Yên Hầu quân - 12

Giờ chúng ta tạm thời rời khỏi nơi huấn luyện viên Lý Thụy bận bịu nghĩ cách lợi dụng mùa đông rét mướt mà thực hiện việc cướp nhà giàu chia của cho nhà nghèo, để đưa mắt nhìn về kinh đô nhé. Triều đình Đại Yên hiện giờ đang sôi sục cãi lộn ầm ĩ à nhầm tranh luận ầm ĩ về việc Ai quân lập chiến công rất lớn khi chém được bốn trăm thủ cấp giặc Bắc man. Cao trào chính là màn kịch hấp dẫn với cảnh Phượng đế giận dữ ném nghiên mực đập tể tướng đương triều.

Sự thể nó là như thế này. Một ấp nho nhỏ toàn đàn bà chân yếu tay mềm mới thành lập được hai năm, nhưng lại có thể chém hơn bốn trăm thủ cấp giặc Bắc man, lật đổ hoàn toàn một bộ lạc du mục. Chiến công rực rỡ ấy đến cả đàn ông trai tráng còn chưa chắc làm được nói gì đến một nhóm phụ nữ được đặt tên là Ai quân kia.

Thế nên Lý Thụy áng chừng chiến công tầm cỡ này cũng cho phép cô đề đạt một vài suy nghĩ nho nhỏ. Lúc dâng tấu báo tin chiến thắng, cô bèn tiện thể nhắc đến cả công lao của đội ngũ hậu cần đằng sau, hi vọng triều đình cho phép đội hậu cần cũng có thể tích lũy chiến công dù không ra trận tự tay giết giặc, về sau cũng có thể dùng danh nghĩa "có công với việc quân" mà được đưa vào đền Liệt nữ.

Đương nhiên, Lý Thụy hoàn toàn có thể nhét thêm vài cái tên vào danh sách binh sĩ tiền phương có công cũng chẳng sao cả. Thế nhưng cô luôn nghĩ rằng hậu cần cũng thực sự có công lao, thậm chí hi vọng phía triều đình cũng có thể thừa nhận phần công lao đó thì bộ phận hậu cần mới có thể càng thêm thẳng lưng tự hào và càng thêm cống hiến. Bằng không nếu chỉ coi trọng tiền tuyến mà coi nhẹ hậu phương, tương lai chắc chắn sẽ có vấn đề lớn.

Đây vốn chỉ là một việc nho nhỏ, nhưng bạn biết đấy, đã mang ra trước triều đình để bàn luận thì nhỏ mấy cũng biến thành chuyện lớn cả.

Chấp nhận cho phép một nhúm đàn bà nhơ nhuốc thất trinh lập ấp nuôi quân, nể mặt Sở vương nên đã nhịn rồi. Chấp nhận cho đám đàn bà đó khi tử trận thì được phép vào thờ ở đền Liệt nữ cũng đã bắt đầu bừa bãi vi phạm lễ giáo, nhưng dù sao cũng là nể mặt người đã khuất, cũng chịu.

Không ngờ bọn đàn bà dơ dáy thất tiết lại có thể vô liêm sỉ tới cỡ đó, được voi đòi tiên tới cỡ đó. Không những nhận vơ công lao mà còn đòi được vào hoàng lăng được cúng tế cùng hoàng thất ư?

Hồ Bạch thân là Thượng thư bộ Lễ (quản lý lễ giáo lễ nghi), ông tuyệt đối không thể cho phép chuyện này xảy ra được!

Vị đại nhân này là lão thần trải qua mấy triều, mái đầu tuy bạc trắng nhưng dáng vẻ vẫn bệ vệ ngời ngời, tiên phong đạo cốt. Ông ta đã khó chịu với Phượng đế từ lâu vì không tuân thủ đạo làm vợ sau khi ở góa mà lại giữ rất nhiều thị tòng ở hậu cung (lúc tại vị, Phượng đế không hề công khai nuôi trai lơ nam sủng, mà tất cả đều gọi tên là thị tòng). Tiếc thay, Phượng đế có danh tiếng vô cùng to lớn, uy vọng trong triều lẫn trong dân đều không phải dạng vừa. Ông ta không dám vuốt râu hùm nên mượn cớ lần này để ra rả cái miệng mà xỉ vả khinh miệt đám đàn bà vô liêm sỉ thất tiết không tuân theo lễ giáo kia.

