Yên Hầu quân - 25

Cuối cùng A Sử Na cũng biết lý do vì sao chỉ có mùa đông Lý Thụy mới tập huấn cho binh sĩ.

Bởi vì cả ba mùa xuân hè thu còn lại cô ấy đều cực kỳ bận, bận việc chăm nom kinh tế cho cả sáu ấp.

Trong số sáu ấp, chỉ có ấp Hiền Lương là công nghiệp thương nghiệp kết hợp, nông nghiệp chỉ có trồng bông trồng đay, còn năm ấp kia mới là nông nghiệp trồng lúa trồng lương thực. Nhưng ở vùng Yên Vân biên cương, diện tích đất thích hợp để canh tác nông nghiệp thật ra không nhiều, bởi diện tích vùng này mười phần thì đã có tới bốn phần toàn là núi non trùng điệp hoặc cằn cỗi vô cùng, lại có hơn ba phần thuộc dạng đất ruộng không dễ tưới tiêu, chỉ dựa vào thời tiết mà trồng trọt.

Lý Thụy đã giao hết quyền lực cho thuộc hạ, và trải qua những cố gắng suốt mấy năm nay của cả hai mẹ con, Mộ Dung phu nhân và cô, nơi đây đã có một chế độ quản lý cực tốt, vượt xa so với thời đại triều Yên. Tuy vậy, cô vẫn không quên tiếp tục truyền thống tốt đẹp của học viện, thu nạp các ý kiến đóng góp bổ ích để cải thiện kinh tế lẫn nông nghiệp của sáu ấp.

Phần đất đai không thích hợp trồng trọt, họ đổi thành trồng cỏ làm mục trường chăn nuôi, tuyển mộ rộng rãi những người dân du mục di cư về phía Nam. Dê sẽ bị nuôi nhốt, vì dê thường không chỉ ăn thân, lá cỏ mà còn chén sạch cả rễ cỏ khiến đất đai càng thêm cằn cỗi. Trâu bò và ngựa mới được nuôi thả, còn ngựa chiến thì phải tập trung nuôi dưỡng cùng nhau.

Mục trường chăn nuôi đầu tiên thuộc sở hữu của ấp Hiền Lương, cũng là nơi ép khô tâm sức lẫn của cải của cô, nghèo rớt mùng tơi nên mới phải không tiếc mệnh đi cướp của mã tặc để gây dựng. Nhưng mục trường cũng thành công đủ để cô yên lòng phổ biến rộng rãi, cũng khiến cho một vùng đất cằn sỏi đá trở thành một mỏ vàng béo bở.

Nhưng việc khiến cô mất nhiều tâm tư sức lực nhất, lại là công việc thủy lợi của sáu ấp.

Ngày trước, toàn bộ khu ruộng đất gần nguồn nước nhất đều nằm trong tay một số nhỏ các quan chức quân đội, thói xấu thôn tính chiếm dụng đất nhà nông cũng khiến cả vùng cạn kiệt. Từ khi Lý Thụy tiếp quản sáu ấp, ấp trưởng do cô chỉ định, còn đám quân lính già cỗi vài trăm người mà các sĩ quan khăng khăng nắm giữ, cô cũng để đó không làm gì đặc biệt.

Cơ mà năm cô gái lên làm ấp trưởng đều rành rẽ thủ đoạn dùng dao cùn cắt thịt.

Nắm bao nhiêu ruộng đất trong tay, nhưng không có người canh tác trồng trọt thì ruộng đồng không thể tự đẻ ra lương thực. Một năm, hai năm còn chịu được, hơn ba năm rồi thì... đám quan quân kia chịu sao nổi. Cuối cùng đám sĩ quan ở cả năm ấp ào ào nổi dậy làm loạn, cũng lại ào ào bị Ai quân dập tắt chỉ sau nửa canh giờ, nhân tiện nhổ tận gốc đám chủ mưu cứng đầu. Một vài số ít sĩ quan không đi theo làm loạn thì cũng rụt vòi sợ hãi, tới khi các chị ấp trưởng tới nhẹ nhàng lịch sự hỏi mua đất ruộng, ai nấy cũng nhẹ nhàng lịch sự không kém mà bán rẻ hết toàn bộ các khoảnh đất trước đây họ chiếm dụng trái phép, rồi vội vã tìm mọi cách mọi quan hệ để được điều đi nơi khác.

Trước khi Lý Thụy đi lấy chồng, vấn đề ruộng đồng bị sĩ quan quân đội thôn tính chiếm dụng đều đã được giải quyết một cách nhẹ bẫng, đất đai được chia lại cho dân trong ấp trồng trọt canh tác, nâng cao hiệu suất lẫn thu hoạch đầy tích cực. Cho tới khi các ấp trưởng tới nhà họ để trưng dụng sức lao động sửa mương dẫn nước làm thủy lợi, ai nấy đều vui vẻ tham gia, không một ai chống đối.

