Yamamoto va nhung tran danh tai TBD 3
5
Quá trưa ngày 24 tháng 10, Phó Đô Đốc Chuichi Nagumo ngồi trầm ngâm trong cabin trên hàng không mẫu hạm Shokaku. Sau cuộc chiến ở Midway, ông trở nên cằn cổi. Tóc ông đã ngã sang màu muối tiêu, mặt mày hốc hác và luôn luôn cau có. Ông liếc nhìn hai mảnh giấy trên bàn. Ông đã đọc hàng trăm lần để cố gắng hiểu ý nghĩa của những dòng chữ chứa đựng trong hai mảnh giấy nầy. Một mảnh để ngày 20 tháng 10 cho biết hải quân Hoa Kỳ đang chuẩn bị một trận đánh Hải Không hổn hợp quan trọng ở Nam Thái Bình Dương. Nagumo tự hỏi không hiểu có đúng hay không, hay là một tin tức đánh lừa?
Mảnh giấy thứ hai là con số những chiến hạm của địch quân được phi cơ thám thính của Nagumo phát hiện trong thời gian lực lượng của ông có mặt trong khu vực, theo đó từ 12 đến 24 tháng 10, hàng không mẫu hạm của địch quân vắng bóng, ngoại trừ hai chiếc liên hiệp vào ngày 13. Thiết Giáp Hạm của địch cũng ít ỏi, hai ba chiếc và nhiều nhứt là 5 chiếc vào ngày 24. Con số tuần dương hạm nhiều hơn, nhưng nhiều nhứt là 8 chiếc vào ngày 16. Riêng khu trục hạm của địch có con số đáng kể, 15 chiếc vào ngày 16 và 19 chiếc vào ngày 24."
"Như vậy các hàng không mẫu hạm địch vắng bóng trong khu vực suốt một tuần lễ." Nagumo lẩm nhẩm. "Sự vắng mặt nầy có ý nghĩa gì?"
Ông đứng dậy đi qua đi lại trong phòng. Ông chợt dừng lại và mỉm cười. Ông nghĩ đến lời khuyên của Tôn Tử: "Một lực lượng địch quân hăng hái nên né tránh, hãy chờ cho lực lượng nầy chán nãn và trễ biếng rồi sẽ đánh." Một tiếng gõ cửa, và một trong những sĩ quan tham mưu của Nagumo bước vào.
Đó là Trung tá Toshitane Takada. Sau khi chào, ông ta lên tiếng: "Thưa Đô Đốc, truyền tin báo cáo là thình lình họ đã bắt được một số công điện dồn dập, mà họ không hiểu nghĩa, nhưng rõ ràng đó là những công điện trao đổi giữa tiềm thủy đỉnh và phi cơ của địch quân lai vãng đâu đây."
Nagumo gật đầu: "Tốt! Hãy gọi Tham Mưu Trưởng Kusaka lập tức."
Đề Đốc Ryunosuke Kusaka, một người hăng hái và nặng kí ba chân bốn cẳng từ phòng chỉ huy chạy đến.
Nagumo hỏi: "Vấn đề tiếp tế xăng nhớt cho tàu bè chúng ta như thế nào?"
Kusaka đáp: "Thưa Đô Đốc, tất cả đang nhận từ các tàu chở dầu."
Nagumo gật đầu: "Tốt! Báo cho tất cả hạm trưởng biết họ sắp sửa nhận một nhiệm vụ quan trọng. Các chiếc tàu đã lấy dầu xong thì phải trở về đội ngũ ngay."
Cũng khoảng thời gian nầy, trên hàng không mẫu hạm Junyo, Đề Đốc Kakuji Kakuta, đang nghe tin tức của đài phát thanh Hạ Uy Di. Theo đó, một trận đánh Không Hải quan trọng sắp xảy ra gần Salomon được xác nhận của xướng ngôn viên địch. Kakuta cũng đã xem qua hai mảnh báo cáo giống như của Nagumo. Kakuta khịt mủi và day lại sĩ quan không quân của ông, Thiếu tá Masatake Okumiya: "Tốt! Masatake, anh nói gì?"
Viên sĩ quan thông minh và hoạt bát, đôi mắt long lanh trên khuôn mặt bị nám đen do một tai nạn rớt phi cơ gây ra trước đây, hắng giọng và nói một cách nhỏ nhẹ: "Thưa Đề Đốc, ngày 27 tháng 10 là ngày của hải quân Hoa Kỳ."
Kakuta, một tay chiến đấu không biết mệt, nhảy dựng lên và cất tiếng cười to: "Tuyệt diệu, tuyệt diệu. Hay chuẩn bị gấp mấy món quà Ngày hải quân hậu hỉ cho mấy tên Yank tự phụ nầy."
Trên soái hạm Shokaku, Nagumo vẫn hội hợp với Kusaka. "Thế trận của chúng ta hiện tại đã dàn như thế nào?" Nagumo hỏi. Kusaka đáp: "Hai thiết giáp hạm Hiei và Kirishima, tuần dương hạm Chikuasa và 7 khu trục hạm của Đô Đốc Kiki Abe, cách phía trước chúng ta 60 đến 80 dậm tức hướng Nam. Tuần dương hạm Tone và khu trục hạm Terutsuki của Đề Đốc Chuichi Hara ở hướng Đông cách đây 200 dậm. Lực lượng của Đề Đốc Kakuta cách 300 dậm hướng Tây."
"Có tin tức gì về các hàng không mẫu hạm địch không?"
"Dạ không!"
Một khoảng im lặng ngắn ngủi được Nagumo phá vở với một câu nói có hơi lưỡng lự và nghĩ ngợi: "Ở Midway, địch quân đã chọn lựa thời gian để đánh chúng ta. Hiện tại chắc họ cũng làm như vậy, những mục tiêu mà họ nhắm vào chúng ta đã rõ như ban ngày, nhưng chúng ta vẫn đui mù."
Trung tá Takada, một sĩ quan tham mưu, lên tiếng: "Xin lỗi, thưa Đô Đốc, tôi có thể mạn phép đề nghị gởi một công điện cho Yamato (tức soái hạm của Yamamoto lúc đó ở Truk) để xin các chỉ thị?"
Nagumo im lặng. Kusaka nhắm mắt một lát, sau đó mở bừng ra nói: "Phải, Takada, hãy chuyển một công điện như sau: Kusaka, Tham Mưu Trưởng Đệ Nhứt Không Hạm Đội gởi Phó Đô Đốc Matome Ugaki, Tham Mưu Trưởng Hạm Đội Hổn Hợp. Tôi xin mạn phép đề nghị ngừng bước tiến về phía Nam của chúng ta cho đến khi nào chúng ta nhận được tin tức dứt khoát cho biết Lục Quân đã chiếm giữ các phi trường ở Guadalcanal. Hình như chúng ta càng lúc càng chui đầu vào rọ nếu chúng ta cứ tiếp tục dấn bước thêm."
Nagumo chăm chú lắng nghe và gật đầu để chứng tỏ sự đồng ý của ông. Công điện được gởi đi và ca bin chìm trong nổi lặng im trĩu nặng. Nagumo và bộ tham mưu quyết định bất động để chờ hồi đáp.
Khu trục hạm Amatsukaze lúc đó đang chạy cách tả mạn soái hạm Shokaku của Nagumo 2.000 thước. Tàu của tôi, một tuần dương hạm và 9 khu trục hạm là nhóm chiến hạm bao quanh chiếc Shokaku và hai hàng không mẫu hạm Zuikaku và Zuiho thuộc Hải Đội 1 Hàng Không Mẫu Hạm. Nagumo và Kusaka cùng học hỏi được một bài học cay đắng và đắc giá ở Midway, nên cả hai không dám khinh suất trong thời gian nầy.
Vừa bước qua nửa đêm, phúc đáp đến từ Truk: "Ugaki gởi Kusaka: lực lượng của ông tiếp tục tiến nhanh về phía địch quân. Các lịnh hành quân vẫn duy trì."
Kusaka bậm môi. Takada kêu trời. Nagumo khịt mủi, và sau đó nói một cách trầm tỉnh: "Được, ra lịnh cho các hàng không mẫu hạm lấy thêm nhiên liệu."
Ba hàng không mẫu hạm chạy chầm chậm để lấy nhiên liêu trong bóng đêm. Bình minh ngày 25 tháng 10, mọi việc đang xúc tiến đều đặn thì một báo cáo bay đến ca bin của Nagumo làm đảo lộn tất cả. Nagumo lúc đó còn đang ngủ.
Mọi người đều bàng hoàng, và hiểu là chúng tôi đã thoát bẩy của địch quân chỉ trong đường tơ kẻ tóc. Nếu chúng tôi tiếp tục tiến về hướng Nam ma không xoay hai lần để chạy về hướng Bắc, lực lượng Hoa Kỳ có thể đánh tập hậu chúng tôi, và chúng tôi sẽ rước thêm thảm bại nhục nhã.
Trên đài chỉ huy của soái hạm Shokaku, Phó Đô Đốc Nagumo mỉm cười lần đầu tiên sau nhiều giờ lo âu. Ông ra lịnh cho phi cơ cất cánh. Mọi người đã học được bài học ở Midway, nếu vì ngần ngừ một chút thì thảm họa có thể xảy ra. Hai hàng không mẫu hạm Shokaku và Zuikaku tung 40 oanh tạc cơ và 27 chiến đấu cơ lên trong vòng 15 phút. Sự nhậm lẹ nầy trái ngược hẳn với sự chậm chạp như rùa của chiếc Ryujo cách hai tháng trước đây cũng trong khu vực nầy.
Hai phi cơ tuần thám của Hoa Kỳ bổng xuất hiện, bay vượt qua đầu chúng tôi và bỏ vài trái bom xuống ngay hàng không mẫu hạm Zuiho. Một trái bom nổ tung trên sân bay và phát hỏa. Ngọn lửa được dập tắt ngay, nhưng sân bay của Zuiho bị thiệt hại nặng.
Hạm trưởng của Zuiho cho biết phi cơ của ông vẫn còn cất cánh được nhưng không thể trở về. Sau khi cho cất cánh tất cả chiến đấu cơ, Nagumo ra lịnh cho chiếc Zuiho rút lui.
Những chất dẫn hỏa trên sân tàu của tất cả chiến hạm được lịnh dọn dẹp, và mọi thùng đựng nước để chửa cháy đều mở nắp. Địch quân đã biết vị trí của lực lượng chúng tôi và ồ ạt xuất hiện không biết lúc nào.
Một làn sóng tấn công thứ nhì của Nhật Bản, bao gồm 16 chiến đấu cơ, được tung ra vào lúc 6 giờ sáng. Hiện tại, tất cả hàng không mẫu hạm không còn được một chiếc phi cơ nào bao che. Chúng tôi phải ra tay trước, đánh phủ đầu địch quân.
Trong lúc đó, trên hàng không mẫu hạm Junyo, Đề Đốc Kakuta đã tỏ vẽ tức tối khi biết địch quân còn cách ông đến 300 dậm. Ông ra lịnh cho các chiến hạm của ông xả hết tốc lực về hướng Đông Nam. Chiếc Junyo, một hàng không mẫu hạm biến cải, đã chạy với tốc độ 26 hải lý thay vì 20 hải lý như thường khi bức xa 3 khu trục hạm hộ tống chạy phía sau. Đây là lần đầu tiên các thủy thủ khu trục hạm nhìn thấy soái hạm chậm chạp nầy rời bỏ họ khá xa như vậy, cho đến cả tiếng đồng hồ sau họ mới đuổi theo kịp. Mục tiêu cách 330 dậm không phải quá xa. Kakuta có thể xử dụng phi cơ quày lai Shokaku hay Zuikaku để chỉ huy. Nhưng ông muốn mặt đối mặt với quân địch. Lúc 7 giờ 14 phut, Kakuta tung 29 phi cơ làm ba đợt để tấn công địch quân. Sau đó, các phi cơ báo cáo: "Nhìn thấy hàng không mẫu hạm địch... tất cả phi cơ đều nhào xuống." Bốn mươi oanh tạc cơ và các phi cơ trang bị thủy lôi đã tập trung bom vào hàng không mẫu hạm Hornet của Hoa Kỳ, kéo dài 10 phút. Nhiều trái bom đã trúng thẳng mục tiêu. Tôi đã tạm quên các tin tức đầy phấn khởi nầy, khi một oanh tạc cơ quay trở về và cố đáp trên chiếc Shokaku, nhưng vì hỏng máy nên chiếc phi cơ đã chúc xuống biển, phía sau hàng không mẫu hạm. Khu trục hạm Amatsukaze chạy đến vớt phi công. Trong khi công việc đang xúc tiến, phi cơ địch bay đến. Báo động toàn thể, và tất cả mọi người đều xoay sang chiến đấu. Tôi liếc nhìn nhận thấy khoảng một chục oanh tạc cơ địch thoát ra khỏi mây, bay thấp ở độ cao 2.000 thước. Tôi tiếp tục công việc giải cứu phi công lâm nạn, vì tin rằng phi cơ địch sẽ chọn hàng không mẫu hạm Shokaku để tấn công hơn là chiếc tàu bé nhỏ của tôi. Trong khi Amatsukaze quay lại, với hai phi công được giải cứu, tất cả chiến hạm khác của Nhật đều khai hỏa vào nhóm phi cơ địch đang bay đến. Cùng lúc sáu chiến đấu cơ của chúng tôi lập tức cất cánh. Amatsukaze nhảy ngay vào vòng chiến. Hành động phản công nhanh nhẹn của Nhựt khác xa hai tháng trước đây khi hàng không mẫu hạm Ryujo chịu đựng cuộc không kích biết bao.Hai phi cơ trang bị thủy lôi địch trúng đạn của chiến đấu cơ Nhựt, bốc khói và nổ tung. Một chiến đấu cơ của chúng tôi đâm thẳng vào một oanh tạc cơ địch gây ra một tiếng nổ kinh hồn, và cả hai tan ra từng mãnh. Hai oanh tạc cơ khác của địch trúng đạn cao xạ, đâm đầu xuống biển. Một việc lạ lùng là chúng tôi không nhìn thấy một chiến đấu cơ nào của địch quân. Tôi tự hỏi tại sao địch quân lại không cho loại phi cơ hộ tống nầy bay theo?Con số phi cơ địch giảm xuống nhanh dần. Hỏa lực phòng không của chiến hạm Nhựt tạo một màn lửa dầy đặt trên không. Có thể xem như chúng tôi đẩy lui cuộc tấn coogn với sự thiệt hại ít ỏi. Amatsukaze chạy theo hình chữ chi với vận tốc 33 hải lý để chiến đấu, nhưng luôn luôn dòm chừng chiếc soái hạm Shokaku, vì nó cần được bảo vệ tối đa. Tôi nhìn thấy hai oanh tạc cơ chui xuyên qua màn hỏa lực của chiếc Shokaku và đâm thẳng vào chiếc tàu nầy từ một độ cao khoảng 7.000 thước, nhưng cuối cùng nó bổng bay vượt lên và biến mất trong mây. Cùng lúc hai hoặc bốn vệt sáng trắng giống như các làn chớp, rơi xuống khoảng giữa chiếc soái hạm, trúng một nơi gần đài chỉ huy và bùng cháy. Khói lan tỏa ra mọi phía, bao phủ toàn thể sàn tàu. Vào giây phút cuối cùng của cuộc tấn công, soái hạm Nhựt lãnh 4 trái bom. Shokaku xoay hướng, vẫn chạy với tốc độ 30 hải lý, hiển nhiên máy móc của nó không hề hấn gì, và bắt đầu rút lui với hai khu trục hạm hộ tống. Trước khi rời khu vực, Nagumo chỉ thị cho tôi bảo vệ Zuikaku, hàng không mẫu hạm duy nhứt còn hoạt động của ông. (Còn hàng không mẫu hạm Junyo, nằm trong lực lượng tiền phương của Kondo, nhưng không nằm dưới quyền chỉ huy của Nagumo).Tôi vẫn còn ngơ ngác, không hiểu tại sao Shokaku, với các phi công tài ba và thủy thủ đoàn kinh nghiệm, lại tỏ ra yếu kém như vậy? Việc chiếc Ryujo bị đánh chìm không làm tôi ngạc nhiên mấy, vì kinh nghiệm chiến đấu nghèo nàn của nó, nhưng chiếc Shokaku bị loại ra khỏi vòng chiến mới gây xúc động thật sự cho tôi. Tuy nhiên, tôi không có thời giờ để nghĩ vẫn vơ. Làn sóng tấn công của phi cơ địch đã chấm dứt, nhưng các làn sóng khác sẽ ào đến không biết lúc nào để tấn công hàng không mẫu hạm duy nhứt còn lại. Hơn nữa, chiếc Zuikaku phải nhận tất cả các phi cơ của ba hàng không mẫu hạm khác đang hoạt động trở về. Dĩ nhiên, có một số phi cơ bắt buộc phải đáp xuống biển vì một mình chiếc Zuikaku không đủ chổ chứa. Khu trục hạm Amatsukaze xả hết tốc lực chạy lại gần chiếc Zuikaku.
Một giờ trôi qua, không thấy cuộc tấn công nào mới của địch quân. Các phi cơ của hàng không mẫu hạm Zuikaku trở về từng nhóm nhỏ. Theo báo cáo của các phi công chúng tôi mới biết tại sao oanh tạc cơ địch không có chiến đấu cơ bay theo bảo vệ. Phi xuất đầu tiên của Nhựt bao gồm 40 oanh tạc cơ và 27 chiến đấu cơ đã đụng đầu với nhóm phi cơ tấn công thứ nhứt của địch quân trên không. Một sự đụng độ ít thấy xảy ra trước đây. Phân nữa con số phi cơ Nhựt mở ngay một cuộc không chiến dữ dội với phi cơ địch trên Thái Bình Dương. Tám chiến đấu cơ địch bị bắn rơi, nhưng chúng đã cầm chân được các phi cơ Nhựt để cho oanh tạc cơ thoát đi và tấn công, loại soái hạm Shokaku ra khỏi vòng chiến. Đồng thời, nửa nhóm phi cơ Nhựt còn lại vẫn tiếp tục bay đến tấn công mục tiêu là hàng không mẫu hạm Hornet của Hoa Kỳ. Nhưng lực lượng tấn đã giảm đi sức mạnh nên gặp nhiều khó khăn. Kết quả 7 oanh tạc cơ Nhựt bị bắn hạ nhưng cũng gây thiệt hại nặng cho chiếc Hornet. Địch quân đã bỏ rơi hàng không mẫu hạm nầy sau đó. Như vậy, nhóm 27 oanh tạc cơ và chiến đấu cơ của hàng không mẫu hạm Hornet đã tấn công đơn vị tiền phương của chúng tôi, còn nhóm phi cơ ít hơn của hàng không mẫu hạm Enterprise tấn công soái hạm Shokaku. Tại sao nhóm phi cơ lớn hơn lại chọn mục tiêu là các tuần dương hạm đi đầu thay vì hai hàng không mẫu hạm của chúng tôi, cho đến bây giờ tôi cũng không thể đoán ra. Các tuần dương hạm tiền phương lúc đó đang chạy cách 120 dậm phía trước chúng tôi, thay vì 60 dậm như trước đây. Việc nầy là do hai lần đổi hướng của Nagumo. Trong cuộc oanh kích chỉ có tuần dương hạm Chikurma bị tổn hại do 7 trái bom gây ra, và được hai khu trục hạm hộ tống về Truk. Cuộc taasnc ông của các phi cơ địch thất bại đã làm cho thế cờ lật ngược. Trong khi chiếc Hornet bị bỏ rơi, chiếc Enterprise bị các đợt phi cơ mới tung lên của Nhựt tấn công vũ bảo nên Đề Đốc Kinkaid đã ra lịnh cho tất cả lực lượng của ông rút lui. Sau cuộc tấn công, năm khu trục hạm, bao gồm chiếc của tôi, chạy quanh hàng không mẫu hạm Zuikaku để giải cứu các phi công đâm đầu xuống biển. Amatsukaze vớt được hai phi công oanh tạc cơ. Kế đó, một oanh tạc cơ trang bị thủy lôi hạ cánh xuống sân tàu nhưng không thể ngừng lại được nên đã chạy vượt ra phi đạo và đâm đầu xuống biển. Chiếc tàu của tôi chạy nhanh đến giải cứu nhưng không kịp, cả phi công và phi cơ đều chìm sâu dưới đáy biển. Một chiến đấu cơ khác đâm đầu xuống biển, song song với Amatsukaze. Tôi ra lịnh xả hết tốc lực chạy đến và ngừng lại để giải thoát phi công trước khi chiếc phi cơ chìm xuống. Phi công nầy bị thương nặng, khi chúng tôi mang lên tàu, hắn chỉ kêu được một tiếng "Mẹ" nho nhỏ, rồi trút hơi thở cuối cùng. Hôm đó, chúng tôi giải cứu được tất cả 13 phi công, 3 người đã chết ngay khi mang lên tàu. Hai hàng không mẫu hạm còn lại hoạt động manh mẽ. Trước trưa ngày hôm đó, hai chiếc Junyo và Zuikaku phối hợp, đã tung ra một làn sóng tấn công thứ nhì với 15 phi cơ vào lúc 11 giờ 6 phút. Năm phút sau, Zuikaku lại cho cất cánh thêm 13 phi cơ nữa. Chiếc Junyo của Đề Đốc Kakuta vẫn giữ hướng đâm thẳng về phía địch quân và cho cất cánh tất cả phi cơ còn lại.Nhưng không phải mọi vị tư lịnh Nhựt đều "dữ dội" như Kakuta. Phó Đô Đốc Nobutake Kondo, Phụ tá Tổng Tư Lịnh Hạm Đội Hổn Hợp nắm trong tay một lực lượng bao gồm hai thiết giáp hạm Kongo và Haruna, với hàng chục khu trục hạm và tuần dương hạm bao quanh, một lực lượng có thể đè bẹp địch quân dễ dàng như vậy mà ông lại nhút nhác không đưa ra một hành động ngoạn mục nào.Một kẻ rụt rè khác là Đề Đốc Koki Abe, chỉ huy một đơn vị tiền vệ gồm hai thiết giáp hạm và năm kht, đã chân trước chân sau rời khu vực chiến đấu với soái hạm Chikuma và hai khu trục hạm hộ tống. Ông nầy quả là một người quá cẩn thận.
