Chương 27: Chuẩn bị đồ ăn (tt)
Lúc ba chị em chờ đồ về đến cổng thì bắt gặp Ngô mẫu đang đeo gùi đi ra ngoài.
Ngô Mẫu là chuẩn bị lên trên chỗ ruộng hoang để cắt rau khoai về nấu cho heo ăn. Từ khi số lượng heo trong nhà tăng lên nhiều, lượng thức ăn cũng nhiều hơn, ngày nào cũng phải đi cắt rau. Cũng may ngày trước Nguyên Vũ tính sẵn việc này mà trồng rau khoai, nếu không chỉ dựa vào rau dại thì chắc chắn không đủ thức ăn dành cho bọn chúng.
Thức ăn cho heo của nhà Nguyên Vũ hoàn toàn khác so với ở đây, bản thân cô là một kỹ sư nông nghiệp thế cho nên việc này là cô rành nhất, cho dù ở điều kiện thiếu thốn nhưng vẫn có thể chế tạo được loại thức ăn đầy đủ dinh dưỡng cho heo nhanh lớn.
Trong nhà có sẵn ngô, sẽ dùng để xay bột quấy cám trộn chung với rau khoai lang cho heo ăn, thỉnh thoảng còn có tôm cá nhỏ nấu chung vào, thế cho nên theo nhà Nguyên Vũ lớn hơn hẳn so với các nhà khác nuôi cùng một thời gian.
Mà thức ăn dùng cũng đỡ tốn hơn hẳn, cho dù tốn củi lửa một chút nhưng thức ăn nấu lên được nhiều hơn hẳn so với nấu cho ăn sống .
Nhưng cái đó là chuyện của Ngô mẫu phụ trách. Chuyện hiện tại của Nguyên Vũ là xử lý đống măng và hạt dẻ mới đem về. Đại Tráng phải lên trên núi giúp đỡ Liễu phụ, không giúp hai chị em cô được, thế cho nên nhìn đống măng và hạt dẻ này hai chị em có phải tự thân động thủ.
Măng và hạt dẻ được đổ ở chỗ sân sau hậu viện, đi cổng sau mà vào. Ở đó có sẵn mấy cái giá dùng để phơi đồ.
Đó chính là chỗ mà lúc trước Nguyên Vũ để phơi hương liệu, bây giờ không phơi nữa cho nên còn chừa lại để không, sẵn tiền ở đó phơi đồ ăn luôn.
Măng chỉ cần bóc sạch lớp áo bên ngoài đem rửa sạch, củ nào to thì chẻ đôi chẻ tư sau đó thái thành lát mỏng, rải lên trên những cái phên lớn, bắc lên giá phơi là được. nếu là vào ngày hè nắng to sẽ không cần phải thái mỏng, có thể để cả gốc măng mà phơi luôn, nhưng hiện tại không được nhiều nắng như thế nên muốn có măng khô phải chịu khó, mai mốt hết nắng rồi thì lại chuyển sang làm măng chua.
Dù sao măng khô cũng bảo quản được lâu hơn là măng chua. Ngoài làm măng chua với măng khô ra, mấy hôm nữa Nguyên Vũ còn phải ra ruộng đào củ cải trắng về phơi khô nữa, mặc dù cô định dùng củ cải để muối làm kim chi hơn nhưng bây giờ nhân lực không đủ, thời gian lại không còn nhiều, nên đành để một phần làm củ cải khô cũng được.
Sau lại một phần thì muối kim chi lại thêm một phần giữ tươi bỏ vào trong kho.
Về phần hạt dẻ, những hạt nào còn ở trong quả thì phải tách ra, vỏ quả thì để lại phơi khô đun cũng được, còn lại hạt dẻ được cất riêng một chỗ, cũng hong năng cho khô bớt, cất lại vào kho đến khi nào có thời gian lại đem ra làm đồ ăn.
Trong số hạt dẻ đã được nhặt xong, Nguyên Vũ lấy ra một phần, dùng dao chắn vỡ vỏ thành một đường, sau đó bỏ vào nồi luộc chín, vớt ra cho ráo bớt nước, lại bỏ vào chảo đảo đến khi ráo nước hẳn, có mùi thơm, hai miếng vỏ hạt bên ngoài tách ra hai bên thì đổ ra rổ chờ nguội, trong lúc rang hạt dẻ còn cho thêm một chút đường và ít lá quế vào cùng nữa thế là cô đã có món hạt dẻ rang đường để nhấm nháp.
Bởi vì buổi chiều không phải nấu ăn thế cho nên hai tỷ muội Nguyên Vũ có thể toàn tâm toàn ý để xử lí đống chiến lợi phẩm đem về, đến khi xong hết thì trời cũng nhá nhem tối.
