II.

Một tách trà nhâm nhi khối cũ
Tơ lòng đan bện phủ âm dương
Luống đau dặm ải quân trường
Ngàn mai một cõi phong sương đi về.

5

"...Ban hiệu An Tư công chúa, trở về dòng dõi tôn thất..."

{

Tháng tư năm Thiệu Bảo thứ sáu. Hôm ấy đương lúc chính ngọ, mặt trời lên thiên đỉnh, một toán người trông có vẻ là quan binh đang làm đi tuần ở phố thị, bỗng rẽ ngoặt sang hướng đi về hàng nước nhà tôi.

U tôi rất nhạy cảm với quan binh, mỗi lần có quan binh hoặc ai đó quần áo phẳng phiu trông như tôn thất, mệnh quan triều đình thì đều bảo tôi trốn đi cho thật kỹ. Người kỳ lạ tôi gặp năm chín tuổi, chẳng qua là do sơ suất của u tôi thôi.

Và hôm nay cũng không ngoại lệ, tôi vẫn phải trốn.

Tôi nấp ở cái chum và tấm phên trong sân sau như mọi lần trước, lẳng lặng quan sát, dỏng tai lên nghe chuyện. Những người đó trông có vẻ không phải người xấu, khi gặp u tôi còn ôm quyền vái chào hình như rất long trọng, làm u tôi luống cuống cả lên.

Sau đấy lại có một người cúi đầu trước u tôi, nói chuyện rất khẽ, nhưng tôi kịp nhận ra trong vẻ mặt ấy một sự gấp gáp, khẩn khoản như đang cầu xin điều gì cực kỳ quan trọng ở u tôi.

"Con gái tôi đi xa rồi các ông ạ!" – U tôi ra chiều hối lỗi với toán quan binh.

Hóa ra, thật sự là đến tìm tôi. Nhưng tôi đã làm gì nên tội? Điều duy nhất tôi có thể nghĩ đến lúc này là Chiêu Thành vương gấp gáp muốn cưới tôi về làm vợ nên đi đến bước này để ép buộc u tôi. Đột nhiên tôi sững người, không nghĩ thêm được gì nữa. Tôi chẳng biết mình yêu vương nhiều hơn, hay yêu u nhiều hơn.

Đôi lúc tôi thấy mình bất hiếu, vì tôi thật sự muốn chọn vương, tôi không muốn cuộc tình lá thắm chỉ hồng, đương độ trổ hoa lại giữa đường đứt gánh. Vả lại tôi cũng tính toán cả rồi, sau này tôi vẫn chăm sóc u, vẫn không bỏ bà bơ vơ trơ trọi đối mặt với tuổi già.

Quan binh lại khẩn khoản với u tôi, gương mặt đã chuyển sang tức tối nhưng vẫn cố trấn tĩnh thuyết phục u, thanh âm vì thế truyền đến được tai tôi:

"Chúng tôi đến đây vốn không phải để xin bà, bà Diên ạ! Chúng tôi đang phục tùng ý chỉ của Thượng hoàng và Quan gia. Khẩn xin bà phối hợp."

Trần Thông tâu lên cả Quan gia rồi sao? Chỉ là việc nạp một tiểu thiếp, cớ gì lại kinh động cả đấng bề trên thế kia? Hoặc là có khúc mắc nào đó tôi chưa tỏ, những người này vốn không phải người của Trần Thông...

Người đàn ông nói chuyện với u đã không còn giữ được bình tĩnh, sắc mặt đanh lại, phẩy tay lệnh cho đám người lục soát căn nhà tranh rách nát.

U tôi bỗng nhiên ôm mặt nức nở làm tôi càng chẳng hiểu cớ sự gì nhưng lòng tôi cũng đau thắt.

Chỗ tôi trốn không khó tìm, bởi tôi đinh ninh như mấy lần trước đây, rằng chẳng ai tìm tôi cả, chỉ do u tự sợ hãi vu vơ. Vì thế mà rất nhanh, họ đã tìm thấy tôi.

Bọn họ gật đầu với người tiên phong, ngầm hiểu ý nhau.

"Các ông phải nói bắt tôi vì tội gì đã chứ? Phiến trát hạch tội tôi đâu?" – Sau khi tôi hỏi thì cả thảy mười người vẻ mặt dè dặt không có một ai đáp lời.

Tôi đành quay sang lay u đương lau nước mắt vắn dài trên mặt. U không nói gì mà nhẹ kéo tôi ra khỏi nhà. U thực sự muốn đuổi tôi sao? Vì tôi bị quan binh truy bắt?

Toan mở miệng trách u không còn thương tôi nữa, u đã ngửa mặt lên trời, khấn:

"Phu nhân! Em xin lỗi, em không hoàn thành được di nguyện của người."

"U... phu nhân là ai?" – Tôi bàng hoàng.

"Là mẹ ruột của người, Anh Túc phu nhân." – Giọng u sắc đến nỗi làm tôi ớn lạnh.

Tôi không thể tin vào những gì mình nghe được nữa. Tôi đã sống mười bảy năm mà không biết thân phận thật sự của mình ư? Sống mà không biết mình là ai, không biết từ đâu đến?

Nhất định không phải như thế! Không ai thương yêu tôi bằng u Nguyễn Diên của tôi cả! Họ đang lừa tôi để thực hiện mục đích nào đó không chính đáng. Tôi linh cảm được điều này.

Tôi choáng váng. Không có gì để bấu víu, tôi nhàu nát vạt áo cả, cố lấy hơi rồi xẵng giọng tiếp lời:

"Không... tôi chỉ có một người mẹ là bà ấy, các người nhầm rồi..." – Giọng tôi run run như muốn vỡ vụn.

"Chúng tôi phụng mệnh triều đình đưa công chúa về. Xin công chúa thứ lỗi chúng tôi thất lễ."

Nghe xong câu này, trời đất trước mắt bỗng tối sầm lại, da tôi không còn cảm nhận được cái nắng gay gắt giữa độ ban trưa dù đang đứng giữa trời. Đầu tôi nặng trĩu và tôi không còn nhận thức được điều gì nữa.

{

Trên đường về Thăng Long tôi đã tỉnh lại trên kiệu bèn dùng hết sức bình sinh vùng vẫy hòng trốn thoát. Tôi biết làm công chúa có nghĩa nửa đời sau tôi sẽ được sống trong nhung lụa, được kẻ hầu người hạ, được ăn sơn hào hải vị. Tóm lại, có một cuộc sống không gì bằng. Song tôi lại có một linh cảm không hay, hình như họ không đơn giản đem tôi về để phục dịch tôi, để tôi được àn nhàn sung túc...

Tôi thà sống cùng u Diên cho hết đời, dẫu sao u cũng hết lòng yêu thương tôi, cho dù sự yêu thương đó có thể xuất phát từ lời hứa năm xưa đi chăng nữa, mười bảy năm gắn bó đã khiến tôi xem u như máu mủ ruột rà.

Đáng tiếc, sau cùng tôi vẫn không thể trốn thoát. Để ngăn tôi làm loạn, họ đành một lần nữa đánh ngất tôi.

Cơn đau dọc cổ truyền tới, tôi mới nhận ra mình vừa tỉnh dậy lần nữa. Mở mắt, tôi đã thấy mình đã ở trong cấm cung, hai hàng người một bên là cung tỳ, bên còn lại là nội thị đứng ngay ngắn cúi đầu trước giường tôi. Tôi nhất thời bất động như trời trồng, sau cho họ lui ra cả.

Nghiêm túc nghĩ lại, có lẽ tôi đã quá nhạy cảm chăng? Thử quay về nguyên cớ mà tôi nghĩ đến ngay ban đầu – Chiêu Thành vương Trần Thông. Nếu việc này do một tay vương xếp đặt?

