Phần 1

"Bà nội, tại sao Mạnh Mẫu lại chuyển nhà ba lần ạ?"

"Vì muốn Mạnh Tử được sống trong môi trường tốt hơn đó con."

"Nhưng tại sao phải chuyển nhà..."

"Hử?"

"Ý cháu là chả nhẽ cứ sống ở gần chợ là phải chuyển nhà sao?

"Lo học bài của con đi, đừng làm phiền bà nội nữa."

"Vâng, thưa mẹ."

Nhìn con dâu đang đi tới, ta đột nhiên nhớ lại một phân cảnh trong phim Hậu cung Như Ý truyện. Chính là lúc Càn Long đế muốn truy phong cho mẹ ruột nhưng lại ngại thể diện của bản thân và thái hậu hiện tại. Vốn dĩ công sinh không bằng công dưỡng nhưng dưỡng như thế nào mới là đúng? Nghĩ đến đây, ta liền cười thầm trong lòng. Bây giờ là năm Minh Mạng thứ tư, Châu Tấn còn chưa sinh ra đời, lấy đâu ra Hậu cung Như Ý truyện cho ta xem. Đúng vậy, ta là người xuyên không, xuyên từ năm 2020 về hơn hai trăm năm trước.

Đời trước ta là trẻ mồ côi. Theo lời kể, lúc ta được tìm thấy bên vệ đường, bắp đùi bên trái đã bị dòi nhặng ăn mất một mảng cũng may còn giữ được mạng sống. Nên khi lớn, trên đùi ta có một vết sẹo rất to. Vừa khéo cơ thể ta xuyên qua trên đùi cũng có một vết sẹo như vậy. Từ khi bắt đầu có nhận thức về xung quanh, ta cảm thấy các mẹ trong viện chỉ "nuôi" chứ không "dưỡng". Các mẹ dạy cho chúng ta biết ăn trộm là xấu, phạm pháp là xấu, nhưng làm thế nào để không trở thành ăn trộm, không bị lôi kéo làm điều xấu thì các mẹ không dạy. Ta nhận thấy cùng là trẻ mô côi, cùng sống trong một mái nhà được các mẹ dạy dỗ nhưng mười tám đứa trẻ lại lớn lên với tính cách không giống nhau. Có đứa rụt rè, xấu hổ vì mình là trẻ mồ côi; có đứa vì mình là trẻ mồ côi nên trở lên hóng hách, ngang ngược; có đứa chăm chỉ học tập mong muốn tìm được bố mẹ ruột; có đứa cố gắng biểu hiện mình là một đứa trẻ ngoan để được nhà giàu nhận nuôi; cũng có đứa thờ ơ nhìn ngó xung quanh giống như ta. Tại sao lại như vậy? Rốt cuộc thế nào mới là "nuôi dưỡng" đúng cách? Dù sao ta cũng rất biết ơn các mẹ đã bỏ công sức nuôi lớn những đứa trẻ không cùng huyết thống suốt bao nhiêu năm qua. Ta từng hỏi mẹ Huệ, tại sao mẹ lại quan tâm chúng con nhiều như vậy. Mẹ bảo, như thể đó là bản năng của một người mẹ, cũng là bản năng của một đồng loại khi thấy một đồng loại khác gặp khó khăn. Sau này đi học, ta nghĩ có lẽ hai chữ "đồng loại" đó chính là hai chữ "đồng bào" trong bài thơ Đất nước.

Học xong cấp ba, nhiều anh chị em đã ra ngoài kiếm sống nhưng ta muốn học lên cao, muốn tìm ra câu trả lời cho bản thân. Ta quyết định học sư phạm, thứ nhất vì không tốn học phí, thứ hai vì nghĩ ngành nghề này liên quan trực tiếp đến băn khoăn của mình. Sau khi tốt nghiệp đại học, ta xin được một chân giáo viên dạy văn trong một trường cấp hai ở xã. Lớp học chưa tới ba chục em. Nhìn những khuôn mặt đen nhẻm, cũng có vài em trắng trẻo, quần áo thì cũ, sách vở không được mới, ta thở dài nhớ lại bản thân mình của nhiều năm trước. Các tiết học vào cuối mỗi buổi chiều ta sẽ để lớp ra về sớm hơn nửa tiếng. Phần lớn gia đình các em đều làm nông nên khi được về sớm các em có thể tranh thủ lùa vịt về nhà này, nấu cơm chiều này, nấu cám lợn này, vân vân mây mây đủ thứ việc để làm. Sống thật không dễ dàng mà.

