Yên Hầu quân - 22
Cuối cùng A Sử Na cũng không chống nổi sự cám dỗ mà đi nghe giảng, đồng thời cũng miễn cưỡng chấp nhận đứng lớp giảng bài.
Đối với một người từ nhỏ đã từng được hưởng phương thức giáo dục của quý tộc, lớn lên lại được đào tạo thành một quân nhân, một lính trinh sát tinh nhuệ như gã, việc có thể nhận được những nội dung giảng dạy cực kỳ hệ thống hóa và hoàn chỉnh như thế này là một chuyện vô cùng chấn động. So với đám học viên người Yên lúc nào cũng gà gật mơ màng buồn ngủ, gã lại có thể sắc sảo nhạy cảm mà nhận ra các trọng điểm quý báu trong đó, mà không cần Lý Thụy bỏ công hướng dẫn từ từ hay gợi hướng suy luận tiêu hóa dần dần.
Trước kia gã vẫn chỉ nhờ vào kinh nghiệm thực tế và chút tài năng quân sự bẩm sinh, nhưng giờ được hưởng một chương trình học hệ thống hóa toàn diện hóa, lâu lâu gã lại có được cảm giác tỉnh ngộ hiểu ra, bù đắp lại những điều mà xưa nay gã vẫn thấy ngu ngơ mù mờ, khiến cho tài năng quân sự của gã như thể được điểm hóa, tăng lên vài cấp bậc.
Điều đó khiến cho gã có thể nhanh chóng đuổi kịp tiến độ của Lý Thụy. Tới buổi tập trận tập thể hai người họ dần dần có thắng có thua, trở thành những đối thủ có thể đối đầu ngang tài ngang sức.
Có lẽ, học viện do Lý Thụy dẫn đầu chỉ có vị cựu lính trinh sát của quân địch này mới hiểu được giá trị thực sự của nó.
Việc lớn của một quốc gia, bao gồm việc thờ tự và quân sự (Quốc chi đại sự, tại tự dữ nhung). Quản lý quân sự ra sao vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu quan trọng nhất của đất nước, nhưng các binh pháp binh thư mỗi triều đại đều được giữ gìn bảo mật trong một số rất ít các thày trò hoặc gia tộc nhà tướng truyền thống theo phép cha truyền con nối, không hề lưu truyền bên ngoài. Bởi nỗi lo rằng "quốc chi đại sự" hay là việc lớn của quốc gia nếu rơi vào tay kẻ nham hiểm phản trắc sẽ trở thành họa lớn.
Nhưng ở đây Lý Thụy lại vô cùng thản nhiên mà mang những "quốc chi đại sự" đó ra dốc sức giảng dạy công khai thảo luận không thèm quan tâm. Mà đám học viên ngây ngốc kia cũng chỉ biết lơ mơ hồ đồ bảo gì học nấy, đám lính già giải ngũ cũng lơ mơ hồ đồ có gì giảng nấy, cuối cùng tất cả đều được ghi chép cẩn thận thành tài liệu sách vở phục vụ cho giảng dạy, chung tay sử dụng của cả học viện.
Chỉ có một mình Lý Thụy, là hiệu trưởng, là "huấn luyện viên", là "sư phụ" của đám học viên người Yên, tương lai sẽ là những vị tướng thời đại mới của nước Yên! Mà người nước Yên xưa nay đều cực kỳ tôn trọng mối quan hệ thày trò!
"Không phải như thế..." Lý Thụy cười lớn. "Không phải như anh nghĩ đâu. Ừ mà nếu có tác dụng phụ như vậy cũng không đến nỗi lắm..." Rồi cô gật gù. "Nhưng ý đồ chính của tôi không phải như thế. Chỉ là tôi thấy lo lắm. Nếu như phải hi sinh thật nhiều người mới có thể đào tạo được một vị danh tướng, cái giá ấy dường như hơi quá đắt thì phải. Đâu thể trông cậy vào ông trời phù hộ ra được vài vị tướng lĩnh tự học thành tài bảo vệ tổ quốc kia chứ?"
Cô trỏ tay về đám học viên đang thao luyện trên sân. "Tôi cũng chỉ đơn giản là chôn sẵn một ít mầm móng mà thôi... rải sẵn những mầm móng biết binh thư biết đánh trận khắp vùng biên ải..."
