Trẻ con và những cuộc cãi vã

   Đêm đã khuya. Ánh đèn đường vàng hiu hắt chiếu sáng một góc con xóm nhỏ. Dòng sông ở Xóm Phà vẫn lặng lẽ trôi, con nước lăn tăn theo chiều sóng vỗ nhè nhẹ đưa con người ta vào giấc ngủ say sau một ngày lao động mệt nhọc. Đâu đó tiếng mèo hoang vang lên nghe như ai oán. Rồi sự tĩnh lặng của màn đêm buông xuống, im lặng như tờ, im lặng đến đáng sợ. Ngay tại con xóm phà nhỏ này, một ngôi nhà vẫn chưa ngủ.
. .
  Khi còn nhỏ, người ta hay nói tôi là trẻ con. Mà trẻ con thì có biết gì? Ấy vậy mà tôi biết hết đấy, tôi hiểu... Và vào cái đêm ấy, năm tôi lên 3 tuổi. Tôi biết, tôi nhớ: Một cái chai C2 rỗng bị ném đi, một chiếc điện thoại đời cũ bị ném vào tường: "Bốp!"... Có tiếng người cãi nhau.
  Mẹ tôi mặc chiếc đầm ngủ bạc phếch đứng trên giường nhìn xuống vẻ mệt mỏi, mái tóc đen dày xõa ngang vai, khuôn mặt bà giận dữ, cặp chân mày thưa thớt chau lại, đôi môi bặm chặt. Bố tôi cởi trần, cả người bố đỏ và run bần bật lên vì giận, ông mặc độc mỗi chiếc quần thun nhìn lên mẹ tôi. Còn tôi, một đứa bé mới lên ba cũng ngẩn ngơ cố nhìn cho được cùng một lúc cả hai con người đang bận cãi vã - một đứng trên giường, một đứng dưới đất, cái đầu nhỏ bé xoay đi xoay lại như con quay. Đó là lần đầu tiên mà tôi có thể nhớ được bố mẹ cãi nhau. Nhưng tôi đã không khóc, không có nỗi sợ hãi nào, không có chỉ là một tiếng nấc, không gì cả. Trong tôi chỉ có sự im lặng của màn đêm, sự im lặng ấy sâu thăm thẳm, như một cái hố đen nuốt chửng hết cả đi những vì sao sáng còn cứng đầu cố trụ lại trên bầu trời không mây, không trăng, không sao, đêm đã khuya rồi...
   Tôi hay coi phim truyền hình, ở đó tôi thấy có những đứa trẻ bật khóc, chúng lẩn trốn vào một góc mỗi khi ba mẹ chúng gây gỗ. Kết quả là sau này những đứa trẻ ấy lớn lên và bị ảnh hưởng tâm lý. Thấy vậy, tôi cũng hỏi mẹ:"Tại sao lúc nhỏ khi bố mẹ cãi nhau con không khóc?". Mẹ bảo lúc đó tôi còn nhỏ thì biết gì mà khóc. Lại nữa rồi, câu nói muôn đời: "chúng mày là con ních thì biết gì chuyện người lớn."
   Tôi hỏi vậy thôi chứ tôi thừa biết tôi là đứa mạnh mẽ nên tôi không thèm khóc, theo mẹ hay nói: tôi đã bị "chai" rồi. Lần đầu tiên đi học mẫu giáo: tôi không khóc, lần đầu tiên thấy bố mẹ cãi nhau: tôi cũng không khóc, thậm chí tâm hồn trẻ con ấy còn thấy có chút gì đó thích thú và phấn khích. Nhưng đó đâu chỉ là cuộc cãi vã lần đầu? Kể từ cuộc cãi vã sớm nhất mà tôi có thể nhớ được đã xảy ra nhiều cuộc cãi vã khác, chúng xảy ra một cách bất ngờ và lặt vặt. Mà tôi lại là đứa hay đi mách chuyện. Tôi nhớ rõ lắm, từng chi tiết, từng cử chỉ và tôi kể lại những cuộc cãi vã ấy một cách hứng thú cho bất cứ ai muốn nghe: ông bà ngoại, các người dì của tôi và thậm chí là cả những người hàng xóm chưa thân quen. Con nít không hiểu gì đâu, nhưng chúng nhớ rất dai, và chúng sẽ kể, chúng sẽ nói.
    Thế đấy, khi còn nhỏ, tôi nhớ nhất là những lần cãi vã, những lần tôi đi "mách lẻo".  Nhờ những ký ức ấy mà tôi hiểu chuyện rất sớm, tôi "già trước tuổi". Cho tới ngày hôm nay, tôi đón nhận những cuộc cãi vã đôi lần ấy bằng một sự sẵn sàng, tôi vẫn luôn biết, vẫn luôn hiểu. Và vẫn như ngày bé thôi, tôi đón nhận những cuộc cãi vã ấy bằng một sự im lặng đến kỳ lạ, chỉ có sự im lặng thôi, im lặng và im lặng như bầu trời đêm ngày nào ở Xóm Phà năm xưa.  Nhưng có đáng không? Sự dà dặn sớm này có đáng không khi tôi phải chật vật để kiếm một người bạn "phù hợp với lứa tuổi của mình"? Có đáng không khi để một đứa trẻ mất đi sự mơ mộng, hồn nhiên vốn có của tuổi thơ? Tôi không đổ lỗi những cuộc cãi vã kia đã khiến tôi mất đi tuổi thơ. Bởi những cuộc cãi vã ấy cũng không nghiêm trọng lắm như những gia đình sắp đổ vỡ khác và tôi thật sự đã lớn lên trong vòng tay yêu thương của bố mẹ. Dù đó không thật sự là một gia đình hoàn hảo như tôi mong muốn, nhưng có cái gì là hoàn hảo đâu? Và sự không hoàn hảo đó cũng chính là một sự hoàn hảo bởi lẽ chính chúng cũng đã một phần hình thành nên con người tôi ngày hôm nay, chính chúng đã giúp tôi trưởng thành hơn, sẵn sàng đón nhận những sóng gió cuộc đời. Dù là những cuộc cãi vã nhỏ nhặt nhất hay thậm chí là một cuộc ly hôn. Tôi đã hiểu. Và tôi sẵn sàng.
    Người lớn vẫn thường nói vợ chồng cãi nhau là chuyện bình thường. Nhưng có lẽ, chúng ta cần phải xem xét lại cái chuyện "bình thường" ấy. Liệu đó có thật sự là một chuyện "bình thường" không? Liệu chúng ta có nên bình thường hóa một chuyện như thế hay không? Và có phải những đứa trẻ nào cũng mạnh mẽ được đến ngày hôm nay như tôi không? Hay chúng cũng chỉ là những đứa trẻ trên những bộ phim truyền hình kia, cũng biết khóc, biết buồn và biết tổn thương? 
   

   

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top