(Chú ý: Thị tòng là người hầu, không phải thái giám. Phượng đế là vợ của Phong đế, Phong đế bệnh tật từ nhỏ, lên ngôi một thời gian đủ để đào tạo hoàng hậu thành hoàng đế rồi mất khá trẻ. Chi tiết có thể xem trong cuốn Ngộ tê ngô đồng của má Điệp, hình như chưa ai làm. Sau cuốn này có thể mình sẽ làm.)

Nếu là một vị đại thần nào khác nói thế, có khi Phượng đế sẽ nhẹ nhàng thoải mái mà đổi sang chủ đề khác, xí xóa vài câu là xong. Tiếc thay lại là Hồ Bạch, bề ngoài đạo mạo tử tế nhưng thực tế thì làm bậy làm bừa không ít. Phượng đế muốn xử lý ông ta từ lâu mà chỉ hiềm chưa tìm được cơ hội. Bây giờ thì... ha hả, tự ông ta chìa nhược điểm cho ngài, làm sao có thể bỏ qua cơ hội này chứ?

Ngài lập tức vỗ bàn, nghiêm mặt quát lớn. "Dân chúng khắp nơi đều là con dân của vua. Con dân bị giặc ngoài giày xéo, là mất mát của trẫm, là sỉ nhục của trăm quan vậy! Con dân kính trọng triều đình như cha như mẹ, triều đình đã không an ủi cứu trợ lại còn chửi là thất tiết vô liêm sỉ ư? Huống chi, Ai quân toàn phụ nhân tay yếu chân mềm, đã không oán hận triều đình thất trách không lo, ngược lại còn lấy thân giết giặc trả ơn triều đình. Thế nào là tiết hạnh? Đó mới là tiết hạnh! Kẻ gian nịnh sâu mọt triều đình sao dám ném lời sỉ nhục tới trinh tiết liệt nữ của trẫm kia chứ?!"

Nói đặng, bà nhấc cái nghiên mực trong tầm tay mà ném mạnh. Tuy không đập trúng người, nhưng mực hắt ra cũng khiến ông ta lôi thôi nhem nhuốc.

Ngày hôm sau, một tờ chiếu chỉ dài dằng dặc tung ra, liệt kê hàng loạt tội danh đã gom góp chứng cứ từ lâu. Nào là Hồ Bạch ngỗ ngược song thân, khiến cha tức chết, khiến mẹ ốm chết, hưu bỏ người vợ tào khang đã phụng dưỡng cha mẹ mình mà cưới người khác, nào là ức hiếp dân chúng làng xóm, lợi dùng quyền chức cướp đoạt đất đai ruộng vườn... Thế rồi cách chức cả loạt từ ông ta tới đám con trai ăn tàn phá hại, lưu đày tới Quỳnh Châu chăn dê bắt cá, bắt đầu cuộc sống chăn bắt đánh cá của thường dân.

Đế nổi cơn lôi đình như vậy khiến trăm quan nín thở không dám lại ho he gì. Phượng đế nhân cơ hội này ban bố thêm nhiều sắc lệnh hay ho mới: mở ra các khu nhà thu nhận và nuôi nấng trẻ mồ côi, phụ nữ không gia đình; thiết lập các đơn vị nghiên cứu khám chữa phụ khoa; quả phụ tái giá không cần hỏi ý kiến gia đình chồng quá cố; phụ nữ tự tàn hại bản thân bị cấm treo biển trinh tiết liệt nữ; đặc biệt xuống chiếu ra lệnh các trường học cấp huyện phải mở lớp vỡ lòng cho các bé gái.

Nhưng quan trọng nhất, khiến người khác tròn mắt ngỡ ngàng ấy là, đặc biệt mở khoa thi cho nữ giới, thi Hội mà đạt thì có thể bổ nhiệm làm lại. Ngoài ra bộ Hộ cũng sửa đổi quy chế thành hai khoa thi riêng biệt: thi làm quan và thi làm lại.

