Chương 13: Vật phòng thân
Đã ngủ li bì suốt mấy ngày hôm nay, bây giờ Nguyễn thị mặc dù còn rất mệt nhưng không thể ngủ thêm được nữa. Nàng đang nghĩ tới Tô Tử Diệp.
Từ lúc tỉnh dậy tới giờ, có cái gì đó là lạ mà Nguyễn thị không thể nói rõ được, con trai nàng cứ giống như là một người khác vậy. Vừa mới mấy ngày trước, nó mặc quần áo còn cần mẹ giúp, vậy mà giờ đây nàng nhận ra con trai mình có thể tự chăm sóc bản thân, không những thế còn biết cách chăm sóc cho người khác nữa.
Tử Diệp thay đổi theo chiều hướng tích cực, Nguyễn thị đương nhiên vui mừng. Nhưng hắn đột ngột biến đổi như vậy, nàng dẫu vui mừng như thế nào cũng không thể bỏ qua được sự kinh ngạc trong lòng.
Tô Sinh, ngươi sống khôn chết thiêng, có phải ngươi đang giúp cho Tử Diệp đó không? Cha, mẹ, con xin cha mẹ trên trời cao phù hộ độ trì cho cháu nội hai người, cũng là phù hộ cho nhà họ Tô chúng ta.
Nguyễn thị đang suy nghĩ mông lung, bất chợt cảm thấy một bàn tay nhỏ khẽ khàng áp lên trán mình, sau đó khẽ rút về. Nàng nhỏ giọng hỏi: - Tử Diệp, con chưa ngủ à?
Đêm nay Tô Tử Diệp cũng không ngủ được. Không giống như vẻ bề ngoài cố tỏ ra bình tĩnh, hắn đang lo lắng không biết Nguyễn thị có nhận ra sự thay đổi khác thường của mình hay không.
Tô Tử Diệp đang suy nghĩ làm thế nào để Nguyễn thị và cả những người ở đây có thể chấp nhận con người mới của hắn mà không bị nghi ngờ. Hắn chỉ muốn kiểm tra lại thân nhiệt của Nguyễn thị một chút cho yên tâm, ai ngờ nàng cũng chưa ngủ. Nghe mẹ hỏi, hắn đành uể oải lên tiếng trả lời: - Chưa ngủ.
Nguyễn thị vươn tay nhẹ vuốt tóc con trai, than thở: - Tử Diệp của mẹ lớn rồi, mấy ngày hôm nay vất vả lắm đúng không?
Tô Tử Diệp không muốn mẹ hắn suy nghĩ nhiều, nói: - Mẹ đừng lo. Chỉ vất vả một chút mà thôi, vẫn còn chịu được.
Nguyễn thị khẽ nói tiếp, giọng an ủi: - Tử Diệp, bây giờ nhà mình chỉ còn có ba mẹ con nương tựa vào nhau. Trong nhà bây giờ không có nhiều tiền, con chịu khó cực khổ một chút. Mùa sau thu hoạch, thóc lúa của ruộng nhà chúng ta cũng không cần trả cho ai nữa, lúc đó sẽ có đủ gạo cho con và Hoa Hoa ăn no, nhé.
- Mẹ, nhà mình cũng có ruộng à? Tô Tử Diệp vội ngẩng cổ lên hỏi.
Nguyễn thị trả lời: - Có chứ, con không nhớ à?
Đúng là Tô Tử Diệp không nhớ gì cả. Biết được chuyện nhà mình cũng có ruộng, hắn rất vui.
Có ruộng thì có thể trồng lúa, dựa vào vài sào vườn kia thì đúng là không đủ ăn.
...(nội dung đối thoại tiếp theo chưa nghĩ ra...)
...
...
Sáng hôm sau, Tô Tử Diệp dậy trễ hơn mọi ngày, khi hắn mở mắt ra thì trời đã sáng rõ.
Nguyễn thị đã dậy từ lúc nào. Nàng đang ngồi dựa vào tường, chăm chú làm thứ gì đó, Tô Liên Hoa ôm chặt lấy đùi mẹ ngủ ngon lành.
Thấy Tô Tử Diệp đã tỉnh, Nguyễn thị liền nói với con: - Tử Diệp, mau lại đây. Đi thử đôi giày này xem có vừa chân không nào.
Tô Tử Diệp ngồi dậy, dụi mắt nhìn qua.
Là một đôi giày được bện bằng rơm, hẳn là sáng nay Nguyễn thị dậy sớm làm cho hắn. Trên tay nàng cầm một chiếc giày rơm khác đang bện dở, kích cỡ nhỏ hơn để dành cho Tô Liên Hoa.