A Sử Na cười khẩy. "Rồi là nuôi ra mấy con sói mắt trắng chỉ biết cắn ngược phải không?"
"Cũng có thể lắm." Lý Thụy thừa nhận. "Nhưng trong số đó đâu phải ai cũng sẽ thành kẻ cắn ngược. Hơn nữa trong đó thế nào rồi cũng sẽ có cả thợ săn để có thể chống lại thậm chí săn lùng và truy diệt sói mắt trắng. Tôi không tin sẽ có được hòa bình vĩnh viễn chỉ nhờ vào nhân nghĩa đạo đức... Nhưng tôi cũng không tin sẽ có ngày thả ngựa nhàn nhã ở núi Nam."
(Nguyên văn: phóng mã Nam Sơn, thành ngữ xuất xứ từ thiên Vũ thành, thuộc tập sách Ngụy Cổ văn Thượng Thư, tức tập Thượng Thư được cho là đã bị tạo giả. Nguyên văn cả câu là 'Quy mã ư Hoa Sơn chi dương, phóng ngưu ư Đào Lâm chi dã', nói đến việc sau khi Chu Vũ vương hoàn thành việc đánh bại Trụ Vương vị vua cuối cùng của nhà Thương, đã trả lại ngựa rong chơi ở phía nam núi Hoa Sơn, thả trâu bò ở cánh đồng ở Đào Lâm, ý muốn nói rằng việc binh đao đã hoàn toàn kết thúc, thời kỳ thái bình thịnh trị đã tới, không còn cần đến việc trưng dụng trâu ngựa cho chiến tranh nữa. Ở đây ý Lý Thụy muốn nói cô không tin vào việc sẽ có ngày thiên hạ hoàn toàn thái bình không còn đến việc binh đao. Cũng đúng bởi vì còn có người là còn tranh đấu kia mà.)
Cô lặng yên một lúc rồi mới nói tiếp. "Ít nhất, chiến tranh giữa các dân tộc du mục và dân tộc làm nông định cư sẽ không bao giờ kết thúc. Không có Bắc Man sẽ có Hồi Hột, không có Hồi Hột sẽ có những bộ tộc khác nữa... Sẽ không bao giờ chấm dứt."
Đương nhiên cô biết rõ, học viện của cô sẽ không tồn tại lâu dài... Đến khi cô già và qua đời, rất có thể tình huống sẽ là người mất, chính sách cũng dừng lại. Ngay cả ấp Hiền Lương cũng khó có thể tồn tại vĩnh viên, khó có thể duy trì được đội ngũ Ai quân có tinh thần chiến đấu sắc bén như thế.
Các học sinh ngày hôm nay có mặt ở đây, nhưng về sau có thể sẽ trở nên mờ nhạt trong dân chúng, hòa tan vào dòng đời.
Nhưng, chỉ cần còn có một chút xíu mầm móng tồn tại, cho dù tương lai ngọn lửa binh đao điên cuồng thiêu đốt khắp nơi, vẫn sẽ có một ai đó biết cần phải làm gì mà không phải bó tay chịu trói.
Nghe tiếng cô thong thả giải thích, A Sử Na chỉ biết nhìn cô với ánh mắt nhìn một kẻ điên. Làm trinh sát chừng ấy thời gian, gã hoàn toàn tự tin có thể phân biệt rõ đâu là sự thật đâu là nói dối. Nhưng giờ đây, gã hầu như cảm thấy đầu óc mình bị trục trặc, bởi vì nếu không, vì sao gã lại cảm thấy những lời cô nói hoàn toàn là sự thật.
"... Hoặc cô là một kẻ bịp bợm với dã tâm lớn tới mức muốn xé toang trời đất. Hoặc cô chính là thánh nhân." A Sử Na bắt đầu cảm thấy bực bội.
"Tôi chẳng là ai trong số đó cả." Lý Thụy cười tủm tỉm. "Tôi chỉ giống mẹ tôi, bị lương tâm cắn rứt mà thôi."
