Yên Hầu quân - 13

Đặt chân lên đất Ký Châu, cô đương nhiên biết có vấn đề, nhưng cô cũng chuẩn bị sẵn lý do chính thức: "Đuổi theo mã tặc U Châu."

Các quân đội khác tuyệt đối không được phép làm thế, nhưng riêng ấp Hiền Lương lại có thể du di lẫn lộn khắp nơi. Đây hoàn toàn là công lao của vị thiên cổ nhất đế tức Phượng đế, mặc dù ban đầu khi tiếp chỉ, Lý Thụy chỉ cảm thấy không những hoàn toàn vô dụng mà còn gây ra kha khá phiền nhiễu cho cô.

Cụ thể như sau, Phượng đế gom hết cả năm ấp nhỏ xung quanh vào phạm vi quản lý của ấp Hiền Lương, hơn nữa nâng cấp bậc của ấp Hiền Lương lên tới cấp "phủ", nghĩa là trực thuộc bộ Binh quản lý. Điều đó có nghĩa là, họ có cấp bậc tương đương với toàn bộ quân đội chính quy của các châu thành xung quanh, liên hệ với nhau gọi là "thương lượng điều động" chứ không phải là "tuân lệnh điều động".

Nói cách khác, tuy ấp Hiền Lương tên là "ấp", nhưng địa vị lại là "phủ", cô là quan coi ấp nhưng ngang hàng với chư vị tri quân của các châu phủ xung quanh. Thế nên "thương lượng điều động" nghĩa là ấp Hiền Lương được phép từ chối, chứ không phải là cấp trên ra lệnh và cấp dưới phải "tuân lệnh điều động" không được phép cự tuyệt.

Đương nhiên Lý Thụy có thể hiểu được lòng tốt của Phượng đế: chim đầu đàn thường trúng đạn trước, ấp Hiền Lương có công lao đã quá xuất sắc cho dù có cố tình thêm bớt tâng bốc khen ngợi hay không. Cấp trên chỉ cần ngứa mắt là hoàn toàn có thể ra lệnh cho các cô xung phong tiền tuyến chịu chết ngay lập tức.

Đội quân các cô cũng được tính là hình mẫu biểu tượng mà Phượng đế cố gắng đào tạo ra, vô duyên vô cớ bị lôi ra làm vật hi sinh thì thực đáng tiếc. Hơn nữa, cho dù địa vị được tăng lên, nhưng dẫu sao lực lượng binh chủng này cũng cực kỳ đặc biệt (toàn là phụ nữ bị chịu khổ nạn khắp nơi), quy mô không thể mở rộng tới mức không thể khống chế nổi. Nên làm vậy bà ấy vừa gom được lòng dân lòng quân của ấp Hiền Lương, thậm chí còn gom được lòng trung thành của phụ nữ khắp thiên hạ.

Lại là màn làm ăn phát tài không cần bỏ vốn. Lý Thụy lại lầu bầu trong bụng. Năm ấp nhỏ còn lại cực kỳ nhiều vấn đề tồn đọng, mọi tật xấu của một ấp nuôi quân đều có mặt. Quan coi ấp ở đó đã rút lui, nhưng mà cấp dưới lại cản tay chồng chéo lẫn nhau, quan trên thì khoanh tay đứng nhìn. Riêng chuyện nuôi dưỡng quân binh cho năm ấp đã đủ mệt đầu, chưa kể lại còn tốn kém biết bao nhiêu là nhân tài quản lý việc công của cô nữa.

Cô mất bao nhiêu công bao nhiêu năm mới đào tạo ra hơn chục cán bộ và trưởng ấp phó ấp. Thời này cái gì đáng tiền nhất? Là người tài nha! Đó là vô vàn cán bộ biết đọc biết viết biết tính toán được mẹ cô đào tạo bồi dưỡng, đầy đủ năng lực quản lý lâu năm nha!