Theo mạch thời gian, tôi tạm tin vào một giả thuyết rằng Trần Thông đã điều tra thân thế trước khi rước tôi về, do đó phát hiện được tôi vốn là công chúa. Lại nói, nếu tôi là công chúa, họ Trần, hôn sự cũng sẽ dễ dàng được thông qua. Về Thăng Long lần này, có lẽ là để chuẩn bị cho hôn lễ. Tôi mừng lòng nhẹ nhõm.

Nơi tôi ở gọi là Hòa An điện. Tôi gặp Trần Thông ngay sau hôm trở về nhưng vương không có vẻ đắc thắng hay mừng rỡ khi thực hiện được kế hoạch, trái lại, tôi thoáng thấy ở chàng vẻ bần thần, ngỡ ngàng đến lạ, như thể chàng còn biết sự việc tôi là công chúa muộn hơn cả tôi.

Tôi cứ ngỡ sau khi bái tổ quy tông, chính thức trở về với địa vị công chúa bản thân sẽ hạnh phúc hơn, và khi nào Trần Thông xin với Quan gia ban hôn, tôi sẽ nghiễm nhiên trở thành chính thất của chàng, khúc mắc bấy lâu ở nơi u... u nuôi, có thể được giải quyết.

Nào ngờ khi Trần Thông xin được ban hôn, Thượng hoàng – cũng là anh ruột của tôi, thẳng thừng bác bỏ.

Vì cớ gì?

6

Những tưởng cuộc sống công chúa sẽ trôi qua thật nhàn hạ và hạnh phúc trong cung vàng điện ngọc, nào ngờ bọn họ vốn có ý muốn giam lỏng tôi.

Hừ... việc đột nhiên trở thành người có thân phận cao quý tôi còn chưa tin, nay lại thêm sự vụ giam lỏng khiến tôi nghĩ rằng, tôi vốn không phải công chúa gì cả.

Tôi ghé tai Hoa – tỳ nữ thân cận, bảo tôi muốn đi gặp Thượng hoàng thì em ấy hốt hoảng từ chối, nói rằng tôi không được phép rời Hòa An điện dù chỉ nửa bước, đây là mệnh lệnh.

Con người tôi có thể nói là dai như đỉa, không điều tra được ngọn ngành câu chuyện, tôi quyết không buông xuôi. Thế nên tôi dùng hết mọi biện pháp từ nhẹ nhàng đến bức ép, từ lời nói đến hành động. Sau cùng Hoa thương tôi nên đành xuôi theo ý chủ.

Hoa chấm nước trong chậu mai chiếu thủy, vẽ cho tôi lối đi trong hành cung sơn son thếp vàng, từ Hòa An điện đến cung Thánh Từ. Lại nói, Thượng hoàng khi đã trao lại ngai vàng cho hoàng đế kế vị sẽ về ở phủ Thiên Trường, khi nào có việc mới đến Thăng Long, ở cung Thánh Từ. Song dạo đây hình như xảy ra điều gì cực kỳ nghiêm trọng, Thượng hoàng ở hẳn Thăng Long liệu sự với Quan gia và thần tử.

Việc xảy ra trong cung tôi đều nghe từ Hoa. Hoa kể rằng quân Thát lại nổi lên dã tâm bành trướng, đang tu quân ở Tư Minh chuẩn bị đưa "An Nam Quốc Vương" – Trần Ích Tắc về đoạt lại ngôi báu.

Thế thì liên quan gì đến việc tôi trở thành công chúa An Tư?

Tôi vận y phục của cung tỳ, hòa vào dòng người di chuyển trong cung, có lẽ vẫn chưa có nhiều người nhận diện được "công chúa mới" nên đường đi cũng trót lọt. Tôi mang theo suy nghĩ chưa tỏ tường, sắp xếp lại ý tứ cho gọn ghẽ ngăn nắp để Thượng hoàng hiểu được điều tôi muốn nói.

Đến cửa cung Thánh Từ, tôi vờ thay phiên, sáp vào đám cung tỳ khác để được vào nội cung.

Vào được đến điện, sắp gặp Thượng hoàng, lòng tôi bỗng nháo nhào cả lên. Trước nay tôi chưa từng nghĩ mình là em gái của hoàng đế, hơn nữa lại là một người anh chưa bao giờ gặp, dù tôi đã ở Hòa An điện suốt một tháng nay.

"Cô là ai vậy? Mới đến à? Ai phân cô đến đây thế? Mới đến thì không được phân đứng hầu cạnh Quan gia hoặc Thượng hoàng đâu? Cô đi đi kẻo người ta trông thấy, khéo rơi đầu đấy!" – Cung tỳ đứng bên cạnh sốt sắng huých tay tôi trong lúc chúng tôi đợi gọi vào.

"Đừng đẩy, đổ chè ra đấy! Ai bảo với cô là tôi mới đến? Tôi tên Bình vào cung đã ba năm nay rồi. Tháng trước tôi được giao chăm sóc công chúa An Tư, hôm nay lại đổi phiên sang đây!"

"Công chúa An Tư sao?" – Cung tỳ tròn mắt tò mò nhìn tôi – "Tôi còn chưa gặp ngài ấy bao giờ! Nhưng có nhiều tin đồn... thôi đừng nói việc ấy..."

"Sao lại không thể nói? Tôi cũng tò mò muốn nghe."

Cung tỳ đảo mắt đắn đo một thoáng, nhân tiện nhòm ngó xung quanh rồi rướn người lại gần tôi:

"Có lẽ vì một tháng qua cô chỉ ở hầu hạ công chúa nên không biết. Trong cung có nhiều người đồn thổi, rằng đó chẳng qua chỉ là dân đen được ban cho một cái hão danh, đưa về để lót đường rút lui trong trận chiến kế tiếp." – Cô nói rất khẽ.

"Đường rút lui?" – Tôi ngạc nhiên.

"Đúng vậy! Cô không biết gì thật sao? Quân Thát rục rịch xâm lăng, Thượng hoàng nhận được điềm báo từ Khâm Thiên Giám, rằng trận chiến này quân ta sẽ rơi vào thế khó. Thế nên..."

"À... ra vậy." – Tôi cười lạnh. Thế thì tôi hiểu rồi, toàn bộ thế trận bày ra trước mắt.

Chỉ có một điều tôi hãy còn thắc mắc. Tôi rốt cuộc có phải công chúa hay không? Hay việc Anh Túc phu nhân là mẹ ruột của tôi, vốn chỉ để hợp thức hóa cái danh công chúa nhà Trần?

Thượng hoàng truyền tôi và cung tỳ bên cạnh dâng chè. Tôi vội điều chỉnh cảm xúc trên khuôn mặt rồi cất bước vào trong. Thượng hoàng là anh tôi, nhưng theo tôi tính toán, người lớn hơn tôi hai mươi bảy tuổi. Ngay cả Quan gia, theo vai vế thì tôi hàng cô, cũng lớn hơn tôi chín tuổi.

Hai người đàn ông đĩnh đạc, trầm tĩnh nhất tôi từng thấy đang ngồi chơi cờ bên bàn rồng. Các đấng bề trên mặc thường phục, áo bào trắng, đội phù dung quan.

Tôi cúi đầu hành lễ, sau lại được truyền dâng chè.

Đang bày biện chè lên thì bỗng, Thượng hoàng nắm chặt lấy cẳng tay tôi khẽ siết. Cung tỳ cạnh tôi mở mắt to kinh ngạc, sau lại cúi gằm mặt trong cơn sửng sốt bởi nghe câu mà Thượng hoàng ôn tồn hỏi tôi:

"An Tư, em đến đây làm gì?" – Thượng hoàng buông cẳng tay tôi ra, tôi nghe một tiếng thở dài nhưng nhẹ phỗng.

"Thượng hoàng biết tôi?"