(Chế độ quan trường phong kiến ngoài quan còn có lại. Lại ở dưới quan nhưng trên lính, thường không có phẩm cấp, làm việc văn thư chạy chân ghi chép quản lý cho các quan. Cụ thể công việc của lại ra sao, mời đọc bộ Quan quan tương hộ tức Quan lại bao che cho nhau cũng của má Điệp, ở trong wattpad của mình nhé!)

Đọc xong tờ công báo, Mộ Dung Xán thở dài nói với Lý Thụy. "Vị đường cô này của mẹ mới tính là thiên cổ nhất đế. Để xem đường tỷ của mẹ có thể tiếp tục giữ vững và duy trì hay không. Từ nay về sau, thiên hạ này có hẳn một nửa số người thật lòng nguyện ý dốc sức làm việc quên mình vì hoàng thất, mà lại còn không mất dù nửa đồng tiền."

Lý Thụy im lặng không nói gì, bụng bảo dạ, vị bà cô họ của mình đúng là biết làm ăn mà không cần vốn liếng.

Chuyện này nhanh chóng được lan truyền khắp muôn nơi, thậm chí là nội dung lưu truyền cực kỳ đầy đủ sinh động như thể ai nấy đều tận mắt chứng kiến. Chưa nói đâu xa xôi, ở ấp Hiền Lương này xưa nay lòng trung thành chỉ dành cho cái tập thể khép kín của mình, còn giờ đây, ai nấy bừng bừng khí thế phấn khởi nâng cao khẩu hiệu ra sức phục vụ Phượng đế bệ hạ quyết không sờn lòng, vừa khóc vừa cười nước mắt nước mũi ràn rụa, nói mười câu thì quá nửa là nhờ ơn Thánh thượng. Lòng trung thành ấy à, cứ gọi là khỏi phải bàn.

Lại nữa, nữ giới có thể làm lại... Nên biết, các quan ông quan lớn quá nửa chỉ biết chi hồ giả dã văn chương thơ phú, không rành công việc cụ thể dân chúng. Đối với trăm họ ngoài kia, đội ngũ lại mới là tuyến đầu tiếp xúc thật sự, thân dân thật sự. Thế nhưng đàn ông chỉ cần võ vẽ vài câu thơ vài cuốn sách, ai nấy đều khinh thường làm lại. Giờ chiếu vua ban xuống một cái, chắc chắn chẳng bao lâu nữa, nữ lại sẽ phổ biến khắp thiên hạ. Áng chừng sẽ giống như lời mẹ cô nói... đây chính là giải phóng sức lao động.

Giờ đội ngũ lại vừa được học hành có kiến thức, lại vừa thực sự tiếp xúc thân dân ấy, lại còn là lực lượng ái mộ trung thành thân cận với Phượng đế nhất, kiêm nhiệm cả việc trở thành tai mắt lẫn phát ngôn cho hoàng thất... cộng thêm các kiểu ban ân huệ bổ sung quyền lợi cho phụ nữ...

Có thể tính như lòng dân thiên hạ đã có đến bảy, tám phần mười đều gom lại vào một hố, đấy chẳng phải là một vốn bốn lời, mà là không cần vốn nhưng hưởng lời vô số kể, đúng không?

Nhưng chờ đến khi cô nhận được thánh chỉ tràn ngập khen ngợi và tưởng thưởng, nhìn mấy rương đàn hương châu và ngọc như ý chẳng đáng mấy tiền kia, trong lòng chỉ biết than trời đất, ước gì Hoàng thượng quy đổi ra tiền mà ban thưởng có phải tốt hơn không... Cô nghèo lắm lắm rồi. Mấy thứ này không thể vứt xó càng không thể bán đổi tiền, đói không thể mang ra làm đồ ăn, rét không thể mang ra làm áo mặc, có ích gì kia chứ?

Thế nên mùa xuân vừa về, cô lại đành cun cút nhận mệnh mà dắt quân đi "cướp người giàu cứu trợ người nghèo" vậy.

