Xưng hô trong tiếng Việt
Người nước ngoài khi học Tiếng Việt sợ nhất là chuyện xưng hô trong giao tiếp, vì họ sợ nếu xưng hô không đúng sẽ bị mất lòng, bị coi là không hiểu biết, không có văn hoá. Người Việt Nam bây giờ lại xưng hô thoải mái hơn, ai đi nước ngoài về thì xưng hô Mày Tao, với lãnh đạo thì xưng hô là Sếp với Em, sinh viên Đại học đang có xu hướng gọi Thầy xưng Tôi, ở tuổi Teen nếu bạn chơi thân với nhau thì xưng hô là Vợ Chồng...
Cách xưng hô của người Việt vô cùng đa dạng và phong phú. Ở thời điểm nào cũng vậy, xưng hô luôn là đề tài gây ra rất nhiều những cuộc tranh luận, bởi ngoài tính đa dạng và phong phú thì nó còn không ngừng biến đổi theo thời cuộc. Đã có bao nhiêu bài viết, bao nhiêu công trình nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hoá xưng hô. Đọc đi đọc lại các công trình có tính hàn lâm ấy, tưởng là đã hiểu sâu sắc về văn hoá xưng hô lắm rồi, đến khi tiếp xúc thực tiễn cuộc sống mới thấy nó còn phức tạp hơn nhiều. Cuộc sống giao tiếp hàng ngày bắt người ta ai ai cũng phải xưng hô, ngoại trừ người câm là không cần thiết, còn lại từ trẻ đến già đều phải xưng hô và học cách xưng hô sao cho đúng để thể hiện mình là người có văn hoá, có hiểu biết, nếu không muốn bị người xung quanh chê cười.
Nhà văn là những người sử dụng ngôn từ tài tình và dễ dàng nhất. Ấy thế mà trong cách xưng hô họ cũng gặp phải không ít khó khăn để rồi từ đó có những phá cách táo bạo, góp phần làm giàu thêm tính đa dạng của ngôn ngữ xưng hô trong Tiếng Việt.
Khi viết một cuốn tiểu thuyết trong đó có nhân vật phản diện nhưng phải đến cuối tác phẩm mới bị lộ, nhà văn Nguyên Ngọc cứ lúng túng mãi không biết phải xưng hô với nhân vật ấy như thế nào. Các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ học khuyến cáo, đối với kẻ địch thì nên gọi là ÔNG TA hay ANH TA thay vì gọi là ÔNG hay ANH. Nếu thế thì trong tiểu thuyết của Nguyên Ngọc nhân vật phản diện kia bị lộ ngay từ đầu rồi còn gì.
Nam Cao, Ngô Tất Tố và nhiều nhà văn khác cũng có cách xưng hô rất độc đáo trong những tác phẩm của mình. Với nhân vật mà nhà văn yêu thích và đứng về phía họ, coi họ là những người đáng trân trọng, thì trong cách xưng hô nhà văn lại sử dụng những từ tầm thường và miệt thị như CÁI, THẰNG, HẮN, CON, ĐĨ… Cách xưng hô ấy phản ánh được số phận của những con người lành hiền và lương thiện trong xã hội Thực dân Phong kiến chỉ nhỏ nhoi như con sâu cái kiến. Ngược lại, đối với những kẻ ăn trên ngồi trốc, xấu xa đê tiện, thì nhà văn lại dùng từ rất trọng vọng như Cụ Bá, Cụ Lý, Ông Chánh…
Nhà văn Đoàn Thạch Biền có cách xưng hô ÔNG – EM thuộc diện lạ đời và độc nhất vô nhị, nhưng độc giả vẫn vui vẻ chấp nhận bởi lẽ ông là nhà văn của lứa tuổi mới lớn. Cái khó nhất của tác phẩm văn học Việt Nam khi dịch ra tiếng nước ngoài đó là không chuyển tải được hết ý nghĩa của cách xưng hô.
