Y thien do long ky - hoi 25b

Nguồn: http://book.ipvnn.com

Hồi 25 CỬ HỎA LIỆU THIÊN HÀ HOÀNG HOÀNG

Qua ngày thứ ba, chất độc trong người hai vị Du Ân đã hoàn toàn trừ hết, Trương Vô Kỵ liền đem Hắc Ngọc Đoạn Tục Cao thật bôi lên tứ chi hai người. Lần này không chuyện gì xảy ra, Hắc Ngọc Đoạn Tục Cao quả nhiên công hiệu như thần, chỉ hai tháng sau, hai tay của Ân Lê Đình đã hoạt động lại, xem ra sau này không những tay chân cử động bình thường mà võ công cũng không mất mát lắm. Chỉ có Du Đại Nham tàn phế lâu năm, muốn được như xưa thì thật khó, nhưng xem tình hình hồi phục của ông ta, chỉ sáu tháng thôi, có thể dùng nạng cặp vào nách thay chân bước đi chầm chậm được rồi, tuy vẫn còn tàn phế nhưng không còn là một người nằm ỳ một chỗ không động đậy được gì như trước.

Trương Vô Kỵ ở lại trên núi Võ Đương lâu như thế, những người của Ngũ Hành Kỳ cử đi các phái trước sau đã quay trở về, đem toàn những tin tức khiến ai nấy đều kinh ngạc. Toàn bộ nhân chúng các phái Nga Mi, Hoa Sơn, Không Động, Côn Lôn viễn chinh Quang Minh Đính, không một người nào trở về cả. Trên giang hồ thì thầm đồn đãi, ai cũng bảo rằng Minh giáo người nhiều thế mạnh, đã tiêu diệt toàn bộ các cao thủ đi Tây Vực rồi, nay đang chia ra đi đánh các phái. Các tăng nhân phái Thiếu Lâm đột nhiên thất tung đã đem tới một trận phong ba không tiền khoáng hậu trong võ lâm. Cũng may các phó sứ Ngũ Hành Kỳ lần này đi ai cũng mang theo tín phù của Trương Tam Phong, lại không tiết lộ thân phận mình, nếu không chắc cũng đã bị đánh cho một trận tơi bời. Cũng theo các chưởng kỳ phó sứ, hiện nay các môn phái, bang hội, đến cả các tiêu hãng, sơn trại, thuyền bang, bến đò bãi nước đều đâu đâu cũng nghiêm mật canh phòng sợ Minh giáo bất ngờ đến đánh.

Thêm vài ngày nữa, cha con Ân Thiên Chính và Ân Dã Vương cũng quay về núi Võ Đương, cho hay Thiên Ưng Kỳ đã hoàn toàn chỉnh đốn, tất cả đều qui thuộc Minh giáo. Hai người cũng cho hay phía đông nam quần hùng đang nổi lên, những người phản Nguyên chỗ này xuống thì chỗ khác lại lên, thiên hạ đã thành đại loạn. Thời đó quân Nguyên còn rất mạnh, nơi nào cũng chỉ một mình chiến đấu, không ai liên lạc hô ứng với ai thành thử chưa được dân chúng hưởng ứng đã bị tiêu diệt.

Buổi chiều hôm đó, Trương Tam Phong cho dọn cỗ chay ở hậu điện ca ngợi tin tức của cha con Ân Thiên Chính. Trên bàn, Ân Thiên Chính phân tích nguyên nhân thất bại của các nơi, nơi nào cũng có người của Minh giáo và Thiên Ưng giáo tham gia, bị quân Nguyên hoặc bắt bớ, hoặc tàn sát số người tuẫn nạn thật là đông. Quần hào nghe thế không ai là không ngậm ngùi.

Dương Tiêu nói:

- Trăm họ khổ sở đã nhiều, ai ai cũng trong đợi có sự thay đổi, chính là lúc thuận tiện để đuổi quân Thát tử, lấy lại giang sơn. Năm xưa Dương giáo chủ còn tại thế, ngày đêm nghĩ chuyện hưng phục, có điều bản giáo xưa nay hành sự lệch lạc, hơn trăm năm qua gây oán chuốc thù vớ võ lâm Trung Nguyên, thành ra khó mà cùng nhau nắm tay giết giặc. Thế nhưng trời thương đưa Trương giáo chủ lên coi sóc giáo vụ, oán thù với các phái tạm cởi phần nào, chính là thời cơ đồng tâm hiệp lực, cùng nhau chống lại Hồ Lỗ.

Chu Điên nói:

- Dương tả sứ, lời của ông nghe ra thì không sai. Có điều chỉ là nói chơi cho vui, cũng thật tào lao cán cuốc.

Dương Tiêu nghe rồi không nổi giận, chỉ nói:

- Vậy xin được Chu huynh chỉ giáo.

Chu Điên nói:

- Trên giang hồ ai cũng đồn là Minh giáo chúng ta giết sạch cao thủ các môn phái, chỉ nghe hai chữ “Minh giáo” là người ta đã giận thấu xương, lấy gì mà “đồng tâm hiệp lực, khu trừ Hồ Lỗ” cho được? Nói ra thì nghe hay lắm, nhưng làm sao mà thực hành?

Dương Tiêu nói:

- Chúng mình tuy bị mang tiếng xấu, nhưng thực ra mình sáng như ban ngày, huống chi lại có Trương chân nhân minh chứng điều đó.

Chu Điên cười nói:

- Nếu quả như mình có giết bọn Tống Viễn Kiều, Diệt Tuyệt lão ni, Hà Thái Xung thì Trương chân nhân cũng bị đánh lừa luôn, lấy gì mà làm chứng cho được?

Thiết Quan đạo nhân quát lên:

- Chu Điên, trước mặt Trương chân nhân và giáo chủ, không được nói lếu nói láo.

Chu Điên le lưỡi nhưng không nói gì thêm. Bành Oánh Ngọc nói:

- Lời của Chu huynh cũng không phải là hoàn toàn vô lý. Cứ như ý của bần tăng, chúng ta nên triệu tập một đại hội Minh giáo các thủ lãnh khắp nơi, nói rõ ý của Trương giáo chủ muốn thân thiện với các môn phái. Ngoài ra nhiều người sự việc cũng rõ ràng hơn, để xem Tống đại hiệp, Diệt Tuyệt sư thái các người ở đâu, trong đại hội cũng có thể tra cứu được.

Chu Điên nói:

- Muốn biết tung tích Tống đại hiệp thật là quá dễ, có thể nói là như thổi tro trong bếp.

Mọi người nhao nhao hỏi:

- Sao thế? Sao không nói sớm?

Chu Điên dương dương đắc ý, uống một chén rượu nói:

- Chỉ cần giáo chủ lại hỏi Triệu cô nương một câu, ít ra mười phần cũng biết được đến chín. Tôi dám nói là những người đó không bị cô ta giết thì cũng bị cô ta bắt rồi.