Ban đầu cô còn lo ngại các cán bộ được chỉ định điều động kia sẽ bị kỳ thị sẽ không muốn đi. Ai dè mấy chị em đó đều bừng bừng cuồng nhiệt. "Vì bệ hạ, vì huấn luyện viên, chúng tôi dẫu lao vào lửa muôn lần còn không ngại, huống gì chỉ là đi quản lý công việc một ấp nho nhỏ!"

Lý Thụy cạn lời, nhìn theo đám phụ nữ hớn hở cuồng nhiệt kéo nhau đi nhậm chức ở năm ấp xung quanh. Trưởng ấp Hiền Lương quản lý ấp đã lâu năm đưa ra lời đề nghị, chỉ nên quản lý việc dân sự, còn quân sự cứ để cho đội ngũ cũ xử lý. Cô cũng đồng ý.

Hai bên văn võ nếu như đoàn kết bền chặt cùng nhau sẽ chỉ càng khó khăn hơn mà thôi. Trong mắt cô, đám quân binh đồn trú của năm ấp đó thậm chí còn kém cả đám lính mới của cô, có tặng cô cũng chả thèm. Chi bằng cứ để họ cho đám quan quân cũ tiếp tục dẫn quân tiếp tục quản giáo... Nếu họ vẫn cứ muốn nhắm mắt mà coi rác rưởi như báu vật, việc gì cô phải phí công mà cản trở sở thích đặc biệt đó của họ kia chứ?

Nhưng cũng chính vì ấp Hiền Lương có địa vị độc đáo như đã nói, khiến cho họ hầu như không có 'quan trên' ở khắp mười sáu châu Yên Vân này. Đuổi theo quân địch (thổ phỉ mã tặc) sang vùng châu khác chính là đang đạp lên ranh giới đó. Nhưng sang châu khác đánh nhau lại cách xa căn cứ đóng quân, nên họ bắt buộc phải xin trú nhờ các nhà dân ở thôn trấn dọc đường.

Ban đầu còn tưởng Ai quân có tiếng xấu như vậy, đi đâu cũng sẽ bị chửi bới chỉ trỏ mới phải. Ai mà ngờ, sự kiện Phượng đế nổi giận kia cùng với chiến công bất ngờ của Ai quân đã khiến cho trăm họ Ký Châu chỉ thấy tò mò mà thôi.

Có thể nói đấy chỉ đơn giản là tâm lý kỳ lạ của con người: Xa thơm gần thối, với người càng gần gũi thì càng nghiêm khắc đòi hỏi cao, nhưng với người lạ thì luôn đối xử đầy bao dung rộng rãi. Thậm chí với người lạ, thường thì ai cũng sẽ cảm thấy tò mò, mơ mộng, thậm chí còn tự giác bổ sung thêm chút lăng kính lãng mạn nữa.

Thật nhiều cô gái chân yếu tay mềm, thân khoác áo bào đen, mặc giáp đen tuyền (đổi màu đồng phục rồi, quần áo trắng mất công giặt lắm!), bên ngoài lại choàng áo cực kỳ đen. Một mình một ngựa hoặc hai người cưỡi chung một ngựa, cho dù chỉ có hơn hai trăm kỵ binh nhưng vẫn cảm nhận được khí thế như sấm vang chớp giật mỗi khi sải vó ngựa phi. Ấy thế nhưng lại hoàn toàn khác với đám quân binh thông thường có kỷ luật lỏng lẻo, họ không hề tơ hào mảy may chút nào của người dân, làm gì cần gì đều nhỏ nhẹ thương lượng xin phép vô cùng lễ phép. Có muốn trưng dụng lương thực làm quân lương, một hạt gạo một cọng rơm cũng mang tiền bạc ra mua hẳn hoi giá tốt, hoàn toàn không hề khất nợ hay là chiếm dụng không trả tiền...

Hơn nữa, các cô gái ấy quả thật là đi diệt trừ thổ phỉ mã tặc cướp đường nha!