"Ừ... Hôm em được đưa về, trẫm có sang thăm." "Ban ngồi cho công chúa."

Cung tỳ lấy cho tôi một chiếc ghế thấp hơn ghế của Thượng hoàng, kính cẩn mời tôi ngồi.

"Nhưng An Tư này. Đổi cách xưng hô đi. Em không còn là cô hàng nước, em bây giờ là công chúa Đại Việt."

Nghe đến công chúa Đại Việt, tôi lại nghiến răng khe khẽ, bao nhiêu uẩn khuất lại gợn sóng trào trong lồng ngực khiến tôi như muốn nổ tung.

"Em... có điều muốn hỏi... Có thực em là công chúa?" – Tôi lí nhí hỏi.

"Ban nãy trẫm đã nói, em là công chúa Đại Việt, công chúa An Tư. Còn điều gì khiến em chưa hài lòng sao?"

Tôi nặng nề lắc đầu:

"Không... không đáng tin."

Ngoại trừ việc ban cho tôi một mỹ hiệu, ban tôi nơi ở trong cấm cung, gọi tôi thân thiết, tôi có gì? Sử gia còn chẳng buồn ghi năm tôi ra đời...

"Cớ gì không đáng tin?"

Tôi không thể nói ra những lời trong lòng kia với Thượng hoàng nên quyết định giấu nhẹm, những khuất tất thực khó lòng biểu bạch một cách trọn vẹn. Tôi lại cắn răng và quyết định hỏi thật:

"Trong cung có tin đồn..."

"Trẫm biết. Chẳng qua là những điều xằng bậy." – Thượng hoàng vừa nói vừa hạ cờ, nếu không có hành động ấy tôi cũng quên mất còn có Quan gia ở đây.

"Thế còn việc dùng em như kế rút lui thì sao?"

Lần này thì tôi đã thành công làm cả hai người sững lại, khác với phong thái ung dung thường trực. Nét mặt cả hai trong một chốc đã đanh lại, sau lại giãn ra, Thượng hoàng cười nhạt:

"Đừng tin vào điều đó!"

"Nhưng anh cũng nên nói với em lý do vì sao không được tin?"

"Em không được chất vấn trẫm."

Tôi siết chặt bàn tay thành nắm đấm, hơi thở trở nên gấp gáp, tôi cố nén cơn giận đùng đùng kéo tới trong tâm trí.

"An Tư... bây giờ trẫm chỉ có thể xác nhận với em một điều, em là công chúa, là em gái cùng cha khác mẹ với trẫm, điều đó chắc chắn là sự thật, không thể thay đổi. Trẫm không thể tiết lộ với em nhiều hơn. Gặp lại em, trẫm thực rất lấy làm mừng." – Thượng hoàng lại dùng giọng ôn tồn giảng giải cho tôi, đoạn lại vươn tay vuốt tóc tôi âu yếm.

Song tôi vẫn cứng đầu không chấp nhận, việc tránh câu hỏi kia có nghĩa họ chắc chắn muốn thực hiện thật.

"Vậy vì sao anh không gả em cho Trần Thông?" – Câu hỏi của tôi làm bàn tay âu yếm trên đầu bỗng bất động, nụ cười yêu thương cũng theo đó chợt tắt.

"Xin lỗi em, chuyện cưới gả là không thể. Sau này em sẽ mang trọng trách."

Tôi thực muốn đứng vùng dậy và bảo rằng tôi vốn là một đứa ích kỷ nhỏ nhen, chỉ muốn nghĩ về bản thân, thế nên tôi không muốn mang bất kỳ một trọng trách hay nhiệm vụ nào cả. Tôi chỉ muốn sống một đời yên bình bên chồng con tôi, muốn có một người chồng hết mực yêu thương tôi, muốn sống ở một nơi ngập tràn nắng ấm... Đó mới là ước mơ, là cuộc đời mà tôi muốn hướng đến.

Nghĩ thế nhưng tôi không dám nói năng thêm gì, chỉ có thể nuốt đi ấm ức, khẽ run người.

Độc đoán với tôi đến như vậy, có thực là người một nhà?

Lời vấn trách cứ cứ quanh quẩn mãi trong đầu tôi trong suốt đoạn đường được hộ tống trở về Hòa An điện. Tôi đã cầu xin anh đừng trị tội ai liên quan đến việc tôi trốn ra, việc tôi nghi ngờ thân thế và cả việc tôi biết được một phần kế sách đánh giặc. Hẳn là anh vẫn có thương người em gái lạ này, nên đành gật đầu đồng ý cho qua chuyện, cho tôi chịu yên phận thủ thường.

Chẳng hay giờ u ở lộ Như Nguyệt Giang đã ra sao rồi? Tôi hỏi về tung tích u nhưng không một ai biết, hoặc có biết cũng không muốn tiết lộ cho tôi, để tôi an phận làm một con cờ thế mạng trong chiến trận – tôi đinh ninh như thế.

Vừa trở về, tôi đã thấy trong điện có sự xuất hiện của nhiều người mới. Họ đến dạy tôi lễ nghi cung cấm, dạy tôi cầm kỳ thi họa, dạy tôi công dung ngôn hạnh, tam tòng tứ đức, dạy tôi nói, viết tiếng Mông Cổ, tiếng Hán, dạy tôi đọc và truyền mật báo, và một vài thứ khác...

7

Từ lần gặp mặt ấy, Thượng hoàng không những không còn cấm túc tôi trong Hòa An điện mà còn thường xuyên mời tôi sang mạn đàm với người, có lẽ mục đích của việc này là để xoa dịu lòng tôi cho đỡ bận tâm ngày sau.

Tôi chỉ mong sao quân Thát đừng sang xâm lấn, hoặc nếu có đặt chân sang, tôi mong quân ta nhanh chóng quét sạch bóng giặc thù. Bởi đơn giản rằng tôi thực không muốn mình trở thành cống vật. Trước khi yêu một ai đó, hoặc một thứ gì, cụ thể hoặc trừu tượng, tôi được dạy là phải yêu lấy bản thân.

Cố nhiên, yêu bản thân không có nghĩa tôi muốn bước theo con đường của Trần Ích Tắc, thân mạng nợ nước thù nhà, thế mà nỡ đành đang tâm bội phản...

Đương bước trên đường sang tiếp chuyện với Thượng hoàng. Tôi gặp một người lạ. Hỏi ra, Hoa bảo là Yết Kiêu – gia nô nhà Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, cái người có tài bơi lội trứ danh "nhập thủy như phúc bình địa hỹ"và được ưu ái ngự ban danh hiệu "Trần triều đệ nhất đô soái thủy quân". Ước chi tôi có được cái tài ấy, tôi lập tức bổ nhào xuống bất kỳ sông ngòi nào trên khắp đất Đại Việt, trốn hẳn khỏi chốn hoàng quyền lạ lẫm.

Yết Kiêu ôm quyền chào tôi. Hoa còn bảo đây là một người đàn ông kỳ quặc, đã qua tứ tuần nhưng chẳng để người con gái nào vào mắt xanh, từ chối vài mối tốt nên gia thất mãi chưa thành. Tôi trộm nghĩ, một là có lẽ Yết Kiêu đã ngầm định cả đời trung thành phục dịch bên Hưng Đạo Đại Vương, hai là chưa gặp được người thực sự khiến trái tim rung động.

Đương lướt qua nhau, Yết Kiêu gọi:

"Thưa! Người đánh rơi..."

Tôi xoay người, thấy trên tay y là chiếc khăn lụa thêu hoa hải đường ngày trước tôi định tặng cho Chiêu Thành Vương nhưng còn chưa kịp.

