Chương 18: Phân xanh
Sau bữa trưa, Nguyễn thị đem đũa bát ra cầu ao sau nhà để rửa, Tô Liên Hoa chơi với con chó nhỏ, còn Tô Tử Diệp tiếp tục lấy thúng vớt bèo trong ao. Nhìn đám bèo rải thành một khoảng lớn trên mặt đất, Nguyễn thị liền hỏi con trai: - Tử Diệp, con vớt bèo để làm gì vậy?
- Số bèo này đem phơi cho ráo nước là có thể làm phân bón cây. Nhà mình có ruộng có vườn, từ giờ cho tới mùa xuân phải tích trữ càng nhiều phân bón càng tốt. Tô Tử Diệp trả lời.
Nguyễn thị nghe vậy liền cười: - Phân bón thì phải là phân động vật, chứ ai lại dùng bèo phơi khô để bón cây bao giờ.
Tô Tử Diệp kiên nhẫn giải thích: - Bèo mặc dù không tốt bằng phân chuồng, nhưng chẳng có loại phân xanh nào tốt hơn nữa rồi.
Nguyễn thị yên lặng ngẫm nghĩ. Nàng chưa bao giờ nghe tới khái niệm phân chuồng, phân xanh, không biết là con trai mình nghe ai nói. Phân chuồng thì nàng đoán được, có thể là phân gia súc gia cầm nuôi trong chuồng, trâu bò lợn gà các loại. Nhưng còn phân xanh, chả nhẽ lá cây cũng có thể dùng làm phân bón?
- Phân xanh là loại phân gì? Nguyễn thị ngập ngừng hỏi con trai.
- Là xác của các loại cây thân mềm, cành lá xanh, hoa cỏ dại, thì gọi chung là phân xanh. Có thể rải chúng xuống đất để làm đất tốt hơn, ví dụ như cây đậu, cây chuối chẳng hạn, đều dùng làm phân xanh bón cây được, những cây bèo này cũng vậy.
Nguyễn thị nghe Tô Tử Diệp trả lời thì nửa tin nửa ngờ. Kinh nghiệm đúc kết từ bao đời nay đã dạy cho những người nông dân đều biết nên trồng xen canh cây đậu sau khi đã qua vài vụ mùa chính, quả thì thu hoạch lấy hạt, thân rễ cành lá thì cày vùi vào đất, cho tới khi chúng tan rã hẳn trong đất bùn, như vậy đất đai cằn cỗi lại dần trở nên màu mỡ như ban đầu. Chứng tỏ không phải con trai nói năng liên thiên, nhưng nàng vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng: - Ý con là dùng những cây bèo này làm phân xanh còn tốt hơn là cây đậu ư?
Tô Tử Diệp cười: - Có tốt hơn hay không thì con không dám chắc, nhưng khẳng định là có tác dụng. Mẹ, thử một chút mới biết được, cũng chả mất gì mà.
Nguyễn thị rất nhanh đã quyết định: - Được. Đợi mẹ rửa bát xong sẽ vớt bèo giúp con.
Người làm nông đều biết tầm quan trọng của phân bón, trồng cấy mà không có phân, vậy thì xác định bỏ công nhiều mà thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Trâu bò trong thôn thì hiếm, có muốn đi hốt phân cũng chả tới lượt mình, nhà nàng lại không nuôi lợn gà gì, nếu như mà bèo cũng có thể làm phân bón, vậy thì quá tốt rồi.
Tô Tử Diệp liền xua tay: - Không cần đâu, con tự làm được. Mẹ cứ đi làm việc của mẹ đi.
Thấy con trai kiên quyết, Nguyễn thị cũng không cố ép buộc. Nàng còn bận khâu vá lại mớ quần áo cũ, sắp tới tiết trời chắc chắn còn lạnh hơn nhiều.
...
Tới chiều, đám bèo phơi trên nền đất đã nhiều hơn một lớp dày. Tô Tử Diệp đứng bên bờ ao, ống quần xắn cao tới đùi, hai chân dính lấm tấm những lá bèo xanh nhỏ xíu.
Giơ ống tay áo lau qua loa mồ hôi rịn ra trên mặt, hắn đang cảm thấy hơi nóng. Số bèo trong ao ước chừng chỉ còn non nửa lúc ban đầu, trải đều ra trên mặt ao thành một lớp mỏng hơn, vì vậy Tô Tử Diệp không định tiếp tục nữa, chỉ mất công hơn, vả lại cần giữ lại một phần để chúng sinh khối tiếp. Tuy nhiên, tới mùa xuân phải dọn sạch cái ao này, chỉ nuôi mỗi bèo hoa dâu và bèo cái mà thôi. Bèo hoa dâu có hàm lượng đạm vượt trội, dùng làm phân xanh thì không gì tốt bằng, bèo cái để lọc sạch nước, còn bèo cám và bèo tấm không có nhiều tác dụng, cần phải loại bỏ...
