Xu hướng Internet marketing từ 2010

Cuối 2008, đầu 2009, thương trường trở nên khắc nghiệt hơn khi thế giới phải trải qua khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên Internet vẫn phát triển mạnh mẽ, và tiếp thị trên internet trở thành một sự lựa chọn khôn ngoan của nhiều doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, từ đầu năm nay, một số doanh nghiệp cũng đã bước đầu khai thác hình thức tiếp thị này và cũng đã nhận được những kết quả khả quan.

Năm 2010 được dự báo là năm phục hồi trở lại của kinh tế thế giới, các công ty sẽ tiếp tục mở rộng hầu bao cho hoạt động marketing để mở đường cho giai đoạn tăng trưởng mới. Tỷ trọng đầu tư vào Internet Marketing trong tổng ngân sách tiếp thị tiếp tục được dự báo là tăng mạnh tại nhiều quốc gia phát triển.

Xu hướng truyền thông mới

Truyền thông đại chúng một chiều (từ một nguồn tin đến nhiều độc giả) sẽ bị suy giảm để nhường chỗ cho truyền thông xã hội (truyền thông đối thoại từ nhiều nguồn đến nhiều người).

Truyền thông xã hội là những sản phẩm truyền thông (tin, bài, hình ảnh, video clips...) do người dùng tạo ra và xuất bản trên Internet thông qua các mạng xã hội hay các diễn đàn, các blog... Các tin, bài này được cộng đồng mạng chia sẻ và phản hồi (bình luận) nên luôn có tính đối thoại. Đây là một xu hướng truyền thông mới khác hẳn với truyền thông đại chúng trước đây.

Năm 2009, mạng xã hội Facebook đã có hơn 300 triệu thành viên, và được coi là "quốc gia" lớn thứ 4 trên thế giới. Tại Việt Nam, Facebook cũng có hơn một triệu thành viên. Ngoài ra, một số mạng xã hội trong nước như Yume, ZingMe cũng công bố đã có hàng triệu thành viên.

Báo cáo tiếp thị công nghệ số (Digital Marketing) của ADMA (hiệp hội tiếp thị công nghệ số Châu Á) cho rằng Việt Nam hiện tại có hơn 16 triệu người dùng Internet tham gia vào truyền thông xã hội (dưới nhiều hình thức: Blog, web cá nhân, mạng xã hội...).

Năm 2010, truyền thông xã hội tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh, và cũng là một xu hướng truyền thông mới.

Xu hướng của khách hàng

Số lượng khách hàng không tăng nhanh như số lượng doanh nghiệp, sau khủng hoảng, thị trường vẫn chưa đủ lớn. Khách hàng sẽ càng ngày càng có nhiều quyền lực hơn, nhiều thông tin hơn và nhiều sự lựa chọn hơn.

Với sự hỗ trợ của Google, khách hàng sẽ tìm kiếm nhiều hơn trước khi quyết định mua hàng. Với mạng xã hội, khách hàng sẽ chia sẻ nhiều hơn sau khi họ sử dụng hàng hóa.

Xu hướng của các nguyên lý marketing

Hỗn hợp chiêu thị 4P (Product: Sản phẩm, Price: Giá cả, Place: kênh phân phối, Promotion: Chiêu thị) sau khi chuyển hóa thành 4C (Customer Solution: Giải pháp cho khách hàng, Customer Cost: Chi phí của khách hàng, Convenience: Sự thuận tiện, Communication: Truyền thông) sẽ tiếp tục thay đổi: Khách hàng có thể tham gia vào quá trình thiết kế sản phẩm, custommer solution trở thành Co-Creation (cùng sáng tạo). Chi phí của khách hàng có thể do khách hàng quyết định nên sẽ có xu hướng giá do khách hàng quyết định (như hình thức đấu giá của Ebay, bán quảng cáo đấu giá của Google Adwords...). Sự thuận tiện trên Internet không còn là các vị trí mặt tiền, các miếng đất vàng của các kênh phân phối, mà chính là các tên miền dễ nhớ, và đặc biệt là việc làm sao bạn dễ dàng được tìm ra bởi công cụ tìm kiếm. Và cũng theo xu hướng truyền thông, truyền thông sẽ là đối thoại, Communication trở thành Conversation.

Xu hướng của ngành quảng cáo

Người làm tiếp thị sẽ đòi hỏi nhiều hơn ở các nhà cung cấp về sự tư vấn, chỉ dẫn, và các công cụ đo lường hiệu quả của các chiến dịch tiếp thị.

Các đại lý quảng cáo truyền thống sẽ gặp nhiều khó khăn khi khách hàng có xu hướng xây dựng quan hệ đối tác trực tiếp với các công ty sản xuất media và các công ty truyềng thông.

Việc cung cấp các giải pháp quảng cáo trọn gói như trước đây sẽ gặp nhiều khó khăn khi tích hợp online - offline đối với các công ty quảng cáo. Các khách hàng của ngành quảng cáo cũng có thể tự mình sản xuất media và sử dụng Internet làm kênh truyền thông miễn phí cho mình.

Xu hướng phát triển của các hình thức quảng cáo trực tuyến

Tại Mỹ, 6 tháng đầu năm 2009, quảng cáo tìm kiếm chiếm 47%, Quảng cáo hiển thị chiếm 22%, quảng cáo rao vặt 10%, quảng cáo Video 7% tổng doanh thu ngành quảng cáo (phần còn lại là các hình thức quảng cáo khác như rich media, lead generation, email, tài trợ...) (nguồn IAB)

Trong khi đó, tại Việt Nam, năm 2008 theo ADMA, quảng cáo hiển thị có doanh thu 2,31 triệu USD, quảng cáo tìm kiếm có doanh thu 495.000 USD. Nghĩa là quảng cáo tìm kiếm chỉ bằng 1/5 quảng cáo hiển thị. Như vậy, nếu theo xu thế chung, quảng cáo tìm kiếm sẽ tăng trưởng mạnh hơn tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tháng 10 năm 2009, Facebook tuyên bố đã có lời từ dịch vụ quảng cáo. Như vậy quảng cáo trên mạng xã hội sẽ là một xu hướng trong 2010 trên thế giới. Đây cũng là một xu hướng mới tại Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, hoạt động marketing trên mạng xã hội sẽ không chỉ dừng lại ở quảng cáo, các công ty Việt Nam sẽ sớm gia nhập vào mạng xã hội này như là những thành viên tích cực trong năm tới.

Bên cạnh đó, với hơn 55 triệu thuê bao điện thoại đang sử dụng và việc các đại gia viễn thông Việt Nam đầu tư mạnh vào 3G, năm 2010 sẽ chứng kiến nhiều chiến dịch marketing trên điện thoại di động.

Nhìn chung, về tổng thể, các doanh nghiệp sẽ có xu hướng chuyển dịch ngân sách marketing qua Internet ngày càng nhiều hơn. Năm 2010, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư 7-10% ngân sách marketing cho tiếp thị trên Internet.

Trên đây là nhận định của chúng tôi dựa trên kết quả nghiên cứu và so sánh giữa thị trường tiếp thị trên Internet tại Việt Nam và Hoa kỳ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top