Lời tác giả

Ý tưởng của câu chuyện này phát sinh từ một lần ta đọc được tác phẩm Truyện Kiều được viết thành văn xuôi do nhà sư Thích Nhất Hạnh dịch, có đoạn: "Gia đình hưởng đầy đủ phúc và lộc. Kim và Vương cứ từ từ được thăng quan tiến chức và hạnh phúc kéo dài lâu bền. Thúy Vân đảm đang hết trách nhiệm thừa kế. Nàng sinh ra một đàn con cháu khá đông đảo, từ một gốc cù mộc nở ra bao nhiêu hoa quế hoa hòe. Nếp phong lưu và phú quý của gia đình họ ai mà sánh kịp, và họ như một thửa vườn đầy xuân sắc để lại tiếng thơm cho muôn đời.

Không hiểu sao khi đọc xong, ta cảm thấy thật sự thương xót cho Thúy Vân mờ nhạt này. Ngẫm nghĩ mới bật cười, chỉ xuất hiện ở đoạn đầu và đoạn cuối, cuối cùng, không ai nhớ tới nàng ấy cả. Ngay cả tác giả khi học xong, cũng chỉ nhớ những lời nói văn chương hoa mĩ, tinh khiết thanh cao dành cho Thúy Kiều. Thúy Vân xuất hiện, dường như chỉ với mục đích, làm một chuẩn mực, để người đời dùng để so sánh tâng bốc Thúy Kiều. Từng câu từng chữ, cứ như đang nói: "Cô em gái là Thúy Vân, xin đẹp tài giỏi như thế đó, mà cô chị Thúy Kiều con tài sắc vẹn toàn hơn gấp bội!".

Chỉ vì thua kém một chút, thì nàng ấy lại phải làm một nhân vật ven đường ư? Ngay cả Kim Trọng cũng được khen ngợi hết mình, ta chỉ tự hỏi, đoạn trao duyên ấy, có gì hay để mà tâng bốc nó như một mối tình kinh thiên động địa như vậy? Đó gọi là tình nghĩa vẹn toàn ư? Hay chỉ là một cách để khiến bọn họ không bị khó xử, và người khó xử, chỉ có Thúy Vân, nhân vật chưa từng có cơ hội để lên tiếng cho bản thân mình. 

Câu chuyện này chỉ thể hiện quan điểm của riêng tác giả, nếu ai cảm thấy có điểm nào không ổn, Lăng Ca xin hoan nghênh tiếp nhận góp ý, nếu ai cảm thấy tư tưởng quá khác biệt, quá khó chấp nhận, xin các bạn hãy lẳng lặng thoát ra ngoài, đừng đọc tiếp, cũng đừng nói lời tổn thương nhau. Chỉ là trước khi rời đi, mong các bạn hãy đọc đoạn "Mở đầu", đọc chỉ để cảm nhận một nhân vật còn thua cả vai quần chúng này. 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top