Hơn hai tháng qua, Vi Nhất Tiếu, Dương Tiêu, Bành Oánh Ngọc, Thuyết Bất Đắc cả bọn chia nhau ra xuống núi dò tìm tông tích, lai lịch Triệu Mẫn, nhưng từ sau hôm nàng đến cửa quan cùng Trương Vô Kỵ đập tay thề thốt đến nay, không biết cả bọn họ đi đâu mất tăm, ngay những thủ hạ đông đảo thế mà cũng không tìm đâu ra một chút dấu vết nào. Quần hào ai nấy suy tính, tin chắc bọn họ thể nào cũng có liên quan đến triều đình, nhưng ngoài điều đó ra vẫn không thấy thêm đầu dây mối nhợ khác. Bây giờ lại nghe Chu Điên nói, ai nấy liền cự ngay:

- Ngươi nói mới thật là tào lao. Nếu như tìm ra được cô gái họ Triệu kia, chẳng lẽ bọn ta không biết dò hỏi chắc?

Chu Điên cười:

- Các ngươi tìm không ra là phải, ai mà chẳng biết. Thế nhưng giáo chủ còn nợ cô ta ba chuyện chưa làm, không lẽ một người ghê gớm như cô ta lại bỏ qua không hỏi đến? Ha ha, cô gái đó thật là nguyệt thẹn hoa nhường, thế mà mỗi lần nghĩ đến cô ta là Chu mỗ lại dựng tóc gáy, sợ muốn chết.

Mọi người nghe y pha trò đều cười ồ lên, nhưng nghĩ lại thì quả là đúng thế. Trương Vô Kỵ thở dài:

- Ta cũng chỉ mong cô ta ra ba nạn đề để hết sức làm cho xong món nợ, khỏi phải ngày đêm khắc khoải, không biết cô ta còn giở trò gì quái đản nữa không. Bành đại sư vừa đưa ý kiến bản giáo triệu tập thủ lãnh các nơi, việc này xem ra nên lắm, các vị có ý gì không?

Quần hào đều đáp:

- Nên lắm. Mình ở trên núi Võ Đương ngồi không cũng chẳng làm được việc gì.

Dương Tiêu nói:

- Giáo chủ nghĩ xem mình nên tập họp ở đâu cho phải?

Trương Vô Kỵ suy nghĩ một hồi, nói:

- Bản nhân hôm nay đảm nhiệm chức vị giáo chủ, vẫn thường nghĩ đến ân tình của hai vị trong bản giáo. Người thứ nhất là Điệp Cốc Y Tiên Hồ Thanh Ngưu tiên sinh, lão nhân gia nay đã chết vì tay Kim Hoa bà bà. Người kia là Thường Ngộ Xuân đại ca, không biết lúc này đang ở nơi đâu. Tôi nghĩ đại hội kỳ này nên cử hành tại Hồ Điệp Cốc ở Hoài Bắc.

Chu Điên vỗ tay nói:

- Hay lắm, hay lắm. Cái lão Kiến Tử Bất Cứu năm xưa tôi vẫn hay cãi nhau với hắn, cũng không đến nỗi tệ hại, chỉ phải cái tính khí thất thường, so với Dương tả sứ thì cũng cá mè một lứa. Y thấy chết không cứu, thành ra lúc y chết cũng chẳng ai cứu cho, đúng là báo ứng. Chu Điên này cũng muốn đến trước mộ y rập đầu vài cái.

Quần hào không ai còn ý gì khác, qui định hơn ba tháng nữa nhằm tháng tám Trung Thu, tất cả các thủ lãnh của Minh giáo cùng đến nơi nhà cũ của Hồ Thanh Ngưu ở Hồ Điệp Cốc tại Hoài Bắc tụ hội.

Sáng sớm hôm sau, các cấp của Ngũ Hành Kỳ và Thiên Ưng Kỳ chia nhau ra đi từ núi Võ Đương truyền hiệu lệnh của giáo chủ:

Các lộ giáo chúng, từ hương chủ trở lên hãy giao lại giáo vụ cho người phụ tá đảm trách, đến Hồ Điệp Cốc tại Hoài Bắc trước ngày Trung Thu tháng tám để tham kiến tân giáo chủ.

Từ nay đến ngày Trung Thu còn xa, Trương Vô Kỵ thấy Du Đại Nham và Ân Lê Đình bệnh tình chưa khỏi hẳn, sợ thương thế nếu như trở lại thì thật phí bao công phu, nên tạm ở lại núi Võ Đương lo lắng cho hai vị Du Ân, khi rảnh rỗi thì học hỏi Trương Tam Phong thêm về Thái Cực Quyền, Thái Cực Kiếm. Vi Nhất Tiếu, Bành Oánh Ngọc, Thuyết Bất Đắc thì đi du hành các nơi, thám thính tung tích của Triệu Mẫn.

Dương Tiêu theo lệnh giáo chủ ở lại núi Võ Đương, thế nhưng vì chuyện Kỷ Hiểu Phù, đối với Ân Lê Đình có phần bẽ mặt, bình thời chỉ đóng cửa đọc sách, chẳng mấy khi rời khỏi phòng một bước. Cứ thế đến hơn hai tháng, một buổi chiều, Trương Vô Kỵ đến gặp Dương Tiêu bàn về những việc cần phải truyền xuống các giáo chúng trong đại hội sắp tới tại Hồ Điệp Cốc. Chàng tuổi trẻ, kiến thức nông cạn, bỗng dưng phải đảm trách trọng nhiệm, thường vẫn lo ngay ngáy, chỉ sợ thất thố làm hư đại sự. Dương Tiêu thông hiểu giáo vụ nên Trương Vô Kỵ giữ lại bên cạnh, có việc gì thì hỏi.

Hai người nói chuyện một lát, Trương Vô Kỵ thuận tay cầm một cuốn sách trên bàn của Dương Tiêu lên, thấy trên bìa có viết bảy chữ tựa đề “Minh Giáo Lưu Truyền Trung Thổ Ký”, bên dưới có một hàng chữ nhỏ “Đệ Tử Quang Minh Tả Sứ Dương Tiêu cung soạn”. Trương Vô Kỵ nói:

- Dương tả sứ, ông văn võ toàn tài, thật là rường cột của bản giáo.

Dương Tiêu chắp tay:

- Đa tạ giáo chủ khen ngợi.

Trương Vô Kỵ mở sách ra, thấy viết bằng chữ nhỏ theo lối khải, mọi việc đều dẫn chứng sách vở rõ ràng. Trong sách kể lại minh bạch, Minh giáo nguyên từ nước Ba Tư, tên thật là Ma Ni giáo, truyền vào Trung thổ từ Diên Tải nguyên niên, đời Đường Võ Hậu. Thời đó người Ba Tư tên là Phí Đa Diên mang bộ Tam Tông Kinh của Minh giáo đến triều, là lần đầu tiên người Trung Quốc biết đến bộ kinh này. Ngày hai mươi chín tháng sáu năm thứ ba đời Đại Lịch nhà Đường, chùa Minh giáo Đại Vân Quang Minh được xây cất tại Lạc Dương, Trường An. Sau đó tại các thị trấn lớn như Thái Nguyên, Kinh Châu, Dương Châu, Hồng Châu, Việt Châu cũng đều có Đại Vân Quang Minh tự. Tới năm Hội Xương thứ ba, triều đình ra lệnh giết giáo đồ, thế lực Minh giáo đại suy. Từ đó về sau, Minh giáo trở thành một tôn giáo bí mật, phạm cấm, đời nào cũng bị quan phủ truy lùng giết chóc. Để có thể sinh tồn, người trong Minh giáo không thể không hành sự ngụy bí, để rồi chữ Ma trong Ma Ni bị đổi thành Ma, đồng nghĩa với tà ma, người ngoài gọi là ma giáo.[4]

Trương Vô Kỵ đọc đến đoạn này, không khỏi thở dài, nói:

- Dương tả sứ, giáo chỉ của bản giáo nguyên là làm điều thiện, trừ điều ác, cùng với đạo Phật chẳng khác bao nhiêu, vậy mà từ đời Đường đến giờ, đời nào sao cũng bị giết hại thảm họa?

Dương Tiêu nói:

- Người trong Thích đạo tuy nói phổ độ chúng sinh, nhưng tăng chúng xuất gia đều cố giữ thanh tu, không để ý đến chuyện đời. Đạo gia cũng thế. Còn bản giáo tụ tập lương dân, bất luận ai gặp nguy nan khốn khổ thì mọi giáo chúng đều ra tay giúp đỡ. Quan phủ áp bức dân lành, có đời nào ít đâu? Có vùng nào ít đâu? Nếu có người nào bị quan phủ ức hiếp, oan khuất, bản giáo liền đứng ra chống lại.

Trương Vô Kỵ gật đầu:

- Chỉ khi nào triều đình, quan lại không còn áp bức dân lành, thổ hào ác bá không còn hoành hành vô phép tắc, đến lúc ấy bản giáo mới có thể hưng vượng được.

Dương Tiêu vỗ bàn đứng dậy, lớn tiếng nói:

- Lời của giáo chủ quả thật nói lên được tôn chỉ gốc rễ của bản giáo.

Trương Vô Kỵ nói:

- Dương tả sứ, ông xem có một ngày nào được như thế chăng?

Dương Tiêu trầm ngâm một hồi lâu rồi nói:

- Cũng chỉ mong được một ngày như thế. Phương Lạp, Phương giáo chủ của bản giáo đời Tống khởi sự cũng chỉ vì muốn quan lại không áp bức dân lành mà thôi.

Y lật quyển sách chỉ vào đoạn chép về giáo chủ Minh giáo Phương Lạp tại Chiết Đông nổi lên, chấn động thiên hạ. Trương Vô Kỵ đọc xong trầm ngâm, gập sách lại nói:

- Đại trượng phu cố nhiên phải như thế. Tuy Phương giáo chủ tuẫn nạn, thân vong nhưng cũng làm nên một sự nghiệp thật là oanh liệt.

Hai người cùng một lòng, không nói mà nhiệt huyết nổi lên bừng bừng.

Dương Tiêu lại nói:

- Bản giáo đời nào cũng bị nghiêm cấm, thế nhưng thủy chung vẫn đứng được mà không sụp đổ. Năm Thiệu Hưng thứ tư đời Nam Tống có một viên quan tên là Vương Cư Chính gửi lên hoàng đế một đạo tấu chương, nói về việc của bản giáo, giáo chủ có thể xem qua.

Nói rồi lật cuốn sách đến đoạn sao lục tấu chương của Vương Cư Chính. Trương Vô Kỵ đọc thấy trong đó viết như sau:

“Thần thấy hai huyện Chiết Châu có tập tục ăn rau phụng thờ ma vương. Trước đời Phương Lạp, pháp cấm còn lỏng, mà việc tôn thờ ma quỉ chưa đến nỗi mạnh. Phương Lạp chết rồi, pháp cấm càng nghiêm, nhưng việc thờ ma lại càng mạnh không trừ nổi... Thần nghe nói rằng kẻ thờ ma, mỗi làng mỗi xóm có một hai tên kiệt hiệt, gọi là ma đầu, xem hết các tên họ trong thôn, đều có thề thốt gia nhập ma đảng. Kẻ thờ ma không ăn thịt. Một nhà có chuyện gì, tất cả đồng đảng đều đến giúp đỡ. Vì chưng chúng không ăn thịt nên giảm chi tiêu, mà giảm chi tiêu nên dễ đầy đủ. Cùng một đảng nên thân lẫn nhau, thân lẫn nhau nên có chuyện gì dễ giúp nhau …”

Trương Vô Kỵ đọc đến đây nói:

- Gã Vương Cư Chính này tuy là cừu địch nhưng quả biết rằng giáo chúng trong bản giáo sống tiết kiệm, giản phác, tương thân tương ái.

Chàng lại đọc tiếp đoạn sau của tấu chương:

“… vì thế thần cố theo đạo của tiên vương để làm cho dân tương thân, tương hữu, tương trợ. Cốt sống đạm bạc, dạy dân tiết kiệm, khuyến khích lối sống giản dị. Nay làm kẻ dẫn dắt nhân dân, nên không thể không lấy đó làm cách trị dân. Thế nhưng những ma đầu đã trộm cái cách của triều đình để khuyến dụ dân chúng rồi, nên người người đều ca tụng đạo ma, đi trợ giúp tà thuyết. Dân ngu không biết gì cả, nghe lời ma, thờ đạo ma, dễ đủ ăn, dễ trợ giúp, thành ra những gì ma đầu nói ra đều tin, tất cả đều theo về với chúng. Thành ra pháp cấm càng nghiêm, thì lại càng không thắng được những điều cấm.”

Chàng đọc đến đây, quay sang nói với Dương Tiêu:

- Dương tả sứ, cái câu “pháp cấm dũ nghiêm, nhi dũ bất khả thắng cấm” chính là rõ ràng nói lên việc bản giáo được lòng dân chúng. Tả sứ cho tôi mượn bộ sách này để tôi đọc, hiểu thêm công đức, các việc còn dở dang, cùng di huấn của các vị vãng thánh tiên hiền trong bản giáo, được chăng?

Dương Tiêu nói:

- Chính đang mong được giáo chủ chỉ giáo.

Trương Vô Kỵ cầm quyển sách cất đi, nói:

- Du tam bá và Ân lục thúc thương thế đã đỡ nhiều, ngày mai mình lên đường đi Hồ Điệp Cốc. Tôi còn một việc muốn bàn với Dương tả sứ, có liên quan đến em Bất Hối.

Dương Tiêu tưởng chàng mở miệng cầu hôn, trong lòng mừng lắm, nói:

- Tính mạng của Bất Hối toàn do giáo chủ ban cho, cha con thuộc hạ cảm ân đâu phải chỉ mong báo đáp một ngày mà xong. Giáo chủ có điều gì sai bảo cũng xin vui vẻ tuân theo.

Trương Vô Kỵ bèn đem chuyện Dương Bất Hối hôm trước thổ lộ với mình ra kể lại từ đầu chí cuối. Dương Tiêu nghe xong, ngạc nhiên quá đỗi đến thừ người ra, hồi lâu mới nói:

- Tiểu nữ được Ân lục hiệp ghé mắt đến, quả thực là may mắn cho nhà họ Dương biết chừng nào. Có điều hai người tuổi tác chênh lệch, vai vế kẻ thấp người cao, cái đó... cái đó...

Y ấp úng hai câu “cái đó” rồi không nói thêm được nữa. Trương Vô Kỵ nói:

- Ân lục thúc cũng chưa đến bốn mươi, đang tuổi khỏe mạnh. Bất Hối muội tử có gọi ông ta một câu “Ân thúc thúc”, nhưng thực ra nào có máu mủ liên quan gì đâu, sư môn hai bên cũng khác. Hai người nếu tình đầu ý hợp, nếu như thành được nhân duyên, cái hiềm khích cũ của đời trước nay hoàn toàn xóa sạch, chính là một mỹ sự rất lớn.

Dương Tiêu vốn dĩ là người khoáng đạt, chỉ vì chuyện của Kỷ Hiểu Phù, mỗi khi gặp Ân Lê Đình không khỏi sượng sùng, nghĩ thầm nếu như Bất Hối lại thương ông ta, kết thành tình thân, thì cũng giải quyết được cái khó xử của mình, từ nay Minh giáo và Võ Đương không còn khúc mắc gì nữa, bèn vái một cái thật sâu nói:

- Giáo chủ ngọc thành chuyện này đủ biết lo lắng cho cha con tôi biết dường nào. Thuộc hạ xin cảm ơn trước.

Tối hôm đó, Trương Vô Kỵ truyền tin đó ra, quần hào lục tục chúc mừng Ân Lê Đình. Dương Bất Hối cả thẹn, ẩn ở trong phòng không ló đầu ra. Trương Tam Phong và Du Đại Nham nghe chuyện đó, lúc đầu cũng hơi kinh ngạc, nhưng lập tức mừng cho Ân Lê Đình. Nói đến hôn kỳ, Ân Lê Đình nói:

- Đợi đại sư ca và anh em về núi rồi, tất cả đoàn tụ, lúc đó hãy tính đến chuyện vui cũng không muộn.

Hôm sau Trương Vô Kỵ cùng Dương Tiêu, Ân Thiên Chính, Ân Dã Vương, Thiết Quan đạo nhân, Chu Điên, Tiểu Siêu tất cả bọn từ biệt thầy trò Trương Tam Phong, cùng lên đường đi Hoài Bắc.

Dương Bất Hối ở lại núi Võ Đương phục thị Ân Lê Đình. Thời đó chuyện giao tiếp nam nữ tuy nghiêm nhặt nhưng họ đều là người trong võ lâm nên cũng không mấy để ý đến chuyện nhỏ nhặt.

Đoàn người Minh giáo ngày đi đêm nghỉ, theo hướng đông bắc mà đi. Trên đường đâu đâu cũng thấy đất đai hoang phế, dân chúng đói khổ. Miền duyên hải vốn là nơi trù phú màu mỡ, nhưng nay người chết đói đầy đường, dân chúng khốn khó đến cùng cực. Quần hào thương cho nhân dân bị tai kiếp như thế, biết rằng người Mông Cổ tàn ác khốc liệt ắt không còn có thể ở tại trung thổ bao lâu nữa, chính là cơ hội tốt để anh hùng hào kiệt đứng lên chống lại.

Hôm đó đi đến Giới Bài Tập, còn cách Hồ Điệp Cốc không bao xa, đang đi trên đường bỗng nghe tiếng la hét chém giết từ phía trước vọng tới, hai phe nhân mã đang lúc giao tranh. Quần hào giục ngựa chạy lên, qua khỏi một khu rừng rậm, thấy khoảng hơn một nghìn lính Mông Cổ chia thành hai bên đang tấn công một tòa sơn trại. Trên sơn trại phất phới một lá cờ lớn có vẽ hình một ngọn lửa đỏ đang cháy, chính là cờ của Minh giáo. Trong trại nhân số không đông, xem chừng đánh không lại nhưng vẫn cố thủ không chịu thua. Quân Mông Cổ bắn tên như mưa, kêu lớn:

- Bọn phản tặc ma giáo kia, mau mau đầu hàng.

Chu Điên nói:

- Giáo chủ, mình tiến lên chứ?

Trương Vô Kỵ đáp:

- Phải, mình trước hết tiêu diệt bọn quân quan chỉ huy.

Dương Tiêu, Ân Thiên Chính, Ân Dã Vương, Chu Điên, Thiết Quan đạo nhân nghe lệnh xông ra, xông thẳng vào quân địch, trường kiếm tung hoành, hai tên bách phu trưởng bị chém ngã trước, kế đến tên thiên phu trưởng chỉ huy đội quân bị Ân Dã Vương một đao giết luôn. Quân Nguyên như rắn mất đầu, lập tức loạn cả lên.

Người trong sơn trại thấy có tiếp viện ở bên ngoài, lớn tiếng reo hò. Cổng trại mở ra, một người đàn ông mặt áo đen cầm trường mâu, xông ra trước tiên, quân Nguyên đều dạt cả ra không ai dám chống đỡ. Chỉ thấy đại hán đó trường mâu lấp loáng một cái là một tên lính Mông Cổ bị đâm chết, rơi ngay xuống ngựa. Quân Nguyên kinh hoảng hô hoán luôn mồm, chạy tứ tán.

Bọn Dương Tiêu thấy thanh niên đó uy phong lẫm lẫm, chẳng khác gì tướng nhà trời, ai nấy đều tấm tắc khen ngợi:

- Quả thực là một tướng quân anh hùng.

Lúc này Trương Vô Kỵ đã nhìn rõ diện mạo viên tướng đó, chính là đại ca Thường Ngộ Xuân, người mà chàng hằng mong nhớ. Chỉ hiềm đang lúc giao tranh, không tiện tiến lên gặp nhau. Người của Minh giáo trước sau giáp công, quân Nguyên chết đến năm sáu trăm người, còn lại không dám ham đánh tiếp, chia nhau ra tìm đường chạy.

Thường Ngộ Xuân cầm ngang ngọn giáo cười lớn, hỏi:

- Anh em ở lộ nào đến tương trợ đó? Thường mỗ thật là cảm kích.

Trương Vô Kỵ kêu lên:

- Thường đại ca, có nhớ tiểu đệ chăng?

Chàng tung mình chạy lên, nắm chặt lấy tay y. Thường Ngộ Xuân khom lưng phục xuống lạy, nói:

- Giáo chủ huynh đệ, ta tuy là đại ca thực nhưng lại là thuộc hạ của người, quả thực sung sướng không để đâu cho hết.