Tôi khẽ thở dài, bỗng nhớ lại những ngày yên bình trên quả đồi, bên bờ suối giữa lộ Như Nguyệt Giang, ngắm mặt trời buông mình vô tư lự, ngắm lúa trổ đòng đòng trải khắp một phương, nhìn đàn cò tung cánh chao liệng xa tít tận lưng trời... Có lẽ việc trở lại quãng thời gian an yên ấy đối với tôi là điều bất khả.

"Cảm ơn!" – Tôi vẫn chưa quen lối xưng hô với địa vị là người trên nên vẫn thường hay nói trống không.

"Người là An Tư công chúa?" – Y đột nhiên hỏi lại.

"Vâng."

"Ôi công chúa đừng vâng dạ với tôi, hóa ra tôi thành phường thất lễ." – Y cúi sâu người trong hốt hoảng.

"Thế ta là An Tư thì có việc gì chăng?"

"Thưa không có... Chỉ là từng nghe Đại Vương nhắc đến, có lẽ sau này cần sự hợp tác của công chúa."

"Ừ."

{

Quả thực sau khi gặp Yết Kiêu, tôi nuôi ý định bỏ trốn bằng đường thủy. Tôi không đến nỗi bơi giỏi, nhưng cũng biết bơi. Hơn nữa cho dù trong cung có tri hô bắt công chúa, truy binh hẳn sẽ không nghĩ đến việc tôi bỏ trốn thông qua sông rạch.

Tôi lúi húi, luôn tay luôn chân bỏ đá quý, vàng ròng, trang sức vào trong hành lý. Tôi sẽ rời cấm cung, về lộ Như Nguyệt Giang tìm u, sau đó chúng tôi sẽ bỏ trốn. Đại Việt rộng lớn bao la như thế, chúng tôi há lại không có chốn dung thân?

Đương lúc trở ra, tôi toan đưa tay mở cửa phòng, Thượng hoàng nghiêm nghị bước vào, tôi đành quỳ mọp xuống, tiếng vàng bạc đá quý trong tay nải gõ xuống nền lộp cộp.

Ngài cho lui tất cả nội thị cung tỳ, im lặng hồi lâu mới đanh giọng lên tiếng:

"Nếu còn thương bà Diên, đừng làm gì cả, giờ em là An Tư!"

U tôi... nằm trong tay họ rồi à? Phải làm đến mức này sao?

"Hôm nay trẫm muốn em gặp một người, ngẩng đầu đứng dậy đi."

Không thể làm gì hơn, tôi đành nuốt tất cả những ấm ức vào lòng, loay hoay đứng dậy. Từ bên ngoài, một vị tướng uy vũ bước vào, gươm gửi lại cho kẻ dưới giữ tạm.

Người đó vái chào Thượng hoàng, sau đó đến tôi. Thú thật tôi không chỉ chưa quen với cách xưng hô, mà còn chưa quen với việc đi nửa bước trong cung lại có người cúi chào sát đất.

"An Tư, đây là Hưng Đạo Đại Vương." – Thượng hoàng hướng tay về Đại vương.

Trước đây tôi không quan tâm các mối quan hệ phức tạp trên triều, nay đã là công chúa, tôi được dạy cả. Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là con trai của An Sinh vương Trần Liễu, là anh họ cũng là anh rể của tôi – vợ của anh ấy là chị gái tôi – công chúa Thiên Thành.

Tôi miễn cưỡng gật đầu, như những gì được học. Đưa cả Hưng Đạo Đại vương đến, hẳn để nói về cách ứng phó như một tình báo đắc lực, đấy là nói cho sang, thật ra là một cống phẩm.

Anh họ nhìn tôi trầm ngâm hồi lâu không nói gì. Sau lại cất tiếng bảo:

"Sau này công chúa cứ học ở Yết Kiêu cách truyền mật báo. Làm sao để chỉ hai người hiểu ý nhau thì lại càng hay. Đánh xong trận này, công em rất lớn. Cảm ơn em."

Câu cảm ơn của Đại vương khiến tôi sững sờ. Tôi ngờ ngợ rằng ở đây ai cũng chỉ nghĩ cho bản thân trước nhất cả, nhưng chỉ một câu cảm tạ của anh làm tôi ngộ ra nhiều điều. Tôi chợt nhớ ra uy danh lẫy lừng trăm họ của Đại vương không chỉ đến từ tài năng, mà còn trong đức độ của ngài. Hóa ra mỗi hành động của những người gánh trên vai an nguy quốc gia, đều có lý do cả... Bên trong ngẫu nhiên, hẳn có tất nhiên.

Lần gặp mặt ấy không ngờ lại khiến tôi biết thân biết phận hơn, không mảy may nảy sinh ý định bỏ trốn, vừa vì lo cho u, vừa vị nể những cây đại thụ cả đời đau đáu nghĩ về nhân dân, che chắn cho nhân dân.

Lại càng chẳng ngờ hơn, những cuộc gặp gỡ qua lại giữa tôi và Yết Kiêu lại được người đời dệt thành giai thoại, cho rằng tôi ôm tương tư với đệ nhất thủy tướng Đại Việt.

{

Tôi gặp Trần Thông khi đang chính tay trồng hoa cho Hòa An điện. Đã bao lần chúng tôi lướt qua nhau mà lời chào hỏi còn để ngỏ, và tôi cũng không nhớ rõ đã bao lần dằn vặt với chính mình vì không giữ trọn mối duyên tơ.

Chiều gió lộng, vạt viên lĩnh của vương nhẹ bay mà lòng tôi lại chẳng hề nhẹ. Ánh mắt chàng đong đầy một nỗi buồn mất mát, mà không cần nói nên lời tôi cũng biết vì sao chàng buồn. Bởi tôi cũng đang buồn vì điều đó.

Tôi ngồi trồng hoa cúc đầu ngọn gió, vương đứng dưới ngọn gió. Tôi ngước nhìn chàng, chàng mím môi cau mày nhìn tôi.

"Vương làm sao thế?" – Tôi bông đùa cho đỡ nhọc lòng đôi bên.

"Không sao cả... nhưng... lỡ mất rồi..."

À, tôi hiểu, "lỡ nhau".

Tôi không cân đo đong đếm được lòng vương hướng về tôi nhiều đến mức nào. Có thể tôi có một vị trí quan trọng trong lòng chàng, nhưng cũng có thể tôi chỉ là một khoảnh khắc thoáng qua. Và tôi thì càng mong đó là vế thứ hai, bởi chàng xứng đáng với những hạnh phúc về sau, bên một người con gái tốt hơn tôi, lành lặn hơn tôi.

"Vinh hạnh gặp Chiêu Thành vương – con trai cả của Tướng quốc Thái úy Khâm Thiên Đại vương, ta là công chúa An Tư, con gái út của Thái Tông." – Tôi phủi tay dính đầy đất cát đứng bật dậy, vờ hí hoáy giới thiệu lại bản thân với vương. Tôi còn định bồi thêm: Đừng "ôm hận suốt kiếp" vì em nhé, song lại chọn chôn chặt vào lòng. Tôi không biết liệu cố tình lãng quên, hay gợi nhắc về một vùng ký ức mỹ mãn mới càng đau đớn?

Sắc vàng của nắng chiều thâu gọn lấy đường nét vương giả, cao quý của chàng khéo kéo tôi vào nỗi buồn lênh láng như nước ngoài bể Đông.

Nắng nhạt nhưng vừa hay khiến bóng tôi mờ mờ đổ dài phủ lên người chàng thành một mảng tối rất nhẹ. Tôi thấy mình còn thua cả một cái bóng biết điều. Tôi là một kẻ phụ tình. Thôi thì cứ để cái bóng thay tôi ôm chàng mà nói lời xin lỗi vậy.

Con người trước mắt tôi phì cười khổ sở:

"Vinh hạnh được gặp An Tư công chúa..."