Đứa trẻ chưa biết nói đã được những người xung quanh dạy cho cách xưng hô bằng những câu rất đơn giản như cháu chào ông, em chào chị… Cái vốn đại từ nhân xưng ấy cứ được lặp đi lặp lại hàng ngày cho đến khi nào thuần thục và tự sử dụng được mới thôi. Ngày nay cha mẹ bận làm ăn kiếm tiền, chuyện chăm sóc con cái phó thác hết cho người giúp việc, thế nên nhiều đứa trẻ đến tuổi trưởng thành vẫn chưa biết cách xưng hô. Buổi tối cả nhà ngồi xem truyền hình, đứa con cứ vô tư bình luận gọi diễn viên điện ảnh là thằng nọ con kia, trong khi tuổi của diễn viên có thể sánh ngang với tuổi ông tuổi bà đang ngồi xem phim cùng với cháu.
Ở trường lớp, bọn trẻ thông minh tự sáng chế ra cách xưng hô kiểu @ rồi phổ biến và học hỏi lẫn nhau. Trước kia học sinh xưng hô với nhau là Bạn, Tớ, Anh, Em, thì bây giờ đổi thành Vợ, Chồng, Bồ, Ông, Bà, Bố, Mẹ...
Chuyện xưng hô nơi công sở chỉ xoay quanh mấy đại từ nhân xưng như Bác, Chú, Cô, Anh, Chị, Em, Cháu, Mày, Tao, ấy thế mà có không biết bao nhiêu chuyện xảy ra.
Ở công sở, có một số người khi giao tiếp ít sử dụng đến văn hoá xưng hô, lý do bởi người ta chán xưng hô chứ không phải là công việc không cần tới xưng hô. Một người đến liên hệ công việc gì đó, gặp nhân viên tiếp đón đang mải mê bận rộn với việc riêng, họ không cần ngẩng mặt lên mà chỉ hỏi gọn lỏn bằng những câu đại loại như: Ai? Đến có việc gì? Giấy giới thiệu đâu?... Một phòng khám có rất đông bệnh nhân chờ đợi trong tâm trạng căng thẳng, do cách thức tổ chức làm việc chưa hợp lý nên đã có những cuộc cãi vã giữa người bệnh và nhân viên tiếp đón. Khi cô nhân viên gọi “Bệnh nhân số 13 vào đi”, một cuộc cãi nhau nữa lại xảy ra, người bệnh nói rằng họ có phải thằng tù đâu mà gọi họ là “Phạm nhân” với chữ số 13 đen đủi…
Văn hoá xưng hô nơi công sở thường vẫn theo truyền thống như tôn trong tuổi tác, thâm niên, chức vụ mà có cách xưng hô sao cho lễ phép và lịch sự. Song cũng có không ít công sở, không ít cá nhân xưng hô ngược lại với cách truyền thống ấy. Khởi điểm của cách xưng hô này có nguồn gốc từ Tiếng Anh, khi hai người nói chuyện với nhau chỉ sử dụng hai từ I và YOU, đến người thứ ba trở đi là HE, SHE, THEY. Một số người đi nước ngoài về dịch thành MÀY, TAO, THẰNG ẤY, CON ẤY, CHÚNG NÓ… rồi cứ thế mà vô tư áp dụng, nói chuyện với ai họ cũng mày với tao, gọi cấp trên cũng đại loại như thế.
Đi nước ngoài thì đương nhiên là được mở rộng tầm mắt, được tăng thêm phần hiểu biết, tiếp thu được nhiều thứ văn minh, thế nên cách xưng hô ấy trở thành văn hoá xưng hô riêng của một số người đã từng đi nước ngoài về. Dần dà có người chưa đi nước ngoài nhưng cũng xưng hô thế cho oai, nhất là những người làm việc có liên quan với Tây thì càng triệt để sử dụng.