Thì ra Thường Ngộ Xuân thuộc về Ngũ Hành Kỳ, do Cự Mộc Kỳ cai quản. Việc Trương Vô Kỵ tiếp nhiệm giáo chủ ra sao đã được chưởng kỳ sứ Văn Thương Tùng cho biết rồi. Từ đó đến nay, y cùng anh em dưới quyền ngày ngày trông ngóng Trương Vô Kỵ, không ngờ quân Nguyên lại tiến đến vây đánh. Thường Ngộ Xuân thấy mình thế ít không đánh lại số đông, cố ý làm như khiếp sợ, dụ quân Nguyên vào trại sau đó sẽ xông ra tiêu diệt. Thế nhưng Trương Vô Kỵ và đồng bọn đến tiếp ứng, y liền thừa thế mở cổng xông ra. Y ở trong Minh giáo chức vị không cao, cho nên liền quay sang chào Dương Tiêu, Ân Thiên Chính tất cả mọi người. Quần hào thấy y là anh em kết nghĩa của giáo chủ, không ai dám tỏ vẻ bề trên, chắp tay hỏi thăm, đãi y cực kỳ lễ mạo.

Thường Ngộ Xuân mời tất cả vào trong, giết dê mổ bò, mở một tiệc rượu kể lại hết mọi sự tình. Mấy năm qua Hoài Nam, Hoài Bắc bị hạn hán liên tiếp, dân chúng khổ sở không sao kể xiết. Thường Ngộ Xuân không cách gì sinh nhai, liền tụ tập một số anh em, làm trò lục lâm thảo khấu sống cũng thoải mái. Trong sơn trại lương thực tiền bạc kha khá liền đem ra cứu tế chẩn bần. Quân Nguyên mấy lần tiến đánh đều không làm được gì.

Cả bọn nghỉ lại sơn trại một đêm, hôm sau cùng Thường Ngộ Xuân tất cả đi Hoài Bắc, liệu rằng quân Nguyên mới thua xong, trong vòng một vài tháng chưa thể nào lại tấn công lần nữa.

Vài ngày sau họ đến bên ngoài Hồ Điệp Cốc. Những giáo chúng đến trước nghe tin giáo chủ giá lâm, xếp thành hàng ra khỏi sơn cốc nghênh tiếp. Lúc đó Cự Mộc Kỳ đã ra lệnh cho anh em dưới trướng xây dựng một số nhà lá nhà gỗ trong Hồ Điệp Cốc để cho các lộ giáo chúng có chỗ nghỉ ngơi. Vi Nhất Tiếu, Bành Oánh Ngọc, Thuyết Bất Đắc đã tới đây từ trước, bẩm rằng chưa tìm ra được tin tức gì về Triệu cô nương cả.

Trương Vô Kỵ tiếp các lộ giáo chúng xong, chuẩn bị tế phẩm, đến mộ vợ chồng Hồ Thanh Ngưu và Kỷ Hiểu Phù thắp hương, nghĩ đến năm xưa lúc ra đi khỏi Hồ Điệp Cốc thê thảm bực nào, còn nay quay trở lại vinh hiển xiết bao, phong quang vô hạn, chẳng khác nào ở một kiếp khác.

Ba ngày sau là đúng ngày rằm tháng tám, trong Hồ Điệp Cốc xây một đài cao, bên trên đốt một ngọn lửa bừng bừng. Trương Vô Kỵ lên đài tuyên bố từ nay xóa bỏ hết các tị hiềm từ trước với các môn phái trung nguyên, cùng ý muốn phản Nguyên kháng Hồ, lại ban bố trở lại giáo qui tôn chỉ hành thiện khử ác, trừ bạo an dân. Các giáo chúng cùng đứng lên, người nào cũng đốt hương cầm trên tay, thề tuân hành lệnh chỉ của giáo chủ quyết không vi phạm.

Hôm đó trên đài lửa bốc ngất trời, khói hương mù mịt, từ xưa tới nay chưa có thời nào Minh giáo thịnh vượng như hôm nay. Các giáo chúng có tuổi thấy khí thế đó, nghĩ đến mấy chục năm nay chia năm xẻ bảy, mấy lần tưởng như sụp đổ đến nơi, mừng quá nhịn không nổi khóc òa lên.

Quá trưa giáo chúng thuộc hạ đến bẩm báo:

- Hạ thuộc Hồng Thủy Kỳ là bọn Chu Nguyên Chương, Từ Đạt xin cầu kiến.

Trương Vô Kỵ mừng lắm, đích thân đi ra cửa đón chào. Chu Nguyên Chương, Từ Đạt cùng bọn Thang Hòa, Đặng Dũ, Hoa Vân, Ngô Lương, Ngô Trinh cung kính đứng ở ngoài cổng, trông thấy Trương Vô Kỵ đi ra, tất cả đều khom lưng hành lễ, nói:

- Tham kiến giáo chủ.

Trương Vô Kỵ vẫn thường nhớ đến ơn cứu mạng năm xưa của Từ Đạt, thấy cả bọn mừng không để đâu cho xiết. Lập tức hoàn lễ, tay trái dắt Chu Nguyên Chương, tay phải nắm Từ Đạt cùng tiến vào trong nhà cùng tất cả ngồi xuống. Mọi người ai nấy xin lỗi rồi mới dám ngồi.

Khi đó Chu Nguyên Chương đã hoàn tục, không còn ăn mặc theo lối nhà sư, nói:

- Bọn thuộc hạ phụng lệnh chỉ của giáo chủ, đi đến Hồ Điệp Cốc, vốn định tới sớm để nghe sai bảo, ngờ đâu giữa đường gặp một chuyện cực kỳ quái lạ, bọn thuộc hạ vội vàng đi theo tra cứu khiến cho lỡ mất hội kỳ, xin được giáo chủ tha tội cho.

Trương Vô Kỵ hỏi:

- Không biết anh em gặp chuyện gì thế?

Chu Nguyên Chương đáp:

- Thượng tuần tháng sáu, chúng tôi nhận được lệnh chỉ của giáo chủ, cả bọn cực kỳ hoan hỉ, anh em đều bàn tính phải đi kiếm món lễ vật gì để mừng giáo chủ. Đất Hoài Bắc đang khổ cực, chẳng có món gì đáng giá, cũng may kỳ hội còn xa, anh em liền lên đường đi Sơn Đông một chuyến. Anh em chúng tôi ngoại rằng quan quân nhận ra được nên giả làm bọn đánh xe lừa, thuộc hạ đóng vai đầu sỏ. Đến phủ Qui Đức, tỉnh Hà Nam chúng tôi gặp một bọn khách thuê xe đi Hà Trạch, Sơn Đông, đi giữa đường, đột nhiên có một bọn người chặn lại, vung đao giơ thương cực kỳ dữ dằn, đuổi hết những người khách trong xe xuống, bảo bọn tôi đi chở khách khác. Lúc đó Hoa huynh đệ đã toan cự lại, Từ huynh đệ liền đưa mắt cho y, bảo y xem rõ tình hình rồi có động thủ cũng chưa muộn. Bọn đó dẫn cả chín cái xe chúng tôi tới một hẻm núi, nơi đó cũng đã có sẵn hơn chục cái xe lớn chờ rồi, thế nhưng ngồi dưới đất lại toàn là sư sãi. 