"Hẳn là vương không còn điều chi nữa nhỉ? Ta vào trong trước nhé?" – Tôi nheo mắt, vẫy vẫy cái tay còn dính chút bùn đất.

Trần Thông lẳng lặng không đáp, chàng né tránh ánh mắt tôi.

Trước khi để bóng mình khuất sâu vào khuê phòng, cũng khuất sâu vào tầng ký ức tuổi trẻ của một người nào đó, tôi xoay người nhìn chàng mấp máy hai chữ "bình an". Điều khiến tôi bất ngờ, chàng cũng đang nhìn tôi, môi mấp máy hai từ tương tự...

Sao ông trời nỡ rủ lòng thương với khẩn cầu của chàng mà khiến lời cầu chúc của tôi vô hiệu?

8

Thiệu Bảo năm thứ bảy, vó ngựa quân Nguyên lại tràn sang giày xéo Đại Việt lần thứ hai.

Thượng hoàng hứa với tôi sẽ dốc sức bảo vệ, cả đất nước, cả tôi. Anh nói thực lòng không mong phải để tôi trở thành một phần của cuộc chiến, anh sẽ nhanh chóng quét sạch giặc thù, mong tôi không phải lo lắng.

Nhưng anh lực bất tòng tâm. Điều anh, tôi và triều đình không muốn nhất, rốt cuộc vẫn đau đớn xảy ra.

Đỗ Khắc Chung mang tôi xuôi thuyền trên sông Vị Hoàng, đổ về Lô Giang ôn hòa ôm lấy đất kinh sư. Nhác thấy bóng giặc, lòng tôi thắt lại, tôi sắp trở thành một tướng sĩ, hay một ả điếm không hơn?

Còn nhớ khi xưa u từng kể: số phận công chúa nhiều hẩm hiu, lắm truân chuyên. Tôi thở phù khen mình may mắn, không sinh ra ở chốn hoàng cung khắc nghiệt. Con hàng nước ngày nào đã quá ngây ngốc tin rằng mình có một cuộc đời đã đủ đầy và hoàn mỹ.

Đưa tôi đến bên bờ Bắc Lô Giang, phục binh hai bên bờ dùng cung tên bắn chết những người hầu cận. Lần đầu tiên có người chết ngay trước mặt, vài giọt máu tươi còn tanh mùi sự sống bắn lên mặt tôi, bắn cả lên thoán y chỉnh tề, trang trọng tôi đang mặc. Tôi không khỏi giật nảy người vì kinh hãi.

Tôi run rẩy, co ro, môi mím chặt, răng nghiến mạnh đến độ tôi thấy hai gò má chịu áp lực như muốn vỡ tung. Thiếu chút nữa tôi đã ngã khuỵu xuống ngất ngay tại chỗ. Sau khi cố trấn tĩnh, tôi mới thôi hoang mang sợ hãi, đoạn rút khăn thêu hải đường lau máu tanh trên mặt.

Tôi giương mắt về phía xa xa, bóng kinh thành thoắt ẩn thoắt hiện. Thăng Long ngày ấy... Hóa ra hào hoa diễm lệ hay hoang tàn xơ xác không phải nằm ở kiến trúc, mà nằm ở con người.

Trên suốt đoạn đường đến trại giặc, tôi luôn ưỡn ngực, thẳng lưng, ngẩng cao đầu mà bước. Suy cho cùng, tôi chỉ muốn tự an ủi chính mình, tôi là một phần của cuộc chiến, là quân sĩ, không phải là một cống vật thân mang nhục nhã.

Tôi được đưa đến một lều trướng nhỏ vừa dựng xong giữa muôn vàn lều trướng tương tự. Đoán chừng nơi tôi ở hoặc cách rất xa nơi hội bàn việc quân, hoặc không thể nhận diện được nơi ấy, để cho tôi không thể tiếp cận. Dựng lều mới chẳng qua sợ tôi thâm nhập quá sâu, cắm rễ vào quân tình quân Nguyên mà thôi. Chưa làm gì mà người ta đã thấy sợ, âu cũng là cái tài của tôi.

Tôi đợi người tên Thoát Hoan trong ánh nến lập lòe nhờn nhợt trong lều. Tôi buộc phải trở nên bình thản hơn với mọi thứ, kể cả cái chết, để hoàn thành trọn vẹn nghĩa vụ của mình.

Tôi đã nghe thấy tiếng bước chân từ khi còn xa, không bao lâu, hắn vén màn trướng xầm xập càng lúc càng đến gần bên tôi.

Tôi cúi gằm mặt, không nhìn. Thoát Hoan đột nhiên lao tới vịn lấy cằm, ngón cái và ngón trỏ bóp siết vào hai hõm má, đẩy cổ tôi ngửa lên cao. Mắt hắn nheo lại ra chiều phán đoán.

Trước mắt tôi là một người đàn ông cao lớn, hung tợn, mắt hắn sâu hoắm nhưng tôi vẫn thấy được dã tâm bất diệt, trên trán kéo xuống gò má trái một vết sẹo dài chừng ngón tay trỏ, có lẽ là "chiến tích". Hắn vẫn mặc bộ giáp cừ khôi, chẳng hay có phải hắn có sợ tôi giết hắn ngay hôm nay hay không mà làm thế?

Anh nói hắn là hoàng tử của Hốt Tất Liệt, không thể giết, chỉ có thể đuổi.

Bàn tay hắn thô ráp đang siết chặt lấy má tôi, chốc chốc lại co mạnh. Hắn xem xét rất nhanh, sau, trán nổi gân xanh, nhìn thôi cũng đủ biết nhiều phần giận dữ. Hắn buông tôi ra, dứt khoát bỏ đi:

"Ngươi không phải công chúa! Chỉ là một con dân đen bần tiện đến thay thôi đúng chứ?"

Tôi run run:

"Sao ngươi biết?"

"Có công chúa nào da sạm, tay thô ráp, vai chai rạ, cổ nhiều vết xước như ngươi?" – Hắn hậm hực nhận định.

Nghe đến đây thì tôi chẳng kìm được nữa, tay tôi vò chăn, bấu thành nắm đấm, nước mắt cứ thế tuôn trào không kiểm soát:

"Đến ta cũng chẳng biết mình có thực là công chúa hay không. Hay thực sự như ngươi nói, ta chẳng qua chỉ là một món đồ thay thế, một món đồ gán cược không hơn...

Ta tên là Thuận Kỷ, cùng mẹ mở một quán nước ven đường ở lộ Như Nguyệt Giang. Rồi một ngày họ đến nói rằng mẹ ruột của ta là Anh Túc phu nhân Lê Ngọc Đình, sinh thời là người bạn thân thiết của Hiển Từ Thuận Thiên Hoàng Hậu.

Họ luôn miệng bảo ban với ta về đấng song thân ta chưa từng gặp mặt. Họ ép ta học lễ nghi chữ nghĩa, học chơi đàn, học thổi sáo và học cả cách... phục vụ một người đàn ông.

Đớn hèn!"

Nước mắt tôi vẫn lăn mãi, tôi ôm mặt, rưng rức đứt quãng mà khóc, giọng tôi ngập trong tiếng nấc, nghe chữ được chữ không. Uất nghẹn bao nhiêu ngày qua, nỗi sợ hãi, nỗi đau đớn, cảm xúc dằn nén đều được tôi trút bỏ trọn vẹn, dẫu trước mặt một tên tướng giặc mà tôi căm ghét tột độ. Có lẽ từ sâu trong tiềm thức tôi đã nhận định sớm muộn gì cũng phải bỏ mạng chốn sa trường nên chẳng mảy may che giấu.

Thoát Hoan đứng ngay màn trướng, hắn vẫn chìa lưng về phía tôi, song hắn hoàn toàn bất động khi nghe tôi nói, kể cả khi âm thanh phát ra từ tôi chỉ còn là nghẹn ngào dai dẳng.

Hắn đột ngột xoay gót, ánh mắt hừng hừng lửa giận dán chặt vào tôi. Hắn lại lao đến, lần này túm lấy tóc tôi, kéo ngược về sau khiến tôi bật ngửa, mất thăng bằng chống tay xuống giường cố trụ vững. Tôi đau quá nhưng chỉ có thể cau mày mếu máo, không dám rên than. Khóe mắt vẫn không ngừng rỉ rả.

"Đã như thế thì ta cho ngươi hoàn thành nhiệm vụ! Ngươi muốn ta cho thư quân bao nhiêu ngày? Nên nhớ trong số ngày đó, ngươi phải làm gì ở đây!"

Câu hỏi của hắn làm tôi thảng thốt, thất thần hồi lâu. Thà rằng đừng cho tôi chọn, để tôi đừng phải đấu tranh nghiêng về bản tính ích kỷ vốn có của mình, hay lòng cao thượng giữa can qua nghiệt ngã...

"Ba ngày." – Tôi mấp máy bảo. Trước khi đưa tôi đến đây Yết Kiêu đã dự tính phải cầm chân quân giặc tối thiểu ba ngày. Lượng sức hèn lực mọn, tôi buột miệng nói ra ngay mốc ấy. Hơn nữa quân nhà Trần hùng mạnh, nhất định có thể vùng vẫy trở mình lật ngược thế cờ, chỉ trong ba ngày. Tôi tin vào điều đó.

Khi nào quân Trần trở dậy, khi ấy tôi sẽ gieo mình vào lòng Lô Giang để kết thúc tất cả.

Tôi biết, họ không đời nào suy tôn tôi như một đấng cứu tinh, ngược lại tôi phải chịu điều tiếng nhơ nhuốc – từng nằm trong vòng tay giặc. Như thế đủ rồi, bao nhiêu khổ đau dằn vặt kiếp này, cả mối tình chớp nhoáng như gió thoảng với Trần Thông, giai thoại người đời dệt nên cùng thủy tướng Yết Kiêu, cứ để tôi thả trôi theo dòng nước xiết Lô Giang, nơi ôm lấy máu thịt của ba quân tướng sĩ vì nghĩa quên thân, vì dân trừ bạo!

"Được. Xem như ngươi biết điều! A Mặc!" – Một tên lính Thát cúi đầu chạy vào – "Lệnh xuống thư quân ba ngày, kể từ sáng ngày mai, để tướng sĩ được nghỉ ngơi thư giãn. Phải rồi, đem y phục quân kỹ đến đợi ở ngoài, khi nào nghe gọi hãy mang vào."

Quân kỹ... ư? Tôi trợn mắt, rồi hừ lạnh. Với thân phận con hàng nước, hắn cho tôi cảm giác được đứng chung hàng với mỹ nhân. Với thân phận công chúa Đại Việt, hắn không chỉ chà đạp giày xéo chức phận tôi mà còn phỉ nhổ vào thanh danh tôn thất, đè bẹp mảnh đất thiêng Đại Việt.

Dưới ánh đèn leo lét trong doanh trướng giặc Nguyên, tôi chỉ kịp ý thức được một cái bóng to lớn đổ vào người, tay siết lấy eo tôi đau điếng, ngoạm lấy cổ tôi như thú vồ mồi...

Khoảnh khắc này, tôi biết mình đã chết, chỉ có thể đợi màn đêm vĩnh hằng từng bước giày vò tôi cho đến khi thỏa mãn. Tôi bất lực nhìn lên trần, ngăn nước mắt lại chực rơi. Tôi nghĩ mình đã khóc đủ nhiều để khóc thêm một lần nào nữa.

{

Bên con sông nhỏ, tôi trút bỏ nhiều lớp y phục quân kỹ, chừa áo quây quanh người vì tôi có cảm giác không an toàn, bất kỳ cặp mắt nào cũng có khả năng dõi theo tôi.

Thật ra y phục quân kỹ không phải là thứ quần áo thiếu vải như tôi vẫn nghĩ, mà chỉ là trang phục nhà Nguyên với nhiều màu sắc và nhiều món phục sức lộng lẫy.

Nước sông giúp tôi thấy mình được gột rửa cảm giác tội lỗi tối hôm qua và cả ngày hôm nay tôi gánh chịu.

Đó là tôi đang cố chấp thuyết phục mình bằng tác dụng diệu kỳ của dòng sông trong vắt. Vì lòng tôi không nhẹ đi phần nào, dù chỉ là rất nhỏ.

Đoạn từ lùm cây, một mũi tên xé gió lao tới, không đợi tôi kịp phản ứng, mũi tên đã cắm phập vào cánh tay trái, nói đúng hơn là vị trí bả vai tôi. Cảm giác đi từ ớn lạnh, điếng người, sang đau đớn truyền dọc cơ thể. Tôi cau mày phần vì đau phần tự trách không thể bảo vệ bản thân chu toàn.

Tôi định thần, rút mũi tên găm vào thớ thịt làm máu tươi rỉ xuống con nước, khiến nó vốn trong sạch nay lại dấy thành thứ nước bẩn nhục, vẩn đục trong màu máu.

Thoát Hoan quẳng cung tên, bước tới với gương mặt không chút xúc cảm, tay xé một mảnh vải trên người, lôi tôi từ dòng sông lên:

"Ngươi không biết đau à?" – Hắn dùng mảnh vải buộc lại vết thương cho tôi một cách thô bạo.

Xác tôi hãy còn cảm nhận được cái đau, nhưng bản thân không muốn rên riết. Thứ tiếng đó sẽ đánh gục phần sống, phần danh dự cuối cùng trong tâm khảm.

Tôi dửng dưng trơ mắt nhìn thẳng vào hắn, hận không thể ăn gan uống máu, xé thịt lột da.

Có lẽ đọc được suy nghĩ của tôi, Thoát Hoan dùng ngón tay cái ấn mạnh vào vết thương chưa thôi rỉ máu.

Tôi nghiến răng ngăn mình.

Thoát Hoan buông tôi ra, tiện tay vứt cho tôi một bộ quân kỹ khác: "Thay nhanh rồi vào đánh đàn cho tướng sĩ giải khuây."

{

Tôi gảy nguyệt cầm theo ý Thoát Hoan. Sau khi gảy xong bản đàn, Thoát Hoan lệnh tôi múa theo những cô ả quân kỹ khác, theo tiếng trống nhạc của cầm sư. Trong cung tôi học được rất nhiều điệu múa, rồi các ca khúc, nhạc khúc, nhưng chẳng còn tâm trí nào nhớ nổi cái tên. Lùng sục khắp ký ức, đến cả một điệu cụ thể, tôi còn chẳng nhảy cho ra hồn.

Rõ ràng tôi chẳng bì được với cầm sư hay vũ sư mà hắn mang theo, vậy mà hắn cứ nhất mực bắt tôi đàn hát. Trí nhớ tôi có sắp xếp thế nào cũng chẳng thể lớp lang tầng bậc, trước mắt quân sĩ và Thoát Hoan là một ả điếm dở hơi đang huơ tay chân loạng choạng.

Bẵng đi một lúc, tôi quay cuồng trong tiếng trống nhạc cùng đám quân kỹ vây quanh làm nền. Khúc chung, một cảnh tượng khiến tôi nghệch người.

Những tên lính tráng cầm đầu kia, mỗi người kéo vào lòng một ả quân kỹ, quần quật cho thỏa thuê.

Ngay trước mắt nhiều người như thế, chẳng nhẽ không một ai cảm thấy nhục nhã?