Những năm này, ta đặc biệt quan sát lứa học sinh đầu tiên mình dạy. Gia đình em Trân có một lò mổ nhưng con bé lại khá rụt rè và sợ máu. Con trai cô chủ nhiệm cực kỳ ngỗ ngược, thường xuyên lớn tiếng chửi bố mẹ, ông bà. Hay em Hòa, bố em từng đi tù hơn mười năm vì buôn bán ma túy. Nhưng em Hòa là một học sinh rất ngoan ngoãn và hiểu chuyện. Sau khi tiếp xúc với bố em, ta nhận thấy chú ấy là một người có rất nhiều trải nghiệm, dù những trải nghiệm đó đến từ việc xấu chú làm ra nhưng chính nhờ vậy mà chú có một nền tảng hiểu biết rất tốt. Chú dựa trên những điều xấu/đẹp thấy được trong đời để dạy dỗ em Hòa, giúp em có một cái nhìn trực quan nhất về thế giới xung quanh. Khi khoác lên mình bộ áo dài, ta ngộ ra rất nhiều điều trên đời, trong đó phải kể đến "Những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình nhận thức của con trẻ" – một bài báo cáo khoa học dài bảy mươi trang do chính tay ta viết. Nói đơn giản, bài báo cáo gói gọn trong tám chữ "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống". "Nước" chính là môi trường sống. "Nước" không gói gọn trong phạm vi gia đình mà thêm cả những môi trường xung quanh gia đình. "Phân" là người trực tiếp nuôi dạy hay có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của con trẻ (không kể có quan hệ ruột thịt hay không). "Cần" là mức độ quan tâm của "Phân" đối với con trẻ. "Giống" là bản thân đứa bé, là sự nhìn nhận và tiếp thu của riêng mình. Bốn yếu tố trên ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình trưởng thành của một người. Không có yếu tố nào quan trọng hơn yếu tố nào và mức độ quan trọng sẽ thay đổi tùy theo hoàn cảnh. Điều kiện lý tưởng là tất cả đều 25% nhưng sẽ có người 10 – 20 – 40 – 30 hay 20 – 15 – 25 – 60,... Vậy nên câu nói "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà" chỉ đúng một phần. Nuôi cây hay nuôi người tất cả đều chung một công thức nhưng không phải ai áp dụng công thức cũng cho ra kết quả giống nhau. Và hiển nhiên không có kết quả nào là đúng hoàn toàn.

Tưởng chừng cuộc sống cứ thế trôi qua trong nhẹ nhàng thì dịch bệnh ập đến. Đại dịch là điều không ai ngờ tới. Nó càn quét khắp mọi nơi và đem theo hơi thở chết chóc đến gõ cửa từng nhà. Ta nhiễm bệnh rồi. Ban đầu chỉ là các triệu chứng nhẹ nhưng rồi trở nặng và được chuyển đến bệnh viện tuyến trên. Sau khi nhập viện, tình trạng của ta càng ngày càng tệ. Không thể hít thở được nữa, hai lá phổi như bị ai đó bóp chặt lại, đau rát. Những lúc mơ màng, ta thấy trần phòng bệnh được lợp bằng lá khô, bức tường xung quanh làm bằng đất, gió lùa từ lổ hổng trên mái nhà phả xuống mặt ta lạnh buốt. Hình ảnh ấy xuất hiện ngày càng nhiều trong tâm trí ta. Ta được chuyển sang phòng bệnh mới, số bệnh nhân trong này ít hơn so với phòng cũ. Tổng cộng có bốn người, tính cả ta là người mới đến. Trong đó một bác trai đã hơn sáu mươi tuổi, một em trai khoảng mười hai tuổi mắc rất nhiều bệnh nền và một chị gái hơn tuổi. Bệnh tình của bọn họ đều nguy kịch giống như ta. Khi chuyển đến phòng mới, cơ thể ta đã ít đau đớn hơn trước nhưng các bộ phận như thể đang đình công vậy, cả người không còn tí sức lực nào. Tranh thủ những lúc tỉnh táo, ta ráng mở mắt nhìn các y bác sĩ bận rộn chữa trị. Ta rất muốn hỏi tại sao bọn họ phải tận lực cứu chữa cho những người xa lạ như vậy? Rõ biết khi được chuyển đến căn phòng này tỷ lệ sống đã không còn bao nhiêu, tại sao vẫn một lòng chữa trị đến thế? Nhưng ta không còn sức để hỏi. Một ngày ta bị đánh thức bởi tiếng máy móc vang lên í ới cùng tiếng bước chân dồn dập của các bác sĩ và y tá chạy đến. Bọn họ gấp gáp đi đến giường chị gái nằm bên. Bầu không khí đột ngột giảm xuống thấp. Tiếng máy thở, tiếng gió thổi, tiếng bác sĩ, tiếng mái lá, tiếng người nhà, tiếng của sự sống... Khi ta tỉnh dậy, giường bên cạnh đã trống rỗng không còn bóng người.