Vào buổi trưa, khi mạng lịnh đưa đến từ Truk bắt chúng tôi săn đuổi và tiêu diệt địch quân đang tháo chạy, thì đã quá trể. Dù cho các chiến hạm của Kondo xả hết tốc lực cũng không thể nào nuốt trôi khoảng cách 300 dậm giữa ông và địch quân. Trong đêm, hai khu trục hạm Makigumo và Akigumo tiến đến hknh Hornet. Hai chiến hạm Hoa Kỳ lảng vảng gần chiếc hàng không mẫu hạm bất động nầy đã quay đầu bỏ chạy. Hai khu trục hạm Nhựt thiêu rụi "mục tiêu" với 4 trái thủy lôi.Trên khu trục hạm Arashi, Nagumo đã trở lại khu vực vào sáng sớm ngày 27 tháng 10. Lửa bốc cháy trên hàng không mẫu hạm Shokaku đã được dập tắt ngay trưa hôm đó. Nagumo chuyển soái kỳ của ông từ chiếc Arashi sang chiếc Zuikaku. Nhiều phi cơ của hàng không mẫu hạm Zuikaku và Junyo cất cánh tìm tung tích địch quân tháo lui, nhưng không thấy bóng dáng nào trong vòng bán kính 300 dậm. Lúc 6 giờ 30 ngày 27 tháng 10, Nagumo ra lịnh chấm dứt các hoạt động nầy. Tất cả chiến hạm tụ hội suốt ngày, và sau đó quay mủi trở về Truk.Tổng kết trận đánh vừa qua, được mệnh danh là trận Santa Cruz, phía Nhựt hư hại 6 chiến hạm mọi loại trong đó có hàng không mẫu hạm Shokaku, và mất 66 phi cơ. Phía Hoa Kỳ chìm hàng không mẫu hạm Hornet và hư hại năm chiến hạm mọi loại và mất 74 phi cơ.Vì vậy, nếu so sánh con số, có thể nói Nhật Bản đã chiến thắng. Địch quân bước vào trận đánh với các lợi thế tâm lý và chiến thuật, nhưng đã phải trả một giá khác cao. Địch quân dọn chiến trường với thời gian và không gian do họ chọn lựa. Nhưng họ đã phải kinh ngạc. Họ không ngờ đầu và đuôi "con rắn Nhật Bản" đã biết ứng biến và rất mềm dẽo, trái ngược hẳn trận Midway và kết quả gậy ông đập lưng ông. Mặc dù qua sự so sánh thiệt hại, Nhựt xem như đã chiến thắng, nhưng địch quân thật sụ đã nắm phần thắng về mặt chiến lược. Khi trận đánh nầy kết thúc, Hoa Kỳ có được một khoảng thời gian quí giá cho phép họ tăng cường lực lượng và chuẩn bị hành động kế tiếp. Sự chiến thắng chiến lược của địch quân phải qui trách nhiệm cho lực lượng trung ương của Nagumo, dưới quyền chỉ huy của Đề Đốc Kondo, đã thiếu tinh thần diệt địch. Nếu lực lượng của Kondo tận lực như đầu đuôi đã làm, lực lượng địch quân có thể bị tiêu diệt hoàn toàn.
Hết quyển 1
Phần 6
Niềm vui chiến thắng Santa Cruz không kéo dài được bao lâu. Mạng lệnh đang chờ đợi Đô đốc Nagumo ở Truk. Ngày 2 tháng 11, ông rời khỏi chức vụ Tư lệnh Đệ Tam Hạm Đội, tức Lực Lượng Đặc Nhiệm, và trở về Nhật đảm nhiệm chức vụ mới, Chỉ huy trưởng Căn cứ Hải quân Sasebo.
Nghe tin việc thuyên chuyển này, tôi đã đến gặp ông, nhưng không biết nên ngỏ lời chia vui hay chia buồn với ông. Trước mặt tôi, Nagumo chỉ là một ông già tiều tụy. Hình như trong vòng sáu tháng qua, ông đã già thêm 20 tuổi. Khi thấy tôi, ông thoáng cười: " Hân hạnh được gặp anh, Hara. Những việc anh làm khiến tôi kiêu hãnh."
Tôi đỏ mặt vì lời khen tặng này, và sau một vài giây yên lặng đầy bối rối, tôi lên tiếng: "Thưa Đô đốc, tôi thấy Đô đốc dường như không được khỏe?"
"Ồ! Bệnh cúm sơ sài thôi." Ông mau mắn đáp. "Trở về quê nhà ít hôm sẽ khỏi ngay, và tôi sẽ sớm trở lại đây để chiến đấu với anh."
"Dạ đúng, thưa Đô đốc, khí hậy ở Sasebo sẽ khiến Đô đốc mau bình phục. Đô đốc xứng đáng được nghỉ ngơi một thời gian, vì Đô đốc đã liên tục một năm ngoài mặt trận rồi. So sánh với nhiệm vụ của Đô đốc, nhiệm vụ của tôi không khác nào kẻ đi ngao du một cách nhàn nhã trên mặt biển."
"Nhưng từ đây anh không còn nhàn nhã nữa đâu, ngoại trừ chiếc Junyo, tất cả hàng không mẫu hạm sẽ về Nhật để tu bổ. Và trong các trận đánh vừa qua, chúng ta đã thiệt mất một số phi công giỏi, các phi công mới chắc còn lâu mới thích hợp được với nhiệm vụ của họ." "Xin lỗi Đô đốc, như vậy là các hàng không mẫu hạm Shokaku, Zuikaku, Zuihu và Hiyo, tất cả sẽ vượt 2500 dặm để trở về quê hương, và chỉ còn lại một mình chiếc Junyo yểm trợ về mặt trên không cho chúng tôi hay sao?"
"Phải, Hara. Các chiến hạm của chúng ta chỉ bị thiệt hại nhỏ trong trận Santa Cruz, nhưng chúng ta đã mất một số phi công kinh nghiệm và những người chỉ huy tài giỏi về ngành bay. Đối với chúng ta , trận đánh vừa qua Nhật đã chiến thắng trên phương diện chiến thuật, nhưng trên phương diện chiến lược lại là một thất bại to tát. Như anh đã biết, tôi đặc biệt nghiên cứu tiềm năng chiến tranh của Hoa Kỳ trong suốt thời gian tôi du học bên ấy. Đoán biết khả năng kỹ nghệ của địch vượt bậc, trong mọi trận đánh chúng ta phải hạ gục họ ngay mà không để cho bị thiệt hại. Nhưng không may, trong trận đánh vừa qua, chúng ta đã không làm được như vậy."
Người thay thế Nagumo là Phó đô đốc Jisaburo Ozawa, một chuyên viên khu trục hạm đáng chú ý, nhưng tài năng trong tư cách một Tư lệnh Lực Lượng Đặc Nhiệm của ông thì không ai biết ra sao. Tin tức của việc thay đổi này gây nhiều cảm giác lẫn lộn. Chúng tôi biết sức khỏe của Nagumo yếu kém, không thích hợp với nhiệm vụ chiến đấu. Mọi người hy vọng tân tư lệnh sẽ tạo ra "phép lạ" và dẫn dắt chúng tôi đến các chiến thắng vĩ đại. Kế đó, tôi đến viếng thăm Kakuta để chúc mừng ông vừa được tân thăng. Vị tân Phó Đô đốc này luôn luôn hăng hái, nhưng xem ra ông có vẻ nao núng khi chúng tôi thảo luận về việc lực lượng của ông chỉ còn lại một hàng không mẫu hạm duy nhất hoạt động ở Tây Nam Thái Bình Dương. Tôi cũng ghé tạt qua Tổng Hành dinh Hạm Đội Hỗn Hợp của Đô đốc Yamamoto và nhận thấy không khí ở đây có vẻ căng thẳng. Từ khi sư đoàn 2 Bộ Binh thảm bại, Lục quân yêu cầu Đô đốc Yamamoto cung cấp đầy đủ các phương tiện chuyển vận. Ông chỉ biết làm theo các yêu cầu này mà không được bàn ra tán vào.Yamamoto biết tất cả các đơn vị của ông đều quá mỏi mệt sau trận đánh Santa Cruz. Nhưng ông bắt buộc phải đưa các đơn vị này ra đại dương một lần nữa, và lần này hầu như không được bao che về mặt trên không. Yamamoto đã có lý khi cho rằng trong trận Santa Cruz địch mất mát bao nhiêu thì ông cũng kiệt quệ bấy nhiêu. Khoảng đầu tháng 11 hình như nhận xét này có vẻ không mấy đúng khi 20 khu trục hạm Nhật thành công trong việc đổ bộ toàn thể Sư đoàn 38 vào những ngày 2,7,8 và 10 mà không gặp bất kỳ sự ngăn trở nào của địch quân. Nhưng hải quân Hoa Kỳ, giống như trước đây, đang chờ đợi đúng lúc để ra tay. Chiến hạm Hoa Kỳ trở lại, và một loạt chạm trán đẫm máu đã xảy ra cạnh hải phận Guadalcanal vào những ngày 12 đấn 15 tháng 11.Tôi tham dự ngay trận đầu của loạt hải chiến này, và nhận thấy sự tiên đoán của Nagumo hoàn toàn đúng. Đây là trận đánh dữ dội hơn bất kỳ trận đánh nào tôi đã từng biết qua trước đây. Chiếc Amatsukaze của tôi đã phóng ngư lôi đánh chìm tuần dương hạm Juneau và khu trục hạm Barton, đồng thời gậy thiệt hại nặng nề cho soái hạm San Francisco của Đề đốc Hoa Kỳ Daniel T.Callaghan. Hai quả đại pháo của tuần dương hạm Helena đã đốn ngã 43 người trong số thủy thủ đoàn của tôi trong lúc tôi đứng chung với họ mà không xây xát gì cả. Tôi còn sống trong trận này chỉ nhờ vào sự may mắn.Đây là một trong những trận hải chiến kỳ dị nhất của lịch sử hiện đại, hầu như là một cuộc loạn đả giữa 14 chiến hạm Nhật Bản và 13 chiến hạm Hoa Kỳ. Trong trận này, Nhật mất một thiết giáp hạm và hai khu trục hạm, phía Hoa Kỳ chỉ còn tồn tại 3 khu trục hạm và một tuần dương hạm không mấy nguyên vẹn. Một số sĩ quan chỉ huy của Hoa Kỳ thiệt mạng. Có thể nói đây là một trong những cuộc bại trận tồi tệ nhất của Hoa Kỳ trên mặt trận thái Bình Dương. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng không được hài lòng trọn vẹn với những chiến tích đạt được. Vị tư lệnh Nhật, chỉ huy trận đánh này, bị đưa ra tòa án và bị cách chức về tội làm "ô danh cấp lãnh đạo."Giống như một cuộn chỉ rối. Người ta không thể nào biết được các chi tiết thật sự liên quan đến trận đánh. Sau đây tôi cố gắng vẽ lại trận đánh này một cách vô tư, xác thực và đầy đủ bao nhiêu hay bấy nhiêu. Đề đốc Kobi Abe, một chuyên viện khu trục, và một tay có kinh nghiệm chiến đấu, đã chỉ huy 14 chiến hạm Nhật tham dự vào trận đánh nàyÔng nổi tiếng là người rất thận trọng, vì vậy mà ông thường bị chỉ trích là rụt rè, nhút nhát. Trong trận Santa Cruz, Abe chỉ đơn vị tiền phương và đã kháng cự hữu hiệu trước các cuộc không kích của Hoa Kỳ, nhưng khi địch quân rút lui ông không chịu truy đuổi đến cùng.Đề đốc Abe tỏ vẻ nồng nhiệt khi nhận lệnh của Yamamoto cầm đầu phận đội 14 chiến hạm mở các cuộc pháo kích dọn đường lên Guadalcanal, như Kurita đã làm một tháng trước đó. Abe không tin là người Mỹ ngu dại đến nỗi cho Nhật áp dụng cùng một phương thức tấn công đã từng được sử dụng.
Tình trạng sức khỏe củng Abe sa sút, nhất là sau trận đánh gần đảo Savo vào ngày 11 tháng 10, đưa đến cái chết của người bạn cố tri của ông, Đề đốc Aritomo Goto. Trước khi trút những hơi thở cuối cùng, Goto có những lời trối trăng cho thấy ông bị giết chết bởi hỏa lực bạn, và cho rằng hành động can đảm của ông là ngu dại. Đó là một cái chết đầy tăm tối. Abe buồn bã khi nghe việc này, và ông quyết định không dẫm lên dấu chân của Goto. Abe có lý khi cho rằng cuộc đổ bộ êm thắm của Sư đoàn 38 chỉ là một sự êm thắm giả tạo. Tình hình này giống như trước khi xảy ra trận đánh Santa Cruz. Và tâm trạng của ông là đón chờ những gì tồi tệ nhất xảy ra.
Vào ngày 9 tháng 11, chiếc Amatsukaze của tôi nằm trong một nhóm 8 khu trục hạm cùng với tuần dương hạm hạng nhẹ Nagara rời khỏi Truk, và sáng sớm ngày 12 chúng tôi kết hợp với hai thiết giáp hạm và thêm ba khu trục hạm của Đề đốc Abe gần đảo Shortland. Lúc 8h30 cùng ngày, khi còn các phía Bắc mục tiêu 300 dặm, chúng tôi bị một pháo đài bay B-17 phát hiện. Hàng không mẫu hạm Junyo của Phó Đô đốc Kakuta cho các phi cơ cất cánh để chống lại chiếc B-17 này, nhưng nó đã lẩn tránh mất dạng mà không hề thả một trái bom nào. Nhưng chắc chắn chiếc B-17 đã thu thập đầy đủ những gì cần biết về hoạt động của chúng tôi. Cuộc tiếp xúc quá sớm này càng khiến cho tính thận trọng cố hữu của Abe gia tăng hơn nữa, và nhất là ông lại nhận được những báo cáo về các nỗ lực tăng viện thành công của địch quân vào hai ngày 11,12 tháng 11. Lúc 13h30 bỗng nhiên Abe ra lệnh thay đổi hẳn đội hình di chuyển. Từ đầu chúng tôi di chuyển một hàng dọc, bây giờ chuyển thành đội hình xen kẽ như sau: Năm khu trục hạm trải rộng ra thành hình vòng cung, chạy cách phía trước tuần dương hạm Nagara 8000m. Kể từ chiếc Nagara, sáu khu trục hạm khác trải phân nửa đội hình cánh quạt, mỗi chiếc cách nhau 2000m. Hai thiết giáp hạm Hiei ( soái hạm) và Kirishima chạy phía sau chiếc Nagara, mỗi chiếc cách nhau 2000m. Đội hình vững chãi này hoàn tất vào lúc 14h, khi chúng tôi chỉ còn cách Guadalcanal trong vòng 200 dặm. Tôi nghĩ, mục đích cũa đội hình này là nhằm ngăn ngừa tiềm thủy đĩnh hoặc phi cơ địch tấn công bất thần trên đường tiến đến mục tiêu của chúng tôi. Tôi không bao giờ tưởng tượng Abe vì sự quá cẩn trọng này mà phải lâm vào cảnh bối rối trong suốt cuộc hành quân. Còn bối rối hơn một cuộc tấn công bất thần của địch quân.Trong khi chúng tôi vẫn tiến về phía Nam với tốc độ 20 hải lý, soái hạm Hiei cho một trinh sát cơ cất cánh. Một giờ trôi qua, phi cơ của chúng tôi không gửi báo cáo về mà cũng không có một chiếc phi cơ nào của địch xuất hiện. Thời tiết thình lình u ám. Những đám mây dày đặc tụ đến nhanh chóng và một cơn mưa bão dữ dội trút xuống, che mờ mọi vật cho đến nỗi không nhìn thấy cả những chiếc tàu chạy gần nhau nhất. Trên chiếc Amatsukaze, chúng tôi bồn chồn mong đợi lệnh cho các chiến hạm chạy chậm lại, và thay đổi một đội hình ít phức tạp hơn. Nhưng không có một lệnh nào như vậy được ban ra.
Đối với Abe, cơn mưa bão hiện tại là một thiên ân. Ông biết rằng được ẩn trong cơn mưa bão này, phận đội của ông không còn sợ các cuộc tấn công của địch từ ba mặt trên không, trên mặt biển và dưới biển. Khi các sĩ quan của Abe khuyên ông nên cho các chiến hạm giảm tốc độ, ông đã gạt đi: "Chúng ta phải duy trì tốc độ này để tiến đến mục tiêu đúng lúc." Mưa bão trên các vùng biển nhiệt đới thường giới hạn trong một khu vực nhỏ và hiếm khi kéo dài hơn một vài phút. Nhưng cơn mưa bão này đã làm chúng tôi kinh ngạc, vì nó có vẻ kéo dài triền miên. Chúng tôi tiếp tục với vận tốc 18 hải lý. Hai giờ trôi qua, mưa vẫn đổ xuống như thác. Mặc dù nước mưa thấm ướt chư chuột lột, thân thể và mặt mày chúng tôi rướm ướt mồ hôi. Trong thời bình, không có vị tư lệnh lực lượng hải quân nào dám cho các chiến hạm của ông ta chạy xuyên qua cơn mưa bão mù mịt, với tốc độ cao và một đội hình phức tạp, bởi lẽ thời gian này chưa có dụng cụ nào để di chuyển an toàn trong tình trạng như vậy. Nhưng chúng tôi đã di chuyển suốt bảy tiếng đồng hồ trong tình trạng đui mù này mà không xảy ra tai nạn nào. Điều đó đã chứng tỏ tài đi biển của các thủy thủ Nhật bản, cũng như vào sự lão luyện cao độ đã tránh được tình trạng bắn lầm giữa các chiến hạm chúng tôi, trong trận đánh hỗn loạn sắp xảy ra. Một số tin tức của Hoa Kỳ liên quan đến trận đánh đã cho rằng chiến hạm Nhật khai hỏa vào nhau, điều này hoàn toàn sai. Trên đài chỉ huy của chiếc Hiei, Abe có vẻ khoái trá. Ông nói với các sĩ quan ướt như chuột lột của ông đang đứng xung quanh: "Cơn mưa bão trời giúp này đang di chuyển cùng một tốc độ và cùng một hướng với chúng ta."
Báo cáo đầu tiên của phi cơ thám thính: "Phát hiện hơn một chục chiến hạm địch quân gần đảo Lunga." Abe cười: "Nếu Trời tiếp tục chạy song song với chúng ta như thế này, chúng ta sẽ khỏi phải bận rộn với các chiến hạm đó."
Phân đội tiếp tục tiến. Nhiều giờ nữa trôi qua, nhưng mưa bão không ngừng mà có phần dữ dội hơn. Trong suốt những năm trong đời binh nghiệp của tôi, tôi chưa từng thấy cơn mưa bão nào như vậy. Nó dần chúng tôi mệt nhừ. Các sĩ quan của tôi đều tỏ vẻ bực bội. Thiếu úy Shoji nói: "Hết chịu nổi rồi. Trận mưa này đang giết tôi. Tôi muốn điên lên. Chúng ta chống lại bọn Mỹ còn tốt hơn là chống với cơn mưa này."
