Cô bé bán diêm

Đêm Noel không có ai mời đi chơi, nhớ cô bé bán diêm quá nên viết vài dòng cảm nhận về NHỮNG MẢNG MÀU TRONG CÂU CHUYỆN của An- đéc-xen để chờ giây phút thiêng liêng.

Những mảng màu đối lập trong câu chuyện "Cô bé bán diêm" của nhà văn An-đéc-xen.

Đời sống có những mảng tối, mảng sáng, nhà văn có thể viết về mảng sáng này hay mảng tối kia, điều quan trọng là nhà văn phải làm cho bạn đọc thấy được dòng chảy của đời sống xã hội đang cuộn tới đâu... đó chính là những mảng màu của cuộc sống mà nhà văn phải là người đầu tiên nhìn thấu. Trong câu chuyện "Cô bé bán diêm" của nhà văn An-đéc-xen có những mảng màu đan xen tạo nên bức tranh của cuộc sống.

Mảng màu thứ nhất chính là bức tranh phố xá Đan Mạch trong đêm giao thừa. Tác giả chọn bối cảnh cho câu chuyện là con phố trong thời điểm đêm giao thừa. Một không gian và những khoảnh khắc đẹp đẽ, ấm áp, thiêng liêng dần hiện ra. Đêm giao thừa là khoảnh khắc con người ta chờ đời cả một năm dài, khoảnh khắc sum vầy, khoảnh khắc con người ta có thể trao gửi điều ước về tương lai, khoảnh khắc hò hẹn, khoảnh khắc sẻ chia. Vì lẽ đó mà khung cảnh hiện lên trong thực tại: cửa sổ mọi nhà sáng rực ánh đèn, trong các con phố sực nức mùi ngỗng quay...

Mảng màu thứ hai chính là mảng màu trong thế giới mộng tưởng của cô bé bán diêm. Sau mỗi lần quẹt diêm, thế giới mộng tưởng xuất hiện thật đẹp, lung linh, ấm áp:

Lần nhất là hình ảnh một lò sưởi bằng sắt có những hình nổi bằng đồng bóng nhoáng, trong lò lửa cháy đến vui mắt và tỏa hơi nóng dịu dàng.

Lần quẹt diêm thứ hai, bức tường biến thành một tấm rèm bằng vải màu. Trong nhà, bàn ăn có khăn trải bàn trắng tinh, những đĩa bằng sứ quý giá, con ngỗng quay...

Lần quẹt diêm thứ ba, xuất hiện cây thông noel lớn, trang trí lộng lẫy, hàng ngàn ngọn nến sáng rực, lấp lánh trên cành lá xanh tươi và nhiêu bức tranh màu rực rỡ.

Lần quẹt diêm thứ tư và những lần khác lại xuất hiện hình ảnh người bà to lớn và đẹp đẽ....

Đó là những mảng màu của thế giới mộng tưởng nên bao giờ cũng lung linh, kì diệu, mảng màu ấy chính là niềm mong ước, khao khát đến tội ngiêp của cô bé bán diêm.

Nhưng rồi mảng màu ấy nhanh chóng vụt tắt để lại sự thật trần trụi.

Đó chính là mảng màu thứ ba trong câu chuyện này. Đêm giao thừa đối với cô bé bán diêm trở nên rét buốt hơn, tê lạnh hơn bởi cô bé với đầu trần, chân đất, bụng đói, không dám về nhà vì sợ bố đánh do không bán được bao diêm nào... Và mảng màu ấy xót xa hơn khi đặt trong sự đối lập với thế giới mộng tưởng, đối lập với không khí phố xá đêm giao thừa. Tuyết vẫn phủ kín mặt đất, gió bấc thổi vun vút, bức tương dày đặc lạnh lẽo. Mảng màu của sự thật trần trụi, đau khổ này không phải ai cũng nhận ra nhất là cuộc sống ngày càng xô bồ, vội vã. Đêm giáng sinh với phố xá sực nức mùi ngỗng quay, những ánh điện, những ô của sổ sáng trưng ánh đèn, những cây thông nô en cao lớn, những ngọn nến lung linh...làm sao có thể là sự phản quang chính xác nhất của cuộc đời đói rét, khổ đau, cô đơn, bất hạnh.... Ta nhớ đến những trăn trở của nhà văn Nam Cao: "Chao ôi! Nghệ thuật không cần phải ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than".

Và có một mảng màu khác nữa chính là mảng màu được vẽ bằng thời gian: Đêm qua và sáng hôm sau. Sáng hôm sau, tuyết vẫn phủ kín mặt đất, nhưng mặt trời lên, trong sáng, chói chang trên bầu trời xanh nhợt. Mọi người vui vẻ ra khỏi nhà. Và ở một xó tường, người ta thấy một em bé có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười. Em đã chết vì giá rét trong đêm giao thừa. Thi thể em bé ngồi giữa những bao diêm, có bao đã đốt hết nhẵn. Mọi người bảo nhau: "Chắc nó muốn sưởi cho ấm"...Đó chính là sự đối lập trớ trêu, xót xa. Khi mọi người vui vẻ đón chào ngày mới, năm mới với bao điều hứa hẹn, bao niềm vui....thì cô bé bán diêm đã chết ở góc tường, cái chết do giá lạnh, đói khổ và cô đơn...trong đêm hôm qua. Lời nói của mọi người càng khiến cho ta nhận ra sự vô cảm, nó đóng băng mọi giá trị đạo đức, nó lạnh giá hơn cả sương tuyết ngoài kia. Người đời có thể vô cảm nhưng nhà văn chân chính thì không bao giờ quay lưng với những số phận nhỏ bé, tội nghiệp. Mượn những mảng màu của cuộc sống để tái hiện bức tranh hiện thực xô bồ, đan cài...giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái giàu và cái nghèo, giữa cái khao khát và sự thực trần trụi...chính là một trong những yếu tố nghệ thuật độc đáo của câu chuyện. Cũng chính vì vậy mà tác giả đã khiến cho câu chuyện trở nên lắng đọng, chạm đến được trái tim người đọc.

"Tình yêu này của người nghệ sĩ vừa là một niềm hân hoan say mê, vừa là một nỗi đau đớn, khắc khoải, một mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người chung quanh mình. Cầm giữ cái tình yêu ấy trong mình, nhà văn mới có khả năng cảm thông sâu sắc với những nỗi đau khổ, bất hạnh của người đời, giúp họ có thể vượt qua những khủng hoảng tinh thần và đứng vững được trước cuộc sống". (Nguyễn Minh Châu).

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top