xuan dieu

Văn học sử Xuân Diệu và ba bài giảng văn thơ lớp 11

Wednesday, 5. March 2008, 09:37:38

Trước 1980 Xuân Diệu và những nhà thơ lãng mạn Việt Nam cũng như thơ của các ông không được đưa vào giảng dạy ở bậc học phổ thông. Sau 1980 một số nhà thơ này và các sáng tác của họ dần dần đã có chỗ đứng trong chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Với Xuân Diệu lúc này, có bài thơ "Ngói mới" được đưa vào giảng ở lớp 12 (1 tiết).

Từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước lại đây, học sinh được học nhiều hơn về Xuân Diệu, học tới 5 tiết ở lớp 11 (sau Nam Cao; bằng Tố Hữu và bằng Nguyễn Tuân), trong 5 tiết đó có bài văn học sử tác gia Xuân Diệu 2 tiết, giảng văn ba bài thơ của ông là các bài "Thơ duyên", "Đây mùa thu tới" và bài "Vội vàng" mỗi bài 1 tiết. Xuân Diệu là một tác gia lớn của nền thơ ca hiện đại Việt Nam, một ông hoàng thơ tình. Ông mất đi như một cây đại thụ trong vườn cây ngã xuống làm cả một khoảng trời trống vắng. Và ông cũng đã được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 1 năm 1996), cho nên đưa ông vào văn học như một tác gia là xứng đáng.

Về bài văn học sử tác gia Xuân Diệu ở sách giáo khoa văn lớp 11, tập một sách chỉnh lý hợp nhất năm 2000 tốt hơn bài này ở sách văn 11 dùng cho các trường ngoài miền Bắc khi chưa chỉnh lý hợp nhất. Tốt ở chỗ chỉ nhằm làm nổi bật Xuân Diệu nhà thơ, tài năng thơ chứ không lan man sang Xuân Diệu là nhà văn. Đành rằng Xuân Diệu có viết văn xuôi, viết phê bình văn học, hoạt động văn học của ông có phong phú, đa dạng nhưng tài năng thơ của ông nổi trội hơn cả vượt lên trên các hoạt động văn học khác của ông. Ông là nhà thơ. Còn tốt nữa là bài viết lần này của sách giáo khoa hợp nhất phong phú hơn, sâu hơn, hấp dẫn hơn sách giáo khoa cũ và có phân định rõ ràng thơ Xuân Diệu trước cách mạng và thơ Xuân Diệu sau cách mạng.

Về nội dung thơ Xuân Diệu trước cách mạng, soạn giả cũng đã nêu và phân tích được hai ý cơ bản và đúng đắn là: "Xuân Diệu rất yêu đời, rất thiết tha với cuộc sống" (ý thứ nhất) và "Thơ Xuân Diệu cũng nói lên quá nhiều chán nản hoài nghi, nhân vật trữ tình hiện diện trong thơ hết sức cô đơn" (ý thứ hai).

Về nghệ thuật thơ Xuân Diệu trước cách mạng, soạn giả khẳng định: "Tình yêu trong thơ Xuân Diệu không bị diễn tả một cách bóng gió ước lệ... mà cụ thể đầy đủ với ý nghĩa tình yêu bao gồm cả tâm hồn và thân xác".

Nhận định đánh giá nội dung và nghệ thuật thơ Xuân Diệu trước cách mạng có một nguyên nhân xã hội sâu xa và cái cội rễ cá nhân thiệt thòi của riêng ông. Ta cảm thông với ông. Nhưng ở một góc độ nào đó, hoài nghi, chán nản và cô đơn là một hạn chế. Có phải đó là nguyên nhân nảy sinh ra tư tưởng vội vàng sống gấp không. Những vần thơ: "Tay em đây mời khách ngả đầu say" (Lời Kỹ nữ) hay "Hãy sát đôi đầu, hãy kề đôi ngực. Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài. Những đôi tay hãy quấn riết đôi vai..." (Xa cách) chỉ là những hành vi ân ái của vợ chồng nơi buồng the chăn gối. Thứ tình yêu trai gái mà đến mức này là quá lắm. Vốn các em rất nhạy cảm về cái sự gần gũi trong quan hệ xác thịt mà lại học những câu thơ này chẳng khác nào xui các em ăn vụng trái cấm. Vậy theo tôi không tên trích dẫn những câu thơ ấy vào sách giáo khoa.

Còn việc trích giảng thơ Xuân Diệu, người làm chương trình chỉ cho các em học ba bài thơ tình của ông trước cách mạng là bài "Thơ duyên" (1 tiết), bài "Đây mùa thu tới" (1 tiết) và bài "Vội vàng" (1 tiết). Nếu chỉ học như thế, sẽ làm cho các em nhận thức rất sai lệch về sự nghiệp thơ Xuân Diệu. Đành rằng Xuân Diệu là ông hoàng thơ tình, nhưng ông đâu chỉ có thơ tình và nếu chỉ có thơ tình cũng không phải chỉ có thơ tình trước cách mạng. Theo tôi, nên cắt một trong ba bài thơ tình trước cách mạng này đi thay vào đó một bài thơ có nội dung yêu nước sau cách mạng của ông.

Trở lại ba bài thơ tình trước cách mạng đã và đang học. Ba bài này tiêu biểu cho hồn thơ Xuân Diệu trước cách mạng cả về nội dung và nghệ thuật. Tâm trạng cô đơn, buồn chán thất vọng bao trùm trong đó không ít. Đòi hỏi người dạy những bài này phải cứng tay, nhất là dạy bài "Vội vàng", nếu không khéo sẽ là dạy các em sống gấp, hưởng thụ gấp. Lối sống ấy rất trái với nhân sinh quan truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Đành rằng người ta sống cần phải ăn phải mặc và phải biết thưởng thức những cái hay cái đẹp của tự nhiên và xã hội Việt Nam chứ không thể sống khổ hạnh khắc kỷ đến khô héo. Nhưng không nên động viên khuyến khích tuổi trẻ hưởng thụ những cái gì ngoài khuôn khổ lứa tuổi các em.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: