Chương 6: Đi ra chợ

Đi bộ tiếp ước chừng mười lăm phút đồng hồ nữa, khu họp chợ đã ở ngay trước mắt.

Chợ bản chỉ họp vào buổi sáng, khu chợ tập trung ngay dưới tán một gốc đa cổ thụ khổng lồ gần bờ sông. Tô Tử Diệp chưa bao giờ nghĩ một cái cây có thể lớn tới mức như thế, ban nãy khi ở xa, hắn còn tưởng đó là một khu rừng nhỏ.

Tán cây bao phủ rợp một khoảng trời, đường kính phải tới hơn trăm mét, cành lá loà xoà vươn tới sát mé sông. Những rễ cây lớn bằng bắp chân bện vào nhau thành từng chùm lớn nhỏ rậm rạp, thả từ trên cao xuống mặt đất trông như những lọn tóc rối khổng lồ, có nhiều chùm rễ lớn tới bốn năm người ôm.

Con đường đất đi xuyên qua dưới tán cây. Tới gần, Tô Tử Diệp đã thấy lố nhố những đầu người chen chúc bên cạnh những sạp hàng được bày bán hai bên lề đường, tiếng người nói chuyện xì xào nhộn nhịp.

Tô Tử Diệp chậm rãi đi dọc theo con đường, vừa đi vừa tò mò ngắm nhìn mọi thứ xung quanh. Trong chợ rất đông người, không ai bận tâm để ý đến hắn.

Tô Tử Diệp hứng thú quan sát những sạp hàng bày bán đủ những thứ đồ. Hai cô gái đang thì thầm bên sạp hàng vải, tiếng người phụ nữ kia gọi chồng, một tên nhóc đang khóc lóc cố níu kéo mẹ hắn dừng chân trước gánh mía lau, những người phụ nữ môi đỏ răng đen, miệng bỏm bẻm nhai trầu bên cạnh những sọt nông sản xanh mơn mởn, .... Tiếng cãi nhau gay gắt, tiếng cười cười nói nói, tiếng chim hót trên những cành cây cao, tất cả đều được hắn ghi nhớ lại trọn vẹn.

Dãy chợ họp không dài lắm, chẳng mấy chốc Tô Tử Diệp đã đi hết một lượt. Con đường đất tới đây chia làm hai, chếch bên trái là đường dẫn vào trong thôn Trúc Lâm, hướng phải là đường đi xuống bến đò.

Nhiệm vụ mà quả phụ Dương giao cho hoá ra không quá đơn giản đối với Tô Tử Diệp. Hắn cứ tưởng tiệm rượu nhà lão Ngũ ở đâu đó trong chợ, bây giờ mới biết là không phải. Trong chợ toàn là các sạp hàng tạm bợ, đến mái che cũng chả có, còn kém một từ "tiệm" rất xa.

Bất đắc dĩ, Tô Tử Diệp lấy hết dũng khí giữ lại một người đàn ông đi hướng từ trong thôn Trúc Lâm ra. Hắn ngẩng đầu nhìn người đàn ông, hỏi: - Chú à, cho cháu hỏi tiệm rượu nhà lão Ngũ nằm ở đâu vậy?

Người đàn ông có mái tóc cắt ngắn, làn da rám nắng, mặc quần áo vá đã bạc màu, trên vai vác một sọt nông sản lớn. Hắn giơ cánh tay còn lại chỉ về phía mình vừa đi tới, trả lời: - Ở trên phố Phúc Lộc ấy, đi vào trong thôn là thấy.

Tô Tử Diệp cười: - Cảm ơn chú ạ!

Hắn cất bước đi theo hướng người đàn ông vừa chỉ, bỏ lại người kia còn ngơ ngẩn đứng đó.

Người đàn ông quả thật rất ngạc nhiên. Cảm ơn ư? Hắn không quen với việc có người cảm ơn mình, từ trước tới giờ hắn đã được ai cảm ơn bao giờ đâu.

Thằng bé kia vừa mới nói lời cảm ơn với hắn.

Nhìn bóng lưng Tô Tử Diệp, hắn lớn giọng nói với theo: - Tiệm rượu ở ngay đầu phố, nằm thứ ba từ trái sang, có cái biển hiệu đã tróc hết sơn ấy.

Tô Tử Diệp nghe thấy, quay người vẫy tay chào người đàn ông, nụ cười rạng rỡ như nắng: - Cháu nhớ rồi!

Người đàn ông cũng nhe răng cười đáp lại, bất giác học theo Tô Tử Diệp, cánh tay giơ lên ngượng nghịu vẫy vẫy, rồi lại ngượng nghịu hạ xuống, động tác cứng nhắc. Hắn quay đầu đi tiếp, trong lòng tự nhiên thấy vui lạ.

Không biết thằng nhỏ này là con nhà ai nhỉ?

.

Con đường đất càng đi càng dốc lên cao. Bên phải là rừng trúc kéo dài tới sát bờ sông, bên trái là cánh đồng vắng rộng mênh mông.