Tôi bàng hoàng, rồi chuyển sang sợ hãi đến bủn rủn tay chân. Tôi bấm móng vào lòng bàn tay để cơ thể thôi run lên cầm cập, lần đầu tiên không phải vì trước cuồng phong, trước bão giông, trước rét đậm, mà trước cái thú tính điên cuồng nguyên thủy chính chúng chẳng buồn che giấu.

Tiếng cười của quân kỹ lanh lảnh, chốc nghe như tiếng chuông gió, thoắt lại như oan hồn vừa cười ma mị vừa kêu gào đoạt mạng. Thần trí tôi loạn đảo giữa những thứ tiếng tạp nham nhuốm đậm mùi dục vọng cùng mùi tanh hôi không đến từ máu người. Nếu còn không bỏ đi, tai tôi sẽ nổ tung, rồi đến tôi chết người ta cũng chẳng thể tìm thấy nguyên nhân mất.

Tôi vùng chạy. Đoạn một bàn tay to lớn như mãnh thú níu lấy cánh tay, dùng ngón cái ấn mạnh vào vết thương khiến tôi đau điếng. Nỗi bất an ùa tới quấn lấy từng đoạn suy nghĩ.

Tôi thực muốn cúi người cầu xin Thoát Hoan đừng làm thế. Chẳng nhẽ tôi còn chưa đủ nhục nhã ư? Điều tiếng tôi còn chưa đủ bẩn thỉu? Chẳng nhẽ hắn muốn hành hạ tôi giữa cái nhìn của bao người đàn ông khác?

Tôi nghiến răng, vừa chịu đựng cái đau nhói ở cánh tay truyền tới, vừa đấu tranh với cơn sợ hãi phát xuất từ tim.

Đoạn, hắn buông tay, luồn xuống lưng nhấc bổng tôi lên... Và bế tôi bước trở về lều trướng vừa được dựng vào hôm qua.

9

Đã một ngày trôi qua, tôi chỉ còn hai ngày. Song tôi không biết bắt đầu từ đâu do không biết tình hình chỉnh đốn quân ngũ bên phía quân Trần, lại bị canh giữ rất nghiêm ngặt, không rõ hành động tiếp theo của quân Nguyên.

Trước khi đến đây, Yết Kiêu đã nói rõ những nhiệm vụ của tôi. Một là tạo điều kiện thư quân, điều này tôi đã làm được. Hai là dụ Thoát Hoan cho tiến thủy quân vào cửa sông Thướng, nơi ấy là đoạn quân ta hiểu rõ nhất, ắt đã có kế đánh giặc. Thứ ba, cũng là nhiệm vụ khó nhất, đánh mật báo về đường tiến quân của địch cùng với nơi giấu quân lương.

Tôi kịp tìm ra căn cứ luận bàn quân sự trong lúc Thoát Hoan bế tôi về lều trướng. Quả thực nơi ấy rất khó để nhận diện khi đặt trong rất nhiều lều trướng khác. Một kế hoạch nảy ra trong đầu tôi để thực hiện nhiệm vụ thứ hai.

Rạng sáng, tôi đánh mắt sang bên cạnh, vốn đã không còn người. Tôi khẽ rướn giọng gọi hầu nữ.

Khi hầu nữ bước vào hỏi chuyện, tôi đã nấp sẵn sau màn, dùng đá đập vào đầu người hầu nữ. Dĩ nhiên điều này kinh động lính canh. Tôi lại vờ cao giọng xin lỗi An Tư công chúa, do tôi vô ý đánh rơi đồ của nàng.

Bằng cái biệt tài luồn lách của mình, tôi đã đến được nơi tôi cần đến, thêm với một khay rượu trên tay.

Tôi đã thoáng nghe được Thoát Hoan đang phân vân và tranh cãi với các thống lĩnh khác, liệu có nên tiến quân vào cửa sông Thướng hay chăng. Thế thì tôi đẩy mạnh hắn nghiêng về phương án có lợi cho chúng tôi một chút.

Tôi vờ làm rơi khay rượu kinh động đến Thoát Hoan. Khi hắn cùng những tên kia bước ra, tôi lại giả run run ngây người, sau lúi húi thu dọn mảnh vỡ. Điều này khiến hắn cảm thấy đi đường sông Thướng làm tôi hoang mang lo sợ cho nhà Trần. Song hắn vẫn đanh thép hỏi lại vì sao.

Tôi ấp úng dùng che lấp sự ngụy tạo của mình:

"Nơi ấy có nhiều... giao long... ngươi đi sang sẽ không an toàn..."

"Ai nói với ngươi là ta đi?" – Hắn chầm chập cúi đầu, gí sát vào mặt tôi làm tôi phải rụt cổ – "Lệnh xuống! Hết ngày mai thủy quân tức tốc hành quân trên sông Thướng, đi tìm tôn thất nhà Trần!" – Rồi ngay lập tức túm lấy cổ áo tôi, lôi xồng xộc trở về.

Thoát Hoan không cho canh giữ tôi nghiêm ngặt nữa. Đoán chừng có thể hắn nghĩ tôi không phải dạng quỷ kế đa đoan mà là dạng đàn bà vừa nông cạn vừa đần độn, rằng tôi là con hàng nước mà họ Trần trót tìm nhầm rồi giao cho trọng trách.

Chiều về, tôi đi loanh quanh thầm nghĩ cách tuồn mật tin cho Yết Kiêu. Đi mãi, tôi đến một sườn đồi, gần giống với quả đồi của ký ức ngày xưa. Thật khéo triêu ngươi, khiến tôi lặng người trầm ngâm phí hoài thì giờ quý báu!

Trên đỉnh đồi, tôi nhác thấy bóng Thoát Hoan cùng với man điệu lạ kỳ chưa từng nghe thấy ở nơi đây. Hắn ngồi trên một tảng đá, thổi khèn, tuy âm điệu lạ lẫm không thuộc về miền ký ức nào hiện trong khối óc, song vừa nghe đã biết, đó là âm điệu của thảo nguyên bạt ngàn gió thổi, của mảnh đất mà hắn sinh ra.

Tôi và hắn cách nhau chừng hai mươi bước chân. Hắn sớm phát hiện ra tôi, bèn hạ khèn xuống, đoạn nhìn tôi trân trối. Hắn chỉ nhìn mà không nói một lời nào.

Gió dịu làm tóc mai tôi lả lướt trong ráng chiều nhàn nhạt. Chiều Thăng Long đô thành dường như bao phủ bởi màn sương giăng nhẹ. Đô thành đã trở nên phồn hoa từ đầu đời Lý, nay sao hiu hắt đến độ tôi chẳng nhận ra.

Tôi và hắn mải nhìn nhau nhưng tâm tình cả hai thì song song không có điểm giao hay hồi kết. Tôi không biết hắn đang suy tính điều chi và có lẽ hắn cũng chẳng hiểu tôi nghĩ gì. Bởi tôi có nghĩ gì đâu mà hắn biết? Tôi quen việc treo tâm tư của mình lơ lửng ở một không gian vô cùng vô tận kể từ ngày tôi sống với tên An Tư.

Hình như vừa lãng phí một quãng thời gian nữa. Nguy thật, không kịp thì khốn! Tôi bèn dời gót khỏi ngọn đồi. Hết ngày mai là hết thời hạn ba ngày, cũng là thời điểm đời tôi kết thúc. Trong đêm nay nhất định phải truyền được tin báo ra ngoài, nếu để đến đêm mai thì mọi thứ vội vàng, không khéo lại hỏng chuyện.

Điều tôi chẳng ngờ được là ngay khi thực hiện bước đầu của kế hoạch, hắn đã phát giác.