Trương Vô Kỵ hỏi lại:

- Toàn là sư sãi?

Chu Nguyên Chương đáp:

- Đúng thế. Những hòa thượng đó ai nấy ủ rũ, dáng điệu uể oải, nhưng trong đó có vài người hình dáng không phải tầm thường, người thì thái dương huyệt nổi cao, người thì cao lớn vạm vỡ. Từ huynh đệ liền nói nhỏ cho tôi biết những nhà sư này ai nấy đều võ nghệ cao cường. Bọn người hung ác kia bảo các hòa thượng ngồi lên xe, rồi bắt chúng tôi đi về hướng bắc. Thuộc hạ nghĩ rằng bên trong ắt có gì khác lạ, nên lén dặn các anh em phải đề phòng, tuyệt đối không được làm lộ hình tích. Trên đường đi anh em chúng tôi cố lắng nghe bọn người hung ác kia nói những gì, nhưng bọn đó giữ thật là kín đáo, trước mặt chúng tôi không nói nửa câu. Về sau Ngô Lương huynh đệ thu hết can đảm, nửa đêm mò đến gần cửa sổ nghe trộm, liên tiếp bốn năm đêm, mới dò ra được chút đầu mối, thì ra các nhà sư đó đều ở chùa Thiếu Lâm tại Tung Sơn tỉnh Hà Nam.

Trương Vô Kỵ vốn đã đoán được đôi phần, nhưng cũng “A” lên một tiếng.

Chu Nguyên Chương kể tiếp:

- Ngô Lương huynh đệ lại nghe một trong những gã hung ác kia nói: “Chủ nhân quả thực thần cơ diệu toán, khiến cho ai cũng bái phục. Các cao thủ Thiếu Lâm, Võ Đương sáu môn phái đều lọt vào tay ta hết, từ xưa tới nay đã ai làm được thế bao giờ đâu?”. Lại một người khác nói: “Cái đó cũng chưa lấy làm lạ. Nhất tiễn song điêu, cái hay là làm cho các ma đầu của ma giáo cũng bị quàng vào trong”. Anh em bảy người chúng tôi giả vờ xuất cung[5], ở bên ngoài nhà xí nho nhỏ bàn tính, nếu như việc này có dính cả bản giáo vào trong may sao anh em mình lại biết, thì phải tra xét cho ra ngành ra ngọn, để trình lên cho giáo chủ biết.

Trương Vô Kỵ nói:

- Các vị tính vậy phải lắm.

Chu Nguyên Chương nói:

- Bọn chúng tôi tiếp tục đi lên miền bắc, càng làm ra vẻ ngu ngốc khờ khạo. Thanh Hòa huynh đệ và Đặng Dũ huynh đệ giả vờ tranh nhau năm tiền, tay chân quờ quạng đánh lẫn nhau, rõ ràng chẳng biết tí võ công nào. Bọn hung ác kia vỗ tay cười ha hả, không còn để ý gì đến chúng tôi. Chúng tôi lại luôn mồm lão gia, cung kính hầu hạ chúng, nịnh bợ đủ điều. Ngô Trinh huynh đệ đã tính đi kiếm một loại thuốc mê nào đó giữa đường cho chúng uống ngã lăn ra, cứu các hòa thượng Thiếu Lâm. Thế nhưng tôi suy nghĩ rồi, việc này đầu dây mối nhợ mình hoàn toàn chưa biết, xem ra bọn hung nhân này đều tinh minh, kỹ lưỡng, võ công cao cường, lỡ như đánh rắn không xong, động ổ động hang, lại làm hỏng hết đại sự cho nên không dám hạ thủ. Đến phủ Hà Gian, lại gặp sáu cái xe lớn, cũng có người áp giải, nhưng trong xe toàn là tục gia nhân. Trong khi ăn cơm, tôi nghe một nhà sư chùa Thiếu Lâm chào một người mới đến là: “Tống đại hiệp cũng ở đây ư?”.

Trương Vô Kỵ đứng bật dậy, hỏi dồn:

- Y nói là Tống đại hiệp ư? Người đó hình dáng thế nào?

Chu Nguyên Chương đáp:

- Người đó thân hình cao gầy, độ năm sáu chục tuổi, ba chòm râu dài, tướng mạo thật là thanh nhã.

Trương Vô Kỵ nghe thấy đúng là hình dáng Tống Viễn Kiều, vừa mừng vừa lo, hỏi thêm hình mạo những người khác, quả nhiên Du Liên Châu, Trương Tùng Khê, Mạc Thanh Cốc cũng trong số đó nên hỏi tiếp:

- Những người đó đều bị thương hay sao? Hay là chân tay bị xiềng bằng xích sắt?

Chu Nguyên Chương đáp:

- Không bị xiềng xích gì cả, cũng không thấy có thương tích, ăn uống nói năng không khác gì người bình thường, chỉ có tinh thần uể oải, đi đứng thì lảo đảo. Vị Tống đại hiệp kia nghe nhà sư Thiếu Lâm hỏi thế, chỉ đành cười gượng, không trả lời. Nhà sư toan hỏi thêm gì nữa, kẻ hung ác áp giải liền đến tách hai người ra. Sau đó hai bên cách xa nhau đến hơn chục dặm, không cùng ăn cùng ngủ, thành ra bọn thuộc hạ cũng không còn gặp lại nhóm Tống đại hiệp kia nữa. Ngày mồng ba tháng bảy, chúng tôi đưa quần tăng phái Thiếu Lâm đến Đại Đô[6].

Trương Vô Kỵ kêu lên:

- Ồ, đến Đại Đô, quả nhiên là triều đình hạ độc thủ, về sau thế nào?

Chu Nguyên Chương đáp:

- Bọn người hung ác dẫn chúng tôi đưa những nhà sư Thiếu Lâm đến một ngôi chùa lớn ở phía tây, bảo chúng tôi ngủ lại trong đó.

Trương Vô Kỵ nói:

- Cái miếu đó tên là gì?

Chu Nguyên Chương đáp:

- Khi thuộc hạ vào chùa có ngửng đầu lên nhìn biển ngạch, thấy tên là Vạn An Tự, nhưng cũng vì nhìn mà bị ngay một tên hung ác quất cho một roi. Đêm đó anh em chúng tôi lén bàn nhau, bọn người hung ác kia thể nào cũng phải sát nhân diệt khẩu, không tha mình đâu nên trời tối lập tức chúng tôi trốn đi ngay.

Trương Vô Kỵ nói:

- Sự tình quả là hung hiểm, cũng may bọn hung ác kia không đuổi theo.

Thang Hòa mỉm cười:

- - Chu đại ca cũng đã tính đến nước đó, nên đã sắp đặt sẵn mọi việc. Chúng tôi đi đến các hãng xe lừa ở gần đó bắt bảy tên phu xe, đổi y phục cho bọn họ, sau đó giết luôn cả bảy người trong miếu, mặt mũi đâm chém bầy nhầy, không để cho bọn người hung ác kia nhìn ra được. Sau đó lại giết hết tất cả các phu xe đi cùng, tiền bạc rắc khắp nơi làm như hai bọn tranh nhau tiền bạc giết nhau vậy. Có thế bọn hung nhân quay lại mới khỏi nghi.