Khu dân cư của thôn Trúc Lâm nằm ở phía Đông, tập trung trên một vùng đất rất rộng có địa thế cao, ngay dưới chân một ngọn núi lớn. Cũng giống như thôn nhà Tô Tử Diệp, thôn Trúc Lâm ba mặt đều là những dãy núi cao bao quanh, mặt còn lại hướng ra dòng sông lớn, khắp cả thôn đâu đâu cũng thấy tre trúc dày đặc.

Đường đi trong thôn Trúc Lâm cũng bằng đất nện trải đầy rơm vàng, chỉ duy nhất có phố Phúc Lộc - con phố duy nhất trong bản, được lát gạch đỏ. Trên phố không có quá nhiều người đi lại, nhưng đa phần vẻ mặt hồng hào, y phục nếu không phải vải bông ấm áp thì ít nhất cũng là vải thô lành lặn không mảnh vá, nhìn qua đã biết toàn là người có tiền.

Cửa hàng rượu của lão Ngũ là một cửa hiệu nhỏ không bắt mắt nằm ở đầu con phố, biển hiệu có phần cũ nát, in hằn lên những dấu vết của thời gian.

Bên trong cửa hàng lúc này có ba người. Đứng sau quầy là một người đàn ông trung niên khoảng chừng gần năm mươi tuổi, đang nói chuyện với một vị khách tới mua rượu. Một người khác đoán chừng là làm công cho cửa hàng đứng ở phía sau hóng chuyện.

Khi Tô Tử Diệp bước vào, cả ba người đều nhìn thấy hắn, cuộc nói chuyện cũng bởi vì vậy mà tạm dừng.

Tô Tử Diệp bỗng thấy căng thẳng, cả ba người này đều chú ý tới mình ư? Hắn nhìn cả ba người, xác nhận mình không nhận ra một ai.

Tô Tử Diệp chầm chậm tiến tới người đàn ông đứng sau quầy, nói: - Chào ông chủ Ngũ, cháu muốn mua một vò nửa cân rượu nếp.

Ông chủ Ngũ thân hình to béo, mặc một thân quần áo vải bông vô cùng tốt. Hắn lạnh nhạt nhìn Tô Tử Diệp, hất hàm hỏi với giọng cộc lốc: - Có tiền không?

Tô Tử Diệp hỏi: - Bao nhiêu tiền?

Lão Ngũ trả lời: - Nửa cân mười ba đồng. Đưa tiền trước.

Tô Tử Diệp cúi đầu, rút xâu tiền đồng từ trong ngực áo ra, cẩn thận mở nút thắt, đếm tiền.

Vị khách đứng trước quầy là một người đàn ông gần bốn mươi tuổi, bỗng dưng mở miệng nói: - Ồ, thằng ngốc nhà lão Sinh, cha mày lại sai mày đi mua rượu đấy à?

Hắn nói xong liền cười hô hố, người làm công đứng sau lưng lão Ngũ cũng bật cười thành tiếng.

Tô Tử Diệp ngẩng đầu lên nhìn tên đàn ông này, cũng không nói gì, cúi đầu giả ngốc tiếp tục đếm tiền. Hắn chậm rãi buộc lại xâu tiền cẩn thận, nhét vào trong ngực áo, sau đó mới đưa mười ba đồng tiền cho lão Ngũ.

Lão Ngũ nhận lấy tiền từ tay Tô Tử Diệp, đếm lại một lần. Sau khi kiểm tra đã đủ mười ba đồng thì quay đầu nói với tên làm công: - Đi lấy rượu ra đây.

Rồi hắn quay qua hỏi Tô Tử Diệp, giọng hoà hoãn hơn: - Tiểu Tô, hôm nay ngươi đi mua rượu cho ai đây?

Lúc này Tô Tử Diệp mới trả lời: - Là quả phụ Dương nhờ ta đi mua.

Người khách kia lại xen vào: - Quả phụ Dương mà lại đưa tiền cho mày đi mua rượu á? Mới qua mấy ngày mà hai nhà đã thân thiết như vậy rồi, quả là, quả là... cái gì ấy nhỉ? Đúng rồi, là đồng bệnh tương liên, ahahahahaa.

Lão Ngũ không nhịn được, cũng khẽ nhếch miệng cười. Tô Tử Diệp vẫn cúi đầu, tiếp tục giả ngốc. Lúc này người giúp việc đã mang vò rượu nếp ra, lão Ngũ cầm lấy vò rượu, đưa cho hắn.

Tô Tử Diệp nhận vò rượu, kiểm tra bề ngoài nguyên vẹn, vết bùn niêm phong vẫn còn, gật đầu với lão Ngũ, nói: - Xin phép đi trước.

Xong rồi quay người đi thẳng. Lão Ngũ nhìn theo hắn, cảm thấy hơi thú vị, liền quay sang hỏi vị khách: - Này, ngươi có thấy thằng ngốc này hôm nay có gì đó là lạ không?

Người đàn ông kia trả lời: - Có gì mà lạ chứ, không phải vẫn là cái bộ dạng đần độn ngu ngốc đó à? Người lớn hỏi cũng không biết mở mồm ra mà trả lời, ta cứ nhìn nó là thấy chướng mắt.