Thế là đội ngũ Ai quân không được đánh giá cao ở U Châu, sang Ký Châu lại vang vọng danh tiếng trong lòng toàn bộ dân chúng Ký Châu. Bởi vì huấn luyện viên Lý Thụy của chúng ta tuy rất nghèo, nhưng vẫn luôn là một kẻ mềm lòng và giữ nguyên tắc xử sự tử tế. Đạp lên ranh giới chạy sang châu khác truy đuổi tiêu diệt thổ phỉ mã tặc, nghe thì oai đấy nhưng bản chất chính là đi cướp lại của kẻ cướp mà thôi. Mớ tiền bạc tài sản của đám mã tặc đó quá nửa đều là mồ hôi nước mắt của già trẻ Ký Châu bấy lâu, cô muốn nuốt hết e là cũng sẽ mắc nghẹn vì quá nhiều.

Thế nên cô đến đâu tiêu diệt mã tặc, đều sẽ tự giác đưa tặng tiền bạc đồ đạc cho các thôn trấn đã cho họ mượn chỗ ở nhờ để cảm ơn họ đã hỗ trợ nuôi quân.

Già trẻ Ký Châu ai nấy rơi nước mắt xúc động. Bấy lâu nay họ chịu đắng cay khổ sở, nỗi khổ mang tên mã tặc kia, quân binh triều đình hứng lên mới nhón tay nhúc nhích một chút gọi là cho có, chứ nào ai quan tâm xem dân thường sống chết ra sao. Vị tướng quân thiếu niên mặt búng ra sữa kia không những chạy sang Ký Châu diệt trừ bằng hết thổ phỉ, lại còn bỏ tiền túi ra giúp họ đắp tường sửa lũy bảo vệ thôn xóm... Không hổ là đội nương tử quân chỉ nghe lệnh Thánh thượng, không hổ danh là ấp Hiền Lương!

Kết quả là đám mã tặc Ký Châu không chịu nổi nữa, liên hợp nhau lại gửi một thùng vàng cho Tri phủ Ký Châu. Tri phủ đại nhân cầm tiền ngượng tay, đành phải giở giọng quan liêu hách dịch trách móc Ai quân, yêu cầu các cô lập tức quay về U Châu.

Tuy vẫn nghèo rất là nghèo, huấn luyện viên Lý Thụy đương nhiên vẫn biết lắng nghe ý kiến người khác... việc gì phải gây xích mích với quan phủ địa phương kia chứ? Cơ mà lúc Ai quân định rút khỏi Ký Châu, các bô lão Ký Châu vẫn đang mỏi mắt trông chờ Ai quân đến diệt thổ phỉ mà chưa được đã ào ào lao tới, nước mắt rào rào, tay giữ cương ngựa, miệng khóc không thở ra hơi, không nỡ để họ rời đi.

Lý Thụy gãi đầu gãi tai hồi lâu, không còn cách nào khác ngoài ấp úng bày tỏ, yên tâm đi, làm ác sẽ gặp báo ứng, đám mã tặc kia không nhảy nhót được bao lâu nữa đâu.

Sau khi rút hết về U Châu, nhờ có đám giặc Bắc Man tặng cho cô linh cảm mới, cô cũng chia quân thành từng tốp nhỏ, nửa đêm lặng lẽ tiếp tục chia nhau chạy đi kiếm tiền... à nhầm, tiếp tục diệt trừ thổ phỉ mã tặc. Mãi cho đến khi mùa thu hoạch mới sắp đến, toàn quân mới rút về U Châu nghỉ qua mùa đông.

Trải qua những kinh nghiệm xương máu diệt trừ mã tặc như thế, toàn bộ Ai quân đã hoàn toàn được thoát thai hoán cốt, khí chất ngời ngời sắc bén hào hùng.

Nhưng mà tuy đã kiếm tiền được rất nhiều, huấn luyện viên Lý vẫn ôm đầu nghĩ bụng, mình vẫn nghèo quá chừng nghèo trời ơi.