Trong thời gian đó, Ngô mẫu đã đi cắt rau về nấu cám cho heo ăn xong xuôi, trước khi chặt củi Liễu phụ đã xay cám ngô sẵn cho Ngô mẫu rồi nên bà chỉ việc lấy đó ra quấy cám là xong, Liễu phụ và Đại Tráng cũng đã về, hai cha con chặt được một xe củi đầy, hơn mười bó củi.
Nếu bình thường một người đi chặt củi nhiều lắm được hai bó củi thôi bởi vì họ còn phải tính đến bản thân mình có vác về nổi hay không, mà sau khi vác củi về nhà rồi thì cũng không đủ thời gian để đi lên núi một chuyến nữa, hai cha con đại tráng lại chỉ việc chặt củi rồi bó lại, sau đó chất hết lên xe lừa đem về chính vì thế mà tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức.
Bởi vì năm này có hệ sống sưởi trong nhà cần đốt củi, nấu đồ ăn cho heo cũng cần củi cho nên lượng củi so với mọi năm nhiều hơn rất nhiều, nhắm chừng hai người Liễu phụ còn phải chặt củi năm sáu ngày nữa mới đủ.
Buổi tối, cả nhà ngồi quây quần bên mâm cơm, Liễu phụ nói với mọi người :
- Bây giờ nhà cũng đã xây xong rồi, trời cũng đã bước vào chính đông, mấy ngày nay thỉnh thoảng đã thấy bông tuyết rồi, e rằng vài ngày nữa tuyết sẽ bắt đầu rơi nhiều, trong thôn đều đã chuẩn bị trữ đồ ăn cho mùa đông rồi, nhà chúng ta cũng nên làm vậy thôi. Mấy ngày nữa ta và Đại Tráng vẫn sẽ đi chặt củi nên việc trong nhà mấy đứa Đại Nữu và mẹ bọn nhỏ tự làm vậy.
Ngô mẫu đồng tình.
- Ta thấy cũng nên làm vậy, hồi chiều ta thấy Nguyên Vũ và Tam Nữu đào về không ít măng rừng, nếu còn muốn đào tiếp thì cứ đào, củ cải ở trên ruộng đã thu hoạch được, ngày mai ta sẽ tranh thủ lên đào về. Nhà kho cũng nên dọn dẹp lại.
Mấy người Nguyên Vũ nghe cha nương nói đều gật đầu đồng ý.
Nhà kho của nhà Nguyên Vũ được xây ở phía sau hậu viện, mặc dù ở kế nhà bếp cũng có một cái kho, nhưng đó là để chứa củi, còn lương thực, đồ đạc chủ yếu vẫn để ở kho phía sau hậu viện kia.
Nhà kho này được xây trần cao hơn hẳn với nhà khác, xây theo kiểu nhà một tầng rưỡi, có nghĩa là có thêm một tầng gác nhỏ, tầng gác này thông thoáng với bên ngoài, trên này bố trí những cái gía và móc treo đồ cùng một loạt sào phơi, chính là nơi để phơi đồ trong những ngày mưa hoặc là se những loại hương liệu,,, những loại hương liệu của Nguyên Vũ đều cất ở đây, măng và củ cải sau khi trời tối đều được đem lên phơi ở trên này.
Tầng dưới được chia thành nhiều gian nhỏ, có chỗ để để đồ đạc, nông cụ, có chỗ để cất lương thực, lúa, ngô, khoai và có cả một gian lớn là chỗ Nguyên Vũ ủ rượu nho.
Phía dưới nữa còn có một tầng hầm, diện tích khá rộng, chính là được xây để giữ một số loại rau củ ăn mùa đông như củ cải,..
Có thể nói nhà kho của Nguyên Vũ rất mới lạ so với nơi này, tiết kiệm được rất nhiều không gian lại thực dụng, vì diện tích không nhỏ nên dọn dẹp nhà kho cũng là công việc tốn kha khá thời gian. Cũng may lần này chỉ cần dọn cái tầng hầm và trên gác là được.
- Lại nói nhà chúng ta nhiều heo quá tuy rằng mua được ngô từ mấy hộ trong thôn nhưng cứ theo đà này cũng sẽ sớm hết. rau khoai cũng không biết còn có thể ăn được bao lâu nữa. Đại Nữu, con có cách gì không, nếu không chúng ta phải bán bớt heo đi mới được.
- Cái này nương khỏi lo, mai mốt nương lấy đậu tương ra xay nấu cho heo cũng được mà, nếu hết lại lên trấn mua, đậu tương cũng rẻ, nói mới nhớ, chỗ đậu tương nhà chúng ta còn chưa tách hạt đâu, cứ để trong kho từ hồi đó tới giờ e rằng sẽ bị hỏng mất.
- Ừ, ngày mai dọn kho sẽ đem ra tách luôn một thế.