Mấy ngày nay Tô Tử Diệp đều đi chân trần. Dân quê nghèo đi chân đất đã quen, chẳng lấy gì làm khổ sở, hắn cũng không ngoại lệ. Dưới lòng bàn chân hắn có một lớp da chai sần, rất dày, nhưng dù sao thì đi giày cũng thoải mái hơn là đi chân không.
Đôi giày rơm kiểu dáng đơn giản, kích cỡ rất vừa vặn. Tô Tử Diệp xỏ chân vào giày, cười nói với Nguyễn thị: - Mẹ, giày tốt lắm, rất êm.
Nguyễn thị mỉm cười: - Đi giữ gìn một chút, đừng làm hỏng quá nhanh đấy.
- Con biết rồi.
Tô Tử Diệp bước ra ngoài sân. Đống áo quần phơi trên sào tre đã được thu thập, mớ bát đũa tối qua vứt lăn lóc bên cầu ao cũng đã được rửa sạch sẽ, chum nước trong bếp đầy ắp, trên bếp còn có nước nóng.
Căn nhà bừa bộn có bàn tay của phụ nữ trở nên sáng sủa gọn gàng hẳn ra. Chắc hẳn sáng nay Nguyễn thị đã phải dậy từ rất sớm.
Tô Tử Diệp dùng tro củi, muối và rơm để đánh răng, rồi dùng nước ấm rửa mặt. Lúc hắn trở lên nhà trên, trông thấy Nguyễn thị ngồi bên rương đồ. Nàng đang lục tìm thứ gì đó.
.
Tô Tử Diệp tò mò tới ngồi bên cạnh mẹ hắn. Nguyễn thị lấy từ trong rương ra một chiếc yếm nhỏ màu nâu, là áo yếm của Tô Liên Hoa.
Cái yếm còn khá mới, có lẽ không thường xuyên được dùng. Mặt trước thêu hình một bông hoa sen kiểu dáng đơn giản, nếu không muốn nói là có chút thô kệch, nhưng kỹ thuật thêu thì khá tốt, các mũi chỉ nối tiếp nhau đều tăm tắp.
Nguyễn thị lật mặt sau áo yếm, dùng mũi kéo nhọn cẩn thận cắt rời các sợi chỉ. Hoá ra phía sau chiếc yếm có một miếng vải nhỏ trùng màu - lợi dụng các đường chỉ thêu nguỵ trang - được khéo léo khâu lại tạo thành một ngăn nhỏ bí mật, nếu như không đặc biệt để ý thì gần như không có khả năng phát hiện ra.
Một lúc sau, Nguyễn thị đã lấy được đồ vật nhỏ xíu được giấu trong đó ra, cẩn thận nâng niu trong lòng bàn tay.
Là một chiếc nhẫn, một chiếc nhẫn vàng.
...
Chiếc nhẫn vàng lạnh lẽo nằm gọn trong tay Nguyễn thị. Nàng ngồi bần thần, trong đầu đang hồi tưởng lại chuyện cũ mười mấy năm về trước.
Đêm trước khi về nhà chồng, bà ngoại nàng bí mật đưa cho nàng chiếc nhẫn vàng này, cực kỳ nghiêm túc dặn dò phải giữ kín làm của phòng thân, nhất định không được cho bất cứ ai biết.
Nguyễn thị lúc ấy còn nghĩ rằng bà ngoại mình đã quá lo xa. Gia cảnh nhà nàng và nhà họ Tô đều khá giả, chiếc nhẫn vàng so với đống của hồi môn nhà ngoại chuẩn bị cho nàng thật sự không đáng là bao, nhưng vẫn nghe lời bà cất giấu kỹ càng, ngay cả chồng con cũng chưa bao giờ kể.
Đúng là không ngờ được có một ngày nàng thật sự cần đến nó. Nhớ tới người bà đã mất của mình, trong lòng Nguyễn thị bồi hồi xúc động. Bà ngoại nàng vẫn luôn là người sâu sắc như thế.
Khi Nguyễn thị tỉnh hồn lại, chợt nhận ra đứa con trai đang yên lặng ngồi bên cạnh nhìn mình, nét mặt nửa cười nửa không. Nàng đỏ mặt, xoa đầu Tô Tử Diệp, nói: - Tử Diệp, con ở nhà trông Liên Hoa nhé. Mẹ có việc phải ra ngoài, lát nữa mẹ sẽ về. Đừng bỏ em ở nhà một mình đấy.
- Được ạ! Tô Tử Diệp cười đáp.
Nguyễn thị đeo sọt tre sau lưng, rồi rảo bước ra khỏi cổng. Còn Tô Tử Diệp thì đi ra vườn sau, dùng thúng vớt bèo dưới ao lên.
