều loạn lạc bên ngoài, mỗi nguồn thu nhập trong gia đình đều cực kỳ quý giá bởi sẽ thêm một phần thu vào là sẽ giảm một phần lo âu sợ hãi mỗi khi mất mùa đói kém hay chiến tranh vất vả, gia đình sẽ không phải lo lắng cửa nát nhà tan. Ấy chính là ăn no mặc ấm rồi mới có thời gian lo lắng vinh nhục của gia đình lẫn làng xóm, nên toàn thể sáu ấp đồng lòng phát triển, bừng bừng khí thế hoàn toàn khác biệt với những nơi khác.
Thứ khí thế của kẻ tôn sùng khí tiết, sẵn lòng xả thân vì nghĩa lớn.
Mỗi lần quân dân của sáu ấp tự giới thiệu bản thân, ai cũng hân hoan mà rằng, mình xuất thân từ U Châu Lục Đồng. Bởi lẽ năm xưa Lý Thụy từng tự tay trồng một cây hoa đồng, hoa đồng sáu cánh, vừa khéo ứng với sáu ấp bên nhau. (Lục đồng là sáu cánh hoa đồng, từ nay được viết hoa như cái tên riêng mà dân chúng tự nhận bản thân)
Thế nên dân chúng sáu ấp thích dùng hoa đồng trên trang sức quần áo, đặc biệt là in hoặc thêu hình bông hoa đồng trên vải vóc. Nguyên do sâu xa là thuở mới mở học viện, tổ chức thi đấu giữa các học viên, ngày ấy họ còn nghèo tới mức một đồng tiền bẻ đôi, không cách nào mua quà làm phần thưởng cho người thắng cuộc. Lý Thụy bèn bẻ một chùm hoa đồng tết thành vòng hoa đội lên đầu người thắng.
Về sau đây trở thành truyền thống, cho dù là thi đấu bất cứ thứ gì, ai nấy cũng đều coi vòng hoa đồng trên đầu là vinh dự nhất.
(Chú thích đặc biệt: nguyên văn chỉ có chữ 桐 chỉ tên cây, chứ không ghi rõ là cây đồng nào. Chữ này được dùng cho vài loại cây khác nhau, từ cây ngô đồng, cây trẩu, cây du đồng, cây mộc bào đồng... Tuy đều là cây gỗ mọc cao, mang tính biểu tượng lớn, nhưng khi tìm hiểu thì bạn Mèo nhận thấy không có cây nào trong số này có hoa sáu cánh, toàn là hoa năm cánh, dáng hoa dẹt như hoa đào, hoặc dáng hoa chuông, đều mọc thành chùm ít thì mười bông nhiều thì vài chục bông chi chít, không hoàn toàn giống với miêu tả trong truyện. Thế nên trong truyện này bạn Mèo sẽ chỉ edit thành cây hoa đồng mà không dùng tên cây cụ thể nào trong đời thực, nếu ai có ý kiến khác góp ý thì đừng ngại ngần nhé.)
Để khích lệ nghề nông lẫn nghề chăn nuôi bò ngựa, nên nhớ dân trong ấp Hiền Lương đa phần đều mang theo hộ tịch quân đội, Lý Thụy bèn dùng quân công để thưởng cho những người nghĩ ra các phương pháp mới. Chỉ cần chứng minh được phương pháp của mình có thể tăng năng suất hoặc sản lượng, kiểm tra sát hạch thành công, cô ấy sẽ không hề tiếc lời khen ngợi, ghi sổ chiến công và phát thưởng, hơn nữa cũng sẽ tặng một vòng hoa đồng bằng lụa.
Người nhận được chiến công khen thưởng ấy, con em cũng sẽ được thơm lây, ai muốn học văn thì miễn tiền học phí thầy đồ, ai giỏi võ có thể vào học viện Hiền Lương. Còn nếu chẳng may qua đời thì bài vị sẽ được đưa vào đền thờ Trung Từ hay Liệt Nữ, được mọi người tôn kính hương khói lâu dài, hàng năm cứ tiết Thanh minh là trưởng quan sẽ dẫn đầu toàn bộ quan chức tướng lĩnh của sáu ấp tới cúng tế thắp hương tưởng niệm.