- Mà này Đại Nữu, ngày trước khi xây nhà con bảo ta xây riêng dãy nhà phía đông đó làm gì vậy, cũng sắp hết năm rồi, còn chưa lợp mái nữa, định để không luôn hả ?
Chỗ Liễu phụ nhắc tới chính là khu nhà ấm mà Nguyên Vũ dự tính để trồng rau mùa đông nhưng tại chưa tìm được nguyên vật liệu thích hợp để làm mái che nên còn để trống, không biết hiện tại người ta đã sản xuất được thủy tinh hay chưa, đồ gốm ở đây trình độ sản xuất đã khá cao rồi, chất lượng cũng tốt, có cơ hội, Nguyên Vũ nghĩ phải hỏi thử Tề thúc thúc mới được, thúc ấy đi nhiều chắc có thể có thông tin. E rằng tạm thời cũng phải lợp khu nhà đấy bằng ngói thôi, sau này sẽ đổi lại, mấy ô cửa sổ cũng phải che lại, nếu phù hợp có khi có thể trồng được một ít rau.
- Ngày mai cha kêu người về lấy ngói lợp tạm đi vậy. làm kiên cố một chút, tốt nhất là làm luôn cái thang để mai mốt tuyết rơi nhiều còn có thể lên cào tuyết kẻo bị sập.
- Được , mai cha sẽ nhờ người đến làm ngay.
Không biết từ bao giờ ý kiến Nguyên Vũ đưa ra người trong nhà đều không có dị nghị, cha nương cũng vậy, cô yêu cầu gì cũng đồng ý làm theo. Nguyên Vũ không có ý kiến về điều đó, mọi người trong nhà ủng hộ cô vô điều kiện như vậy chứng tỏ họ tin tưởng cô, cô cũng cũng sẽ không phụ lại sự tin tưởng của họ. Vốn dĩ khi đưa ra những quyết định của mình bản thân cô cũng lo sợ mọi người phản đối vì dù sao những cái cô làm đều khác với nhận thức của mọi người nơi này, ví dụ như chuyển xây nhà ấm chẳng hạn, ở đây người ta mặc định mùa đông sẽ không trồng được rau vì thời tiết quá lạnh , chưa ai từng nghĩ đến việc xây nhà, đốt sưởi để trồng rau cả, nhưng khi Nguyên Vũ đưa bản thiết kế cho cha cô xem ông không hỏi nhiều mà làm theo ý cô luôn.
Sáng hôm sau ai làm công việc người nấy, Liễu phụ và Đại Tráng lên núi chặt củi, Ngô mẫu cũng hai chị em Nguyên Vũ ở nhà dọn kho, Tiểu Tráng hôm nay không đi chơi mà xung phong ở nhà giúp mẹ làm Ngô mẫu rất vui. Người trong nhà đều thống nhất không bắt Tiểu Tráng làm việc gì cả, vì nó nhỏ nhất nhà nhưng cũng không cấm cản nó làm việc, cứ tùy ý nó là được, chờ nó lớn thêm chút nữa rồi từ từ dạy cho nó làm sau.
Nói là dọn kho nhưng thực tế chỉ dọn lại tầng hầm cũng với trên gác mái một chút thôi, còn lại những chỗ khác đều không cần phải dọn.
Tầng hầm là để chứa củ cải sắp thu hoạch, vốn dĩ rau củ mùa đông Nguyên Vũ biết có rất nhiều loại ví dụ như khoai tây cũng để được lâu, cà rốt, su hào, cải bắp ...nhưng ở chỗ này lại không có hạt giống, thôn dân chỉ có duy nhất củ cải trắng mà thôi, sang năm cô phải tìm cách kiếm hạt giống mới được, ở đây không có nhưng cô không tin ở chỗ khác cũng không có.
- Nương , củ cải ngoài ruộng đào được chắc cũng được khá nhiều, bỏ được trong này bao nhiêu thì cứ bỏ, cũng không sợ bị hư hỏng trong thời gian ngắn, còn lại thì đem muối dưa đi. Còn cả muối măng chua nữa, trong nhà không có sẵn đồ để đựng sắp tới phiên chợ phải lên trấn mua một ít lu và vại về đựng mới được.
- Cứ nghe theo con là được.
- Phiên chợ này con không định đi, nên nương đi chợ sẵn mua luôn nhé, ở nhà con còn có việc muốn làm.
- Vậy cũng được, đến khi đó con muốn mua loại gì thì nói với nương một tiếng.
Tốn gần một canh giờ để ba mẹ con làm xong công việc, chỗ măng hôm qua còn phơi dang dở cũng được đem ra để phơi tiếp. Chỗ đậu tương hôm bữa đã phơi khô vì không có thời gian tách hạn vẫn được cất trong kho được đem ra ngoài chờ xử lí.