Lúc 22h, chúng tôi đã tiến đến gần mục tiêu, với điều kiện là chúng tôi di chuyển chính xác. Trên soái hạm Hiei, Abe đang cắm cúi trên hải đồ. Từng là một chuyên viên khu trục hạm, ông biết rõ khả năng từng hạm trưởng một của ông, và ông cũng biết rõ Đề đốc Susumu Kimura ở trên chiếc Nagara là một trong những chuyên viên hàng hải ưu tú nhất của Nhật Bản.Đồn quan sát của Lục quân ở Guadalcanal vừa gửi Abe một công điện: "Ở đây hiện giờ thời tiết rất xấu." Phí cơ thám thính của Hiei, sau báo cáo ở Lunga, đã bay thẳng về Bougainville, vì không thể đáp xuống chiếc tàu mẹ đang chạy trong mưa bão. Đề đốc Abe biết rằng một cuộc pháo kích của các tàu chiến không thể chính xác trong tình trạng như thế này, ông quyết định thoát khỏi cơn bão ở mạn phía Nam. Sau đó, Hiei truyền lệnh qua siêu tần số: "tất cả các chiến hạm sẵn sàng để đổi hướng 180 độ cùng một lúc." Như vậy có nghĩa là chúng tôi quay lưng về phía mục tiêu. Tôi đáp lập tức: "Amatsukaze gửi Hiei, đã sẵn sàng để đổi hướng 180 độ." Thông thường, khoảng cách liên lạc để đổi hướng đội hình phải mất 30 giây, như vậy mới chuẩn bị kịp để tránh sự va chạm. Tôi bồn chồn nhìn đồng hồ. Một phút trôi qua. Lệnh đổi hướng vẫn chưa đến. Một phút ba mươi giây, vẫn im lặng. Tôi chạy vào phòng truyền tin hỏi: "Có lệnh chưa?" "Chưa, thưa Đại tá. Các khu trục hạm đi đầu là Yudachi và Harusame cũng chưa được lệnh."
Ba phút trôi qua, phòng truyền tin báo cáo: "Thưa Đại tá, Hiei đang dùng tần số trung bình để liên lạc với yadachi và Harusame."
Tôi kêu lên: "Sao lại có chuyện đó? Hiei điên rồi à?" Bởi vì sử dụng tần số trung bình có thể bị địch quân chặn bắt dễ dàng. Như vậy lợi thế của chúng tôi nhờ cơn mưa bão đã bị Hiei phá tan rồi."
Lúc 22h, hiệu thính viên báo cáo: "Lệnh đổi hướng 180 độ cho tất cả chiến hạm."
Tôi ra lệnh: "Xoay 180 độ." Khu trục hạm của tôi thi hành một cách gọn gàng. Tôi nhìn quanh một vòng, chỉ sợ các tàu đụng chạm. Không có việc gì xảy ra. Sự đổi hướng kỳ dị trong một đội hình phức tạp như vậy mà êm thấm mới là chuyện khác thường. Lệnh kế của soái hạm Hiei: "Tốc độ của tất cả chiến hạm giảm xuống còn 12 hải lý." Abe không bao giờ làm việc cầu may. Qua nhiều năm kinh nghiệm, ông biết đội hình trước đó, chạy như đui mù, sẽ không còn giữ đúng nữa. Abe cho xoay 180 độ là hữu lý. Và đội hình hiện giờ chắc chắn đã phân tán. Tôi đã nhìn thấy, ngay cả trước khi có lệnh giảm tốc độ, đội hình vòng cung của năm khu trục hạm, chạy phía trước tuần dương hạm Nagara 8000m, đã phải xoay hẳn một vòng tròn thay vì 180 độ, để quay lưng về phía Guadalcanal. Vì vậy, năm chiếc tàu này bị vỡ làm hai nhóm, một nhóm hai chiếc và một nhóm ba chiếc. Và do đó, đội hình của toàn thể đoàn tàu gia tăng thêm một phần nữa. Yếu tố bất ngờ này lại có một giá trị quan trọng đối với trận đánh sắp xảy ra. Mưa bão chấm dứt lúc 22h40, hơn 30 phút kể từ khi chúng tôi bắt đầu xoay hướng. Abe lại ra lệnh xoay thêm 180 độ nữa, tức xoay mũi các chiến hạm trở lại phía hòn đảo. Tôi độ chừng Abe bây giờ sẽ thành lập một đội hình duy nhất. Đội hình phức tạp chỉ thuận lợi để chống lại các cuộc tấn công của loại ngư lôi đĩnh nhỏ, nhưng nếu gặp phải một cuộc tấn công quy mô, chúng tôi sẽ lâm vào cảnh rối loạn ngay.
Abe, với tính cẩn thận cố hữu của ông, vẫn cương quyết giữ lại đội hình cũ. Và đây là lần đầu tiên tôi nghi ngờ sự khôn khéo của ông. Lúc chiến đấu mà nghi ngờ khả năng của cấp chỉ huy là không tốt. Nhưng tôi không thể nào cho rằng việc giữ đội hình cũ là thích hợp một khi soái hạm Hiei đã dùng tần số vô tuyến trung bình để liên lạc. Địch quân chắc chắn đã định được ví trí của chúng tôi và sẵn sàng đánh.
"Đảo nhỏ, 60 độ tả mạn." Tiếng la của một quan sát viên chấm dứt dòng tư tưởng của tôi. Sau đó, nhiều tiếng la cùng lúc: "Dãy núi cao án trước mặt."
Tôi quay sang trái, nhìn thấy hình dáng đen sậm của đảo Savo thấp thoáng trong bóng đêm. Phía trước tàu của tôi là dãy núi Guadalcanal cao chớn chở, đỉnh như lẩn khuất trong mây. Tôi có linh tính cuộc đụng độ sắp xảy ra. Tôi thấy kích động và hít một hơi dài không khí êm mát của đêm. Tôi ra lệnh: "Chuẩn bị trọng pháo và ngư lôi tấn công ở hữu mạn. Tầm súng 3000m. góc phóng ngư lôi 15 độ."
Im lặng trở lại trên tàu của tôi sau khi mọi người đã vào vị trí chiến đấu. Trên soái hạm, Abe đang cắm cúi với các báo cáo. Thủy phi cơ quan sát cất cánh từ Bougainville cho biết mưa vừa dứt ở Guadalcanal và không còn thấy một chiến hạm nào của địch gần đảo Lunga. Năm mươi phút sau khi chúng tôi xoay hướng lần thứ hai, phân đội chỉ còn cách bờ biển Guadalcanal 12 dặm. Abe vẫn chưa quyết định, chỉ ta lệnh một cách uể oải" "Hiei và Kirishima chuẩn bị loại đạn số 3 cho các pháo khẩu chính." Đây là loại đạn lửa, nặng một tấn, mang một khối lượng chất nổ mạnh hàng trăm trái bom.
Lúc 23h42, tuần dương hạm Yudachi báo cáo: "Nhìn thấy địch quân."
Abe hét: "Địch quân ở phía nào, và bao xa? Còn vị trí Yudachi ở đâu?"
Abe chấm dứt cơn thịnh nộ khi quan sát viên của Hiei đứng trên tháp cao la to: "Bốn điểm đen phía trước.... Nhìn giống như các chiến hạm, ở 5 độ hữu mạn. Khoảng cách 8.000m.... nhưng không chắc. Nhìn không rõ."
Abe xụ mặt: "Yadachi ở chếch về bên phải chúng ta 10.000m. Hỏi lại các quan sát viên xem các điểm đen khoảng cách bao xa."
Trung tá Masakane Suzuki, Tham mưu trưởng của Abe bước ra và lớn tiếng hỏi: "Có đúng 8.000m không? Phải xác định."
"Có lẽ 9.000m thưa Trung tá."
Abe, hình như xao xuyến, giọng nói ấp úng: "Ra lệnh cho các pháo thủ ở Hiei và Kirishima thay tất cả loại đạn lửa bằng đạn xuyên phá giáp và xoay các pháo khẩu về phía trước." Abe ngồi yên trên ghế, ông đang phân vân. Đáng lẽ ông phải lệnh cho hai thiết giáp hạm xoay mũi chạy lùi về phía sau trong hki thay loại đạn khác, nhưng ông cân nhắc, và cuối cùng không đưa ra lệnh này.
Trên sàn tàu của hai thiết giáp hạm bỗng nhiên hoang vắng. Hầu hết mọi người đều phải bỏ vị trí chiến đấu để tiếp tay mang loại đạn xuyên phá giáp được chứa từ hầm sâu lên thay thế loại đạn lửa. Trong khi đó loại đạn vĩ đại này vẫn còn chất đống như núi trên sàn tàu. Như vậy, ở tầm 9.000m, chiếc tàu sẽ bị bắn trúng dễ dàng, và sẽ trở thành một que diêm khổng lồ.Các sĩ quan truyền tin của Hiei bận rộn liền tay. Tần số trung bình và ngắn đều được tận dụng để loan báo diễn tiến của địch quân. Vấn đề an ninh truyền tin không còn được lưu ý nữa. Các quan sát viên của tôi vẫn chưa thể nhìn thấy một chiếc tàu nào của địch quân nên tỏ vẻ sốt ruột. Tôi nói lớn: "Không thấy thì có sao đâu, chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ rồi, chỉ chờ địch quân đến trong khoảng cách dưới 3.000m là ra tay."
Một việc lạ lùng là đã 8 phút trôi qua nhưng địch quân không bắn một quả đạn nào. Theo phi cơ quan sát, tốc độ di chuyển của địch quân là 40 hải lý, như vậy có nghĩa là mỗi một phút hai lực lượng tiến gần nhau 1.200m. Trên hai chiếc Hiei và Kirishima, mọi người đã vào các vị trí trở lại. Tất cả các loại đạn lửa đã được di chuyển hết, và các pháo khẩu sẵn sàng khai hỏa với loại đạn xuyên phá giáp.
Tại sao địch quân cứu thoát chúng tôi khỏi cảnh bi thảm bằng cách dành cho chúng tôi 8 phút để hai thiết giáp hạm hoàn thành việc thay thế đạn? Không làm sao giải thích được, dù tôi đã đọc nhiều tài liệu sau chiến tranh của Hoa Kỳ ghi lại trận đánh này. Không còn ai đủ thẩm quyền để dọ hỏi, bởi vì hầu hết sĩ quan cao cấp thuộc lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ tham dự trận đánh đều thiệt mạng trong khi thi hành nhiệm vụ. Tất cả những giả thuyết mà tôi được xem qua đều căn cứ trên từng câu chuyện rời rạc, và thường trái ngược nhau, do những người còn sống sót kể lại. Tuy nhiên, theo sự tìm hiểu riêng của tôi, địch quân sở dĩ không khai hỏa trong suốt 8 phút khủng hoảng của chúng tôi là do thế trận đã dàn ra không thích hợp, và do vấn đề chỉ huy phức tạp của họ. Vào lúc 23h41, khi khu trục hạm Yudachi báo cáo đã phát hiện địch quân, lực lượng địch đang tiến đến trong đội hình hàng dọc duy nhất, nhằm chống lại đội hình phân tán của chúng tôi. Với đội hình như vậy, chỉ có chiếc tàu dẫn đầu của địch quân mới có thể khai hỏa được mà thôi. Nhưng điều khó có thể giải thích được là tại sao những chiếc tàu khác không rẽ về phía phải để xoay tất cả các họng súng của họ về hướng chúng tôi? Tại sao họ không chọn phương thế khác, chẳng hạn như tiến từ bờ biển ra để đánh vào hữu mạn chúng tôi? Những câu hỏi này vẫn luôn luôn ám ảnh tôi.
Trong trận đánh này cũng còn nhiều điều bất thường khác. Một trong những điều này là hoạt động cũa khu trục hạm Yudachi, hạm trưởng là Trung tá Hiyoshi Kikkawa, một người bạn rất thân của tôi. Sau trận đánh, kikkawa đã giải thích với tôi:
"Lỗi lầm của tôi là quá cẩn thận. Tôi đã từng tham dự trận đánh ở biển Bali tháng Hai trước đó. Trong trận này, chiếc khu trục hạm Mitsushio của tôi bị trúng ngư lôi vào cạnh sườn và thiệt hại khá nặng, giữa lúc tôi đang điều khiển hỏa lực của chiếc tàu ngắm vào mục tiêu ở hướng khác. Đây là một bài học đắt giá cho tôi."
"Vào ngày 12 tháng 11, chiếc Yudachi của tôi cùng với chiếc Harusame đang đi tìm ba khu trục hạm khác cùng nhóm thất lạc. Trong cuộc tìm kiếm này, chúng tôi không bao giờ ngờ rằng đội hình phức tạp trước đây đã xoay hai lần 180 độ, khiến cho ba chiếc tàu cùng nhóm với chúng tôi đã tụt lại phía sau, thay vì ở vị trí tiền đội như khởi thủy." "Tôi đã kinh ngạc khi nhìn thấy một khu trục hạm địch từ bóng tối nhô ra thình lình, và đang chuẩn bị đánh vào cạnh sườn chiếc Yudachi. Thảm họa Bali chợt hiện trong đầu tôi. Tôi không thể nào chống trả kịp thời, vì hỏa lực không nằm trọng tình trạng sẵn sàng. Tôi quyết định quay tàu bỏ chạy và thông báo về soái hạm, nhưng không thể nào định vị trí tàu địch, bởi vì tôi không biết chính tàu tôi hiện đang ở đâu."
"Tôi chạy được được một vài phút thì tàu địch khai hỏa. Tôi lâm vào tình cảnh bối rối và hổ thẹn, vì lúc đó thủy thủ đoàn đã giận sôi lên, lý do là tôi không cho họ thử sức với địch quân. Tôi quyết định quay tàu lại và hướng thẳng tới đoàn tàu của địch quân. Và từ đó, Yudachi đã dũng cảm chiến đấu cho đến khi bị đánh chìm." ( chỉ một mình Kikkawa thoát chết ) "Trong thời gian Yudachi đơn độc đối đầu với địch quân, chiếc Harusame cùng đi chung đã trở về kết hợp với tuần dương hạm Nagara." Kikkawa tiếp, "Hiển nhiên là chiếc tàu này lạc dấu chúng tôi trong đêm tối, vì lúc đó chiếc Yudachi đã chạy với tốc lực tối đa 35 hải lý." Không chỉ có các đơn vị tiền phương tan vỡ đội hình mà cả thành phần chính cũng không tránh khỏi. Bảy tiếng đồng hồ chạy như đui mù, và qua hai lần xoay hướng 180 độ, cho dù đội hình nào đi nữa cũng phải tan vỡ huống chi là đội hình phức tạp của Abe. Lúc 23h50, soái hạm Hiei sử dụng đèn rọi và nhận thấy tuần dương hạm Nagara chạy cách phía trước không đầy 2.000m. Chiếc tuần dương hạm này tiếp tục chạy khoảng 5.000m nữa rồi đổi hướng sang trái để chạy phía trước khu trục hạm Yukikaze và kế đó khoảng 2.000m là chiếc Amatsukaze của tôi. Và khi đèn rọi của soái hạm Hiei phát hiện tuần dương hạm Atlanta của Hoa Kỳ, cách xa chừng 5.000m, tàu địch lập tức khai hỏa, nhưng vì nhắm vội vã nên tất cả 12 quả đạn 125mm rớt nổ cách soái hạm đến 2.000m. Ba mươi giây sau khi vung về tả mạn, soái hạm Hiei khai hỏa một lượ tám khẩu 250mm. Với mục tiêu ở tầm 5.000m, loại đại pháo này bắn không thể trật. Tất cả các quả đạn 1 tấn được bắn ra đều trúng chiếc Atlanta. Đề đốc Hoa Kỳ Norman Scott và tất cả sĩ quan đứng trên đài chỉ huy đều chết tức khắc. Như vậy là Abe đã phục thù cho người bạn thân của ông, Đề đốc Goto. Đây là một trong những cuộc pháo kích hạm-hạm chính xác nhất của toàn thể mặt trận Thái Bình Dương. Nhưng Hiei đã phải trả một giá rất cao cho việc sử dụng đèn rọi của mình. Bốn khu trục hạm chạy phía trước tuần dương hạm Atlanta đã tập trung vào soái hạm Nhật ở các khoảng cách từ một vài trăm mét đến 2.000 mét. Khu trục hạm Cushing dẫn đầu đã rót nhiều loạt đạn đại pháo và mưa đạn đại liên vào đài chỉ huy của Abe. Tuy nhiên, pháo thủ của địch quân quá tệ khiến tất cả đạn của họ đều vung vẩy chung quanh chiếc Amatsukaze của tôi, Quang cảnh này được lặp đi lặp lại nhiều lần, và tôi như kẻ đứng trước những tấm màn lửa. Cũng may, không có viên đạn nào trúng chiếc tàu của tôi. Tiếp theo đó, khu trục hạm Cushing đã phóng 6 quả ngư lôi vào soái hạm Hiei, nhưng không quả nào trúng đích. Tôi hét lớn: "Xả hết tốc lực, xoay về phía trái, rời khỏi địa ngục này ngay lập tức." Chiếc Amatsuzake tách rời khỏi soái hạm Hiei nhanh chóng, kế đó là khu trục hạm Yukikaze, và cả hai chạy vượt qua tuần dương hạm Nagara. Tôi nhìn thấy một số chiến hạm địch như hồn ma bóng quế chập chờn dọc theo bờ biển Guadalcanal ở phía phải. Tôi ra lệnh: "Xoay hẳn về phía phải, tốc độ chiến đấu." Tôi quyết định tung một cú chớp nhoáng vào địch quân trước khi tiến đến khu vực chiến đấu. Nhưng hình bóng chập chờn của các chiến hạm địch biến mất. Tôi mở bét mắt nhìn đăm đăm phía trước mặt. Ba khu trục hạm Nhật thình lình từ cạnh sườn phía phải của soái hạm Hiei chạy ra án ngang tầm súng chiếc tàu của tôi. Ý định của tôi hết hy vọng tiếp tục, tôi quay nhìn chiếc Hiei. Nó đang bốc cháy. Khu trục hạm Laffey của Hoa Kỳ đã lập được thành tích này. Ba khu trục hạm của chúng tôi chạy về phía trái, hiển nhiên là để bao che mặt sau của chiếc Hiei. Đó là ba khu trục hạm Akatsuki, Inazuma và Ikazuchi, mới hơn những chiếc tàu khác và nhanh hơn chiếc Amatsuzake của tôi. Tôi cho tàu chạy theo sau ba chiếc tàu bạn này.
Bấy ngờ hai trái chiếu sáng vượt lên không và tỏa rộng phía trước. Sau đó, tôi biết được hai quả pháo sáng đó do tuần dương hạm Nagara của Đề đốc Kimura phóng lên. Năm hoặc sáu chiến hạm địch chạy theo đội hình hàng dọc lộ hẳn trên đại dương. Chiếc tàu địch gần nhất, chạy song song với chiếc tàu của tôi, cách 5.000m. Tim tôi đập rộn rã. Đây là dịp may để chứng minh lý thuyết phóng ngư lôi của tôi. Mặc dù được Hải Quân Hoàng Gia chấp nhận, nhưng lý thuyết này vẫn chưa được chứng minh bằng hành động cụ thể với một mục tiêu thật sự. Đại úy Masathshi Miyoshi, sĩ quan ngư lôi trưởng của tôi, không còn kiên nhẫn được nữa: "Cho mấy con cá thoát ra, thưa Trung tá."
"Bắt đầu đây," tôi đáp và ra lệnh: "Mục tiêu di động 30 độ mạn phải. Giác độ khai hỏa điều chỉnh 15 độ. Xoay tàu về phía phải, tiến sát mục tiêu và tạo ngay một đường lượn cong." ( hyperbole) Lệnh của tôi lập tức được thi hành. Cả hai chiếc tàu cùng tiến đến có vận tốc chung lên đến 69 hải lý, nên khoảngca1ch thâu hẹp trong nháy mắt. Đại úy Miyoshi liếc nhìn tôi lo ngại, tôi tảng lờ đi. Điều lấy làm lạ là địch quân không khai hỏa. Nhưng nếu họ có khai hỏa đi chăng nữa thì cũng không thể nào trúng được chiếc tàu đang chạy theo hình vòng cung của tôi, cho dù khoảng cách giữa đôi bên chỉ 3.000m. "Ngư lôi, chuẩn bị....... Phóng!" Tôi hét lên. Tám con cá lớn vọt ra và lướt đến mục tiêu. Tôi hồi hộp theo dõi. Lúc đó là 23h54 phút. Trên đài chỉ huy, từng luồng gió quất mạnh như những cái tát, và chiếc tàu chạy nhanh tung đầy bọt nước lên mình chúng tôi. Khi chiếc tàu xoay về phía trái và giảm tốc độ, hai quả pháo sáng nữa được bắn lên trời, soi rõ hình dáng bốn khu trục hạm chạy hàng dọc của địch quân. Khoảng cách giữa tàu chúng tôi với tàu địch đâu chừng vài trăm mét. Ngay lúc ấy, khu trục hạm Yudachi xuất hiện, các họng súng đều rực lửa, đâm ngang vào phần trước của đoàn tàu Hoa Kỳ. Chiếc tàu địch, bị Yudachi chạy đâm thẳng vào là chiếc Aaron Yard, đã xoay như chớp để tránh né.
