Hồ Chí Minh
Trong cuộc sống, mỗi người trong chúng ta ai cũng chọn cho mình một con đường đi riêng, một mục đích riêng để đạt tới. Trên con đường ấy, chắc hẳn không chỉ là những thảm đỏ trãi đầy hoa hồng mà còn có rất nhiều chướng ngại phải vượt qua. Theo lẽ tự nhiên, ai cũng muốn chọn con đường bằng phẳng, ít chông gai nhất! Thế nhưng, đã có một con người Việt Nam vĩ đại đã chọn con đường khó khăn, gian khổ đó là con đường giải phóng dân tộc.
Hơn 100 năm kể từ ngày chàng thanh niên Nguyên Tất Thành mở đầu cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước, nhiều người dân Việt Nam và bè bạn trên thế giới vẫn đang tìm câu trả lời một cách đầy đủ nhất cho những câu hỏi: Vì sao Nguyễn Tất Thành một mình với hai bàn tay lao động, dám vượt đại dương đi thẳng về phía kẻ thù của chính dân tộc mình để tìm con đường cứu nước? Vì sao những khó khăn gian khổ trên hành trình bôn ba tìm đường cứu nước vẫn không làm Người chùn bước? Vì sao, trước những cám dỗ của sự xa hoa, tráng lệ trong xã hội phương Tây vẫn không làm lay chuyển được sự quyết tâm và lập trường kiên định của Người?... Phải chăng có một sức mạnh vô hình đã giúp người vượt qua? Không! Không gì khác ngoài ý chí và nghị lực của một người con yêu nước. Điều đó đã giúp Nguyễn Tất Thành thực hiện quyết tâm cháy bỏng của mình:"Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu".
Ngày 5/6/1911, tại bến Nhà Rồng và dưới tên gọi Văn Ba chàng thanh niên ấy đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Trước khi ra đi, anh Lê – Một người bạn của Nguyễn Tất Thành đã hỏi: Lấy đâu ra tiền mà đi? Rất đơn giản nhưng cũng rất mạnh mẽ, Người đưa hai bàn tay ra và khẳng định với một ý chí sắt đá không gì có thể lay chuyển nổi: Đây, Tiền đây! Trước sự sửng sốt của bạn, Thành nói: Chúng ta đều khỏe mạnh, chúng ta sẽ làm việc, làm bất cứ việc gì để sống và để đi.Vâng! Hành trang vật chất chỉ với hai bàn tay lao động. Nhưng đổi lại là một tinh thần yêu nước bất diệt của cả dân tộc Việt Nam đang nóng chảy trong trái tim của con trai xứ Nghệ. Thấm đượm chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, truyền thống cách mạng của quê hương và hơn thế nữa lại được sự vun trồng chăm sóc, nuôi dưỡng, khích lệ của truyền thống gia đình đã thôi thúc anh ra đi tìm con đường cứu nước, cứu dân.
Xin mượn lời thơ của nhà thơ Chế Lan Viên viết về cuộc hành trình của Bác trong bài thơ Người đi tìm hình của nước:
"Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi
Cho tôi làm sóng dưới thân tàu đưa tiễn Bác
Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất
Bốn phía nhìn không thấy bóng một hàng tre
Đêm xa nước đầu tiên ai nỡ ngủ
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương"
Rời xa Tổ quốc thân yêu, Nguyễn Tất Thành đã bước vào con đường lao động đầy vất vả với bao công việc khó khăn, nặng nhọc để kiếm sống, học tập, thâm nhập vào phong trào công nhân và lao động các nước. Những năm tháng ấy phải đối mặt và vượt qua muôn vàn khó khăn, Thời gian trên tàu Latuso Torevin dưới điều kiện lao động vô cùng khắc nghiệt từ 4 giờ sáng đến tối, do chưa quen lao động chân tay nặng nhọc và môi trường lênh đênh trên sóng biển, nhiều lúc tưởng chừng như Anh không vượt qua nổi. Nhưng ý chí và nghị lực kiên cường, càng gian khổ, khó khăn sức chịu đựng của Anh ngày càng rắn rỏi. Công việc quen dần, nỗi vất vả như lùi lại phía sau để lại những ý chí nghị lực phi thường vượt lên trở ngại để thực hiện ước mơ cháy bỏng của mình.