Buổi sáng Nguyên Vũ cũng không có ý định đi lên núi nên định tranh thủ sẽ tách xong chỗ đậu này.
Dụng cụ để tách đậu không có gì đặc biệt chỉ là hai cái gậy trúc một ngắn một dài được cố định với nhau bởi một sợi dây làm thành kiểu của côn nhị khúc vậy, như vậy Nguyên Vũ trải chỗ đậu tương xếp thành hàng trên sân rồi dùng cái gậy đó đập lên, thanh trúc được cầm là thanh dài còn thanh ngắn thông qua dây nối cứ vậy đánh đều lên chỗ đậu tương, kết cấu kiểu này làm cho diện tích tiếp xúc với chỗ đậu được nhiều hơn mà lực phát ra cũng mạnh hơn, quả đậu đã được phơi khô bị đánh không bị nát thì cũng tách ra, hạt đậu bên trong cũng được giải phóng, sau đó chỉ việc gom hạt lại đem đi sàng sảy cho sạch tạp chất là được.
Nói thì dễ nhưng đến khi thật sự động thủ vào công việc, Nguyên Vũ mới biết nó nhọc nhằn như thế nào, hai cái tay của cô qua một thời gian vung gậy miệt mài đã trở nên mỏi nhừ, Tam Nữu cũng không khá hơn là bao, sức nó nhỏ hơn Nguyên Vũ nên đã nghỉ giải lao từ trước, nhìn lại số đậu được trải ra trên sân cũng với số còn chờ xử lí, khối lượng công việc còn lại nhiều hơn tưởng tượng rất nhiều, kiểu này rất có thể hai chị em cô phải bỏ của chạy lấy người mất.
Ngô mẫu từ phía sau chuồng heo đi vào, từ lúc nãy đã nghe tiếng đập đậu chậm dần rồi tắt mất, hồi lâu chưa nghe lại bây giờ đi vào lại thấy hai chị em Nguyên Vũ ngồi bóp bóp cánh tay thì lắc đầu cười :
- Hai đứa mệt thì cứ vào nhà nghỉ đi, để đấy nương làm tiếp cho.
Ngô mẫu dù sao cũng làm ruộng nhiều năm có kinh nghiệm, khí lực cũng nhiều hơn Nguyên Vũ nên dùng gậy đánh rất nhịp nhàng, có vẻ thong thả hơn hai chị em Nguyên Vũ rất nhiều.
Nguyên Vũ và Tam Nữu nhìn Ngô mẫu thao tác gật đầu không ngừng, hai chị em cô là ra sức đánh, nghĩ đánh càng mạnh càng nhanh xong nhưng e là sai mất rồi, chỗ đậu hai chị em cô xử lí chỗ thì hạt chưa văng ra chỗ thì bị đánh nát cả, còn Ngô mẫu làm rất nhẹ nhàng nhưng kết quả lại hơn hai chị em cô nhiều. Vậy mới biết có kinh nghiệm làm việc đúng là rất có lợi thế.
Vốn hai chị em Nguyên Vũ định làm tiếp nhưng Ngô mẫu ngăn cản nên đành thôi, Nguyên Vũ không có việc gì làm bèn đi ra sau khu vực chuồng trại, từ khi Ngô mẫu nhận làm việc chỗ này, Nguyên Vũ cũng ít ra đây hơn hẳn, chủ yếu chỉ ra xem mấy con vật nuôi có bị bệnh gì hay không thôi.
Phải nói rằng Ngô mẫu làm việc rất tận tâm, cả một khu vực chuồng trại không hề nhỏ nhưng được bà dọn dẹp rất sạch sẽ, không bốc mùi khó chịu như ở nhà khác, tuy là phải kể đến cách xử lí chất thải của nhà Nguyên Vũ nhưng không thể phụ nhận việc dọn dẹp của Ngô mẫu rất tốt.
Khu vực chuồng heo , năm ô chuồng, hai mươi con heo con nào con nấy đều hồng hào béo tốt, trong đó có ô chuồng đầu tiên có ba con heo to hơn hẳn, chính là ba con heo non ngày mà Nguyên Vũ và bà ngoại mua rẻ hồi trước, đến chính bà ngoại là người mua cũng không ngờ Nguyên Vũ có thể nuôi sống cả ba con mà còn nuôi cho béo tốt như thế, mỗi con bây giờ cũng được tầm hơn trăm cân rồi, như vậy thì đến dịp tết này miễn cưỡng cũng đủ để mổ thịt.
Ở trong thôn mỗi năm chỉ nuôi được một lứa heo mà thôi trung bình là chín đến mười tháng mới đủ cân nặng để giết thịt, nếu bây giờ mà mọi người biết mấy con heo nhà Nguyên Vũ chỉ nuôi năm tháng cũng có thể giết thịt thì không biết sẽ suy nghĩ như thế nào a.