Chiếc tàu thứ hai, Barton, giảm ngay tốc độ vị sợ đụng chạm với chiếc Aaron Yard. Ngay lúc đó, hai phút sau khi các ngư lôi của chúng tôi được phóng ra, hai cột lửa bắn cao lên trên không. Chiếc Barton bị trúng ngư lôi. Diễn biến nhanh chóng đến nỗi mắt tôi được nhìn nhưng vẫn hồ nghi. Chiếc Barton bị cắt ra làm hai, biến dạng vào làn nước trong chớp mắt.
Tôi thở phào,. Một cuộc hủy diệt thật ngoạn mục. Thủy thủ đoàn của tôi reo hò ầm ĩ, nhưng tôi không để ý đến. Mục tiêu bị hạ đối với tôi là chuyện hiển nhiên. Cảm giác của riêng tôi là sự hài lòng hơn là vui mừng ồn ào. Đây là lần đầu tiên lý thuyết phóng ngư lôi của tôi mới được thực hiện ngay trong cuộc chiến, và bây giờ không còn một chút ngờ vực nào về sự chính xác của nó nữa. Các trái sáng rơi thấp dần và tắt hẳn, Trong màn đêm vừa phủ lại, chiếc Amatsukaze chấm dứt hình vòng cung và xoay mũi chạy trở về hướng Tây. Tôi nhìn thấy chiếc Hiei chập chờn trong lửa đỏ. Tàu của tôi tiến thẳng đến. Một vài phút sau, tôi phát hiện những tia sáng thoạt ẩn thoạt hiện trong đêm tối, ở mạn trái của chiếc tàu. Những tia sáng này, là do ánh lửa phản chiếu vào một chiếc tàu sơn bóng với bốn cột. Nhất định là tàu địch, có thể là một tuần dương hạm. Tôi ra lệnh: "Ngư lôi, sẵn sàng! Mục tiêu 70 độ mạn trái."
"Ngư lôi sẵn sàng! Thưa Trung tá." Đại úy Miyoshi đáp lại, như một anh học trò trả lời với thầy giáo, trong giọng nói không còn dấu hiệu nào cho thấy anh ta mất tin tưởng như trước đó.
"Xong rồi thì chờ đó. Mục tiêu đang di động phía trước. Dễ ăn... dễ ăn hơn mục tiêu vừa rồi. Miyoshi, lần này chỉ cần bốn trái thôi, tám trái sẽ phí đi. Chú ý! Chú ý... Phóng!" Trong khoảng lặng yên như tờ, bốn con cá thoát ra khỏi ống vào lúc 23h59. Ba phút, và bốn mươi giây sau, một cột lửa đỏ ối vĩ đại từ mục tiêu vượt lên nền trời. Nạn nhân là tuần dương hạm Juneau của Hoa Kỳ, từng đấu súng với chiếc Yudachi. Thủy thủ đoàn của tôi cất tiếng reo hò vang dậy.
Đại úy Shimizu, sĩ quan pháo thuật, muốn pháo kích nhồi lên mục tiêu để dứt điểm luôn. Tôi nói: "Thôi, Simizu, hãy để cho ông bạn Yudachi của chúng ta làm việc này. Đừng có bồn chồn. Chúng ta còn nhiều mục tiêu khác nữa. Trọng pháo của chúng ta lên tiếng chẳng khác nào chỉ điểm vị trí của chúng ta cho địch quân."
Amatsukaze chạy thẳng về phía trước. Trong lúc đó, các cuộc quần thảo dữ dội đang tiếp diễn tại những nơi khác. Sau này, hạm trưởng của Hiei, Trung tá Hideo Sekino có kể lại với tôi các chi tiết liên quan đến cuộc chiến đấu của soái hạm này. Theo đó, khu trục hạm Cushing, sau khi tấn công Hiei, đã nhận lãnh hỏa lực phục thù của khu trục hạm Terutsuki. Chiếc Terutsuki tiến lên từ mạn trái của chiếc Hiei, rọi đèn pha thẳng vào chiếc Cushing, và dứt điểm mục tiêu bằng một loạt đại pháo trực xạ.
Khu trục hạm thứ nhì của Hoa Kỳ là chiếc Laffey, hầu như cận chiến với soái hạm Hiei. Hai chiếc tàu chạm vào nhau và ngay khi lướt ra, chiếc Laffey đã rót một loạt đại liên vào cột chính của chiếc Hiei, gần đài chỉ huy. Đại tá Suzuki chết tức khắc và nhiều người khác bị thương, trong đó có đề đốc Abe. Các khẩu đại pháo của Hiei và ngư lôi của Terutsuki đẩy chiếc Laffey ra xa, và nhận chìm ngay trong vài phút.
Khu trục hạm Sterett, chạy kế chiếc Laffey, phóng một loạt ngư lôi vào soái hạm Hiei, nhưng không trúng, và khu trục hạm O'Bannon tiếp liền ngay sau đó, rót một loạt đại pháo vào Hiei, nhiều trái trúng đích. Hệ thống liên lạc trên soái hạm bị cắt đứt hẳn, và chiếc tàu bắt đầu rời khỏi khu vực chiến đấu. Lúc đó, vào khoảng nửa đêm, trận chiến trở thành loạn đấu. Khu trục hạm Akatsuki từ trước vẫn cách 2.000m mạn phải của Hiei, sau khi soái hạm rút lui, đã lướt tới và giáng cho tuần dương hạm Atlanta nhiều trái ngư lôi. Chiếc Akatsuki lại xoay ngang đấu súng với soái hạm San Francisco và một khu trục hạm khác của Hoa Kỳ. Kết quả, khu trục hạm Nhật bị cả hai hỏa lực tập trung chôn vùi xuống đáy biển toàn thể thủy thủ đoàn. Chiếc San Francisco vẫn còn đang bắn bồi thêm vào mục tiêu thì thiết giáp hạm Kirishima xông tới với các trọng pháo 250mm và hạ gục ngay chiếc soái hạm này. Sau đó, chiếc Kirishima tuân lệnh của Abe đã vội vã rời khỏi khu vực chiến đấu.
Trung tá Kikkawa, hạm trưởng của Yudachi, đã thuật lại các hoạt động của ông trong đêm đó. "Khi chúng tôi quay lại và đâm vào nhóm tàu địch quân, tôi thấy một khu trục hạm địch chạy ngay lại tàu của tôi. Không có thời gian để ngắm ngư lôi, và trong lúc hai bên đang đấu súng, tôi cho chiếc tàu đảo mạnh về bên phải cố ý làm sai lạc hướng ngắm của địch quân. Sau khi chạy được một vài phút, tôi lại thấy tuần dương hạm Juneau của Hoa kỳ ở mạn phải, chạy song song với tàu của tôi, tôi ra lệnh phóng tám quả ngư lôi, nhưng không trúng. Tuần dương hạm địch nã trọng pháo dữ dội vào chiếc Yudachi. Tôi đáp trả ngay, nhưng chỉ với các loại súng nhỏ. Hỏa lực đôi bên chênh lệch rõ ràng, tôi kể như tiêu đời rồi. Một khu trục hạm đấu súng với một tuần dương hạm là liều mạng. Nhưng, thật bất ngờ, tuần dương hạm địch bốc lửa, các khẩu trọng pháo đều im tiếng. Chiếc Yudachi tạo một màn khói và thoát chạy ra khỏi khu vực chiến đấu. Ngư lôi của khu trục hạm Amatsukaze đã cứu chúng tôi. Khi Akatsuki bị đánh chìm, hai khu trục hạm chạy phía sau chiếc tàu này đã tiến lên tấn công hai chiếc San Francisco và Portland. Chiếc Portland đang đấu súng với hai chiếc khu trục hạm Nhật - Inazuma và Ikazuchi - thì Yudachi tiến đến từ phía trái tàu địch. Kikkawa nói: "Hara, chúng tôi đã bắt chước chiến thuật của anh, phóng ngay tám trái ngư lôi vào tuần dương hạm địch đang mắc bận chiến đấu với hai khu trục hạm bạn. Portland bốc cháy, tất cả ngư lôi của tôi đều trúng đích. Nhưng sự vui mừng của chúng tôi chấm dứt ngay khi những trái đạn địch rơi vãi xuống. Chúng tôi trở thành nạn nhận của chiến thuật đánh chớp nhoáng mà chúng tôi vừa sử dụng, và bây giờ chỉ còn mỗi mình tôi sống sót, thật là một điều đáng hổ thẹn. Chính khu trục hạm Aaron Ward của Hoa kỳ lập được thành tích này."
Trong khoảng thời gian đó, chiếc Amatsukaze của tôi di chuyển về phía Tây bắc, hướng đến soái hạm đã bị loại khỏi vòng chiến. Quang cảnh trước mặt yên tĩnh lạ lùng, nhưng phía xa xa chúng tôi thấy những tia lửa xẹt lên trời như pháo bông. Đó là một cuộc đụng độ, nhưng khó có thể biết là giữa lực lượng nào với lực lượng nào. Tôi không lưu ý, và quyết định sẽ tìm soái hạm Hiei, với sàn tàu bị cháy, nó sẽ dễ nhận ra trong đêm tối. Tôi hỏi phòng truyền tin xem có công điện nào quan trọng hay không? Một nhân viên truyền tin đáp: "Dạ không, thưa hạm trưởng, nhưng chúng tôi cũng không còn nghe tiếng của Hiei nữa. Hệ thống liên lạc của nó chắc đã tê liệt rồi." Tôi nhìn xuống đồng hồ, 0h13, xa về hướng Tây là một khối lửa đỏ rực, chứng tỏ một chiếc tàu đang bốc cháy. Đó là khu trục hạm Yudachi. Lúc ấy, một chiếc tàu to lớn bỗng nhiên nhô qua bóng tối, ngay phía trước chiếc Amatsukaze. Tôi hét to Đại úy Kijuro Matsumoto, hoa tiêu trưởng, xoay mạnh tay lái về phía bên phải. Tất cả những người hiện diện trên đài chỉ huy đều chết đứng khi hai chiếc tàu xáp lại gần hơn. Đúng khi một sự va chạm không thể nào tránh khỏi, chiếc Amatsukaze lách sang phải, và thoát nạn trong đường tơ kẽ tóc. Tôi tự hỏi đây là loại tàu gì? Cả hai chiếc đã xáp gần với nhau đến nỗi tôi không thể nào nhìn trọn hình dung của chiếc tàu lạ, nhưng rõ ràng đây là chiếc tàu không người. Nó không có tháp pháo nào, nhưng không phải là một chiếc tàu buôn. Hình dáng chiếc tàu có vẻ quen thuộc nhưng tôi không thể nào nhận ra. Tôi biết mọi loại tàu, bây giờ trong bóng tối, tôi độ chừng đây là loại tàu vận chuyển tiếp tế nên không có tháp pháo. Sau đó tôi biết sai lầm, nhưng dù thế nào, chiếc tàu này chắc chắn là tàu địch. Tôi la to: "Xạ thủ! Nhân viên ngư lôi! Sẵn sàng bên mạn trái." Khi Đại úy Miyoshi đáp đã sẵn sàng tôi bỗng nhiên lưỡng lự. Tôi phải rõ lai lịch chắc chắn của chiếc tàu để khỏi bắn lầm vào tàu bạn. Tôi ra lệnh rọi đèn. Không còn sợ lầm nữa. Đây là một tuần dương hạm địch. Tôi ra lệnh khai hỏa mọi loại vũ khí. Bốn quả ngư lôi được phóng ra, và sáu khẩu 120mm đồng loạt khai hỏa lần đầu trong trận đánh này. Tất cả đạn đều trúng vào mục tiêu. Tiếng nổ đinh tai nhức óc.Nhưng thật đáng kinh ngạc là tàu địch không hề có một phản ứng nào.Hai mươi giây sau khi chúng tôi khai hỏa, chúng tôi phát hiện bốn tiếng động rõ rệt dưới nước. Tôi nín thở, tiên đoán những tiếng nổ dữ dội sẽ xảy ra. Nhưng 20 giây nữa trôi qua, không có một tiếng nổ nào hết. Và khi thấy chiếc tàu lạ vẫn đung đưa qua lại, tôi biết là mình đã quên lãng một cách khờ khạo. Tất cả ngư lôi của Nhật Bản đều có một bộ phận an toàn, nếu phóng vào mục tiêu trong vòng 500m ngư lôi không thể nào nổ được. Mục tiêu hiện tại không hơn 500m. tôi tự rủa thầm. Trong lúc bối rối, tôi đã ra lệnh sử dụng ngư lôi một cách hoang phí Sai lầm này thường kéo theo sai lầm khác. Trong lúc tức giận, tôi quên ra lệnh tắt đèn rọi tìm địch. Kikkawa đã từng nói với tôi là đèn rọi thường hấp dẫn cặp mắt địch quân. Tôi đã quên mất bài học này. Chiếc tàu địch vung sang bên trái, dĩ nhiên là để tránh khỏi đụng vào chiếc tàu của tôi, nhưng lối di chuyển của nó có vẻ bất thường. Trong khi đó, hỏa lực của chúng tôi vẫn tiếp tục rót ngay vào mục tiêu. Chiếc tàu ma quái nghiêng qua ngả lại. Khói và lửa bắt đầu bao trùm toàn thể chiếc tàu này. Chúng tôi nhận ra đây là chiếc San Francisco, mà chúng tôi đã từng chạm mặt ngay sau khi Đề đốc Callaghan và bộ tham mưu của ông, cũng như thủy thủ đoàn, bị các chiến hạm khác của Nhật tiêu diệt gọn. Các pháo tháp của chiếc tàu này sở dĩ biến mất là do các trọng pháo 250mm của thiết giáp hạm Kirishima thổi bay đi.
Bất ngờ, ngay lúc đó, nhiều quả đạn rơi xuống quanh chiếc tàu của tôi. Tôi nghĩ là những người đã chết trên chiếc San Francisco sống lại để ra tay phục hận. Một vài quả đạn trúng Atmasukaze. Tôi hét lớn: "Các xạ thủ giữ yên vi trí. Hạ gục chiếc tàu ma quái ngay lập tức." Tôi đã sôi máu. Súng của chúng tôi tiếp tục mưa đạn vào tàu địch. Nhưng đó là sai lầm thứ ba của tôi.
Hiển nhiên các quả đại pháo rót xuống chúng tôi không phải từ chiếc San Francisco. Một tiếng kêu xé tai đến nổi át cả tiếng súng nổ dữ dội. Đó là tiếng kêu của Chuẩn úy Shigeru Iwata, đứng ở tháp quan sát ngay phía trên đài chỉ huy: "Hạm trưởng, một tuần dương hạm khác ở 70 độ mạn trái đang bắn lén chúng ta."
Tôi xoay nhìn về hướng Iwata vừa nói, quả thật, có một tuần dương hạm khác. Tôi lạnh toát cả thân thể, nhưng sau cùng vẫn la được: "Tắt đèn, ngưng bắn, tạo màn khói!" Tôi chưa nói hết câu, một loạt đạn thứ ba từ tàu địch bay đến. (Sau đó tôi nhận ra đó là chiếc Helena của Hoa Kỳ). Hai quả đạn nổ gần, đẩy tôi ngã chồm về phía trước, suýt chút nữa bay ra khỏi đài chỉ huy. Tôi gượng dậy được, nhưng đầu óc tối tăm mất nhiều giây. Tôi sờ nắn khắp toàn thân, nhưng không tìm thấy thương tích nào.
Nhìn quanh, tôi yên dạ khi thấy các sĩ quan của tôi đều không sao cả, Nhưng còn những người khác? Tôi nhìn ra ngoài. Iwata nằm sóng soài trên tàu. Tôi la lên: "Iwata, Iwata, anh sao vậy?" Hắn bất động, máu đấm ướt mặt mày. Một mảnh đạn trúng vào sọ, và Iwata chết tức khắc. Một quả đạn đã rơi ngay vào tháp quan sát của Iwata. "Shimizu, Shimizu! Anh có sao không?" Tôi gọi qua máy liên lạc nội bộ. Không có tiếng đáp lại. Tôi lại gọi to: "Phòng truyền tin! Nghe không?" Nhưng cũng hoàn toàn yên lặng.
Một quả đạn khác đã trúng ngay phòng truyền tin, tất cả nhân viên đều thiệt mạng. Chiếc tàu còn xoay về phía phải và đang bắt đầu quay vòng tròn. Tôi hét: "Matsumoto, bẻ tay lái lại!"
Tiếng đáp: "Thưa Trung tá, tay lái đã liệt rồi!"
Khói bốc lên từ dưới đài chỉ huy, hiển nhiên là phòng truyền tin. Đạn địch lại bay đến. Helene quyết trấn nước chúng tôi. "Phản pháo đi!" Tôi kêu to.
Một pháo thủ chạy lên đài chỉ huy, máu thấm ướt một bên vai. "Thưa Trung tá, các pháo tháp của ta bị loại rồi. Các hệ thống thủy lực của ta cũng bất động."
Một nhân viên liên lạc của phòng máy chạy đến: "Cơ quan bánh lái không còn sử dụng được nữa. Hệ thống thủy lực đã hỏng."
Tôi hỏi: "Đại úy Shimizu có sao không? Máy móc như thế nào?"
"Đại úy Shimizu đang lo sửa chữa những bộ phận hư hỏng của chiếc tàu. Máy móc không sao cả!"
Tôi nói với Đại úy Matsuto: "Anh xuống phòng máy kiểm soát và cứ mỗi ba phút báo cáo cho tôi biết."
Chiếc Amatsukaze đã xoay trọn một vòng trên mặt biển và lại bắt đầu vòng thứ hai. Pháo kích của chiếc Helene vẫn như mưa xuống quanh chúng tôi, nhưng chỉ một vài quả đạn trúng đích. Hỏa lực địch ngày càng gia tăng, nhưng thủy thủ đoàn của tôi đang mắc bận tâm với những phần hư hại của chiếc tàu, các pháo khẩu của chúng tôi đều im tiếng, và không còn quả ngư lôi nào để phóng. Nếu tàu địch tiến sát, chúng tôi sẽ không khác nào con bò đực đứng trước lò sát sinh.
Di chuyển của Amatsukaze càng lúc càng thiếu chính xác, và toàn thể chiếc tàu bao bọc trong màn khói mù mịt khi nó bắt đầu xoay vòng thứ hai. Cuối cùng, cơn mưa đạn chấm dứt và chiếc tàu địch dần lãng ra xa. Nhưng chắc nó chưa chịu bỏ con mồi dễ dàng như vậy đâu.
Một liên lạc viên viên của Matsumoto chuyển một báo cáo: "Hệ thống thủy lực hoàn toàn không sử dụng được nữa. Chúng ta sẽ phải dùng sức người để bẻ lái chiếc tàu. Xin chỉ thị!"
"Được rồi, nói với ông ta cho ngừng tàu lại để cắt đặt thủy thủ làm công việc này ngay lập tức."
Đại úy Miyoshi, hoa tiêu trưởng, nhăn nhó hỏi tôi: "Chúng ta ngừng ở đây, thưa Trung tá? Ngừng ngay trước mũi súng của địch quân?"
"Chắc chắn như vậy rồi! Chúng ta ngừng tàu trước khi đánh nữa."
Một giọng nói vang to qua hệ thống liên lạc nội bộ, đó là giọng nói của Matsumoto: "Thưa Hạm trưởng, chúng tôi đã sữa chữa được một vài nơi hư hại do đạn địch gây ra."
"Tốt, Matsumoto. Hãy ngừng tàu lại, và cắt đặt người lo bẻ lái chiếc tàu."
