Yên Hầu quân - 27

Nhưng đó không phải là đặc điểm giày vò nhất ở Lý Thụy.

Bởi còn có thứ giày vò hơn, ấy chính là lúc A Sử Na cùng chà lưng ngựa chải lông ngựa với cô, thì cô ả lại rất tận tụy, dùng lời lẽ cực kỳ rõ ràng rành rọt dễ hiểu để... giải thích nội dung cuốn Luận ngữ.

Đấy mới chính là thứ giày vò người khác nhất.

(Luận ngữ: một trong bốn cuốn sách quan trọng bậc nhất - Đại học, Mạnh tử, Luận ngữ, Trung dung - mà người xưa, nhất là giới sĩ tử đi học đi thi làm quan là phải học làu làu. Cuốn sách nói về Khổng Tử về các học trò của ông, những câu chuyện trong sinh hoạt cũng như những bài học triết lý.)

A Sử Na nghiến răng ken két, cố nhịn không nói gì. Lý Thụy làm như gã là kẻ man di ngu muội thất học không bằng... Tuy bảo lý do gã học chữ Hán ở chỗ thông dịch viên người Hán là để làm trinh sát cho Bắc Man thôi, nhưng bộ tộc Bắc Man nơi gã sống hồi đó có thể coi là bộ tộc giỏi nhất mạnh nhất, và có thể đạt tới địa vị cao như vậy, nguyên nhân rất lớn đến từ việc tù trưởng bộ tộc ấy rất trọng dụng người phương Nam.

Tên thông dịch viên người Hán nọ chính là một tú tài thi trượt, bị bắt đến nhưng được tù trưởng đối đãi trọng thể, lễ phép. Dẫu sao A Sử Na cũng có cơ sở kiến thức văn hóa, nên đương nhiên nhờ đó cũng đã từng đọc sách Luận ngữ.

"... Đủ rồi." Cuối cùng gã hết chịu nổi gào lên. "Tôi đương nhiên biết sách Luận ngữ! Tôi còn biết câu 'Dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi' nghĩa là Phải sai khiến dân làm việc chứ không nên giải thích gì cho dân biết tại sao!"

Lý Thụy im bặt thoáng chốc rồi mới từ tốn lắc đầu. "Anh ngắt câu nhầm chỗ rồi. Phải là ' Dân khả sử, do chi. Bất khả sử, tri chi' mới đúng."

Mặt A Sử Na nghệt ra nhìn cô với vẻ rất kỳ quái. Tưởng A Sử Na không hiểu, Lý Thụy bèn kiên nhẫn dịu dàng giải thích. "Câu ấy có nghĩa là, cái gì trăm họ đã biết làm thì cứ để mặc cho họ làm việc cần làm. Còn nếu trăm họ chưa biết làm thế nào, thì phải dạy cho họ cách làm việc cần làm. Câu ấy cũng mang ý tương tự như câu 'Bất giáo nhi sát vị chi ngược', không dạy dỗ tử tế cũng là ác nghiệt như giết người vậy..."

"Không đúng!" A Sử Na càng thêm cáu kỉnh. "Cô nói nhăng nói cuội cái gì thế, trước nay làm gì có ai giải thích như vậy kia chứ!"

Lý Thụy khựng lại một lúc rồi thừa nhận. "Đúng là không ai giải thích như vậy cả... Nhưng nếu không giải thích như vậy, tôi không có cách nào học thuộc cả." Rồi vẻ mặt cô thoáng hiện nét rầu rĩ. "Tôi... từ lúc lên năm lên sáu tôi đã thuộc hơn một ngàn mặt chữ. Nhưng cuốn Luận ngữ thì phải mất hai năm tôi mới thuộc hết. Bởi vì nếu không thừa nhận, không tin tưởng nội dung của nó tôi không cách nào nhớ nổi... Nhưng đến khi tôi cân nhắc hẳn hoi rõ ràng và hiểu kỹ ý nghĩa của từng chữ một, tôi mới hoàn toàn tin vào chúng."

"Nhưng mà tôi lại không cách nào hiểu nổi tại sao vô số người có học, đọc nhiều sách hơn tôi rất nhiều lần, thuộc làu làu cả Tứ thư Ngũ kinh nhưng lại hoàn toàn không tin vào chữ nào hết trong đó. Tôi thật sự không thể hiểu nổi thế giới này như thế nào, tại sao cứ phải theo đuổi danh lợi tiền tài mới là đúng, nếukhông phấn đấu vì mấy thứ đó lại là sai? Các người suốt ngày hỏi tôi rốt cuộc muốn làm cái gì, nhưng thật lòng tôi không biết phải trả lời như thế nào cả."