Đang mải nghĩ ngợi, bỗng một viên đá nhỏ bay trúng đầu Tô Tử Diệp. Hắn quay đầu nhìn lại, trông thấy Tiểu Thạch đang đứng lấp ló sau hàng rào thấp ngăn cách vườn nhà. Trần Bình Thạch thấy hắn đã phát hiện ra mình, liền xé đôi cái lá tre, nhét vào miệng giả làm hai cái răng cửa thật lớn, hai tay kéo tai cho căng tròn ra, ý muốn rủ Tô Tử Diệp đi bắt chuột đồng.
.
Hai thằng nhóc lại bắt đầu đi tìm hang chuột. Nhìn Trần Bình Thạch hí ha hí hửng, Tô Tử Diệp mới cười hỏi hắn: - Tiểu Thạch, bữa trưa có ăn hết thịt không?
- Tất nhiên là hết rồi, sao có thể bỏ phí được? Tâm trạng Tiểu Thạch phơi phới.
Tô Tử Diệp bất chợt nhỏ giọng: - Này, ngươi không ngại người trong thôn biết nhà mình ăn thịt chuột à?
- Sợ cái gì, no bụng là được. Ngược lại câu này là ta hỏi ngươi mới đúng, ngươi không sợ người ta biết à?
Cha con Trần Bình Thạch là dân ngụ cư, vốn dĩ bình thường đã không được mọi người trong thôn tôn trọng. Từ bảy năm trước, khi cha con hắn lưu lạc tới thôn này đến bây giờ đều là vậy, cho nên hắn hoàn toàn mang tâm lý cùi không sợ lở, ai chả biết nhà hắn vừa nghèo vừa hèn, ăn thì cứ ăn, sợ cái cục cứt! Nhưng mà Tô Tử Diệp thì khác, nhà họ Tô đã sống không biết bao nhiêu đời ở đây rồi.
- Tất nhiên không sợ. Tô Tử Diệp ra vẻ cứng giọng, Nguyễn thị sợ, nhưng hắn không sợ.
- Cũng đúng. Ngươi có làm cái gì thì mọi người cũng thấy rất bình thường mà thôi.
- Con mẹ nhà ngươi!!!
- Ê này Tiểu Diệp, nếu như người ta biết thịt chuột đồng ăn ngon như thế này, không khéo họ cũng đi bắt chuột giống chúng ta ấy chứ. Tiểu Thạch cười hì hì, nửa đùa nửa thật nói. Phát hiện ra thịt chuột đồng có thể ăn được, hơn nữa còn ngon như vậy, thật sự chẳng kém thịt gà, đối với hắn đúng là vui như nhặt được vàng.
Cha con Tiểu Thạch này phóng khoáng hơn Nguyễn thị nhiều, Tô Tử Diệp nghĩ như vậy. Sức ăn cũng thật đáng nể, bằng ấy thịt mà vẫn ăn hết. Buổi trưa ba mẹ con hắn ăn no căng bụng mà vẫn còn thừa vài con.
Hai thằng nhóc giao lưu tới giờ cũng coi như là bạn, Tô Tử Diệp luôn mồm hỏi chuyện, cố gắng khai thác tối đa thông tin về cuộc sống thường ngày ở vùng thôn quê nghèo, còn Tiểu Thạch thì vô tư trả lời từng câu hỏi của hắn.
Trần Bình Thạch năm nay mười ba tuổi, chỉ hơn Tô Tử Diệp một tuổi nhưng cao lớn hơn nhiều. Có điều tính cách hắn đơn thuần, hoặc cũng có thể do không đề phòng đối với Tô Tử Diệp, Tô Tử Diệp hỏi cái gì, hắn biết thì đều thật thà trả lời hết.
Chẳng mấy chốc, hồ sơ lý lịch nhà Tiểu Thạch đã bị Tô Tử Diệp điều tra sạch sẽ.
Mẹ Tiểu Thạch mất đã lâu, ba cha con hắn là người chạy nạn từ nơi khác tới. Người trong thôn thương tình nên để cho một nhà ba người ở lại, nhưng không được sống gần các nhà khác trong thôn, chỉ cho phép dựng một túp lều tạm ven nghĩa địa làm nơi tá túc.
Cha của Tiểu Thạch tên cv Trần Điền, đang độ tráng niên, công việc thường ngày là đi cày thuê cuốc mướn cho nhà khác để kiếm sống. Em gái Trần Bình Thảo năm nay mới tám tuổi, từ nhỏ đã đau ốm triền miên cho nên rất ít khi ra khỏi cửa. Trần Bình Thạch không biết chính xác là bệnh gì, chỉ biết rằng nàng thường xuyên lên cơn khó thở.
Trong cộng đồng làng xã, dân ngụ cư có địa vị xã hội rất thấp, ba cha con Tiểu Thạch không tránh khỏi việc bị thôn dân coi thường. Cũng giống như Tô Tử Diệp, đám trẻ con trong thôn ở nhà được cha mẹ răn đe, có rất ít đứa chịu chơi cùng Tiểu Thạch. Bây giờ có một người bạn là hắn, Tiểu Thạch bỗng chốc trở nên nhiều lời, nói liên miên không dứt, khác hẳn với vẻ lạnh lùng ban đầu mới gặp.