Khi chiếc tàu từ từ đứng lại, súng của địch cũng im tiếng hẳn. Hiển nhiên là tàu địch đã bỏ đi, có lẽ nghĩ rằng sự trừng phạt dành cho chiếc Amatsukaze như vậy là quá đủ. Tôi không thể nhìn thấy tàu địch chạy về hướng nào, vì quanh tôi khói che dày đặc. Nhưng tôi không ngờ lúc đó chiếc Helena gặp nhiều bối rối hơn chúng tôi. Ba khu trục hạm Nhật bất thần xuất hiện. Đó là ba chiếc Asagumo, Murasame và Samidare - thuộc đơn vị tiền phương với hai chiếc Yudachi và Harusame. Cũng do đội hình rắc rối của Abe, cả ba chạy rơi lại phía sau trước khi trận đánh bắt đầu, và di chuyển lang thang để cuối cùng nhảy vào vòng chiến khi trận đánh sắp tàn.
Tuần dương hạm Helena đã sửng sốt khi thấy ba chiến hạm Nhật xuất hiện. Trước khi nhận ra lai lịch ba chiếc tàu, Helena bị đánh phủ đầu. Khu trục hạm Murasame phóng nhiều quả ngư lôi trúng đích, nhưng kỳ lạ thay, cả mấy giờ sau tuần dương hạm này mới chịu chìm.
Asagumo, đồng đội của Murasame, xoay các họng súng về phía một chiến hạm khác của địch đang tiến đến từ hướng Tây. Đó là khu trục hạm Monssen, sở dĩ chúng tôi biết được lý lịch là do ám hiệu bằng đèn của chiếc tàu này. Monssen tưởng ba chiến hạm Nhật là cùng bọn. Ám hiệu bằng đèn của Monssen không khác nào một hành động tự sát, giống như đèn rọi của chiếc Amatsukaze đã kêu gọi chiếc Helena tìm đến. Nhiều quả đại pháo rơi ngay vào chiếc Monssen, và tiếp liền theo Agasumo đã dứt điểm mục tiêu bằng mấy trái ngư lôi. Chiếc tàu địch chạy phía sau Monssen là tuần dương hạm Fletcher không còn lòng dạ nào đối đầu với khu trục hạm Samidare, nên đã quay đầu bỏ chạy.
Chiếc Sterrett, một trong những khu trục hạm còn sống sót của địch quân cho rằng chính nó đã đánh chìm một khu trục hạm Nhật trong trận đánh này bằng hai quả ngư lôi. Nhưng thật ra đây là một thành tích tưởng tượng, khu trục hạm Akatsuki đã bị đánh chìm từ trước, còn chiếc Yudachi lúc đó vẫn còn đang bốc cháy cách nhiều dặm ở phía Tây. Hiển nhiên là Sterrett đã đánh chìm lầm một chiếc tàu bạn, hoặc giả nạn nhân của nó là chiếc San Francisco đã nổi trôi bềnh bồng sau khi bị hỏa lục và ngư lôi Nhật vùi dập.
Một số giả thuyết của Hoa Kỳ cho rằng chính súng của Nhật bắn vào các chiến hạm nhật lúc trận chiến gần kết thúc. Sau khi phối kiểm với tất cả các đồng đội tham dự trận đánh, và xem xét các vết hư hại của một số khu trục hạm, tôi có thể đoán quyết các giả thuyết này đều không đúng. Trái lại, nhiều đồng đội của tôi đã thuật lại rằng chính các chiến hạm Hoa Kỳ đã đấu súng với nhau trong trận đánh này.
Sau khi guồng và bánh lái của Amatsukaze không còn sử dụng được nữa, vì hệ thống thủy lực hỏng, chúng tôi bắt đầu sử dụng nhân lực. Cũng may, máy móc của chiếc tàu còn chạy tốt, chúng tôi gia tăng tốc độ lện 20 hải lý. Dùng tay điều khiển guồng lái với một chiếc tàu 2.500 tấn là cả một vấn đề. Số thủy thủ đảm trách công việc này đã tháo mồ hôi hột. Chiếc tàu chạy như người say rượu, hết xỉa bên này lại đâm sang bên kia. Sau một vài phút nhìn tình trạng xảy ra, tôi biết phải làm cái gì rồi. Tôi ra lệnh: "Matsumoto, tôi sẽ chỉ huy. Việc này đòi hỏi kinh nghiệm. Bây giờ tôi đứng ở đài chỉ huy để đưa ra các lệnh điều khiển cho anh, anh chuyển đến cho thủy thủ phía dưới guồng lái."
Mười thủy thủ đang điều khiển guồng lái mình ướt đẫm mồ hôi, chứng tỏ công việc rất nặng nhọc. Nhưng công việc của tôi lúc ấy trên đài chỉ huy cũng không phải dễ dàng. Tôi luôn phải hét thật to hướng đi của chiếc tàu cho Matsumoto nghe, đến nỗi giọng khàn hẳn và mồ đổ xuống mặt tôi như tắm. Chiếc tàu vẫn còn chạy xiên xẹo, nhưng có phần giảm đi chút ít.
Lúc 3h chiều, Đại úy Miyoshi cho biết tất cả lửa cháy do địch gây ra trên tàu đều đã được dập tắt. Một vài phút sau, tôi nhìn thấy soái hạm Hiei ở mạn trái. Lửa không cháy nữa nhưng chiếc tàu hoàn toàn bất động. Không có một chiến hạm Nhật nào hiện diện xung quanh nó để lo việc tiếp cứu. Nghĩ đến các đồng đội trên chiếc tàu bất hạnh này, tôi cảm thấy đau buồn, nhưng tôi bó tay, vì chính chiến tàu của tôi đang lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Việc duy nhất tôi phải làm là cố giữa cho chiếc Atmasukaze chạy đúng về hướng Bắc. Công việc này không phải dễ dàng đối với hải trình nhỏ hẹo xuyên qua eo biển Indispensable. Tập trung hết hơi sức, tôi hét lớn qua ống nói tiếp tục điều khiển chiếc tàu tiếp tục di chuyển. Khi ánh sáng đầu ngày vừa lóe lên, thiếu úy shoji la to: "Ba phi cơ địch đang bay đến!"
Tôi ra lệnh: "Miyoshi, nắm quyền chỉ huy các pháo khẩu. Hãy ráng hết sức anh."
Sĩ quan ngư lôi xuống đài chỉ huy, và không lâu sau báo cáo: "Không còn khẩu cao xạ nào xoay nòng được, riêng khẩu số 4 chỉ có thể xoay theo hướng lên xuống mà thôi."
Khẩu súng duy nhất còn sử dụng được này đã khai hỏa nhanh chóng khi các phi cơ địch bay đến gần. Ba phi cơ đã ước lượng tốc độ Atmasukaze quá cao, thành thử những quả bom thả chận đầu đã rơi xuống một khoảng cách khá xa. Trái bom gần nhất đã rơi xuống cách chúng tôi 300m. các phi cơ địch chỉ lướt qua một lần rồi bay thẳng về hướng Guadalcanal. Có thể phi cơ địch sẽ bay đến nữa, nhưng chúng tôi chỉ còn biết chịu đựng, và không còn việc gì khác hơn để làm là cố giữ cho chiếc tàu chạy thẳng về phía trước.
Hình như may mắn đã bỏ chúng tôi đi mất rồi. Thiếu úy Shoji lại báo cáo: "Nhìn thấy một chiếc tàu địch cách 9.000m ở trước mặt, chạy thẳng về phía chúng ta. Phải làm gì đây, thưa Hạm trưởng?"
Thay vì đáp lời Shoji, tôi gọi qua ống nói: "Matsumoto, một chiếc tàu không rõ của ai, nhìn thấy ở phía trước. Hãy gia tăng tốc lực tối đa. Nếu nó là chiến hạm địch, chúng ta không còn biết làm gì hơn là húc mạnh vào nó."
Shoji chạy lo sắp sếp thủy thủ đoàn để sẵn sàng với hành động liều mạng này. Tôi lại liếc về phía tàu địch. Nó đang tiến sát chúng tôi với tốc độ hơn 30 hải lý có dư. Sau chừng một phút nghẹt thở, tôi đã thở khì như trút được gánh nặng, và cho người chạy đi gọi Shoji. " Đó' là một khu trục hạm Nhật... Phải, chiếc Yukikaze, không còn lầm lẫn gì nữa."
Shoji vừa đi vừa nhảy nhót vui mừng. Còn cách khoảng 3.000m, một nhân viên truyền tin của Yukikaze đã vẫy tín hiệu bằng cờ, nhìn thấy rất rõ dưới ánh nắng ban mai: "Gửi Atmasukaze lời chào nồng nhiệt nhất. Chúng tôi đang chạy đến để đi kèm chiếc Hiei. Các bạn có cần chúng tôi giúp đỡ gì không?"
Nhân viên truyền tin lập tức chuyển lời đáp của tôi: "Cám ơn các bạn. Đừng lo lắng cho tôi, hãy chạy về phía trước hết tốc lực. Phi cơ đã phát hiện chúng tôi, và cũng rất có thể chiếc Hiei đã bị phát hiện. Nên chuẩn bị sẵ sàng để chống trả. Chúc bạn may mắn."
Chúng tôi vượt ngang phía trái của chiếc Yukikaze ở khoảng cách 1.000m. Những thủy thủ đứng trên boong trao nhau lời chào hỏi. Mặc dù hai chiếc tàu đã cùng chạy trên một hải trình dài dằng dặc, nhưng đây là lần đầu tiên, kể từ sáng hôm qua, cả hai mới gặp nhau. Yukikaze chạy ở ngay phía trước Amatsukaze trong đội hình phức tạp của Đề đốc Abe, nhưng cả hai không thể nhìn thấy nhau, vì di chuyển trong mưa bão. Trong trận đánh, Yukikaze và tuần dương hạm Nagara là hai chiếc tàu đầu tiên rút lui ra khỏi khu vực chiến đấu. Yukikaze không bị trúng một phát đạn nào.
Lời cảnh báo tôi vừa nói với Yukikaze chứng tỏ đã đúng. Hàng chục oanh tạc cơ Hoa Kỳ đã bay đến cấu xé chiếc Hiei. Đề đốc Abe ra lệnh tự đánh đắm tàu trước khi bỏ soái hạm để thoát sang khu trục hạm Yukikaze vừa mới đến. Lệnh phá hủy tàu này đã có cái giá trách nhiệm mà Abe và đại tá Masao Nishida, Hạm trưởng của Hiei, phải trả một vài ngày sau đó.
Sau khi vượt ngang chiếc Yukikaze, chiếc tàu của tôi chạy với tốc độ 20 hải lý như trước. Chúng tôi thoát ra khỏi eo biển nguy hiểm và chạy vào một hải vực bao la. Nỗi sợ gặp đá ngầm và san hô của chúng tôi không còn nữa, nhưng nỗi lo sợ khác lại hiện đến. Đối với một chiến hạm què quặt chạy giữa ánh sáng ban ngày thật bất lợi, nhất là trong một khu vực đầy dẫy tàu ngầm địch như thế này.
Trang bị sonar trên các khu trục hạm Nhật như đã nói, không mấy hữu hiệu. Khi một khu trục hạm chạy đến tốc độ 20 hải lý hoặc cao hơn, sonar này hầu như mất hẳn sự nhạy cảm. Hiện tại sonar của Amatsukaze bất động hoàn toàn. Tôi ra lệnh: "Matsumoto, tốt hơn là cứ mỗi giờ anh nên thay đổi toán thủy thủ bẻ lái. Chúng ta cần những cánh tay khỏe mạnh trong trường hợp cần thay hướng con tàu gấp rút. Tiềm thủy địch có thể xuất hiện bất cứ lúc nào."
Nhưng cũng lạ, 12 giờ trôi qua mà vẫn không xảy ra một cuộc tấn công nào. Khi biết rằng chiếc tàu đã tiến vào khu vực an toàn, tôi bỗng nhiên thấy mình như kiệt lực. Kỹ thuật hải hành chính xác đã đưa chúng tôi đến một địa điểm cách phía Bắc Guadalcanal khoảng 250 dặm, nơi mà hạm đội của Phó Đô đốc Takeo Kurita đang chuẩn bị để ra khơi vào đêm hôm đó. Khi tàu của chúng tôi tiến đến gần, tôi nhìn thấy khu trục hạm Terutsuki, thuộc hạm đội của Đề đốc Abe. Nhân viên truyền tin của chúng tôi gửi một công điện yêu cầu chiếc Terutsuki cho biết qua tình hình tổng quát.
Chúng tôi nhận ngay một công điện hồi đáp: "Mừng đón Amatsukaze trở về với những lời nồng nhiệt nhất của chúng tôi. Anh đã bị báo cáo mất tích một vài giờ trước đây, nhưng một số chúng tôi vẫn hy vọng anh trở về. Hạm đội của chúng ta chiến đấu hữu hiệu. Chỉ hai chiếc Hiei và Yudachi bị đánh chìm. Không ai nghe tin tức của chiếc Akatsuki. Xem như nó đã mất tích. Marusame và Ikazuchi trúng nhiều quả trọng pháo, nhưng không ai thiệt mạng. Chào mừng anh một lần nữa. Anh đã làm một việc đáng kinh ngạc, khiến cho chúng tôi hãnh diện."
Khi chúng tôi tiến sát chiếc Terutsuki, hầu hết thủy thủ đoàn của chiếc tàu này đã ra đứng cạnh lan can và vẫy tay reo hò chào mừng một lần nữa. Nhiều chiếc tàu khác cũng làm như Terutsuki. Nhưng tôi không cảm thấy vui vẻ hoàn toàn. Những lỗi lầm đã vấp phải khiến tôi trĩu nặng.
Chiếc Amatsukaze chạy vòng vào bên trong đội hình đã sắp xếp của các chiến hạm dưới quyền Phó Đô đốc Kurita. Soái hạm của ông, tức thiết giáp hạm 27.500 tấn Kongo, giống như một pháo đài nổi. Nhân viên truyền tin của soái hạm gửi chúng tôi một công điện: "Phó Đô đốc Kurita gửi trung tá Hara: "Tôi xin kính chào cuộc trở về can đảm của anh, và xin thông báo cho anh biết tôi đã ra lệnh sắp xếp khu trục hạm của anh vào chuyến ra khơi hiện tại. Có mặt anh trong lần hải xuất này là niềm hãnh diện cho chúng tôi."
Cộng điện này đã làm tôi ngạc nhiên. Tôi gửi ngay một công điện hồi đáp: "Trung tá Hara gửi Phó Đô đốc Kurita: Không xứng đáng nhận những lời khen cũa Phó Đô đốc. Chuyến về què quặt của tôi với sự thiệt mất 43 thủy thủ, bao gồm sĩ quan pháo thuật. Chúng tôi cần phải sửa chữa. Hiện tại chúng tôi đang phải điều khiển guồng lái bằng sức người."
Công điện kế tiếp của soái hạm đã đến vài phút sau đó: "Phó Đô đốc Kurita ra lệnh cho anh quay về Truk lập tức, Những lời khen tặng của Phó Đô đốc không thay đổi. Chúc anh thượng lộ bình an và gặp nhiều may mắn. Mong gặp lại."
Hình ảnh của soái hạm nhạt nhòa trong dòng lệ khi tôi đọc xong những lời ưu ái này. Tôi cố dằn xúc động để ra lệnh: "Matsumoto, xoay hướng phải. Chúng ta trở về Truk."
Matsumoto đáp: "Tuân lệnh, thưa Trung tá. Nhưng dường như trung tá mệt mỏi. Tại sao trung tá không đi nghỉ? Trung tá đã hò hét 15 giờ ròng rã rồi, bây giờ tôi nhận thấy không cần thiết điều khiển con tàu bằng phương pháp vừa rồi nữa."
"Cám ơn Matsumoto. Anh nói phải, vậy anh hãy thay tôi." Tôi ngồi xuống, đây là lần đầu tiên trong 24 giờ qua, nhưng chỉ được một vài phút tôi vùng dậy khỏi ghế. Tôi đã quên khuấy một việc, "Miyoshi Shoji! Chúng mình phải cử hành lễ hải táng cho những người chết trước khi trời tối."
Bốn mươi ba cái xác được mang lên sàn tàu. Mỗi xác chết đều được đồng đội tắm rửa bằng nước nóng và dùng vải bọc lại. Nước, được xem là quí giá trước đây không hề hạn chế trong buổi lễ này. Những cái xác bọc vải có kèm theo vật nặng được thả xuống biển, trong lúc các thủy thủ thổi kèn đồng tấu bài vĩnh biệt và những người khác đứng chào đưa tiễn.
Một cuộc hải táng luôn buồn bã. Tôi đã tham dự không biết bao nhiêu buổi lễ như thế này, nhưng không lần nào cảm thấy buồn như lần này. Cuối cùng, khi Miyohi và Shoji buông chiếc chăn với các xác của Đại úy Kazue Shimizu, sĩ quan pháo thuật xuống biển, tôi đã khóc thành tiếng. Shimizu, một tay cứng đầu thường hay cãi lý, nhưng anh ta là một người tốt, một sĩ quan giỏi. Nếu tôi nghe theo ý kiến của Shimizu thì tôi sẽ không vấp phải nhiều lỗi lầm cho đến nỗi phải trả bằng mạng sống của anh ta.
Kế đó, Miyoshi và Shoji bước đến cái xác của Chuẩn úy Itawa và cẩn thận nâng lên. Iwata, sĩ quan quan sát đã phát hiện tuần dương hạm Helena kịp thời khiến chiếc tàu của chúng tôi thoát khỏi bị tiêu diệt.
Tôi bước xuống đài chỉ huy. Thủy thủ nhìn tôi chăm chú. Đây là lần đầu tiên tôi rời khỏi đài chỉ huy từ khi bắt đầu cuộc hành quân vừa qua. Tôi nói: "Iwata, bạn của tôi. Cái chết của bạn sẽ thức tỉnh tôi, để tôi thận trọng hơn!" Tôi cởi chiếc áo khoác và đắp lên xác chết. "Iwata, vĩnh biệt, anh hãy an nghỉ." Lệ dâng đầy mắt tôi lúc đứng nghiêm và chào người quá cố. Tôi lê gót nặng nhọc lên đài chỉ huy. Nhiều thủy thủ bật khóc như trẻ con, nhiều người khác đưa tay bưng mặt.
Tôi ngước nhìn vầng kim ô to lớn và đỏ ối dần khuất, tôi đã nguyện với lòng không vấp vải những lỗi lầm như vừa qua nữa. Khi buổi lễ hải táng chấm dứt, đêm đã xuống hoàn toàn. Chiếc Amatsukaze chạy vòng quanh khu vực hải táng một lần, trong lúc toàn thể thủy thủ còn lại cúi đầu cầu nguyện lần cuối cùng cho những người bạn ra đi vĩnh viễn. Sau đó chiếc tàu quay mũi về hướng Bắc.
Matsumoto, nguyên là một sinh viên xuất thân từ trường Hàng Hải Thương Mại, đã thích ứng với công việc điều khiển guồng lái chiếc tàu bằng tay rất mau lẹ. Chiếc tàu tiếp tục chạy về phía trước với một tốc độ tối thiểu, và 24 giờ sau, ngày 14 tháng 11, Amatsukaze buông neo trong hải cảng Truk, hòn đảo san hô yên tĩnh. Ở đây, tôi nghe tin tiềm thủy đĩnh I.26 của Nhật đã phóng ngư lôi đánh chìm một tuần dương hạm chạy lẻ loi của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhiều năm sau này tôi mới được biết đó là tuần dương hạm Juneau, từng bị chiếc Amatsukaze bắn phá gây hư hại nặng nề trước khi bị hạ hẳn.
Trận đánh kết thúc, phần thắng lơi nghiêng về phía Nhật Bản, nhưng chỉ là thắng lợi thuần túy chiến thuật. Thắng lợi chiến lược đã nghiêng về phía địch quân, vì lực lượng của Abe bị ngăn chặn, phải bỏ rơi cuộc pháo kích vào các phi trường ở Guadalcanal như đã định. Chín chiến hạm Hoa Kỳ đã bị đánh chìm, nhưng không gây thất lợi hẳn cho địch quân, và việc này càng làm cho họ lưu tâm đến hòn đảo hơn nữa.
Ở Truk, Đô đốc Yamamoto đã nổi giận khi nghe tin nhiệm vụ của Abe thất bại. Hiei là thiết giáp hạm đầu tiên của Nhật chìm trong cuộc chiến. Điều này đã khiến cho Yamamoto nổi khùng, cho dù là trước đây ông luôn luôn được tiếng là rộng lượng và khoan dung với lỗi lầm của thuộc cấp.