"Quả thực tôi không muốn làm cái gì hết. Mấy cái danh hão để làm gì? Thuở nhỏ tôi được xưng danh là tài nữ văn võ song toàn, chỉ cần một lần tai nạn lập tức tôi bị coi là đàn bà thất trinh nhục nhã... vậy cái danh ấy để làm gì? Thuở nhỏ cuộc sống của tôi là ăn ngon mặc đẹp, gấm vóc lụa là, thức ăn thừa mứa chưa từng thiếu thốn. Nhưng phải tới khi theo quân, làm lính, tôi mới cảm thấy vui vẻ khi ăn cơm. Bữa cơm mỗi lần không ăn quá một cân, giấc ngủ giường chiếu chẳng cần dài hơn một trượng. Bề trên, cha mẹ và các anh không cần tôi thưa hầu nuôi nấng, bề dưới tôi không con không cái, một mình tôi như vậy còn cần tiền bạc ngập nhà làm chi?"

"Thật sự là chỉ vì bị bức tới đường cùng không còn cách nào khác, không chịu nổi nữa, tôi mới nát óc nghĩ cách giải quyết các vấn đề bản thân. Bởi vì tôi thật sự tin vào lời dạy của thầy giáo năm xưa, nên lời nói việc làm đều cố gắng nương theo lời dạy của người mà thôi. Chỉ có vậy, có gì kỳ lạ kia chứ? Mẹ tôi bảo ấy chính là biểu hiện của lương tâm giày vò, là quá lý tưởng mà không đi vào thực tế. Mặc dù bà ấy cũng như thế, nhưng bà ấy chưa bao giờ hy vọng tôi cũng giống thế."

"Nhưng mà, tại sao lại không thể như thế? Tại sao mọi người cứ phải tới làm phiền tôi kia chứ? Có người mách lẻo với hoàng đế rằng tôi sẽ là một Vương Mãng, rằng ý đồ của tôi chính là chiếm lấy U Châu làm căn cứ để nổi loạn. Tôi thật sự không hiểu. Tôi không hiểu cả thế giới này, và cả thế gian này cũng không ai hiểu tôi. Đám quan văn trong triều đầu óc làm bằng gì vậy, chẳng lẽ Tứ thư Ngũ kinh chỉ là mấy cuốn sách làm gạch lát cho con đường thăng tiến làm quan thôi... còn không một ai từng tin tưởng nội dung trong đó hay sao? Huấn luyện viên A Sử Na, anh nói đi, tại sao kia chứ?"

(Vương Mãng: một nhân vật quyền cao chức trọng thời Tây Hán. Cô ruột ông ta là Vương Chính Quân, từng là hoàng hậu, rồi thái hậu và thái hoàng thái hậu. Trải qua 4 triều vua Hán, hai cô cháu nắm giữ rất nhiều quyền lực, gần như thao túng cả triều đình. Vương Mãng rất giỏi trong việc lung lạc dân chúng và quan lại, tỏ ra rất cung kính khiêm nhường, tôn trọng kẻ sĩ, thợ thủ công, tôn trọng luật pháp và lề lối lễ pháp cổ xưa, thậm chí giết cả con trai khi anh ta phạm pháp khiến cho mọi người tin phục. Dần dần ông ta được phong các tước hầu, tước công, cuối cùng ông ta tiếm ngôi vua Hán và tự xưng là Hoàng đế, mở ra nhà Tân. Vương Mãng có tham vọng xây dựng một thế giới lý tưởng, tái tạo nền văn minh thuở xưa nên thực hiện vô vàn cải cách lớn nhỏ theo mục tiêu đạt đến sự hoàn mỹ, nhưng chúng động chạm đến quá nhiều tầng lớp trong xã hội và bị đánh giá là quá cực đoan, phục vụ cho tham vọng cá nhân. Không những sai lầm trong các sách lược đối nội, Vương Mãng cũng gây hấn rất nhiều với ngoại bang như Hung Nô, Cao Ly và khiến cho quân dân lầm than vì chiến tranh. Chỉ sau 16 năm, khi Vương Mãng mất, nhà Tân cũng bị tiêu diệt và quay lại nhà Hán, sử gọi là nhà Đông Hán.)

(Cân ở đây là cân xưa, chỉ tầm 0,5kg; trượng cũng là đơn vị đo độ dài xưa, khoảng hơn 3m)

Mặc dù thường ngày nhìn Lý Thụy rất bình thản rất lý trí, nhưng thực ra trong lòng cô cũng nặng trĩu vô vàn cơn uất nghẹn. Gần đây cô rất bực bội vì bị hạch tội, nhưng ngoài mặt vẫn phải cố tỏ ra thản nhiên như thường. Những điều này cô không cách nào kể lể thở than với cha mẹ và hai anh trai vì sợ họ sẽ lo lắng, càng không thể giãi bày cùng cấp dưới, bởi cô là gốc rễ là trung tâm của tất cả mọi người, không thể khiến mọi người sợ hãi.