Những ngày gần đây, cơ thể ta không còn nặng nề như trước. Dường như đôi tay vô hình đã thôi bóp chặt lá phổi của ta. Hôm đó, ta cực kỳ tỉnh táo. Ta tỉnh dậy từ sớm, sớm hơn cả giờ kiểm tra bệnh mỗi sáng. Đưa mắt nhìn xung quanh, mọi người vẫn còn chìm trong giấc ngủ sâu và yên tĩnh. Dù vậy trên gương mặt bọn họ vẫn thoáng vẻ lo âu. Ánh mắt ta bắt gặp cánh cửa đóng kín. Trong trí nhớ của ta, cánh cửa này chưa từng mở ra. Không, nó được mở rất nhiều lần nhưng lần nào cũng là lúc ta đang chìm trong mơ màng. Nhìn cánh cửa một lúc lâu. Như có một sự thôi thúc không tên, ta đứng dậy, tháo hết máy thở và dây rợ trên người. Đi từng bước về phía cánh cửa. Những bước chân đi không đau đớn như ta nghĩ. Ồ, phòng 381 à. Ta nghĩ vậy khi nhìn tấm bảng được treo trên cửa. Ngẩng đầu nhìn xuyên qua ô kính, bên ngoài trời là một màu xanh ngát, không mây. Nhìn mãi nhìn mãi đến khi gió khẽ trườn qua cánh tay, đâm xuyên lớp quần áo, bao bọc cả cơ thể. Ta nhắm mắt, thả người theo làn gió, cảm nhận cơ thể nhẹ bẫng, trôi nổi trong không trung. Bay thật cao thật xa.

Một lần nữa tỉnh dậy, đập vào mắt ta là trần nhà bằng lá và những bức tường đất quen thuộc. Mùi ẩm của không khí tràn vào khoang mũi ta. Chép chép miệng, cảm thấy một vị đắng đọng ở cuống họng. Dùng hết sức bình sinh để đứng dậy, ta đưa mắt nhìn một vòng xung quanh. Đây là một gian phòng nhỏ, góc phòng có một vài cái gương trông khá cũ được xếp chồng lên nhau. Chỗ ta vừa nằm là một tấm chiếu xem chừng đã cũ lắm rồi, đối diện là một cánh cửa gỗ đang đóng. Bước đến mở cửa, tiếng kẽo kẹt vang lên cùng các vụn gỗ do con mọt gây ra bay tứ tung trong không khí, ta đi ra khỏi phòng. Khung cảnh bên ngoài có ruộng lúa có vườn tược giống xóm nhỏ ta đang sống nhưng mọi thứ đều hoang sơ. Không có dây diện chằng chịt, không có đường bê tông chạy dài. Đây là một căn nhà đất ba gian cỡ nhỏ, phòng ta vừa nằm là gian bên trái, ở giữa là phòng khách và bên phải là một phòng nữa. Ngoài sân bên trái có một gian nhà nhỏ, ta biết đó là gian bếp và chuồng lợn. Ngay bên hông chuồng lợn là vườn rau và chuồng gà. Ta ngồi xuống hiên nhà, lẳng lặng nhớ lại từng ký ức trong tâm trí.

Mình xuyên không rồi.