Bộ Tư Lệnh Tối Cao ở Tokyo cũng tỏ ra giận dữ. Cơn giận dữ của các vị Đô đốc đầu não đã biến thành cơn thịnh nộ khi nghe họ nghe thêm tin sự thất bại của Phó Đô đốc Nobutake, tiếp liền sau sự thất bại của Abe. Một ủy ban gồm nhiều vị Đô đốc được thành lập để điều hành một tòa án xét xử kín nội vụ. Abe và Đại tá Nishida, hạm trưởng của thiết giáp hạm Hiei được gọi ra chấp cung. Cả hai đều không đưa ra lời bênh vực nào về những hành vi hoặc lỗi lầm của họ. Tòa án phán xét cho hai sĩ quan "về hưu" vì đã có những hành vi "bất xứng", được hưởng trợ cấp hưu bổng, nhưng không được giữ bất cứ chức vụ công nào.
Vào đêm 13 tháng 11, phân đội gồm ba tuần dương hạm và bốn khu trục hạm của Đề đốc Shoji Nishiruma tiến sát bờ biển Guadalcanal, và mở những cuộc pháo kích vào các phi trường trên đảo. Nhưng vào sáng hôm sau, phi cơ Hoa Kỳ vẫn cất cánh được từ các phi trường này. Chứng tỏ cuộc pháo kích của Nishimura vô hiệu. Các phi cơ trên đảo phối hợp với các phi cơ của hàng không mẫu hạm Enterprise đến xâu xé một đoàn tàu chuyển vận 11 chiếc của Nhật, gây thiệt hại và đánh chìm đến 7 chiếc. Phi cơ địch cũng đánh chìm tuần dương hạm Kinugasa và gây hư hại nặng cho ba khu trục hạm thuộc lực lượng hộ tống.
Phó Đô đốc Kondo, phụ tá Tổng Tư Lệnh Hạm Đội Hỗn Hợp, được lệnh thay thế Kiruta cầm đầu cuộc hải xuất kế vào đêm 14 tháng 11. Hai tuần dương hạm 13.000 tấn Atago và Takao, dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Kondo, thình lình được gia nhập vào hạm đội của Cựu Đề đốc Abe ( Cựu Đề đốc? Cay đắng quá - Heo ý kiến chút ), hạm đội này đã thiệt mất một thiết giáp hạm Hiei và ba khu trục hạm trong trận đánh vừa qua.
Sự lựa chọn Kondo để đặt vào nhiệm vụ, chứng tỏ Đô đốc Yamamoto đã sai lầm. Tôi vẫn không hiểu tại sao Đô đốc Yamamoto lại nghĩ quá cao về Kondo, mặc dù ông ấy đã có nhiều hành vi nhút nhát trong hai trận hải chiến gần đây. Lần này, lực lượng của Kondo gồm có ba thiết giáp hạm , hai tuần dương hạm nhẹ và chín khu trục hạm, đối đầu với một lực lượng địch yếu kém rõ rệt, dưới quyền của Đề đốc Willis Augustus Lee, chỉ có hai thiết giáp hạm và bốn khu trục hạm. Mặc dù nắm lợi thế về số đông, Kondo đã để cho địch quân đánh chìm thiết giáp hạm Kirishima và một khu trục hạm, trong khi Lee chỉ mất ba khu trục hạm.
Hai tuần dương hạm của Kondo vẫn chưa chạm địch, nhưng ông đã ra lệnh cho cả hai rút lui, và ngay cả sự cố gắng truy đuổi địch quân ông cũng không hề nghĩ đến.
Trong vòng bốn tháng, đây là lần thứ ba Kondo đã có hành vi không mấy nhiệt tình như thế.
Đô đốc Yamamoto đã nổi giận trước sự thất bại của Aba, nhưng đối với Kondo ông lại tỏ ra rộng lượng lạ lùng. Nhiều sĩ quan của Kondo đã lấy làm hổ thẹn dùm cho ông cũng như cho chính họ. Họ tránh đề cập đến trận đánh, Kondo là một mẫu người lịch sự theo phong cách của nhười Anh. Ông tỏ ra nhân ái và rộng lượng với tất cả thuộc cấp, và ông cũng là một vị Đô đốc có kiến thức uyên bác. Đối với tôi, ông là một người tốt và tôi luôn kính nể ông. Nhưng tôi phải nói rằng Yamamoto đã vấp phải một sai lầm to tát nhất, đó là việc ông đã đánh giá quá cao khả năng chiến đấu của Kondo. Kondo có thể là một vị chỉ huy giỏi ở Hàn Lâm Viện Hải Quân, nhưng ông không thể là một vị chỉ huy thích hợp ở một đơn vị chiến đấu.
--------------------------------
Phần 7:
Ở Truk, khu trục hạm Amatsukaze đậu cặp kè với chiếc tàu sửa chữa Akaski. Viên kỹ sư trưởng lên ngay chiếc tàu của tôi để xem xét các nơi bị hư hỏng. Tôi đã cho rằng sự hư hại của chiếc tàu không có gì đáng kể, và nó có thể trở lại với đồng đội chỉ trong vòng một tuần lễ hoặc mười ngày là cùng.
Viên kỹ sư cười và nói: " Trung tá Hara, hầu hết các hạm trưởng đều xem thường sự hư hại của chiếc tàu do họ chỉ huy, và khi lâm chiến họ đã bắt những chiếc tàu làm những việc không thể nào làm nổi ngay cả với một chuyến đi thông thường. Tôi biết ông rõ từng đường tơ kẽ tóc của chiếc tàu này. Hãy đi một vòng xem, và ông hãy giải thích cho tôi xem những điểm nào gọi là tốt đẹp của chiếc tàu?"
Thật vậy, Amatsukaze không khác nào đứa con của tôi. Đầu năm 1940, tôi đã xem xét tỉ mỉ chiếc tàu trước khi nó được hạ thủy, và ròng rã sáu thánh sau đó, tôi đã trông coi việc trang bị cho chiếc tàu. Có thể nói đây là khu trục hạm đẹp nhất vào thời đó. Chiến hạm 2.500 tấn này tôi biết từng đường tơ kẽ tóc, đúng như lời viên kỹ sư đã nói.
Viên kỹ sư và tôi đã bỏ ra một ngày để xem xét qua các chỗ hư hại của Amatsukaze. Sự lạc quan của tôi đã tan biến ngay sau cuộc xem xét này. Toàn thể vỏ tàu, chúng tôi đếm được tất cả 32 lỗ thủng với đường kính rộng cả tấc. Thêm vào đó, có năm lỗ thủng nhỏ hơn, do mảnh đạn gây ra. Còn các lỗ thủng nhỏ thì vô số, sau khi đếm đến con số 40, tôi đã ngưng không đếm nữa. Quả thật, chiếc tuần dương hạm Hoa Kỳ đã làm được việc. Viên kỹ sư đã nói đúng. Amatsukaze hiện giờ chỉ là một đống sắt nổi, không còn giá trị của một chiếc khu trục hạm nữa.
Sau khi đi một vòng xong, chúng tôi bước vào phòng,. Tôi đã buông rơi tấm thân xuống ghế, chán nản và buồn hiu. Viên kỹ sư an ủi: "Tôi thành thật chúc mừng tài điều khiển tàu tài giỏi của Trung tá. Mang được chiếc tàu này trở về, đầy đủ như vậy, Trung tá đã làm một việc giống như có phép lạ, nhưng tôi chắc phép lạ này không xảy ra lần thứ hai."
Tôi công nhận lời nói của viên kỹ sư, nhưng trong lúc chán nản tôi chỉ ngồi lặng yên. Hắn ta nói tiếp: "Chắc Trung tá biết, chúng tôi không thể tập trung tất cả thời gian vào chiếc Amatsukaze. Nhiều chiếc tàu khác cũng cần phải sửa chữa. Ước chừng phải mất một tháng, tôi sẽ làm chiếc tàu của Trung tá đủ sức chạy về Nhật. Ở đó sẽ có đủ phương tiện sửa chữa, và hy vọng trong vòng một tháng chiếc tàu này sẽ đủ khả năng phục hồi như cũ."
" Nhưng tôi từng nghe địch quân có thể sửa chữa chiến hạm hư hại nhiều hơn của họ không mất quá 60 ngày. Tại sao chúng ta không làm được như vậy?"
Tôi biết câu giải đáp sẽ liên quan đến khả năng kỹ thuật của địch quân, nó vượt trội hơn Nhật Bản, và tôi cũng hiểu ngay câu hỏi của tôi sẽ gây phiền phức như thế nào. Một khoảng im lặng nặng trĩu, cuối cùng tôi lên tiếng: "Xin ông hãy làm những việc ông cho là thích hợp. Tôi sẽ ở đây với chiếc tàu. Thủy thủ của tôi sẽ tiếp tay với nhân viên của ông trong việc sửa chữa, nếu xét thấy có thể."
Viên kỹ sư lại ngỏ lời tán tụng tôi thêm một lần nữa, rồi mới chịu cáo từ. Tôi dẹp bỏ sự lo nghĩ, đứng dậy ra khỏi phòng, và đi qua đi lại trên sàn tàu. Nhìn lại những lỗ thủng không đếm xuể do đạn đại liên gây ra, tôi nghĩ cũng may mà chúng tôi chỉ thiệt hại có 43 nhân mạng.
Công việc sửa chữa chiếc tàu bắt đầu vào sáng hôm sau. Tuần lễ kế đó, tôi phải bận rộn đón một số khách viếng thăm đến từ thiết giáp hạm Yamato và một số chiến hạm khác buông neo ở hải cảng Truk. Tôi có nhiệm vụ giải thích với họ về "phép lạ" mà chiếc Amatsukaze đã được hưởng. Ai ai cũng cho rằng chiếc tàu còn tồn tại là một việc phi thường. Nhiều khách viếng ngỏ lời khen tặng tôi, nhưng không ai hỏi ý kiến tôi làm sao để tránh nếu họ gặp một số phận như vậy trong tương lai. Và cũng không một sĩ quan nào thuộc bộ tham mưu của Hạm Đội Hỗn Hợp khi đến viếng thăm chiếc tàu mang đầy thương tích của tôi ngỏ lời hỏi han ý kiến, hoặc yêu cầu tôi đưa ra những lời khuyên. Sự khiếm khuyết đáng chú ý này kéo dài một tuần, khiến tôi bắt đầu nghi ngờ khả năng của những người này. Tôi đã băn khoăn lo nghĩ rằng họ - những người đã góp tay vào việc sắp xếp kế hoạch hành quân - họ thấy không cần thiết rút tỉa những kinh nghiệm của trận đánh vừa qua. Dĩ nhiên, điều này cho thấy họ tắc trách trong nhiệm vụ, và gây cho tôi sự âu lo về những kế hoạch mà họ sẽ đặt ra trong tương lai.
Tại Truk, tôi nhận được hai lá thư gửi từ Nhật Bản. Trong một lá thư đề ngày 13 tháng 11, vợ tôi sau khi nói sơ qua về tình trạng của gia đình đã chấm dứt với câu sau đây:
"Đêm hôm qua thằng nhỏ Mikito bỗng nhiên thức giấc và hét lớn. Thoạt đầu em nghĩ là con bị bệnh, nhưng khi gạn hỏi, thì nó nói cho biết đã mơ thấy anh đang gặp nguy hiểm. Nó còn nói anh đã nhìn nó với khuôn mặt xanh xao và sợ hãi. Em tự hỏi không biết đêm qua anh ở đâu và đang làm gì? Báo chí hàng ngày đều loan tin nhiều trận đánh dữ dội xảy ra ở phía Nam. Em lo cho anh vô cùng."
Theo đề ngày của bức thư, đêm đứa con tôi nằm mơ là đêm 12 rạng sáng ngày 13 tháng 11. Đó là đêm tôi lâm vào tình trạng hiểm nguy thật sự. Mặt tôi xanh xao, và chắc chắn là sợ hãi, khi tàu của tôi bị chiếc tuần dương hạm địch dập pháo liên hồi. Làm sao đứa bé này lại thấy được hình ảnh của cha nó?
Bức thư thứ hai là của mẹ tôi, lúc ấy đã 82 tuổi. Cuối thư, mẹ viết:
"Mỗi sáng và mỗi đêm mẹ đều quỳ trước bàn thờ để cầu nguyện tổ tiên và Đức Phật từ bi phù hộ cho con. Hãy bảo trọng lấy thân để trở về với mẹ."
Đọc thư này, mắt tôi đầy lệ, Tôi nghĩ đến gia đình của những thuộc cấp đã ra đi vĩnh viễn. Tôi bật khóc thành tiếng. Tôi phải viết thư phân ưu gửi cho 43 gia đình của những người đã chết trước khi hồi âm cho mẹ và vợ tôi. Tám giờ đồng hồ ròng rã trước khi tôi chấm dứt lá thư cuối cùng. Mặt trời đã lặn, tôi bước ra sàn tàu. Xa xa một chiếc xuồng máy chạy về Amatsukaze. Một kẻ tò mò lại đến nữa đây, nhưng dù sao cũng phải tiếp đón lịch sự. Tôi bước đến thành tàu khi chiếc xuồng cập vào. Người khách đã la to vui mừng khi vừa đặt chân lên cầu thang. Tôi nhận ra Trung tá Yasumi Toyama, Tham mưu trưởng phân đội 2 khu trục hạm của Đề đốc Rajio Tanaka, hiện trú đóng ở Rabaul. Trước kia tôi thuộc phân đội này nên tôi chơi thân với Toyama. Hắn ta đến Truk tham dự các phiên họp chiến thuật mở ra trên soái hạm Yamato của Đô đốc Yamamoto.
Vừa thấy tôi, Toyama hỏi ngay: "Anh coi bộ bị bệnh? Sao vậy? Bị thương à?"
"Không, không trầy một mảnh da nào hết. Nhưng tôi muốn kiệt sức. Bất kỳ người nào có chiếc tàu bị dập tơi tả như thế này đều cảm thấy như tôi."
"Không, Hara, làm sao mà anh lại cảm thấy như vậy được! Anh đã làm một việc kinh khủng. Từ xa, tôi nhìn thấy chiếc Amatsukaze có hề hấn gì đâu. Tôi biết anh là sĩ quan ngư lôi ACE của Hải quân, nhưng tôi không ngờ tài lái tàu của anh đạt đến mức như vậy. Nếu gặp hạm trưởng khác thì chiếc tàu này tiêu rồi."
"Tôi không đồng ý với anh, Toyama. Đúng ra chúng tôi đã gặp may mắn. Anh xem đây, các vết đạn không đếm xuể này đã tránh né máy móc và bồn chứa nhiên liệu của chiếc tàu. Thôi, anh hãy nói cho tôi biết tình trạng của phân đội như thế nào đi."
"À," hắn kêu lên. "Hiện tại chúng tôi trở thành một đoàn tàu chuyển vận hàng hóa hơn là một phân đội chiến đấu. Chúng tôi chuyển hàng đến hòn đảo chết tiệt đó (tức Guadalcanal), và lệnh được cấp trên ban xuống cho chúng tôi là bỏ chạy tốt hơn chiến đấu. Thật, cái lệnh không ra gì. Lệnh này có vẻ hồ nghi khả năng chiến đấu trong bất kỳ hoàn cảnh nào của bọn khu trục hạm chúng ta. Đồ tiếp liệu chở đến Guadalcanal cao như núi trên sàn tàu, khiến cho đạn dược của mỗi chiếc tàu đều bị cắt giảm phân nửa. Hàng hóa được xếp vào thùng kín và buộc dính chùm với nhau, tàu chở đến gần hòn đảo rồi xô đại xuống biển và quay đầu bỏ chạy. Các thùng này sẽ trôi nổi trên mặt nước, cho đến khi binh sĩ trên đảo của chúng ta bơi ra để kéo vào. Đó là một công việc chán không thể tả. Bây giờ tôi muốn nghe anh kể lại trận đánh mà anh đã tham dự và luôn tiện tôi được học hỏi thêm kinh nghiệm của anh. Hãy nói tất cả cho tôi nghe đi."
Đó là một yêu cầu thông minh mà tôi được nghe lần đầu trong suốt tuần lễ qua.
Tôi phấn khởi kể lại từng chi tiết trận đánh vừa qua. Tôi vạch ra những thất bại của chúng tôi lẫn của địch quân, và phân tích thật tỉ mỉ. Để kết luận, tôi nói: "Dù cho thi hành bất cứ nhiệm vụ nào, chúng ta cũng phải luôn luôn sẵn sàng để chiến đấu. Tôi nghĩ thật sai lầm nếu xem thường việc sẵn sàng chiến đấu. Cẩn thận bao giờ cũng cần thiết, nhưng cẩn thận thái quá thì sẽ trở thành nhút nhát. Xin anh hãy khuyên Đề đốc Tanaka không nên vấp phải những lỗi lầm "cẩn thận thái quá" này một lần nữa.*********
(*******: Ý của lời khuyên trên dịch hơi rối rắm. Theo Heo thì có lẽ Hara muốn nói đến sự cố gắng tránh né chiến đấu với hạm đội Mỹ của Abe. Và đội hình phức tạp để đề phòng tàu ngầm với các tàu nhỏ phóng lôi của Mỹ, đội hình đã rối loạn khi không gặp tàu ngầm hay tàu phóng lôi mà gặp chính hạm đội Mỹ.)
Toyama rời khỏi tàu của tôi và leo lên phi cơ bay trở về Rabaul. Chuyến đến Truk vội vã, và những điều Toyama đã nói về các phương pháp tiếp tế khác thường của chúng tôi chứng tỏ rằng địch đã nắm ưu thế trên không phận Guadalcanal. Ngay cả khu trục hạm cũng trở thành tàu chở hàng hóa, cho thấy lực lượng Nhật trên đảo đã thiếu thốn tiếp liệu các loại đến mức độ trầm trọng. Hai món tiếp tế mà họ kêu cứu hàng ngày chính là thực phẩm và thuốc men.
Đề đốc Tanaka đã được giao phó nhiệm vụ cứu đói nhóm quân Nhật sa lầy ở Guadalcanal. Trong nhiệm vụ này, hàng đêm mỗi khu trục hạm đều mang hơn 100 thùng tiếp liệu chạy vào bờ cách bờ biển Guadalcanal từ 200 đến 300 mét để thả xuống. Sau đó, binh sĩ Nhật lớp bơi xuồng, lớp lội từ trong đảo ra kéo các thùng tiếp liệu vào bờ, và mang chôn dấu trong rừng rậm để thánh phi cơ địch phá hủy.
Tám khu trục hạm của Tanaka rời khỏi Rabaul vào ngày 27 tháng 11, trực chỉ hướng Nam, đến quần đảo Shortland. Chuyến đi phải lén lút. Nương bóng đêm ngày 29, phân đội lại rời khỏi Shortland vào lúc 22h45, để đi tiếp đoạn hải trình còn lại của nhiệm vụ. Bằng mọi cách, phân đội giả vờ di chuyển đến hòn đảo Ramos. Sau đó sáng ngày 30 tháng 11, tám khu trục hạm trong đội hình hàng dọc xoay mũi về hướng chính Nam, trực chỉ Guadalcanal.
Một trinh sát cơ của địch quân đã bắt gặp phân đội vào lúc 8h sáng. Đề đốc Tanaka biết rằng hoạt động lén lút của ông đã bị khám phá. Không lâu sau đó, một trạm quan sát Nhật trên đảo Guadalcanal báo cho Tanaka biết khoảng một chục khu trục hạm địch rời khỏi mũi Lunga. Cùng lúc, các trạm quan sát khác đã xác nhận lực lượng địch vừa nói đã chạy quanh hòn đảo.
Lúc 15h, Tanaka ban chỉ thị cho phân đội của ông: "Chúng ta có thể chạm trán với một lực lượng địch trong đêm nay. Mặc dù nhiệm vụ của chúng ta là đồ tiếp liệu, nhưng nếu cần đánh thì cũng sẵn sàng để đánh. Nếu cuộc đụng độ xảy ra, chúng ta phải dốc tâm chiến đấu và tiêu diệt địch."
Lúc 21h, Phân đội tiến đến điểm hẹn ở Tassafanga. Tất cả chiến hạm đều giảm tốc độ xuống còn 12 hải lý, chạy theo đội hình hàng dọc, với chiếc Takanami dẫn đầu cách khoảng 3.000m, và mạn trái chiếc tàu này là soái hạm Naganami. Đây là một đội hình có tính cách co giãn của khu trục hạm, có nhiều lợi thế hơn đội hình hàng đôi quá cẩn trọng mà Đề đốc Abe đã sử dụng trong đêm 11 rạng ngày 12 tháng 11 trước đây.
Lực lượng Hoa Kỳ đối mặt với lực lượng của Tanaka được đặt dưới quyền của Đề đốc Carleton H. Wright, đã sử dụng đội hình giống như của Callaghan Scott. Đó là đội hình hàng dọc duy nhất với 4 khu trục hạm giữ nhiệm vụ tiền vệ, kế đó là 5 tuần dương hạm và cuối cùng là 2 khu trục hạm. Dẫn đầu toàn thể đội hình này là khu trục hạm Fletcher, có trang bị radar tối tân, (Hai tuần trước đây, trong cuộc bại trận của Callaghan, chiếc Fletcher nhờ chạy ở phần đuôi của đội hình nên không bị thiệt hại.)
