Chương 2
Tôi ghét mùa mưa, thật nhiều muỗi.. mặc dầu tôi sống trong chung cư, nhưng cao đến mấy, bọn chúng - muỗi đó, lũ phiền phức ấy vẫn tìm đến được. Nó bay cao được như vậy không thì tôi không biết, nên tôi đã nghĩ nó đi thang máy lên.
Mùa mưa, vậy mà cả tuần rồi chỗ tôi không hề có cơn mưa nào, nắng chang chang, tầm mười giờ tối hơn hay gì đó, tôi đã đi xe xuống đường mà chẳng thấy nổi một ngọn gió.. chán đến trầm cảm. Tôi đành guốc bộ dắt xe về.
Nằm trong điều hòa lạnh tôi đã bật, tầm hai mươi lăm độ. Khá lạnh so với cần thiết. Tôi cuộn mình vào chăn, vùi đầu vào chiếc gối êm, mệt mỏi hồi tưởng lại chuyện vừa nãy..
. . .
Tiếng mẹ tôi gọi như hét, tôi bừng tỉnh trong giấc ngủ trưa, sợ hãi lao ra. Dạo này, mặc dầu ngủ nhiều hơn bình thường, song chưa bao giờ tôi cảm thấy thoải mái khi ngủ như vậy. Bị gọi dậy từ bên kia nhà làm tôi có chút "shock", mắt nheo lại vì ánh nắng.
Bà ấy kêu tôi rửa bát. Ồ phải rồi, hôm nay vì mệt mà tôi đã trốn ngủ.
Vùi đầu vào trong chăn và bắt đầu đếm cừu hay mấy thứ đại loại thế.. Khi mẹ tôi bước vào, những gì thấy được là tôi đang say giấc, bà chỉ đành lặng lẽ bước ra. Cạch! Tiếng đóng cửa phòng, tôi cũng mở mắt. Tôi không thấy tội lỗi với việc mình làm, tôi chỉ là mượn giấc ngủ để di dời công việc sang một thời điểm khác để hoàn thành mà thôi. Ngủ có thể là giả, song chuyện tôi chóng mặt là thật. Tôi không muốn đứng lên ngay, vì việc đó khiến đầu tôi ong ong, hoa mắt. Tôi nghĩ mình lại bị tiền đình.
Chạy khỏi phòng, nơi cửa sổ đã được kéo rèm kín, tôi nhướng mày nheo mắt, đầu cũng bắt đầu quay cuồng lên.
Chậu ở ban công, vậy nên tôi lại phải kéo cửa ra và tiếp xúc với ánh sáng, điều này làm tôi ức chế, bực tức lấy cái chậu trong tay, để bát đũa vào mang vào máy rửa.
Có tức, tôi cũng không dám động chân động tay với bát đũa, vì người đang ức chế là mẹ tôi cơ, mà mẹ giận, tôi cũng chẳng dám làm càn, mắt nheo vẫn nheo, còn tay chân thì hết sức nhẹ nhàng, cẩn thận, chỉ hy vọng sự yên bình sẽ mãi giữ vững.. Vậy mà lau bếp được một lúc, mẹ tôi lại tức giận quay ra:
"Việc này là tao giao lúc nào cho mày? Mày còn khó chịu cái gì?"
Tôi không hiểu mẹ nói thế vì cái gì, nhưng tuyệt nhiên bà đã nói tôi sai với sự thật. Tôi đâu có khó chịu? Ừm thì có khó chịu thật, nhưng liên quan gì đến việc bà đã nói tới? Tôi khó chịu vì ánh sáng mặt trời, nhưng đối với bà, tôi đang bực bội vì phải làm việc.
"Mày nghĩ cả mấy hôm nay ai rửa bát cho mày? Mày nghĩ có mỗi mày ốm thôi à?"
Bà ấy đã thực sự gào vào mặt tôi câu đấy. Điều này khá vô lý, tôi vốn chỉ nheo mắt vì mệt, giờ bị đổ thừa là cái này cái nọ cái chai?
Nhưng tôi không trả lời, chỉ nhẹ cúi gằm đầu, tiếp tục công việc của mình. Tôi không muốn có thêm phiền phức..
Nếu giờ tôi mà nói với bà: "Con khó chịu bao giờ", thể nào cũng sẽ nghe mấy cái kiểu như: "Không khó chịu mà nhăn mặt?" hay "Mày còn nói mày không khó chịu?" rồi sau đó là thêm một tràng abc.. mà tôi thường biết.