Cô cũng biết mình chỉ là ăn đạn lạc mà thôi. Hạng Trang múa kiếm, ý vốn ở Bái Công. Thoạt nhìn là Ngự sử dâng tấu trách tội cô, nhưng trên thực tế là nhắm thẳng vào hai người anh trai càng ngày càng giỏi giang, quyền cao chức trọng khiến người khác kiêng kỵ.

(Hạng Trang múa kiếm, ý ở Bái công: Bái công là Lưu Bang. Hạng Trang là em họ, có thuyết là em ruột, của Hạng Vũ. Trong bữa tiệc Hồng Môn, Hạng Vũ vốn định giết Lưu Bang, nhưng rồi nghe Lưu Bang trình bày bèn bỏ ý định đó. Mẹ của Hạng Trang không cam lòng nên sai Hạng Trang lên tiệc múa kiếm góp vui nhằm tìm cơ hội giết Lưu Bang, nhưng bị người khác ngăn cản nên không thành công.)

Nhưng tuy là Dực Đế giữ bản sớ tâu trình vạch tội không xử lý, lại vẫn sai người chép một bản sao gửi đến tay cô.

Cô còn biết làm thế nào, ngoài hai chữ nhẫn nhịn. Nhưng đầy một bụng tủi thân bức bối không biết trút vào đâu, giờ lại không nhịn được gào lên với A Sử Na.

Một Lý Thụy trầm tính ít lời đột nhiên nổi giận khiến A Sử Na há hốc mồm ngơ ngác. Chờ tỉnh táo ngẫm kỹ những gì vừa nghe, quả thực gã cũng không biết phải cảm thấy thế nào.

Một con người quá trong trẻo thuần khiết, không những khiến người ta sợ hãi mà còn khiến người ta oán hận.

"... Tôi biết thế quái nào được hả?!?" A Sử Na gầm lên như trút toàn bộ cơn cuồng nộ. "Tôi chỉ là một thằng Bắc Man gốc Đột Quyết dã man tàn nhẫn dốt đặc cán mai giết người như ngóe. Làm đếch gì biết được mấy kẻ đọc sách ẻo lả miệng cười cười mà trong bụng thì mưu kế trùng trùng kia chứ? Cô hỏi tôi làm đếch gì? Hả!?!" Rồi gã vung tay ném cái chổi chà lông ngựa xuống đất nảy tưng tưng, bản thân thì nhảy lên lưng một con ngựa chưa lắp yên, thúc mạnh chân vào bụng ngựa điên cuồng phi nhanh.

Cả chiều hôm ấy Lý Thụy vùi đầu chải lông tắm rửa toàn bộ số ngựa trong chuồng, rồi lại hùng hục xúc phân ngựa hơn nửa chuồng như để trút giận, rồi mới dọn rửa toàn bộ chuồng ngựa cùng với mục dân chăn ngựa.

Còn A Sử Na đi đâu đó mãi tới giờ Tuất mới về, về đến nơi là giơ chân đạp bay cửa phòng Lý Thụy.

"Chuyện gì?" Sau cả buổi dùng thể lực lao động quần quật để vơi bớt nỗi bực dọc khó chịu thậm chí phẫn nộ oán hận trong lòng, giờ cô uể oải rã rời lắm rồi. Cô cũng mới chỉ vừa về phòng sau khi ngâm người tắm rửa ở phòng tắm chung, tóc còn đang tong tỏng nước chưa lau.

"Toàn bộ Đại Yên các người từ trên xuống dưới đều là một lũ dở người ngu xuẩn." Ánh mắt A Sử Na sắc lạnh. "Việc này dễ thôi mà, cô viết tấu dâng lên triều đình đi, không cần văn từ hoa mỹ, chỉ cần tỉ mỉ kể rõ việc cô khích lệ mọi người kết hôn gả cưới, đồng thời liệt kê rõ ràng trước từ ấp Hiền Lương đã có bao nhiêu người đi lấy chồng là được."

Từ khi Dực Đế cắt giảm quân đội biên ải, trên danh nghĩa chỉ là giảm thiểu số lượng binh lính già yếu, nhưng thực tế mà nói đây đã thành thủ đoạn thanh trừng bè phái trong quân đội. Rất nhiều đội trưởng hoặc tướng lĩnh chỉ biết cầm quân đánh giặc mà không giỏi luồn lách thủ đoạn chốn quan trường đều lần lượt bị đuổi khỏi quân đội Đại Yên. Bọn họ đa phần ở tầm ba mươi tới bốn mươi tuổi, được coi là lính già, chỉ có thể thuyên chuyển về đóng quân trong các ấp, trở thành dân quân tự vệ hoặc thậm chí là dân thường. Nhiều lão tướng lão binh đã từng sóng vai chiến đấu cùng Ai quân, khi bị cắt giảm biên chế đều chỉ định yêu cầu thuyên chuyển về khu vực sáu ấp Hiền Lương.