So sánh hai lực lượng, phía Đề đốc Wright vượt trội hẳn Đề đốc Tanaka. Ngoài sự chênh lệch về quân số, các khu trục hạm của Tanaka đều chất đầy tiếp liệu và do đó, đạn dược mang theo của các chiến hạm này cũng giảm còn phân nửa. Thêm vào số đạn dược bị cắt giảm, mỗi khu trục hạm của Tanaka chỉ trang bị 8 quả ngư lôi thay vì 16 quả đúng như cấp số.
Sau khi được trinh sát cơ báo cáo, Phân đội của Đề đốc Wright rời khỏi Esititu Santo thật sớm để đón đầu các khu trục hạm của Tanaka. Cho đến 21h606 cùng ngày, radar của soái hạm Mineapolis đã khám phá lực lượng Nhật từ khoảng cách 25km. Mười phút sau đó, trên màn ảnh radar của Fletcher cũng hiện lên một mục tiêu cách 7km phía trước, hơi chếch về phía mạn trái và khu trục hạm này đã chuẩn bị phóng ngư lôi. Nhưng, một vài phút quý báu đã trôi qua, trước khi Fletcher, cũng như hai khu trục hạm Perkins và Drayton, được lệnh khai hỏa. Vì vậy, hai mươi quả ngư lôi do các tàu này phóng đi không có quả nào chạm mục tiêu.
Trong khi đó, Đề đốc Tanaka bận túi bụi bên các hải đồ để định vị các tàu chiến của ông. Khi điểm "đổ hàng" của ông chỉ còn cách 5.000m. tàu tuần thám Takanami báo cáo: "Tàu địch ở hướng 100 độ. Hình như là ba khu trục hạm."
Báo cáo xong, Takanami phóng ngay 8 quả ngư lôi vào các mục tiêu này, đồng thời khai hỏa tất cả các pháo khẩu. Đây là hành động tự ý của Takanami, không chờ đợi lệnh khai hỏa của thượng cấp.
Cho đến khi 5 tuần dương hạm Hoa Kỳ đồng loạt bắn trả khu trục hạm Takanami, Đề đốc Tanaka mới biết sự hiện diện của địch quân quá gần, ông ra lệnh khẩn cấp: "Tạm ngưng xúc tiến nhiệm vụ chính! Tất cả khu trục hạm chuẩn bị chiến đấu."
Một phút sau đó, lúc 21h22 phút, Tanaka ban lệnh khác: "Mọi chiến hạm xả hết tốc lực chiến đấu."
Các xạ thủ Hoa Kỳ hình như chỉ nhắm vào một chiếc Takanami, và kết quả, khu trục hạm này bị trúng đạn nhiều nhất. Nhiều quả đại pháo trực xạ đã làm cho chiếc tàu bốc cháy dữ dội và sau đó chìm lỉm, mang theo toàn bộ thủy thủ đoàn 211 người.
Lúc Takanami bốc cháy, khói và lửa trở thành một bức màn che, Tanaka ra lệnh các chiến hạm còn lại của ông xoay 180 độ, để chạy song song cùng hướng với nhóm tàu của địch quân. Sau đó, ông ra lệnh gia tăng tốc độ để tiến sát vào địch quân, và soái hạm Naganami vung sang mạn trái sau khi đã phóng một loạt 8 quả ngư lôi vào tuần dương hạm Minneapolis dẫn đầu. Sáu khu trục hạm khác của Nhật cũng bắt chước theo Nagami. Loạt ngư lôi của chúng tôi đều nhắm vào cạnh tàu của địch quân, nên chính xác hơn lối phóng thẳng vào phía trước như chiếc Fletcher và các đồng đội đã làm. Điều này kông có gì đáng ngạc nhiên khi các ngư lôi của địch đều sai đích. Hơn nữa, phóng ở một góc độ khó trúng như vậy, tàu địch lại còn thiếu sự ước định chính xác qua nhiều yếu tố liên quan, điều này cho thấy xạ thủ địch khọng được huấn luyện kỹ thuật phóng ngư lôi hữu hiệu.
Trái lại, hai trong số các ngư lôi của chiếc Naganami đã trúng ngay tuần dương hạm Minneapolis, khiến chiếc soái hạm dẫn đầu này bốc cháy, và hầu như đứng chựng lại. Tuần dương hạm New Orleans, chạy ở hàng kế, khi né tránh đụng chạm với Minneapolis, đã lãnh ở mũi một quả ngư lôi của chiếc Mikinami. Sức nổ đã thổi bay cả tháp pháo số 2 của chiếc tàu này.
Tuần dương hạm Pensacola, chạy sau chiếc New Orleans, trong khi cố tránh né đụng chạm cũng lãnh một quả ngư lôi ngay bồn chứa nhiên liệu và biến thành cây đuốc. Tuần dương hạm hạng nhẹ Honolulu, chạy sau chiếc Pensacola. May mắn hơn đã nhanh chân xoay sang trái ngay khi chiến hạm Nhật bắt đầu phóng ngư lôi, và khi nhìn thấy đồng bọn bốc cháy, chiếc tàu này lại xoay sang phải, chạy theo hình chữ chi về phía Tây Bắc để tránh tầm trọng pháo của Nhật.
Northhampton, tuần dương hạm cuối cùng còn lại của địch quân, từ đầu trận đánh đã tỏ ra ít hoạt động, sau khi thấy ba đồng đội bị bao phủ trong lửa đỏ, chiếc tàu này định quay đầu chạy theo chiếc Honolulu, nhưng khi thấy các chiến hạm Nhật xoay về hướng Tây, nó cũng xoay theo và khai hỏa với các trọng pháo 200mm. Các quả đạn được bắn vội vã nên không có quả nào trúng đích.
Chiến hạm Nhật phóng hai quả ngư lôi vào mạn trái của Northhampton, gây hai tiếng nổ dữ dội. Tàu địch bốc cháy và chìm cấp kỳ.
Phân đội của Tanaka vung về phía Tây bắc và xả hết tốc lực, vừa chạy vừa phóng ngư lôi, bỏ mặc cho địch quân gấu ó với nhau ở phía sau. Honolulu, tuần dương hạm duy nhất của địch không bị hư hại, đã lầm hai khu trục hạm hậu vệ Lamson và Lardner của Hoa Kỳ là chiến hạm Nhật nên khai hỏa bắn đuổi, bắt buộc hai chiếc tàu này phải xoay hướng và bỏ chạy.
Cách Guadalcanal khoảng 50 dặm, soái hạm Naganami chạy chầm chậm. Và Đề đốc Tanaka kiểm điểm lại lực lượng của ông. Ngoài khu trục hạm Takanami bị đánh chìm, trong 7 khu trục hạm còn lại không có chiếc nào bị mang thương tích, cũng không có thủy thủ nào thiệt mạng. Nhật đã gây thiệt hại nhiều cho địch quân mà chỉ trá giá bằng một chiếc khu trục hạm, nhưng Đề đốc Tanaka không cảm thấy vui vẻ. Chiếc Takanami bị đánh chìm đã khiến ông rầu rĩ và ngồi trầm ngâm trên suốt hải trình rút lui. Ông muốn trở lại khu vực chiến đấu để giải cứu những thủy thủ của chiếc tàu chìm còn sống sót và tái chiến với địch quân. Nhưng sau khi kiểm điểm, bốn trong số 7 khu trục hạm Nhật không còn một quả ngư lôi nào. Ba chiếc kia, một chiếc mới chỉ phóng phân nửa, và hai chiếc khác vì nằm ở một góc độ không thuận lợi nên không phóng được quả nào, do đó số ngư lôi mang theo vẫn còn nguyên vẹn. Tính ra, trong trận đánh vừa qua, các chiến hạm Nhật đã phóng ra 44 quả ngư lôi. Trong tình trạng đó, Tanaka đã nghĩ rằng lực lượng của ông không có hy vọng thắng lợi một khi tái chiến với lực lượng của địch quân. Vì vậy, vào lúc 22h30, ông cho lệnh rút lui về Rabaul.
Quyết định này khiến Bộ Tư Lệnh Tối Cao không hài lòng, cho dù Tanaka nêu ra chiến công của ông là đã đánh chìm một thiết giáp hạm và hai tuần dương hạm, còn gây thiệt hại nặng cho bốn tuần dương hạm khác của địch quân mà chỉ thiệt hại có một khu trục hạm. Nhưng thật sự, thượng cấp của Tanaka không cần biết đến những chiến công này, họ không hài lòng bởi vì Tanaka đã thất bại trong việc đổ tiếp liệu cho lực lượng Nhật ở Guadalcanal.
Sự không hài lòng này trở thành xác thực khi Tanaka bị thuyên chuyển sang Singapore sau trận đánh này không lâu, và sau đó ông lại phải khăn gói sang Miến Điện. Qua hai lần thuyên chuyển, tài năng của ông đã được sử dụng một cách hoang phí, nhưng nhờ vậy mà ông xa hẳn mặt trận, và chắc chắn cũng do đó mà mạng ông được cứu sống.
Từ đó cho đến cuối cuộc chiến, Tanaka không bao giờ được giao phó nhiệm vụ chỉ huy trên mặt biển nữa. Mười lăm năm sau trận đánh Tassafaronga, tôi đến thăm viếng Tanaka tại nông trại của ông gần Yamaguchi. Khi thảo luận về trận đánh này, ông đã nói với tôi: "Tôi có nghe một số chuyên viên Hải quân Hoa Kỳ đã khen ngợi tài chỉ huy của tôi trong trận đánh đó. Nhưng tôi nghĩ tôi không đáng nhận vinh dự như vậy. Phải nói nhờ vào tài năng và ý chí của thuộc cấp đã giúp tôi đạt được thắng lợi đó."
"Nói như vậy, không phải là tôi từ chối danh dự mà tôi có quyền hưởng nhằm trốn tránh sự chỉ trích. Tôi chấp nhận sự chỉ trích chính yếu do các sĩ quan đồng liêu đưa ra. Tôi phải chịu trách nhiệm trong việc không đưa tiếp liệu đến nơi đến chốn theo đúng kế hoạch. Đáng lẽ tôi phải quay lại để hoàn thành nhiệm vụ, nhưng tôi phải bỏ rơi. Việc này không có gì khó hiểu, bởi vì lúc ấy tôi không nắm trong tay tin tức chính xác về sức mạnh của địch quân. Tôi cứ đinh ninh đội hình của Đề đốc Wright sẽ giống như đội hình của hai Đề đốc Callaghan và Scott trong trận đụng độ với Đề đốc Abe hai tuần lễ trước đó. Có nghĩa là đội hình của địch quân gồm có bốn khu trục hạm đi đầu và bốn tuần dương hạm tiếp theo sau. Khi trận đánh xảy ra, bảy khu trục hạm Nhật chất đầy các thùng tiếp liệu, và đạn dược bị cắt giảm phân nửa, đã phải lâm chiến với tám khu trục hạm địch, đó là điều tôi không bao giờ nghĩ đến. Tôi chỉ nghĩ lực lượng lâm chiến thật sự của chúng ta là một tuần dương hạm và bốn khu trục hạm mà thôi."
Khi nói về khu trục hạm Tanakami, đôi mắt Tanaka đầy lệ: "Trong trận đánh đó, sở dĩ chúng ta đánh bại Đề đốc Wright là nhờ chiếc Takanami. Nó đã nhận lãnh tất cả sự trừng phạt của địch quân trong những phút giây đầu của trận đánh và đã làm cái mộc che đỡ cho chúng ta. Vậy mà chúng ta phủi tay bỏ đi, không giải cứu thủy thủ đoàn của chiếc tàu này."
Tuy nhiên, Đề đốc Tanaka chắc đã cảm thấy sự nỗ lực vượt bậc của ông ở Tassafaronga, khi ông đọc qua những nhận xét vô tư sau đây của sử gia Hải quân Hoa Kỳ, đề đốc Samuel Eliot Morison, về trận đánh này: "Trận đánh Tassafaronga luôn luôn gợi sự an ủi rằng địch quân đã đánh bại các bạn là những kẻ tài giỏi thật sự, và Đề đốc Tanaka tài giỏi hơn những kẻ tài giỏi. Ngoài chiếc soái hạm Jintsu, các khu trục hạm lâm chiến của ông đều chất đầy hàng hóa cồng kềnh, vậy mà ông đã đánh chìm một tuần dương hạm của Hoa Kỳ và loại ba chiếc khác khỏi vòng chiến gần một năm. Trong khi ông chỉ thiệt mất một khu trục hạm. Qua nhiều trận đánh xảy ra trong cuộc chiến, phía hoa Kỳ gặp nhiều lỗi lầm mà địch quân đã tránh khỏi. Ở Tassafaronga, mặc dù có ít bối rối lúc đầu, nhưng Đề đốc Tanak không phạm một lỗi lầm nào cả."
Trước khi Đề đốc Tanaka bị thuyên chuyển sang Singapore, ông vẫn tiếp tục chỉ huy nhiều công tác chuyển vận đến Guadalcanal. Vào ngày 3 tháng 12, ông điều động một lực lượng gồm bốn tuần dương hạm và 11 khu trục hạm chuyển 1.500 thùng tiếp liệu đến Guadalcanal. Nhiệm vụ thành công mỹ mãn. Trong thời gian này, Tanaka chuẩn bị để đương đầu với một trận Tassafaronga thứ hai, nhưng phía Hoa Kỳ lại không sẵn sàng. Cuộc chiến thắng phi thường của Tanaka đã khiến Hải quân Hoa Kỳ choáng váng.
Không hề có một cuộc đụng độ nào trên mặt biển, chỉ một số phi cơ địch bay đến quấy rầy nhóm tàu chuyển vận và bỏ vài trái bom gây hư hại nhẹ cho một khu trục hạm. Nhưng các cuộc chuyển vận này gặp phải một sự thất bại đầy chua chát: Lực lượng Nhật trên đảo chỉ vớt được vỏn vẹn 500 thùng tiếp liệu trong số 1.500 được thả xuống biển.
Bốn đêm sau đó, Tanaka quay lại hòn đảo với 11 khu trục hạm. Sự lặp đi lặp lại một phương thức trong chiến tranh trước sau gì cũng vấp một vố nặng. Chuyến đi này, hai khu trục hạm của Tanaka bị các phi cơ Hoa Kỳ cất cánh từ phi trường Henderson hủy diệt. Cùng đêm, Tanaka đã đối đầu với một loại địch thủ mới, các ngư lôi đĩnh. Tám chiếc PT nhỏ bé và nhanh như cắt này đã quấy phá lực lượng của ông đến nỗi ông phải bãi bỏ cuộc chuyển vận và các khu trục hạm phải quay về căn cứ.
Vào đêm 11 tháng 12, Tanaka lại cố gắng lên đường một lần nữa với 9 khu trục hạm. Lần này ông đã đổ 1.200 thùng tiếp liệu một cách thành công. Sau đó, phi cơ đến tấn công, nhưng vô hiệu, và đến phiên các PT nhảy vào vòng chiến, soái hạm Teruzuki lãnh hai quả ngư lôi và bốc cháy. Thủy thủ đoàn cố gắng cứu chiếc tàu nhưng bó tay khi ngọn lửa bắt qua hầm chứa bom chìm. Tanaka bị thương, ông chuyển soái kỳ cho người khác và trở về Rabaul. Tanaka rất buồn khi nghe tin 1.200 thùng tiếp liệu được tàu ông thả xuống chỉ có 220 thùng đến tay binh sĩ Nhật trên hòn đảo.
Tanaka vào nằm trong bệnh viện Rabaul. Nơi đây, ông đã viết một thỉnh nguyện thư yêu cầu Bộ Tư Lệnh Tối Cao triệt thoái các lực lượng Nhật trên đảo Guadalcanal. Đáp lời yêu cầu này là lệnh bổ nhiệm ông sang Singapore. Lời yêu cầu của Tanaka bị bác bỏ một cách thẳng tay thật sự là một sự nhầm lẫn, vì ai cũng thấy hòn đảo này không còn hy vọng giữ lâu dài hơn nữa. Các tiềm thủy đĩnh và khu trục hạm đều được trưng dụng để vận chuyển hàng tiếp liệu, nhưng cho dù cả hai loại tàu này đã nỗ lực và phối hợp chặt chẽ cách mấy đi nữa, tiếp liệu đến tay 20.000 binh sĩ trên đảo chỉ có tính cách cầm hơi.
Suốt quãng thời gian sôi động này, tôi nằm ru rú ở Truk. Tôi cảm thấy buồn cho Tanaka, nhưng không biết làm cách nào để giúp ông. Không còn chiếc khu trục hạm mới nào để tôi chuyển sang chỉ huy, vì vậy tôi chỉ còn biết ngắm nhìn những bàn tay khéo léo đang vá lại các lổ thủng do đạn xuyên phá thiết giáp của tuần dương hạm Helena chạm trổ trên chiếc khu trục hạm của tôi. Sau khi tạm băng bó các vết thương, Amatsukaze rời khỏi hải cảng Truk vào ngày 15 tháng 12 để về Nhật, và nơi đây chiếc tàu có thể hy vọng được sửa chữa hoàn hảo hơn. Khi chạy ngang qua đảo Saipan, tôi nhìn thấy khoảng 10 phi cơ Nhật trên không. Tôi tự hỏi, không hiểu những phi cơ này sẽ phản ứng như thế nào khi nhìn thấy chúng tôi. Nhưng đã thất vọng, tất cả đều bay lướt qua, ngay cả đến việc tìm hiểu lý lịch của con tàu cũng không có. Sự hờ hững này, có thể cho là như vậy, trong khi Nhật mất sạch quần đảo Salomon, chứng tỏ tình trạng suy đồi tinh thần trầm trọng trong hàng ngũ chúng tôi.
Tuy nhiên, tôi hầu như quên hẳn cuộc chiến khi tàu của chúng tôi chạy vào hải cảng Kure. Bầy hải âu bay lượn trước mũi tàu như chào đón, trong lúc chúng tôi mải mê ngắm nhìn quang cảnh lặng lẽ của hải cảng thân yêu và an bình này. Quang cảnh khác xa hải vực đẫm máu quanh quần đảo Salomon. Có thể nào lại có những nơi trái ngược hẳn nhau trong cùng một khoảnh trời nhỏ bé đến mức đó.
Khi đưa chiếc Amatsukaze vào ụ sửa chữa và sắp xếp mọi công việc khác, tôi về nghỉ phép tại nhà một tuần lễ.
Tôi bước chân vào nhà ở Kamakura vào ngày 27 tháng 12. Sống quây quần vui vẻ với gia đình, tôi thấy sao một tuần lễ trôi qua nhanh hơn chớp mắt. Kamakura là một trong những thành phố đẹp nhất của Nhật Bản. Thật là thích thú cho tôi khi cùng với các con thăm lại những phong cảnh ngoạn mục quen thuộc trước đây. Chúng tôi lang thang trong thành phố hết chỗ này đến chỗ nọ, nhất là leo lên những ngọn đồi bao quanh thành phố này, hoặc đi vẩn vơ dưới ngàn tiếng thông reo trong làn gió hiu hiu của Thái Bình Dương. Tôi thật như sống trong mơ, và may mắn cho tôi hơn nữa, những ngày nghỉ phép này lại rơi vào dịp Tết Nguyên Đán.
Mặc dù vui thú với gia đình, tôi không thể nào quên hẳn chiến tranh được. Một hôm gia đình chúng tôi dự định thực hiện một buổi dạo chơi và ăn cơm ngoài trời, nhưng vợ tôi lại không đi được. Nàng phải đến tham dự một buổi họp gồm các bà nội trợ quanh xóm để thảo luận về việc đóng góp cho quân đội các vật dụng làm bếp bằng đồng và sắt. Cha con chúng tôi vẫn thực hiện buổi ăn cơm ngoài trời và dạo chơi trên các đồi thông. Khi chúng tôi về, vợ tôi vẫn chưa có mặt ở nhà. Con gái của tôi nói: "Ba đừng có nóng ruột. Dạo này mẹ cứ phải đi hội họp lằng nhằng như vậy luôn. Ba nên nhớ bây giờ là thời chiến mà."
Buổi chiều hôm đó, ông bạn cũ là Trung tá Ko Nagasawa từ Tokyo gọi điện thoại cho tôi. Nasagawa hiện đang phục vụ ở Phòng nhân viên. Hắn ta nói: "Hãy bình tĩnh, đây chỉ là một cú điện thoại không chính thức. Đêm mai, một nhóm bạn đồng khóa tụ họp tham dự một buổi Bonenkai (tiệc Tân niên). Chúng tôi chọn Isogo ở Yokohama để làm nơi họp mặt. Đó là một tiệm ăn tuyệt hảo, nằm giữa Tokyo và Yokosuka. Nơi này gần nhà anh, nên chúng tôi kể chắc như anh có mặt đêm mai.