Tôi cùng Yết Kiêu quy ước với nhau sẽ dùng cánh hoa lan đá làm mật hiệu. Cho nên bây giờ tôi phải tìm cách đi đến phía Tây trại giặc, nơi mặt trời rọi ánh sáng cuối cùng. Thông qua địa hình mấp mô của đồi núi, ánh sáng vừa vặn chiếu xuống một khoảnh đất trống có đường kính hẹp chừng năm bước chân. Nhiệm vụ của tôi là đặt hoa lan đá vào từng địa điểm mà giặc sẽ đi qua, trong đó cánh hoa lớn nhất đại diện cho trại quân lương, giúp quân ta biết nơi hạ triệt.

Giữa đêm khi Thoát Hoan đã ra ngoài, tôi lật đật ngồi dậy tìm đồ vật. Tôi vừa gom đủ số hoa lan đá giấu sẵn lúc bị "tiến cống", không ngờ Thoát Hoan trở lại giật phắt từ tay tôi. Hình như trong một chốc khinh suất lơ đễnh nào đó, tôi lỡ để lộ dấu vết khiến hắn nghi ngờ. Quả thực nhiệm vụ của một tình báo không phù hợp với tôi. Thoát Hoan cất giọng lăm le đe dọa:

"Còn không an phận thì ta giết!"

Kế hoạch hoa lan đá dừng lại, cũng có nghĩa là tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ thứ ba. Không biết họ có oán trách tôi không? Xét đến cùng, tôi là một con tốt vô dụng.

{

Ngày cuối cùng trong trại giặc, Thoát Hoan đã tăng cường canh giữ nơi tôi ở, cho người theo dõi sát sao hành tung khiến tôi luôn trong tình trạng bị trói buộc. Chỉ có một điều, hắn không còn động tới tôi nữa. Có lẽ đang tức tốc tái thiết lập quân ngũ sau ba ngày thư quân nên chẳng còn thời gian dành thêm cho việc gì.

Và đêm nay, tôi sẽ gieo mình tự vẫn.

Trong màn đêm tăm tối, tôi cuống cuồng tìm chiếc khăn thêu hải đường không biết đã đánh rơi tự khi nào. Chẳng qua chỉ là một chiếc khăn nhưng chính nó là niềm an ủi, là tri kỷ mỗi khi lòng tôi lên tiếng ai oán. Nhưng đến nay nó cũng rời xa tôi...

"Ngươi đang tìm thứ này đúng chứ?" – Thoát Hoan giơ chiếc khăn quen thuộc, tôi vội lao đến giật ngay. Hắn lại túm cổ tôi lôi ra ngoài – "Ta có thứ này rất hay muốn cho ngươi xem thử."

Tôi ngây như phỗng. Thoát Hoan đã trói quỳ Trần Thông, bộ dạng không thể tàn tạ hơn. Tôi há mồm nhưng chẳng thể phát ra âm thanh, chỉ ú ớ nơi cổ họng mà không thành một lời trọn vẹn.

Sao hắn có thể làm thế với tôi? Đến nước này thì rõ ràng hắn đã biết được mối quan hệ trước đây của tôi và Chiêu Thành vương rồi, vậy thì hắn sẽ làm gì?

"Ngươi nói xem ta nên làm gì hắn?" – Mặt Thoát Hoan đằng đằng sát khí, tôi dĩ nhiên đoán được hắn sẽ làm gì Trần Thông.

Cơn hoang hoải trong lòng tôi càng lúc càng dữ dội. Tôi không thở được nữa, bấu chặt váy áo đến nhăn nhúm, mấp máy mãi mới ra được tròn chữ:

"Đừng... giết..."

Thoát Hoan hừ lạnh, rút lấy thanh đao ra khỏi vỏ. Tôi đánh liều chạy đến đứng chặn trước Chiêu Thành vương, quỳ xuống rúm ró đến thảm hại, cầu xin hắn đừng giết chàng. Nhưng với bản tính hiếu sát của Thoát Hoan thì hắn nào có cho tôi toại nguyện?

Đầu Trần Thông rơi xuống, máu bắn ra tứ phía, ngay sau khi Thoát Hoan dùng chân đạp vào vai tôi, khiến tôi ngã ra xa.

Tôi nhắm tịt mắt, cảm giác từng thớ thịt đều rân rân tê dại, tôi nghiến răng bắt đầu gặm nhấm nỗi đau dằn xé. Tôi đưa tay lên, răng môi ngoạm chặt năm đầu ngón tay. Đến khi vị mằn mặn quấn lấy đầu lưỡi... Thế mà... nước mắt tôi vẫn cứ rơi lã chã...

Tôi nhớ rõ mình từng chúc chàng bình an, sao lại ra đến nỗi này?

Thú thực, thời gian chúng tôi gặp và yêu nhau chưa đủ lâu, song với tôi, chàng cố nhiên đã là một bóng hình vô cùng quan trọng. Làm sao tôi lại không đau khi chứng kiến chàng đổ gục xuống trước mắt mình mà tôi lại bình chân như vại rồi hầu tướng giặc? Làm sao không khoải oán khi giương mắt nhìn người mình yêu ngã xuống mà bất lực chẳng thể kêu than?

Xin lỗi Trần Thông, là em phụ chàng!

Đó là thủ cấp của người mà tôi yêu thương, của người sắp nên nghĩa trầu cau nhưng chưa kịp. Tôi cố nén nỗi đau, cúi người nhặt lấy khăn thêu hoa hải đường rồi phủ lên thủ cấp Trần Thông.

Chẳng còn chút xúc cảm nào để bày ra nữa, như một cái xác không hồn tôi cứ để chân lững thững bước. Đến đâu cũng được, đến được cõi chết thì hóa ra càng tốt!

Nhưng Thoát Hoan không để tôi làm điều đó, hắn vòng tay qua người, đầu tôi chúi xuống đất, vác ngược tôi đi về.

Thoát Hoan liên tục ngồi dán mắt vào tôi, không để tôi có cơ hội cọ nguậy lẻn trốn khỏi trướng dù tôi đã chẳng còn sức để mà trốn chạy. Trốn khỏi doanh trại, tôi chưa chắc trốn được thực tại nghiệt ngã. Điều tôi băn khoăn duy nhất ngay lúc này là liệu linh hồn tôi có cảm nhận được nỗi đau năm Thiệu Bảo thứ bảy hay không?

Hình như với đôi mắt diều hâu của hắn, cuối cùng tôi đã thua, tôi không thể nhướn mắt thêm một chút nào để đợi nữa, mí mắt tôi nặng trĩu cùng đầu óc quay cuồng kéo tôi vào giấc ngủ.

Vốn không nên uống thứ nước khi nãy, cũng nên phát giác ra có mùi hương lạ trong này. Tôi cười khẩy: Đi chết thì hôm nào chả đi được?

"Người Hoa hàng Trần rồi! Hàm Tử quan thế yếu sắp vỡ! Cánh quân sông Thiên Mạc đã liên lạc để báo tin, cần chi viện!"

Tôi loáng thoáng nghe được tin này và nhập nhòe thấy bóng Thoát Hoan vội vã quay đi, trước khi hoàn toàn mất đi ý thức.


Thiệu Bảo thứ sáu: 1284.


Thượng hoàng: chỉ Trần Thánh Tông.


Quan gia: chỉ Trần Nhân Tông.


Nhập thủy như phúc bình địa hỹ: Đi trong nước như trên đất bằng.


Lô Giang: tên cũ của sông Hồng.


Thoán y: một loại trang phục nữ giới hoàng tộc thời nhà Tống (trang phục Lý – Trần đặc biệt ảnh hưởng từ nhà Tống), có màu đen, nằm trong lục phục địch y gồm: huy y, du địch, khuyết địch, cúc y, triển y, thoán y. Khi hầu vương, trong các dịp yến tiệc là những dịp mặc thoán y.


Sông Thướng: địa danh và sự kiện liên quan đều là hư cấu.


Sông Thiên Mạc: Đoạn sông Hồng ở Hưng Yên.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top