Nếu ta đoán không sai, chủ của cơ thể này đã chết rồi. Nguyên nhân là do thiếu dinh dưỡng dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch, khiến cơ thể bị nhiễm nấm và vi trùng. Trước khi chết đã lên cơn sốt cao, có lẽ người nhà không biết nên đã sắc thuốc cho uống nên trong miệng ta vẫn còn vị đắng đọng lại. Với những ký ức trong đầu và nhìn hiện trạng của căn nhà, ta dễ dàng biết được gia cảnh của nguyên chủ rất nghèo. Ta ngồi bó gối ở trước cửa cho tới khi mặt trời lặn. Theo trí nhớ, ta biết mình có rất nhiều việc cần làm nhưng cơ thể này quá yếu, chỉ đi mấy bước từ phòng ra cửa đã mệt lả người. Đang bần thần đếm sao trên trời thì "mẹ" và "em trai" về tới nhà. Không khác trong trí nhớ là bao, "mẹ" là một người phụ nữ trẻ nhưng bộ dạng khốn khó, mệt nhọc, "em trai" mới năm tuổi nhưng không khác gì đứa bé ba tuổi. Mẹ thấy ta thì ngạc nhiên lắm. Liên tục hỏi ta còn sốt không, còn đau đầu không con? Thì ra đây là cảm giác khi có mẹ. Bữa tối nay ta được húp cháo còn mẹ và em trai ngồi bên cạnh ăn khoai lang. Gọi là cháo nhưng một nửa bát là nước còn lại chỉ là mấy hạt gạo vụn. Không đành lòng nhìn em trai thèm thuồng nhìn bát cháo đến chảy nước miếng, ta liền đưa bát cho nó ăn.

Ta nhanh chóng chấp nhận cuộc sống mới. Chỉ là nhà ta quá nghèo. Vì nghèo nên ăn uống không đủ chất dẫn đến sức khỏe giảm sút, vì không có sức khỏe nên không kiếm ra nhiều tiền và bệnh tật triền miên dẫn đến đã nghèo còn nghèo hơn. Đấy là vòng tuần hoàn vô tận của cái nghèo đã đeo bám biết bao gia đình như chúng ta. Một lần lên núi hái rau dại về ăn, ta tìm thấy một mảng rừng mọc rất nhiều nấm. Có con sóc từ trên cây chạy xuống hái nấm ăn. Ta tự hỏi sóc cũng ăn nấm sao? Quan sát hồi lâu, ta thấy con sóc đó không có dấu hiệu bị trúng độc. Sau đó ta hái rất nhiều nấm đem về, quyết định đặt cược mạng sống vào chú sóc nhỏ. Tối đến, ta nấu một nồi canh nấm thật to. Ta nói với mẹ, nấm này ăn được mẹ ạ. Mẹ ái ngại nhìn ta rồi nhìn bát canh nóng hổi trên bàn. Lúc đó ta thấy một tia kiên định trong ánh mắt mẹ. Đó là bữa cơm ngon nhất từ lúc ta xuyên không đến đây. Rất nhiều năm sau này, mẹ mới nói cho ta. Lúc đó mẹ đã xác định cả nhà mình sẽ chết. Dù biết ăn bát canh này vào có thể sẽ mất mạng nhưng vì mùi hương tỏa ra khiến mẹ kìm lòng hơn được. Vì cuộc sống khổ quá rồi.

Nhờ có loại nấm đấy, bữa ăn của cả nhà được cải thiện hơn nhiều. Cũng trong chính khu rừng đó, vào năm mười một tuổi, ta đã gặp và cứu thiếu gia khi ngài trượt chân rơi xuống nước. Sau đó ta được nhận vào nhà thiếu gia làm người hầu trong phòng bếp. Sống trong phủ không lo cái ăn cái mặc, tiền công hàng tháng ta đều gửi về cho mẹ. Dần dà cuộc sống của mẹ và em trai đã khá hơn nhiều. Có thể vì trong phủ chỉ có mỗi hai đứa ta là trẻ con nên mỗi khi rảnh rỗi, thiếu gia sẽ chạy đến phòng bếp tìm ta chơi. Một lần, phu nhân thấy thiếu gia đang chỉ ta đọc chữ nên đã phân cho ta làm thư đồng bên cạnh, hàng ngày cùng ngài học sách viết chữ. Quãng thời niên thiếu của ta chỉ quanh quẩn bên thiếu gia và Trần công tử, đồng môn của ngài. Ba người chúng ta cùng đi học, cùng trèo tường ra ngoài chơi, cùng ăn cùng ngủ. Cứ thế trải qua quãng thời gian tươi đẹp nhất của mình. Cho đến một ngày cả hai đồng loạt muốn nhập ngũ.