Bởi vì cả cô lẫn toàn bộ các cán bộ của ấp Hiền Lương đều không cảm thấy thỏa mãn dừng lại ở việc nuôi binh phòng thủ giữ ấp mà thôi. Cô đã nghĩ rất nhiều, cũng đã họp bàn vô số lần với các cán bộ trong ấp để tìm ra nguyên do vì đâu đám Bắc Man có thể chia ra thành nhiều nhóm nhỏ tấn công các ấp nuôi quân như ra vào chỗ không người, trong khi Đại Yên rõ ràng có thực lực có quân lính tử tế mà lại bó tay không biết làm sao.

Điều này phải giải thích làm nhiều ý khác nhau.

Đầu tiên, phải nói là quyền hạn của binh lính các cấp quá mơ hồ. Các khu vực có ấp nuôi quân như U Châu, vừa có quân đội chính quy đóng quân lâu ngày, bản thân Tri phủ cũng có một đội dân quân tự vệ để bảo vệ trị an trong khu vực. Thế nhưng đám Bắc Man chia làm nhóm nhỏ chạy tới "cắt cỏ thu hoạch" bấy nhiêu năm mà đến việc coi chúng là giặc Bắc xâm lược hay là cướp đường thổ phỉ, hai bên văn võ vẫn đang cãi nhau chưa ngã ngũ.

Dân quân thuộc Tri phủ không đủ sức diệt trừ bọn chúng vì số lượng quá đông. Nhưng quân đội chính quy xuất quân chỉ để diệt một nhóm nhỏ Bắc Man như vậy lại không có lợi... Thế nên lại tiếp tục cãi nhau chưa quyết là ai nên đứng ra diệt trừ giặc Bắc Man.

Nói vậy, thế nhưng đối với quân đội, họ cũng câm nín vì cũng khổ không nói nên lời. Chế độ kỷ luật của quân đội rất nghiêm khắc, nếu không có lệnh của tướng chỉ huy, không ai được phép tự điều động quân binh ra trận. Còn quân binh trực thuộc các ấp, trước kia cũng đã thử điều động sử dụng... nhưng quả thật vừa ra trận là tan tác, cực kỳ vô ích lại còn tốn người tốn của, chưa kể lại còn mang tội thua trận nữa. Hơn nữa, triều Đại Yên đa số là bộ binh, quân lính đi bộ là chính, và cực kỳ ít kỵ binh, bởi ngựa là tài sản cực kỳ quý hiếm. Cố gắng vất vả lắm mới bồi dưỡng được hơn một ngàn kỵ binh đã là hao tài tốn của gánh nặng rất lớn đối với chi phí nuôi quân đội.

Nghĩ mà xem, hơn một ngàn kỵ binh, người cần ăn cơm ngựa cần ăn cỏ... mà ngựa chiến có phải ăn bậy bạ cỏ nào cũng được đâu kia chứ. Phục vụ ngựa chiến chỉ kém tí chút là ngang với hầu tổ tông ông bà...

Kỵ binh quá quý, không nỡ dùng. Bộ binh thì chạy hộc máu cũng không cách nào đuổi kịp quân địch, may ra bắt được đám nô lệ người Hán không được phép cưỡi ngựa nên tụt lại đằng sau. Nhưng bắt được chúng lại phải tốn cơm tốn gạo nuôi chúng... Lỗ nặng, lỗ nặng cực kỳ nha...

Đã mấy năm nay, U Châu chưa có một trận chiến nào ra hồn, nên lên chức là điều không tưởng. Đám quan quân triều đình càng lúc càng chây ỳ, không mong lập công chỉ cần đừng mắc lỗi. Đấy chính là lý do vì sao đám Bắc Man dám chia thành từng nhóm nhỏ tới quấy rầy cướp bóc mà không sợ hãi gì.

Thật ra thì, đó cũng chỉ là một kiểu suy nghĩ cứng nhắc không biết cách biến báo ứng đối phù hợp mà thôi.