Trương Vô Kỵ trong lòng kinh hãi, chỉ thấy Từ Đạt mặt tỏ vẻ bất nhẫn, Đặng Dũ hơi có vẻ xấu hổ, Thanh Hòa nói vẻ mặt đắc ý dương dương, chỉ một Chu Nguyên Chương bình thản làm như không có gì xảy ra cả. Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: “Bọn này ra tay độc ác thật, thật là những tay ghê gớm”. Chàng bèn nói:

- Kế đó của Chu đại ca tuy hay thật, nhưng từ nay về sau, chúng ta không nên lạm sát người vô tội.

Đây là huấn dụ của giáo chủ, bọn Chu Nguyên Chương nhất tề đứng lên, khom lưng nói:

- Cẩn tôn giáo chủ lệnh chỉ.

Về sau Chu Nguyên Chương, Từ Đạt, Đặng Dũ, Thang Hòa hành quân giao chiến, quả nhiên tuân theo lệnh của Trương Vô Kỵ, không dám giết người bừa bãi, khiến cho dân tâm qui thuận, làm nên đại nghiệp một đời.

Trương Vô Kỵ nói:

- Bảy vị của Chu đại ca thám thính được tin tức cao thủ các phái Thiếu Lâm, Võ Đương, công này thật không nhỏ. Đợi sắp đặt xong việc kháng Nguyên khởi nghĩa rồi, chúng ta sẽ đi Đại Đô một chuyến để cứu các người đó ra.

Chàng bàn công việc chung xong, lại cùng bọn Từ Đạt nói chuyện riêng, đến việc năm xưa ăn trộm bò của Trương viên ngoại, cả bọn cùng cười ha hả.

Đêm hôm đó, Trương Vô Kỵ tập họp tất cả giáo chúng, đốt lửa thắp hương, tuyên cáo các nơi đều cùng nổi dậy, chung sức kháng lại Nguyên triều, các lộ giáo chúng phải đỡ đần nhau, khiến cho quân Nguyên phải đôn đáo bôn ba việc lớn ắt sẽ thành.

Sau đó định ra phương sách, giáo chủ Trương Vô Kỵ cùng Quang Minh tả sứ Dương Tiêu, Thanh Dực Bức Vương Vi Nhất Tiếu chấp chưởng tổng đàn làm tổng soái cho toàn giáo.

Bạch Mi Ưng Vương Ân Thiên Chính chỉ huy giáo chúng trong Thiên Ưng Kỳ khởi sự tại Giang Nam. 

Chu Nguyên Chương, Từ Đạt, Thang Hòa, Đặng Dũ, Hoa Vân, Ngô Lương, Ngô Trinh cùng với nhân mã của Thường Ngộ Xuân cùng Tôn Đức Nhai tại Hào Châu, Hoài Bắc khởi binh. 

Bố đại hòa thượng Thuyết Bất Đắc tất lãnh Hàn Sơn Đồng, Lưu Phúc Thông, Đỗ Tôn Đạo, La Văn Tố, Thịnh Văn Úc, Vương Hiển Trung, Hàn Hiệu Nhi khởi binh tại Dĩnh Châu, Hà Nam.

Bành Oánh Ngọc tất lãnh Từ Thọ Huy, Trâu Phổ Vượng, Minh Ngũ khởi sự tại các châu Cám, Nhiêu, Viên, Tín vùng Giang Tây.

Thiết Quan đạo nhân tất lãnh Bố Tam Vương, Mạnh Hải Mã tại các vùng Tương, Sở, Kinh Tương khởi binh.

Chu Điên tất lãnh Chi Ma Lý, Triệu Quân Dụng tại Từ, Tú, Phong, Bái khởi sự.

Lãnh Thiêm cùng các giáo chúng miền Tây Vực, ngăn chặn và chia cắt các đội quân tiếp viện của Mông Cổ từ Tây Vực đến Trung Nguyên.

Ngũ Hành Kỳ thuộc về quyền điều khiển của tổng đàn, nơi nào gặp nguy thì tới đó cứu viện.

Phương sách xếp đặt đó, mười phần đến chín là do Dương Tiêu và Bành Oánh Ngọc đưa ra. Trương Vô Kỵ công bố ra rồi, giáo chúng reo hò vang động. Trương Vô Kỵ nói:

- Chỉ dựa vào sức của một mình bản giáo mà thôi, khó mà có thể lay chuyển được cơ nghiệp đã có hàng trăm năm của Nguyên triều. Do đó cần phải liên lạc với anh hùng hào kiệt trong thiên hạ, chung sức lo toan mới mong thành công được. Hiện nay các nhân vật đầu não của võ lâm Trung Nguyên đều bị triều đình bắt giữ cả, tổng đàn phải tìm cách cứu ra trước. Ngày mai các anh em rẽ đi ra khắp nơi, gặp cơ hội thì cứ việc giết quân Thát tử, tổng đàn lập tức đi Đại Đô cứu người trước. Hôm nay tất cả anh em vui say một chuyến, sau này không biết đến bao giờ mới gặp lại nhau. Các anh em cần lấy nghĩa khí làm trọng, đại sự trước hết, quyết không nên tranh quyền đoạt lợi, tàn sát lẫn nhau, nếu như có ai giở trò bất nghĩa, tổng đàn quyết không tha thứ.

Mọi người đều lên tiếng đáp ứng:

- Lệnh chỉ của giáo chủ quyết không dám vi phạm.

Tiếng la ó vang cả sơn cốc. Mọi người lập tức trích huyết ăn thề, đốt hương làm chứng, thà chết không phụ đại nghĩa. Đêm hôm đó trăng sáng vằng vặc, các lộ giáo chúng ngồi cả dưới đất, các giáo chúng chấp sự tổng đàn đem bánh nhân chay ra chia cho mọi người. Ai nấy thấy bánh tròn như mặt trăng nên gọi là bánh Trung Thu. Về sau người ta truyền tụng người Trung Hoa ăn bánh Trung Thu để thề giết quân Mông Cổ chính là từ đại hội của Minh giáo mà ra.

Trương Vô Kỵ lại tuyên bố tiếp:

- Bản giáo từ đời trước truyền đến nay, không ăn thịt, không uống rượu. Thế nhưng hiện nay đâu đâu cũng tai ương thành thử gặp gì ăn nấy. Huống chi công việc lớn hàng đầu của anh em ta là khu trừ Thát tử, nếu không ăn thịt cá tinh thần không đủ mạnh, khó có đủ sức chiến đấu. Từ nay trở đi, bãi bỏ qui luật không ăn thịt, không uống rượu trong bản giáo. Chúng ta lập thân xử thế lấy đại tiết làm trọng, ẩm thực cấm kỵ chỉ là thứ yếu.

Cũng từ đó bánh Trung Thu giáo chúng Minh giáo có làm nhân thịt.