Mà trong ba con heo này có hai con heo đực một con heo cái, Nguyên Vũ dự tính tết này mổ một con heo đực, giữ lại một con cũng con heo cái còn lại, để làm gì ư ? Chính là nuôi làm heo mẹ, đây chính là chuyên môn của một kĩ sư nông nghiệp như cô không phải sao? Hơn nữa phải biết mua heo con ở đây không hề rẻ chút nào mà cũng không mua được một lúc số lượng nhiều, chính bầy heo nhà Nguyên Vũ cũng là mua đến ba đợt tính cả ba con heo mau lần đầu chính là bốn đợt mới mua xong, nếu như có thể chủ động nuôi được heo mẹ thì chuyện heo con không còn đáng lo nữa.
Sau này cô còn có dự tính từ chỗ heo nuôi được , chờ chúng lớn lên sẽ chọn ra ba bốn con heo mẹ nữa, heo đực chỉ cần một con là đủ rồi. Như vậy sau này không những đủ heo con cho nhà nuôi mà còn có thể bán cho người trong thôn nữa.
Qua chỗ chuồng nuôi dê, ban đầu chỉ có một con dê mẹ và hai con dê con, Nguyên Vũ mua là để lấy sữa cho mấy người Tiểu Tráng uống nhưng sau đó một thời gian dê mẹ hết sữa nên Nguyên Vũ lại mua thêm mấy con, cứ như vậy hiện tại đàn dê của Nguyên Vũ có hơn mười con, trong đó có một con dê đực đầu đàn là Nguyên Vũ mua riêng để gây giống, trên cổ nó được buộc một cái chuông nhỏ để làm tín hiệu, sau này khi chăn thả ngoài ruộng không lo bị lạc.
Mấy hôm trước trời còn ấm, đàn dê này được thả ra ngoài ruộng để tự kiếm ăn, buổi tối thì được lùa về, Tiểu Tráng còn xin được của nhà Ngô đại thúc - thợ săn trong làng được một con chó nhỏ về để đi chăn dê đặt tên là Hắc tử, vì con chó nhỏ này một màu đen tuyền, nghe Ngô đại thúc nói rằng nó có một phần tư huyết mạch của chó săn nuôi để giữ nhà rất phù hợp, vì sao lại là một phần tư? Đơn giản vì ông nội của con chó này là chó săn, vậy đó.
...
Chuyện là Ngô đại thúc có đứa con trai nhỏ tên là Mộc đầu, chơi rất thân với Tiểu Tráng, vì cha nó là thợ săn nên rất hay kể cho chúng nó nghe chuyện đi săn trên rừng, rồi chuyện những con chó săn dũng cảm ra sao, thông minh như thế nào, vì vậy khi con chó nhà Mộc đầu có bầu, Tiểu Tráng năn nỉ bằng được Ngô đại thúc cho nó một con về nuôi, đơn giản con chó mẹ mà nhà Mộc đầu nuôi là con của chó săn cho nên con của nó để ra cũng có gen của chó săn.
Khi Tiểu Tráng ôm con chó con về nhà , nó vẫn còn chưa mở mắt, cả nhà đều tá hỏa, sợ là nó đi ăn trộm của nhà nào về, nghe nó kể lại mới biết, thì ra con chó mẹ nhà Mộc đầu rất giữ con, từ lúc sinh đến giờ nằm lì trong ổ, hai đứa nhỏ canh mãi mới được một lần chó mẹ ra ngoài liền bắt chó con cho Tiểu Tráng đem về.
Tiểu tráng rất hớn hở ôm con chó con về nhà nhưng gọi mãi không thấy nó mở mắt ra cho nên mới hỏi cả nhà.
Nguyên Vũ nghe xong thì lăn ra cười, cả nhà cũng cười, Tiểu Tráng ngơ ngác lại càng không biết trăng sao gì. Cười đến đau cả bụng Nguyên Vũ mới bế Tiểu Tráng lên nói:
- Tiểu Tráng, con chó này còn nhỏ, còn cần bú sữa mẹ, thế mà đệ lại bắt nó về đây, phải xa mẹ của nó lại không được bú sữa nữa cho nên nó giận đệ, không thèm mở mắt ra nhìn. Bây giờ nghe lời của tỷ đem nó trả lại chỗ cũ, tháng sau nó đủ lớn rồi thì đệ hãy sang đón về, khi đó chắc chắn nó sẽ mở mắt ra nhìn đệ đấy.
- Là vậy sao, đệ không biết, thì là là chó nhỏ giận đệ mới không thèm mở mắt ra nhìn, bây giờ đệ sẽ đem nó trả lại cho mẹ nó.
- Ừ, như vậy mới là Tiểu Tráng ngoan của tỷ chứ.