Tên là lão binh lão tướng, nhưng ai nấy vẫn tràn ngập nhiệt huyết trong lòng, hoàn toàn không coi lễ giáo vào đâu, thậm chí coi việc có thể cưới các cô gái kiên cường tiết liệt ở Ai quân là vinh dự. Lý Thụy cũng cảm thấy nữ giới ở ấp Hiền Lương không nên cả ngày lúc nào cũng nghĩ làm thế nào để mỉm cười khi chết, mà hơn thế, càng phải nghĩ xem làm thế nào để sống một đời vui vẻ, hạnh phúc, nên cô rất khuyến khích việc kết hôn trong quân.

Tuy vậy cô không cảm thấy chuyện này có gì đâu mà đáng phải nhắc tới. Cơ mà A Sử Na vừa nói ra... Lý Thụy khựng lại một lúc rồi nhanh chóng hiểu ra điểm mấu chốt.

Lực lượng quân đội mà cô thật sự có khả năng sai khiến điều động chỉ có Ai quân cùng với quân đội của sáu ấp mà thôi. Quân đội sáu ấp có định mức rõ ràng cố định, nhưng sĩ số của Ai quân trước nay vẫn do cô quyết định. Bây giờ cô lại khuyến khích nữ giới ở ấp Hiền Lương lấy chồng sinh con, khác nào tự mình cắt giảm nguồn trưng binh cần thiết của bản thân, rút củi đáy nồi.

Thế nên cái gọi là một Vương Mãng khác, chiếm đất U Châu làm căn cứ, vân vân và vân vân, không có binh lính thì đều là tin vịt, không đánh tự thua.

"... Huấn luyện viên A Sử Na... lúc chiều... anh đi đâu thế?" Lý Thụy run rẩy lắp bắp.

Gã ngoác miệng nhe răng cười, lộ ra hàm răng trắng bóc đẹp đẽ đều tăm tắp... Như một con sói hoang đang nhe răng nanh. "Tôi đi tìm mấy đứa quan văn... tâm sự chút đỉnh."

Về sau Lý Thụy nghe đồn, Tri phủ U Châu mới nhậm chức cùng toàn bộ đội ngũ phụ tá bị ai đó trùm bao tải tra khảo rồi đánh cho một trận nhừ tử, cô toát mồ hôi hột. May thay may thay, cha cô đã chuyển tới Tô Châu, chứ mà rơi vào bàn tay hắc ám của tên Bắc Man gốc Đột Quyết này thì hông có vui tí nào nha.

Lại về sau, Lý Thụy quả thực tự tay dâng tấu, không hề giải thích gì về việc hạch tội, chỉ tỉ mỉ cặn kẽ báo cáo về tình hình cưới gả của ấp Hiền Lương. Dực Đế lập tức hạ chỉ khen ngợi, đồng thời hôm sau lên chầu thì trách mắng vị Ngự sử đã buộc tội cô.

Cuối cùng cũng có thể hữu kinh vô hiểm mà vượt qua được kiếp nạn này.

A Sử Na tuy vẫn mặt lạnh như đít bom kiểu người sống chớ lại gần, nhưng bắt đầu hỏi gì đáp nấy, thành cánh tay phải đắc lực của Lý Thụy.

Dù là như thế, đáy lòng huấn luyện viên A Sử Na vẫn cảm thấy thấp thoáng nỗi bi thương, rành rành 'thấy người bất hạnh thì thương, giận người không biết tìm đường mà tranh'.

(Nguyên văn là 'Ai kỳ bất hạnh, nộ kỳ bất tranh': câu này có lẽ đã có từ lâu nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là từ câu nói của Lỗ Tấn khi nhắc đến người dân thấp cổ bé họng. Bạn Mèo chuyển thành thơ.)

Mẹ nó chứ. A Sử Na càng nghĩ càng tức. Lương tâm giày vò quả thực đáng sợ, còn đáng sợ hơn nhiều so với gươm đao giáo mác...


***

Chương này làm chú thích cũng ná thở ra phết vì thật ra có những cái có nhiều người biết hoặc nghe rồi nhưng mình vẫn muốn chú thích rõ ràng lại cho người chưa biết đọc đến sẽ không còn bị bỡ ngỡ như mình ha.

Bạn Mèo giỏi quá, hoan hô! :D

PS: nếu bạn để ý, sẽ thấy bạn Mèo cũng đang đăng một tiểu thuyết ngắn ngắn đang viết dở, đã từng post trên HIVE mà giờ sẽ post cả ở đây nữa :D Hot Lemon xin mời bạn ghé thăm!)

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top