Cô tự nhận mình không phải thiên tài có khả năng hơn người, nên luôn tin vào việc đồng lòng chung sức, tiếp thu ý kiến có ích của tập thể. Ngày xưa khi phường dệt mới thành lập, mẹ cô cũng đã từng làm như thế, chỉ cần có ý tưởng có ích giúp phường dệt tiến bộ, cho dù chỉ là một công nhân nhỏ cũng có thể đưa ra ý kiến của mình, cũng có thể được nhận thưởng. Cô cũng chỉ mượn phương pháp đó của mẹ thôi, nhưng không ngờ hiệu quả lại tốt đến thế.
Đất quanh sáu ấp, đất màu làm ruộng ít ỏi, nên đòi hỏi giao nộp quân lương thuế má đủ đầy hoàn toàn không dễ dàng. Lại nói, nếu đã xác định dùng việc buôn bán để phát triển kinh tế, số nhân công ổn định sẽ cần rất nhiều, nghĩa là số nhân khẩu làm ruộng mỗi nhà sẽ bị rút bớt. Như vậy càng không thể không tìm cách nâng cao sản lượng nông nghiệp để có thể yên tâm giảm bớt nhân lực xuống đồng làm ruộng.
Quả nhiên là 'một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao', rất nhiều kinh nghiệm, bí quyết vốn chỉ truyền miệng nhỏ lẻ từ đời này qua đời khác từ nay được mang ra, ghi chép, nghiên cứu, cải tiến cùng nhau. Sản lượng thu hoạch nông nghiệp của sáu ấp dần dần tăng gấp bội, nhân lực dôi ra lại gia nhập buôn bán thông thương, nền kinh tế toàn bộ sáu ấp chẳng mấy chốc trở nên giàu mạnh.
(Nguyên văn là 'nhân đa lực lượng đại', dịch nghĩa là người nhiều sức lớn, bạn Mèo mạn phép đổi thành ca dao tục ngữ VN)
Một bầu không khí nhiệt tình, cởi mở, tự tin, hữu ái dần dần lan ra trải rộng khắp sáu ấp, nung đúc ra một thứ tinh thần rất đặc biệt. Ngay cả vị Ngự sử già được Dực Đế phái tới khảo sát thực tế cũng không nhịn được tỏ lòng khen ngợi: "Dân chúng vùng Lục Đồng tính tình chất phác, coi trọng tiết nghĩa, ngay cả phố phường chợ búa cũng tỏ rõ nề nếp cổ xưa."
Bỗng có tiếng vó ngựa dồn dập từ xa lại gần khiến cho Lý Thụy cảnh giác đứng thẳng người lên.
A Sử Na trước nay vẫn khinh thường việc lội ruộng cầm liềm gặt lúa giờ lại đang phi ngựa như bay tới. Chẳng mấy chốc gã nhào người xuống ngựa, loạng choạng sắp ngã, gào lớn từ lúc còn rất xa. "Lý Thụy!!!" Gã người Man gốc Đột Quyết này tuy giờ đã chịu thua sau vô vàn lần sập hố của cô, nhưng xưa giờ mỗi lần gọi cô đều lạnh lùng gọi cả họ lẫn tên.
Lý Thụy xách theo liềm gặt sấp ngửa chạy lên bờ đê, lo lắng gặng hỏi. "Có chuyện gì thế?" Chuyện có thể khiến cho A Sử Na tái mặt sợ hãi như thế này, chắc chắn không phải là chuyện nhỏ.
"Tuyết rơi trên núi Tây Liên." Trán A Sử Na ướt đẫm mồ hôi.
Núi Tây Liên cách khu vực sáu ấp này chừng trăm dặm, tuy địa thế hiểm trở nhưng hoàn toàn không tính là núi cao. Thế nên nghe thấy lời này, Lý Thụy sững sờ.