Càng tìm hiểu về bọn Bắc Man này, họ càng thấy bọn chúng thực ra chẳng có gì đáng sợ. Mỗi tốp giặc chạy tới quấy rầy sẽ không thể vượt quá ba trăm kỵ binh. Bởi vì nhiều hơn thế thì không cách nào lén lút chạy qua biên giới mà không bị quân đội chính quy phát hiện.

Thế nên chỉ cần có năm trăm kỵ binh bộ binh phối hợp là có thể thỏa sức mà tiêu diệt hoàn toàn ưu thế của đám giặc Bắc Man. Cùng với tiểu đội thám báo trinh sát với phương pháp đào tạo tuy thô sơ nhưng cực kỳ hiệu quả, có thể nói đối phó với đám Bắc Man xuống U Châu đánh cướp hoàn toàn không khó khăn chút nào...

Tại sao không phải là năm trăm kỵ binh? Không phải chỉ vì vấn đề thể lực cố hữu của phái nữ. Sau hai chiến dịch diệt thổ phỉ mã tặc khắp hai châu U-Ký, thể lực lẫn kỹ xảo đánh trận của Ai quân đều đã từng bước được cải thiện rõ rệt, lại thêm việc toàn bộ vũ khí mũi tên đều được bôi thuốc độc được cải tiến, đấy không phải là vấn đề lớn nhất...

... Vấn đề lớn nhất là... đào tạo kỵ binh quả thực đắt tiền quá chời!

Huấn luyện viên Lý Thụy nghèo vẫn hoàn nghèo nha! Với nguyên tắc không tranh đoạt của dân, cô có thể cướp được và nuôi nấng được hơn hai trăm con ngựa thường dùng để di chuyển thay cho chạy bộ đã là quá sức lắm rồi. Bảo cô phải nuôi dưỡng đủ năm trăm con ngựa chiến... thôi bỏ đi, cho dù cô bán hết cả cái ấp này lẫn chính cô cũng không đủ tiền nuôi chúng nó...

Tiểu đội trinh sát của cô thi thoảng cũng phải gánh vác trách nhiệm nặng nề của kỵ binh, nên cũng được chuẩn bị đầy đủ võ trang từ đầu đến chân từ khôi giáp tới vũ khí cả người lẫn ngựa (vẫn là ngựa thường)... nhưng mà chỉ có năm mươi bộ trang bị như thế đã khiến túi tiền của cô như bị thủng, sắp phá sản đến nơi.

Nên là thôi, bộ binh đi, nuôi bộ binh rẻ hơn. Lại nữa, phái nữ đa phần người nhỏ nhẹ cân, hai người cưỡi chung một con là được. Và cũng chỉ cần một con ngựa thường dùng để di chuyển cho cơ động thay cho sức người đi bộ là đủ giá trị cần thiết của nó. Chứ có ai ngu tới mức đi dùng nhược điểm lớn nhất của Ai quân đấu với ưu điểm lớn nhất của Bắc Man (thuật cưỡi ngựa) kia chứ!

Chỉ cần kéo chúng xuống ngựa đánh nhau dưới đất, tin rằng tinh thần vững mạnh nghiêm chỉnh cùng với độ ăn ý hoàn toàn không hề có sơ hở của Ai quân hoàn toàn không hề thua kém đám giặc Bắc Man.

Huấn luyện viên Lý-Thụy-lúc-nào-cũng-thấy-mình-nghèo cực kỳ tin tưởng vào điều đó.


***

Tuần cuối cùng của năm 2022 đã điểm. Nếu may mắn thì tới tầm thứ 6 sẽ lên thêm một chương nữa, còn nếu bạn Mèo bận quá (bận trồng cây bi ai và bận chạy đết lai) thì chúng ta chào tạm biệt năm cũ ở đây và chúc nhau hẹn sang một năm mới thật nhiều năng lượng tích cực như bạn Lý Thụy của chúng ta nhé!

Cám ơn các bạn rất rất nhiều vì đã yêu mến cái blog wattpad Meo_Beo_U nho nhỏ này của bạn Mèo! Yêu các bạn!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top