Ao nước khá rộng, hắn vớt suốt hơn một tiếng đồng hồ, cộng thêm cả số bèo vớt ngày hôm qua gom lại được rất nhiều, nhưng ước chừng cũng mới chỉ khoảng một phần năm lượng bèo có trong ao. Tô Tử Diệp dự định vài ngày tới sẽ tranh thủ vớt hết số bèo này lên, sau đó để dành mặt ao chỉ để nuôi bèo hoa dâu.
Lúc này thì Tô Liên Hoa đã ngủ dậy, thấy trong nhà không có ai thì khóc ầm cả lên. Tô Tử Diệp nghe tiếng khóc trên nhà, biết em gái đã dậy, vội chạy lên giúp nàng súc miệng rửa mặt. Sau khi làm xong thì cũng vừa lúc mẹ hắn từ ngoài ngõ trở về.
Nguyễn thị mệt mỏi hạ gùi tre sau lưng xuống, ngồi nghỉ trước hiên nhà, gương mặt đỏ bừng lấm tấm mồ hôi. Nàng mỉm cười nhận lấy bát nước con trai bưng tới, uống một hơi cạn sạch mới thôi.
Cái gùi tre có vẻ khá nặng, Tô Tử Diệp tò mò nhìn vào trong. Phía trên cùng là một miếng thịt lợn nhỏ, bảy tám quả trứng gà bọc cẩn thận trong ổ rơm, một bao bố nhỏ hình như đựng gạo thì phải. Bên dưới là rất nhiều các củ gì đó, to khoảng ba bốn ngón tay, vỏ màu nâu xù xì trông giống như vỏ cây, bề mặt mọc rất nhiều lông cứng.
Mãi một lúc sau, Tô Tử Diệp mới nhận ra đó là củ từ. Đã rất lâu rồi hắn không nhìn thấy loại củ này, cho nên nhất thời không nhớ ra được. Nhưng không chắc chắn lắm, hắn ngập ngừng hỏi Nguyễn thị: - Mẹ, đây là khoai từ có phải không?
- Đúng rồi. Nguyễn thị nhẹ mỉm cười, trả lời.
- Mua nhiều khoai vậy để làm gì hả mẹ? Tô Tử Diệp tò mò hỏi tiếp.
Nguyễn thị mặt cúi xuống đất không dám nhìn con trai, nàng đáp lại bằng giọng lí nhí: - Từ giờ tới vụ thu hoạch mùa sau, mẹ con mình phải chịu khó ăn cơm độn thêm khoai mới được.
Thì ra là thế! Tô Tử Diệp đã quen với lối suy nghĩ của thời hiện đại, khi mà miếng ăn chưa bao giờ là vấn đề đối với hắn. Câu nói của Nguyễn thị làm hắn nhớ tới những nồi cơm độn đầy những hạt bo bo, hoặc là ngô, khoai, sắn. Hình ảnh mà hắn chỉ từng thấy trên tivi và trong những lời kể của mẹ mình, ký ức khó quên của một thời lịch sử nghèo đói.
Thiếu gạo, người ta độn đủ mọi thứ lương thực nào khác có được vào mỗi bữa cơm chỉ mong được no bụng, sống qua ngày.
Khoai từ dễ trồng, vì thế giá rất rẻ, không những thế lại có nhiều công dụng tốt cho sức khoẻ. Có điều củ từ bở, vị rất nhạt, cho nên dễ ngán. Ăn một hai bữa thì được, chứ nếu để mà ăn thay cơm ngày này qua tháng nọ, Tô Tử Diệp không chắc hắn có thể nuốt được.
Tô Tử Diệp không phải là tín đồ ăn chay, hắn thích ăn thịt hơn. Hơn nữa chuột chạy đầy đồng, không lo không có thịt ăn.
Để mặc sọt khoai cho Nguyễn thị tự xử lý, Tô Tử Diệp chạy vào bếp với tay lấy cái thúng rách treo trên tường, một chiếc giỏ tre thân bầu miệng nhỏ cũng rách nát nốt, giắt thêm con dao nhỏ vào trong người, rồi ba chân bốn cẳng chạy ra phía ngoài cổng.
Nguyễn thị vội hỏi với theo: - Tử Diệp, con đi đâu đấy?
Tô Tử Diệp quay lại, nhe hàm răng trắng tinh cười với nàng, hai lúm đồng tiền hiện rõ trên đôi má: - Con đi bắt chuột đây.
Nguyễn thị đành bất đắc dĩ nhìn theo bóng lưng của con trai, lắc đầu cười khổ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top