"Không thể thế được? Giờ mới là trung thu!" Giữa tháng tám mà tuyết đã rơi ư? Cho dù là núi cao thật đi nữa thì cũng không thể thế được mà?
"Chuyện này cô nghĩ tôi có thể lôi ra đùa được không?" A Sử Na sầm mặt.
Không xong rồi. Mùa rét đến sớm quá, nhỡ mà chưa thu hoạch xong tuyết đã rơi... Cô cảm thấy lạnh toát từ đầu đến chân. Mùa thu hoạch năm nay, coi như xong đời.
Trong đầu nhanh chóng tính toán quyết định, đặng Lý Thụy nhét lưỡi liềm gặt đang cầm vào tay A Sử Na, giằng lấy dây cương ngựa của gã rồi nhảy lên lưng ngựa.
A Sử Na ghị dây cương lại. "Cô làm gì thế?"
"Chạy về ấp Hiền Lương gọi hết quân dân ra hỗ trợ gặt lúa." Lý Thụy tiếp tục cố gắng cướp lấy cương ngựa trong tay gã. "Huấn luyện viên A Sử Na, nhờ anh ra kia gặt lúa mạch giúp tôi!"
"... Ông đây xưa nay chỉ biết gặt đầu người chứ không biết gặt lúa mạch!" A Sử Na gân cổ gào lên. "Hơn nữa mắc gì chứ, cô sai đứa nào đó chạy chân là được mà?!?"
"Ai da, anh là huấn luyện viên A Sử Na thương dân nên gặt giúp bà con kia mà!" Lý Thụy cười gượng đãi bôi. "Đầu người anh còn gặt được thì ba cái đống lúa mạch lẻ tẻ mấy tuổi mà làm khó được anh? Tôi phải tự thân chạy về một chuyến, nếu không phường trưởng không rõ nguồn cơn chỉ biết lải nhải dây dưa làm lỡ việc..." Cô giằng mạnh tay giật lấy dây cương rồi thúc ngựa lao như điên, để lại sau lưng một A Sử Na hậm hực nghiến răng nghiến lợi.
Gã nhìn lưỡi liềm trong tay, rồi liếc sang một đám binh sĩ đang thậm thụt lấp ló trong sóng lúa rập rờn lén lút nhìn mình. Trong số đó có không ít người là học sinh của gã.
Hừ, gặt lúa mạch chứ gì? Ông đây sợ cái bíp!
Mặt hầm hầm đen như đít nồi, gã giơ chân đạp bay một đứa học sinh dám che miệng cười gian, rồi chen qua khóm lúa, nhận mệnh, cúi xuống bắt đầu gặt lúa.
Chưa tới tháng chín, mấy châu Yên Vân lần lượt nghênh đón trận bão tuyết đầu mùa.
Đợt thiên tai vì tuyết này chỉ mang tính cục bộ thôi nhưng cũng đã đủ để hủy diệt vài bộ tộc nho nhỏ, những kẻ còn sống sót bí quá hóa liều, mùa xuân tiếp theo bèn túm tụm kéo nhau qua biên ải, vừa đánh vừa cướp như không còn gì để mất.
Một lần chơi lớn, phá vỡ quy luật 'mùa thu cắt cỏ" hàng năm khiến cho quân đội Đại Yên bị tập kích đánh cho ngu người, tình trạng báo động nguy cấp vô cùng. Cuối cùng vẫn là đội ngũ Ai quân với tính linh động đặc biệt cùng với học viện trinh sát gom hết các học viên chưa kịp về nhà sau mùa đông thành một đội ngũ hai ngàn binh mã chạy tới cứu viện khẩn cấp mới giữ được biên phòng khỏi vỡ trận.
Cũng chính nhờ chiến dịch đó mới khiến cho Dực Đế trước nay vẫn xử ép bỏ qua hàng loạt chiến công của Lý Thụy, giờ không thể không phong thưởng chức Hầu tước cho cô để trấn an vô vàn tướng sĩ đang càng ngày càng thêm bất mãn với chiến lược cắt giảm quân ngũ của bà ta.