Tất nhiên vấn đề sửa mương dẫn nước cải thiện tưới tiêu đâu phải việc ngày một ngày hai là xong. Tới khi công trình thủy lợi bước đầu hoàn thành, diện tích được tưới tiêu hợp lý ngày càng mở rộng, sản lượng lương thực cũng tăng lên theo từng năm, không những cung cấp đủ ăn cho dân chúng sáu ấp, lương thảo cho quân đội được sẵn sàng, thậm chí còn dôi ra để thu nhận dân chạy nạn vào năm mất mùa.

Ngay cả vùng núi hiểm trở cũng có thể đóng góp kinh tế bằng việc cung cấp nguyên vật liệu từ gỗ và khai thác mỏ sắt, vùng núi còn có thể làm đường cho dễ đi. Năm ấy mất mùa, dân chạy nạn quá đông, Lý Thụy đã dùng danh nghĩa "đổi lao động lấy lương thực", "mở rộng cơ sở hạ tầng công cộng" để tận dụng sức lao động dôi ra nhưng vẫn không quên hỗ trợ kinh tế địa phương phát triển.

Vùng đất có sáu ấp này, ngày xưa được liệt vào vùng nghèo đói cằn cỗi, nhờ có Lý Thụy quản lý suốt nhiều năm qua, cuối cùng lại được gọi là "U Châu tiểu đào nguyên".

Thế nên cô rất bận rộn, công việc bộn bề. Bởi lẽ lúc nào cô cũng cảm thấy mình vẫn nghèo. Ngày xưa nghèo, nên với tình hình căn cứ nhà mình nghèo đói yếu ớt, cô đành phải đi đánh cướp mã tặc. Giờ căn cứ đã giàu mạnh hơn nhiều nhưng cô vẫn cảm thấy nghèo, bởi lẽ nhìn quanh thấy còn bao nhiêu là việc cần làm công trình cần xây dựng, việc nào cũng phải dùng cả núi tiền núi bạc...

Mãi tới lúc A Sử Na cuối cùng cũng ngoan ngoãn về chỗ cô làm huấn luyện viên toàn thời gian, cô cũng vẫn thấy mình là một con quỷ nghèo. Bởi thoạt nhìn bề ngoài, sĩ số của Ai quân không tăng, sĩ số của đội trinh sát cũng không tăng. Quân đội thường trú của cả năm ấp cộng lại chỉ có một ngàn người, nếu triều đình căn cứ số lượng mà cung cấp vũ khí lẫn giáp mũ, dường như hoàn toàn không có gì vất vả áp lực.

Thế nhưng, đội ngũ các đội quân của cô lại được trang bị giáp mũ với chất lượng hoàn toàn có thể so sánh với đội ngũ cấm quân của Dực Đế được bà ấy gây dựng lại sau khi đã cắt giảm nhân số và trang bị quân đội của nơi khác, càng đừng nói đến vũ khí, vượt xa hơn rất nhiều. Chưa kể chức vị của cô trước hết là một huấn luyện viên, binh lính dưới quyền của cô, kể cả đối mặt với cấm quân đi nữa, bảo là lấy một chọi trăm e là phóng đại quá đáng, nhưng mà lấy một chọi năm hoàn toàn không có vấn đề.

Còn nếu là Ai quân, tỷ lệ đánh thắng e là càng có khả năng tăng cao.

Trong chế độ quân ngũ của Đại Yên hiện giờ, quân coi ấp chỉ tính là lính quèn, ngày nông nhàn làm lính, mùa làm đồng lại thành nông dân. Nhưng cô vẫn nghèo rớt mồng tơi chính là vì cô lấy trang bị vũ khí cao cấp tận răng cho đám "lính quèn" của mình. Cho dù ở khu làm nghề thủ công ở chợ thông thương giữa các ấp của cô có nguyên một phường toàn là thợ rèn đi nữa, nhưng việc trang bị vũ khí cũng coi như ngốn mất hơn nửa ngân sách dự tính ban đầu của cô... nên là lúc nào cô cũng ôm quyển sổ kết toán thở vắn than dài.

Nhưng điều thật sự khiến A Sử Na đau đầu không biết nên mắng cô là đồ ngu xuẩn hay là bái phục cô, là một binh chủng đặc biệt, chỉ Lý Thụy mới có - kỵ bộ binh.