Mặc dù A Sử Na không hiểu cái gì gọi là 'lương tâm cắn rứt', nhưng nỗi bực bội bứt rứt trong lòng thì gã không hề ngại ngần mà trút lên đám học viên xui xẻo trong tay mình. Không ai xứng đáng chức danh "huấn luyện viên trinh sát" hơn gã, nhất là độ bạo lực. Trước mặt cho dù là nam hay nữ đi nữa, gã luôn thản nhiên giúp bọn chúng nhận thức rõ ràng cỡ giày của gã là bao nhiêu bằng lần lượt các bộ phận cơ thể của họ.
Lý Thụy xưa nay huấn luyện học viên bằng phương pháp hoàn toàn trái ngược, nhưng cô không bao giờ can thiệp việc gã 'dạy dỗ' học viên ra sao, chỉ là lâu lâu nhắc nhở một chút. "Đừng có tăng thêm thiệt hại ngoài chiến tranh."
A Sử Na lạnh lùng. "Yên tâm, không chết được, mà cũng sẽ không thiếu tay thiếu chân."
Cuối mùa đông năm ấy, huấn luyện viên A Sử Na cũng đạt được địa vị chí cao vô thượng vô cùng đáng tin, nhưng đồng thời cũng hút lấy toàn bộ thù hận của tất cả học viên trong trường. Sau rất nhiều lần trùm bao tải huấn luyện viên đánh hội đồng không thành công, lại còn bị huấn luyện viên phản kích đập cho một trận sưng vù mặt mũi, cuối cùng đám học viên đành ngậm hờn nuốt đắng mà chịu đựng.
Chờ đến thời điểm lửa hận dành cho huấn luyện viên kèm theo mối thù dân tộc lên đến tận trời khiến ai nấy sôi sục đến cùng cực, Lý Thụy vẫn luôn im lặng quan sát từ xa giời mới tung ra những thông tin mới về thân thế của A Sử Na. Bởi vì đầu tiên cô giải thích cho Lan Ương nghe, nên là thêm bớt vài câu dăm từ như kể truyện diễn nghĩa, làm cho câu chuyện trở nên lâm li cảm động tới mức tim gan đều run rẩy, nên là độ thù hận cũng được giảm đi kha khá.
Ngay cả đám học viên chủ nghĩa dân tộc hận chỉ muốn róc thịt lột da giặc Bắc Man giờ cũng tìm được lý do chính đáng - Huấn luyện viên A Sử Na là người Đột Quyết bị giặc Bắc Man làm hại, mà không phải giặc Bắc Man.
Kết quả là vị hắc si trinh sát giỏi giang nhất Bắc Man này dần dần được toàn bộ học viên trong học viện chấp nhận chính thức.
Đối với kết quả đó, phản ứng của A Sử Na vô cùng 'hàm xúc'. Gã bảo Lý Thụy... "Chết tiệt!"
Lý Thụy phẩy tay. "Ừ không cần cảm ơn tôi làm gì. Học viện này của chúng ta chính là một gia đình lớn, có thể bao dung mọi người. Tôi biết anh hơi chướng tính tí thôi..."
A Sử Na suýt bị lửa giận đốt thành cục than, cố nín hồi lâu rồi chửi thề bằng tiếng Đột Quyết suốt một khắc đồng hồ (chừng mười lăm phút) rồi mới dùng tiếng Hán tổng kết. "Như cứt!"
Lý Thụy không hề để bụng, vẫn tủm tỉm cười nhàn nhã.
Bị gài bẫy một cách thô bạo, nhưng thấy cái bẫy vẫn không thể không nhảy vào trong bẫy, A Sử Na vẫn ngùn ngụt lửa giận mãi cho tới lúc xuân về hoa nở khóa học kết thúc thì đùng đùng bỏ về. Chỉ có thể nói, cá tính quyết định số phận, các cụ nói cấm có sai bao giờ.
Ban đầu gã đã thề là lần sau sẽ không quay lại đó để chịu Lý Thụy dày vò tiếp. Nhưng khi rời xa cô gái có vết xăm chữ trên mặt khiến gã bực mình đó rồi, trong lòng lâu lâu vẫn dễ dàng hiện lên bóng dáng huấn luyện viên Lý Thụy thoạt nhìn nghiêm túc khuôn phép lắm nhưng thực ra thì to gan lớn mật vô cùng kia.
Bực mình chết đi được!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top