Mấy motip đó tôi cũng muốn thuộc rồi. Im lặng là cách giải quyết tốt nhất, chỉ vậy thôi. Muốn sống yên ổn thì phải biết cách kiểm soát cái miệng của mình - quy tắc sống trong gia đình tôi là như vậy đấy! Không có ngoại lệ, việc được giao thì phải nhất nhất làm theo, không thì.. không còn sau đó nữa đâu.
Vừa làm việc vừa nghe mẹ chửi đúng là có chút "hết sảy".
Tôi chỉ hận cơ thể quá yếu đuối này không dám bật lại. Chỉ hận không thể nói lý với mẹ. Người lớn khi phát tiết thì trẻ con phải nhẫn nhịn, đây là cái quy luật gì? Đừng nói rằng mấy bạn chưa từng nghe thấy, vì nó chẳng qua chỉ là bản nói lại của câu:
"Bố mẹ đang tức thì con đừng cãi, bố mẹ buồn." hay "Lúc bố mẹ đang dạy thì con đừng có xen vào, nói 'Vâng' là được rồi!"
Hiểu đơn giản có phải là nếu bề dưới biết điều nhẫn nhịn hơn thì bề trên sẽ không buồn không? Vì bà là mẹ tôi nên có quyền nói tôi? Tôi là con, là trẻ con, là bề dưới nên phải im lặng?
Mẹ tôi từng nói rằng: "Cãi" có nghĩa là xen vào miệng của người khác, ý là khi bố mẹ đang nói, tôi lại nói xen vào, đó là cãi.
Nhưng tôi chả hề cảm thấy bị thuyết phục, nói xen vào lời của người khác là "cãi", vậy khi đang tranh luận, chúng tôi nói chen nhau, đó cũng là "cãi" à?
Căn bản là mẹ tôi không hề giải thích rõ hoàn cảnh, ý nghĩa cũng rất lơ mơ.
Có lần tôi nói với mẹ rằng, khi bố mẹ nói, tôi chờ mọi người nói hết câu rồi mới phản bác lại, sao đó cũng bị "gắn mác" cãi?
Mẹ tôi liền trả lời thành "cãi" cũng là khi bố mẹ vừa nói xong tôi đã chen vào. Tôi càng khó hiểu.
Vậy ý mẹ không phải là khi bố mẹ dạy dù đúng dù sai, dù có chỗ không hiểu thì tôi cũng không được nói, hỏi lại sao? Không được xen vào, ý này có nghĩa muốn nói cuộc trò chuyện của bố mẹ và con chỉ nên được xây dựng từ 1 phía? Bản thân tôi chỉ là phận con cái, chỉ "Vâng" là được?
Điều đấy càng làm tôi nản muốn nói. Xét về lý luận, sẽ có nhiều lúc bố mẹ không thể thắng tôi đâu, họ vô lý đến kì cục mà. Chỉ là nếu tôi nói mà không ai nghe, có khi còn bị đánh, thì cũng chẳng được gì hết. Vậy nên tôi cũng chẳng buồn nói nữa, có cãi, thì cũng là nhìn vào hiện thực mà cố cãi cùn mà thôi..
Trở lại với hiện thực ban ngày, tôi rửa bát xong khi tay đã nổi lên dị ứng. Nó không có nổi mẩn đỏ hay gì đó, nó chỉ xót và ngứa mà thôi. Tôi tráng tay qua sà phòng, rồi lau bằng khăn tắm, trở về phòng.
Lại bật điều hòa, nhảy lên giường, núp mình vào chăn, tôi thầm khẩn cầu xin mẹ không gọi tôi nữa, phần vì mệt, phần vì không muốn nhìn thấy mẹ.
Điều hòa phà những cơn gió lạnh buốt, tôi ôm chăn nửa người, một chân giấu dưới phía chăn ấm, một chân lại để lên trên. Tôi nằm nghiêng.
Điều hòa hai mươi lăm độ, dù như nào cũng không phù hợp với thời tiết hiện tại (ra khỏi phòng có khi còn sốc nhiệt ấy), rất nhanh, tôi đã lạnh không chịu nổi mà đưa một chân bên ngoài kia vào chăn. Lát sau, tôi lại thấy nóng. Như vậy, tư thế nằm của tôi đã đổi liên tục.
Tôi vừa mệt mỏi vừa nghĩ đến những chuyện đã xảy ra trong hôm nay.. mẹ tôi đã nổi khùng tổng cộng hai lần. Một lần buổi sáng khi túi nước mắm bị rơi xuống nền sàn gỗ, một lần buổi chiều khi tôi bị gọi dậy đi rửa bát và cất đồ khô.
Tôi hơi tò mò lý do bà ấy tự nhiên mất bình tĩnh như thế, mà sợ.. sợ là chính!
Nếu như mọi chuyện lại trở về như 3 năm trước, tôi sẽ sống sao đây?
...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top