.
Trần Bình Thạch nhớ tới ban nãy Tô Tử Diệp đứng bên bờ ao, bèn lên tiếng hỏi: - Tiểu Diệp, ngươi vớt bèo làm gì vậy? Ta nhớ hình như nhà ngươi cũng đâu có nuôi lợn gà gì đâu.
Khi nghe Tô Tử Diệp nói vớt bèo làm phân xanh bón cây, hắn buông một câu gọn lỏn: - Thằng điên!
Tô Tử Diệp chả thèm quan tâm, hắn hỏi Trần Bình Thạch: - Tiểu Thạch, ngươi hay đi chăn trâu, chắc là biết nơi nào có nhiều phân trâu chứ hả?
- Biết chứ, bãi cỏ lớn ở đầu thôn ấy. Muốn đi hốt phân thì sáng mai đi theo ta ra ngoài đó.
Tiểu Thạch liếc Tô Tử Diệp, nói tiếp: - Ngươi trông vậy mà cũng khôn đấy, tầm này mọi người bận hết rồi, chưa vội tích trữ phân bón sớm đâu. Chịu khó gom góp từ giờ cho tới cuối đông, chắc là cũng đủ dùng cho ruộng lúa của nhà ngươi rồi.
Tô Tử Diệp dè dặt hỏi: - Vậy sao ngươi không tự đi lấy phân cho nhà mình?
- Đã bảo nhà ta không có ruộng rồi mà lại.
- Nhưng nhà ngươi cũng có vườn mà?
Trần Bình Thạch đưa tay vỗ vỗ cái mông quần đầy mảnh vá: - Có vài thước đất bọ, chỗ này là đủ rồi.
Ở vùng sơn thôn nghèo này, không phải nhà nào cũng nuôi gia súc gia cầm, cho nên một lượng phân bón đáng kể có nguồn gốc là từ phân của ...người. Mỗi nhà đều đào lấy một cái hố sâu tận trong góc vườn, ở trên bắc ngang hai thanh gỗ, che chắn tạm bợ xung quanh là thành cái nhà xí, lâu lâu thì rải chút tro bếp lên để ngăn bớt mùi hôi. Cứ như vậy tầm nửa năm, cho đến đầu mùa vụ trong năm thì xúc lên làm phân bón, chỉ nghe thôi đã thấy gớm. Hơn nữa, mọi người đều có quan niệm rằng dùng phân tươi trực tiếp bón cây thì tốt hơn phân khô nhiều, hoàn toàn không biết ủ cho phân hoai mục. Từ lúc Tô Tử Diệp biết điều này, hắn lập tức âm thầm hạ quyết tâm, cho dù thế nào thì ít nhất cũng phải tự cung tự cấp được rau cỏ ăn hàng ngày.
...
Mảnh ruộng nhà Tô Tử Diệp nằm ở trong góc phía Đông của Cánh Đồng Nhỏ, đây còn là do Trần Bình Thạch tốt bụng chủ động dẫn hắn tới nên mới biết. Dù gì cũng đều là bắt chuột trên đồng, tất nhiên phải bắt ở ruộng nhà mình trước, như vậy mùa sau ít nhiều cũng hạn chế được chuột phá lúa. Vừa trò chuyện vừa tác nghiệp, rất nhanh hai thằng nhóc đã tìm được hai cái hang, số chuột bắt được còn nhiều hơn lúc sáng.
Lúc này Trần Bình Thạch đã muốn dừng lại, hắn đang mong mau mau chóng chóng làm thịt chuột, rồi nướng lên để được ăn ngay. Bữa trưa nay Tiểu Thạch ăn đủ no, nhưng tới giờ thì đã tiêu đâu hết sạch. Nhưng Tô Tử Diệp chưa muốn ngừng tay, hắn vừa tìm thấy một cái hang khá lớn.
Cửa hang nằm ở bờ mương ngay gần sát mặt nước, lối mòn gần hang nhẵn nhụi khác thường. Nếu như là lối chuột đồng di chuyển thì bề mặt thường hay có vết gập gềnh của những cục đất sỏi nhỏ mới đúng.
Nhìn cửa hang to gấp rưỡi so với mấy cái hang chuột khác, Trần Bình Thạch ngần ngừ nói: - Hay là chúng ta tìm hang khác đi, cái hang này nói không chừng là hang rắn.
Tô Tử Diệp không nghĩ thế, rắn thích nơi ẩm thấp, nhưng chúng sẽ không muốn sống trong những nơi quá ẩm ướt ở gần mặt nước như thế này. Vả lại hắn phát hiện ra vài vết chân chuột trên mặt đất bùn nhão gần mặt nước, vết chân vừa to vừa sâu, có năm ngón chân rất dài, trông vẫn còn khá mới.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top