...
Lại ghé sang chuồng nuôi thỏ, khu chuồng này khác hẳn với chuồng heo và chuồng dê, thỏ bố mẹ được nuôi riêng, thỏ bột ( nuôi lấy thịt ) được nuôi riêng, cả hai chỗ đều có một khoảng đất rộng khoanh rào phía trước để cho thỏ có thể chảy nhạy tự do, trong chuồng bây giờ có bốn cặp thỏ bố mẹ, còn bên khu thỏ bột lại có hơn mười con, đây có bốn con là do thỏ mẹ có bầu sinh ra còn lại là của Đại Tráng bẫy về, còn nhỏ nên Nguyên Vũ thả vào nuôi chung luôn.
Khu chuồng gà được xây riêng gần sát chân núi nhất chia thành hai phần nuôi gà nhà và gà rừng, gà nhà chủ yếu nuôi để đẻ trứng nhưng hiện tại trong chuồng chỉ có bốn con gà mái đẻ trứng thôi chính là bốn con gà bà ngoại mua cho, còn lại đều chưa trưởng thành, gần trăm con . Trứng gà mái đẻ được Nguyên Vũ để cho cả nhà ăn bởi vì gà bột đã có khá nhiều không cần gà con nữa. Phía bên gà rừng náo nhiệt hơn, gà mái có gần chục con đều đang đẻ trứng nhưng gà thịt thì không có, cái này phải chờ đến khi gà mẹ ấp trứng thì mới có gà con để nuôi, vốn dĩ Ngô mẫu cũng có ý kiến về việc nuôi gà rừng này, dù sao gà rừng rất phá, đẻ lại ít, trứng cũng nhỏ nhưng Nguyên Vũ lại bảo nuôi để làm giống, sau này để nuôi gà rừng lấy thịt nên Ngô mẫu không nói nữa.
Thực tế cũng đã có hai con gà mẹ đòi ấp trứng rồi nhưng Nguyên Vũ còn chưa cho ấp, cô đang chờ có thêm mấy con gà mái đòi ấp nữa sẽ sắp xếp luôn một thể, bởi vì ấp nở gà phải theo dõi ngày tháng cho nên cô không muốn làm lẻ tẻ từng con một, sau này khi gà con nở ra một lượt cũng dễ sắp xếp hơn.
Nhìn qua một lượt các khu chuồng trại, Nguyên Vũ có một tia thỏa mãn, được làm đúng sở trường của mình, kiếm tiền nuôi gia đình cảm thật là hạnh phúc, nếu được, cô chỉ mong mãi sống một cuộc sống như vậy. Bản thân là một trạch nữ nên mong ước của cô như vậy là rất hiển nhiên, nhưng cô cũng biết rằng điều này với thời điểm hiện tại là không thể, bây giờ cô còn nhỏ, cho dù kiếm ra được khá nhiều tiền nhưng ai biết trước mọi chuyện tương lai ra sao, ít nhất trong thời đại phong kiến này nhỡ đâu dính tai bay vạ gió không biết chừng, Đại Tráng, Tiểu Tráng sau này còn muốn đi học, nếu chúng nó học để biết chứ thì đã đành, muốn theo con đường làm quan thì ít nhất hoàn cảnh gia đình có thể làm chỗ dựa thì mai sau mới không bị chèn ép, mặt khác cô cũng phải kéo cả thôn thậm chí cả huyện giàu lên, nếu một mình gia đình cô giàu có, không sớm thì muộn cũng bị mọi người đâm sau lưng, mặc dù hiện tại cả thôn đối với gia đình cô rất tốt, nhưng không thể không đề phòng được.
Cô chỉ là mong muốn sao cho an bài mọi kế hoạch thật tốt sau đó phủi tay làm chưởng quỹ, tận hưởng cuộc sống là được.
...
Đến gần trưa, Ngô mẫu cũng xử lí xong chỗ đậu tương, gom hết tàn cây để vào trong kho củi cạnh nhà bếp để nhóm lửa, còn lại chỗ hạt chưa được làm sạch vun thành một đống trong sân, xem ra cũng được bốn năm bao tải lớn, đợt thu hoạch vừa rồi không tệ.
Để đống đậu ở đấy, Ngô mẫu vào nấu cám cho heo, ngày nào cũng phải nấu hai cữ, vốn dĩ Nguyên Vũ cũng muốn nấu một lần vào buổi trưa thôi nhưng ngặt nỗi không có cái nồi đủ kích cỡ cho hai mươi con heo ăn cả ngày nên đành chịu khó ngày nấu hai lần.