Chiều tối hôm sau chúng tôi đến địa điểm họp bạn. Tôi được Nasagawa và Trung tá Enpei Kanooka đón tiếp. Kanooka là tùy viên liên lạc Hải quân của Thủ tướng _Đại tướng Hideki Tojo. Tôi ngạc nhiên khi thấy Kanooka đã xếp chức vụ bận rộn và quan trọng của anh lại để tham dự vào một cuộc họp không chính thức. Ở một nơi xa xôi như thế này. Ngồi kế anh ta, tôi hỏi: "Những rắc rối xảy ra ở phía Nam trong những ngày gần đây có lẽ làm nhiệm vụ của anh trở nên bù đầu?"
Kanooka nhăn nhó đáp: "Không, Hara, tôi hoàn toàn không bận rộn gì hết. Đó là sự thật. Trong vòng năm tháng qua, tướng Tojo không hỏi đến tôi lấy một lời. Hình như ông ta không xem các hoạt động của Hải quân vào đâu. Trong thời gian này, nhiệm vụ của tôi là hằng đêm đến tham dự các tiệc tùng khoản đãi quốc khách. Tôi không thích nhậu nhẹt. Tôi cảm thấy bị phiền nhiễu đến chết được, và sự nhàm chán cũng đang giết lần mòn tôi. Hara, tôi thấy tửu lượng của anh cũng có hạng lắm, xem ra anh có thể thay thế chức vụ của tôi được." Giọng nói nhỏ nhẹ thường khi của của Kanooka bỗng nhiên cất cao một cách đáng chú ý trong câu nói sau cùng này. Trong lúc đó, Nasagawa yên lặng ngồi nghe với một gương mặt thật bình thản. (Không lâu sau đó, Kanooka được lệnh rời khỏi Tokyo để nhận chức vụ Hạm trưởng tuần dương hạm Nachi. Hiển nhiên là Nasagawa, phục vụ ở Phòng nhân viên, có nhúng tay giúp vào vụ bổ nhiệm này.) Cuộc họp đã diễn ra trong bầu không khí lặng lẽ và nghiêm trang, khác với các buổi họp mặt đầy ồn ào của chúng tôi lúc còn trẻ. Có khoảng 20 người thuộc khóa chúng tôi tụ họp trong đêm hôm đó, đều mang cấp bậc Trung tá và Thiếu tá, hầu như chỉ bàn những chuyện quanh quẩn về cuộc chiến. Khi được yêu cầu mô tả tình thế tại cuộc chiến quần đảo Solomon, tôi nói: "Tôi không hiểu các bạn, những người ở đây, đã nhìn sự việc như thế nào, nhưng riêng tôi có thể nói các đảo ở Salomon là địc ngục ở tuyền tuyến.Cùng là những tay chuyên nghiệp cả, tôi chắc các bạn đều biết rõ, căn cứ trên sự phán xét của mình về những công bố chính thức có vẻ ghê gớm của Tổng Hành Dinh ở Tokyo. Thật ra, chúng ta đã gặt hái được một số chiến thắng chiến thuật, nhưng về phương diện chiến lược, chúng ta hoàn toàn thất bại. Các khu trục hạm và tiềm thủy đĩnh của chúng ta ở quần đảo Solomon hiện tại được sử dụng vào công việc chuyển vận. Nhưng công việc này cũng không đạt được kết quả là bao." Tất cả những người hiện diện đều chăm chú nghe tôi thuật lại các trận đánh mà tôi đã tham dự. Tôi thấy rất cần thiết để trình bày sự thật, nhưng có một số người khác nhắc nhở tôi rằng đây là một buổi họp mặt để nhậu nhẹt, không nên nói đến chuyện công việc hay dính dáng đến nghề nghiệp.
Do đó, thay vào câu chuyện của tôi là một vài câu pha trò có tính cách chọc cười. Có người còn kể ra sự dan díu của hắn với một cô vũ nữ ở Sasebo. Nhưng tất cả đều không gây được không khí vui tươi, bởi vì mọi người trong chúng tôi đều đoán trược được viễn cảnh đen tối của tương lai. Thật sự, tôi muốn cho họ biết những gì mà tôi từng trải qua ở miền Nam, các phản ứng và ý kiến riêng của tôi như thế nào. Tôi biết rằng một buổi họp mặt ăn uống như thế này không thích hợp để mang các vấn đề thời sự ra để nói, nhưng ngoài dịp này thì chắc khó có dịp khác. Tôi đã thất vọng khi thấy các bạn đồng khóa của tôi chỉ toàn là một bọn yếm thế, buông xuôi với số phận.
Rượu rót cũng khá nhiều, nhưng không ai say. Buổi họp mặt tan sớm. Bên ngoài trời đêm đầy sao. Những lời chào từ giã được thốt lên một cách yếu ớt. "Mong gặp lại anh." Câu này nằm trên đầu môi mọi người, nhưng không có vẻ gì gọi là xác tín. Những kẻ hội tụ về đây đêm đó chỉ một vài người còn sống sót sau chiến tranh.
Tojo có thể không để tâm đến viên sĩ quan liên lạc hải quân nhỏ nhoi của ông, nhưng đối với các đại diện bề thế thuộc Bộ Tư Lệnh Hải Quân thì ông không thể nào không để tâm được. Hàng ngày các sĩ quan cao cấp của Lục Quân và Hải Quân vẫn mở ra các phiên họp mật về chiến lược ở Tokyo. Để kết thúc, một loạt các phiên họp cuối cùng mở ra vào ngày 31 tháng 12 ở Hoàng Cung dưới sự chủ tọa của Nhật Hoàng Hirohito, và đưa đến quyết định nhất trí triệt thoái toàn thể lực lượng Nhật trên đảo Guadalcanal. Những ngày sống hạnh phúc bên gia đình của tôi đã trôi qua nhanh chóng. Tôi trở lại Kure vào ngày 7 tháng Giêng. Ba ngày sau đó, tôi nhận được lệnh rời khỏi chức vụ Hạm trưởng khu trục hạm Amatsukaze để nhận nhiệm vụ mới ở Căn cứ Hải Quân Yokosuka. Nhiệm sở này chỉ cách nhà tôi một vài dặm. Tôi lại được sống êm ấm với gia đình. Nhưng không lâu sau đó tôi ngã bệnh. Theo bác sĩ, chứng bệnh của tôi là do những tháng ngày phục vụ không ngừng nghỉ trên mặt biển nên đã kiệt lực. Tôi phải nằm bẹp trên giường suốt hai tuần lễ. Trong thời gian này, vào ngày 25 tháng 12, tôi lại nhận được lệnh khác, chỉ định tôi giữ chức Chỉ huy trưởng Hải đội 19 Khu trục hạm, và theo lệnh, tôi phải nhận ngay bốn chiếc tàu loại mới nhất để ra khơi hai ngày sau đó. Tôi gọi điện thoại báo cho Nasagawa biết tôi không thể nhận nhiệm vụ vì tình trạng đau ốm hiện thời. Thông cảm, và để an ủi, Nasagawa bảo đảm rằng sẽ còn nhiều chức vụ quan trọng khác dành cho tôi một khi đã bình phục. Thời gian dưỡng bệnh đối với tôi dài thăm thẳm. Khi chiến đấu, tôi chưa bao giờ thấy mệt mỏi. Trên biển, chỉ một vài giờ chợp mắt là tôi thấy khỏe khoắn ngay. Bây giờ, tôi mới hiểu những ngày phục vụ trên mặt biển đã làm cho tôi kiệt sức như thế nào, và tôi cũng hiểu tại sao dáng vẻ của Phó Đô đốc Nagumo lại sa sút như vậy , khi tôi gặp ông ở Truk vào tháng 11 vừa qua. Cuối tháng 2, tôi bình phục hẳn. Tôi gọi điện thoại cho Nasagawa, yêu cầu được bổ nhiệm. Lời đáp có vẻ mù mờ của hắn ta làm tôi lo ngại. Hải quân đã quên khuấy tôi mất rồi. Tôi gọi hàng ngày, nhưng không nhận được phúc đáp nào gây phấn khởi. Sự chờ đợi này kéo dài cho đến tháng 3, Nasagawa mới báo cho tôi biết tôi được chỉ định giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Hải đội 27 Khu trục hạm. Tôi kêu lên sửng sốt: "Cái gì? Tại sao lại Hải đội 27?"
"Đừng có nóng, Hara, nghe tôi nói đây. Tôi biết Hải đội 27 tồi tệ, nhưng sự chỉ định này chứng tỏ Hải quân đã đặt tin tưởng hoàn toàn vào anh. Thượng cấp cảm thấy chỉ một vị chỉ huy đầy đủ khả năng và kinh nghiệm như anh mới mong uốn nắn Hải đội này thành một đơn vị chiến đấu thật sự." Phản ứng của tôi là sự xúc động. Thật sự, tôi không hề bối rối. Nghĩ cho cùng, khi một sĩ quan lần đầu tiên được chỉ định chỉ huy 4 chiến hạm, hắn phải xem đó là một vinh dự, còn loại tàu gì mà hắn sẽ được giao không thành vấn đề. Tôi cũng không còn tiếc rẻ đã bỏ mất dịp may trong lần bổ nhiệm trước đó. Hải đội 27 bao gồm 4 khu trục hạm già nua, mỗi chiếc 1.700 tấn, tốc độ tối đa là 30 hải lý. Thủy thủ đoàn của các khu trục hạm này, đứng hạng nhì đúng nghĩa, chính là mục tiêu chế nhạo của thủy thủ đoàn thuộc các chiến hạm khác. Nhiệm vụ trước mắt đối với tôi chẳng phải ngon ăn. Tôi trả lời Nasagawa: "Anh đừng hiểu lầm tôi. Tôi vui lòng nhận nhiệm vụ và sẽ tận lực làm mọi cách cho Hải đội trở thành đơn vị tốt nhất của Đệ Nhị Hạm Đội. Được bổ nhiệm vào chức vụ này, tôi lấy làm vinh hạnh. Tôi trình diện ở đâu và khi nào?" "Tôi rất vui mừng khi nghe anh nói như vậy. Ba khu trục hạm của anh đang đậu ở Truk, còn chiếc soái hạm Shigure (Mưa Thu) đang chờ anh ở Sasebo. Bao giờ anh có thể đi được?" "Có phương tiện lúc nào thì tôi đi lúc đó." "Tốt. Anh sẽ có một chỗ dự phòng trên chuyến xe lửa tốc hành rời nhà ga Tokyo vào lúc 13h30 phút ngày mai." Tôi đến Sasebo vào ngày 9 tháng 3, và lập tức leo lên soái hạm Shigure quan sát một vòng. Thoạt nhìn thủy thủ đoàn, tôi hiểu ngay là tôi đang bước vào một công việc nặng nhọc thật sự. Tôi nhớ lại những kinh nghiệm khó khăn qua việc huấn luyện thủy thủ đoàn của chiếc Amatsukaze trong thời gian có cuộc hành quân Midway. Thủy thủ đoàn của Shigure giống như một bọn vô kỷ luật chưa từng biết qua một chút kinh nghiệm đi biển là gì. Nhưng tôi đã nhìn sự vụng về và ngu dốt của họ với nhiều cảm giác lẫn lộn. Tôi tin là có thể huấn luyện họ trở thành những thủy thủ chiến đấu. Tóm lại, tôi không thấy chán nản, vì tôi nghĩ tình trạng này cũng giống như tình trạng trên chiếc Amatsukaze sáu tháng trước mà thôi. Tôi đã từng làm việc trên nhiều chiếc khu trục hạm mới hơn, tôi nhận thấy chiếc Shigure hoàn toàn yếu kém. Chiếc tàu này già nua một cách đáng thương, và có lẽ nó không thể nào đạt tốc độ tối đa 33 hải lý. Đó là điều tồi tệ nhất. Tốc độ tối đa của các khu trục hạm mới nhất ít lắm cũng phải 38 hải lý, và chiếc Amatsukaze dày dạn chiến trận của tôi, hiện đã hoạt động trở lại, cũng chạy được 34 hải lý. Nhưng tôi đã gạt ngang những suy nghĩ vơ vẩn này, và hy vọng của tôi là chiếc Shigure có thể sẽ chứng tỏ giá trị của nó trong lúc chiến đấu, cho dù nó có nhiều khuyết điểm trong lần làm quen đầu tiên này. Nhưng ngay cả cao vọng đi nữa, lúc ấy tôi cũng không bao giờ dám mơ mộng chiếc Shigure đã chứng tỏ giá trị đến mức được mang biệt danh "Kiên cố", và với tiếng tăm vang dội, có thể nói Shigure là khu trục hạm được biết đến nhiều nhất trong cuộc chiến Thái Bình Dương. Sau khi hộ tống 2 cuộc chuyển vận, Shigure rời Sasebo đến Truk để kết hợp với 3 khu trục hạm khác thuộc quyền chỉ huy của tôi. Khi tiến vào hòn đảo san hô to lớn này, tôi cảm thấy cảnh vật không có gì thay đổi trong thời gian tôi vắng mặt.Chiếc tàu sửa chữa cũ kỹ Akashi vẫn đang hoạt động rộn rịp, và vẫn đậu ngay chỗ mà nó đã đậu bốn tháng trước đây. Khi chiếc Amatsukaze lếch thếch từ quần đảo Solomon chạy về. Nhưng tôi đã lầm. Truk quả thật không thay đổi, nhưng tình hình của cuộc chiến ở phía Nam đã chịu đựng những thay đổi nghiêm trọng trong giai đoạn bốn tháng ngắn ngủi, như tôi đã biết được ngay sau đó. Tàu vừa buông neo, tôi đến trình diện Phó Đô đốc Nobutake Kondo trên chiếc Atago, soái hạm của Đệ Nhị Hạm Đội. Bước vào cabin của ông, tôi xúc động khi nhìn thấy dáng vẻ tiều tụy của vị tư lệnh này, nhân vật luôn luôn được giới hải quân nhắc nhở đến tài ba đức độ. Sự xúc động của tôi ở hiện tại không kém lần tôi gặp Nagumo năm tháng trước đây. Kondo ra dấu cho tôi ngồi xuống ghế. Giọng nói của ông khàn khàn, nhỏ và chậm chậm như hụt hơi: "Hara, tôi hoàn toàn đồng ý với thượng cấp về việc chỉ định anh vào nhiệm vụ mới này. Đó là một nhiệm vụ khó khăn. Anh hãy thận trọng, tôi chỉ có thể nói với anh như vậy. Hãy thận trọng nhiều chừng nào hay từng ấy." Chắc chắn không bao giờ tôi hy vọng được vị Phó Đô đốc chỉ huy của tôi tiếp đón bằng những câu nói như vậy. Câu nói của ông khiến tôi bỡ ngỡ đến nỗi không biết đáp lại như thế nào. Ông tiếp tục nói, với dáng vẻ mệt nhọc: "Mặc dù anh là chỉ huy trưởng hải đội, nhưng vì chúng tôi thiếu tàu, nên ba trong số bốn khu trục hạm của anh được đặt dưới quyền sử dụng của các chỉ huy trưởng khác. Nếu anh nhận nhiệm vụ sớm hơn vài tháng, hải đội dưới quyền anh sẽ đủ cấp số."
Ông dừng lại và thoáng nghĩ ngợi. Tôi ngồi lặng yên một cách bồn chồn. Sau đó, ông tiếp: "Hara, dù sao đi nữa anh cũng nên kiên nhẫn. Tôi dự định lưu anh ở đây ít nhất ba tháng, như vậy anh có thể tìm hiểu và huấn luyện các thuộc cấp của anh, và luôn tiện chính anh cũng sẽ thích ứng với tình hình biến đổi nhanh chóng của cuộc chiến."
Kondo là một nhân vật đáng chú ý, và đối với tôi, ông là một vị chỉ huy kỳ diệu. Do đó, trong các trang trước của quyển sách này tôi đã phải miễn cưỡng đưa ra sự chỉ trích khả năng chiến đấu của ông. Tuy nhiên, qua lần tiếp xúc trực tiếp này, tôi đã kinh ngạc và choáng voáng khi rời khỏi ca bin của ông.
Theo đề nghị của Kondo, tôi đã nghiên cứu các hồ sơ trên soái hạm của ông, liên quan đến cuộc chiến trong vòng 5 tháng qua. Biến cố nổi bật nhất là cuộc triệt thoái khỏi Guadalcanal. Ở ngôi nhà Kamakura, trong thời gian tôi bình phục, tôi có nghe các công bố trên đài phát thanh về một cuộc chiến thắng hoàn toàn và ngoạn mục. Bộ Tư Lệnh Tối Cao Hoàng Gia đã tránh sử dụng hai tiếng "rút lui" và thay vào đó là ba chữ "xoay hướng tiến", nhưng xoay hướng tiến như thế nào thì không thấy bản công bố đề cập đến. Theo quyết định của phiên họp cuối cùng ở Hoàng Cung vào ngày 31 tháng 12, ngày 4 tháng Giêng năm 1943, Bộ Tư Lệnh Tối Cao Hoàng Gia ban lệnh triệt thoái toàn bộ lực lượng Nhật khỏi Guadalcanal, và công cuộc triệt thoái bắt đầu vào hạ tuần tháng Giêng. Các kế hoạch được thảo ra tuần tự và kín đáo khi tìm mọi cách đánh lừa bề ngoài để địch quân lầm tưởng Nhật quyết tâm bám lấy hòn đảo. Tình báo Hoa Kỳ đã từng tỏ ra hữu hiệu trong việc khám phá ra các kế hoạch trận đánh Midway của Nhật Bản, nhưng hoàn toàn không hay biết gì về kế hoạch triệt thoái khỏi Guadalcanal. Một kế hoạch được duy trì bí mật đến tận cùng như thế, đối với tôi chẳng khác nào những phép lạ của cuộc chiến. Càng phi thường hơn nữa, nếu người ta biết rằng vào thời gian này toàn thể các vùng phụ cận Guadalcanal địch quân đã nắm ưu thế tuyệt đối về mặt trên không. Vào ngay giữa tháng Giêng, hoạt động của không quân Nhật gia tăng mạnh mẽ trong khu vực. Vào ngày 30, một lực lượng đặc nhiệm gồm hai hàng không mẫu hạm, hai thiết giáp hạm và cả chục chiến hạm khác rời khỏi Truk trực chỉ Guadalcanal. Cuộc di chuyển này có tính cách nghi binh, nhằm gây sự chú ý của Hải quân Hoa Kỳ. Trong khi trước đó, suốt buổi chiều ngày 28, 300 binh sĩ đã đổ bộ lên đảo Russell, nằm ở phía chính Tây của Guadalcanal. Không cần nói cũng hiểu lực lượng Nhật trên đảo Guadalcanal cũng nức lòng với các tin tức về cuộc rút lui đang được sắp xếp như thế nào. Thời gian trước đó, họ đã chiến đấu với sự quyết tâm đáng kinh ngạc cũng như không bao giờ lùi bước trong nỗ lực đẩy lui các lực lượng tăng viện của địch quân. Tóm lại, trong tình cảnh tuyệt vọng và đáng thương hại, họ đã chiến đấu dũng mãnh cho đến ngày rời đảo. Vào các đêm 1, 4 và 7 tháng 2, 22 khu trục hạm Nhật đã chạy vào các bãi biển quanh hòn đảo để chở 12.198 binh sĩ Lục quân và 833 binh sĩ Hải quân. Thủy thủ đoàn của các khu trục hạm đã kinh hãi khi nhìn thấy nhóm quân này. Nhiều ngày qua họ đã không ăn uống gì hết, thân thể suy nhược cho đến nỗi ngay cả sự vui mừng khi được giải cứu họ cũng không đủ sức biểu tỏ. Cuộc triệt thoái đã thành công vượt bậc. Chỉ có khu trục hạm Makigumo bị đánh chìm và ba chiếc khác hư hại. Cuộc triệt thoái này cĩng đánh dấu sự kết thúc của một cuộc hành quân kéo dài 6 tháng, với 16.800 binh sĩ Nhật vùi thân trong rừng rậm nhiệt đới cùng với hàng chục chiến hạm bị vùi sâu dưới đáy biển, mang theo nhiều ngàn thủy thủ, quanh hòn đảo hóc búa này. Nhiều bản phúc trình liên quan đến cuộc hành quân đều đưa đến 1 kết luận thật sự: Nhật Bản đã bị đánh bại ở Guadalcanal.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top