Ban đầu A Sử Na không hiểu tại sao Lý Thụy bỏ tiền ra nuôi vô số ngựa thường, hơn nữa là nuôi kiểu thả rông thô sơ. Đương nhiên tiền vốn không đắt, nhưng mà đám ngựa đó còn khuya mới đủ tiêu chuẩn làm ngựa chiến. Trong mắt gã, đám ngựa này là ngựa tồi, ngoài việc biết chạy ra thì cùng lắm là dùng thay sức người để cày ruộng, hoặc là làm lương thực dự trữ cho chiến tranh.

Chờ tới khi gã được giải thích tác dụng của đám ngựa thường chân ngắn này chính là dùng để thay sức người đi bộ, kỵ bộ binh cưỡi ngựa tới nơi vẫn phải xuống ngựa mà chiến đấu... gã chỉ biết câm nín không biết nói sao.

"... Thế để làm cái vẹo gì cơ chứ?" Gã ôm trán thở dài, kỵ binh có bao nhiêu ưu thế thì cô ả này xóa sổ sạch bách, rõ là lãng phí.

"Này tác dụng rất lớn nhé!" Lý Thụy nghiêm mặt trả lời. "Thời gian dùng để hành quân quá là lãng phí, hùng hục cắm đầu đi bộ đến đích thì cũng hết cả hơi lấy đâu ra sức nữa mà đánh giặc. Có ngựa dùng thay đi bộ thì sẽ tiết kiệm sức mà cũng linh hoạt hơn..."

... Thế thì phải cần biết bao nhiêu là ngựa kia chứ? Trên chiến trường có mấy vạn người đánh nhau, cô nhét vào hai ngàn bộ binh thì làm được cái vẹo gì, đừng nói đánh nhau, sống sót cũng là vấn đề, chưa kể còn phí hoài không biết bao nhiêu là sức ngựa lẫn lương thảo.

"Sao cô không huấn luyện luôn kỵ binh cho nó nhanh, có phải tốt hơn không?" A Sử Na dở cười dở mếu hỏi lại.

"Kỵ binh tốn tiền lắm." Huấn luyện viên Lý Thụy tiền khô cháy túi gãi mũi xấu hổ trả lời. "... hơn nữa không có giáo viên." Cái đám lính kỵ binh suốt ngày vênh váo hếch mũi nhìn trời coi mình là tinh nhuệ kia còn khuya mới chịu tới học viện của cô hỗ trợ.

"... Thì để tôi dạy là được." A Sử Na cười bất đắc dĩ.

Huấn luyện viên Lý Thụy nghiêm túc chống cằm suy ngẫm hồi lâu. "Ừm... A Sử Na, huấn luyện viên A Sử Na, theo anh, để huấn luyện ra được một đội kỵ binh đủ tư cách phải mất bao lâu?"

"Ít nhất năm năm." A Sử Na nói ngay không cần suy nghĩ. "Ít ra phải đủ tiêu chuẩn về thuật cưỡi ngựa lẫn kỹ thuật bắn cung trên lưng ngựa, không thể ít hơn năm năm."

"Như vậy mỗi một kỵ binh phải tốn bao nhiêu tiền?" Huấn luyện viên Lý Thụy run giọng hỏi tiếp.A Sử Na... A Sử Na lại câm nín... rồi hít thật sâu thật sâu, thở ra một hơi dài thật là dài...

Cơ mà chờ tới khi gã tận mắt nhìn thấy vị huấn luyện viên suốt ngày than nghèo kể khổ, thiếu điều phải bán nốt cái quần đang mặc mới nuôi đủ một đội năm mươi binh sĩ "Thiết diêu tử", lúc ấy gã mới thấu hiểu cảm giác khóc không ra nước mắt.

Đương nhiên gã không thể biết được, rằng ở một không gian thời gian khác, vài trăm năm sau, đấy chính là một đội quân kỵ binh trang bị hạng nặng đáng kiêu ngạo của nước Tây Hạ. Dù vậy đi nữa gã cũng không thể không thừa nhận, uy lực của đội ngũ này quả thực phi thường... Mà tiền bạc tiêu xài vào đó cũng quả thực phi thường.

(Thiết diêu tử, diêu tử 鹞子 là con diều hâu, đội ngũ này được gọi là diều hâu sắt/thép vì độ linh hoạt của đội kỵ binh Tây Hạ có thật trong lịch sử này, ban đầu là ba trăm người, về sau mở rộng hơn chục ngàn người, chuyên dùng để tấn công đột kích quân địch. Tây Hạ là quốc gia nằm ở Tây Bắc Trung Quốc, tồn tại từ khoảng thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 13, mở đầu là Lý Nguyên Hạo khá nổi tiếng trong truyện kiếm hiệp. Tây Hạ, Đại Liêu và Bắc Tống trở thành ba nước hùng mạnh đối chọi với nhau.)