Cám cho heo vẫn là bột ngô xay ra với rau khoai, trộn chung với mắm cá. Tất nhiên không phải là loại mắm mà mọi người hay ăn ở hiện đại, chính là dùng cá và tôm nhỏ tạp nham Đại Tráng vớt được ngoài ruộng đem về nấu chín rồi trộn với muối để cho heo ăn dần, nếu được Nguyên Vũ muốn làm nhiều một chút, bởi vì cũng sẵn có mà heo ăn rất nhanh lớn. Chẳng qua Đại Tráng không bắt được nhiều chỉ muối được một lon nhỏ.
Nguyên Vũ đi lấy cái nia, hốt một ít đậu tương chưa làm sạch ra góc sân đứng sảy, làm sạch được một rổ hạt, sau đó đem đi ngâm nước, cái này là chiều dùng để làm đậu phụ và sữa đậu nành, lại lôi ra một ít hạt dẻ, cũng Tam Nữu ngồi tách vỏ tính chiều xay chung luôn.
Buổi chiều, Liễu phụ cùng ba chị em Nguyên Vũ lại lên núi. Vì chưa nhờ được người đến lợp mái nhà ấm cho nên ông vẫn đi chặt củi.
Vẫn hai người chặt củi và hai người đi đào măng, công việc rất thong thả, Ngô mẫu thì lên trên ruộng vừa cắt rau khoai vừa bới củ cải trắng, Tiểu Tráng đi theo Ngô mẫu.
Thu hoạch của hai chị em Nguyên Vũ không tồi, vì không nhặt hạt dẻ cho nên thu được nhiều măng hơn hôm qua, gọt xong rửa sạch lại thái ra đem phơi, cũng đã kha khá nhiều rồi, vì chưa mua vại nên chưa muối măng chua được, hai chị em không cần đào măng nữa mà quay sang giúp Ngô mẫu thu hoạch củ cải.
Trong vườn nhà Nguyên Vũ cũng trồng mấy loại rau chính là rau cải , cà chua cùng một ít ớt và một số rau gia vị như hành tỏi,... vì ở trong nhà nên không cần chú ý nhiều, lúc nào thu hái cũng được.
Qua hai ngày số củ cải trên ruộng đã được thu hoạch xong đều chất vào trong hầm dưới nhà kho. Số củi chặt được cũng đã khá nhiều, ước chúng chặt thêm hai ngày nữa là đủ dùng qua mùa đông.
Trong hai ngày này không có việc gì lớn xảy ra cả ngoại trừ ông nội Nguyên Vũ, Liễu gia gia có ghé qua một lần, nhìn thấy căn nhà mới của gia đình cô thì rất ngạc nhiên, sau đó không hỏi han gì nhiều chỉ bảo với Liễu Phụ và Ngô mẫu hảo hảo sống tốt là được, người bên nhà nội không phải ai cũng cực phẩm cả, ít nhất với người ông nội này Nguyên Vũ không có bài xích, chỉ tại ông làm người quá hiền lành,nhu nhược nên mới để trong nhà nhốn nháo vậy thôi, người khác nữa chính là một nhà tam phòng, cuối cũng là tứ thúc của Nguyên Vũ. Nhưng những người này bàn sau.
Ông nội đến chơi một lát rồi ra về, Liễu phụ có giữ ông lại ăn cơm nhưng ông từ chối sợ về nhà bà nội Nguyên Vũ lại làm ầm ĩ, Liễu phụ đưa cho ông một tiền trong có một thỏi bạc năm lượng bạc cũng với hai xâu tiền lẻ, cái này là Liễu phụ hỏi qua ý kiến Ngô mẫu rồi mới đưa cho ông, trong nhà mặc dù Liễu phụ làm chủ nhưng Ngô mẫu lại cầm tiền, là số tiền hàng tháng Nguyên Vũ đưa cho Ngô mẫu dùng để chi tiêu trong nhà, còn lại cô giữ lại để làm vốn làm ăn, cho nên muốn lấy ra cũng phải nói ra rõ ràng, tiền chỗ Nguyên Vũ thì không đụng tới được.
Sở dĩ đưa tiền cho Liễu gia gia là bởi vì cả nhà Nguyên Vũ cũng biết trong tay gia gia không có tiền, tuy ăn uống may mặc hằng ngày đều không phải lo nhưng Liễu gia gia rất ít khi mua được cái gì mình thích, đơn giản vì Lưu thị giữ hết tiền, Liễu phụ cho ông tiền là muốn ông có chút vốn riêng có thể mua thuốc lá hút, có thể cho mấy đứa cháu tiền mua đồ ăn vặt, .. hơn nữa cũng là để Liễu gia gia chu cấp thêm cho Tứ thúc đang đi học.