Sáng sớm hôm sau, các lộ giáo chúng cáo biệt Trương Vô Kỵ. Ai nấy tuy đều là hào kiệt khẳng khái, nhưng nghĩ đến mai này chiến đấu nơi nơi, biết ai còn ai mất, đại sự nếu như thành, người có mặt hôm nay tại đại hội Hồ Điệp Cốc e rằng còn sống chưa đầy một nửa, nên không khỏi quyến luyến khi chia tay. Lúc đó trước Hồ Điệp Cốc thánh hỏa bốc lên cao, đột nhiên ai đó lớn tiếng hát:

Thiêu đốt thân tàn ta, 

Hỏa thánh bốc bừng bừng.

Khi sống có gì vui, 

Thì chết có gì khổ?

Lập tức tất cả đều hát theo phụ họa:

Thiêu đốt thân tàn ta, 

Hỏa thánh bốc bừng bừng.

Khi sống có gì vui, 

Thì chết có gì khổ?

Nguyện hành thiện trừ ác, 

Cốt sao cho quang minh.

Bao hỉ lạc bi sầu, 

Cũng đều thành cát bụi.

Thương thay cho con người, 

Lo buồn sao lắm vậy.

Thương thay cho con người, 

Lo buồn sao lắm vậy.

Những câu: “Thương thay cho con người, Lo buồn sao lắm vậy. Thương thay cho con người, Lo buồn sao lắm vậy.” vang động cả Hồ Điệp Cốc. Quần hào ai nấy áo mặc trắng tinh, đi tới trước mặt Trương Vô Kỵ khom lưng hành lễ, ngửng đầu hùng dũng mà đi, không quay đầu nhìn lại. Trương Vô Kỵ nghĩ đến bao nhiêu dũng sĩ thế này, trong vòng một hai chục năm máu sẽ thấm đầy một giải Trung Nguyên, nhịn không nổi nước mắt rưng rưng.

Tiếng hát xa dần, tráng sĩ ly tán, Hồ Điệp Cốc mấy hôm qua ồn ào náo nhiệt nay trở lại vắng lặng như xưa, chỉ còn lại Vi Nhất Tiếu, Dương Tiêu, Chu Nguyên Chương và vài người khác. Trương Vô Kỵ hỏi kỹ chùa Vạn An tọa lạc chỗ nào, hình dáng bọn người hung dữ kia ra sao rồi nói:

- Chu đại ca, ở một giải Hào Tứ này đang đại loạn, không nên đễ lỡ cơ hội khởi sự. Các vị không cần phải đi theo tôi lên Đại Đô làm gì, thôi mình từ biệt nơi đây.

Chu Nguyên Chương, Từ Đạt, Thường Ngộ Xuân cả bọn cùng nói:

- Xin chúc giáo chủ mã đáo thành công, bọn thuộc hạ chờ đón tin mừng.

Lập tức bái biệt Trương Vô Kỵ, ra khỏi thung lũng lo việc khởi nghĩa.

Trương Vô Kỵ nói:

- Bọn mình cũng đi thôi. Tiểu Siêu, cô có mang xích, đi lại không tiện, ở lại đây đợi tôi nhé.

Tiểu Siêu rầu rĩ vâng lời, nhưng khi đưa tiễn, đưa đến ba dặm rồi lại thêm ba dặm nữa, vẫn không chịu chia tay. Trương Vô Kỵ nói:

- Tiểu Siêu, cô càng đưa càng xa, coi chừng lúc về lạc đường đó.

Tiểu Siêu hỏi lại:

- Trương công tử lên Đại Đô liệu có gặp Triệu cô nương chăng?

Trương Vô Kỵ đáp:

- Không chừng sẽ gặp đó.

Tiểu Siêu nói:

- Nếu công tử gặp cô ấy, có thể nhờ cô ấy giúp em một việc được không?

Trương Vô Kỵ lạ lùng hỏi:

- Cô có chuyện gì muốn nhờ?

Tiểu Siêu nhún vai một cái, đáp:

- Công tử mượn Ỷ Thiên kiếm chặt cái dây xích này, chứ không cả đời em sẽ không được tự do nữa.

Trương Vô Kỵ thấy cô gái thần sắc ủ rũ thật đáng thương, trong lòng không nỡ, liền nói:

- Chỉ sợ cô ta không cho mượn đâu, nhất là lại mượn kiếm đem về tận đây.

Tiểu Siêu nói:

- Thế thì... thế thì, công tử đưa em đến trước mặt cô ấy, nhờ cô ta dùng kiếm chặt một nhát, có phải hơn không?

Trương Vô Kỵ cười nói:

- Nói qua nói lại, chẳng qua cô muốn theo tôi lên Đại Đô chứ gì? Dương tả sứ, ông xem có đem cô ta theo được không?

Dương Tiêu biết Trương Vô Kỵ đã nói thế là đã có ý cho cô ta theo nên nói:

- Cái đó cũng không sao, việc cơm nước áo quần đã có cô này lo, chỉ có điều dây xích leng keng sợ người ta chú ý. Đã thế cô ta giả vờ bị bệnh, chỉ ngồi trên xe, bình thời đừng ra ngoài làm gì.

Tiểu Siêu mừng lắm vội nói:

- Đa tạ công tử, đa tạ Dương tả sứ.

Cô quay qua nhìn Vi Nhất Tiếu nói thêm:

- Đa tạ Vi pháp vương.

Vi Nhất Tiếu cười:

- Sao cô lại cảm ơn tôi là sao? Cô coi chừng tôi mà bệnh trở lại là hút máu cô đó.

Nói xong nhe hai hàm răng trắng nhởn, giả vờ làm dữ. Tiểu Siêu biết y chỉ đùa, nhưng cũng không khỏi sợ hãi nói:

- Ông... ông đừng dọa tôi.

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Tình quen biết từ khi còn bé chơi đùa với nhau

[2] Kim Dung bị lúng túng cố tình sửa lại để câu chuyện hợp lý. Trong bản mới, Kim Dung cố tình sửa lại hai đoạn, trên núi Võ Đương, Kỷ Hiểu Phù đã có ý cho Ân Lê Đình biết là mình không còn con gái nữa, rồi khi dẫn Dương Bất Hối vào Hồ Điệp Cốc, lại nói cô bé chừng tám chín tuổi. Thế nhưng cử chỉ ngôn ngữ Bất Hối lúc đó vẫn chỉ chừng bốn năm tuổi thôi. (lời người dịch)

[3] Nguyên văn: Kim hạp giáp tầng, Linh cao cữu tàng. Châu hoa trung không, Nội hữu dược phương. Nhị vật tảo trình quân tử tả hữu, hà lao ưu chi thâm dã? Duy dĩ vi vật bất túc nhất cố, tứ chi tì bộc, ủy chư trần thổ, khởi tiện thiếp chi sở vọng da?

[4] Ma trong Ma Ni viết với chữ thủ, Ma trong ma giáo viết với chữ quỉ là con ma.

[5] Đi cầu, tiếng văn hoa

[6] tức Bắc Kinh, tên gọi đời Nguyên

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #myth