Người có thói quen xưng hô truyền thống cho rằng kiểu xưng hô ngược lại như thế là bất lịch sự, là vô văn hoá. Biện hộ cho cách xưng hô này, một doanh nghiệp khá nổi tiếng có quan niệm rằng, nếu nói cách xưng hô là thể hiện sự tôn trọng thì riêng với môi trường sống và làm việc của họ sẽ không đúng lắm. Trong môi trường ấy, nếu nhân viên bằng tuổi với sếp có thể gọi sếp bằng anh, cậu, thằng, lão, đại ca, mày, tao, hay gì gì chăng nữa cũng đều được, bởi đơn giản đó chỉ là cách xưng hô không hơn không kém. Chưa dừng lại ở đó, nhiều người còn muốn suy tôn cách xưng hô này lên thành văn hoá của công ty, coi đó là văn hoá mở, văn hoá mang đậm tính sáng tạo, là nét độc đáo riêng mà người khác không sống và làm việc trong môi trường ấy thì không thể hiểu, không thể phê phán được...
Có hai anh em nhà rất nghèo và một đứa trẻ ít tuổi hơn nhưng con nhà giàu. Đứa trẻ nhà giàu đã nhiều lần bắt những đứa trẻ khác chui qua háng mình rồi mới cho bánh. Một hôm thấy đứa em gái đói quá, đứa trẻ nhà giàu bảo người anh, nếu mày gọi tạo là ông tổ của mày rồi chui qua háng, thì tao sẽ cho em mày chiếc bánh này. Câu chuyện được kể tiếp theo ba tình huống khác nhau. Tình huống thứ nhất, cả hai anh em vui vẻ chấp nhận điều kiện đứa trẻ đề ra, vì chuyện đó đã từng xảy ra nhiều lần với những người khác nên với mình cũng là bình thường. Tình huống thứ hai, đứa anh chấp nhận gọi đứa trẻ là ông tổ và chui qua háng để lấy miếng bánh cho em ăn, miễn là em không bị chết đói. Tình huống thứ ba, hai anh em thà chịu chết chứ không để cho kẻ ít tuổi hơn mình xúc phạm và sỉ nhục như thế.
Ở tình huống thứ nhất, thản nhiên chấp nhận xưng hô theo kiểu mày tao. Người ta mang cái giá trị từ bên ngoài vào áp dụng cho mình, coi đó là một sản phẩm văn hoá du nhập, bất chấp đó là văn hoá có giá trị thật sự hay chỉ là văn hoá cặn bã đã được người ta thải hồi ra. Tình huống này gặp ở những sếp và nhân viên đi tây về, hoặc áp dụng cách suy nghĩ mở ra hướng trời Tây, thấy ở bên Tây họ xưng hô chỉ có I với YOU mà vẫn nhiều tiền, nên coi chuyện xưng hô chẳng qua chỉ là một cách gọi, có gì đâu mà phải quan trọng hoá lên đến mức xưng hô là thể hiện sự tôn trọng nhau.
Ở tình huống thứ hai, vì lợi ích mà chấp nhận xưng hô mày tao, coi nó là bình thường, miễn đạt được mục đích mình mong muốn. Trong tình huống này, nếu nhân viên làm ra tiền thì dù có gọi sếp là gì cũng được và ngược lại.
Ở tình huống thứ ba, kiên quyết không chấp nhận xưng hô mày tao, người ta theo xu hướng bảo tồn những giá trị văn hoá đã có từ trước đó, không bắt chước văn hoá ngoại lai không phù hợp bản sắc, không vì lợi ích mà bỏ qua giá trị văn hoá truyền thống.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là nhà văn hoá đặc biệt chú trọng đến ngôn ngữ Tiếng Việt, ông nhấn mạnh đến trách nhiệm của mọi người là phải giữ gìn sao cho Tiếng Việt luôn trong sáng, không lạm dụng từ nước ngoài, không lai căng nhưng cũng không lệ cổ, phát huy những cái mới có tính thời đại. Về cách xưng hô, ông khuyến khích nơi công sở nên phổ biến từ Tôi ở ngôi thứ nhất.
Tiếng Việt của chúng ta rất giàu và đẹp, giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt như lời của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm xưa là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam chúng ta hôm nay.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top