Mặc dù tứ thúc cũng được đi học nhưng đãi ngộ khác với đại bá ngày trước rất nhiều, đại bá của Nguyên Vũ khéo ăn nói, biết lấy lòng Lưu thị lại cưới cháu gái của thị làm tức phụ thế cho nên Lưu thị chu cấp tiền ăn học của đại bá rất đầy đủ, mà tiền đó chính là sức lao động của nhị phòng và tam phòng là chính, cứ vậy suốt mười năm mặc dù đại bá chỉ lấy được thân phận đồng sinh nhưng Lưu thị cũng không phàn nàn gì.
Nhưng Tứ thúc của Nguyên Vũ cũng thuộc hạng người thật thà, ngay thẳng, nhiều lần ngang nhiên chống lại Lưu thị để bênh vực nhị phòng và tam phòng, chính vì vậy cho dù có yêu thương tứ thúc hơn người khác nhưng vẫn dưới đại bá, tứ thúc đi học chỉ được chu cấp những thứ cơ bản nhất, cho dù tiềm năng của y khá hơn đại bá nhiều, lần này tứ thúc chuẩn bị thi lại, Liễu phụ biết điều này nên đưa tiền cho Liễu gia gia về cho thêm đứa em trai mình bồi dưỡng, một người làm quan cả họ được nhờ, cho dù phân gia rồi nhưng Liễu phụ vẫn hi vọng nhà cũ sống tốt.
Cả nhà Nguyên Vũ đều biết tứ thúc chuẩn bị đi thi chắc chắn Lưu thị sẽ lấy cớ để đòi tiền nhà cô, nhưng chắc chắn sẽ không dùng hết cho tứ thúc mà sẽ cất phần nhiều để bổ sung vào của hồi môn cho cô con gái bảo bối chưa xuất giá của thị, vì vậy, đưa cho Liễu gia gia là cách tốt nhất để số tiền đến được tay tứ thúc không bị hao hụt.
Liễu gia gia nhận tiền, cũng hiểu ý của nhị phòng, trong lòng không khỏi dâng lên chua xót, ngày trước nhà chính có lỗi với nhị phong nhưng người ta không để bụng còn biết giúp đỡ huynh đệ, lại nhìn gia cảnh nhị phòng ngày một tốt, nếu như chuyện ngày trước không xảy ra thì sau này với tính cách của lão nhị , hai ông bà già có thể dưỡng lão an nhàn, nhưng bây giờ e rằng khó cứu vãn, sau này phân gia ra ông phải theo nhà đại phòng dưỡng lão nhưng nhìn nhà lão đại liền biết e rằng khó có thể yên bình mà trôi qua.
Trước khi ra về ông còn nói xin lỗi còn Ngô mẫu làm mọi người rất kinh ngạc, xã hội này đừng nói đến chuyện chồng xin lỗi tức phụ mình đã rất khó, huống hồ là cha chồng xin lỗi con dâu. Câu nói cuối cũng trước khi Liễu gia gia ra về là :
- Ta không cầu mong hai ngươi tha thứ cho ta, ta sống gần hết đời người còn hồ đồ như vậy không đáng được tha thứ, nhưng ta chỉ xin các ngươi ngày sau nguôi giận có thể dẫn mấy đứa nhỏ về nhà cũ, thỉnh thoảng để chúng tới thăm ta, dù sao cũng là huyết mạch tương liên, không thể để sau này chúng không nhìn mặt người làm gia gia như ta được.
Ngô thị cũng Liễu phụ nhìn gia gia ra về rồi trầm mặc rất lâu. vẫn là Ngô thị cất tiếng trước.
- Ta cũng không giận gì cha cả, giận là giận một nhà đại phòng, cũng giận nương hùa theo đại phòng tính toán nhà chúng ta, kể ra cha cũng tội nghiệp, vài năm nữa tứ thúc lập gia đình, tiểu cô xuất giá, nhà cũ phân gia, ta sẽ để mấy đứa Nguyên Vũ thường xuyên sang thăm ông cụ, coi như thỏa mãn nguyện vọng của ông lúc tuổi già.
Liễu phụ nghe xong cũng nhẹ nhàng mỉm cười, ông biết tính vợ mình rất dễ mềm lòng nhưng con cái là nghịch lân của nàng, ngày trước nếu không đụng tới giới hạn đó thì chắc chắn nàng vẫn nhẫn nhịn sống bên nhà cũ mặc dù bị Lưu thị chèn ép.
Đã qua ba năm nhưng khúc mắc đó vẫn chưa buông bỏ, nàng chưa từng một lần đề cập ghé sang nhà cũ , đây coi như là nhường nhịn lớn nhất mà nàng có thể đưa ra rồi.
Quay lại với công việc của nhà Nguyên Vũ, như vậy mọi chuyện cũng đã chuẩn bị ổn thỏa, mái nhà ấm cũng đã được lợp lên, mấy ô cửa số còn trống cũng được hoàn thiện, nếu thích thì vài ngày nữa Nguyên Vũ có thể thử trồng rau.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top