Nhiều lúc ta tự hỏi liệu đây là Việt Nam hơn hai trăm năm trước hay là một Việt Nam ở thế giới song song. Dù là Việt Nam nào thì hiện tại cuộc chiến Trịnh – Nguyễn đã đi đến hồi kết và bắt đầu cuộc chiến giữa quân Tây Sơn và nhà Nguyễn. Sau khi đánh chiếm Quy Nhơn, Quảng Ngãi và Bình Thuận; đồng thời quy hàng chúa Trịnh, thanh thế của quân Tây Sơn ngày càng lớn. Năm ngoái, Nguyễn Nhạc xưng đế lấy niên hiệu là Thái Đức, phong Nguyễn Huệ làm Long Nhương tướng quân. Bên cạnh đó, chúa Trịnh Sâm ngày càng hoang đường, thấy Nguyễn Nhạc xưng đế nhưng ngại Quảng Nam xa xôi nên chẳng đoái hoài gì tới. Tiếng tăm của quân Tây Sơn đã đả động đến lòng quả cảm của thiếu gia và công tử. Cả hai quyết chí nam tiến, gia nhập đội quân của Long Nhương tướng quân.

"Hai người không thể đi! Quân Tây Sơn sẽ thua!"

"Làm sao em biết được?" Công tử nghi hoặc hỏi ta.

Bên này, thiếu gia đứng im lặng như thể đang chờ nghe ta sẽ trả lời thế nào. Nhưng ta còn có thể nói gì, ta không thể nói mình đến từ hai trăm năm trước, không thể nói Nguyễn Huệ sẽ chết, quân Tây Sơn đại bại và Nguyễn Ánh lên ngôi thống nhất đất nước. Nếu ta nói liệu hai người họ có tin hay không. Ngập ngừng trong giây lát. Nhìn ánh lửa lóe lên trong mắt của hai thiếu niên trước mặt, ta đã biết dù có nói thế nào cũng không cản được bước chân cả hai. Ta chỉ là... chỉ là... không muốn họ phải chết mà thôi.

"Vậy hai người có thể đưa em theo cùng được không?"

Hơn một tháng đi đường, ba người chúng ta đã đặt chân đến Quảng Nam. Lão gia và phu nhân vốn không cho phép thiếu gia đi nhưng cản không được nên đành nuốt nước mắt vào trong, đưa tiễn con trai lên đường. Ta không nói với mẹ là mình đi vào chiến trường. Hai năm sau khi ta xuyên tới, cha ta đã đi theo cuộc nổi dậy của Lê Duy Mật. Cha đều đặn gửi thư về báo bình an cho mẹ con chúng ta. Mỗi lần nhận được thư đều làm ta nhớ da diết chiếc điện thoại củ chuối của mình. Ở thời đại này, một bức thư gửi đi phải mất mấy tháng mới đến tay. Có khi thư còn bị lạc mất không chừng. Nhưng ta đâu biết ngày đưa tiễn đấy là một lần cha đi không bao giờ trở lại.

Alo, Diêm Vương đấy ạ, ngài đã gặp cha tôi chưa?

Trước khi vào doanh trại báo tên, thiếu gia để lại cho ta rất nhiều bạc. Ta lấy số tiền đó mua một căn nhà nhỏ và mở một quầy đậu phụ trước cửa, kiếm miếng cơm qua ngày.

Một buổi tối của ba năm sau, hai người họ lẻn trốn khỏi doanh trại về thăm ta. Hai người mạo hiểm đi đi về về chỉ để báo tin, cả hai sắp sửa tham gia một trận đánh lớn.

"Có phải chỉ huy lần này là phò mã Trương Văn Đa?"

"Đúng vậy, ta còn chưa nói cho em biết..."

"Không được, không được. Bão, có bão đấy. Hai người phải cẩn thận. Nhất định phải hết sức cẩn thận."

Thiếu gia vẫn như trước đứng lặng im lắng nghe ta nói.

"Đúng rồi, Phú Quốc! Nguyễn Ánh nhất định sẽ tìm đường chạy ra Phú Quốc, các huynh hãy... Không, không... trước đó... trước đó ông ta còn chạy sang một hòn đảo khác nữa. Tên là... tên... Aaaa, sao lại quên ngay lúc này được chứ!"

"Nấm nhỏ, em đừng gấp. Không sao đâu, hai chúng ta sẽ bình an trở về mà." Công tử lên tiếng trấn an ta. Ta bất an nhìn về phía thiếu gia, chàng khẽ gật đầu.

Trước khi đi, công tử lén đưa cho ta một miếng ngọc bội.

"Chờ ta quay về có được không?"

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top