Nghĩ mà xem, chỉ đánh trong ba tháng đã bình định được đám giặc Bắc Man nhăm nhe xâm lược, chiến công này đủ lớn để bà ta tuyệt không dám bỏ qua coi như không có.
Có điều, thứ mà Dực Đế lẫn cả triều đình bà ta không hề hay biết ấy là, đương nhiên đây là chiến công lớn về mặt quân sự của Lý Thụy, nhưng nguyên nhân thắng lợi lớn nhất lại nằm ở phương diện lưu thông kinh tế. Trước khi Lý Thụy dẫn quân đi cứu viện biên cương, cô đã biết nguyên do giặc Man dám chạy đến giở trò là do thảo nguyên phía bắc chịu nạn bão tuyết, không chịu nổi đói rét mà ra.
Vì vậy khi Lý Thụy xuất phát, ở hậu phương A Sử Na cũng vác theo rất nhiều xe lương thực, giả trang đi theo đoàn thương nhân tới Bắc Man, tìm đến các bộ tộc nhỏ lẻ cũng gặp bão tuyết phá hoại định xoa tay gia nhập đội quân xâm lược kia, dùng lương thực đổi lấy da thú, coi như vỗ về trấn an bọn họ bình tĩnh lại, góp phần phân hóa liên quân Bắc Man vốn định lôi kéo đoàn kết thành một mối.
Hai tay cùng đánh, hai bên cùng phối hợp mới có thể đánh lui đám giặc Bắc Man như sói đói kia.
Thế nhưng chuyện này nếu bị lộ ra, vào tay người có ý đồ này kia, ít nhất cũng đủ cấu thành tội "tư thông với địch". Lý Thụy gãi đầu hồi lâu rồi dâng thư từ chối tước vị, cũng không nói gì cả ngoài việc nghiêm túc báo cáo về tình hình khí tượng bất thường vừa qua. Dè đâu Dực Đế vẫn khăng khăng trao thưởng tước vị, hoàn toàn không để mắt đến những gì cô báo cáo về thời tiết khí hậu bất thường.
"... Có cụ ông bảo tôi, bốn mươi năm trước cũng từng có một đợt khí hậu lạnh lẽo bão tuyết bất thường như thế này, hơn nữa là càng ngày càng nghiêm trọng, kéo dài suốt vài năm." Trước khi Lý Thụy dẫn người xuôi nam nhận phong thưởng, A Sử Na từng nhíu mày nói với cô.
Lý Thụy thở dài. Triều đình không coi ra gì thì cô biết làm thế nào khác được. "Hi vọng chúng ta không xui xẻo đến thế." Cô vẫn ôm chút hi vọng về vận may.
Lúc gặp Dực Đế, cô đã định mở miệng nhắc lại chuyện này. Ai mà ngờ Dực Đế lại lôi chuyện chồng cũ của cô ra, làm thuyết khách mong giảng hòa này kia, sau đó chỉ nói lan man chuyện nhà chuyện vặt. Cô nghĩ đến tính đa nghi của Dực Đế, nên đành gác lại để sau.
Cơ mà lúc này đây, cả Lý Thụy lẫn A Sử Na còn chưa biết, trận bão tuyết tới sớm nọ, quả thật chính là lời dạo đầu cho một tai họa khổng lồ, kết hợp cả thiên tai nhân họa lẫn khói lửa chiến tranh kéo dài khắp nhiều năm sau...
***
Được 2/3 chặng đường rồi đấy, 28 chương trên tổng số 42 chương. Mèo sẽ cố gắng từ nay đến hết năm thì làm xong bộ này nhé cả nhà :D
Đùa chứ hai anh chị này mãi vẫn chưa thấy yêu đương gì nhau, bà con có ai sốt ruột không ạ :)) Truyện má Điệp hiếm khi đặt nặng tình yêu lắm hehe, nhất là truyện này với nội dung thực sự sâu sắc về sự đấu tranh của nữ giới, của nữ tướng... Cơ mà yên tâm, lúc 2 bạn này yêu nhau rồi thì cũng... đặc sắc lắm đó ahihi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top