Rời boang tàu, đặt chân đến Anh, Pháp, Mỹ, Nguyễn Tất Thành đã phải trải qua những tháng ngày lao động gian khổ với nhiều nghề vất vả khó khăn để kiếm sống và nuôi chí lớn tìm con đường cứu nước. Mùa đông nơi xứ người, phải hứng chịu cái rét cắt da thịt, nỗi cô đơn của một người xa xứ: "Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Bale. Một viên gạch hồng người chống cả trời đông giá lạnh". Những ngày ấy, buổi sáng trước khi đi làm, Anh để một viên gạch cạnh bếp lò, chiều về, Anh lấy viên gạch ra, bọc vào tờ báo cũ lót xuống giường nằm cho đỡ lạnh. Không chỉ gặp khó khăn, thiếu thốn về vật chất trong cuộc sống, mà trong suốt cuộc hành trình ấy luôn bị kẻ thù rình rập, theo dõi, giám sát, hăm doạ và tìm mọi thủ đoạn hãm hại. Nhiều lần bị bắt, bị giam cầm, kẻ địch đã đối xử hết sức tàn bạo với Người, có những lúc cái chết cận kề nhưng Người vẫn bình tĩnh tự tin vào lý tưởng và con đường cứu dân, cứu nước mà mình đã chọn. Một lần nữa sức mạnh của nghị lực, ý chí quyết tâm đã giúp Người đạp bằng mọi hiểm nguy, mưu trí đấu tranh thoát khỏi được nanh vuốt của kẻ thù. Cuối cùng cũng tìm ra được lối đi đúng cho toàn dân tộc: Con đường cách mạng vô sản.
"Luận cương đến Bác Hồ và người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên trang chữ Lê nin
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
Tưởng bên ngoài đất nước đợi mong tin
Bác reo lên như nói cùng dân tộc
Cơm áo là đây hạnh phúc đây rồi
Hình của Bác lồng trong hình của nước
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười"
Giờ phút tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc là giây phút hạnh phúc nhất của người. Thực hiện đúng lời hứa trước khi ra đi, người về nước vẫn với đôi bàn tay lao động ẩn đằng sau đó là một ý chí kiên định của một người cách mạng mang theo con đường giải phóng dân tộc.
"Luận cương của Lênin theo Người về đất Việt
Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi"
Vừa đến biên giới Việt - Trung Bắc đã không thể kìm nén được nỗi lòng của một người còn xa xứ...quỳ xuống, nâng một hòn đất trên đôi tay mảnh dẻ, áp lên ngực trái nơi con tim đang đập dồn từng nhịp. Từ trên khoé mắt, những giọt lệ từ từ ứa ra rồi chảy tràn trên đôi gò má đen gầy.
"Kìa, bóng Bác in lên hòn đất
Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai"
Trở về tổ quốc, trước mắt Người là những người dân Việt Nam nô lệ lầm than. Người biết rằng: trong những con người nô lệ lầm than kia đang trú ngụ giấc mơ lớn lao và mãnh liệt về độc lập, tự do. Sứ mệnh của Người là đánh thức giấc mơ lớn của toàn bộ dân tộc từ bóng tối, từ đói nghèo, từ gông cùm và từ máu chảy. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhân dân ta đã tiến hành hai cuộc kháng chiến thần thánh, đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, giành lại chính quyền về tay nhân dân, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Châu Á, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập và dân chủ.
Trong suốt quá trình ấy, Người phải chịu không ít gian khổ, nhiều lần bị cảnh tù đày nhưng tinh thần cách mạng bất diệt vẫn sục sôi trong lòng người cách mạng: "Thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao, muốn nên sự nghiệp lớn, Tinh thần phải càng cao"
Khi nói đến ý chí và nghị lực phi thường của Bác, báo Ấn Độ đã từng viết: "Đằng sau cái cốt cách dịu dàng của cụ Hồ là một ý chí sắt thép. Dưới cái bề ngoài giản dị là một tinh thần quật khởi, anh hùng không gì uy hiếp nổi". Tấm gương của Bác được thể hiện từ những cử chỉ, hành động thật nhỏ, thật đời thường. Nhưng tấm gương ấy không phải chỉ để soi cho thấy, để nhìn cho biết mà còn phải học tập và làm theo.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top