"Kiểu binh lính võ trang hạng nặng này phải dùng sức người sức của của cả một quốc gia để nuôi dưỡng duy trì, chứ không phải là dùng một mảnh đất cằn cỗi chó ăn đá gà ăn sỏi này của cô!" A Sử Na đùng đùng nổi giận.

Lý Thụy cười khan. "... Thì cũng chỉ là để thi thoảng đánh mấy đám mã tặc nho nhỏ, hoặc là giết vài đợt thổ phỉ Bắc Man tấn công thôi..."

Nhưng phải thừa nhận rằng A Sử Na có một thứ bản năng nhạy bén và tài năng bẩm sinh về mặt quân sự, là một kẻ mạnh đúng nghĩa.

Khi anh cả của Lý Thụy chuyển sang phụ trách ty khí giới của bộ Binh, một đám binh khí mới nhất vừa được nghiên cứu chế tạo thành công nhanh chóng được phân đến chỗ em gái mình. Thứ binh khí đó nặng năm mươi cân (cân cũ, bằng khoảng 0,5kg, tức là nặng 25kg), chiều dài cả cán khoảng một trượng (một trượng ở Việt Nam chừng 4m hoặc hơn một chút xíu, còn một trượng của TQ khoảng 3,3m), không có sống đao mà chỉ có phần lưỡi được mài sắc nhọn cả hai bên trái phải, đặt tên là mạch đao.

Trước đây A Sử Na vò đầu bứt tóc mãi để tìm cách tăng cường sức chiến đấu cho đội kỵ bộ binh này. Bởi vì lính dùng giáo dài thì quá yếu, lính dùng đao thường cán ngắn lại phải một tay cầm đao một tay cầm lá chắn (thuẫn), lực cổ tay không đủ mạnh. Nhưng giờ có mạch đao khiến cho gã có một linh cảm mới.

(Hình ảnh của mạch đao có thể tìm trên google, nhưng bạn hãy tưởng tượng ra cây đao của cụ Quan Công, nhưng thay phần đao cong cong bằng một phần lưỡi nhọn, dài, sắc bén cả hai bên, dài như đao luôn, chém phựt phựt vung vẩy rào rào có vẻ hay ho hehe. Đây cũng là vũ khí tương truyền vô cùng nổi tiếng thời nhà Đường, khoảng thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 10, chuyên dùng cho bộ binh để khắc chế kỵ binh.)

Kết quả là đội binh lính dùng mạch đao của Đại Yên chính thức lên sân khấu, tuy là quy mô còn rất nhỏ hẹp, khó mà so sánh với đội quân chuyên dùng mạch đao của thời nhà Đường ở một không gian song song khác được.

(Đúng vậy, các bạn Lý Thụy với A Sử Na chơi trò ghép hình, lấy mạch đao thời nhà Đường nhét vào tay đội quân Thiết diêu tử của Tây Hạ cách nhau vài trăm năm. Hehe.)

Thế là có thể dùng quân Thiết diêu tử kẹp hai bên sườn, tay cầm mạch đao xông tới như tường khép lại, lưỡi đao tới đâu máu thịt vung ra tới đó, cả người lẫn ngựa đều bị tiêu diệt, khí thế bừng bừng ra dáng ra hình.

Chờ tới lúc cả đám hè nhau lén lút vượt qua biên giới chạy tới Lam Châu tiêu diệt một đội mã tặc thổ phỉ cực lớn, chiến thuật này cũng chứng minh được hiệu quả mạnh mẽ, mà uy lực của mạch đao cũng được chứng thực về độ nhanh nhẹn linh hoạt mạnh mẽ của mình.

Di chứng duy nhất ấy là, lúc Mộ Dung phu nhân chạy tới kiểm tra giám sát một lần trước khi theo chồng đi nhậm chức ở Giang Nam, bà nhìn cả đội quân luyện tập tác chiến một lần và cười ngửa tới ngửa lui thiếu điều lăn đùng ngã ngửa.

"Thiết... hức... thiết diêu tử... hức... cầm... cầm mạch đao thời Đường... hức... rõ là lẩu thập cẩm... hức... hahahah... hahahaha..."

A Sử Na và Lý Thụy ngơ ngác nhìn bà ấy cười đến phát nấc không thở nổi, rồi nhìn nhau chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao.


***

Cuối cùng bạn Mèo cũng gom đủ dũng khí edit lại chương này, đùa chứ cảm giác lần này làm chậm hơn hẳn, chốc chốc là lại Ctrl+S cho chắc :))

Tuần sau bạn Mèo đi nghỉ hè với gia đình, e là không mang máy tính đâu nên xin phép lặn tiếp đến... cuối tháng 7 đầu tháng 8 nha bà con!

Lớp iu!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top