Ban đầu mọi người còn nhút nhát, chỉ dám cẩn thận chọn một nhóm mã tặc nho nhỏ, gần như áp đảo về chất lẫn số lượng nên thắng tuyệt đối. Cơ mà không ngờ là đám mã tặc này có thể nói là giàu nứt đố đổ vách, bởi thực ra chúng còn đảm nhiệm việc thủ tiêu tang vật giúp bọn giặc Bắc man nữa nên càng thêm nhiều thứ tốt.

Làm nhiều rồi cũng quen tay. Càng chiến càng thắng, càng thắng càng hăng, kinh nghiệm ứng chiến càng thêm phong phú. Thế là cô quyết định dứt khoát chia nhau luân phiên 'làm việc', đặng kéo lính mới đi cùng để tiện thể 'huấn luyện' cho quen nhìn thấy máu. Ban đầu đương nhiên vẫn có thương vong, nhưng theo thời gian, trang bị được cải tiến, cải thiện và bổ sung càng đầy đủ, số thương vong càng ngày càng giảm, thậm chí còn có thể lôi binh thư kế sách ra tập luyện một chút, nào là bao vây rồi đánh thọc bên sườn địch, hay là vây kín đánh tỉa tiêu hao, rồi thì thử học cách tự nghĩ ra chiến lược, cải biến theo thời thế địa hình, lại còn giúp các trưởng nhóm mười người năm người thử dẫn đội nhóm đi đánh mã tặc tập huấn.

Cái này gọi là học lý thuyết binh thư trên giấy không thể bằng đánh một trận thực tế. Chi quân đội mang tên là Ai quân này, từ trưởng quan coi ấp cho đến lính tốt mới vào đều là hạng nửa mùa nhập ngũ, chỉ có thể không ngừng rèn luyện bản thân qua từng trận thực chiến như vậy mà thôi.

Kết quả là, toàn bộ đám mã tặc của U Châu gặp số xui tận mạng. Có lúc trại bị tấn công bao vây, muốn trốn còn không chạy nổi... người đau bụng ngựa 'ải chỉa'... Đám mã tặc ngày thường huênh hoang nghênh ngang đốt nhà  giết người cướp của, giờ lại bị người khác tới nhà giết người cướp của đốt nhà... Nói chứ lính mới còn run tay chưa quen, nên đâm chọc chưa đủ mạnh, chuẩn, dứt khoát. Đâm một nhát nửa chết nửa sống, đâm mấy chục nhát quằn quại mãi mới có thể tắt thở nằm yên.

Đám giặc cướp ai nấy run như cầy sấy không biết ngày nào tới lượt hang ổ nhà mình bị xốc, thậm chí cái mạng nhỏ cũng ô hô ai tai.

Chờ tới khi Hắc Phong trại, đội mã tặc lớn nhất mạnh nhất U Châu bị toàn thể Ai quân kéo đến lật úp, đám mã tặc còn sót lại quanh vùng biên giới U Châu không nhịn được rụt vòi sợ hãi, ba chân bốn cẳng gói ghém hành lí chạy hết sang Ký Châu sát vách tìm ngọn núi khác an thân, không dám hó hé lên giọng gì với mấy mụ điên kia nữa.

Nhưng mà huấn luyện viên Lý Thụy vẫn nghèo rớt mùng tơi nha. Phụ nữ khắp nơi kéo đến xin nương tựa càng ngày càng đông, quá nhiều lưu dân, trong ấp không còn chỗ ở không cho vào nữa thì họ dựng lều tranh bên ngoài ấp. Nhưng ai nấy đều tích cực xắn tay áo lên hỗ trợ khai khẩn đất hoang tăng gia sản xuất, nên huấn luyện viên Lý Thụy không thể không cung cấp cơm ăn.

Bao nhiêu là người, không cách nào bỏ qua không quan tâm. Bao nhiêu là tiền để tiếp tục xây dựng nhà trại cho lưu dân trú ngụ, trong ấp cũng còn bao nhiêu là chị em chưa có đủ áo giáp trang bị, cô sao có thể để cho các chị em tay không vũ khí người không khôi giáp mà ra trận bỏ mệnh kia chứ.

Kết quả là, cô dẫn theo đội Ai quân, lén lút đặt chân lên lãnh thổ Ký Châu...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top