Lão Ngũ tự hoài nghi bản thân, sau đó cũng không để ý tới nữa, lại tiếp tục câu chuyện ban nãy còn dang dở với người khách.

...

Tô Tử Diệp trên đường quay trở về, vừa đi vừa suy nghĩ mông lung.

Bây giờ thì hắn đã biết cha mình họ Tô tên Sinh. Có lẽ chỉ là Tô Sinh mà thôi, vì chữ khắc trên tấm bài vị trên ban thờ chỉ có hai chữ.

Cả ba người trong tiệm rượu đều biết tiểu Tử Diệp, biết Tô Sinh cha hắn. Hình như đối với lão cha hắn cũng không có thiện cảm, nghĩ hắn là tên ngốc cho nên nói chuyện không hề nể nang, hoàn toàn không che giấu chút nào vẻ khinh thường.

Mua rượu phải trả tiền trước ư? Không đúng lắm, ngoài chợ buôn bán đều là nhận đồ rồi mới trả tiền. Hình như là đề phòng mình không có tiền.

Tại sao phải đề phòng? Trước đây mình đã từng mua rượu thiếu tiền hay sao? Hẳn là vậy rồi.

Thậm chí có lẽ là phải nhiều lần mua rượu thiếu tiền mới có được loại đãi ngộ này.

Tô Tử Diệp vừa tự hỏi vừa tự trả lời.

Xem ra lão cha mình không phải là người đơn giản. Hắn kết luận.

Hắn không có một chút ký ức gì về lão cha Tô Sinh đã chết của mình, nhưng từ thái độ của mấy người trong tiệm rượu cũng có thể lờ mờ đoán ra.

.

Một đường đi mua rượu cũng coi như là thuận lợi. Tô Tử Diệp quay trở về chợ bản, đi xuống bến đò.

Bến đò khá đông, người tới người lui nhộn nhịp, thuyền bè qua lại đục ngầu một khoảng mặt sông. Nhưng chủ yếu là thuyền gỗ và bè tre cỡ nhỏ có độ dài chừng năm sáu mét trở xuống, chỉ có vài ba con thuyền cỡ hơi lớn một chút.

Bản Trúc Lâm gồm ba thôn nhỏ hợp thành, núi sông trập trùng ngăn cách. Giao thông đường bộ kém phát triển, người dân các thôn đã quen đi lại với nhau bằng thuyền bè rồi. Nhất là thôn Trúc Sơn bên kia sông, nhiều núi đồi, đồng ruộng vườn tược ít, đàn ông trong thôn nếu không vào núi đào quặng thì đều có thêm nghề chài lưới đánh cá hoặc chèo đò để kiếm sống.

Các sạp hàng thịt gà vịt lợn cá đều được tập trung ở một khu đất nhỏ ven sông, ngay cạnh bến đò. Tô Tử Diệp tiến tới sạp hàng bán thịt lợn của một người đàn ông khoảng chừng ba mươi lăm tuổi, khuôn mặt có vẻ thành thật chất phác. Trước ngực người này đeo một tấm tạp dề bẩn thỉu màu xám xịt, trên tay đang cầm một con dao bầu lớn.

Đứng trước sạp hàng lúc này đang có hai người phụ nữ đang đợi mua thịt lợn.

Tô Tử Diệp để ý, lượng thịt mỗi người mua cũng không nhiều, mỗi người chỉ nửa cân. Một người trả sáu đồng, người kia thì phải trả bảy đồng, hẳn là mỗi bộ phận có giá cao thấp khác nhau.

Nhìn kích thước miếng thịt heo trên tay hai người này, một cân hình như chỉ hơn nửa ký lô là cùng.

Đợi hai người kia đã rời đi, Tô Tử Diệp mới tiến lên, nói: - Chú ơi, cháu muốn mua ba cân thịt ba chỉ.

Người đàn ông kia nhìn Tô Tử Diệp, hơi tỏ vẻ ngạc nhiên. Người mua một lúc ba cân thịt lợn không nhiều, đây lại là một thằng nhóc lạ mặt, ăn mặc cũng không có vẻ là người có tiền.

Người đàn ông hỏi lại: - Mua hẳn ba cân hả?

Tô Tử Diệp cũng không muốn nhiều lời, chỉ tay về hướng thôn nhà mình, nói thẳng: - Đúng vậy. Là quả phụ Dương ở thôn trên bảo ta đi mua giúp.

Ồ, là khách quen, người bán thịt tất nhiên là biết, thậm chí còn hiểu tính tình của quả phụ Dương đôi chút. Hắn nhìn mớ thịt lợn còn lại trên sạp, nhìn qua cả mấy sạp hàng còn lại, lắc đầu, nói với Tô Tử Diệp: - Ngươi trở về nói với quả phụ Dương, bây giờ hơi trễ rồi, cả chợ không còn phần thịt nào ngon nữa đâu. Lần sau muốn mua thịt ba chỉ thì phải đi sớm một canh giờ mới được, lúc đấy thịt gì cũng có.

Tô Tử Diệp không biết làm thế nào, đành phải ôm mỗi vò rượu nếp trở về thông báo với quả phụ Dương.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top